Ngày 02-01-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Sau Lễ Hiển Linh 3.1.2010
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
02:06 02/01/2010
Thứ hai sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Mt 4,12-17.23-25

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa yêu trần gian nên đã mang lấy thân phận con người. Chúa đến để tìm kiếm những gì đã mất, để phục hồi những gì đã bị thương tổn bởi tội của Adam. Chúa đến để mời gọi chúng con quay trở về với Chúa. Chúa giúp chúng con trở về với tình trạng ban đầu là tình trạng ân sủng, không bị thương tổn do tội lỗi gây ra.

Tình thương của Chúa dành cho chúng con như người mục tử tìm kiếm con chiên lạc. Chúa yêu quý chúng con hơn mọi loài đến nỗi có thể đánh đổi tất cả như người phụ nữ đã vui mừng tìm được đồng bạc đã mất. Vì Chúa đến không phải để kêu gọi người công chính mà là vì người tội lỗi. Chúa không muốn ai phải hư vong. Chúa muốn mọi người đều được hưởng sự sống bất diệt bên Chúa.

Chúng con xin cảm tạ tình thương Chúa. Xin cho chúng con biết trở về với Chúa qua hành vi sám hối. Sám hối để dừng lại những lối đường tội lỗi mà chúng con đã mở ra vì đam mê xác thịt, vì tham lam danh vọng. Sám hối để chúng con sửa chữa lại những rạn nứt của tình người mà chúng con đã gây ra. Xin giúp chúng con biết thực lòng quay trở về với Chúa. Xin cho chúng con được ơn hoán cải để thay đổi cách sống cho phù hợp với tin mừng của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn sống đời đời. Xin giúp chúng con đừng vì những đam mê thấp hèn mà xa lìa sự sống đời đời là chính Chúa. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Mc 6,34-44

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể !

Tình yêu Chúa thật bao la vô bờ. Trái tim Chúa luôn nhạy cảm trước nhu cầu của nhân loại. Năm xưa Chúa đã chạnh lòng xót thương đoàn người lam lũ bơ vơ, không người chăn dắt. Chúa đã quy tụ họ lại, giảng dạy cho họ và Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ.

Lạy Chúa, chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá, mà Chúa đã biến hóa nhiều thật nhiều đến nỗi phân phát đầy đủ cho trên năm ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư đầy. Chúa thật là Thiên Chúa, đầy quyền năng. Chúng con xin tán dương Chúa. Đây là một sự kiện chứng tỏ lòng yêu thương nhân hậu của Chúa đối với nhân loại. Chúa luôn quan tâm săn sóc cuộc sống của con người từ vật chất đến tinh thần. Những người được Chúa nuôi ăn năm xưa, là những người nghèo khổ, họ đói khát cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ nhiệt thành đi theo Chúa để nghe Chúa giảng dậy và họ được Chúa bồi dưỡng không chỉ bằng lời Chúa mà con được Chúa ban cho của ăn dư đầy.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con tin rằng, nguồn lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng con hôm nay, đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa chính là Đấng tác tạo nên chúng con, là sức sống của chúng con, là nguồn cậy trông, là tình yêu vô bờ bến. Chúa đã hiện diện trong phép Thánh Thể để nói lên lòng Chúa yêu thương chúng con biết bao. Cũng như ngày nào năm xưa, tình yêu ấy được ban phát cho năm ngàn người đi theo Chúa, bên Chúa họ được no đầy phần hồn cũng như phần xác. Tình yêu đó vẫn tiếp tục đong đầy cho cuộc đời cho chúng con hôm nay. Xin cho chúng con được no đầy ân phúc của Chúa. Chúng con hứa sẽ cố gắng sống theo ý Chúa, và biết tìm đến với Chúa, để bên Chúa chúng con mãi mãi được no say tình Chúa như họ. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Mc 6,45-52

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã xuống thế làm người để giao hòa trời với đất. Chúa đi vào trần gian để gieo hạt giống Nước trời giữa nhân loại chúng con. Chúa đến trần gian để ban nguồn ơn cứu độ và bình an, hạnh phúc cho muôn loài thọ tạo. Xin giúp chúng con luôn vững lòng cậy trông vào Chúa dù bước đi trong những khó khăn của giòng đời.

Lạy Chúa, cuộc đời con người thường được ví như cuộc ra khơi đầy sóng gió. Con thuyền cuộc đời cứ chòng chành khiến chúng con sợ hãi muốn buông trôi theo vòng xoáy của tiền tài, danh vọng hay lạc thú. Có biết bao sự dữ bủa vây tư bề, tưởng như Chúa đã bỏ rơi chúng con. Có biết bao nỗ lực đến vô vọng trước bao nguy khốn, khiến chúng con đánh mất niềm tin nơi bản thân. Xin Chúa hãy giúp chúng con tin tưởng vào tình thương của Chúa, Một tình thương bền vững như lời Chúa đã từng nói: “cho dù cha mẹ có bỏ con, nhưng tình Chúa sẽ theo con suốt cuộc đời”. Xin giúp chúng con đừng bao giờ tuyệt vọng trước những sóng gió cuộc đời, nhưng luôn hy vọng vì một ngày mai tươi sáng mà Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu trong cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, các môn đệ Chúa năm xưa đã khó nhọc khi phải chèo chống một mình. Nhưng khi có Chúa, sóng gió im lặng. Thuyền đến bến bình an. Xin cho chúng con biết nương tực vào Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật lễ Chúa hiển linh

Lc 4,14-22a

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin thờ lạy và ngợi khen Chúa. Chúng con thật cảm động vô cùng, vì Chúa là một vì Thiên Chúa cao sang quyền thế, lại tự nguyện đến ở với loài người chúng con. Tự chọn cho mình một cuộc sống khó nghèo hơn chúng con. Sinh ra trong cảnh đơn nghèo và dành trọn cuộc đời sống cho người nghèo và vì người nghèo.

Hôm nay Chúa vào hội đường, không phải để rao giảng nhưng để lắng nghe lời các ngôn sứ nói lên ý định của Chúa Cha. Chúa sai tôi loan báo tin mừng cho người nghèo khó, băng bó vết thương cho những người sầu khổ, tật nguyền, loan tin mừng cứu độ đến cho muôn người. Thực vậy, Chúa đã đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn. Chúa đã dùng cuộc đời mình để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người. Chúa đã khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại chúng con. Chúng con xin tri ân và ngợi khen Chúa. Xin Chúa hãy giúp chúng biết bước theo chân Chúa để ra đi xây dựng cho thế giới này ngày một tốt hơn. Cho đói nghèo, dịch bệnh không còn là nỗi lo sợ trên cuộc sống của con người. Cho hoa công lý nở rộ khắp muôn nơi. Cho tình con người luôn liên kết với nhau hầu cùng nhau xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn.

Chúng con đang sống trong Năm Thánh cho dân Chúa Việt Nam, xin giúp chúng con biết sống thánh trong đời sống của mình để giới thiệu một vì Thiên Chúa thánh thiện và đầy yêu thương cho nhân thế. Xin dùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, dẫn đưa Hội Thánh Việt Nam ra đi loan báo Tin Mừng, cách thích hợp trong thời đại mới. Xin dẫn bước chúng con trên khắp nẻo đường trần gian, để rao giảng tin mừng cứu độ bằng tất cả đời sống, và hướng cuộc lữ hành dương thế của chúng con, tiến về thành đô ánh sáng trên trời. Xin cho các môn đệ của Chúa được tỏa sáng nhờ biết yêu thương những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức. Xin cho họ biết liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống đời bác ái yêu thương. Xin cho họ biết khoan dung với mọi người hầu chính họ cũng được hưởng lòng Cha tha thứ khoan dung. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Lc 5,12-16

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Chúa đã mang tình yêu đến để chữa lành những thương đau, tật nguyền cho nhân thế. Tình yêu Chúa đã hồi phục nhân phẩm, địa vị của những con người bất hạnh, hèn kém do đói khổ, tật nguyền. Chúng con xin dâng lên Chúa tâm hồn và thân xác chúng con. Xin Chúa thương gìn giữ hồn xác chúng con mãi vẹn tuyền.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời thường “có bệnh vái tứ phương”. Kẻ có bệnh thường hoang mang lo lắng và mong cho tìm gặp thầy gặp thuốc. Chúng con xin dâng lên Chúa những ai đang đau khổ vì bệnh tật, những ai đang thất vọng vì cơn bệnh kéo dài. Xin tình yêu Chúa chạm đến thân xác họ và ban bình an cho hết thảy những ai đang mang gánh nặng nề của bệnh tật. Xin Chúa là Đấng đến để phục hồi những gì đã hư mất, xin phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhận. Xin thương cho mọi người tìm được niềm an vui nơi lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, những người bệnh năm xưa đã vui mừng khi được Chúa xót thương chữa lành, họ đã hết lòng ca ngợi Chúa. Xin cho chúng con biết ca ngợi Chúa mỗi ngày khi nhận ra ân huệ sự sống là quà tặng vô song mà Chúa đã tặng ban cho chúng con. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật Chúa hiển linh

Ga 3,22-30

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng lớn lao vô cùng nhưng lại chọn nhập thể trong thân phận mong manh của kiếp người. Chúa là Đấng quyền uy vô cùng lại chọn sự khiêm nhường yếu đuối trong vóc dánh của hài nhi nhỏ bé. Chúa đã sống nhỏ bé, khiêm nhường để dạy chúng con biết tự hủy chính mình để nên một với tha nhân. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa để biết tự hủy mình đi để sống hài hòa với tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời thánh Gioan thật đẹp. Cái đẹp hệ tại là ngài ý thức mình chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của Chúa. Tựa như ánh trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Thánh Gioan đã khiêm nhu nhận mình chẳng là gì trước mặt Chúa, và chỉ mong Chúa được lớn lên còn mình thì nhỏ bé đi. Chúa được tỏa sáng còn mình thì lu mờ đi. Xin cho chúng con cũng biết nhỏ lại trong những khuynh hướng xấu làm mất vẻ đẹp của hình ảnh Chúa. Xin cho chúng con biết nhỏ lại trong những đam mê, ích kỷ của mình để nhờ đó chúng con phản chiếu sự thánh thiện tinh tuyền của hình ảnh Chúa.

Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng soi dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết phản chiếu sự thánh thiện, yêu thương và bác ái trên muôn mọi nẻo đường chúng con đi. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Ánh sao cho đời
Ts Hai Tê Miệt Vườn
07:03 02/01/2010
ÁNH SAO CHO ĐỜI

Đời anh là “một ánh sao”,
Dẫn đường đưa lối cho bao người đời.
Thế nhân trở lại làm người,
Đúng theo phong cách Ngôi Lời hoá thân.
Nhờ anh luôn biết thực hành,
Giới răn bác ái chân thành vị tha.
Điều này đi đúng ý Cha,
Ngài mong nhân thế sống ra con người.
Ngõ hầu hưởng được cuộc đời,
Toàn chân thiện mỹ tuyệt vời đẹp xinh.
Đây là một cuộc tái sinh,
Do Con Thiên Chúa giáng sinh làm người.
Mọi người kết thúc cuộc đời,
Bước vào cõi sống rạng ngời vinh quang.

“ Giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời’ (Pl 2,15)
Chúa nhật lễ Chúa Hiển linh 03/01/2010
 
Sự hy sinh cao cả
Jos. Tú Nac, NMD
07:51 02/01/2010
Đó là một ngày thường tại trường Đại học Hồi giáo Quốc tế. Bên học khu nữ của trường đại học, hàng trăm cô gái tập trung bên trong và xung quanh nhà hàng tự phục vụ. Đây là một căn phòng lớn nơi mà các nữ sinh viên tập trung hàng ngày để dùng bữa của họ. Ngày hôm ấy không như mọi ngày. Căn phòng đông đúc những cô gái đang nói chuyện và ăn uống. Sau đó có một tiếng nổ đột ngột. Tiếng nổ đã làm vỡ tung những cửa sổ và cửa ra vào. Nó gây sự hoảng loạn – mọi người chạy kêu thất thanh từ nhà ăn tự phục vụ.

Hôm ấy, vào tháng Mười năm 2009, bốn người vô tội đã thiệt mạng.

Pervez Masih là nhân viên bảo vệ trưởng Đại học Hồi giáo Quốc tế. Anh ta lau chùi, quét dọn những tòa nhà. Và anh ta tuân thủ những điều thuộc luật lệ lao động nghiêm túc. Masih thất học. Anh ta chẳng kiếm được bao nhiêu tiền với công việc của mình. Anh ta là một công nhân mới tại trường đại học. Thực ra, khi vụ đánh bom xảy ra, Masih chỉ mới làm việc chưa được một tuần. Tuy thế, ngay cả trong thời gian ngắn ngủi này, nhiều người đã chú ý đến bản tính của Masih. Một công nhân của trường đại học đã nói với DAWN những thông tin vệ Masih.

“Anh ta là một người rất đơn giản, bởi bản tính, anh ta hoàn toàn khác với những công nhân khác của trường đại học.”

Con người đơn giản này đã tạo ra một sự hy sinh đáng bất ngờ ngạc nhiên vào ngày 20 tháng Mười, năm 2009. Một sự hy sinh mà đã cứu được mạng sống của hàng trăm nữ sinh viên.

Ngày tháng Mười hôm ấy, một người đàn ông đi vào trong học khu nữ của trường Đại học Hồi giáo Quốc tế. Hắn không hề nghĩ đến những gì ở đó. Hắn đến với những lý do bất chính. Người đàn ông này mặc y phục phụ nữ. Toàn thân hắn phủ một màu đen từ đầu đến chân. Áo truyền thống của phụ nữ Hồi giáo che cả người và mặt gọi là ‘burka’. Một người bảo vệ an ninh, tên Mohammad Shaukat, đã lưu ý người đàn ông này. Shaukat đã nhận thấy rằng một điều gì đó không ổn. Một vài sinh sinh viên không đáng kể tải trường đại học mặc ‘burka’. Thế nên, ông ta đi lại gần người đàn ông mặc ‘burka’ này. Bất thình lình, hắn bắn Shaukat.

Pervez Masih đã chứng kiến những gì xảy ra. Anh đã nhận ra rằng người đàn ông này đến để gây những điều tai hại. Nên anh đã chạy đến trước người đàn ông này. Anh nói với người đàn ông này không được phép vào nhà hàng tự phục vụ của những nữ sinh viên. Hai người này đã cãi vã nhau. Masih đã cản trở người đàn ông này không cho vào nhà ăn nữ. Ngườ đàn ông này đã bất thình lình cho nổ bom giấu trong ‘burka’. Kẻ tấn công bom thí mạng và Masih đã chết ngay tại chỗ. Hai nữ sinh viên khác cũng đã thiệt mạng. Nếu như Masih không giữ người đàn ông đó bên ngoài nhà hàng ăn uống, sẽ còn nhiều người đã thiệt mạng.

Hai sinh viên từ trường đại học đã cho cơ quan tin tức CNN biết. Một sinh viên, tên Afsheen Zafa nói,

“Nếu anh không ngăn chặn kẻ tấn công, hẳn còn nhiều, rất nhiều tử vong và thiệt hại.”

Một sinh viên khác tên Sumaya Ahsan nói,

“Đối với chúng tôi, giờ đây, anh là một anh hùng bởi anh đã cứu sự sống của chúng tôi và của bạn bè chúng tôi.”

Masih đã hành động với lòng can đảm cao cả. Anh là một anh hùng. Tuy nhiên, anh là một anh hùng không tưởng. Anh ta không phải là nhân viên bảo vệ an ninh như Shaukat. Công việc của Masih chỉ là lau dọn. Anh cũng chẳng quen biết những người ở trường Đại học nhiều gì cho lắm. Anh cũng không bao giờ gặp những người mà anh đã cứu mạng sống của họ.

Masih cũng chẳng phải là tín đồ Hồi giáo như những người trong Đại học này. Anh là một ki-tô hữu. Ở Pakistan, có một thiểu số là người Ki-tô giáo. Hầu hết những người Ki-tô giáo đều nghèo khổ. Và những mối quan hệ giữa người Ki-tô giáo và những người Hồi giáo không gì là tốt đẹp. Sự kiện một Ki-tô hữu đã hy sinh để cứu những người Hồi giáo đã làm nhiều người phải ngạc nhiên. Giáo sư Fateh Muhammad Malik đã nói với CNN,

“Masih đã bước qua những rào cản của giai cấp xã hội, tôn giáo và khủng bố. thậm chí sự sống của một Ki-tô hữu, anh đã hy sinh sự sống của mình để cứu những cô gái Hồi giáo.”

Thế nhưng, nhiều người Công giáo nói rằng sự hy sinh của Masih không lấy gì làm ngạc nhiên. Họ nói rằng nó thể hiện bóng dáng đức tin của anh. Là một Ki-tô hữu, Masih đã tin rằng Chúa giê-su Đấng Cứu Độ là Chúa Trời. Thực ra, tên của Masih trong tiếng Ả Rập có nghĩa là ‘Messiah’. Những Ki-tô hữu tin rằng Chúa giê-su Đấng Cứu Thế đã tạo sự hy sinh cao trọng. Họ rằng Người chết để mọi người được sống.

Trong Thánh Kinh, Chúa Giê-su đã dạy,

“ ‘Ta bảo các con rằng các con phải thực hiện điều này: các con phải yêu thương nhau, như ta đã yêu thương các con. Một người thực sự yêu thương bạn bè của mình nếu anh ta sẵn sàng chết vì họ. Không một ai có thể yêu thương hơn thế,’ ”

Masih đã bày tỏ tình yêu tuyệt vời này hướng về những con người ở Đại học Hồi giáo Quốc tế. Đó là một tình yêu đã thể hiện đức tin của anh. Đó cũng là một tình yêu mà đã vượt qua những cản trở của sự dị biệt tôn giáo.

Sự hy sinh của Masih đã tác động đến dân chúng Pakistan đề cập đến những mối quan hệ giữa người Ki-tô giáo và Hồi giáo.

“Sự hy sinh của Masih cũng bổ sung một chương mới về sự phục vụ của những người thiểu số cho quốc gia này.” Bộ trưởng nội vụ Rehman Malik đã phát biểu.

Masih đã thực hiện một sự hy sinh đáng ngưỡng mộ đối với mọi người ở trường Đại học Hồi giáo Quốc tế. Cần phải có những hy sinh tương tự để bẻ gãy những vật cản xung đột. Sự hy sinh của Masih đã cổ vũ những mốiquan hệ giữa người Hồi giáo và Ki-tô giáo ở Pakistan.

Tuy nhiên, tất cả mọi đều có thể tạo ra những hy sinh nhỏ bé trong hoàn cảnh của mình để đập tan những trở ngại. Một lúc nào đó, nó dễ dàng như khi ta nói với một ai đó hoặc để giãi bày trước kẻ thù.
 
Suy Niệm Mùa Giáng Sinh: Sự hiểu lầm vẫn còn đó!
LM. Nguyễn Hữu Thy
10:17 02/01/2010
Suy Niệm Mùa Giáng Sinh: Sự hiểu lầm vẫn còn đó!
(Ga 1,1-5;9-14)

Trong một cuốn tiểu thuyết của ông với tựa đề „Le malentendu“ (Sự hiểu lầm), Albert Camus viết về thảm cảnh của một người đàn ông sau 20 năm bỏ quê đi cầu thực ở nơi xa xôi, đã trở về quê cũ và đến thuê một căn phòng tại một quán trọ do mẹ và người em gái của anh ta điều hành để ngủ qua đêm. Vì vội vàng nên anh chưa nói gì với mẹ và em gái được cả. Trong khi đó, mẹ và người em gái lại không còn nhận ra được người khách lạ sang trọng kia là chính con và anh trai mình nữa. Vì thế, trong đêm hôm đó anh đã trở thành nạn nhân của một thảm cảnh vô cùng đau thương do hai người đàn bà kia gây nên: Vì tham lam muốn cướp đoạt tiền bạc người khách trọ, nên khi anh đang ngủ thì hai người đàn bà đã lẻn vào phòng và giết chết anh. Nhưng sau đó, khi họ chiếc Thẻ Căn Cước của anh trong tay thì biết được sự thật.

Ở đây, nguyên nhân của thảm cảnh đau thương trên sự không nhận ra được sự thật. Nhưng tại sao một người mẹ lại không còn nhận ra được chính con trai mình nữa? Phải chăng lòng tham lam tiền bạc của cải vật chất đã làm mờ mắt bà?

Sự hiểu lầm về Đức Giêsu Na-da-rét:

Hôm nay thảm trạng của nhà văn hào người Pháp nói trên đã dẫn đưa chúng ta tới một thảm trạng khác. Vâng, một Người Con cũng đã trở lại nhà, cũng đã „đến nhà mình“ (Ga 1,11). Và khác với người đàn ông trong thảm cảnh của Albert Camus, Người Con này khi đến „nhà mình“ đã nói rõ ràng danh tính, nguồn gốc cũng như mục đích sự thăm viếng của Người. Tuy nhiên, sự hiểu lầm vẫn xảy ra: Thân nhân Người chẳng những không tiếp nhận Người mà còn giết chết Người nữa.!

Sự hiểu lầm đầy đau thương về Đức Giêsu Na-da-rét đã lùi quá xa vào trong lịch sử và nhất là người ta đã nghe đi nghe lại đến nhàm tai, vì thế nhiều người đã không còn có được sự đồng cảm, đã không còn cảm thấy xúc động hay áy náy lương tâm mình nữa. Vâng, hôm nay nhớ lại trong 10 ngày qua, hầu hết các thánh đường trong Giáo Hội đã không còn chỗ trống trong những ngày đại lễ Giáng Sinh. Mọi tín hữu đều hân hoan ca mừng Người Con „đã đến thăm viếng nhà mình“. Nhưng người ta cũng tự hỏi: Phải chăng tất cả mọi Kitô hữu đã thực sự nhận ra Người? Phải chúng ta đã nhận ra và tiếp rước Người vào trong gia đình chúng ta, vào trong cuộc sống mỗi người chúng ta?

Thực tại cuộc sống chúng ta đã chó thấy rằng do một sự hiểu lầm khủng khiếp, Đức Kitô vẫn luôn được tưởng nhớ, được ca mừng như một người đã chết từ lâu và không còn ảnh hưởng gì đến cuộc sống cụ thể của con người cũng như của vũ trụ nữa, nếu không nói là Người vẩn luôn bị con người tìm cách tẩy chay, gạt ra khỏi cuộc sống của họ và bị sát hại đau thương qua những người anh chị bé nhỏ của Người, kể cả khi chưa được sinh ra.

Những thế giới khác nhau:

Trong tiểu thuyết của Albert Camus vừa nhắc tới trên, hai người đàn bà đã hành động giết người dã man, vì họ chỉ biết và chỉ sống trong thế giới nhỏ bé của mình mà thôi. Đó là một thế giới ích kỷ, gian tham, lạnh lùng, bạo động và không có tự do, một thế giới chỉ đặt giá trị đồng tiền lên tất cả mọi giá trị, trên cả các giá trị siêu nhiên và mạng sống cao cả của con người. Trong khi đó, Người Con lại đến từ thế giới đầy an vui, đầy tình người, một thế giới chỉ có yêu thương và tha thứ. Đó là thế giới của ánh sáng, của hòa bình và của tự do. Bên kia biên giới này là thế giới của hai người đàn bà gian tham, một thế giới đã dẫn đưa họ đến chỗ hiểu lầm. „Họ nhìn tôi, nhưng họ đã không thấy tôi“, lời người con hồi hương kể lại.

Đó cũng chính là điều đã thường xảy ra cho những người sống trong các gia đình. Vâng, nhiều bậc cha mẹ đã thường phàn nàn: „Chúng tôi không còn nhận ra được các con cái chúng tôi nữa. Chúng nó đã hoàn toàn thay đổi!“ Qua đó, người ta đã tự hỏi: Phải chăng những mơ ước và cao vọng quá chủ quan và thiếu suy tư chính chắn mà chúng ta đã đặt ra cho con cái chúng ta trước kia, đã khiến chúng ta không muốn nhận thức những gì tiêu cực lẫn lộn trong đó, nhưng tiêu cực đã hủy hoại chính tương lai con cái chúng ta, một hậu quả mà ngày nay chúng ta đang phải đối mặt?

Giữa đức Giêsu và các đối thủ của Người cũng biểu lộ hai thế giới hoàn toàn khác nhau: Trước hết là thế giới của một vị Thiên Chúa đầy lòng từ bi, Đấng đã yêu thương cứu vớt con người qua Đức Giêsu Na-da-rét, và tiếp đến là thế giới của sự vô thần và chối từ, một thế giới hoàn toàn tự nô lệ hóa mình cho một vị Thiên Chúa do tự tay mình tạo ra. Trong lời tựa Phúc Âm của mình, thánh Gioan đã trình bày sự kinh nghiệm về thái độ chối từ đó, khi ngài viết: „Người là ánh sáng soi chiếu mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại kgông nhận ra Người“; hay: „Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng tiếp nhận Người.“ Ngày nay, khắp nơi các Kitô cũng đang phải đối mặt với thái độ chối từ này.

Đúng thế, ngày nay một thế giới đầy lạnh lùng chối từ như thế vẫn còn hiện hữu, một thế giới chỉ muốn sống tự mãn trong sự nhỏ nhoi và thiển cận của mình, một thế giới chỉ hài lòng với những quan niệm và ý nghĩ nông cạn và giới hạn của mình. Đó là thế giới của quyền lực, của ý thức hệ, của những khám phá mang tính chất khoa học đầy chủ quan và tự cho mình là tuyệt đối. Đó là một thế giới chỉ muốn tự giải thoát bằng sức riêng quá hạn hẹp của mình, vì thế đã chối từ tình thương và Tin Mừng cứu rỗi của Thiên Chúa do Đức Giêsu mang tới. Trong một thế giới như thế, không chỉ Đức Kitô đã bị con người hiểu lầm, nhưng cả các Kitô hữu và sứ mệnh bác ái của họ cũng bị hiểu lầm, bị lợi dụng và bị chối từ. Vâng, chúng ta đã chẳng phải cảm thấy đau đớn khi nhìn thấy thế gian vẫn còn yêu bóng tối hơn sự thật, vẫn còn chối từ Tin Mừng của Đức Kitô, mặc dù Giáo Hội với Công đồng Vatican II đã mở tung mọi cánh cửa để đến với thế gian! Vâng, sự hiểu lầm vẫn còn đó!

Bước đi giữa hai thế giới:

Một điều thật đáng tiếc là sự hiểu lầm còn ăn sâu cả đến những người đã tiếp nhận Đức Kitô. Kinh Thánh đã nhiều lần tường thuật là chính các Môn Đệ cũng đã không nhận ra và không hiểu được Đức Kitô. Phêrô đã không nhận ra được Sư Phụ mình khi Người nói cho ông về cuộc khổ nạn thập giá của Người. Phêrô đã không muốn tin nhận Người trong giây phút chối từ. Các Môn Đệ nam nữ của Đức Kitô đã không còn nhận ra Người khi Người hiện ra với họ sau ngày Phục Sinh. Tất cả họ vẫn còn tự buộc chặt mình trong thế giới „cũ kỹ và chủ quan“ của mình. Do đó họ đã phải rất vất vả mới có thể thoát ra khỏi được cái thế giới chủ quan hẹp hòi đó để bước vào trong thế giới mới của Thiên Chúa, một thế giới mà Đức Kitô là hiện thân và đã biến đổi.

Ở đây, chúng ta tự hỏi: Tại sao sự hiểu lầm có thể xảy ra?

Trong thảm cảnh của tiểu thuyết Albert Camus, người ta tìm gặp một dẫn chứng rõ ràng: „Người ta rất dễ dàng giết hại điều mà người ta không quen biết“, như câu trả lời của bà mẹ cho cô con gái khi nàng hỏi về ngoại hình của vị khác trọ.

Cả chúng ta là những người tin nhận Đức Kitô, cũng đã hiểu biết quá ít về Người, về tinh thần của Tin Mừng mà Người mang tới. Vì thế, trong tư duy và trong cách sống của chúng ta, chúng ta luôn đi nước đôi giữa thế giới do chính chúng ta tạo ra hay do chúng ta ước mong và thế giới của Đức Kitô. Vâng, trong bao nhiêu lãnh vực thuộc cuộc sống, chúng ta đã thực sự là những chứng nhân của Đức Kitô? Trong bao nhiêu trường hợp của cuộc sống cụ thể, chúng ta đã tỏ ra thiếu tin tưởng phó thác là Thiên Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta để bảo vệ chúng ta, dù cho chúng ta không cảm nhận được điều đó? Sự hiểu lầm luôn có thể xảy tới cho mỗi người trong chúng ta, có thể xảy đến cho một cộng đoàn giáo xứ hay cho một phần của Giáo Hội. „Người ta rất dễ dàng giết hại điều mà người ta không quen biết!“

Sống trong đời này với niềm an vui và đầy tín thác:

Xưa kia, những người tiếp nhận Đức Kitô, đã có thể đầy vui mừng kêu lên: „Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người“ (Ga 1,14), nhưng đồng thời họ cũng đã không hoàn toàn thoát khỏi những sự hiểu lầm. Vâng, Đức Kitô cũng đã phải gánh chịu thất bại và chối từ nơi chính Dân Người, nơi những người bạn thân thiết của Người, những người vì yếu hèn và hoảng sợ trước cá thế lực trần gian đang rình rập đe dọa họ, đã không muốn xưng nhận Đức Kitô.

Bởi vậy, chúng ta cần tự hỏi mình: Ở đâu trong cuộc đời này, chúng ta đã hãnh diện và vui mừng khi cảm nghiệm, khi nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa?

Đối với tôi, cảm nghiệm được sự vinh quang của Thiên Chúa chính là khi phải bước đi, khi phải đối mặt với hai thế giới hoàn toàn khác nhau trong cuộc sống đời thường, tôi vẫn luôn xác tín được rằng thế giới của Đức Kitô vô cùng mạnh mẽ hơn thế giới nhỏ bé và hạn hẹp trong tôi cũng như chung quanh tôi. Tôi luôn vững tin và sống một cách đầy tín thác rằng Thiên Chúa luôn cự ngụ với tôi và ở giữa chúng ta, vì người là Immanuel, là „Thiên Chúa ở với chúng ta“.

Do đó, nếu tôi luôn luôn biết sẵn sàng và thành tâm tìm hiểu Người, nếu tôi biết tỉnh thức để đối mặt với thế gian, chứ không để thế gian cuốn hút và lôi kéo, thì bấy giờ tôi, với tư cách là người đã được thanh tẩy trong trong Chúa Thanh Thần, đã thực sự thuộc về thế giới của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, sự xác tín này không hề chuẩn miễn cho tôi một sự hiểu lầm có thể xảy đến, nhưng nó lại có thể giúp tôi vượt lên trên được sự hiểu lầm ấy và sống một cách an vui và đầy tín thác.
 
Câu chuyện Lễ Hiển Linh: Đừng tưởng bở!
Lm. Lê Công Đức
11:49 02/01/2010
Thật ra không phải đợi đến hôm nay mới mừng Chúa Hiển Linh. Đêm Giáng Sinh, ta đã mừng Chúa Hiển Linh rồi: hiển linh cho chính cha mẹ Ngài, hiển linh cho những người chăn chiên ở ngoài đồng Bê-lem. Hôm nay, Chúa hiển linh cho các đạo sĩ – là những người đến từ xa, rất xa. Và Chúa còn tiếp tục hiển linh, ít là theo truyền thống Giáo Hội Đông Phương vẫn gán cách riêng ý nghĩa ‘hiển linh’ cho cả biến cố Chúa chịu Phép Rửa và biến cố ‘nước hóa rượu’ ở tiệc cưới Ca-na nữa.

Câu chuyện về các nhà đạo sĩ hôm nay là một câu chuyện rất lạ!

Rất lạ, vì các ông ở tận bên đông phương, các ông không thuộc dân Chúa chọn, không biết truyền thống Lời Hứa, không Lề Luật, không Thánh Kinh..., thế mà các ông đã đi tìm và gặp được Chúa. Đúng người. Đúng nơi. Và đúng lúc.

Rất lạ, vì các ông rong ruổi hành trình chỉ bám vào một ánh sao. Mà ngôi sao ấy ở đâu vậy? Nó ở trên trời! Vâng, nó không thể ở trong túi áo hay trong va li hành lý của các ông; nó cũng không thể gắn trên lưng lạc đà (như chiếc đồng hồ định vị gắn trên ô-tô ngày nay) để cho các ông có thể độc quyền. Ngôi sao ở trên trời, nhưng chỉ các ông thấy, còn bao người khác thì không thấy!

Rất lạ, vì những người được trang bị ‘tận răng’ như Hê-rô-đê và giới lãnh đạo Do Thái, kể cả nhóm Biệt Phái, Sa-đốc, và các kinh sư – có lịch sử Giao Ước, có Lề Luật, có Thánh Kinh, có Đền Thờ, có phụng vụ – nhưng chẳng hay biết gì và đã bắt hụt Đấng của Lời Hứa.

Song đó cũng là một câu chuyện rất quen, vì đó vốn là ‘kiểu’ của Chúa. ‘Kiểu’ của Chúa, đó là những người tưởng ‘ngon lành’ hóa ra ‘trớt quớt’, và những kẻ tưởng chừng ‘trớt quớt’ lại hóa ra ‘ngon lành’!

“Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn... Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.” (1Sm 2,4-8)

‘Kiểu’ của Chúa, đó là cụ bà Sa-ra héo úa vẫn mang thai và sinh được đứa con trai mang tên “tiếng cười.” Đó là chú em Gia-cóp thừa kế Lời Hứa chứ không phải ông anh Ê-sau. Đó là Giu-se bị vứt bỏ lại trở thành ‘phao cứu nạn’ cho cả gia đình. Đó là thằng út Đa-vít mỏng mảnh yếu ớt được chọn chứ không phải các ông anh vai u thịt bắp của nó. ‘Kiểu’ của Chúa, đó là bà Ê-li-sa-bét son sẻ trở thành mẹ của vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Đó là cô thôn nữ Maria rất vô danh lẩn khuất, rất âm thầm khiêm hạ lại trở thành “có phúc nhất giữa các phụ nữ” vì được chọn làm Mẹ của Con Chúa Trời.

“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.”
(Lc 1,48-53)

‘Kiểu’ của Chúa, đó là chính Con Thiên Chúa đã làm người trong hình hài một đứa trẻ nghèo hèn – nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi... Người “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,7-8)

‘Kiểu’ của Chúa, đó là tất cả công cuộc sứ mạng của Chúa được đặt vào tay một nhóm môn đệ ‘tài ít tật nhiều’ với thành phần xuất thân tối om om. Hình như Chúa thích nhặt rác, và tái chế rác để làm ra vàng. Hình như Chúa thích làm ‘fan’ của đội yếu, chứ không ủng hộ đội bóng ‘rừng sao’! Hình như một thông điệp Chúa vẫn muốn nhắc đi nhắc lại từ xa xưa, dọc theo suốt dòng lịch sử, cho tới hôm nay, và Ngài sẽ còn tiếp tục nhắc mãi, đó là: Đừng tưởng bở!

Đừng tưởng bở. Đừng tưởng mạnh là ngon và yếu là dở.
Ở đây, chợt nhớ một luận đề luân lý của Cha James F. Keenan, S.J. trong quyển Moral Wisdom. Nhà thần học luân lý người Mỹ này chỉ ra rằng không phải ta phạm tội vì ta yếu đâu, mà vì ta mạnh. Mọi trình thuật trong Tin Mừng về tội lỗi đều làm chứng rằng người ta phạm tội vì họ mạnh chứ không phải vì họ yếu.

Khi người thu thuế và người Pharisêu cầu nguyện trong đền thờ, tội của người Pharisêu nằm ở chỗ ông ta mạnh, ông ta rất ý thức những gì ông có (Lc 18,9-14). Khi người phú hộ dửng dưng đối với anh Ladarô đói rách trước cửa nhà, tội của ông không nằm ở chỗ ông yếu mà ở chỗ ông mạnh; ông có thể làm điều gì đó, thế nhưng ông đã không làm (Lc 16,19-31). Người đầy tớ được tha món nợ lớn nhưng đã không tha cho bạn mình món nợ nhỏ hơn nhiều, anh ta phạm tội chính từ cái thế mạnh chứ không phải từ cái thế yếu của mình (Mt 18,21-35). Hay như trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, tội nằm ở đâu? Ngay cả tội của những tên cướp cũng không phải là tiêu điểm được ‘soi’ ở đây, mà chính là tội của người Lê-vi và thầy tư tế. Họ có thể làm điều gì đó, nhưng đã không làm; và vì thế họ phạm tội từ thế mạnh của mình (Lc 10,25-37). Trong cảnh Phán Xét Chung cũng vậy, chiên và dê được phân ra tùy theo khả năng đã có thể làm những điều gì đó và đã thực sự làm hay không (Mt 25,31-46).

Từ những ghi nhận căn bản ấy, Cha Keenan, trong quyển sách nói trên, đã không tiếp cận luân lý qua ngả tự do hay sự thật theo cách thường tình, mà ngài chọn tiếp cận qua ngả tình yêu. Người ta phạm tội vì người ta mạnh mà người ta không yêu thương, không có khát vọng hướng thiện, hành thiện!

Trở lại với câu chuyện ‘hiển linh’ hôm nay, ta thấy Hêrôđê và những người Do Thái ở thế mạnh, vì có hầu như đủ mọi phương tiện (để tìm gặp Chúa) – nhưng lại thiếu một cái gì đó... Còn các nhà đạo sĩ ở thế yếu, vì hầu như chẳng có manh mối nào (để tìm gặp Chúa) – song các ông lại có một cái gì đó... Sự khác biệt nằm ở chỗ có hay không có KHÁT VỌNG, hay TẤM LÒNG, hay TÌNH YÊU!

Sự việc càng tệ hại hơn, khi người ta không có khát vọng hướng thiện, hướng thiên, mà thay vào đó là tham vọng và ích kỷ. Người ta sẽ dùng các phương tiện Chúa ban cho, tức thế mạnh của mình, không phải để tìm và gặp Chúa mà là để tìm và diệt Chúa. Đây chính là điều Hê-rô-đê đã làm.

Bài học từ câu chuyện Lễ Hiển Linh vẫn còn nóng hổi cho chúng ta, cho tôi, hôm nay! Chúng ta có những thế mạnh, những phương tiện để tìm gặp Chúa? Hãy tạ ơn Chúa, nhưng cũng. .. đừng tưởng bở!
 
Suy niệm đầu năm
Karl Rahner, S.J.
11:53 02/01/2010
SUY NIỆM ĐẦU NĂM

Năm mới 2010 đang về. Năm mới sẽ đem về gì đây cho tôi? Dấu hỏi này đã gợi lên những dòng suy tư sau đây của Cha Karl Rahner, S.J. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Việt Nam, như một cách nối tiếp bài chia sẻ “Ngài đến đây làm gì?”

Một năm mới đang về. Năm mới sẽ đem về gì đây? Tôi không có ý nói đến một viễn tượng nào đó cho thế giới, cho tình hình chính trị, hay cho Giáo Hội. Tôi muốn nghĩ đến viễn tượng của chính mình – của tôi. Dấu hỏi này và nỗi ưu tư này không hề vu vơ. Vì rồi sẽ tới lúc tôi ra đi, sẽ tới lúc tôi không còn có mặt trên trần đời này nữa. Và chính đức tin – chứ không phải những tưởng tượng lẩn quẩn về mình – cho tôi biết rằng dù ra đi nhưng mình sẽ vẫn tồn tại thực sự, và tồn tại trong tất cả sự thực mà mình đã trở thành ở đây và bây giờ, rằng toàn bộ thời gian đang trôi chảy đây được thâu họp vào thực tại mệnh danh là “vĩnh cửu” – vĩnh cửu của tôi, vĩnh cửu của bạn, vĩnh cửu độc nhất, không thể chuyển và không thể đổi.

Vì thế tôi có lý do để băn khoăn rằng năm mới này sẽ đem lại gì cho tôi. Mà nói cho cùng, tất cả lịch sử rốt cục cũng chỉ quan trọng ở chỗ nó đem lại gì cho mỗi con người, cho bạn và cho tôi, trong vĩnh cữu ấy (dù có thể nhiều người nông cạn không nhìn ra tầm quan trọng này). Vì mọi cái khác đều trôi qua, chúng không quan trọng lắm bởi chúng nay còn mai mất. Rõ ràng ta có thể nói rằng cái thực tại chóng qua này đây – nếu được hiểu đúng – chính là vĩnh cữu trong tiến trình đang trở thành; thực thể vĩnh hằng là thực thể phàm trần đã được mang đến mức viên mãn, chứ không phải là một cái gì sẽ đến sau này theo cách hiểu thông thường – vì nếu thực thể vĩnh hằng chỉ là cái sẽ đến sau, thì rồi cũng sẽ tới lượt nó trôi đi mất, tiêu vong!

Đó là lý do tại sao tôi quan tâm tới vấn đề năm mới này sẽ đem lại gì cho mình. Với tất cả niềm trân trọng đối với vĩnh cửu, tôi muốn đặt câu hỏi này ra. Vì những gì đang đến sẽ không tan biến mất. Nó đến để ở lại. Nó có mặt để lưu tồn chứ không phải để tiêu vong. Nó cắm vào trong khoảng trống của thời gian để lấp đầy thời gian. Nó là huyền nhiệm của vĩnh cửu trong thời gian. Năm mới này sẽ đem lại gì đây – vấn đề này tôi trân trọng mấy cũng không vừa. Vì bao lâu tôi còn đi qua dòng chảy của thời gian trong thân phận con người mình, tôi vẫn luôn nghĩ rằng thời gian không chứa đựng gì ngoại trừ chính nó. Tôi phải thường xuyên tự cảnh tỉnh mình. Vĩnh cửu đang diễn ra nơi tôi bây giờ, một lần và cho tất cả, vĩnh cửu đang có mặt bây giờ dẫu tôi tưởng rằng những gì đang trôi qua đây chẳng có mấy tầm quan trọng.

Không phải mọi khoảnh khắc đời tôi đều có đầy giá trị lưu dấu vĩnh cửu như nhau. Vậy, khi nào thì một khoảnh khắc của đời tôi được “viên mãn” (theo nghĩa: khi thời gian đến hồi “viên mãn”, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể và đi vào trần gian)? Rõ ràng khoảnh khắc ấy sẽ xảy đến khi mà – với tất cả ý thức, can đảm và quyết tâm – tôi huy động trọn vẹn con người mình và với tự do của mình tôi trao phó trọn vẹn con người tôi cho Thiên Chúa, một cách hoàn toàn không nhuốm màu vị kỷ, một cách khôn tả vì đó chính là nhờ tình yêu khôn tả của Thiên Chúa, Đấng mà tôi chỉ thực sự biết khi nào tôi đạt đến cuộc dâng hiến khôn tả nầy. Và người ta đạt đến điều này không phải bằng con đường thông thuộc đầy dấu vết của cảm tính và giảo hoạt, nhưng là bằng thái độ nghiêm túc triệt để và bền bỉ trung thành, vì Thiên Chúa là Đấng ta không thể hiểu thấu. Như vậy, tôi chỉ có một cách để làm chủ chính mình: làm chủ qua hành vi thí bỏ và trao hiến trọn vẹn con người tôi!

Và rõ ràng, đó là tất cả ý nghĩa của hành vi Kitôhữu. Vì, dù người ta có ý thức hay không, trong trật tự của cuộc sống hiện tại, một hành vi như thế không thể được thực hiện ngoài đức tin và ân sủng. Sở dĩ ta có thể bước tới được với Thiên Chúa, đấy là bởi vì chính Ngài – Đấng vô cùng – đã đến gần gũi với ta nơi Đức Giêsu Kitô (dù người ta có biết điều này hay không).

Thật là đúng đắn, đáng khen, và rất có ý nghĩa khi nói (miễn là ta biết dè dặt đúng mức chứ không lạm dụng bừa bãi) rằng chúng ta suy tưởng về Chúa, chúng ta có thiện chí, chúng ta giữ các giới răn của Ngài thì (ta nghĩ) sẽ chẳng có sự cố gì có thể xảy đến cho mình, chắc hẳn Ngài phải tỏ ra ưu ái ta, thưởng công cho ta (như nhiều người Công Giáo nghĩ) hay ít nhất Ngài cũng phải tha thứ tội lỗi cho ta (như nhiều người khác nghĩ).

Dĩ nhiên cách nghĩ ấy có thể đúng. Hay phải nói rằng quả thực cách nghĩ ấy đúng. Song đó không phải là tất cả sự thực mà tôi đang quan tâm ở đây. Nói cho cùng, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với hết lòng, hết sức lực, với trọn linh hồn mình. Và đàng khác, chúng ta phải yêu như vậy ngay khi mình còn trong thân phận lữ khách hành hương cách xa Chúa vời vợi, ngay khi mình vẫn không nhìn thấy Ngài mặt đối mặt. Vì phúc ân mà ta được hứa nằm ở trong sự hoàn thành trọn vẹn cuối cùng và vĩnh viễn của thời gian, của tình yêu trong thời gian.

Vì thế chúng ta phải tận hiến chính mình cho Ngài trước đã, bằng chính sự tự do trong hiện tại này, để có thể hoàn toàn đón nhận được Ngài. Đó phải là một hiến dâng trọn vẹn, không thể có một cắt xén nào, một châm chước nào. Tất cả các phúc ân mà Ngài ban cho ta cũng cốt ở chỗ giúp ta thực hiện hành vi dâng hiến này. Tuy nhiên duy chỉ việc Chúa ban ơn cho ta cũng không đủ để làm ra hành vi dâng hiến đó; nó phải là một việc làm của ta nữa (một việc làm trong thời gian mang ý nghĩa vĩnh cửu). Ngay cả người kẻ trộm bị đóng đinh thảm hại kia cũng được nhận lời khi – vào giây phút cuối cùng – anh ta bắt đầu tin yêu với trọn tấm lòng, trọn năng lực và trọn linh hồn anh.

Nhưng khi nào thì điều này xảy đến cho tôi? Và ở đâu ơn Chúa sẽ hoàn toàn chiến thắng và hoàn toàn khuất phục sự tự do của tôi – để con người nhát đảm và khiếp sợ của tôi (vốn không dễ gì chịu bỏ mình) có thể tìm ra được đủ can đảm để dám thực sự hoàn toàn quên mình vì Chúa? Ở đâu và khi nào tôi sẽ đạt đến điều đó? Chắc hẳn là tôi đã được điều đó rồi, tôi có thể tự nhủ mình một cách đầy an ủi như thế. Vì, dĩ nhiên, tôi xác tín rằng mình đang sống trong ân sủng Chúa, tôi xác tín rằng mình đã gặp thấy lòng khoan nhân của Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài – là chính tình yêu của Thiên Chúa - vẫn được đổ tràn vào lòng ta. Và do đó, (có thể nói) tình hình không có gì là quá bi đát hay quá mờ mịt cho tôi, vì tình yêu của Thiên Chúa tràn trào; nếu không nhận được tình yêu ấy thì chẳng một ai có thể gặp thấy được Thiên Chúa của mình.

Câu hỏi có thể đặt ra: Phải chăng chúng ta có thể nói rằng ta phải yêu mến Thiên Chúa từ nơi sâu thẳm nhất của con người mình, yêu một cách đích thực và chân thành – nhưng ta không cần phải thu tóm trọn cả cuộc sống mình vào trong tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa “ngay lúc này”, lúc mà chúng ta đang xao xuyến đặt câu hỏi này ra? Khi tự hỏi như vậy là chúng ta cho thấy rằng mình vẫn còn đang bước đi trong cuộc hành trình dang dở, vẫn đang còn ở trong giòng lịch sử phận người.... Không được phép cố tình giậm chân tại chỗ, chết cứng. Chúng ta phải hăng hái tiến lên và trưởng thành trong tình yêu này.

Và nếu chúng ta làm thế, thì rõ ràng là mọi sự sẽ trở thành tốt đẹp ngay trong hiện tại này – nghĩa là ngay khi mà chúng ta còn chưa có được một tình yêu có sức làm cho mình biến đổi hoàn toàn, ngay khi chúng ta còn tham lam và ích kỷ – dù vẫn có niềm tin và thiện chí. Chúng ta có tấm lòng và tấm lòng đó sẽ triển nở nếu ta không cố tình phung phí những cơ hội do cuộc sống và ơn Chúa ban cho.

Tất cả những điều ấy quả xác thực và sự xác thực này rất có tính khích lệ cho ta. Song như vậy không có nghĩa là có thể hoàn toàn thỏa mãn, vì dù sao chăng nữa một lúc nào đó trong cuộc đời ta cái khoảnh khắc “thời gian viên mãn” vẫn cần phải xảy ra. Cái khoảnh khắc linh thánh, tuyệt vời, trọn vẹn ấy phải xảy ra. Cái khoảnh khắc tĩnh lặng như đêm Chúa ra đời, trong đó với trọn lòng mình con người dâng hiến trọn vẹn chính mình trong bàn tay của Đấng mà mình không thể thấu hiểu (thật là khủng khiếp một sự phó thác như thế) – và cuộc dâng hiến ấy trọn vẹn đến nỗi món quà hiến dâng không bao giờ bị lén lút rút lại, như thực tế vốn thường xảy ra.

Ta có thể dám hy vọng không, hy vọng rằng một ngày nào đó mình cỏ đủ tấm lòng để thực hiện được hành vi dâng hiến ấy? Có phải thực ra ta đã hy vọng rồi – vì rất có thể ta đã bắt đầu hy vọng rồi, và vì ta nghĩ mình vốn vẫn yêu mến một mức nào đó hoặc vốn vẫn khao khát một tình yêu như thế? Có phải đó là một dấu chứng đầy đủ cho niềm hy vọng – vừa rất dũng cảm vừa vô cùng thiết yếu – rằng rồi sẽ đến lúc ta có thể thực sự biết yêu bằng trọn vẹn con người mình? Duờng như tuổi tác càng chất chồng thì tấm lòng người ta càng khó sẵn sàng để hiến dâng. Nó trở nên mỏi mệt, héo hắt, lạnh lẽo và chán chường. Người ta tự hỏi phải chăng mình tiếp tục bước tới bởi vì mình không thể làm bất cứ gì khác, mình đã hóa khô cứng do trải qua sự khổ luyện hằng ngày, hoặc phải chăng mình như bất lực không còn có thể làm gì khác bởi vì chính sự bất lực này là phần thưởng ân phúc của sự tự do đích thực? Có phải nhân đức đã xuống cấp trở thành chuyện thông thường, sự nỗ lực phấn đấu đã trở thành chuyện náo động vu vơ, và lòng trung tín chỉ còn là tập quán?

Sự viên mãn của thời gian trong đời tôi ở đâu, đâu là giờ phút quyết định trong đó toàn bộ thực tại con người tôi được huy động? Phải có một giờ phút như vậy. Bởi vì rõ ràng là con người ta không xây đắp cuộc đời mình bằng cách thu gom những việc lành của mình, từng việc từng việc lẻ tẻ, và dồn chúng lại. Đúng hơn, mỗi việc lành ấy đều có tiềm năng chứa đựng cái toàn thể, có tiềm năng hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa. Nếu chẳng vậy, làm sao một hành vi riêng lẻ nào đó có thể quyết định cả cuộc sống con người. Thế mà mọi hành vi, hiểu theo nghĩa đầy đủ, đều có sức quyết định như thế. Tội “trọng” là cái có thực, và việc lành “trọng” cũng có thực. Một việc lành “trọng” tự yếu tính nó phải khác với một việc lành “nhẹ” – cũng như tội trọng khác với tội nhẹ. Nhưng đâu là những lúc mà tôi đã thực hiện những hành vi có tầm quan trọng như thế, những hành vi có trọng lượng bằng cả con người tôi – bởi vì chúng đặt cả con người tôi lên bàn cân của Thiên Chúa?

Người ta thường nói đến những phút giờ trọng đại nhất, những khoảnh khắc tuyệt vời và linh thánh nhất của đời người – và cứ dựa theo những biến cố đang được mừng thì đó là: dịp rước lễ lần đầu, ngày thành hôn,. .., dịp lãnh chức thánh, vv... Có phải những biến cố ấy là những bước quặt của cuộc đời mà chúng ta đang tìm kiếm? Có phải những biến cố ấy chính là sự tròn đầy của vĩnh cửu đi vào trong một khoảnh khắc của thời gian? Chúng ta được phép nghĩ thế. Vì còn gì trọng đại hơn và quyết liệt hơn cái khoảnh khắc mà – chẳng hạn – người ta thực sự ăn tấm bánh vĩnh cửu là chính Thân Mình Chúa, Đấng đã tự hiến đến chết vì chúng ta?

Tuy nhiên ai cũng rõ rằng người ta không những có thể đón nhận tấm bánh vĩnh cửu ấy một cách bất xứng và vì thế tự chuốc lấy án vĩnh viễn cho mình – chúng ta còn biết rằng dù bí tích có giá trị trọn vẹn nhưng không phải bao giờ ta cũng lãnh nhận trọn vẹn thực tại mà bí tích hàm chứa, tức trọn vẹn ân sủng – dẫu là ta không đang lãnh nhận bí tích một cách bất xứng đi nữa. Không phải mỗi lần lãnh nhận sự viên mãn của thời gian là mỗi lần tôi nhận được sự viên mãn của đời mình. Người ta có thể sống trong khoảnh khắc của Đức Kitô mà cuộc sống của chính mình vẫn trôi qua một cách khô cằn trống rỗng – hay khá hơn thì cũng rất rời rạc vá víu. Sẽ tuyệt diệu biết bao nếu trong mô thức bí tích ấy người ta có thể tìm thấy được sự viên mãn của cuộc sống mình. Tuyệt diệu biết bao nếu sự viên mãn của thời gian có thể có mặt trong chính giòng đời tôi, ở đây và bây giờ. Lúc ấy sẽ không còn phải thiếu thốn gì nữa. Sự sung mãn vĩnh cửu của Thiên Chúa sẽ hiện diện – và sự hiện diện thâm sâu này sẽ hiện thực một cách khả giác trong chính biểu lộ của nó vừa ở chiều kích cá nhân vừa ở chiều kích Giáo Hội, vừa hết sức cụ thể vừa đượm tính phụng vụ. Sự sung mãn ấy sẽ được hiện thực tròn đầy trong dấu chỉ, trong biểu hiệu của bữa đại tiệc vĩnh hằng, bữa đại tiệc của sự hoàn thành đầy đủ. Người ta sẽ uống cạn chén rượu đời mình – và chén rượu ấy được cảm nhận đã tan hòa thành một trong chén của Đức Kitô.

Điều đó là có thể và là cần thiết. Song quả là ta không thể quyết chắc rằng Thiên Chúa đã đặt định sẵn cho mọi người để phút giờ quyết định ấy của mỗi người đều xảy ra đúng khi dấu chỉ của bí tích (diễn tả sự hoàn thành của thế giới và của từng người bằng ân phúc và thứ tha) được thực hiện trong cuộc đời họ. Xem ra chỉ một phần bé nhỏ của ân sủng ấy được đón nhận, xem ra trong cõi lòng người ta chỉ thực sự có chỗ để đón nhận chỉ một phần của ân sủng ấy – nếu như cõi lòng ấy không nhút nhát và hẹp hòi quá mức.

Nghĩa là, phút giờ trọng đại ấy, phút giờ sung mãn ấy rất có thể cũng xảy ra khi dấu chỉ của bí tích (theo nghĩa rộng) nghèo nàn hơn, mù mờ hơn và không phải là một opus operatum gì cả. Người ta có thể uống cạn chén rượu đời mình với trọn sự sống và sự chết của mình trong một phút giờ nào đó không phải là phút giờ của bàn tiệc Thánh Thể – dù vậy họ vẫn sống phút giờ ấy của mình trong sự kết hợp mật thiết với phút giờ của Đức Kitô. Vì Đức Kitô đã kết hợp phút giờ của mọi người vào trong phút giờ của Ngài – phút giờ trở thành hiện thực trong hy lễ tiến dâng và trong bàn tiệc Thánh Thể.

Người ta có thể bất chợt đột phá qua mọi rào chắn vốn vẫn giam hãm bản ngã đầy xao xuyến của mình và hòa nhập vào khung trời bao la của Thiên Chúa xuyên qua một sự từ bỏ rất âm thầm lặng lẽ, một hy sinh xem ra hết sức nhỏ nhặt tầm thường của họ. Có lẽ chính người ấy cũng không chú ý mấy đến điều đang diễn ra nơi mình, có lẽ chẳng có cảm nghĩ nào được người ấy xem là đáng đặc biệt ghi nhớ. Chỉ có điều là người ấy bỗng dưng trở nên thật quảng đại cởi mở. Bỗng dưng tồn tại một cái gì đó mà mình không thể gọi tên, một cái gì đó rất kỳ diệu, vô hình và không thể nào tả được.

Nhưng mọi sự khác hẳn. Thực tại đang có mặt ấy không thể được xếp bên cạnh những thứ khác lấp đầy đời sống như kiểu những món đồ đạc cũ kỹ được chất ngổn ngang đầy kín trong nhà kho. Thực tại ấy không thể được so sánh với bất cứ gì khác và không thể được gán cho là cùng loại hay khác loại với cái này hoặc cái kia. Con người ấy đã từ bỏ, đã ra đi, đã đoạn tuyệt. Bây giờ, thật bất ngờ, con người ấy lại có mặt khắp mọi nơi và nắm giữ tất cả, cái tưởng như “không là gì” ấy hóa ra chính là tất cả. Con người ấy không cần một chỗ tựa nào nữa, vì bây giờ chính bản thân mình đã trở thành một “toàn-thể-tính” ổn định, tự nâng đỡ mình (trong toàn-thể-tính của Thiên Chúa) đứng vững không té ngã – vì trong cô đơn này và trong sự từ bỏ này, không có gì mà con người ấy có thể té ngã vào được nữa.

Có thể có người đâm ra kinh sợ cái vô hạn rất trầm lặng đang mở ra cho mình này – không phải mở ra bằng những ý tưởng trừu tượng, nhưng là mở ra nơi cảm nghiệm về năng lực thực có của hữu thể mình, tức là tinh thần. Người ấy như hoảng sợ thoái lui, quay trở lại với những gì quen thuộc trong cuộc sống mình, quay trở lại với những gì khả giác, với những bổn phận có giới hạn, với những nguyên tắc được công thức hóa rõ ràng. Và như vậy người ấy không nhận ra đúng đắn rằng trong khi những điều ấy quả cần thiết (cần thiết theo lý chứ không phải theo tình cảm cuồng nhiệt) – thì người ta vẫn đâu phải cần đến chúng để trốn thoát khỏi những thứ khác.

Những điều ấy là phương tiện để cho người ta đạt đến sự chấp nhận đích thực đối với cái vô hạn vốn phải thực sự được tìm thấy trong chúng – và là cái không chỉ được đặt ra trước mặt người ta như một phần thưởng cho những việc tốt lành hữu hạn mà họ thực hiện. Dĩ nhiên trong những việc tốt lành này có sự hiện diện của ân sủng (nếu đây là những việc lành đúng nghĩa như đã đề cập). Và ân sủng này, cuối cùng, là chính Thiên Chúa – là ‘ơn phi tạo’ – là Thánh Thần Tình Yêu vĩnh cửu. Thiên Chúa hiện diện đích thân trong những công việc tốt lành đó. Ngài không chỉ là phần thưởng hứa ban cho những kẻ làm việc lành, bởi chính Ngài – trong chân tính của Ngài – là Đấng trao ban những công việc ấy không nhằm mục đích nào khác hơn là để cho chúng trở thành điều mà chúng nên thành và phải thành (thì mới có thể được gọi là những việc có giá trị đúng nghĩa – tức giá trị cứu độ): đó là chúng trở thành những lối mở dẫn vào sự vô hạn bỏ ngỏ của Thiên Chúa.

Những công việc và những tình cảm ngay lành xét theo tự nhiên (nếu chúng tồn tại một cách tinh thuần đúng nghĩa) sẽ là những thực tại mà tự thân chúng đáng được tưởng thưởng bằng một phần thưởng nào đó của Thiên Chúa – chứ không phải là chính Thiên Chúa. Còn những “việc lành” của các Kitôhữu (dù công khai hay âm thầm) thì chứa đựng sự vô hạn của chính bản thân Thiên Chúa – Đấng vừa là điều kiện quyết định sự hiện hữu của khả tính của chúng (bởi vậy nên gọi là ân sủng) vừa chính là phần thưởng của chúng (gọi là sự sống đời đời). Và bởi vì Thiên Chúa đã không muốn chọn một thế giới nào khác ngoài cái thế giới mà Ngài đã trao ban chính bản thân Ngài (chính bản thân Ngài, chứ không duy chỉ trao ban những thành quả do Ngài làm ra) cho nên rõ ràng là tất cả những gì hữu hạn chỉ có ý nghĩa trong tư cách là một lối mở dẫn vào cái vô hạn không thể hiểu thấu, trầm lặng và khôn lường.

Như vậy, chỉ cần một hay hai củ hành ném qua bờ giậu cho người nghèo khó cũng có thể là một bước quặt có tính quyết định – một chút lòng tốt mà trong đó thực sự không hề nhắm kiếm tìm sự biết ơn, thứ tha mà không hề chú ý đến sự kiện rằng mình đang tha thứ, một giọt máu chảy ra từ trái tim và rơi vào đâu đó – thực không thể biết là nơi nào – mà không hề xót xa, thái độ âm thầm chịu nỗi đớn đau cùng cực mà không hề hiểu vì sao – cũng không biết được liệu mình có sẽ còn khả năng chịu đựng. Hay một kẻ cô đơn cùng cực mà không trốn chạy khỏi nỗi cô đơn của mình, cũng không phóng chiếu mình trong nỗi cô đơn đó. Hoặc một người sống đàng hoàng tử tế trong cuộc sống bình thường và do đó bị khinh chê là khờ dại, song vẫn không phẫn nộ phản kháng lại cái điên rồ của một thế giới trong đó con người ngay thẳng bị xem là dại khờ.

Con người đó cũng không tự vỗ về an ủi mình (để bù trừ cho sự thiếu vắng lời khen ngợi của kẻ khác) bằng cách tự biểu dương và khâm phục tính cách tử tế của mình. Người ấy không âm thầm thu gom những cái tốt của mình lại – để sau này trình làng và gặt hái vinh dự, cũng không kể công với bạn hữu hay vợ/chồng mình nhân khi mình lên tiếng phiền trách vì bị xử tệ. Người ấy chỉ muốn tử tế, đơn giản vậy thôi! Kỳ diệu biết bao một sự tử tế hoàn toàn vô tư, vô cầu. Đó là sự tử tế hoàn toàn hồn nhiên như trẻ thơ. Đó là tình yêu thuần khiết của Thiên Chúa trong thế giới đời thường. Thử hình dung một người chuyên chăm làm bổn phận mình, người ấy không ngoại tình – trong hành vi và cả trong tâm tưởng – mặc dù bổn phận chung thủy này cơ hồ như đòi người ấy phải chết đi chính mình, cơ hồ như đòi người ấy phải khước từ chính bản ngã. Một hình dung khác, một người cầu nguyện bỗng đột nhiên quên mất rằng mình đang cầu nguyện, đột nhiên quên mất rằng mình đang cần một sự gì đó (và dĩ nhiên là cũng quên mất rằng mình đang cố gắng tranh thủ cái mình cần), người ấy quên cả rằng mình đang lên lời.

Chỉ còn có Thiên Chúa ở đó thôi – rất trầm lặng, rất âm thầm nhưng cũng rất thực. Không thể thấu hiểu, không thể diễn tả, không thể so sánh, không thể bập bẹ được gì về Ngài – nhưng chính là Ngài đó, rất thực. Ngài ở đó dường như bởi vì ta không còn ở đó. Ta có được Ngài bởi vì ta đã bỏ mình và ra khỏi mình. Ngài ở đó, vì ta – rốt cục – không còn đồn trú trong vành đai bản ngã mình nữa. Nói cho cùng, không thể nào diễn tả xa hơn về cuộc siêu thoát này; vì một khi ta cố diễn nó thành lời trong chính cái khoảnh khắc mà mình đã để bản ngã lại đằng sau, thì lập tức ta đã quay trở về bên trong những lằn mức giới hạn rõ rệt của tình trạng và thực tại mình. Nếu ta có phát biểu về nó (đôi khi đây là điều ta phải làm), thì ta cũng không nhằm làm cho sự phát biểu của mình đóng vai trò phô diễn cái hành động chứa đựng trong lời phát biểu ấy.

Thực có những giờ phút quyết định như thế. những giờ phút ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng ta không đạt được những giờ phút ấy duy chỉ bằng việc bàn luận về chúng. Bởi chỉ cần có một chút khả năng, người ta có thể ăn nói trơn tru về chúng duy chỉ nhờ nghe người khác kể lại hoặc nhờ ở việc phát hiện ra dấu vết rõ ràng của Thần Khí và ân sủng (dấu vết này thậm chí có thể được tìm thấy nơi những việc làm và những kinh nghiệm phàm tục và tầm thường nhất của đương sự). Vì nếu chúng ta không có một chút kinh nghiệm gì về cái mà ta chỉ đạt được trọn vẹn trong những giờ phút quyết định ấy, thì ta đâu còn thần tính nữa và đâu còn được ân sủng thu hút nữa – trong khi thực sự ta luôn còn thần tính (cho dẫu ta đang dã man vung dao giết người) và luôn luôn được thu hút về phía ân sủng. Nhưng không phải mọi kinh nghiệm đều được ta đón nhận và nắm giữ với tất cả năng lực của lòng mình. Ta không có được sự viên mãn của thời gian và vĩnh cửu trong lòng mình bởi vì ta tự hài lòng với chỉ một thoáng hương vị của nó và mê mải triết lý về chút hương vị bé nhỏ đó thôi.

Và như vậy câu hỏi vẫn còn: Phải chăng một giờ phút quyết định như thế – giờ phút mà thời gian của đời tôi đạt đến sự viên mãn – đã từng xảy ra? Một câu hỏi điên khùng! Người ta không thể thực sự đặt câu hỏi kiểu đó. Bởi vì chẳng ích gì cho tôi việc tôi có thể kể lại một khoảnh khắc như thế đã từng xảy ra trước đây trong đời mình. Có lẽ tôi có thể tuyên bố như thế. Có lẽ tôi có thể quyết đoán rằng khoảnh khắc ấy đã từng xảy ra hồi tôi còn bé, lúc rước lễ lần đầu, khi tôi mời Chúa ngự vào lòng tôi – một tấm lòng bé nhỏ nhưng chứa chan tình mến Ngài.

Nhưng khi đặt câu hỏi như vậy, chẳng khác nào tôi cho rằng những gì đã xảy ra vẫn còn có nghĩa lý với tôi bây giờ. Và điều đó hoàn toàn sai. Vì sự viên mãn của thời gian trong đời tôi chỉ thực sự đáng kể khi đó là cái chưa trôi qua. Vấn đề quan trọng là bây giờ hay ngày mai đây, một phút giờ mang tầm vĩnh cửu như thế có xảy đến với tôi hay không. Vì bao lâu con người còn trong thân phận khách hành hương, bao lâu thời gian vẫn còn là thời gian, thì mỗi khoảnh khắc vẫn tựa như người chạy tiếp sức với bó đuốc trong tay – người ấy không chỉ giữ ngọn lửa rực cháy ấy cho riêng mình mà còn phải trao nó cho người kế tiếp. Chỉ khi người sau nhận bó đuốc và mang nó chạy tiếp thì cuộc chạy của kẻ trước mới khả dĩ có được ý nghĩa và giá trị gì.

Đời sống quả thực không phải là một tổng hợp của những phần rời rạc riêng biệt (ở đây đang nói đến đời sống tinh thần chứ không phải sự sống thể chất); nhưng toàn thể đời sống xét như một thực thể thống nhất không tách chia được – vận hành qua thời gian và trong một tiến trình trở thành xuyên qua mọi sự. Vì vậy, duy chỉ sự kiện tôi đã được cái gì trước đây sẽ không hề có nghĩa rằng hiện giờ tôi đang có cái đó, song trong quá trình lâu dài này tôi có thể trở thành – một lần nữa trong hiện tại – như mình đã trở thành trước đây. Cái đã qua luôn luôn chỉ có nghĩa một tiếng gọi thúc giục ta hiện thực hóa điều vốn đã từng hiện thực, và đó cũng còn là một lời hứa đảm bảo rằng điều đã từng thành công trong quá khứ cũng sẽ thành công trong hiện tại này. Như vậy chỉ vì sự hiếu kỳ vu vơ hoặc vì nỗi day dứt ăn năn muốn biến quá khứ thành tương lai mà người ta mới quay trở lại với quá khứ của mình – để lục tìm những phút giờ cao cả của vĩnh cửu đã từng xảy ra trong đó.

Do đó, đừng nên hỏi rằng đã từng có một phút giờ quyết định như thế hay không trong đời mình – một cuộc đời nghèo nàn trống rỗng, một cuộc đời đầy những ảo ảnh ngay cả trong những điều gọi là tốt lành mà ta đã làm. Thay vào đó, tốt hơn nên hỏi một phút giờ như vậy sẽ xảy đến với tôi từ đâu trong quãng đường trước mặt mình. Tôi phải tìm ra nó ở trước mặt chứ không phải ở sau lưng. Và cũng chính ở phía trước mặt tôi là nơi tôi phải gặp thấy lại những phút giờ xưa cũ ấy. Vì những phút giờ mà Thiên Chúa từ nhân tuôn đổ ơn sủng của Ngài trên tôi chỉ có thể còn lại với tôi ở trên đường tôi đang đi tới mà thôi. Kho tàng của quá khứ là sự mở ngỏ của tương lai.

Vì rõ ràng chúng ta đã hành động là nhằm để có khả năng hành động, đã yêu thương là nhằm để có khả năng yêu thương. Thật ra toàn thể quá khứ của tôi có thể đến lại với tôi, bởi nó cần được bảo toàn hay được cứu độ. Vì một người tìm gặp được Thiên Chúa thì không thể đánh mất gì, và vì một khi chúng ta vẫn còn có thể có một trái tim và khả năng yêu mến Thiên Chúa với trọn tấm lòng mình thì chúng ta chẳng bị hụt mất gì cả.

Tuy nhiên, cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa ập xuống trên những ai không hết lòng tin vào sứ điệp hồng phúc của ân sủng đó của Ngài, ân sủng mà Ngài không hề tiếc rẻ, ân sủng quyết định tất cả sự sống của ta. Có một thứ tinh thần thực dụng trong đó người ta chỉ biết đến những gì nơi chính mình và nơi con người mà thôi, và thường quên chính điều thực tiễn đệ nhất là Thiên Chúa – là tương lai vĩnh cửu và là ân sủng nhờ đó mình có thể làm cho tương lai vĩnh cửu ấy thành tương lai của chính mình. Sự hoàn thành của tất cả khả năng này không phải ở đâu và lúc nào cũng nhất thiết phải xảy ra kèm theo với cảm xúc và với những giọt nước mắt vui mừng – như chúng ta thường muốn thế.

Cơ hội hồng phúc này chủ yếu được hứa cho những người mỏi mệt và nặng trĩu trong lòng, những người bị thiêu đốt bởi ngọn lửa vô hình của khổ đau và thất vọng: Phúc cho những ai than khóc, phúc cho những ai đói khát.

Một năm mới đang về. Một năm như bao năm khác. Một năm của rối ren và thất vọng với chính bản thân tôi và với bao người. Khi Thiên Chúa xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta, Ngài dựng giàn giáo tốt để triển khai công trình. Giàn giáo ấy tốt đến nỗi chúng ta muốn được sống luôn trong đo!. Chỉ có điều trớ trêu là giàn giáo ấy lại bị hạ xuống. Thế rồi chúng ta gọi sự tan rã này là tính mong manh vô thường bi đát của đời sống chúng ta. Chúng ta xót xa và sầu thảm nếu trong viễn tượng của một năm mới chúng ta nghĩ mình không thể gặp thấy gì ngoài sự sụp đổ của tòa nhà cuộc sống mình – cuộc sống mà thực ra đang được xây dựng âm thầm cho vĩnh cửu đàng sau giàn giáo được dựng lên và lại được hạ xuống.

Không, năm mới đang đến đây không phải là một năm thất vọng hay một năm của những ảo tưởng ru ngủ người ta. Đó là năm của Thiên Chúa, là năm mà trong đó những phút giờ quyết định đang đến gần tôi một cách âm thầm và êm ái, và sự viên mãn của thời gian đang đến để đi vào đời tôi. Tôi có sẽ nhận ra những phút giờ ấy không? Hay những phút giờ ấy vẫn trống rỗng chứ không có gì lạ? Vì đối với tôi chúng xem ra quá bé nhỏ, quá khiêm tốn và tầm thường?

Dĩ nhiên xét mặt ngoài thì những phút giờ ấy sẽ không trông có vẻ khác biệt gì so với những khoảnh khắc tốt lành thường ngày của bất cứ ai. Vì thế, tôi có thể dễ dàng bỏ nhỡ không nhận ra những phút giờ ấy: một chút nhẫn nhục làm cho cuộc sống dễ chịu hơn một chút cho những người xung quanh tôi; sự bỏ qua một lỗi lầm của người khác; việc dám liều để xây dựng niềm tin thực sự vào một người mà mình có xu hướng không tin tưởng bởi vì mình nghĩ mình đã có những kinh nghiệm không tốt về người đó trước đây; sự chân thành chấp nhận rằng người khác có cơ sở đúng đắn để phê phán mình; sự bao dung đón nhận những vết thương người khác gây cho mình và để nó chết hẳn trong lòng mình chứ không kéo dài nó bằng sự than phiền, sân si, xót xa và báo oán; sự trung thành trong đời cầu nguyện dù không cảm nhận được những “niềm ủi an” hay những “cảm nghiệm sùng ngưỡng sốt mến”; sự cố gắng để yêu thương những người khiến mình bực bội (dù là sự sai quấy hiển nhiên thuộc về họ), và không duy chỉ là cố gắng thuận thảo với họ bằng cách nuốt giận vì thấy như vậy có lợi cho mình; sự cố gắng để nhìn thấy nơi sự “điên dại” của người khác một loại thông minh khác với sự khôn ngoan của mình nhưng đó không hẳn là ngu dại; sự nhẫn nhịn để không đáp lại sự bất bao dung của người khác theo kiểu ăn miếng trả miếng; sự cố gắng để không lấy nhân đức của mình biện minh cho những lầm lỗi của mình; một ý chí cải thiện chính mình khi nhìn thấy tội lỗi nơi người khác và chân tình muốn giúp họ đổi mới; sự xác tín vững vàng rằng mình rất sẵn lòng và rất dễ dàng tự gạt mình và lấp liếm nhiều lỗi lầm và gian ác mà mình vốn nhận thấy nơi bất cứ ai khác; không chì chiết kẻ khác cũng không tự đề cao mình, và nhiều điều khác nữa vốn chỉ thực sự là tốt khi được chuyên cần thực hành.

Chúng ta chỉ cần cố gắng làm nghiêm túc những bổn phận bình thường ấy trong đời sống hằng ngày. Và tất cả sẽ trở thành lớn lao. Song nếu vì quá phấn khích mà không lượng sức mình, sự việc sẽ hóa ra nguy hại. Vì để sống được như vậy, chúng ta phải là người chịu thiệt, chúng ta sẽ cảm thấy như mình cho đi nhiều mà không nhận lại bao nhiêu. Chẳng có mối lợi nào được thu vén cả – không được gì trước mắt người đời, cũng không được gì bên trong lòng mình (chẳng hạn, một lương tâm tốt lành hay một cảm thức rằng mình đã đắc thủ được nhiều nhân đức!); vì thậm chí những mối lợi ấy cũng không còn sức hấp dẫn nào đối với mình.

Rồi, một khi đã biết làm những việc nhỏ nhặt ấy với một thái độ thích đáng (tự căn bản đây chính là thái độ Kitô giáo, dù ta không ý thức như vậy) – sẽ đến lúc mà những nguyên tắc ứng xử hằng ngày thực sự trở thành chuẩn mực đạo đức và luân lý, trở thành cửa ngõ dẫn ta vào vĩnh cửu bất diệt. Sẽ đến lúc ta không được tưởng thưởng gì thêm – nghĩa là, ta không nhận được bất cứ gì đặc biệt dù bên ngoài hay ở trong lòng mình, vì Thiên Chúa đích thực hiện diện trong chính cái “không gì cả” ấy, và đánh mất hữu hạn lại chính là bắt được vô hạn. Hơn nữa, chính xuyên qua việc đánh mất những cái hữu hạn mà ta nhận thức được rằng mình đang đạt được cái vô hạn. Cuộc sống của ta là một cuộc trả giá chính bản thân mình để lấy cái vô hạn. Để được Thiên Chúa, ta không thể trả giá nào rẻ hơn.

Ta cần nhận hiểu chiều kích thần nhiệm ấy của cuôc sống thường ngày. Chỉ khi nhận hiểu như vậy, ta mới có thể tự nguyện nỗ lực – trong tinh thần con cái Thiên Chúa – để chu toàn lề luật vì lòng kính trọng đối với quyền cai quản tối cao trên vũ trụ (việc này ta không bao giờ có thể làm xong trọn vẹn; vì đây là việc khó chịu, làm ta ấm ức như một kẻ lao động khổ sai). Chiều kích thần nhiệm ấy của cuộc sống thường ngày chính là ân sủng. Hoàn toàn là ân sủng. Nhưng dĩ nhiên điều đó không có nghĩa rằng ta không cần phải làm gì cả ngoại trừ cố chấp đợi chờ cho đến khi ân sủng của Thiên Chúa cưỡng bức ta đấu tranh chống lại ý muốn của ta. Sự cưỡng bức của ân sủng, nếu có thể gọi như thế, chính là ở chỗ ta được trao ban ý chí hướng thiện – và ý chí hướng thiện, đành rằng tiên vàn do Chúa ban, song đó cũng là thành quả do công phu đắc thủ của con người. Thái độ thích đáng của ta là tập cảm nếm vĩnh cửu trong thời gian qua việc sống chiều kích thần nhiệm của cuộc sống thường ngày.

Sống chiều kích thần nhiệm ấy, tức là ta đang sẵn sàng để cảm nhận những khả năng tột đỉnh của cuộc sống, đó là những khoảnh khắc hy sinh anh hùng, những thử thách khủng khiếp, sự điên rồ thánh thiện và cuối cùng là nỗi chết của chính mình – ta chết trong cái chết của Đức Kitô! Làm sao ta có thể đón nhận những khoảnh khắc ấy nếu ta không tỉnh thức sẵn sàng và – trong khả năng hết sức có thể của mình – tự chuẩn bị cho mình những phút giờ tột đỉnh ấy, những phút giờ mà ta không thể nắm trước được, những phút giờ xảy đến ngoài mọi tiên lượng của ta?

Bất cứ ai chưa từng cảm nếm vĩnh cửu trong thời gian sẽ kinh hoàng và lẩn trốn những phút giờ ấy. Họ khiếp sợ; họ cảm thấy mình bị đòi hỏi quá sức chịu đựng của mình. Thậm chí họ không nhận ra rằng ân sủng lớn lao của đời sống đang ở ngay trước mặt, trong tầm tay họ. Họ phớt lờ, họ cho rằng mình không thể “như thế” được. Và rõ ràng, họ không thể “như thế” được bởi vì họ quá nhu nhược và tự ti trong đánh giá chính bản thân mình.

Cần phải tập sống chiều kích thần nhiệm của cuộc sống thường ngày. Nó khác hẳn với một thái độ “trung thành với bổn phận” nào đó của những người quá tủn mủn chi li, họ “đạo đức” một cách cứng nhắc và không ước ao gì khác hơn ngoài việc tiếp tục mãi mãi làm một “viên chức hạng quèn” của Thiên Chúa, miễn là họ luôn luôn nhận được “tiền lương” ngay trong cuộc sống hiện tại này. Dĩ nhiên là những công việc nhỏ nhặt thường ngày vẫn còn đó và chúng ta không thể thoát ra được. Thánh nhân cũng phải ngáp, cũng phải cạo râu. .. như bất cứ ai. Không có gì chắc chắn rằng những phút giờ sẽ được ban cho chúng ta trong những ngày tháng sắp tới đây sẽ là những phút giờ vĩ đại và đặc biệt quan trọng – ngay cả dù xét theo quan điểm của chính chúng ta. Vậy thì chắc chắn phải có một vĩnh cửu trong cuộc sống thường ngày. Vì chúng ta biết rằng mọi con người mà chúng ta gặp thấy xung quanh cuộc sống mình – có vẻ như quá đỗi bình thường thôi – song họ đều có đủ giá trị để trở thành một vĩnh cửu, và trở thành vĩnh cửu ngay trên mặt đất này, dù cho tất cả những gì họ làm dường như chỉ là nhọc nhằn lo toan sinh kế, cưới vợ lấy chồng, bình luận chính trị hoặc xem bóng đá hay tán gẫu về nghệ thuật Picasso. ..

Có lẽ chính vì lý do này mà những phút giờ quyết định ấy chỉ đến với chúng ta giữa chính nhịp sống thường ngày. Nhiều khoảnh khắc của nhịp sống thường ngày sẽ chẳng hề có ý nghĩa bước quặt quyết định gì cả. Dĩ nhiên chúng ta không thể dốc toàn lực mình mọi nơi mọi lúc. Và để có được sự tự do lớn nhất thì ta phải từ bỏ nhiều nhất, bởi vì thực tại thiết cốt nhất được đặt nền móng trên khả năng thâm sâu nhất và đây là một món quà được ban tặng cho chúng ta. Khả năng dốc được toàn lực mình trong sự tự do hoàn toàn chính là món quà tặng vĩ đại nhất. Khả năng ấy không được ban cho chúng ta trong hết mọi phút giây. Tuy nhiên, khả năng ấy hoàn toàn có thể được ban cho chúng ta trong một tình huống rất bình thường của cuộc sống thường ngày. Ai có thể nói trước được khi nào thì phút giờ ấy xảy đến? Chúng ta luôn luôn phải bước vào một tương lai bất quyết, với những rủi ro và những cơ hội mà tương lai bất quyết ấy bao hàm. Bất chợt, trong khi chúng ta chỉ cảm nhận được rất mù mờ về cái bất quyết ấy khi chấp nhận nó thì sự hoàn thành lớn lao sẽ được ban cho chúng ta. Dù sao đi nữa, sự hoàn thành ấy là của chúng ta vì chúng ta đã chấp nhận nó trong đức tin (dù không biết nó).

Một năm với những khả năng như thế đang đến với chúng ta. Chúng ta phải mừng năm mới với đức tin cao độ hơn bao giờ – Hãy bứt ra khỏi sự yếu nhược, sự chán chường và bất tín cố hữu của mình. Tương lai đang đến. Những kẻ điên rồ nghĩ rằng tương lai đến để tìm kiếm quá khứ như thể một ám ảnh khổ lụy và chết chóc. Kỳ thực nó đến vì nó muốn trở thành vĩnh cửu. Nơi những con người chiếm hữu được Thiên Chúa thì cái quá khứ này luôn hiện diện vô giới hạn. Tương lai vĩnh tồn ấy đang đến với chúng ta - trong sự viên mãn của thời gian đời tôi, xuyên qua những phút giờ quyết định của sự tự do đầy năng lực tin, cậy, mến.

Năm mới này sẽ đem lại gì cho tôi? Còn gì khác nữa ngoài Thiên Chúa – trong sự viên mãn của thời gian đời tôi. Mà này, rất có thể rằng chính cái khoảnh khắc ngắn ngủi lúc này đây sẽ không còn chuyển giao ngọn đuốc của sự sống vĩnh cửu cho một khoảnh khắc nào khác, thay vào đó ngọn đuốc bây giờ sẽ tự nó sáng soi như ánh sáng bất diệt. Biết đâu đó, như Thánh Tông Đồ Phaolô nói, tôi lao về phía trước, tôi không ngoái lại đằng sau. Tôi không nghĩ rằng mình đã đến đích, nhưng tôi lao về phía trước nhằm để đến đích. Đứng trước thềm năm mới này, chúng ta cũng có thể thốt lên lời cầu “Maranatha!” – Lạy Chúa, xin hãy đến! Vì quả Chúa đang đến – đang đến trong năm mới của đời tôi. Năm mới này sẽ đem lại gì cho tôi? Còn gì nữa nếu không phải là Đức Giê-su Kitô chịu đóng đanh và Phục Sinh! Còn gì nữa nếu không phải là mầu nhiệm sự chết và sự sống của Ngài trong sự sống và sự chết của tôi! Còn gì khác nữa nếu không phải là ánh sáng chói lọi của Ngài trong đức tin nhọc nhằn của tôi, lời hứa của Ngài trong đức cậy truân chuyên của tôi, tình yêu của Ngài dành cho tôi trong nỗ lực không ngừng tìm kiếm Ngài trên con đường yêu mến và chia sẻ định mệnh của Ngài.

Một năm mới lại về, năm của Chúa!

(Lm. Lê Công Đức dịch)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:43 02/01/2010
Tập 3:

TÔN GIÁO



N2T
CỰ LY QUÁ XA

Người lữ khách mệt mỏi nói: “Trời ạ, sao lại xây ga xe lửa xa thành phố đến ba cây số vậy hử ?”

Người khuân vác có lòng tốt nói: “Thưa ông, trước đây thì ga xe lửa xây ở đây, đại khái là bởi vì sát gần xe lửa thì tiện lợi hơn.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Sống ở đời con người ta ai cũng có một lý tưởng và mục đích của mình, nhưng có người đạt được lý tưởng của mình rất nhanh, và có những người lận đận suốt đời mà mục tiêu thì cứ cách xa không thể nào với tới được.

Ga xe lửa chính là nơi người lữ hành đứng để đợi xe lửa đến và đưa họ đến nơi mà họ muốn đến. Người khó tính, làm biếng, kiêu ngạo thì thường lấy sự vui thích buồn giận của mình làm tiêu chuẩn cho người khác, nhưng người vui vẻ lạc quan khiêm tốn thì lấy người khác làm tấm gương soi hành vi ngôn từ của mình.

Ga đợi tàu về thiên đàng của người Ki-tô hữu chính là thế gian này.

Bởi vì mục tiêu của người Ki-tô hữu ở đời này là sống và làm chứng cho Chúa Giê-su, và mục đích của người Ki-tô hữu ở đời này là sống để đạt được nước thiên đàng mai sau, tức là được ở với Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời.

Ai hiểu thì hiểu !

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:44 02/01/2010
N2T


17. Nói tóm lại, muốn biết một linh hồn có nhân đức thật hay không, phương pháp thực nghiệm đáng tin cậy nhất là: trong nghịch cảnh có hay không có nhân đức hiền lành đẹp đẽ.

(Thánh John Chrysostom)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:46 02/01/2010
N2T


333. Tình yêu chân chính thì không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt nó, hành vi mới là chứng minh tốt nhất của lòng trung thành.

 
Sứ Mệnh Lên Đường
LM. Phêrô Hồng Phúc
20:30 02/01/2010
SỨ MỆNH LÊN ĐƯỜNG

Ngẩng đầu nhìn bầu trời, thấy ánh sáng lạ, ba nhà đạo sĩ đã nhận ra một sứ mệnh. Họ lên đường để đi theo ánh sáng sao tìm Vua Do Thái mới sinh.

Họ nhận sứ mệnh này là sự thúc đẩy của Thánh Linh để rồi từ phương Đông xa xăm, họ tiến về tìm thờ lạy Chúa Cứu Thế. Chính cuộc ra đi của họ đã cho chúng ta thấy một tầm mức cứu độ muôn dân của Đức Giêsu. Ơn cứu độ không chỉ đến cho người Do Thái nhưng là ơn cứu độ Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân. Ba vua đại diện đến để thờ lạy Chúa mang theo những lễ vật đặc trưng:

- Vàng: Biểu hiện của lòng kính mến...;

- Mộc dược: Biểu hiện những hy sinh, những đau khổ đắng đót trong cuộc đời;

- Nhũ hương: Biểu hiện cho những lời nguyện cầu bay lên trước thiên nhan Chúa.

Dẫu đường xa, vất vả, nhưng ba nhà đạo sĩ đã đi theo tiếng gọi của trái tim và không thiếu những thử thách. Đã đến nơi rồi, ngôi sao còn biến mất. Tuy nhiên, chúng ta thấy, ánh sáng sao không bị dập tắt trong lòng của họ. Bởi vì, hàng triệu triệu người có thể nhìn thấy ánh sáng sao nhưng chỉ có ba nhà đạo sĩ lên đường. Ánh sáng bên ngoài có thể tắt đi nhưng ánh sáng ở trong tâm hồn ba nhà đạo sĩ vẫn sáng và đó chính là lý do tại sao họ không dừng bước. Ba nhà đạo sĩ tiếp tục vào đền của vua Herode để hỏi thăm tin tức về điềm lạ xem thế nào. Chính thái độ ấy là một thái độ nói lên sứ mệnh mà họ đang thi hành với tất cả lòng yêu mến. Ba nhà đạo sĩ này không phải tìm thấy Chúa nhờ sự chỉ vẽ của vua Herode, ngàn lần không, bởi lẽ ánh sáng sao lại tiếp tục xuất hiện dẫn họ mãi tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi sinh ra. Ở nơi đây là điểm giao thoa giữa trời và đất. Ba nhà đạo sĩ vui mừng khôn xiết, họ dâng lên những lễ vật của lòng chân thành.

Chúng ta không thấy ba nhà đạo sĩ xin một ơn gì hết, họ đặt lễ vật, họ thờ lạy Chúa, họ hớn hở hân hoan ra về, họ muốn đưa tin cho cả vua Herode. Nhưng hai thái cực khác nhau dẫn đến hai kết quả khác nhau:

Thái cực thứ nhất: Ba đạo sĩ chân thành tìm gặp Chúa thì gặp được Chúa, họ muốn đưa tin cho vua Herode thì được sứ thần báo mộng cho ba đạo sĩ tìm lối khác để v ề;

Thái cực thứ hai: Vua Herode với mưu tính toán để giết Chúa thì được sứ thần báo mộng cho ba đạo sĩ tìm lối khác mà về, để mặc cho vua Herode lồng lộn trong thất bại mưu mẹo của mình. Không những thế khi Hài Nhi Giêsu được thánh cả Giuse và Đức Trinh Nữ Maria bồng sang đất nước Ai Cập thì vua Herode cũng chẳng tồn tại lâu. Bốn năm sau đó vua Herode đã băng hà, đúng là:

Vua đã giết hết trẻ rồi
Chỉ duy Con Đức Chúa Trời là không
Chính Chúa Hài Đồng hiển thắng
Vua băng hà cay đắng thảm thê
Bệnh tình dằn vặt gớm ghê
Lương tâm cắn rứt trăm bề đớn đau.

(Bệnh của vua đau đớn dứt ra từng mảng thịt mà chẳng chết được. Rồi khi vua chết thì Chúa Hài Đồng lại chiến thắng trở về).

Chúng ta thấy ở đây hai thái cực khác hẳn nhau. Cũng là đi tìm Chúa nhưng với sứ mệnh đi tìm để thờ lạy, ba nhà đạo sĩ đã gặp. Còn vua Herode huy động cả quân quốc đi tìm, tìm để giết, cuối cùng đã chết thật nhưng là vua chết chứ Hài Nhi Giêsu sống và sống muôn đời. Chính vì vậy chúng ta họ được ở nơi ba nhà đạo sĩ bài học của niềm tin. Ba nhà đạo sĩ đã cho chúng ta một sứ mệnh để đi tìm Chúa. Sau này đã có người nhọc công tìm hiểu xem vào thời điểm ấy có ngôi sao chổi hiện trên bầu trời không? Có người nhọc công tìm hiểu xem phép lạ ấy diễn ra như thế nào? Chúng ta sớm nhận ra rằng: Tất cả những điều đó là để trao cho ba nhà đạo sĩ một sứ mệnh mà các ông đã nhận ra và mau mắn lên đường.

Nếu hôm nay chúng ta biết nhận ra sứ mệnh được trao ban cho mình thì ánh sáng ấy vẫn còn, ánh sáng ấy không bị tắt trên bầu trời. Và ánh sáng ấy được ánh lên từ trong cõi lòng của chúng ta. Đi theo ánh sáng, chúng ta gặp được Chúa. Còn bóng đêm sẽ chôn vùi chúng ta trong sự chết. Nếu chúng ta muốn gặp ánh sáng ấy thì thánh Gioan đã mô tả: “Ánh sáng đã đến trong thế gian và Ngôi Lời chính là sự sáng” (Ga 1,9). Như chúng ta thấy Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là ánh sáng đã đến trong thế gian, ai đi theo Ta sẽ không đi trong tối tăm nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga 12,46). Những người biệt phái Pharisiêu vẫn cố tình khước từ. Họ không nhận Đức Giêsu là ánh sáng, họ cố tình lập mưu và bắt giết Chúa Giêsu. Cho nên ở thời đại nào cũng có những người đứng dạy đi theo sứ mệnh, lên đường tìm Chúa. Và ở thời đại nào cũng có những người đang đứng lại cố tình ngã gục xuống trong bóng tối của sự tội, sự chết. Vì vậy cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng lạ xuất hiện giữa một thế giới đầy sôi động và đầy những ích kỷ vẫn đang tiếp tục diễn ra trong thời đại của chúng ta. Điều quan trọng là người ta có xác định tiếng gọi để lên đường hay không?

Mỗi ngày Giáo Hội mời gọi chúng ta: “Hãy nâng tâm hồn lên”, và Giáo Hội chúc cho chúng ta: “Anh chị em hãy lên đường bình an”. Ước gì chúng ta cũng nhận được sứ mệnh đó trong thánh lễ mỗi ngày để rồi coi việc chúng ta đi về gia đình, đi vào cuộc sống là mỗi hiệu lệnh lên đường, tiếp tục tìm thờ lạy Chúa. Việc nhận biết Chúa và thờ lạy Chúa là một ân huệ quá lớn lao. Chúng ta không phải xin thêm ơn gì khác. Cho nên ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy và hân hoan trở về thì chúng ta cũng thế. Được nhận biết Chúa là một hạnh phúc, là một mục đích, là ý nghĩa của sự sống, là phần thưởng đời đời. Do đó, ước gì mỗi ngày chúng ta cũng lên đường để gặp Chúa và đem Chúa đến cho người khác. Các mục tử đã làm như vậy, ba nhà đạo sĩ đã làm như vậy. Các tông đồ đoàn đã làm như thế. Còn đến lượt chúng ta hôm nay có làm được như thế hay không? Đấy mới chính là ý nghĩa của lễ Hiển Linh, Chúa tỏ mình ra cho chúng ta nhưng chúng ta có đón nhận hay không lại là chuyện khác.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng,

Một trẻ thơ nhỏ bé
nhưng đã trở nên trung tâm của mầu nhiệm cứu độ.
Chúa im lặng không nói gì
nhưng đã làm huyên náo cả thế giới.
Trong những tiếng huyên náo ấy
chúng con nhận ra có những tiếng huyên náo của căm thù
những tiếng huyên náo của ghen ghét
như Herode tìm giết Chúa.
Có những tiếng của ngựa xe lên đường đi tìm Chúa
như ba nhà đạo sĩ tốt lành.
Có những tiếng vui mừng của mục tử
được nghe tiếng Thiên thần
tìm đến thờ lạy Chúa.
Xin đừng để ai trong chúng con
chìm mãi vào bóng đêm của ích kỷ,
giận hờn và tội lỗi
nhưng hòa nhập vào trong đoàn của ba nhà đạo sĩ,
đoàn của các mục tử.
Ước gì chúng con tìm thấy ánh sáng chiếu soi cho muôn dân
và trong ánh sáng ấy
chúng con được hưởng ơn cứu độ của Chúa. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Giêng 2010
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
07:29 02/01/2010
ROMA, 01/01/2010 (zenit.org)- Đức Thánh Cha đề nghị các tín hữu công giáo trong tháng Giêng 2010 một mặt cầu nguyện cho giới trẻ nói chung và cách riêng cho họ biết cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, mặt khác cho các tín hữu biết ý thức về mối liên hệ giữa sự hiệp nhất Kitô giáo và công cuộc Phúc Âm hóa.

Ý cầu nguyện chung:

« Ước mong người trẻ biết sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại để thăng tiến nhân vị của mình và đặc biệt là để chuẩn bị cách tốt nhất cho việc phục vụ xã hội ».

Cầu nguyện cho việc truyền giáo:

« Ước gì mỗi Kitô hữu trong thân thể Đức Kitô ý thức rằng sự hiệp nhất là điều kiện tiên quyết mang lại sự rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu nhất ».

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô giáo hàng năm được diễn ra vào tháng Giêng từ 18 đến 25 và ngày cuối cùng trong tuần lễ này Đức Thánh Cha chủ sự ở Roma giờ Kinh Chiều Đại Kết tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao Lô ngoài thành, vào dịp lễ Thánh Phaolô trở lại.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho lần thứ 44 ngày quốc tế truyền thông xã hội sẽ được công bố vào dịp lễ thánh Phanxicô de Sales, quan thầy các nhà báo, năm nay trùng với Chúa Nhật ngày 24 tháng 1 năm 2010. Chủ đề cho năm nay đã được loan báo trên trang mạng của Hội Đồng Giáo Triều về Truyền Thông Xã hội: « Linh mục và công việc mục vụ trong thời đại kỹ thuật số: phương tiện truyền thông mới nhằm phục vụ cho lời rao giảng ».
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong ngày đầu năm Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa,
Lm Giuse Đào Hữu Thọ chuyển ý
07:32 02/01/2010
Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong ngày lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, 01.01.2010

Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của chúng ta! Hướng về tất cả anh chị em đang qui tụ nơi đây, đại diện cho mọi dân tộc trên thế giới, đại diện cho Giáo hội Rôma và Giáo hội hoàn vũ, đại diện cho các linh mục và tín hữu, cũng như tất cả mọi người đang hiệp thông với chúng ta qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, tôi muốn lặp lại lời cầu chúc của Cựu Ước: “Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em (x. Ds 6,26). Dưới ánh sáng Lời Chúa, hôm nay, tôi muốn triển khai đề tài: dung mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con người, đề tài này cống hiến cho chúng ta chìa khóa để giải thích những vấn nạn hòa bình trên thế giới.

Trong bài đọc I – trích từ sách Dân số và trong Thánh vịnh đáp ca, chúng ta đã nghe một vài cách diễn tả ẩn dụ về dung mạo của Thiên Chúa: “Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em (Ds 6,25); “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66/67,2-3). Dung mạo diễn tả rõ ràng nhất về con người, qua đó tình cảm, suy nghĩ và những ý định sâu kín trong tâm hồn được bày tỏ. Thiên Chúa vô hình, theo bản tính của Ngài, nhưng Kinh Thánh vẫn ‘gán’ cho Ngài một “dung mạo”. Trong Kinh Thánh, kiểu nói “tỏ dung nhan” diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa, trong khi cách nói Thiên Chúa “ẩn mặt” ám chỉ Thiên Chúa nổi giận. Sách Xuất Hành nói: “Ðức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11), Ngài hứa sẽ luôn luôn ở bên ông: “Dung nhan của Ta sẽ đi cùng ngươi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 33,14). Các Thánh Vịnh diễn tả, các tín hữu là những người tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa (x. Tv 26/27,8; 104/105,4). Trong cử hành phượng tự, các Thánh Vịnh diễn tả nỗi khát khao của con người được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa (Tv 42,3), “người chính trực” sẽ được “chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa” (Tv 10/11,7).

Có thể đọc toàn bộ Thánh Kinh như là một quá trình tiệm tiến, qua đó Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài ra cho con người và Ngài đã bày tỏ một cách trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. “Khi đến thời viên mãn – trong bài đọc II thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta – Thiên Chúa đã sai Con của Ngài (Gl 4,4) và ngay lập tức thánh Tông Đồ nói thêm “sinh bởi người phụ nữ và sinh dưới chế độ lề luật”. Thiên Chúa đã nhận lấy dung mạo của một con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do đó, chúng ta tôn kính Đức Maria với tước hiệu cao trọng nhất “Mẹ Thiên Chúa”. Đức Maria đã gìn giữ trong tâm hồn mầu nhiệm thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ là người đầu tiên được chiêm ngưỡng dung mạo Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người phàm trong lòng Mẹ. Người mẹ có mối tương quan đặc biệt, duy nhất và đôi khi độc quyền với đứa trẻ mới được sinh ra. Dung mạo đầu tiên mà đứa trẻ nhìn thấy là người mẹ, cái nhìn này quyết định mối tương quan của đứa trẻ với cuộc sống, với chính nó, với người khác và với Thiên Chúa. Cái nhìn này cũng quyết định tại sao đứa trẻ có thể trở thành “người con của hòa bình” (Lc 10,6). Trong truyền thống Bizantinô, giữa nhiều bức họa Đức Trinh Nữ Maria, có một bức họa được gọi là Đức Maria “ngọt ngào, êm dịu”, trong bức họa đó gương mặt của Hài Nhi Giêsu áp sát gương mặt Đức Maria. Hài Nhi Giêsu nhìn Mẹ Maria. Đối với chúng ta, bức họa này qui chiếu về Đức Maria, người đã cầu nguyện liên lỉ và hằng tuân giữ Lời Chúa, qui chiếu về sự “êm ái, ngọt ngào” của Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Trong bức họa này, chúng ta có thể chiêm ngắm một vài nét phác họa nào đó về chính Thiên Chúa: dấu chỉ tình yêu vô biên, vì tình yêu đó Thiên Chúa đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Nhưng bức họa này cũng cho chúng ta biết, trong Đức Maria, dung mạo của Giáo hội chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô cho chúng ta và cho toàn thế giới; qua Đức Maria, Giáo hội gửi đến mỗi người Tin Mừng: “Anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con cái” (Gl 4,7) – như chúng ta nghe đọc trong thư của thánh Phaolô.

Anh em Giám mục, Linh mục, quí vị Đại sứ và các bạn thân mến! Suy tư về mầu nhiệm dung mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con người là con đường ưu tiên dẫn đến hòa bình. Thật vậy, con đường này khởi đầu bằng cái nhìn tôn trọng con người, nhìn nhận phẩm giá của người khác dù người đó thuộc bất cứ mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo nào. Nhưng ai, nếu không phải là Thiên Chúa có khả năng bảo đảm một cách “sâu xa nhất” dung mạo của con người? Thật ra, chỉ khi nào chúng ta có Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta mới có thể đón nhận dung mạo của người anh em xứng hợp với phẩm giá của họ, nghĩa là không phải như phương tiện nhưng như là mục đích, không phải như đối thủ hay kẻ thù nhưng như một “cái tôi” khác của chính tôi, một khía cạnh không cùng của mầu nhiệm con người. Nhận thức của chúng ta về thế giới, đặc biệt về anh chị em đồng loại, căn bản phụ thuộc vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Đây là một sự “cộng hưởng”: Ai có tâm hồn vô cảm, người ấy không thể nhận ra những giá trị cao cả nơi anh chị em của mình. Trái lại, nếu chúng ta cư ngụ trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ngài trong thiên nhiên, đặc biệt nơi anh chị em, mặc dù, đôi khi dung mạo của con người đã bị méo mó do sự dữ, do đời sống khó khăn, khiến chúng ta không thể nhận ra sự “hiển dung” của Thiên Chúa nơi dung mạo anh chị em của mình. Hơn nữa, để hiểu nhau và tôn trọng nhau như là anh chị em, chúng ta cần phải liên hệ đến dung mạo của Thiên Chúa, cha chung của tất cả chúng ta, Đấng đã yêu mến tất cả chúng ta ngay cả khi chúng ta còn nhiều sai lỗi và bất toàn.

Khi còn nhỏ tuổi, điều quan trọng đối với trẻ em là được giáo dục biết tôn trọng người khác, ngay cả sự khác biệt của họ. Trong các lớp học phổ thông qui tụ trẻ em đến từ nhiều quốc gia, ngay cả trong các lớp học mà các em cùng chung một quốc gia, dung mạo của các em như là một lời tiên báo về viễn ảnh một nhân loại mà chúng ta gọi là: gia đình của mọi gia đình, hay gia đình nhân loại. Những em nhỏ tuổi hơn trong số những em này lại là những em gợi lên trong chúng ta mối tình huynh đệ ngọt ngào, êm dịu nhất dù giữa các em có sự khác biệt, chúng khóc cười như nhau, chúng có nhu cầu như nhau, chúng liên kết với nhau một cách tự nhiên, chúng chơi chung với nhau… Dung mạo của trẻ thơ như là một phản ánh dự phóng của Thiên Chúa đối với thế giới. Tại sao chúng ta làm mất đi nụ cười của chúng? Tại sao chúng ta làm vẩn đục trái tim của chúng? Rất tiếc, bức họa Đức Maria “êm dịu” đang hiện diện giữa hình ảnh của biết bao nhiêu trẻ em cũng như mẹ của các em đang đau khổ vì chiến tranh và bạo lực. Họ bị biến thành những người lưu vong, tị nạn, bị bó buộc phải di cư. Dung mạo của họ bị hủy hoại vì đói khát và bệnh tật, bị biến dạng vì đau khổ và thất vọng. Dung mạo của các trẻ em vô tội là hồi chuông báo động không lời đối với trách nhiệm của chúng ta. Đối diện với hoàn cảnh của trẻ em vô phương tự vệ, tất cả những lý lẽ sai trái biện minh cho chiến tranh và bạo lực không có lý do đứng vững. Chúng ta phải xây dựng hòa bình bằng cách loại bỏ mọi loại vũ khí, cùng nhau xây dựng một thế giới xứng hợp hơn với nhân phẩm con người.

Trong sứ điệp của tôi nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ XLIII: “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, bạn hãy bảo tồn thiên nhiên”, sứ điệp đặt trọng tâm trên phương diện dung mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con người. Thật vậy, chúng ta có thể khẳng định, con người có khả năng tôn trọng thiên nhiên bằng cách thấu hiểu thiên nhiên, nếu không con người sẽ không tôn trọng chính mình và những sự vật chung quanh mình, không tôn trọng môi trường sống và không tôn trọng thiên nhiên. Ai biết nhận ra trong vũ trụ, những phản ánh dung mạo vô hình của Đấng Tạo Hóa, người đó sẽ yêu mến thiên nhiên và nhận ra được những giá trị biểu tượng của chúng. Đặc biệt, trong các Thánh Vịnh, chứa đựng những chứng từ rất phong phú về mối tương quan giữa con người với thiên nhiên: trời đất, biển khơi, núi đồi, sông ngòi, sinh vật….Tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104/103,24).

Đặc biệt, phương diện “dung mạo” mời gọi chúng ta dừng lại trên đề tài mà trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, tôi đã gọi là “môi sinh của nhân loại”. Có một mối liên hệ mật thiết giữa việc tôn trọng con người và bảo tồn thiên nhiên. “Trách nhiệm đối với thiên nhiên bắt nguồn từ trách nhiệm đối với từng người và đối với toàn thể nhân loại” (số 12). Nếu con người không được tôn trọng, môi trường sống của con người cũng không được tôn trọng; nếu văn hóa hướng đến chủ nghĩa hư vô, nếu không đề ra những chương trình cụ hành động cụ thể, nếu như không thực hiện những chương trình đã đề ra, thiên nhiên sẽ bị hủy hoại. Thật vậy, có một mối liên hệ hỗ tương giữa dung mạo của Thiên Chúa và “dung mạo” của môi sinh: “Khi môi sinh của nhân loại được tôn trọng trong đời sống xã hội, môi trường sinh thái được bảo tồn” (nt; Bác Ái Trong Chân Lý, s. 51). Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục về môi sinh, cũng như thúc đẩy truyền thông một cách sâu rộng hơn về “trách nhiệm đối với môi sinh”, đặt nền tảng trên việc tôn trọng con người, quyền lợi và những nghĩa vụ căn bản của họ. Chỉ có như thế, nỗ lực đối với môi sinh mới có thể thực sự mang lại hòa bình và xây dựng hòa bình.

Anh chị em thân mến, trong mùa Giáng sinh, chúng ta nghe một thánh vịnh, giữa nhiều thánh vịnh khác, diễn tả việc Chúa đến đã biến đổi thiên nhiên và khai mở một lễ hội của vũ trụ. Thánh vịnh này khơi mào với lời mời gọi toàn thể vũ trụ hãy dâng lời ca ngợi Chúa: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu” (Tv 95/96,1). Nhưng có một điều chắc chắn, lời kêu gọi này hướng đến niềm vui của toàn thể nhân loại: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ, hỡi cây cối rừng xanh (Tv 95/96,11-12). Ngày lễ của đức tin trở thành ngày lễ của con người và của thiên nhiên. Lễ giáng sinh diễn tả ý nghĩa đó, qua việc trang trí cây cối, đường xá, nhà cửa. Tất cả trở nên rực rỡ vì Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta. Đức Trinh Nữ Maria tỏ Hài Nhi Giêsu cho các mục đồng đang vui mừng, hân hoan ca tụng Thiên Chúa (x. Lc 2,20). Giáo hội tiếp tục giới thiệu mầu nhiệm đó cho con người mọi thời, bày tỏ cho họ dung mạo của Thiên Chúa, với ân phúc của Ngài, họ có thể tiến bước trên con đường hòa bình.

+ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
 
Đức Thánh Cha nhắc đến trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:10 02/01/2010
ROMA, 01/01/2010 (zenit.org)- Bảo vệ thiên nhiên là « trách nhiệm » của mỗi người trên bình diện cá nhân, tập thể, quốc gia và thế giới, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ như vậy trước giờ Kinh Truyền Tin của trưa ngày đầu tiên trong Năm Mới 2010 tại quảng trường Thánh Phêrô, đồng thời quảng diễn thêm chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế giới 2010: « Nếu bạn muốn kiến tạo hòa bình, cần bảo vệ thiên nhiên ».

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI mong muốn rằng năm 2010 là cơ hội để trả lại cho ngôi nhà chung, tức là thế giới này, điều tốt đẹp hơn.

Ngài cũng đưa ra điều kiện này: « Có một mục tiêu là tất cả chúng ta đều có thể chia sẻ, điều kiện không thể thiếu đối với việc thiết lập nền hòa bình, đó là quản lý theo sự mách bảo của công lý và khôn ngoan nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất. « Nếu muốn xây dựng hòa bình thì cần phải bảo vệ môi trường thiên nhiên »: đó là chủ đề mang tính thời sự mà tôi đã đề cập đến trong sứ điệp của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 43 ».

Đức Thánh Cha cũng nêu lên tinh thần trách nhiệm của cá nhân và nói rằng: « Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các gia đình và các đoàn thể địa phương là cần có những chọn lựa đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường. « Một sự thay đổi não trạng thúc đẩy mọi người chấp nhận một cách thức sống mới là điều hểt sức cần thiết » (x. Sứ Điệp Hòa Bình Thế Giới 2010 số 11). Thực vậy tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trước việc bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên ».

Đồng thời Đức Thánh Cha cũng nói đến vai trò nòng cốt liên quan đến « giáo dục ». Chính vì vậy, ngài mời gọi hãy tôn trọng tất cả các loài thụ tạo và sự sống của « nhân loại ».

Nói bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha cám ơn tất cả những ai đã chúc mừng ngài nhân dịp Giáng Sinh, và về phần mình Đức Giáo Hoàng cũng biểu đạt lời cầu chúc, cách riêng dành cho Tổng Thống Cộng Hòa Ý, ông Giorgio Napolitano, cũng như các Nhà Chức Trách trong bộ máy Nhà Nước Ý.

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đến những người có mặt trong cuộc diễu hành vì Hòa Bình của Cộng Đoàn Sant'Egidio với khẩu hiệu: « Hòa Bình trên toàn trái đất », cũng như tất cả những ai tham dự buổi canh thức vào đêm giao thừa (theo thông lệ hàng năm) thường xuyên dưới trời mưa và nay cũng thế tại quảng trường Thánh Phêrô được tổ chức bởi phong trào Tình Yêu Gia Đình cùng với sự hiện diện của những người bạn trẻ trong hiệp hội Œuvre de Don Orione và một Cộng Đoàn mới khác của Ý là « Fraterna Domus ».
 
Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: Đức Thánh Cha Benedict XVI nhắc đến việc Chúa Giêsu chịu cắt bì
Bùi Hữu Thư
10:40 02/01/2010
Theo Luật Môi-sen

Rôma, Thứ Sáu 1 tháng 1, 2010 (Le monde vu de Rome) – Vào ngày 1 tháng giêng này, ngày lễ trước đây được gọi là Lễ Chúa Giêsu chịu cắt bì và ngày nay, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Benedict XVI nhắc đến việc Chúa Giêsu chịu cắt bì và đến Danh tánh Giêsu được Đức Maria và Thánh Giuse chọn cho Chúa Hài Nhi, theo như luật Môi-sen ấn định.

Đức Thánh Cha nói trước khi đọc Kinh Truyền Tin: “Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa nhắc cho chúng ta rằng: tám ngày sau khi Hài Nhi Giêsu sanh ra, Đức Maria cùng với hôn phu là Thánh Giuse, đã cho Giêsu chịu cắt bì theo luật Môi-sen, ông bà đã đặt tên cho con trẻ là Giêsu, như thiên thần đã nói. (xem Lc 2, 21).”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Danh hiệu này, có nghiã là “Thiên Chúa Cưú Chuộc” là sự thể hiện mạc khải của Thiên Chúa. Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, Người là ân sủng cho tất cả mọi người và mọi dân nước, Người là nền hoà bình cho thế giới. Cảm tạ Mẹ Rất Thánh đã sanh Đấng Cứu Chuộc cho thế gian, và là vị Hoàng Tử của Hòa Bình. Như đã được nhắc nhở bởi “Một tiếng vang Do Thái,” trước khi có sự cải tổ về phụng vụ, Giáo Hội Công Giáo đã từng chỉ mừng kính hôm nay Lễ Chúa Giêsu chịu cắt bì, vẫn còn được nhắc đến trong các bài đọc của phụng vụ Lời Chúa.
 
Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ kính Mẹ Thiên Chúa
LM. Trần Đức Anh, OP
18:16 02/01/2010
VATICAN - Ngày 1-1-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cử hành Ngày Hòa Bình quốc tế lần thứ 43 với chủ đề ”Nếu bạn muốn hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng, có 5 vị là ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM Fernando Filoni, Phụ tá quốc vụ khanh, Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, và sau cùng là Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 hồng y Phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Franc Rodé, dòng thánh Vinh Sơn, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, và ĐHY Raffaele Farina, dòng Don Bosco, Thư viện trưởng của Tòa Thánh.

Trong số 9 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, hàng chục HY và GM. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma với 100 ca viên. 65 LM phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC đã dựa vào bài đọc thứ I trích từ sách Dân Số với câu ”Xin Chúa làm cho tôn nhan Người chiếu tỏa rạng ngời trên bạn và ban ân phúc cho bạn” (Ds 6,25) và lời Thánh Vịnh 66: ”Xin Thiên Chúa đoái thương chúng ta, chúc lành cho chúng ta và làm cho tôn nhan Người chiếu tỏa rạng ngời trên chúng ta, để mọi người nhận biết trên trái đất con đường của Chúa, để ơn cứu độ của Ngài được nhận biết giữa mọi dân nước” (Tv 66/67,2-3). ĐTC nói: ”Khuôn mặt là sự biểu lộ tuyệt hảo của con người, là điều làm cho họ được nhận biết và qua đó bộc lộ những tâm tình, tư tưởng, ý hướng trong tâm hồn. Thiên Chúa tự bản chất là vô hình, nhưng Kinh Thánh áp dụng hình ảnh ấy cho Ngài. Tỏ lộ tôn nhan là biểu lộ lòng từ nhân của Ngài, và che khuất tôn nhan có nghĩa là sự thịnh nộ của Chúa”.

Sau khi giải thích sự kiện tôn nhan Thiên Chúa đã nhận lấy hình hài khuôn mặt của con người qua mầu nhiệm nhập thể, để mọi người nhận biết Con Thiên Chúa là con của Đức Trinh Nữ Maria, ĐTC nói với mọi người rằng:

”Anh em trong hàng GM và LM, quí vị đại sứ, các bạn thân mến! Suy niệm về mầu nhiệm tôn nhan Thiên Chúa và con người là một con đường ưu tiên dẫn tới hòa bình. Thực vậy, con đường này bắt đầu bằng một cái nhìn tôn trọng, nhìn nhận nhân vị nơi khuôn mặt người khác, dù màu da, quốc tịch, ngôn ngữ và tôn giáo của họ thế nào đi nữa. Nhưng ai, nếu không phải là Thiên Chúa, có thể bảo đảm ”chiều sâu” của khuôn mặt con người như thế? Trong thực tế, chỉ khi nào có Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta mới có thể nhận ra nơi khuôn mặt của tha nhân một người anh em trong nhân tính, không phải là một phương tiện, nhưng là một mục đích, không phải như một đối thủ hay kẻ thù, nhưng là một bản thân khác của tôi, một khía cạnh của mầu nhiệm vô biên về con người. Nhận thức của chúng ta về thế giới, đặc biệt là về những người đồng loại của chúng ta, chủ yếu tùy thuộc sự hiện diện của Thánh Linh của Thiên Chúa trong chúng ta. Đó là một thứ âm vang: ai có con tim trống rỗng, thì chỉ nhận thức những hình ảnh phẳng lỳ, chẳng có chiều sâu. Trái lại, hễ càng được Thiên Chúa ngự trị nơi mình, thì chúng ta càng nhạy cảm đối với sự hiện diện của Ngài nơi những gì chung quanh chúng ta: nơi tất cả các loài thụ tạo, nhất là nơi những người khác, mặc dù nhiều khi chính khuôn mặt con người mang vết tích của cuộc sống cơ cực và sự ác, có thể là khó thương và khó có thể đón nhận như một biểu thị của Thiên Chúa. Vì thế, để nhìn nhận và tôn trọng nhau như thực tính của chúng ta, nghĩa là như anh chị em của nhau, chúng ta cần tham chiếu khuôn mặt của Cha chung, Đấng yêu thương tất cả chúng ta, mặc dù chúng ta có những giới hạn thiếu sót và lầm lẫn”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Điều quan trọng là ngay từ nhỏ, con người cần được giáo dục về sự tôn trọng tha nhân, cả khi họ khác biệt chúng ta. Ngày nay càng ngày càng có kinh nghiệm chung về những lớp học gồm các trẻ em thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng cả khi điều đó không xảy ra, thì khuôn mặt của họ cũng là một lời tiên tri của nhân loại, theo đó chúng ta được kêu gọi họp thành một gia đình của các gia đình và các dân tộc. Hễ các em bé ấy càng nhỏ, thì càng dễ khơi dậy nơi chúng ta sự dịu dàng và vui mừng vì sự ngây thơ trong trắng và tình huynh đệ mà chúng ta thấy là hiển nhiên: mặc dù các em khác nhau, nhưng các em đều khóc, đều cười giống nhau, có cùng những nhu cầu, bộc lộ một cách tự nhiên, chơi đùa cùng nhau.. Những khuôn mặt của các em như phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa đối với thế giới. Vậy tại sao lại dập tắt nụ cười của các em? Tại sao lại làm ô nhiễm con tim của các em? Rất tiếc là hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa về sự dịu dàng gặp phải một điều trái ngược nơi những hình ảnh đau thương của bao nhiêu trẻ em và mẹ của các em trong cảnh chiến tranh và bạo lực: những người di tản, tị nạn, và người di dân bị cưỡng bách. Những khuôn mặt gầy guộc vì đói ăn và bệnh tật, những khuôn mặt bị méo mó vì đau khổ và tuyệt vọng. Những khuôn mặt của các trẻ em vô tội là một lời kêu gọi âm thầm đối với trách nhiệm của chúng ta: đứng trước thân phận vô phương thế của họ, tất cả những biện minh giả dối về chiến tranh và bạo lực đều sụp đổ. Chúng ta phải hoán cải theo những dự phóng hòa bình, từ bỏ mọi loại khí giới và cùng nhau dấn thân xây dựng một thế giới xứng đáng với con người hơn.

Ngày Hòa Bình thế giới

Đề cập đến Ngày Hòa Bình thế giới, ĐTC nói rằng: ”Sứ điệp của tôi nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 43 hôm nay ”Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên” được đặt trong viễn tượng tôn nhan Thiên Chúa và những khuôn mặt của con người. Thực vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng con người có khả năng tôn trọng các thụ tạo theo mức độ họ mang trong tâm ý một ý thức đầy đủ về sự sống, nếu không họ sẽ bị đưa đẩy tới chỗ khinh rẻ chính mình và những gì xung quanh mình, không tôn trọng môi sinh trong đó họ sinh sống, không tôn trọng thiên nhiên. Ai biết nhận ra trong vũ trụ những phản ánh tôn nhan vô hình của Đấng Tạo Hóa, thì họ cũng được thúc đẩy có lòng yêu mến hơn đối với các loài thụ tạo, nhạy cảm hơn đối với giá trị biểu tượng của chúng. Đặc biệt sách Thánh Vịnh có nhiều chứng từ về cách thức con người quan hệ với thiên nhiên: với bầu trời, biển khơi, núi đồi, sông ngòi và động vật.. Tác giả Thánh Vịnh thốt lên ”Lạy Chúa, công trình của Chúa phong phú dường nào! Chúa đã tạo dựng chúng trong sự khôn ngoan, trái đất đầy thụ tạo của Chúa” (Tv 104/103, 24).

ĐTC cũng nhắc đến quan hệ giữa sự tôn trọng môi sinh nhân sự và môi sinh thiên nhiên, giữa sự tôn trọng con người và bảo tồn thiên nhiên. Nếu con người bị suy thoái thì môi sinh nơi họ sinh sống cũng bị thoái hóa; nếu nền văn hóa hướng về chủ thuyết hư vô, lý thuyết cũng như thực hành, thì thế nào thiên nhiên cũng phải gánh chịu hậu quả vì thái độ như thế. Và ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Bởi thế, tôi lập lại lời kêu gọi hãy đầu tư vào việc giáo dục, theo đuổi mục đích, ngoài việc thông truyền các kiến thức kỹ thuật khoa học cần thiết, còn gây ý thức sâu rộng hơn về trách nhiệm đối với môi sinh, dựa trên sự tôn trọng con người, các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của con người. Chỉ như thế, sự dấn thân bảo vệ môi sinh mới có thể trở thành một sự giáo dục đích thực về hòa bình và xây dựng hòa bình”.

Các ý nguyện và kinh Truyền Tin

Trong phần lời nguyện phổ quát, có 5 ý nguyện bằng 5 thứ tiếng Bồ đào nha, Hoa, Ba Lan, Pháp và Đức được xướng lên, lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các vị chủ chăn của Giáo Hội luôn được ơn thánh nâng đỡ để mang lại cho thế giới ánh sáng đức tin, cậy, mến; cầu cho các vị lãnh đạo các dân nước luôn tìm kiếm hồng ân hòa bình trong một thế giới bị thương tổn, dấn thân bảo vệ sự sống và gia đình, cỗ võ trách nhiệm đối với các hồng ân của sự sáng tạo; cầu cho các gia đình và cộng đoàn, khi đón nhận Thiên Chúa trở nên hài nhi, biết thực hiện kiểu mẫu nhân loại được hòa giải trong tình thương và chiếu tỏa quanh mình Tin Mừng an bình và sự sống; cầu cho những người đang chịu đau khổ trong thân xác và tinh thần, sau cùng là cho những người đang an nghỉ trong Chúa, để sau khi được thanh tẩy tội lỗi, họ có thể bước vào vinh quang của các thánh và được hưởng an bình vĩnh cửu Chúa hứa cho các tôi tớ trung tín của Ngài.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 50 và 12 giờ 5 phút trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với 70 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô để đọc kinh Truyền Tin, dưới bầu trời nhiều mây.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC gửi lời chúc mừng đầu năm mới được bình an và mọi điều tốt lành tới tất cả các tín hữu hiện diện và những người theo dõi buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông. Ngài nói tiếp về chủ đề Ngày Hòa Bình thế giới và khẳng định rằng:

“Một mục tiêu được mọi người đồng ý, một điều kiện không thể thiếu được để có hòa bình, đó là quản lý các tài nguyên thiên nhiên của trái đất một cách công bằng và khôn ngoan. ”Nếu bạn muốn vun trồng hòa bình thì hãy bảo tồn thiên nhiên”, tôi dã dành Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 43 hôm nay cho đề tài ấy. Trong lúc sứ điệp này được công bố, thì các vị nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh tại Copenhagen về khí hậu, tại đó người ta càng thấy rõ cần cấp thiết có những hướng đi được đồng thuận trên bình diện hoàn cầu. Nhưng lúc này đây, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những chọn lựa cá nhân gia đình và các chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi sinh. ”Ngày nay điều tối quan trọng là có sự thay đổi não trạng, dẫn đưa tất cả mọi người chấp nhận những lối sống mới” (Sứ điệp, n. 11). Thực vậy, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên. Vì thế, cả trong lãnh vực này, điều căn bản là giáo dục: để học cách tôn trọng thiên nhiên, ngày càng hướng đến sự kiến tạo hòa bình, đi từ những chọn lựa bao quát, trên bình diện bản thân, gia đình, cộng đoàn và chính trị” (Ibid.).

”Nếu chúng ta phải chăm sóc thiên nhiên quanh chúng ta, thì chúng ta càng phải trân trọng hơn đối với những con người, anh chị em chúng ta! Chúng ta càng phải tôn trọng sự sống con người dường nào! Trong ngày đầu năm tôi muốn kêu gọi lương tâm của tất cả những người thuộc các nhóm võ trang, thuộc bất kỳ loại nào: Với tất cả và từng người tôi nói rằng: ”Các bạn hãy ngưng lại, hãy suy nghĩ và từ bỏ con đường bạo lực! Ngay lúc này đây, quyết định ấy có thể các bạn thấy là không thể thực hiện được, nhưng nếu các bạn có can đảm thực hiện, thì Thiên Chúa sẽ giúp đỡ các bạn, và các bạn sẽ cảm thấy niềm vui an bình trở lại trong tâm hồn các bạn, an bình mà có lẽ các bạn đã quên lãng từ lâu. Tôi phó thác lời kêu gọi ấy cho sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ chí thánh của Thiên Chúa.”

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng thân ái gửi lời chào đến các tham dự viên cuộc tuần hành với tên là ”Hòa bình trên toàn trái đất” do Cộng đồng thánh Egidio đề xướng tại Roma và nhiều nước khác trên thế giới. ĐTC nói: ”Tôi cũng bày tỏ sự gần gũi tinh thần với nhiều sáng kiến hòa bình do các Giáo Hội địa phương, các phong trào và hội đoàn của Giáo Hội tổ chức, và đặc biệt tôi nghĩ đến sáng kiến hòa bình có tính cách quốc gia diễn ra hôm 31-12-2009 tại thành phố Terni và L'Aquila ở Italia.
 
Cựu Tổng Giám Mục Tokyo, đức cha Phêrô Seiichi Shirayanagi mới qua đời
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
18:55 02/01/2010
ROMA, 01/01/2010 (zenit.org)- Đức Thánh Cha tưởng nhớ Đức Hồng Y Nhật Bản Phêrô Seiichi Shirayanagi vừa mới qua đời về những nỗ lực trong việc dấn thân bảo vệ công lý, hòa bình và người tị nạn.

Đức Hồng Y Phêrô Seiichi Shirayanagi, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Tokyo, đã tắt thở ngày 30 tháng 12 năm 2009 tại Nhật Bản, hưởng thọ 81 tuổi. Nghi lễ an táng sẽ được cử hành vào thứ ba ngày 5 tháng Giêng năm 2010.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã gửi một bức điện chia buồn tới vị Tổng Giám Mục đương nhiệm, đức cha Phêrô Takeo Okada.

Đức Thánh Cha với lòng biết ơn nhớ đến công lao không thể nhạt phai của Cố Hồng Y trong việc rao giảng Tin Mừng tại Nhật Bản suốt nhiều năm trong cương vị linh mục và giám mục.

Đức Giáo Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến những cống hiến của vị Cố Hồng Y trong việc thăng tiến công lý, hòa bình cũng như những cố gắng không mệt mỏi của ngài đối với người tị nạn.
 
Top Stories
Saigon Redemptorists warned of crackdown
J.B. An Dang
01:39 02/01/2010
Redemptorists in the lastest Prayer Vigil on July 27,2009
Sisters from various Orders in the lastest Prayer Vigil on July 27,2009
Lay people in the lastest Prayer Vigil on July 27,2009
Parishioners and clergymen of Saigon Redemptorists Monastery were cast into bewilderment and fear after being accused by local authorities with "conducting propaganda against the State", for which they were threatened with fierce crackdown.

In a move described by many Catholics as “sudden”, People’s Committee of the Third District of Ho Chi Minh city issued an official correspondence attacking fiercely Redemptorists with severe denunciations.

“The church of Our Lady of Perpetual Help has organised many great mass ‘Communion Prayer Vigils’ with the participation of many priests, religious and lay people from other regions without registration to the local government in order to distort, falsely accuse, and criticise the government. Also, the bulletin board of the church has been used to publicly post articles and images driving believers to misunderstanding against the Party’s policy, and the nation law,” wrote Pham Ngoc Huu, chairman of the Committee, in his correspondence dated Dec. 28, which was then simultaneously published on major state media.

As a matter of fact, during the last two years, the church of Our Lady of Perpetual Help, administered by Redemptorists has held Prayer Vigils to support its sister church at Thai Ha, Hanoi in the quest to regain Redemptorists’ properties in the capital. Since then, the church, located at 38 Ky Dong St. in the Third District of the city, has been strictly monitored by a large mass of police both in uniform and in plain clothes. Churchgoers can see, in most gatherings including Sunday Masses, plain-clothes police mingle in their ranks, taking photos and filming with video cameras.

Local authorities have even gone further installing loudspeakers on buildings surrounding the church to spill out all sort of noise to disrupt its Sunday Masses and its Weekly Perpetual Novenas held on each Saturday. It’s worth noting that these buildings had belonged to the church before the communist takeover of Saigon in 1975.

The attack of the Committee against the church of Our Lady of Perpetual Help came all of a sudden. The latest mass Prayer Vigil, as mentioned in the correspondence, was held months ago, precisely on July 27, 2009, after two priests in the city of Dong Hoi had been beaten brutally by plain-clothed police and a group of thugs employed by the local government. No recent activities of the church seemed to be a direct reason for the move.

After attacking the church, Huu turned his fury toward Redemptorist Father Joseph Le Quang Uy, a well-known pro-life activist in Vietnam. Again, no recent activities of the priest could justify for the attack.

“Le Quang Uy has given a hand to hostile forces, and reactionaries to conduct propaganda against the Socialist Republic of Vietnam,” Huu severely accused Fr. Joseph Le.

The priest was also charged with “taking advantage of his role of leading prayers in Vigils to distort the social, political and economic situation of Vietnam, and denounce the government for human rights violations,” and thus “undermines the great national unity bloc.”

During June 2009, and a couple of months later, the state-owned media repeatedly accused Father Joseph Le of “conducting propaganda against the state” and “plotting to overthrow the communist regime,” calling for "immediate and severe punishment under Article 88 of the Penal Code, [in which if convicted he could faces a 3- to 20-year prison sentence]”.

Father Joseph Le Quang Uy, a pro-life hero and an outspoken critic of recent bauxite-extraction mining in the Central Highlands region, was detained at Tan Son Nhat airport on Saturday June 6, 2009 as he was returning home from a pastoral trip abroad. His luggage had been searched meticulously and his laptop was confiscated by the airport security and customs agents. The priest was later released but he suffered a campaign of smearing that lasted for months.

Citing a phrase from Pope Benedict XVI's speech to Vietnamese bishops on June 27, 2009 “a good Catholic is a good citizen”, Huu strongly criticised Vietnamese Redemptorists of not following their universal spiritual leader. He, however, conveniently ignored the most recent Statement the Vietnamese Episcopal Conference made during its meeting in 2008, which pointed out that the underlying cause for the social unrests and mistrust people had toward the government was triggered by the inconsistency and opacity of the land law as well as the deceitful way the state run media had been conducting.

Deriding the shameful distortion against the Pope's speech, Redemptorist Father Peter Nguyen Van Khai, the spokesperson of Redemptorists emphasised that Pope Benedict XVI had expressed his desire to see “a healthy collaboration between the Church and the State through dialogue.”

“There won’t be any fruitful dialogue if you keep begging this government,” the priest said stating that Catholics should pursue the road to dialogue not by being silent in the face of atrocities and repression but by standing up to defend legal rights of the Church and their brothers and sisters.

“Our petitions for the requisition of our properties had usually been ignored. But recently, the local government began to hold meetings with us. We have not gained any expected results yet. But at least, they agreed to sit down and talk with us. It’s a positive sign,” he gave an example.

Catholics in Vietnam fear that the road to a fruitful dialogue with the atheist government is still so uphill and challenging with an enormous amount of obstacles. Vietnamese officials at all levels seem not be ready for such a dialogue. Instead, they still tend to lean towards using violence. The move of People’s Committee of the Third District of Ho Chi Minh city may harbinger a new wave of attack against the priest and other Redemptorists.
 
I redentoristi di Ho Chi Minh City accusati di propaganda contro lo Stato
Asia-News
06:42 02/01/2010
Timori per una nuova ondata di violenze contro i sacerdoti. I redentoristi hanno criticato gli espropri ingiusti del governo ad Hanoi e lo sfruttamento delle miniere di bauxite fra i montagnard del Vietnam Centrale. Le autorità comuniste citano il papa per darsi ragione, ma non attuano il dialogo con la popolazione.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Il comitato popolare di Ho Chi Minh City ha emesso un comunicato in cui si denuncia la comunità redentorista della città di andare contro “la politica del Partito e le leggi della nazione”. I cattolici temono la ripresa di nuove violenze contro i sacerdoti.

Il comunicato a firma di Pham Ngoc Huu, presidente del comitato è stato pubblicato il 28 dicembre scorso e diffuso in tutti i media statali. In esso si accusa la chiesa di Nostra Signora del perpetuo soccorso nella città del sud di aver organizzato delle veglie di preghiera in massa “con la partecipazione di molti preti, religiosi e laici da altre regioni del Paese senza il permesso del governo locale per distorcere, accusare in modo falso e criticare il governo”.

Il comunicato afferma che i redentorista hanno usato il bollettino parrocchiale per “pubblicare articoli e immagini che spingono i fedeli a fraintendere la politica del Partito e le leggi della nazioni”.

In effetti negli ultimi due anni, la chiesa dei redentoristi ha ospitato molti momenti di preghiera e veglie per sostenere i confratelli di Thai ha ad Hanoi, nella loro lotta per salvare i terreni della parrocchia, requisiti ingiustamente dal governo della città.

La chiesa e i fedeli di Nostra Signora del perpetuo soccorso viene da allora tenuta sotto il controllo della polizia, in uniforme e in borghese che fotografa e filma tutti i presenti. Grazie a un sistema di altoparlanti piazzati attorno alla chiesa, i poliziotti disturbano le funzioni e le veglie.

Il comunicato cita in particolare la veglia tenutasi in parrocchia lo scorso 27 luglio. Il raduno si era tenuto in occasione degli attacchi violenti contro due sacerdoti di Dong Hoi (Cfr. AsiaNews.it, 28/07/2009 Prete in coma perché picchiato dalla polizia. Proteste dei cattolici in tutto il Vietnam).

Pham Ngoc Huu attacca in modo pesante anche il padre redentorista Joseph Le Quang Uy, un noto attivista pro-life. “Le Quang Uy – dice il comunicato – aiuta le forze ostili e reazionarie a condurre propaganda contro la Repubblica socialista del Vietnam”. Il sacerdote è accusato di “sfruttare il suo ruolo nel condurre la preghiera per distorcere la situazione sociale, politica ed economica del Vietnam, denunciando il governo per violazioni dei diritti umani… minando così la grande unità nazionale”.

Nei mesi scorsi il sacerdote ha criticato le scelte del governo per lo sfruttamento delle miniere di bauxite fra i montagnard del Vietnam centrale e ha già subito attacchi dai media statali che chiedevano la sua condanna fino a 20 anni di prigione (v. AsiaNews.it, 02/07/2009 Un redentorista rischia l’accusa di voler rovesciare il regime vietnamita).

Huu accusa i redentoristi di non seguire le indicazioni del papa. Egli si rifà a una frase di Benedetto XVI ai vescovi vietnamiti in visita ad limina, in cui il pontefice afferma che “un buon cattolico è anche un buon cittadino”.

Il portavoce dei redentoristi, p. Peter Nguyen Van Khai, mette in luce il modo distorto con cui il governo usa le parole del papa e ricorda ad esso che il pontefice ha anche suggerito di perseguire “una sana collaborazione fra la Chiesa e lo Stato attraverso il dialogo”.

Purtroppo, egli dice, il governo sembra impreparato ad accettare questa via.

Secondo molti cattolici, più che al dialogo, il governo sembra più incline alla violenza e questa nuova campagna contro i redentoristi sembra l’inizio di una nuova campagna contro i sacerdoti.
 
Ho Chi Minh City Redemptorists accused of propaganda against the State
Asia-News
13:24 02/01/2010
There are fears that priests might become the victims of a new wave of violence. Redemptorists criticise unfair seizures by the government in Hanoi and bauxite mining among the Montagnards of central Vietnam. Communist authorities quote Pope to prove their point but fail to involve the population in dialogue.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – The People’s Committee of Ho Chi Minh City issued a statement in which it slammed the city's Redemptorist community for going against "the Party's policies and the nation's laws". Catholics now fear more anti-priest violence. Signed by the Committee's chairman Pham Ngoc Huu, the statement was released on 28 December and published by all state media.

The statement accused the Church of Our Lady of Perpetual Help, which is located on the north side of the city, of organising mass prayer vigils "with the participation of many priests, religious and lay people from other regions of the country without the permission of local authorities in order to distort, falsely accuse and criticise the government."

The press release also said that the Redemptorists used the church bulletin board to "post articles and images leading believers to misunderstand the Party's policies and the nation's laws".

In the last two years, the Redemptorists' church has indeed held a number of prayer vigils in support of its sister church in Thai Ha (Hanoi), which has been fighting to regain its land, unfairly seized by the city.

Since then the Church and the faithful of Our Lady of Perpetual Help have been under close surveillance by uniformed and plain clothes police, who tape and take picture of those who take part in their activities.

Local authorities have also installed loudspeakers on buildings surrounding the church to disrupt the church's services, including the vigils.

The statement singled out the vigil of 27 July, which was held for two priests brutally beaten up in Dong Hoi (cf J.B. An Dang, "Priest beaten into a coma by police. Catholics Protest throughout Vietnam," in AsiaNews.it, 28 July 2009).

Similarly, People's Committee Chairman Huu singled out Fr Joseph Le Quang Uy, a well-known local pro-life activist, for giving "a hand to hostile forces, and reactionaries to conduct propaganda against the Socialist Republic of Vietnam "

Father Le Quang was equally accused of “taking advantage of his role in leading prayer vigils to distort the social, political and economic situation of Vietnam," which in turn gave him an opportunity to "denounce the government for human rights violations” and thus "undermine national unity.”

In the last few months, the clergyman also criticised the government for allowing bauxite mining in areas in central Vietnam inhabited by Montagnards. For this reason, he was attacked by state media, which called for his conviction on charges punishable by up to 20 years in prison (see J.B. An Dang, "Redemptorist priest could be accused of plotting to overthrow Vietnam’s Communist regime," in AsiaNews.it, 2 July 2009).

More broadly, Huu has accused the Redemptorists of failing to heed the Pope's instructions. During an ad limina visit by Vietnamese bishops, Benedict XVI had in fact said that "a good Catholic is a good citizen."

A Redemptorist spokesman, Fr Peter Nguyen Van Khai, responded by accusing the authorities of distorting the sense of the Pope's words, because the Holy Father had also called for "a healthy collaboration between the Church and the State through dialogue.” Unfortunately, the government seems unwilling to accept such collaboration.

For many Catholics, the authorities seem more likely to resort to violence and the campaign against the Redemptorists appears to be but the start of a new anti-priest campaign.
 
Wietnam: Redemptoryści przeciw państwu?
Wiara.pl
17:10 02/01/2010
KAI - Komitet Ludowy Miasta Ho Chi Minh (dawnego Sajgonu) oskarżył tamtejszych redemptorystów z o uprawnianie propagandy antypaństwowej i działania sprzeczne z polityką partii oraz ustawodawstwem Socjalistycznej Republiki Wietnamu.

W komunikacie oskarżono także znanego obrońcę życia, o. Josepha Le Quang Uy, redemptorystę o to, że pomaga wrogim i reakcyjnym siłom w prowadzeniu propagandy wymierzonej w Socjalistyczną Republikę Wietnamu.

Komunikat podpisany przez burmistrza miasta opublikowały 28 grudnia wszystkie media państwowe. Oskarżono w nim parafię Matki Bożej Nieustającej Pomocy o zorganizowanie bez zgody władz masowych czuwań modlitewnych, w których liczny udział wzięli księża, zakonnicy oraz osoby świeckie z innych regionów kraju. Celem tych wystąpień było „wypaczanie, fałszywe oskarżanie i krytykowanie rządu”. Komunikat zarzuca redemptorystom publikowanie w czasopiśmie parafialnym artykułów i obrazów pobudzających wiernych do błędnego rozumienia polityki partii oraz ustawodawstwa kraju.

W okresie minionych dwóch lat kościół redemptorystów w Sajgonie był rzeczywiście miejscem wielu modlitw w intencji obrony praw Kościoła i ludzi wierzących, w tym żądań poszanowania prawa własności instytucji katolickich. Od tej pory tamtejsza parafia Matki Bożej Nieustającej Pomocy znajduje się pod stałą kontrolą policji. Osoby wchodzące na jej teren są filmowane przez kamery służb bezpieczeństwa, a system głośników zakłóca przebieg nabożeństw i czuwań modlitewnych.

W komunikacie oskarżono także znanego obrońcę życia, o. Josepha Le Quang Uy, redemptorystę o to, że pomaga wrogim i reakcyjnym siłom w prowadzeniu propagandy wymierzonej w Socjalistyczną Republikę Wietnamu. Zdaniem burmistrza Sajgonu kapłan „wykorzystuje swoją pozycję, by szkalować sytuację społeczną, politykę i gospodarkę Wietnamu, oskarżając władze o łamanie praw człowieka i podważając w ten sposób jedność narodową”. W minionych miesiącach zakonnik krytykował decyzję rządu w sprawie rabunkowej eksploatacji złóż boksytu w środkowym Wietnamie, a państwowe media żądały skazania go na 20 lat więzienia.

Władze w swych oskarżeniach posłużyły się także manipulacją przemówienia Benedykta XVI do biskupów wietnamskich z okazji wizyty „ad limina Apostolorum”. Papież stwierdził tam, iż dobry katolik jest też dobrym obywatelem. Rzecznik redemptorystów, ks. Peter Nguyen Van Khai przypomniał w związku tym, że Benedykt XVI wskazywał w tym tekście również na potrzebą zdrowej współpracy oraz dialogu między państwem a Kościołem.

Wietnamscy katolicy obawiają się, że rząd w Hanoi nie tyle myśli o dialogu z Kościołem, ile o nowej konfrontacji.

(Source: http://info.wiara.pl/doc/404830.Wietnam-Redemptorysci-przeciw-panstwu)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Huynh Đoàn Trẻ Liên Hạt Tân Mai sinh hoạt Trại ''Sống Tin Mừng''
Fx. Trần Kim Ngọc, OP
07:00 02/01/2010
BIÊN HÒA - Trong niềm vui mừng đón chào Năm Mới 2010, ngày 01.01.2010, khoảng 100 đoàn viên Huynh Đoàn Trẻ Liên Huynh Tân Mai hội trại họp mặt sinh hoạt và mừng kỷ niệm 20 năm sống đức tin giữa dòng đời với chủ đề “Sống Tin Mừng” tại Đền Thánh Martin.

Các bạn trẻ huynh đoàn đến với ngày hội trại với một tinh thần trẻ trung, trong đó được hun đúc bằng công lao của các vị đầu tóc đã bạc nhưng lại có một tâm hồn sôi nổi và tha thiết với giới trẻ. Tương lai của Giáo Hội nằm trong tay nhưng người trẻ, nhưng tương lai đó có sáng không? điều đó phụ thuộc vào các thế hệ cha anh có sẵn sàng tiếp lửa, vun xới và gieo trồng những mầm non tuổi trẻ hay không. Các Đoàn viên Huynh đoàn trẻ có lòng hăng hái đối với ơn gọi và sứ vụ Đa Minh, điều đó được thể hiện qua những vũ điệu, những trò chơi trong ngày hội trại.

Điều mong muốn là các bạn trẻ này cần được sự hỗ trợ từ các anh chị giàu kinh nghiệm tinh thần, lời động viên khích lệ, sự đồng hành và vật chất nữa. Rất mong huynh đoàn trẻ hạt Tân Mai vươn lên như cây tùng đứng vững trước sóng gió cuộc đời để SỐNG TIN MỪNG giữa dòng đời ngược xuôi tại Biên Hoà này.
 
Giáo xứ Kẻ Gai tổ chức rước kiệu tôn vinh Mẹ Thiên Chúa
Kẻ Gai
07:26 02/01/2010
QUẢNG BÌNH - Tối ngày 31/12/2009, giáo xứ Kẻ Gai tổ chức rước kiệu tôn vinh Mẹ Thiên Chúa và cầu bình an cho năm mới 2010. Số người tham dự khoảng hơn 3000 người, gồm giáo dân trong xứ và các xứ lân cận như Cầu Rầm, Yên Đại, Mỹ Dụ, Thượng Lộc và Bố Sơn. Ngoài ra còn có cả các bạn trẻ thuộc giáo xứ Hòa Ninh (Quảng Bình).

Hình ảnh mừng lễ lại Kẻ Gai

Đoàn rước bắt đầu từ nhà thờ giáo xứ, qua con đường liên thôn, theo đường quốc lộ 1A đoạn đường tránh thành phố Vinh, với chiều dài tổng cộng hơn 3km. Người ta thấy các đoàn xe Bắc Nam đều dừng lại, nhiều người đưa máy hình kịp ghi lại một hình ảnh hiếm có.

Được biết giáo xứ Kẻ Gai nhận Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng. Các vị bô lão nhận định đây là cuộc rước lớn nhất trong lịch sử của giáo xứ.
 
Một giáo xứ Việt Nam giữa “kinh đô ánh sáng”
Lm. Thiện Tĩnh
11:43 02/01/2010
PARIS - Nếu có dịp tới Paris để viếng nhà thờ Notre Dame, leo lên đỉnh La Tour Eiffel, ngắm nhìn dòng sông Seine, đi dạo trên đại lộ Champs Élyssés, tìm hiểu bảo tàng hoàng cung Musée du Louvre … bạn không thể không đến viếng thăm giáo xứ Việt Nam Paris (Mission Catholique Vietnamiene, 38 Rue des Épinettes 75017 – Paris, France). Đây là một giáo xứ có bề dày lịch sử, cẩn trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nổi tiếng về lòng hiếu khách và năng động trong hoạt động truyền giáo. Những ngày nghỉ Giáng Sinh 2009 vừa qua, chúng tôi đi hành hương Lisieu và Lộ Đức, đã có cơ hội viếng thăm giáo xứ này, nhờ vậy mà thêm hiểu biết đôi chút.

Vài nét lịch sử

Ngay từ năm 1947, một nhóm các linh mục và một số giáo dân hiện diện tại Pháp đã đưa ra sáng kiến qui tụ và thiết lập cộng đoàn công giáo người Việt tại Pháp. Sáng kiến này đã được nhiệt tình hưởng ứng và cơ cấu tổ chức đã nhanh chóng hình thành. Đồng thời qui chế cũng ra đời để hướng dẫn mọi sinh hoạt phụng vụ, truyền giáo, văn hóa và xã hội. Danh xưng của tổ chức này được gọi là Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Vào năm 1952 danh xưng này đã đổi tên thành Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp và đến năm 1977, một lần nữa lại đổi tên thành Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp. Năm 2007 giáo xứ đã mừng kỷ niệm 60 năm thành lập, đánh dấu một chặng đường dài hình thành, phát triển và hoạt động truyền giáo của mình. Đây là một giáo xứ của giáo dân gốc Việt kỳ cựu nhất ở hải ngoại.

Cơ cấu tổ chức

Giáo Xứ Việt Nam tại Pháp là một giáo xứ đối nhân, thuộc Tổng Giáo phận Paris. Có cha xứ là Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, các cha phó: Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, cha Giuse Trần Anh Dũng, cha Giuse Nguyễn Thanh Điển, khoảng 15 ngàn giáo dân gốc Việt Nam. Trong số giáo dân, một phần sống rải rác tại thủ đô Paris; phần kia sống ở vùng ngoại ô Paris và các vùng phụ cận khác, và qui tụ thành những cộng đoàn nhỏ, gọi là các điểm truyền giáo, như:

Cộng đoàn Antony, thuộc tỉnh Hauts de Seine; Cộng đoàn Cergy-Pontoise, ngoại ô phía Tây và Đông Bắc Paris; Cộng đoàn Ermont, thuộc giáo phận Pontoise, vùng Val d’Oise 95, cách Paris 20 km; Cộng đoàn Sarselles-Garges, ngoại ô phía Bắc Paris; Cộng đoàn Marne la Vallé, ở 4 khu vực thuộc giáo phận Seine Saint Denis và giáo phận Meaux; Cộng đoàn Villiers le Bel, thuộc giáo phận Pontoise, vùng Val d’Oise 95; Cộng đoàn Orly, ngoại ô phía Nam Paris.

Hội đồng mục vụ giáo xứ và các hội đoàn luôn cộng tác đắc lực với cha xứ, nhờ vậy mà các hoạt động mục vụ, phụng vụ trong giáo xứ luôn sinh động và đầy sức sống. Các hội đoàn này, bao gồm: Hội các bà mẹ Công giáo; Hội Legio Mariae; Hội yểm trợ ơn gọi; Hội liên đới nghề nghiệp; Hội thiếu nhi Thánh Thể; Ban mục vụ gia đình; Phong trào Cursillo; Phụng ca Lê Bảo Tịnh; Ca đoàn Thiếu nhi; Ca đoàn Trinh Vương; Ca đoàn Triều Dâng; Ca đoàn giáo xứ và Ca đoàn tổng hợp.

Hoạt động truyền giáo

Trong tuần tại nhà xứ thường xuyên có những lớp giáo lý dành cho các em thiếu nhi và lớp giáo lý dự tòng dành cho những người chuẩn bị nhập đạo. Bên cạnh đó nhằm duy trì Tiếng Việt, giáo xứ tổ chức các cuộc thi đua, các buổi hội thảo, thuyết trình về văn hóa truyền thống dân tộc. Mở các lớp dạy Tiếng Việt dành cho thiếu nhi và những người trẻ. Nhằm giúp nhanh chóng hội nhập, có lớp dạy Tiếng Pháp cho những người Á Châu mới tới Pháp, không phân biệt lương giáo.

Giáo xứ có một trang Web và tập nguyệt san nhằm thông tin về Giáo hội hoàn cầu, Giáo hội tại Việt Nam và về các hoạt động mục vụ của giáo xứ. Thư viện của giáo xứ khá đa dạng và phong phú về lượng và loại sách báo, tạp chí ngoại ngữ và Việt ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về thần học, triết học, lịch sử, văn hóa, quê hương, đất nước và con người.

Giáo xứ luôn mở rộng cửa chào đón các đức giám mục, linh mục, chủng sinh, nữ tu, giáo dân và sẵn sàng trở thành điểm dừng chân cho các khách du lịch, hành hương và du học. Hội yểm trợ ơn gọi của giáo xứ luôn tích cực hoạt động trong nhiều năm qua, nhờ vậy đã giúp một phần không nhỏ cho các ơn gọi từ quê hương và hỗ trợ cho các đại chủng viện tại Việt Nam.

Paris là một thành phố văn minh lộng lẫy, vừa cổ kính vừa hiện đại, giàu lịch sử và văn hóa. Nó vẫn được mệnh danh là kinh đô ánh sáng và là niềm tự hào của người dân nước Pháp. Hơn 62 năm hiện diện trong thành phố ấy một giáo xứ Việt Nam Paris luôn chăm chút giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chú trọng thực hành đức ái Kitô giáo, tích cực sống đức tin và năng động trong hoạt động truyền giáo. Quả thật, bằng đời sống đức tin, đức ái và phụng vụ, mọi thành phần của giáo xứ đang thắp lên những ngọn đuốc sáng Tin Mừng góp phần làm cho kinh đô ấy sáng thêm.
 
Giáo phận Lạng Sơn mừng Lễ bổn mạng: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Dominic Vũ
21:45 02/01/2010
LẠNG SƠN - Vẫn trong bầu không khí mừng Chúa Giáng Sinh và chuẩn bị đón mừng năm mới, lần đầu tiên giáo phận Lạng Sơn mừng kính trọng thể Bổn Mạng giáo phận - Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Ba niềm vui trong một dịp mừng khiến cho ngày đại lễ của giáo phận thêm rộn ràng hơn. Khuôn viên Tòa Giám Mục và Nhà thờ Chính Tòa trở nên ấm hơn bất chấp cái lạnh căm của mùa đông miền đồi núi. Cái ấm áp của Tình Trời được hiện thực hóa khi Ngôi Con mặc lấu xác phàm để ở với con người; hơi ấm của tình hiệp nhất gia đình giáo phận khi mọi người tề tựu quanh vị chủ chăn để cùng nhau nói lên lời tri ân trong Thánh Lễ tạ ơn cuối năm và dâng lên Cha Nhân Lành hành trình trước mắt của giáo phận trong Thánh Lễ đầu năm cũng là Lễ bổn mạng giáo phận.

Hình ảnh lễ mừng bổn mạng

Năm nay Thánh Lễ Tạ ơn cuối năm được Đức cha Giuse dâng ngoài trời tại hang đá trước khuân viên nhà thờ Chính Tòa. Trong tâm tình tạ ơn, vị cha chung mời gọi con cái mình nhìn lại hành trình đã qua của một năm để nhận ra biết bao ơn lành Chúa ban dẫu đôi lúc thái độ đáp trả của mình còn nhiều thiếu xót bất toàn. Chính vì sự bất toàn và chưa tròn đầy đó trong ơn gọi và bổn phận của từng Kitô hữu cho nên sánh đôi với lời tạ ơn luôn là lời tạ lỗi. Không chỉ tạ lỗi với Chúa mà còn cần phải xin lỗi nhau. Chính Đưc cha đã đại diện toàn thể linh mục đoàn và tất cả nam nữ tu sỹ xin lỗi cộng đồng dân Chúa về những thiếu xót vô tình hay hữu ý trong bổn phận và ơn gọi mục tử và trong việc chăm lo cho đoàn chiên Chúa trong giáo phận. Để rồi tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận lại tiếp tục tiến bước trong một khởi đầu mới. Sau Thánh Lễ là chương trình diễn nguyện Mừng Chúa Giáng Sinh và Năm Mới. Mỗi một giáo xứ và giáo họ đều trình bày đặc nét của xứ họ mình trong khả năng trình diễn văn nghệ. Thật mộc mạc đơn sơ nhưng cũng đủ nói lên những cố gắng và sự chung tay của mọi người để tô điểm cho niềm vui chung của giáo phận.

Cao điểm là ngày đại lễ Mừng Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Trước Thánh Lễ có nghi thức cung nghinh Đức Mẹ vòng quanh khuân viên Nhà Thờ Chính Tòa. Bên cạnh Đức Cha Giuse còn có tất cả các linh mục của giáo phận trong đoàn đồng tế. Mở đầu Thánh Lễ Đức Cha gợi nhắc lại một chút về lịch sử hình thành và phát triển giáo phận đồng thời ngài cũng nói lên lý do chọn Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm quan thày đệ nhất của Giáo phận. Rồi trong bài giảng ngài tiếp tục chia sẻ về vị trí và vai trò của Mẹ Maria trong chương trình của Thiên Chúa nói chung và đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng và cứu độ con người của Đức Giêsu nói riêng. Đức cha cũng mời gọi mọi người cùng noi gương bắt chước mẹ nói lời xin vâng và cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ của Ngài, bằng cách sống và hiện thực hóa các giá trị đức tin trong chính bậc sống và ơn gọi của mỗi người.

Rồi ngày vui đại lễ cũng khép lại, mọi người lại trở về với giáo xứ của mình, với vai trò và bổn phận của mình. Nhưng chắc chắn ai ai ít nhiều cũng đem theo về những tâm tình và niềm vui thiêng liêng, cũng như những lời chào chúc đầu năm của nhau, giữa những người con trong đại gia đình giáo phận miền đồi núi Lạng Sơn.
 
Văn Hóa
Một ý nghĩa của Lễ Hiển Linh cho thời đại chúng ta
Phụng Nghi
10:27 02/01/2010
Nhận định của Michael Paul Gallagher



Thuở nhỏ, mỗi khi gần đến Lễ Giáng sinh, tôi lại nao nức đợi chờ được làm hang đá, được kết đèn ngôi sao, và lúc đặt bộ tượng sinh nhật vào trong hang đá, thế nào tôi cũng giành lấy phần được sắp hàng cho tượng ba vua phương đông đến chầu Chúa Hài nhi. Và trong ba vua này phải có một ông tây đen, râu dài đến ngực. Diện mạo và y phục những vị này gợi óc tò mò và thích thú của tôi hơn tượng các người chăn chiên.

Sự yêu thích đó, sau này tôi mới khám phá ra, chỉ là tiếng vang vọng của một thời kỳ lịch sử dài lâu, trong đó nhiều bộ óc tưởng tượng phong phú đã sáng tạo nên những hình ảnh sống động của các bậc vua chúa đến từ phương đông xa lạ kia.

Hình ảnh ba vua qua các thời đại



Thật vậy, hình ảnh Giáng sinh đầu tiên còn dấu vết trong những hang toại đạo -- nơi giáo hữu thời sơ khai ẩn núp để tránh sự bách hại của bạo chúa – chính là hình ảnh các vị vua phương đông đó. Mãi sau này mới thấy bóng dáng những người mục đồng, nhưng hình ảnh của họ không được phổ biến lắm nơi các nghệ sĩ tạo hình thời bấy giờ.

Những thế kỷ đầu tiên sau Chúa giáng sinh đã dệt nên những lớp truyền kỳ bao quanh câu chuyện thuật lại trong Tin Mừng Thánh Matthêu về các vị đạo sĩ này. Lúc ban đầu, các nghệ sĩ đã mô tả họ là những nhà chiêm tinh, đầu đội mũ nhọn theo kiểu người Phrysian, và không giới hạn ở số ba vị mà thôi, vì Phúc Âm không nói rõ là bao nhiêu. Có những nghệ sĩ đã tăng số lên tới 12 vị. Tuy nhiên, vì sách Tin Mừng có nêu ra ba lễ vật họ mang theo, nên sau này con số được ổn định chỉ còn ba vị, và trong một bức họa kết bằng kiếng mầu ở Ravenna (nước Ý) vào thế kỷ thứ 6, lần đầu tiên ta được biết tên ba ngài là Gaspar, Melchior và Balthazar.
Tranh ba vua tại Ravenna (kiếng ghép)


Cũng trong khoảng thời gian đó, các nghệ sĩ quay qua mô tả họ là vua, có lẽ dựa theo Thánh vịnh 72 đề cập đến việc các vua chúa Ả Rập mang lễ vật dâng tiến Chúa. Một thí dụ điển hình là bức họa tạc trên đá tại nhà thờ chính tòa Autun (nước Pháp) mô tả ba vị đang nằm ngủ trên giường, đắp chung một tấm mền rộng, trên đầu đội vương miện. Một thiên thần đánh thức họ, tay chỉ lên ngôi sao. Một trong ba vị hai mắt mở lớn tỏ vẻ ngạc nhiên, vị thứ hai nửa thức nửa ngủ, còn vị thứ ba đang ngủ say sưa. Bức khắc họa đó dường như muốn gợi lên ba giai đoạn thức tỉnh về tâm linh, là một đề tài rất phổ biến ở thời kỳ Trung cổ.

Chỉ bắt đầu từ thế kỷ 12, các vị vua/đạo sĩ kia mới có cá tính riêng biệt, được mô tả là tượng trưng cho ba giai đoạn của đời người, hoặc tượng trưng cho các chủng tộc và các đại lục trên thế giới.

Có một truyện truyền kỳ lý thú vào thời kỳ này kể lại rằng ba vị, sau một thời gian dài chia tay, lại gặp nhau năm 54 trong một thánh lễ Giáng sinh cử hành tại Armenia, ông nào cũng đều trên 100 tuổi, và cả ba đều qua đời rất bình yên chỉ sau đó vài hôm. Thi thể ba ngài được đưa tới mai táng ở Milan (Ý). Nhưng năm 1164, thành phố này bị tàn phá vì nạn cướp bóc, nhà thờ chính tòa Cologne (Đức) xin được thu thập di thể của ba vị đem về lưu giữ trong một mồ thánh rất lộng lẫy. Khoảng cuối thời Trung cổ, theo một cuốn sách nguyện ở Cologne cho biết, thì Thánh Tôma lúc còn ở Ấn độ đã phong ba vị làm giám mục. Vậy là mũ mão của họ lại một phen nữa làm nhức đầu các nhà nghệ sĩ.

Đó là những chuyện truyền kỳ và chuyện nghệ thuật. Còn các nhà văn tôn giáo thì lại miêu tả các vị đó dưới những cái nhìn khác nhau. Thánh Bêđa (c.672-737) là một trong những người đã gán ý nghĩa cho các lễ vật ba ông mang theo để dâng lên Chúa: vàng chỉ vương quyền, nhũ hương chỉ thiên tính, còn mộc dược là một lời tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa.

Vài thế kỷ sau, Thánh Bênađô (1090-1153) lại nêu ra một lời giải thích rất thực tế: vàng để làm tiền chi dụng cho gia đình Chúa nghèo nàn, nhũ hương để tẩy mùi hôi hám trong chuồng bò, còn mộc dược là một loại thuốc thảo mộc để trị bệnh cho con nít.

Ở thế kỷ 20, một số nhà văn đã dùng lối so sánh đối chọi để nói lên cảm nghĩ của họ, như ta thấy trong các thi phẩm của hai nhà văn đã được giải Nobel. T.S. Eliot gợi lên một cuộc hành trình đầy gian khổ của ba nhà đạo sĩ để đổi lấy một đổi thay đắt giá: “Sự giáng sinh này cũng giống như sự chết cho chúng tôi.” Nhưng đối với nhà thơ Miguel Angel Asturias người xứ Guatemala, thì “vị vua da trắng kia” dâng vàng là để:

“Ngay từ trong nôi

Người đã nhìn thấy kẻ thù hung ác

Cùng sinh ra với Người

Là nấm mồ vàng bạc…”



Một ý nghĩa mới cho thời đại chúng ta



Điểm qua những sáng tạo theo óc tưởng tượng và các lời giải thích như vậy trong quá khứ, ta thấy chẳng cần gì phải e dè mà không dám đưa ra một lời giải thích khác về câu chuyện ba nhà đạo sĩ cho hợp với thời đại chúng ta. Đó không phải đơn thuần chỉ là một câu chuyện truyền kỳ làm thích thú trẻ thơ, mà còn có ý nghĩa hơn nhiều, và ta còn có thể dựa theo đó, xếp đặt một lịch trình dấn thân cho lớp giáo dân đã trưởng thành.

Các đạo sĩ đã khởi hành đi tìm Chúa khi nhìn thấy một vì sao. Mỗi người chúng ta cũng phải đi tìm và trung thành với ánh sáng ta đã nhìn thấy. Trong thời đại chúng ta, ánh sáng đó ta cảm nghiệm được trong tiếng kêu gào của những người bị áp bức, trong những bất công của lịch sử đang kêu đòi công lý. Đối với mỗi cá nhân và trong hoàn cảnh lặng lẽ hơn, ta cũng thấy được ánh sáng ấy khi nhận thức được ta sống ở trần gian là để theo đuổi mục đích chứ không phải sống không chủ định.

Các đạo sĩ đã không đi riêng lẻ một mình. Là một người Công giáo cũng vậy, có nghĩa là cùng đi với người khác. Và quả thực, Đức Tin sẽ triển nở mới mẻ hơn khi được hỗ trợ từ bạn bè cũng đang đi tìm ánh sáng như ta.

Ở Jerusalem, các đạo sĩ đã gặp phải bạo vương Herod. Vậy ai là Herod ngày nay? Đó là những kẻ độc tài. Những kẻ nắm quyền bính trong tay mà lừa lọc. Những nhà cầm quyền làm ra vẻ chuộng đạo nhưng thực ra lòng muốn giết Chúa. Và trong thế giới giầu có của ta hôm nay, Herod vẫn còn sống và mặc những hình thức tinh tế hơn, trong lối sống làm cho Chúa phải chết một lần nữa, hoặc dữ dằn hơn, trong cái vương quốc thương mại đã rất thành công khi lấy cắp hết cả ý nghĩa đích thực của ngày lễ Giáng sinh. Vậy là muốn làm một tín hữu Công giáo chân chính ngày nay, ta cần đương đầu với cả một bè lũ Herod mới.

Sau khi gặp Herod, các đạo sĩ lại tìm thấy ngôi sao của họ, lòng tràn ngập niềm vui, như Matthêu đã ghi lại. Và họ vào nhà, gặp được Chúa Giêsu và Đức Maria. Đâu là chỗ ta sẽ gặp Chúa hôm nay? Đâu là giáo hội đích thực mà ta hiệp thông được? Có nhiều câu trả lời: trong im lặng, trong đau thương, trong các nhiệm tích, trong lúc học hỏi nơi kẻ nghèo nàn, trong sự đoàn kết, trong tất cả cuộc chiến đấu khắc kỷ, tập đức để giành lấy Nước Trời.

Một trong những mục tiêu của ba đạo sĩ là dâng lễ vật. Đó cũng là một biểu tượng về mục đích cuộc đời chúng ta ở trần gian: Mỗi người đều có một quà tặng để đem đến cho thế giới, cho người khác. Mỗi cuộc sống được Chúa ban cho là để lại đem cho đi.

Làm sao các đạo sĩ nhận ra được bộ mặt thật của Herod? Họ có được một giấc mơ. Giấc mơ của ta thế nào? Có thể có nghĩa là lòng can đảm chống lại lối sống giả tạo, lối theo đạo chỉ còn là những thực hành trống rỗng sao cho có hình thức mà thôi.

Các đạo sĩ đã trở về bằng con “đường khác”. Câu đơn giản này là một lời phát biểu đầy ý nghĩa về cuộc lữ hành của người Công giáo ở trần gian. Tìm thấy Chúa đưa ta đến cách sống một cuộc sống khác đi. Quả thực đó là một con đường khác: đường lên Nước Trời.

Câu chuyện về ba nhà đạo sĩ là câu chuyện về sự đối đầu giữa hai loại vương quyền, một bên là uy quyền kiểu Herod với lòng ích kỷ và sự chết, còn bên kia là cách phục vụ quên mình và thí mạng sống của Chúa Cứu thế.

Trong thế giới ngày nay, mặc dầy ý nghĩa biểu tượng của nhiều sự việc đã đổi thay, nhưng ta vẫn còn khám phá ra được cảm hứng sâu xa và dồi dào, trong câu chuyện truyền kỳ và nghệ thuật cổ xưa về những vị đạo sĩ đến từ phương Đông xa lạ mà Tin Mừng của Thánh Matthêu đã trình thuật.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Năm Chiêm/Niệm/Thiền
Lm. Trần Cao Tường
22:40 02/01/2010

MỘT NĂM CHIÊM/NIỆM/THIỀN



Ảnh của Cao Tường

Người đây mừng quá chụp đi

Mỗi hình mỗi nét trọn ghi dáng Thần.

(CT)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Theocracy – Trespass
Nguyễn Trọng Đa
16:15 02/01/2010
Theocracy
Chế độ thần quyền, thần chủ thể chế. Là một hình thức chính quyền trong đó Chúa, thường hành động qua các vị đại diện tư tế hoặc ngôn sứ của Chúa, là nhà lãnh đạo. Mọi hành vi dân sự và xã hội đều trở thành hành vi tôn giáo. Sau khi lưu đày trở về, dân tộc Do thái theo chế độ thần quyền. Cho đến thời hiện đại, các quốc gia Hồi giáo chủ yếu theo chế độ thần quyền. Ngài Gioan Calvin tìm cách đưa chế độ thần quyền thực thi tại thành phố Geneva năm 1552. (Từ nguyên Hi Lạp theokratia; theo, Chúa + -cracy, quyền, sức mạnh.)
Theocrasy
Thờ phượng đa thần. Là việc thờ phượng cách không phân biệt đối xử nhiều thần khác nhau, chẳng hạn người theo đa thần giáo có thể cùng lúc tôn thờ nhiều thần khác nhau trong cùng một kinh nguyện, hay một việc hiến tế.
Theodicy
Thần lý học, biện thần luận. Là thần học tự nhiên, hoặc khoa học về sự hiện hữu và các phẩm tính của Chúa, như được biết qua lý luận tự nhiên và tách rời mặc khải siêu nhiên. Mục đích chính của khoa này là minh chứng Chúa tốt lành và Chúa quan phòng, bất chấp sự dữ hiển nhiên trong vũ trụ. Gottfried Leibniz (1646-1716) được cho là người đặt tên cho thần học tự nhiên, vốn đã được người Hi lạp cổ đại tìm biết rồi.
Theol
Theol, Theologia--Thần học.
Theologian Of The Pontifical Household
Thần học gia phủ Giáo hoàng. Tước hiệu này do Đức Giáo hòang Phaolô VI đặt ra, còn trước đó nhân vật này được gọi là Vị Thầy của Thánh Điện. Chức vụ này được đặt ra trong thế kỷ 13, và theo truyền thống là dành cho một thành viên của Dòng Đa Minh, từ thời Đức Giáo hòang Lêô X đến Đức Giáo hòang Piô XI. Thần học gia Phủ Giáo hòang cấp Imprimatur (Được phép in) cho sách được xuất bản tại Roma. Hiện nay ngài là Thần học gia Tin cậy của Đức Giáo hòang, cố vấn cho Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, giám chức của Thánh bộ Nghi lễ, và cố vấn của Ủy ban Nghiên cứu kinh thánh. Ngài thuộc Giáo phủ Roma và sống tại Vatican.
Theological Censure
Kiểm định thần học. Là một phán quyết của Giáo hội nói lên đặc tính của một mệnh đề đụng chạm đến đức tin Công giáo hoặc luân lý Công giáo, chẳng hạn trái đức tin hoặc hồ nghi. Trong lịch sử giáo huấn của Giáo hội, có các kiểm định thần học. Một mệnh đề lạc giáo là ngược lại với một tín điều mặc khải; mệnh đề gần với lạc giáo là ngược lại với một sự thật thường được xem là mặc khải; mệnh đề lầm lạc là ngược lại với các kết luận phát sinh từ mặc khải; mệnh đề sai lầm là ngược lại với các sự kiện tín lý; mệnh đề liều lĩnh là đi lệch với giáo huấn được chấp nhận của Giáo hội; mệnh đề diễn tả dở là dễ bị hiểu lầm; mệnh đề ngụy biện là đáng bị khiển trách, do tính hàm hồ cố ý của nó; và mệnh đề gây vấp phạm vì nó gây ra sự sai lầm nơi các tín hữu.
Theological Commission
Ủy ban Thần học. Là một nhóm các nhà thần học quốc tế, được Đức Giáo hòang Phaolô VI thành lập năm 1969 với tính cách ad experimentum (thử nghiệm), để trợ giúp Tòa thánh và nhất là Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, trong việc cứu xét một số vấn đề tín lý có tầm quan trọng lớn.
Theological Conclusions
Kết luận thần học. Là các sự thật tôn giáo phái sinh từ hai tiền đề, một là sự thật mặc khải trực tiếp, và hai là sự thật của lý luận tự nhiên. Bởi vì một tiền đề là sự thật của mặc khải, kết luận thần học còn được gọi là sự thật mặc khải trực tiếp. Các kết luận thần học này nại đến đức tin của Giáo hội, khi các chân lý này được đề nghị cho mọi tín hữu chấp nhận, cả trong các định tín long trọng của Giáo hội. Một số người thích nói rằng các kết luận thần học là được mặc khải ảo, còn niềm tin của họ được gọi là đức tin trực tiếp vào Chúa.
Theological Notes
Định mức thần học. Là mức độ của sự chắc chắn trong việc chấp nhận một tín lý Công giáo. Trong thần học, nhiều cấp độ xác thực được công nhận. Mức độ xác thực cao nhất là liên quan đến các chân lý mặc khải trực tiếp. Mức độ này là tin với đức tin vào Chúa (fides divina, thuộc đức tin) và nếu chúng cũng được Giáo hội định nghĩa, chúng là đức tin được minh định (fides divina definita, thuộc đức tin minh định). Nếu Giáo hội định nghĩa một tín lý không là mặc khải trực tiếp, tín lý này được tin với đức tin của Giáo hội (fides ecclesiastica, tin theo Giáo hội). Một giáo lý mà các nhà thần học thường xem như một chân lý của mặc khải, nhưng không được Giáo hội công bố, được cho là gần với đức tin (proxima fidei, cận tín), và nếu một sự thật như thế được bảo đảm như là một kết luận hợp lý từ tín lý mặc khải, nó được gọi là chắc chắn về thần học (theologice certa, xác đáng về mặt thần học). Dưới mức này, có nhiều cấp chắc chắn khác nhau nữa, xếp từ lời dạy chung (sententia communis), khi các thần học gia Công giáo đáp trả với thẩm quyền Giáo hội, các ngài đồng ý về sự kiện lịch sử nào đó, vốn được xem như là xảy ra qua sự can thiệp lạ lùng của Chúa.
Theolgocial Truth
Sự thật thần học. Là sự giải thích một sự kiện lịch sử, vốn được xem như là xảy ra qua sự can thiệp lạ lùng của Chúa.
Theological Virtue
Nhân đức đối thần. Là tập quán tốt của tâm trí hay ý chí, được phú bẩm cách siêu nhiên trong linh hồn, mà đối tượng trực tiếp là Chúa. Các nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến.
Theomachy
Chống đối Chúa. Nghĩa đen là đánh nhau với Chúa. Từ ngữ này nói về sự chống đối ý Chúa đã biết.
Theophany (Biblical)
Thần hiện (trong Kinh thánh). Là sự gặp gỡ trực tiếp hay sự hiện ra của Chúa với con người. Một số thí dụ: Chúa đối đầu với ông Adam (A-đam) và bà Eve (E-và) sau khi họ bất tuân Chúa (St 3:8); Chúa hiện ra với ông Moses (Mô-sê) ở bụi gai đang cháy (Xh 3:2-6); Abraham (Áp-ra-ham) van xin Đức Chúa hãy thương xót dân thành Sodom (Xơ-đôm, St 18:23). Các thần hiện này là các sự tỏ mình tạm thời chóng qua. Chúng không giống với sự Nhập thể, vốn sẽ kéo dài vĩnh viễn, mặc dầu nó khởi đầu trong thời gian. (Từ nguyên Latinh theophania; từ chữ Hi Lạp theophaneia: Theo-, Chúa + phainein, tỏ mình.)
Theophilus
Theophilus, ngài Thê-ô-phi-lô. Có lẽ là một quan chức chính quyền hay một nhân vật cao cấp, được thánh Luca đề tặng cuốn Tin Mừng của mình. Nhưng chắc là một người tân tòng có thế giá, như được thánh Luca ám chỉ trong lời cuối của phần mở đầu Tin mừng: “... giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc" (Lc 1:4). Thánh Luca cũng hướng sự chú ý của ông đến sách Tông đồ Công vụ (Cv), gọi ông bằng tên trong câu mở đầu (Cv 1:10.) (Từ nguyên Hi Lạp theophilos, người yêu mến của Chúa.)
Theory Of Knowledge
Lý thuyết về nhận thức. Là sự phân tích các nguyên lý đầu tiên của tư tưởng con người và giá trị của chúng, như là các định đề để nhận biết và đạt tới sự thật. Nó cũng được gọi là tri thức luận, tiêu chuẩn học, và luận lý học hình thức.
Theosis
Thần hóa. Là lý thuyết cho rằng tâm linh con người thấm nhập vào Thượng Đế, như một số hình dạng của Ấn giáo và Phật giáo tuyên xưng.
Theotokos
Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Là một từ ngữ được Công đồng chung Ephesus (năm 431) qui ước trong việc bênh vực Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chống lại Nestorius, vì Nestorius cho rằng Đức Mẹ chỉ là mẹ của Chúa Kitô làm người (christotokos) mà thôi.
Therapeutic Sterilization
Triệt sản trị liệu. Là hành động tước đi nơi một người khả năng truyền sinh nhằm chữa bệnh lý cho người ấy. Sự đánh giá luân lý của việc này dựa vào các qui định về sự cắt bỏ bộ phận, và cũng áp dụng hành vi “song hiệu.” Lý do là việc triệt sản liên quan đến sự mất một phần thân thể (cắt bỏ bộ phận) và khả năng truyền sinh.
Thesis
Luận đề, luận án, chính đề. Trong triết học và thần học kinh viện, là một đề tài được giải thích, chứng minh và bảo vệ. Các luận đề triết học được chứng minh từ các tiền đề đã có, và một tiến trình lý luận có cơ cấu cẩn thận. Các luận đề tín lý được thiết lập dựa vào chứng tá Kinh thánh và thánh truyền, huấn quyền của Giáo hội, tuyên bố của các giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo hội, và lý luận thần học là thích đáng với đức tin của đạo Công giáo trong lịch sử. (Từ nguyên Latinh thesis, từ chữ Hi lạp thesis, mệnh đề, luận đề.)
Thessalonians, Epistles To The
Thư gửi giáo đoàn Thessalonians (Thê-xa-lô-ni-ka). Là hai thư của thánh Phaolô viết cho Kitô hữu ở thành phố Thessalonica. Cả hai thư đều viết tại Corinth (Cô-rin-tô) khoảng năm 51. Trong thư thứ nhất, thánh Phaolô ổn định tâm trí tín hữu về số phận của các người công chính qua đời. Họ như đang sống và vào ngày Chúa Quang Lâm, họ sẽ chỗi dậy trong thân xác vinh hiển. Trong thư thứ hai, Thánh Tông đồ khuyên bảo các tân tòng hãy kiên vững trong đức tin, bất chấp các thầy dạy giả dối đang cố gắng quyến rũ họ.
Thing
Vật. Là yếu tính của một hữu thể, trả lời cho câu hỏi “cái gì đây”, phân biệt với “sự hiện hữu” của nó. Vật là tương đương với chữ res trong tiếng Latinh, vốn được dùng nhiều trong thần học Công giáo và trong các văn kiện của Giáo hội. Các chữ phái sinh thông thường nhất trong tiếng Anh là ‘có thực, thực tại, thực thể’, tất cả đều qui chiếu đến trật tự khách quan, chẳng hạn trong các văn mạch như Sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa hoặc Chúa Kitô thật sự sống lại từ kẻ chết.
Third Crusade
Cuộc Thập tự chinh lần thứ ba. Là cuộc viễn chinh quân sự (1188-92) do các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Anh chỉ huy để tái chiếm Jerusalem (Giê-ru-sa-lem.) Kết cuộc là Vua Richard I của nước Anh ký hiệp ước hòa bình ba năm với nhà lãnh đạo Hồi giáo Saladin.
Third Orders
Dòng Ba. Là các hội của giáo dân do Dòng tu thành lập. Xuất hiện từ thế kỷ 13, các hội này có thể là tại thế hay tại viện. Nếu là tại thế, họ là các giáo dân, và thường gọi là người Dòng ba. Nếu là tại viện, họ là tu sĩ, bị ràng buộc bởi các lời khấn công khai và sống trong cộng đoàn. Nguyên thủy các Dòng Ba là Dòng Ba Phanxicô hay Dòng Ba Đa Minh, nhưng kể từ đó Tòa Thánh đã chấp thuận nhiều Dòng Ba khác, cả tại thế và tại viện, chẳng hạn Dòng ba Âu Tinh, Dòng Ba Cát Minh, Dòng Ba Tôi Tớ Đức Mẹ và Dòng Ba Dòng Chúa Ba Ngôi.
Thomas
Tông đồ Tôma. Là một trong 12 Tông đồ. Trong các Tin Mừng, thánh Mátthêu, Máccô và Luca nhắc đến ngài chỉ một lần, trong danh sách Nhóm Mười Hai. Trong Tin mừng thánh Gioan, nhiều lần ngài được gọi là “Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô." Biệt hiệu ngài mang trong nhiều thế kỷ, Tôma Hồ nghi, là nằm trong câu chuyện nổi tiếng về việc ngài từ chối tin rằng Chúa Kitô đã hiện ra với các Tông đồ khác, nếu ngài không nhìn thấy các dấu đinh của Chúa (Ga 20:24-20). Một sự cố khác trong Tin mừng thánh Gioan phản ảnh về lòng tin mạnh mẽ và sự can đảm của Tôma. Đó là khi Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng Chúa sẽ đến Judaea (Giu-đê) lần nữa, bất chấp các đe doa cho mạng sống của Chúa, thánh Tôma nói với các tông đồ khác: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!" (Ga 11:16).
Thomism
Học thuyết Tôma. Là triết học và thần học do thánh Tôma Aquinas (1225-74) truyền dạy, và được tiếp nối bởi các người tôn trọng tư tưởng của ngài và tuân giữ các nguyên tắc cơ bản của ngài. Tòan bộ các mệnh đề chứa trong 24 Luận đề được thánh Giáo hòang Piô X chuẩn thuận. Đây là cách diễn đạt súc tích và có thẩm quyền của học thuyết Tôma, như được hiểu trong Giáo hội Công giáo Roma. Đôi khi từ ngữ cũng được dùng để nhận dạng lý thuyết của Bañezian về mối quan hệ giữa ân sủng và ý chí tự do, với sự nhấn mạnh về tiền định thể lý để giải thích hiệu năng của ơn Chúa.
Thought
Tư tưởng. Về cơ bản, là mọi hoạt động của tâm trí, để phân biệt với các hoạt động của các giác quan hoặc bên ngoài. Cũng qui chiếu đến sản phẩm của suy tư, chẳng hạn ý tưởng hoặc phán đóan, lý luận hay trực giác, học thuyết hoặc hệ thống, do trí tuệ con người làm ra.
Three Chapters
Cuộc tranh luận Ba Chương. Là cuộc tranh luận hồi thế kỷ thứ sáu liên quan đến Đức Giáo hòang Vigilius và Hoàng đế Justinian. Hoàng đế đã lên án ba chủ đề: 1. con người và tác phẩm của giám mục Theodore ở Mopsuestia; 2. một số tác phẩm của giám mục Theodore chống lại thánh Cyril thành Alexandria; và 3. thư của Ibas ở Edessa gừi Maris. Vì cả ba chủ đề đều ủng hộ thuyết Nestorius, Hoàng đế hy vọng bằng cách này để hòa giải lạc thuyết nhất tính. Lúc đầu Đức Giáo hòang từ chối phê chuẩn lời lên án của Hoàng đế, nhưng sau đó đã chuẩn y do áp lực. Việc này được giải thích ở Tây Phương như là một hành vi do yếu đuối, và Đức Giáo hòang rút lại lời phê chuẩn của ngài. Ít lâu sau, Công đồng chung Constantinople II đã kết án ba chương này, và năm 554 Đức Giáo hòang Vigilius khẳng định ý của Công đồng. Trường hợp của Đức Giáo hòang Vigilius không vi phạm sự vô ngộ của giáo hoàng, nhưng các sử gia đồng ý rằng Đức Giáo hòang này đã tự cho phép mình bị lèo lái bởi các thế lực chính trị.
Three Witnesses
Ba chứng nhân. Bản văn của Tin mừng theo thánh Gioan trong bản Kinh thánh Phổ thông (Vulgate) có đoạn: “Có ba chứng nhân ở trên trời: Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần. Cả ba chỉ là một. Có ba chứng nhân dưới thế này: Thần Khí, nước và máu" (1 Ga 5:7-8). Các lời này không có trong các bản viết tay Tân Ước bằng tiếng Hi Lạp trước đó, và cũng không có trong bản viết tay đẹp nhất của Kinh thánh Phổ thông. Có lẽ là một sự giải thích bí nhiệm khi cho đây là một chú thích trên bản gốc. Được gọi là “Dấu phẩy của Gioan,” đoạn văn này đã hơn một lần được Giáo hội giải thích. Bộ Thánh vụ tuyên bố rằng các học giả có thể điều tra thêm về sự trung thực và chính xác của đoạn văn, nhưng cần chấp nhận phán quyết của Giáo hội về phát hiện của mình (ngày 2-6-1927).
Throne
Ngai tòa. Là ngai hay ghế danh dự thường xuyên dành cho Đức Giáo hòang, hồng y, giám mục giáo phận, hoặc đan viện phụ khi chủ tọa các nghi lễ long trọng. Nó thường là một ghế có thành tựa cao, được đặt bên phải bàn thờ, làm bằng gỗ hoặc đá, trên một bệ đài có ba cấp, được phủ trên cao bằng một vòm trướng.
Titular Name
Tước hiệu, danh hiệu. Là thánh bổn mạng của một nơi thánh, nhất là một nhà thờ được mang tên của ngài. Vị bổn mạng của nhà thờ thường được các vị thành lập nhà thờ chọn tên. Thường chỉ chọn một thánh bổn mạng, hoặc hai vị thánh (nếu có thể được) có chung một ngày lễ nhớ. Nói chung, thánh bổn mạng là vị thánh bảo vệ đặc biệt nhà thờ ấy. Tuy nhiên, tước hiệu là một từ ngữ rộng nghĩa, bao gồm cả các Ngôi của Chúa Ba Ngôi, các mầu nhiệm đức tin, thiên thần, hoặc bất cứ vị nào đã được phong thánh. Vị bổn mạng của một địa điểm là do người dân chọn, và một địa điểm như thế có thể có nhiều hơn một vị bổn mạng, bổn mạng chính và bổn mạng phụ. Không thể có hơn một vị bổn mạng chính, trừ ra tập tục có từ lâu đời hoặc một đặc quyền do Tòa thánh ban.
Titular Sees
Hiệu tòa. Có khỏang hai ngàn giáo phận hoặc tổng giáo phận Công giáo xưa, mà nay tên giáo phận ấy được ban cho các giám mục không có chính tòa, chẳng hạn giám mục phụ tá, giám mục phó, đại diện tông tòa, và giám chức của Giáo triều Roma. Hầu hết các hiệu tòa này là ở Tiểu Á, Bắc Phi, vùng Balkans, và Hi Lạp. Sau khi người Hồi giáo phá họai Giáo hội ở các vùng đất này, các giáo phận biến mất được gọi là “tòa ở vùng đất dân ngoại.” Nhưng năm 1882, Đức Giáo hòang Lêô XIII đổi tước hiệu thành các “hiệu tòa.”
Trespass
Xúc phạm, phạm tội. Là xúc phạm hoặc chống lại ý muốn của người nào đó. Trong lời cầu của Kinh lạy Cha, “Xin tha tội cho chúng con,” Chúa được cầu xin tha thứ cho chúng ta như chúng ta cũng tha cho người có lỗi với chúng ta. Theo nghĩa đen, “xúc phạm” có nghĩa là xâm phạm quyền của người khác mà không có sự đồng ý của người ấy; do đó, đây là một hành vi lỗi công bằng.