Thái độ cần thiết đối với Mình Thánh Chúa.

Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến,

Kính thưa Cha, con không biết nêu chủ đề thế nào cho đúng. Con xin đi ngay vào vấn đề. Khi cho rước lễ, nếu Linh mục hay Thừa tác viên Thánh Thể đánh rơi mình Thánh, mà vì lý do chính đáng nào đó, không thể rước (consume) Bánh Thánh đó được, thì Bánh Thánh đó sẽ được đặt vào một chén nước riêng để bên cạnh nhà tạm.

Điều con xin giải đáp là:

1. Bánh Thánh đó (holy host) khi đã rã hòa trong nước có vẫn còn là Mình Thánh không?

2. Nếu vẫn còn là Mình Thánh thì phải giữ trong chén nước đó bao lâu mới được đổ đi?

Con xin chân thành cám ơn Cha. Kính thư,

Giuse Hoàng văn Phước, NSW

********

Kính thăm ông Hoàng Văn Phước. Tôi xin giải đáp các thắc mắc của ông như sau:

Thật ra, luật không qui định một hình thức hay một cách thế nhất định để cư xử hầu đáp ứng với hoàn cảnh như ông trình bày trong thư. Hoàn cảnh đó là việc "Mình Thánh bị đánh rơi (xuống đất? xuống bùn?) và vì lý do chính đáng người (hay những người) nhìn thấy không thể 'rước lấy' Mình Thánh đã đánh rơi ấy".

Luật chỉ qui định là mọi người (giả thiết là những người có đủ trí khôn để phân biệt Mình Thánh và bánh thường) phải tôn kính Mình Thánh vì đó chính là thân thể của Chúa Kitô. Giáo luật có qui định rõ ràng về thái độ bên ngoài liên hệ đến Mình Thánh trong những nghi thức phụng vụ và việc lưu trữ Mình Thánh, còn những trường hợp ngoại lệ, thì tùy sự khôn ngoan và lòng tôn kính của mọi người mà đối xử.

Ở nơi ông đang sống, có thói quen là nếu gặp hoàn cảnh như vừa nêu trên, thì đặt Mình Thánh vào một chén nước để riêng bên cạnh Nhà Tạm. Tôi xin thưa đây chỉ là thói quen tại nơi ông ở thôi, không phải luật qui định cho tất cả mọi nơi đều làm như vậy.

Để vấn đề rõ ràng hơn, tôi xin được vắn tắt phác qua vài nét của thần học tín lý về Bí tích Thánh Thể:

Bí tích Thánh Thể cần hai chất liệu (substantia) để thực hiện, đó là Bánh làm bằng bột mì tinh tuyền, không men và chưa bị hư mốc, và Rượu có pha một chút nước, rượu phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho và chưa bị hư chua. (Giáo luật điều 924 - 926)

Trong phạm vi giải đáp này, tôi chỉ đề cập đến Bánh và Mình Thánh mà thôi.

Bánh bao gồm hai thể: Bản thể và Tùy thể. Bản thể là thực chất bánh của Bánh và Tùy thể là hình thức hay mùi vị của nó (như màu trắng, hình tròn, nếm thấy vị bùi). Qua lời Truyền Phép trong Thánh Lễ Misa, Bánh trở thành (transubstantiatio) Mình Thánh.

Điều này được "thâm tín" như sau:

Sau lời Truyền phép, bản thể (bánh) trở thành Mình Chúa; còn tùy thể (tròn, trắng) của bánh không chịu một ảnh hưởng nào cả. Như thế, Mình Chúa lúc ấy vẫn có hình tròn và trắng như lúc chưa truyền phép, nhưng bánh không còn là bánh nữa mà là Mình Thánh Chúa Kitô.

Do đó, bản thể Mình Thánh của Mình Thánh chính là bản thể bánh của bánh. Khi nào bản thể bánh của bánh còn thì bản thể Mình Thánh của Mình Thánh còn. Khi nào bản thể bánh của bánh mất thì bản thể Mình Thánh của Mình Thánh cũng không còn tồn tại.

Tôi muốn nêu một thí dụ: Trong Thánh lễ, sau khi trao Mình Thánh cho giáo dân xong, trước khi tráng chén, vị linh mục nhìn thấy trên dĩa thánh có một vài "vụn" trắng nhỏ. Nếu vị linh mục ấy 'cho rằng' những "vụn trắng" ấy là bánh, thì những vụn trắng ấy chính là Mình Thánh, còn nếu vị linh mục ấy 'cho rằng' những vụn trắng ấy là bụi ở đâu đó rơi vào dĩa, thì những hạt bụi ấy không phải là Mình Thánh.

Tóm lại, Mình Thánh chỉ là Mình Thánh khi người ta, bằng mắt con người, nhận ra bản thể bánh trước đó của Mình Thánh.

Tưởng trình bày như vậy đã đủ để trả lời hai câu hỏi của ông nêu ra.

Ông Phước ơi! Vì tính cách "thần học" của vấn đề, nếu ông còn có những thắc mắc tiếp theo bài giải đáp này, tôi cũng không ngạc nhiên đâu. Nhưng nếu cần, ông cứ việc viết thư cho tôi. Thân kính.