Regimini Ecclesiae Universae
Tông hiến Regimini Ecclesiae Universae. Là tông hiến cho phép cải tổ Giáo triều Roma. Văn kiện này tạo ra cơ cấu pháp lý của: 1. Toàn thể Giáo triều Roma nói chung; 2. Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Hội đồng Công vụ của Giáo hội; 3. các Thánh bộ (chín Thánh bộ); 4. các Ban thư ký (có ba); 5. Hội đồng Giáo dân và Ủy ban “Công lý Hòa bình”; 6. các Tòa án (có ba); và 7. các Văn phòng (có sáu). Đức Giáo hòang Phaolô VI phê duyệt hệ thống giáo triều đã có từ nhiều thế kỷ, mà Ngài mô tả là “đã phục vụ xuất sắc cho Giáo hội hòan vũ" (ngày 15-8-1967).
Registers, Parochial
Sổ bộ giáo xứ. Là năm sổ bộ riêng biệt mà cha quản xứ phải gìn giữ liên quan đến Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Hôn phối diễn ra trong giáo xứ, sổ tử, và sổ ghi lại điều kiện sống tinh thần thật sự của giáo xứ. Cuối năm, bản sao các sổ này, trừ sổ cuối cùng, được gửi về văn phòng Tòa giám mục.
Regulae Juris
Regulae Juris, Qui tắc pháp luật. Là một số cách ngôn pháp lý, gồm 99 qui tắc, trích từ các bộ giáo lệnh của các Đức Giáo hòang Gregory IX và Boniface VIII. Đây là các luật giải thích giáo luật, chẳng hạn “khi đã xấu thì luôn được giả định là xấu,” nghĩa là nếu được chứng minh là phạm tội thề gian thề dối, một người sẽ không cho làm chứng nhân nữa.
Regulars
Tu sĩ Dòng. Là những người nam thuộc các Dòng tu, dù là Dòng hay là Tu hội. Tuy nhiên, trong nghĩa chặt chẽ của giáo luật, tu sĩ Dòng là thành phần của các Dòng tu mà thôi. Giáo sĩ Dòng tu là các linh mục bị ràng buộc bởi luật tu trì (regula) của cộng đòan họ. (Từ nguyên Latinh regularis, liên quan đến một cái thước kẻ; chứa các luật.)
Reification
Sự vật hóa. Là quan niệm của một số triết gia vô thần, như Feuerbach và Nietzsche, cho rằng các tôn giáo là tạo ra niềm tin cho người ta. Tín hữu là người được cho là dự phóng các hy vọng chủ quan và mơ ước của mình, và biến chúng thành thực tế, chẳng hạn Chúa và thiên đàng, vốn là không hiện hữu thật sự. (Từ nguyên Latinh res, vật, sự việc + facere, làm.)
Relationship
Thân thuộc, họ hàng, bà con. Là mối quan hệ bà con giữa những người, mà theo luật Giáo hội là nền tảng cho quyền và nghĩa vụ chung, và ảnh hưởng đến tính hiệu lực hoặc tính hợp thức của hôn phối giữa những người bà con với nhau. Quan hệ họ hàng này có thể là tự nhiên theo quan hệ máu mủ hoặc huyết tộc, hoặc là họ hàng do kết hôn hay hôn thuộc, hoặc là pháp lý hay dưỡng hệ (nhận làm con nuôi), hoặc là thiêng liêng bởi phép Rửa tội hay thêm sức (bọ vú và con đỡ đầu).
Relatively Supernatural
Siêu nhiên cách tương đối. Là một ơn ban vượt quá quyền và nhu cầu của một số tạo vật, nhưng không vượt quá mọi thụ tạo. Do đó kiến thức phú bẩm là vượt quá khả năng của con người, nhưng không vượt quá các thiên thần. Khi kiến thức này được ban cho con người thì là siêu nhiên cách tương đối. Còn khi ơn ban là tự nhiên cho thiên thần, thì chúng là ngoại nhiên cho con người.
Relative Mystery
Mầu nhiệm tương đối. Là một sự thật mà sự hiện hữu của nó phải được Chúa mặc khải một cách siêu nhiên, nhưng sau khi được mặc khải rồi, yếu tính hoặc ý nghĩa của nó có thể hiểu được bằng ánh sáng của lý trí tự nhiên. Sự hiện hữu của các thiên thần là một mầu nhiệm tương đối.
Relativism
Thuyết tương đối. Trong triết học, là thuyết cho rằng không có sự thật tuyệt đối hoặc không có xác tín tuyệt đối. Thuyết nói rằng sự thật tùy thuộc hòan toàn vào các yếu tố thay đổi, chẳng hạn con người, nơi chốn, thời gian và hòan cảnh. Thuyết tương đối luân lý cho rằng không có các nguyên tắc bất biến của sự cư xử của con người, hoặc bởi vì mọi sự thật là tương đối hoặc bởi vì không có hành vi xấu tự bản chất, vì mọi sự tùy thuộc vào các yếu tố khác, chẳng hạn tập tục, qui ước hoặc sự đồng tình của xã hội.
Relator
Phúc trình viên. Là thẩm phán được một tòa án Giáo hội chỉ định để thu thập và viết thành các dữ liệu cần thiết, nhằm xét lại một vụ án theo luật. Phúc trình viên cũng là một người được chỉ định để thu thập dữ liệu về một con người, mà hồ sơ đã được đưa vào tiến trình có thể phong á thánh hoặc phong thánh.
Relic
Hài cốt thánh, thánh tích, di hài, di tích. Là một vật liên quan đến một vị thánh, chẳng hạn một phần thân thể hoặc y phục hoặc vật gì, mà thánh ấy đã sử dụng hoặc đã chạm tới. Các thánh tích đích thực được tôn kính với sự đồng ý nhiệt tình của Giáo hội. Các thánh tích này không có thể được mua hay bán. Thánh tích của các thánh tử vì đạo được đặt trên phiến đá bàn thờ khi cung hiến một bàn thờ. Các thánh tích chia làm ba loại: loại thứ nhất là hài cốt thánh nhân và là loại được đăt trên bàn thờ; loại thứ hai là y phục hay đồ dùng của thánh nhân khi Ngài còn sống; và loại thứ ba là các đồ vật khác, chẳng hạn tấm vải đã đụng chạm vào loại thánh tích thứ nhất của vị thánh. (Từ nguyên Latinh religuiae, di hài.)
Religion
Đức thờ phượng. Là nhân đức luân lý, nhờ đó một người sẵn sàng dâng lên Chúa sự thờ phượng và phụng sự, mà Chúa xứng được như vậy. Đôi khi nhân đức này được đồng hóa với đức công bình đối với Chúa, vì quyền của Chúa bén rễ trong sự thống trị hoàn toàn của Chúa trên mọi thụ tạo. Đức thờ phượng cũng là sự tổng hợp mọi nhân đức, vốn nổi lên từ mối quan hệ của con ngưởi với Chúa, như là tác giả của việc mình hiện hữu, cũng như tình yêu là kết tụ mọi nhân đức nổi lên từ sự đáp trả với Chúa, như là vận mệnh của đời mình. Do đó đức thờ phượng tương thích với việc đạo đức đối với Chúa như là Đấng sáng tạo vũ trụ này. (Từ nguyên có lẽ là Latinh religare, nối, buộc, ràng buộc, qui tụ, chăm sóc.)
Religion As Feeling
Tôn giáo của cảm tính. Là quan điểm cho rằng Kitô giáo là chủ yếu một tôn giáo của cảm tính. Quan điểm này được Friedrich Schleiermacher (1768-1834) phát triển có hệ thống trong cuốn “Đức tin Kitô giáo” của ông, vốn khởi đầu một thời kỳ trong lịch sử của thần học hiện đại. Trong khi các nhà duy lý và người theo thuyết duy siêu nhiên thực hiện cuộc đấu tranh của họ, Schleiermacher lấy nền tảng từ dưới luận điểm của họ bằng cách tước đi giả định chính yếu của luận điểm. Ông nói rằng đức tin Kitô giáo không có bất cứ luận đề tín lý nào. Đó là một điều kiện của cảm tính đạo đức, và cũng giống như các cảm nghiệm khác, chỉ là một đối tượng cần được mô tả. Chống lại các người theo thuyết duy siêu nhiên, ông chủ trương rằng Kitô giáo không được nhận lãnh từ quyền bính bên ngoài, mà là một điều kiện hướng nội của việc ta tự nhận thức. Chống lại các người duy lý, ông nói rằng tôn giáo không là một sản phẩm của tư duy thuần lý, nhưng là một cảm xúc của con tim, một cảm tính diễn ra độc lập với tâm trí. Hơn nữa, cảm tính này không là cá nhân mà là xã hội trong hình thức đạo Tin lành, bởi vì đó là kinh nghiệm chung của một cộng đồng lịch sử phái sinh từ Cuộc Cải cách.
Religionist
Người si tín. Là từ ngữ đôi khi được áp dụng cho người luôn theo đuổi việc đạo, chẳng hạn giáo sĩ hay thần học gia.
Religionum Laicalium
Sắc lệnh Religionum laicalium. Là sắc lệnh của Thánh bộ các Dòng tu, ban một số quyền cho vị tổng quyền (bề trên cả) của các Hội dòng không giáo sĩ, ngày 31-5-1966.
Religious Apostasy
Rời bỏ đời tu. Người rời bỏ đời tu là một người đã khấn vĩnh viễn trong Dòng, nhưng rời bỏ tu viện không có phép và với ý định không trở lại Dòng nữa, hoặc có phép rời nhà Dòng nhưng không trở lại Dòng nữa, bởi vì người ấy có ý định rút khỏi lời khấn vâng phục.
Religious Fugitive
Tu sĩ tự ý rời Dòng. Là người rời bỏ một Hội dòng không có phép, nhưng có ý định sẽ trở lại với đời tu.
Religious Indifference
Dửng dưng với tôn giáo. Là thái độ của những người cho rằng mọi tôn giáo là tốt như nhau, và đều có khả năng dẫn con người đến vận mệnh đời đời của họ. Trong hình thức cực đoan nhất của thái độ này, có thuyết nói rằng không có một hình thức duy nhất của đức tin tôn giáo, của việc thờ phượng, hoặc của cách sống luân lý, mà Chúa đã mặc khải.
Religious Rule
Luật Dòng. Là chương trình sống và kỷ luật, được Tòa thánh phê chuẩn, để các tu sĩ có thể sống nhằm phát triển trên đường trọn lành Kitô giáo, và thực hiện công tác tông đồ đặc trưng của Dòng mình.
Religious State
Bậc tu trì. Theo truyền thống Giáo hội, là một lối sống cố định hoặc ổn định mà một số người cùng phái tính có đời sống chung, và trong đó họ tuân giữ các lời khuyên Phúc âm qua lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
Reliquary
Hòm thánh tích. Là một cái hộp trong đó một thánh tích được gìn giữ và khằng kín lại. Hòm thánh tích có nhiều kích cở, tùy theo thánh tích lớn hay nhỏ, từ hòm rất nhỏ có thể mang đi cách dễ dàng, đến hòm thật lớn chứa cả thi hài thánh nhân. Thánh tích không bao giờ được trưng bày cho công chúng tôn kính, trừ phi phải đặt trong hòm thánh tích. Một số hòm thánh tích nổi tiếng về sự thiết kế độc đáo và giá trị của nó.
Remarriage
Cưới người khác. Nói chung, là cưới thêm một người trong khi người bạn đời vẫn còn sống. Trong Cựu Ước, việc cưới thêm người khác là được phép, nhưng như Chúa Kitô giải thích cho người Pharisee (Pha-ri-sêu), “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses (Mô-sê) đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu" (Mt 19:8). Chúa Kitô tái lập hôn nhân về tình trạng đơn hôn thuở đầu, và ban ơn cần thiết, nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Một hôn phối hiệu lực là không thể tháo gỡ bởi bất cứ quyền lực con người nào, dù là dân sự hay giáo quyền. Do đó, các trường hợp cưới người khác là những trường hợp mà trong đó hôn nhân trước chưa phải là một bí tích, hoặc hôn phối trước chưa có hiệu lực, hoặc hai người chưa hoàn hợp hôn nhân của mình bằng việc giao hợp tự nhiên.
Remission Of Sin
Tha tội, xá tội. Là sự tha thứ các tội cách thực sự và cụ thể. Khi tội trọng được tha, việc tha này bao gồm sự tha thứ và hình phạt đời đời do tội, nhưng hình phạt tạm có thể vẫn còn. Còn khi tội nhẹ được tha, lỗi tội được cất đi, kể cả hình phạt tạm để con người sẵn sàng đón nhận ơn Chúa.
Remorse
Ăn năn, hối hận, ân hận. Là cảm giác thấm thía về tội do đã làm điều sai trái. Đây là sự tự trách mình kết hợp với một mức độ nản lòng, để không tái phạm sự lỗi tội hoặc, hiếm thấy hơn, buồn sầu sau khi được thứ tha.
Remote Occasions
Dịp tội xa. Là các tình huống có thể nhưng không dễ dẫn người ta đến phạm tội. Các dịp này có thể là tình huống trong đó một người có thể phạm tội, nhưng không phải chắc là như vậy, hoặc tình huống trong đó một người chứng tỏ rằng mình không phạm tội như một qui luật. Dịp tội xa hiện diện khắp nơi.
Remythology
Giải tỏa huyền thọai. Là thuyết của một số nhà phê bình Kinh thánh, cho rằng phải khám phá “Chúa Giêsu của lịch sử" bằng cách loại bỏ trong Tin mừng các sự lạ lùng mà họ xem là huyền thoại. Tuy nhiên, các tiền đề riêng của họ đã là một hình thức huyền thoại rồi, vì cho rằng các phép lạ là không thể được hoặc không thể chứng minh.
Renewal
Canh tân, đổi mới. Canh tân theo nghĩa tái lập một tập tục, một thói quen hoặc một định chế cho đúng với ý nghĩa hoặc mục đích ban đầu của nó. Được Công đồng chung Vatican II dùng cách đặc biệt để nói về sự canh tân tinh thần của các Dòng tu, bằng cách trở về với nền tảng Tin Mừng, đoàn sủng của đấng sáng lập Dòng, và truyền thống thánh của lịch sử Dòng.
Renewal Of Consent
Nhắc lại sự ưng thuận. Là nhắc lại cách công khai, hoặc ít nhất riêng tư, sự ưng thuận của một bên hôn phối, trong tính hiệu lực cho khế ước hôn nhân vốn là không liệu lực trước đó. Các yêu cầu và điều kiện cho việc nhắc lại sự ưng thuận này đã được nói rõ trong luật Giáo hội.
Renouncing Satan
Từ bỏ Satan, từ bỏ ma quỷ. Là sự tuyên xưng trung thành với Chúa và từ bỏ ma quỷ như là kẻ thù của Chúa Kitô, được thực hiện khi chịu phép Rửa tội bởi người được Rửa tội hay người đỡ đầu. Nó bao hàm quyết tâm chống lại các nỗ lực của ma quỷ để cám dỗ các tín hữu Chúa Kitô, sống khiêm nhượng (trái với Satan kiêu ngạo), sống vâng phục (trái với sự bất tuân của Satan), và sống thánh thiện (trái với sự xa cách hoàn toàn của Satan với Chúa).
Renovationis Causam
Huấn thị Renovationis Causam. Là Huấn thị của Thánh bộ các Tu sĩ và Tu hội đời, về sự canh tân thích hợp của việc đào tạo và chuẩn bị cho người sống đời dâng hiến. Trong khi mục tiêu trực tiếp của huấn thị là đời tu trì, được gọi đúng như thế, những người sống các hình thức khác của đời tận hiến cũng chịu ảnh hưởng bởi huấn thị này (ngày 6-1-1969).
Renunciation
Từ bỏ, bỏ mình. Là từ bỏ một điều gì mà mình cho là đã sở hữu. Một số sự từ bỏ là cần thiết theo luật Chúa; một số sự từ bỏ khác là được phép và được khuyến khích theo ý Chúa. Mỗi người phải từ bỏ tội lỗi và các thụ tạo khác, vốn là dịp tội xa cho mình. Trong hạng mục này, có sự từ bỏ Satan khi chịu phép rửa tội của người được rửa tội hay người đỡ đầu. Từ bỏ lời khấn liên quan đến sự thực thi các quyền tự nhiên, như sở hữu của cải, hôn nhân, sự độc lập theo pháp lý, hoặc sự tự quyết, sự hy sinh để yêu mến Chúa của các người tự khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
Reordination
Phong chức lại. Là việc lặp lại một nghi thức phong chức thông thường cho một giám mục, linh mục hay phó tế, bởi vì có các nền tảng nghiêm trọng về nghi ngờ tính hiệu lực của việc phong chức trước đó. Từ ngữ này là không chính xác, bởi vì các chức thánh, một khi đã truyền chức, là không thể lặp lại.
Repairing Scandal
Sửa chữa vấp phạm. Là sửa chữa hành vi phạm tội vốn đã gây vấp phạm cho các người khác. Một người bị buộc phải sửa chữa hay đền bù càng nhiều càng tốt. Trong một số trường hợp, không thể đền bù trực tiếp cho các người đã bị vấp phạm, bởi vì số người này quá đông hoặc xa lạ đối với mình. Tuy nhiên, trách nhiệm vẫn còn đó. Việc sửa chữa vấp phạm bằng gương tốt để không gây vấp phạm lại cho người khác là một đặc điểm nổi bật của ý nghĩa Kitô giáo về việc đền tội để được xá tội.
Reparation
Đền bù, phạt tạ, sửa lỗi, tu sửa. Là hành vi hay sự việc làm đền bù. Nó bao hàm một nỗ lực tái lập các việc vào điều kiện bình thường hoặc lành mạnh, vì các điều kiện này có trước khi việc xấu được làm. Việc này chủ yếu áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại, hoặc cho tác hại gây ra bởi việc xấu ấy. Liên quan đến Chúa, nó có nghĩa là phải gia tăng tình yêu mến để đền bù sự mất tình thương do tội; là tái lập điều gì bị lấy đi cách bất công, và đền bù rộng rãi cho tính ích kỷ, vốn gây ra thiệt hại cho người khác. (Từ nguyên Latinh reparare, tại lập, làm mới.)
Repentance
Hối hận, thống hối, ăn năn. Là sự sầu buồn tự ý vì đã xúc phạm đến Chúa, vì đã làm điều sai trái, đồng thời quyết tâm điều chỉnh cách cư xử của mình, bằng cách chọn các biện pháp cần thiết để tránh dịp tội. Ăn năn là sầu buồn về tội với việc tự kết án mình. (Từ nguyên Latinh repoenitere, rất buồn rầu, hối hận nhiều.)
Repository
Bàn thờ tạm, nhà nguyện tạm. Là một bàn thờ cạnh hoặc bàn thờ phụ, nơi Mình thánh Chúa, truyền phép ngày Thứ Năm Tuần thánh, được đặt cho người ta thờ phượng, cho đến các lễ nghi ngày Thứ Sáu Tuần thánh. (Từ nguyên Latinh repositorium, nhà kho; nghĩa đen là nơi đặt các vật.)
Reprehension
Sự khiển trách. Là sự trừng phạt chính thức đối với một người, dù là công khai hay riêng tư, vì đã gây vấp phạm hay làm mất trật tự tốt. Sự khiển trách có thể được một đấng bản quyền hay người được ủy quyền thực hiện. Sự khiển trách công khai nên làm trước mặt một lục sự hoặc hai người chứng. Nếu khiển trách bằng văn bản, cần có một bằng chứng giấy tờ nói rằng sự khiển trách (hoặc cảnh cáo) đã được tiếp nhận và đúng như văn bản nói. (Từ nguyên Latinh reprehendere, khiển trách, ngăn lại: re-, lại + prehendre, cầm giữ.)
Reprobation
Lên án, hình phạt đời đời. Là quyết định của Chúa để lọai trừ một số người khỏi hạnh phúc đời đời. Như Giáo hội dạy, Chúa đã tiền định từ đời đời một số người, do tội lỗi của họ, bị lọai khỏi thiên đàng. Cần hiểu rằng Chúa luôn muốn mọi người được cứu độ, nhưng Chúa sẽ không muốn cứu những người, do lạm dụng ơn Chúa, đã tự tách mình khỏi tình yêu của Chúa. (Từ nguyên Latinh reprobare, lọai trừ, kết án.)
Reputation
Tiếng tăm, tiếng tốt, thanh danh, danh tiếng. Là tiếng tốt mà một người hưởng trong sự mến mộ của công chúng. Mọi người đều có quyền với thanh danh của mình, kể cả người đã qua đời và pháp nhân, tức một cộng đoàn. Nếu thanh danh của một người là đích thực, tức xứng đáng hưởng, người ấy có một quyền tuyệt đối rằng không ai có thể làm tổn thương nó. Quyền của một người với thanh danh là tương đối và có giới hạn, bởi vì công ích chung lớn hơn đòi hỏi rằng đôi khi lỗi bí mật có thể được tiết lộ. Tuy nhiên không có tổn thương với thanh danh, khi các lỗi hoặc khuyết điểm nói trên đã được công chúng biết cả rồi. Sự tổn thương bất công bị phạm bởi mọi tội vu khống, và bởi sự tiết lộ các lỗi thật sự, khi sự tiết lộ không phục vụ công ích chung và cũng không phục vụ lợi ích riêng tư hợp pháp.
Req
Req, Requiescat—Xin cho linh hồn nghỉ yên.
Requiem
Lễ Requiem, lễ Cầu hồn. Là thánh lễ cầu cho người qua đời. Tên thánh lễ này phát sinh từ chữ đầu Requiem của ca nhập lễ theo Nghi lễ Latinh, trước khi thánh lễ được duyệt lại từ Công đồng chung Vatican II. Lời khẩn cầu là "Requiem aeternam dona eis, Domine" (Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời). (Từ nguyên Latinh requies, nghỉ ngơi sau lao động, thư giãn.)
Requiescat In Pace
Requiescat In Pace, Xin cho linh hồn được nghỉ yên. Là lời cầu khẩn lòng nhân từ của Chúa cho linh hồn người đã qua đời. Câu này được thấy trên một số tấm bảng trên mộ, tại các hang tọai đạo thuở Giáo hội sơ khai. Là lời nguyện quen thuộc trong phụng vụ của Giáo hội, và mọi người thưa Amen. Lời này viết tắt là R.I.P.
Reredos
Hậu đàn bình. Là tấm màn đá hay gỗ được trang trí mỹ thuật thật đẹp sau bức trang trí bàn thờ. (Từ nguyên Pháp arere, phía sau + dos, lưng.)
Rerum Novarum
Thông điệp Rerum Novarum (Tân sự). Thông điệp của Đức Giáo hòang Lêô XIII, ban hành ngày 15-5-1891, về điều kiện lao động. Thông điệp này bác bỏ các thuyết của các người theo chủ nghĩa xã hội và bênh vực quyền tư hữu. Thông điệp khuyên chủ nhân và công nhân tổ chức các hội vừa chung vừa riêng, để giúp đỡ nhau và tự bảo vệ mình.
Rescr
Rescr, Rescriptum—phúc nghị.
Rescripts
Phúc nghị. Là thư trả lời viết tay của một Đức Giáo hòang cho các câu hỏi, lời thỉnh cầu hoặc báo cáo, thường được thực hiện qua các kênh của giáo triều. Các quyết định kém quan trọng được thực hiện qua hình thức này của văn kiện Giáo hòang. Phúc nghị cho sự miễn chuẩn có thể được ban trực tiếp, hoặc tài liệu có thể trao quyền cho một giám mục ban miễn chuẩn hoặc bác bỏ sự miễn chuẩn. (Từ nguyên Latinh rescriptum, thư trả lời viết tay của hoàng đế.)
Reservation Of The Blessed Sacrament
Lưu giữ Mình Thánh. Là việc gìn giữ Mình Thánh Chúa trong nơi phù hợp (nhà tạm), để là đối tượng cho sự tôn thờ hoặc làm của ăn đàng cho bệnh nhân.
Reserved Cases
Vạ biệt hạn, vạ biệt chế. Là các tội lỗi hoặc vạ phạt, mà chỉ có một số cha giải tội hoặc bề trên Giáo hội có thể giải mà thôi. Những trường hợp này được xếp là thuộc Giáo hoàng, Giám mục hay Bề trên, tùy theo việc giải các tội này là dành cho Đức Giáo hòang, Giám mục hay Bề trên Dòng tu.
Residential See
Tòa Giám mục chính tòa, tòa Đấng bản quyền. Là một giáo phận hoặc tổng giáo phận, mà một giám mục đang là đấng bản quyền. Về mặt kỹ thuật, bất cứ nơi nào trên thế giới đều thuộc quyền tài phán của một giám mục nào đó, và thuộc về một tòa giám mục chính tòa. Nhưng tòa này gọi là chánh tòa để chủ yếu phân biệt với hiệu tòa, vốn trước kia là tòa chánh tòa nhưng không tồn tại nữa.
Resignation
Nhẫn nhục, cam chịu, sự từ bỏ, từ chức. Là việc chấp nhận ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mình, và nhất là trong khi bị thử thách hoặc chịu đau khổ. Còn gọi là sự từ bỏ, nó có đối tượng là sự qui phục của sở thích riêng hoặc hy vọng riêng của mình cho sự sắp xếp của Chúa Quan phòng. Trong giáo luật, sự từ chức là việc một người tự ý rút khỏi một chức vụ được bầu chọn, hoặc được chỉ định bởi giáo quyền. Để có hiệu lực, việc từ chức phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền, hoặc cơ quan thẩm quyền trong Giáo hội.