Subdelegation
Tái ủy quyền, chuyển ủy. Là sự ủy cho người thứ ba quyền tài phán của mình, mà mình đã nhận như người được ủy quyền từ một cấp cao hơn trong Giáo hội Công giáo. Như thế một giám mục được Tòa thánh ủy quyền có thể tái ủy quyền cho một giám mục khác, linh mục khác, hay cho một giáo dân khác cũng được. Sự tái ủy quyền có thể ban cho một việc mà thôi hoặc cho nhiều vấn đề, trừ phi luật Giáo hội hoặc bản tính công việc đòi hỏi thể khác.
Subdiaconate
Chức Phụ phó tế, Chức thầy Năm. Trước đây là một trong các chức lớn, mặc dầu chức Phụ phó tế không được xem là một Bí tích. Một phụ phó tế trợ giúp cho một phó tế, và có một số trách nhiệm phụ tá khác. Chức Phụ phó tế là sự việc mở đầu cho chức Phó tế và chức Linh mục. Các phụ phó tế khấn giữ đức khiết tịnh trước khi được truyền chức. Chức Phụ phó tế được Đức Giáo hòang Phaolô VI bãi bỏ cho Giáo hội Latinh từ năm 1973
Subject
Chủ đề, đề tài, chủ thể, chủ ngữ, thuộc cấp. Trong triết học kinh viện, chủ đề là một tuyên bố hay một tuyên ngôn được công bố. Trong triết học, chủ thể là bản thể trong tương quan với các thuộc tính, chẳng hạn chủ thể hiện hữu. Trong khoa nhận thức luận, chủ thể là hữu thể nhận thức để phân biệt với điều đã được nhận thức. Trong tâm lý học, chủ thể là sức mạnh được một tập quán kiểm sóat, chẳng hạn cảm xúc sợ hãi là chủ thể của nhân đức can đảm. Trong đạo đức học, chủ thể là người có quyền hoặc người thuộc cấp dưới quyền của một cấp trên hay người lãnh đạo.
Subjective End
Mục đích chủ quan. Là sự thỏa mãn cá nhân mà một người có được, xét như là động cơ để làm (hoặc bỏ qua) một việc gì đó. Trong luân lý Kitô giáo, sự thỏa mãn cá nhân không bị loại trừ khỏi cách ứng xử của người ấy, nhưng nó không là động cơ thứ nhất hay động cơ chủ lực cho việc thực hành nhân đức. Lý do chính có thể là làm vui lòng Chúa, ngay cả khi điều người ấy muốn có thể không làm vui lòng cách chủ quan người làm điều ấy.
Subjective Morality
Luân lý chủ quan. Là sự ứng xử có trách nhiệm của một người, khi người ấy thực thi cách có ý thức thật sự một hành động, hoặc phù hợp hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn luân lý.
Subjectivism
Chủ nghĩa cá thể, thái độ chủ quan. Là quan điểm về bản tính con người và hoạt động con người, chối bỏ trật tự thực tại khách quan. Chủ nghĩa này mặc một trong ba hình thức chính. Trong triết học, chủ nghĩa cho rằng một con người không thể có sự hiểu biết trực tiếp hoặc sự xác thực về thế giới ngòai tâm trí mình. Trong thần học, chủ nghĩa cá thể cho rằng đức tin là chủ yếu kinh nghiệm riêng của mỗi người, và không là sự đồng ý tự do của tâm trí với mặc khải của Chúa. Trong luân lý, chủ nghĩa này không chấp nhận nguyên tắc hoặc qui chuẩn ứng xử nào, ngoại trừ các qui chuẩn phát sinh từ ý chí độc lập của mỗi người, vốn được cho là ngang bằng với lương tâm.
Sublime
Siêu phàm, cao cả, tuyệt vời. Là sự gì đẹp trong mức độ cao nhất. Sự tuyệt vời có thể là lớn nhất trong một hạng hoặc phạm trù nào đó, như giữa các loài hoa hoặc phong cảnh; cũng có thể là lớn nhất trong trật tự vật lý, hoặc trong trật tự luân lý. Nơi các thụ tạo cái đẹp cao cả nhất chính là tinh thần. Và sự siêu phàm trên mọi thụ tạo chính là Đấng sáng tạo. Sự Siêu phàm của Chúa được mặc khải dạy cho biết, trong khi lên án những ai thực hành thờ ngẫu tượng. Một số người quá say mê nét đẹp của thụ tạo, nên “nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp" (Kn 13:3). (Từ nguyên Latinh sublimare, lọc, thanh luyện; từ chữ sublimis, cao, đề cao.)
Subordination
Cấp dưới, sự lệ thuộc. Là cấp thấp hơn đối với cấp cao hơn, hoặc cấp dưới đối với cấp trên trong bất cứ mối quan hệ nào, nhưng chủ yếu trong sự tùy thuộc. Sự lệ thuộc bao hàm rằng phải có phẩm trật các hữu thể trong vũ trụ, và một trật tự tùy thuộc giữa nhiều người với nhau để chu toàn một mục đích đã có.
Subprior
Phó trưởng tu viện. Là vị phó được chỉ định cho vị bề trên của một tu viện. Vị này là bề trên thứ hai trong một tu viện, và là thứ ba trong một đan viện. Trong các tu viện nữ tu, cũng có chức phó trưởng tu viện.
Subreption
Giấu diếm, che giấu sự thật. Trong giáo luật, là việc giấu một sự thật trọn vẹn trong một yêu cầu vì lợi ích nào đó. Nếu yêu cầu được đồng ý, nó có giá trị miễn là các điều cơ bản được luật đòi hỏi phải được chu toàn. (Từ nguyên Latinh subreptio, ăn trộm; từ chữ subrepere, ăn trộm: sub-, dưới + repere, trườn, lén.)
Subsidiarity
Nguyên tắc phân quyền, nguyên tắc phân nhiệm. Là nguyên tắc qua đó những người nắm quyền công nhận quyền của các thành viên trong một hội; và những người cấp trên tôn trọng quyền của cấp dưới của mình.
Subsidies, Episcopal
Tiền trợ cấp giám mục. Là thuế từ giáo phận của một giám mục mà ngài có quyền. Luật thực chứng cho giám mục có quyền đặt ra một số thuế để trang trải chi phí trong chức vụ của ngài. Nổi tiếng nhất là thuế chính tòa, là thuế bình thường dồn về đức giám mục, do thẩm quyền của ngài trên mọi nhà thờ giáo phận. Thuế chủng viện được thu theo từng thời điểm qui định theo sự suy xét của giám mục, cũng là tiền trợ cấp cho giám mục. Các chi phí phát sinh trong cuộc kinh lược của giám mục được giáo xứ chi trả. Tuy nhiên, các đóng góp vào quỹ bác ái của giám mục không được xem là một thuế trực tiếp, mà là món quà tự nguyện.
Sub Sigillo
Sub Sigillo, tuyệt mật, ấn tích. Từ ngữ được dùng để xác định một vấn đề tuyệt mật không thể nói cho người khác biết được, do linh mục giải tội bị ràng buộc bởi ấn tòa giải tội.
Subsistence
Tồn tại, lập hưu. Là sự hiện hữu riêng cho một bản thể, hoặc một thực tại toàn vẹn, và không thể thông chuyển. Tồn tại là sự vẹn toàn nhờ đó một bản tính được trọn vẹn và trở nên không thể thông chuyển, nghĩa là trở nên chính nó và khác biệt với mọi hữu thể khác. Do đó là vật tồn tại khi nó có hiện hữu và tự mình hoạt động, chứ không nhờ liên kết với vật khác. Áp dụng vào Chúa là Đấng hiện hữu bằng yếu tính hoặc bằng đồng hóa với yếu tính của Ngài; là hữu thể tự mình hiện hữu và hoạt động, chứ không nhờ hữu thể khác. Từ ngữ này cũng được Công đồng chung Vatican II áp dụng cho Giáo hội Công giáo Roma, vì trong đó toàn bộ Giáo hội được Chúa Kitô thiết lập tồn tại. (Từ nguyên Latinh subsistentia, hữu thể tự sinh sống; subsistere, ở lại; đứng dưới.)
Substance
Bản chất, bản thể. Là một hữu thể mà yếu tính đòi hỏi rằng nó phải tự hữu trong chính nó. Nó là một ens per se (hữu thể tự thể) hoặc một ens in se (hữu thể tự tại). Bản thể thường được phân biệt với tùy thể, vì yếu tính của tùy thể hiện hữu trong cái khác, đó là trong một bản thể. (Từ nguyên Latinh substantia, nguyên lý, nền móng.)
Substantial
Thuộc bản thể, quan trọng, chủ yếu. Là thuộc về bản thể hơn là tùy thể, hoặc giản lược vào phạm trù bản thể. Như vậy việc truyền phép Bánh và Rượu tạo ra một sự thay đổi bản thể, gọi là biến đổi bản thể.
Substantial Error
Sai lầm quan trọng. Trong vấn đề hợp đồng, là sự vô tri hoặc sự phán đoán sai lầm về một bản tính quan trọng, từ ngữ quan trọng, hoặc động cơ chính của đối tượng hợp đồng.
Substantial Presence
Hiện diện bản thể. Là cách thức Hiện diện Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, “theo cách thức của bản thể,” như được Công đồng chung Trent dạy. Điều này có nghĩa là Chúa Kitô đầy đủ hiện diện trong mỗi phần của Bánh thánh, tương tự với sự hiện diện của toàn thể bản thể của vật, như linh hồn trong mọi phần của thân xác.
Subtility
Tính tinh diệu. Là phẩm tính của một thân xác vinh hiển, mà thánh Phaolô gọi là “thiêng liêng hóa.” Tuy nhiên, từ ngữ này không được quan niệm như là một sự biến đổi của thân xác thành tinh thần, hoặc sự tinh luyện thành một bản chất thiêng liêng. Nguyên mẫu là thân xác phục sinh của Chúa Kitô, vốn chỗi dậy từ ngôi mộ kín và cửa đóng không vào được. Nền tảng của tính tinh diệu nằm trong sự thống trị hoàn toàn của linh hồn vinh hiển trên thân xác.
Succentor
Succentor, phó lĩnh xướng. Là người trợ lý của người lĩnh xướng, người chỉ huy ca đoàn khi hát.
Suffering
Khổ đau. Là kinh nghiệm không thú vị của linh hồn, phát sinh với sự hiện diện của sự dữ hoặc thiếu sự lành nào đó. Mặc dầu thường đồng nghĩa với nỗi đau (pain), khổ đau là một phản ứng với nỗi đau, và trong nghĩa này đau khổ là một yếu tố quyết định trong linh đạo Kitô giáo. Nói một cách tuyệt đối, khổ đau là khả hữu bởi vì chúng ta là thụ tạo, nhưng trong trật tự hiện nay của việc Chúa Quan phòng, khổ đau là kết quả của tội đã đi vào thế giới. Tuy nhiên, mục đích của khổ đau không là đền sự làm sai, nhưng giúp người tín hữu dâng lên Chúa một sự hy sinh để ca ngợi quyền của Chúa trên mọi thụ tạo, để kết hiệp với Chúa Kitô trong các khổ đau của Chúa, như là sự diễn tả lòng yêu mến, và trong tiến trình trở nên giống Chúa Kitô hơn, là Đấng luôn có niềm vui nhưng đã chọn Thánh giá, và vì thế “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Giáo Hội" (Cl 1:24). (Từ nguyên Latinh sufferre, chịu đựng: sub-, từ dưới lên + ferre, mang.)
Sufficient Grace
Ơn túc dụng, túc sủng. Là ơn hiện sủng được xem xét tách khỏi hiệu quả siêu nhiên, mà vì đó ơn được ban. Vì vậy nó có nghĩa là ân sủng không gặp được sự cộng tác thích ứng về phía con người, và lúc ấy nó chỉ còn là ơn túc dụng. Ơn này là đủ để giúp một người thực thi một hành động sinh ích cứu độ, nhưng người ấy từ chối cộng tác. Hoặc nó là một ân sủng trao cho một người quyền hoàn thành một hành động sinh ích cứu độ, để phân biệt với ơn hữu hiệu, vốn bảo đảm rằng một hành động sinh ích cứu độ được hoàn thành.
Sufficient Reason
Lý do đủ. Là sự giải thích khách quan thích hợp và cần thiết về lý do một vật hiện hữu, hoặc lý do một điều là đúng thật.
Sufficient Sorrow
Sự ăn năn tội vừa đủ. Là sự ăn năn vừa đủ cho các tội đã phạm, để được sự xá giải hiệu lực trong bí tích giải tội. Là sự ăn năn tội vừa đủ nếu một người sám hối vì sợ Chúa trừng phạt mình, vì phạm tội trọng là sợ mất thiên đàng và đáng xuống hỏa ngục.
Suffr
Suffr, Suffragia--Kinh hoặc lễ cầu cho người qua đời; lời cầu với các thánh.
Suffragan
Giám mục thuộc giáo tỉnh (hạt). Là mối tương quan được diễn tả giữa một giám mục và tổng giám mục của ngài. Là Giám mục thuộc hạt, một giám mục cần tỏ lòng tôn kính ưu tiên, ngay cả tại giáo phận của mình, cho tổng giám mục này. Nhưng trong việc quản lý giáo phận mình, một giám mục là độc lập với thẩm quyền của tổng giám mục. Cùng với các giám mục khác thuộc hạt, một giám mục có quyền bình đẳng trong bầu phiếu tại các hội đồng giáo tỉnh, được tổ chức dưới sự chủ tọa của đức tổng giám mục.
Suffrages
Kinh hoặc lễ cầu cho người qua đời. Là kinh nguyện qui định hay được hứa cho các ý chỉ đặc biệt. Đặc biệt hơn, các việc này là Thánh lễ, đọc kinh, hoặc hành vi đạo đức được dâng cho linh hồn người qua đời được nghỉ yên trong Chúa.
Suicide
Tự tử, tự sát. Là sự cố ý tự giết mình theo quyền riêng của mình. Đây là một tội trọng vì chống lại luật tự nhiên và luật mặc khải. Tự tử vi phạm giới răn “Chớ giết người.” Tội này gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ích xã hội và vi phạm đức ái đối với chính bản thân. Chúa là người chủ tối cao và độc quyền của mọi sự, do đó việc sử dụng quyền sở hữu trên sự sống là thuộc về Chúa mà thôi. Chỉ có Ngài mới có quyền lấy đi sự sống con người khi nào Ngài muốn. Người nào trực tiếp cất đi mạng sống của mình là vi phạm quyền của Chúa. (Từ nguyên Latinh sui, bản thân + cidium, giết chết.)
Sui Generis
Sui Generis, đặc thù, độc nhất. Là một người nào, một sự kiện nào, một chuyện gì là khác thường hay khác lạ. Nhưng chủ yếu nói về Chúa là Đấng độc nhất tuyệt đối.
Sui Juris
Sui Juris, tự lập, trưởng thành. Là thuộc về chính mình. Do đó, là bất cứ người nào hoặc hữu thể nào có cùng đích riêng và quyền riêng. Hữu thể này có sự hiện hữu độc lập thật sự và hợp pháp (theo pháp lý), không được sở hữu bởi bất cứ hữu thể nào khác, ngọai trừ Chúa.
Sulpicians
Tu hội Xuân Bích. Là một tu hội của các linh mục giáo phận, được Abbé (linh mục) Olier thành lập năm 1642, chủ yếu để đào tạo các linh mục. Danh từ này phát sinh từ trụ sở của tu hội tọa lạc tại St. Sulpice (Xuân Bích), Paris, Pháp. Tên gọi chính thức là Tu hội Linh mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice.) Được phê chuẩn lần đầu năm 1664, Tu hội được Tòa thánh chuẩn y chính thức năm 1931. Linh đạo đặc trưng của Tu hội là cổ vũ sự từ bỏ nội tâm cá nhân để “sáp nhập” hoàn tòan vào tâm tư nội tâm của Chúa Kitô
Summa Contra Gentiles
Tác phẩm Summa Contra Gentiles (Tổng luận trả lời lương dân.) Là tác phẩm minh giáo quan trọng của thánh Tôma Aquinas, viết từ năm 1258 đến năm 1261. Mục đích tác phẩm là nhằm thuyết phục lương dân hãy tin tính cách hợp lý của đức tin Kitô giáo. Trước hết, thánh nhân đưa ra các chân lý mà một mình lý trí có thể khám phá được, rồi đến các chân lý cao hơn, bắt đầu với luân lý, và cuối cùng là các mầu nhiệm lớn, vốn không thể chứng minh bởi lý trí, nhưng rất phù hợp với lý trí và có thể hiểu được rõ.
Summae
Summae, Tổng luận. Là tên gọi các chuyên khảo tòan diện trong thần học và triết học, được viết trong thời đầu và thời cuối Trung cổ. Tác giả các tổng luận này được gọi là summist (tổng luận gia, tiếng Latin summa, bản tóm tắt). Trong số các tổng luận nổi tiếng, có Sic et Non, của Phêrô Abelard (1079-1142); Libri Quattuor Sententiarum, của Phêrô Lombard (1100-60); Summa Sententiarum, của Hugo of St. Victor (1096-1141); Summa Aurea, của William of Auxerre (d. 1231); Summa Universae Theologiae, của Alexander of Hales (1170-1245) và các môn sinh dòng Phanxicô; Summa de Creaturis, của thánh Albert Cả (1200-80); Summa contra Gentiles và Summa Theologica, của thánh Tôma Aquinas (1225-74).
Summa Theologica
Summa Theologica, Bộ Tổng luận Thần học. Là một tổng hợp giáo lý quan trọng trong thần học Công giáo, do thánh Tôma Aquinas (1225-74) viết. Phương pháp được sử dụng là áp dụng triết học Aristote trong việc giải thích có hệ thống và hợp lý các tín điều và luân lý, mà không thay đổi chủ yếu giáo huấn truyền thống của Giáo hội. Chủ đề trung tâm của tác phẩm là Chúa được nhìn dưới ba khía cạnh: 1. Chúa là một Hữu thể, không chỉ trong chính Chúa mà còn ở ngoài bản thân Chúa, Chúa là nguồn gốc của mọi sự; 2. Chúa được nhìn như chính Chúa, nghĩa là như cứu cánh của mọi loài thụ tạo, nhất là thiên thần và loài người; 3. sau cùng Chúa được nhìn như là Đường đưa con người đến với Chúa, không phải là một nhân loại trừu tượng, mà là nhân lọai sa ngã cần có Chúa nhập thể đề cứu độ họ.
Summum Bonum
Summum Bonum, Đấng Chí Thiện. Từ ngữ áp dụng cho Chúa như là đối tượng của các khát vọng cao cả nhất của con người, và sự thực hiện mọi mong ước. Do đó Chúa là đối tượng của hạnh phúc viên mãn.
Sum. Theol.
Sum. Theol., Bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologica) của thánh Tôma Aquinas.
Sunday
Chủ nhật, Chúa nhật. Là ngày thứ nhất của một tuần lễ. Từ thời Tân Ước ngày này thay thế cho ngày Sabbath (Sa-bát) của người Do thái (Cv 20:7; I Cr 16:2). Thánh Gioan gọi đó là Ngày của Chúa, và sau đó ngày này được Giáo hội Tây phương dịch ra là Dominica (Chúa nhật.) Lý do trực tiếp để thay ngày Sabbath bằng ngày Chủ nhật là nhằm tưởng niệm việc Chúa Kitô sống lại từ kẻ chết. Chủ nhật cũng trở thành ngày ghi nhớ việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong lễ Ngũ tuần. Ngoài ra, mục đích nguyên thủy của ngày Sabbath vẫn là một ngày nghỉ ngơi theo phụng vụ để nhớ đến Chúa là chủ muôn lòai. “Nhưng Đức Chúa đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh" (Xh 20:8-11).
Sunday (Biblical)
Chủ nhật theo Kinh thánh. Là ngày thứ nhất của một tuần lễ. Người Do thái trở lại đạo Công giáo tiếp tục giữ ngày thứ bảy như là ngày Sabbath (Sa-bát), là ngày đầu tiên trong việc tưởng niệm Sự Phục sinh của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhưng khi ảnh hưởng Do Thái giáo giảm xuống cùng với sự phát triển của Giáo hội, Chủ nhật trở thành ngày thánh. Ảnh hưởng của thánh Phaolô là khá mạnh trong việc thay đổi này (I Cr 16:1-2). Danh từ “Ngày của Chúa” xuất hiện lần đầu tiên trong sách Khải huyền (Kh 1:10).
Sunday Observance
Giữ ngày Chủ nhật. Là luật Công giáo, tương đương với luật giữ ngày Sabbath (Sa-bát) của Do thái giáo. Nói chung, Giữ ngày Chủ nhật có nghĩa là tham dự Thánh lễ và kiêng việc xác.
Sunday Rest
Nghỉ ngơi ngày Chủ nhật. Là kiêng làm việc xác như việc nặng, việc tư pháp và buôn bán trong ngày chủ nhật. Mục đích tôn giáo của việc nghỉ ngơi ngày Chủ nhật là nhằm tưởng niệm việc Chúa Kitô sống lại vào ngày chủ nhật Phục Sinh, và việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vào ngày chủ nhật Hiện Xuống, cho phép các tín hữu lấy ngày đầu của một tuần lễ làm một ngày vui mừng và miễn làm việc xác, và giúp họ cử hành Thánh lễ một cách xứng hợp. “Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chủ Nhật, bởi vì ngày Chủ Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ" (Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về phụng vụ thánh, V, 106). Các ngày lễ buộc cũng là các ngày nghỉ ngơi và kiêng việc xác.
Superchurch
Siêu Giáo hội. Là từ ngữ áp dụng cho một mục tiêu dự phóng trong đạo Tin lành, nhằm hợp nhất các phái tôn giáo chia rẽ. Tiền đề nền tảng của nó là điều gì chia rẽ quá nhiều giáo phái Tin lành là ít quan trọng hơn các lợi ích phát sinh từ sự hiệp nhất ở diện rộng.
Superior
Bề trên, cấp trên. Là người có quyền trên các người khác trong Giáo hội Công giáo. Có hai hạng bề trên, thích ứng với hai lọai phẩm trật có quyền bính, đó là Giáo hội và Dòng tu. Cả hai có thể kết hợp trong chỉ một người, nhưng thật sự là khác hẳn nhau. (Từ nguyên Latinh superus, đứng trên, trên; từ chữ super, trên, ở trên.)
Superior, Ecclesiastical
Bề trên Giáo hội. Là một thành phần của phẩm trật Giáo hội Công giáo, có quyền tài phán thông thường hay được ủy thác trong Giáo hội. Bề trên Giáo hội cao cấp nhất là Đức Giáo hòang, Ngài có thẩm quyền trên toàn thể Giáo hội, rồi đến đến các Hồng y, Tổng giám mục, và Giám mục, có thẩm quyền trên các tín hữu trong lãnh thổ của các vị coi sóc; và cuối cùng những người có chức thánh được giao phó nhiệm vụ coi sóc các linh hồn, phù hợp với chức vụ trong Giáo hội mà họ nắm giữ.
Superior, Religious
Bề trên Dòng. Là người quản trị một cộng đòan tu sĩ. Quyền của các vị được qui định trong hiến pháp của Hội Dòng, và trong luật chung của Giáo hội. Mọi Bề trên Dòng có quyền cai trị với bề dưới, nghĩa là các vị có quyền chi phối hành vi của những người trong cộng đoàn. Trong Dòng giáo sĩ miễn trừ, Bề trên Dòng cũng có quyền tài phán của Giáo hội.
Supernatural Contemplation
Chiêm ngắm siêu nhiên. Là việc nâng tâm trí lên cùng Chúa và sự thiên linh, được kết hợp trong một trực giác yêu mến về điều được nhìn ngắm. Đó là tâm trí nghỉ ngơi bên Chúa và nếm hưởng niềm vui hạnh phúc của Chúa. Mặc dầu vẫn còn ở trong thực tại của đức tin, chứ không trong phúc kiến thiên đàng, nó là một trực giác về Chúa là Chân lý được kết thúc trong tình yêu mến, lọai trừ các lý luận dong dài và vô số từ ngữ như trong cầu nguyện cảm tính. Thánh Teresa nói về chiêm ngắm này như là Chúa đang hành động trong tâm trí con người một cách đặc biệt.
Supernatural Courage
Đức can đảm siêu nhiên. Là nhân đức dũng cảm được Chúa phú vào linh hồn cùng với ơn thánh hóa. Là một nhân đức siêu nhiên, nhân đức này cần có, để thi hành điều Chúa truyền dạy (lệnh truyền) hoặc khuyên nhủ (lời khuyên) tín hữu phải làm.
Supernatural End
Mục đích siêu nhiên. Là mục đích hoặc sự thiện cần phải tìm và nó vượt quá nhu cầu, sức mạnh, và xu hướng của bản tính con người. Mục đích này chỉ có thể thực hiện bởi ơn Chúa, trong việc nâng bản tính con người lên trên mức hiện hữu của mình, và trong việc giúp cho hoạt động của con người vượt trên mức hoạt động bình thường của mình.
Supernatural Merit
Công đức siêu nhiên. Là một hành vi tốt về luân lý được thực thi bởi một người trong tình trạng ân sủng, và đáng được Chúa thưởng công.
Supernatural Order
Trật tự siêu nhiên. Là toàn bộ định mệnh trên trời và mọi phương thế Chúa thiết lập để đạt tới định mệnh đó, vốn vượt quá mọi sức mạnh và khả năng thuần túy của bản tính con người.
Supernatural Revelation
Mặc khải siêu nhiên. Là việc Chúa thông truyền chân lý, trong đó cách thức thông truyền hoặc nội dung thông truyền là vượt quá khả năng của bản tính con người đế đạt tới. Như thế mặc khải có thể là siêu nhiên trong nguồn khách quan, vốn là cao hơn so với vũ trụ để kể một cách tự nhiên về Đấng Tạo Thành, và cũng là siêu nhiên trong các khả năng chủ quan, qua đó một người có được điều Chúa muốn mặc khải. Mặc khải cũng là siêu nhiên trong yếu tính của nó, chẳng hạn khi Chúa mặc khải các mầu nhiệm như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập thể. Mặc khải này cũng có thể là siêu nhiên, hoặc nói đúng hơn là luôn luôn siêu nhiên, trong cách thức Chúa chọn để tự thông truyền mình với nhân lọai. Mặc khải này tham dự vào sự soi sáng lạ lùng cho người thấu thị, khi người này làm người đại diện Chúa, để chia sẻ với các người khác điều Chúa đã thông truyền cách siêu nhiên cho người ấy. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, sự chấp nhận mặc khải đòi hỏi sự qui tụ các ơn siêu nhiên, để giúp cho một người tin vào Chúa.