S
S, Solemnis—long trọng, trọng thể.
S., Sacr.
S., Sacr., Sacrum—thánh, thánh thiêng.
Sab., Sabb.
Sab., Sabb., Sabbatum—ngày Sabbath, ngày sa-bát, ngày thứ Bảy.
Sabaoth
Sabaoth, các Đạo binh. Một tước hiệu của uy nghi cao cả, chủ yếu áp dụng cho Chúa. Từ ngữ Do Thái cổ này có nghĩa là “đạo binh" hoặc “cơ binh”, và được tìm thấy trong cụm từ “Chúa các đạo binh,” vốn xuất hiện trong Cựu Ước không dưới 282 lần, trong đó hầu như tất cả, trừ ra 36 lần, xuất hiện trong các sách ngôn sứ. Từ một qui chiếu trước đó về Đức Chúa như là Chúa bảo vệ dân Chúa trong trận chiến, từ ngữ đã trở nên có nghĩa rằng Chúa cai quản thống trị trên các thiên thần, cả thần lành lẫn thần dữ, và lẽ tất nhiên uy quyền của Chúa trên vận mệnh của dân Chúa. Trong Tân Ước, ngoại trừ một trích dẫn trực tiếp từ sách Isaiah (I-sai-a), danh từ trở thành “Chúa các đạo binh” (Gc 5:4).
Sabbath, Biblical
Ngày Sa-bat (Sabbath) Kinh thánh, hưu lễ, ngày nghỉ lễ Do Thái. Là ngày nghỉ ngơi của người Do Thái giáo, với các qui định chặt chẽ cho việc giữ luật này. Việc không giữ ngày Sa-bat là một trong các cáo buộc chính của người Pharisee (Pha-ri-sêu) chống lại Chúa Giêsu. Ngày này bắt đầu từ hoàng hôn thứ Sáu và kết thúc lúc hoàng hôn thứ Bảy. Không được làm việc xác ngày Sa-bát. Điều này có nghĩa là hòan toàn không kinh doanh và giao dịch buôn bán, và chỉ quan tâm chăm lo cho gia đình, bạn hữu và tôn giáo. Về mặt luật lệ, ngày Sa-bát là nhằm gia tăng cuộc sống gia đình, đào sâu sự hiểu biết về lịch sử tôn giáo và giáo lý, và nhất là tập trung vào việc cầu nguyện và chuyện thiêng liêng. Trong thời các Tông đồ (Cv 20:7) Kitô hữu đã chuyển ngày Sa-bát từ ngày thứ Bảy qua ngày đầu tiên của tuần lễ. Hơn nữa, cách hiểu của người Công giáo về ngày Chủ nhật như là ngày Sabbath (ngày nghỉ) không hề cứng nhắc như quan niệm của một số giáo phái Tin lành, chẳng hạn phái Thanh giáo.
Sabbatical Year
Năm sa-bát, năm nghỉ. Là một năm trong cứ mỗi bảy năm, trong đó người Do Thái phải tuân giữ “năm sabbath (sa-bát)" phù hợp với ngày hưu lễ của mỗi tuần lễ (Xh 21:2-6; Đnl 15:1-3). Người Do thái buộc phải cho đất đai nghỉ hoang, tha nợ cho người mắc nợ mình, và trả tự do cho các nô lệ. Mục đích tôn giáo của năm nghỉ là dạy cho người Do thái biết rằng chỉ có Chúa là chủ nhân thật sự của mọi vật.
Sabbatine Privilege
Đặc ân bộ áo Đức Bà Cát Minh. Là niềm tin đạo đức, được Giáo hội chấp thuận, nói rằng Đức Trinh Nữ Maria sẽ bênh vực đặc biệt cho những ai mang áo nâu Đức Bà Cát Minh, và tuân giữ một số tập tục khác. Đặc biệt, Đức Giáo hòang Phaolô V năm 1613 cho phép công bố sắc lệnh như sau: “Cho phép các linh mục Dòng Cát minh rao giảng, là Kitô hữu có thể tin rằng Đức Trinh Nữ sẽ giúp đỡ bằng sự hỗ trợ liên lỉ và công trạng của Mẹ, nhất là vào ngày thứ Bảy, cho linh hồn các thành viên của Phụng hội Áo Đức Bà, khi họ qua đời trong ân nghĩa Chúa, nếu khi còn sống họ đã mang áo Đức Bà, giữ sự khiết tịnh theo bậc sống của mình, và đọc Kinh Nhật tụng Đức Trinh Nữ Maria hoặc giữ các ngày chay của Giáo hội, kiêng thịt các ngày Thứ Tư và ngày Thứ Bảy." Trước kia có một bản văn về Đặc ân bộ áo Đức Bà Cát Minh, nhưng nay chắc chắn bị xem là sai lạc, dựa vào một sắc chỉ được cho là của Đức Giáo hòang Gioan XXII, dường như công bố năm 1322. Văn kiện đáng ngờ này cho biết Đức Giáo hòang đã nói rằng các tu sĩ Cát Minh và những ai mang áo Đức Bà sẽ được Đức Trinh Nữ đem ra khỏi luyện ngục, vào ngày Thứ Bảy kế tiếp sau khi họ qua đời.
Sabellianism
Lạc thuyết Sabellius. Là một lạc thuyết ở thế kỷ thứ ba, gọi theo tên của Sabellius, một thần học gia thuộc trường phái Độc nhất thần vị. Những người theo lạc thuyết này cổ vũ niềm tin vào Một Thiên Chúa, Chúa Cha trở thành con người trong Chúa Giêsu Kitô, và cũng chịu chết để cứu chuộc thế giới. Sau này họ điều chỉnh niềm tin này để tuyên xưng rằng, mặc dầu chỉ có một Ngôi, Chúa có ba dạng thức hoặc ba khía cạnh tự tỏ hiện như là Đấng Sáng tạo, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hóa. Lạc thuyết này, ở Đông Phương gọi là thuyết Sabellianism, ở Tây Phương gọi là Khổ phụ thuyết. Thuyết bị Thánh Giáo hòang Callistus I lên án, nhưng vẫn tồn tại trong lịch sử Giáo hội dưới nhiều hình thức khác nhau.
Sackcloth
Vải gai, vải bố, áo nhặm. Áo đền tội làm bẳng vải gai cứng hoặc vải tóc. Nó được mang sát da như một hình thức sầu buồn vì tội, hoặc chỉ như một hình thức sám hối.
Sacral
Thuộc phụng tự, thuộc tôn giáo, thánh thiêng. Là điều gì có liên quan đến việc phượng tự đối với Chúa, để phân biệt với chuyện đời, chuyện thế tục, vốn liên quan đến việc phục vụ các nhu cầu thể lý của con người. (Từ nguyên Latinh sacer, thánh thiêng.)
Sacrament
Bí tích, dấu chỉ. Là một dấu hiệu hữu hình, được Chúa Giêsu Kitô lập ra, nhờ đó ân sủng vô hình và ơn thánh hóa nội tâm được thông chuyển cho linh hồn. Các yếu tố chính yếu của một bí tích của Luật Mới là định chế của Chúa Làm Người khi Chúa còn ở trần gian, và một nghi thức hữu hình thực sự ban ơn siêu nhiên mà nó tượng trưng. Trong một nghĩa rộng hơn, mọi dấu hiệu bề ngòai của việc Chúa ban ơn cho nội tâm là một bí tích. Và trong nghĩa này, đã có các bí tích trong Luật Cũ, chẳng hạn tập tục Cắt bì. Nhưng như Công đồng chung Trent định nghĩa, các nghi thức cũ này rất khác với các Bí tích của Luật Mới, vì thực sự chúng không chứa ân sủng mà chúng tượng trưng, cũng không là sự vẹn tòan của ân sủng qua các kênh hữu hình mà Đấng Cứu Thế đã ban và thành lập. (Từ nguyên Latinh sacramentum, lời thề, sự bắt buộc; từ chữ sacrare, hiến thánh, cung hiến.)
Sacramental
Á bí tích. Là vật hay hành vi mà Giáo hội sử dụng theo kiểu bí tích, để thực hiện một số hiệu quả nhờ công trạng của các tín hữu, nhất là hiệu quả của trật tự thiêng liêng. Á bí tích khác với bí tích, vì chúng không do Chúa Kitô lập ra để sản sinh hiệu quả do nghi thức cử hành. Hiệu quả của chúng không tùy thuộc vào nghi thức bề ngòai, như trong bí tích, nhưng vào ảnh hưởng của lời cầu nguyện; tùy thuộc vào người sử dụng chúng và vào Giáo hội chấp thuận việc sử dụng chúng. Sự đa dạng của á bí tích mở rộng khung thời gian và nơi chốn, lời nói và việc làm, đối tượng và cử chỉ, vốn dựa vào quyền bính Giáo hội không những thu hút các cá nhân chuẩn bị lãnh nhận, mà còn vào công đức và lời cầu nguyện của Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Sacramental Character
Ấn tích. Là dấu không phai được in vào linh hồn, khi lãnh nhận các bí tích Rửa tội, Thêm sức, và Truyền chức thánh. Dấu này là không phai mất, bởi vì nó vẫn tồn tại mặc dầu một người có thể mất tình trạng ân sủng, hay thậm chí mất đức tin nữa. Dấu này vẫn còn ít nhất cho đến chết và hầu như còn trong cõi đời đời. Đó là một dấu, bởi vì nó có nghĩa rằng những người đã được Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh mang mối quan hệ đặc biệt và duy nhất với Chúa Kitô. Nó là một dấu ấn, bởi vì nó đánh dấu con người ấy với một phẩm chất siêu nhiên, có thể so sánh với đặc tính nhận dạng mỗi cá nhân như là một nhân vị riêng biệt. Sau cùng nó là một đặc tính bởi vì nó ban ơn cho người lãnh nhận với các khả năng mà người khác không có được. Trong yếu tính, ấn tích đồng hóa một con người với chức linh mục của Chúa Kitô. Từ chức năng thứ nhất, xuất hiện chức năng thứ hai, trong gia tăng sự cao cả, từ phép Rửa tội qua phép Thêm sức đến Bí tích Truyền chức.
Sacramental Confession
Xưng tội trong tòa, chịu Bí tích Xá giải. Là sự xưng tội vào tai linh mục trong Bí tích Xá giải. Nếu là tội trọng, luật đòi hỏi rằng phải xưng số lần phạm, lọai tội phạm, hòan cảnh phạm tội ảnh hưởng đến mức nặng của tội đã phạm.
Sacramental Dispositions
Tâm trạng cần thiết để lãnh bí tích. Là điều kiện linh hồn cần có để lãnh nhận bí tích có kết quả và hiệu lực. Tâm trạng là khác nhau giữa thừa tác viên và người lãnh nhận. Nơi thừa tác viên, chỉ đòi hỏi khả năng ban Bí tích, và ý muốn thực thi ý Chúa Kitô hay ý Giáo hội, đủ để thỏa mãn mong muốn của người khác. Nơi người lãnh Bí tích, người ấy phải có tuổi khôn và không gì ngăn trở. Các ngăn trở này là thiếu đức tin, hoặc ơn thánh sủng, hay ý muốn ngay lành.
Sacramental Grace
Ân sủng bí tích. Là ân sủng được ban qua việc lãnh bí tích một cách hiệu lực và có kết quả. Ân sủng này có thể là một hay nhiều lọai: 1. ơn thánh hóa được ban trong bí tích Rửa tội, Xá giải và Xức dầu bệnh nhân, khi cần; 2. ơn thánh hóa luôn được gia tăng khi một bí tích được nhận lãnh trong tình trạng ân sủng; 3. ơn hiện sủng được ban bởi mọi bí tích, hoặc là lúc lãnh bí tích hoặc là bởi chức vụ khi một người cần Chúa giúp đỡ; 4. ấn tích được in không phai mờ trong linh hồn khi lãnh Bí tích Rửa tội, Thêm Sức và Truyền chức thánh; và 5. Ân sủng bí tích đặc biệt được ban bởi mỗi bí tích, phù hợp với mục đích riêng của bí tích ấy trong đời sống siêu nhiên của linh hồn.
Sacramentali Communione
Huấn thị Sacramentali Communione. Huấn thị của Thánh bộ Phượng tự về rước lễ dưới hai hình. Việc ban phép này là nhằm “cho sự tòan vẹn của dấu hiệu trong bữa Tiệc Thánh thể có thể được nhìn thấy rõ ràng hơn bởi các tín hữu” (ngày 29-6-1970).
Sacramental Matter And Form
Chất thể và mô thức của bí tích. Là nghi thức của mỗi một trong bảy bí tích, được xem là có trong chất liệu được sử dụng và hành vi được thực hiện, vốn tạo nên chất thể, và lời được nói ra, vốn tạo nên mô thức.
Sacramental Presence
Hiện diện bí tích. Là cách thức hiện diện của Chúa Kitô trong Phép Thánh thể. Chúa thật sự, đích thực, và đầy đủ “ngự” dưới hình bánh và rượu, theo cách thức là bao lâu và ở đâu còn là bánh rượu này, Chúa ngự trọn vẹn trong đó với thiên tính và nhân tính của Chúa.
Sacramental Sign
Dấu chỉ bí tích. Là nghi thức bề ngòai, qua đó một bí tích được ban, và nhờ đó các ơn đặc trưng của bí tích được thông chuyển. Giáo hội Công giáo tin rằng yếu tố chính yếu của mỗi bí tích đã được Chúa Kitô quyết định từ ban đầu, chẳng hạn, việc đổ nước và công thức Chúa Ba Ngôi trong Bí tích Rửa tội. Các đặc điểm khác của nghi thức bí tích đã được Giáo hội quyết định, do hoạt động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Sacramentary
Sách nghi thức, bí tích chỉ nam. Là phần của Sách lễ Roma, chứa các kinh nguyện và hướng dẫn cho Thánh lễ, và một số công thức bí tích, nhưng không kèm các bài đọc của Thánh lễ. Trong Giáo hội Phương Tây, Sách nghi thức, khác với sách Bài đọc, được sử dụng từ thế kỷ 13. Các Sách nghi thức Leonine, Gelasian, và Gregorian, nguồn chủ yếu cho lịch sử thời đầu về Thánh lễ, là nổi tiếng nhất. Từ thế kỷ thứ chín, sự tiện lợi của việc có mọi sự trong một cuốn sách đã làm cho người ta gom chung Sách nghi thức, Sách bài đọc và Sách hát lễ thành một cuốn, vốn đã trở nên nổi tiếng là Sách lễ. Sách nghi thức được tái xuất bản sau Công đồng chung Vatican II.
Sacrament House
Nhà tạm. Là một phương pháp cất giữ Mình Thánh Chúa trong nhà tạm bên ngòai cung thánh, thường là ở phía bắc của nhà thờ. Đôi khi nhà tạm được trang trí thật đẹp và lồng kính, nên Mình Thánh Chúa có thể nhìn thấy một cách mờ. Nhà tạm này được sử dụng rộng rãi tại Thụy Sĩ, Bỉ và Đức cho đến hậu bán thế kỷ thứ 19.
Sacrament Of Confession
Bí tích xưng tội. Là tên phổ thông của Bí tích xá giải, tập trung vào sự tự cáo tội mình với linh mục để nhận sự xá giải.
Sacrament Of God
Bí tích của Chúa. Là Chúa Giêsu Kitô như là sự nhập thể hữu hình của Con Chúa, và nhờ cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa, loài người nhận được ơn cứu độ và ơn thánh hóa.
Sacrament Of Reconciliation
Bí tích Hòa giải. Là một tên gọi khác của Bí tích xá giải, tập trung vào hiệu quả chính yếu của bí tích này, đó là chữa lành sự xa rời Chúa do tội lỗi mình đã phạm.
Sacrament Of Salvation
Bí tích Cứu độ. Là Giáo hội như là phương thế cần thiết của sự cứu độ cho lòai người. Do đó, mọi người được cứu độ là những người nhận lãnh ơn ích cần thiết qua Giáo hội hữu hình, được Chúa Kitô thành lập.
Sacrament Of The Altar
Bí tích Bàn thờ. Là Bí tích Thánh Thể được xem như là Mình và Máu Chúa Kitô, vốn được dâng lên trên bàn thờ trong Thánh lễ. Cũng là Mình Thánh Chúa được lưu giữ trên bàn thờ để tín hữu chầu và thờ phượng.
Sacrament Of The Apostolate
Bí tích làm tông đồ. Là Bí tích Thêm sức được xem là Chúa thiết lập để giúp Kitô hữu không những duy trì đức tin của mình, mà còn chia sẻ niềm tin với người khác nữa. Các hiệu quả của nó là giống như các điều xảy ra vào Chủ Nhật Hiện Xuống, khi Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh Tông đồ, và ban cho các vị sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành và can đảm mà các vị cần, để rao truyền Tin Mừng và cổ vũ Vương quốc Chúa Kitô.
Sacraments Of The Dead
Bí tích kẻ chết. Là các Bí tích có thể nhận lãnh một cách hiệu lực và có kết quả, khi một người không ở trong tình trạng ân sủng. Đó là Bí tích Rửa tội, Xá giải và, nếu cần, Bí tích Xức dầu. Các Bí tích này ban hoặc tái lập ơn thánh hóa và ban ơn hiện sủng, khi được nhận lãnh bởi một người đã ở trong tình bạn với Chúa.
Sacraments Of The Living
Bí tích kẻ sống. Là bí tích đòi hỏi phải có tình trạng ân sủng mới được lãnh nhận bí tích ấy đầy đủ. Đó là các Bí tích Thêm sức, Thánh Thể, Hôn phối và Truyền chức thánh. Tuy nhiên trong bốn bí tích này, các Bí tích Thêm sức, Hôn phối và Truyền chức thánh được nhận lãnh một cách có hiệu lực, cả khi người ấy đang trong tình trạng có tội. Do đó, những người đã thật sự được Thêm sức, làm phép Hôn phối hoặc được Truyền chức thánh, nhưng không có các ân sủng đi kèm theo bí tích cho đến khi người ấy phục hồi tình trạng ân sủng. Bí tích Thánh Thể cũng được nhận lãnh thật sự bởi một người không trong tình trạng ân sủng, nhưng người ấy sẽ phạm tội phạm thánh, nếu người ấy Rước lễ trong khi đang mất tình bạn với Chúa. Bí tích Xức dầu được xếp loại riêng, bởi vì nó có thể được nhận lãnh cả trong tình trạng đang mắc tội trọng. Nhưng nó được xem là bí tích kẻ sống, bởi vì nó cần được nhận lãnh trong tình trạng ân sủng. Tuy nhiên, với một số điều kiện, nó cũng tái lập ơn thánh hóa.
Sacram Liturgiam
Tông thư Sacram Liturgiam. Tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI, công bố một số qui định của Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng chung Vatican II. Trong số các qui định này là việc thành lập các ủy ban phụng vụ giáo phận, và đòi hỏi rằng mọi bản văn phụng vụ phải được Tòa Thánh chính thức công nhận mới được sử dụng (ngày 25-1-1964).
Sacram Unctionem Infirmorum
Tông hiến Sacram Unctionem Infirmorum. Tông hiến của Đức Giáo hòang Phaolô VI, ban hành năm 1973, duyệt lại việc ban bí tích Xức dầu bệnh nhân (ngày 30-11-1972). Nghi thức mới có hiệu lực từ ngày 6-1-1974.
Sacred
Thánh, thánh thiêng. Thánh thiêng là sự gì có liên quan đến Chúa, để phân biệt những việc liên quan đến con người; thánh thiêng là điều gì bất diệt, để phân biệt với điều gì là chóng qua, là tạm thời; là điều gì thuộc thiên đàng để phân biệt với điều thuộc thế gian; là điều gì bí nhiệm, do đó không thể giải thích theo lý trí được; là điều gì vô hạn chứ không hữu hạn. Trong mọi tôn giáo, thánh thiêng là Đấng Tuyệt đối, là Đấng không thay đổi, trong khi sự thế gian là tương đối, mà yếu tính của nó là sự đổi thay. (Từ nguyên Latinh sacrare, đặt riêng ra vì thánh thiêng, cung hiến, hiến thánh.)
Sacred Congregations
Thánh bộ. Là các ủy ban thường trực của các Hồng y được thiết lập tại Roma, để giải quyết các công vụ của Giáo hội. Thẩm quyền của Thánh bộ được xác định bởi các vị có trách nhiệm quản trị bộ ấy, mặc dầu trong Giáo triều Roma không có sự phân biệt thật sự giữa hành pháp và lập pháp. Các thánh bộ xuất hiện khi công việc của Giáo triều phát triển phức tạp, và Đức Giáo hòang cần có các nhánh ổn định của giáo quyền, vốn trực tiếp lệ thuộc quyền tài phán của Ngài. Ủy ban đầu tiên như thế với tính chất thường trực là Thánh bộ Thẩm tra, được Đức Giáo hòang Phaolô III thành lập năm 1542.
Sacred Heart
Thánh Tâm Chúa. Là Trái tim của Chúa Kitô như là dấu hiệu và biểu tượng chính yếu của tình yêu gấp ba lần, nhờ đó Ngài yêu mến Chúa Cha và toàn nhân loại. Do đó, trái tim Ngài là biểu tượng của tình yêu mà Ngài chia sẻ với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng vì chỉ có Ngài là Ngôi Lời làm người, chỉ có Ngài biểu lộ tình yêu qua một thân xác yếu ớt và có thể chết, vì “nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2:9). Ngoài ra, đó là biểu tượng của tình yêu nồng cháy, mà khi được phú vào linh hồn Ngài, tình yêu ấy làm phong phú ý muốn con người của Chúa Kitô, và soi sáng cùng quản lý các hành vi của tình yêu bằng sự hiểu biết hoàn hảo nhất, phái sinh từ phúc kiến và được phú bẩm cách trực tiếp. Và cuối cùng trái tim là biểu tượng của tình yêu tình cảm, bởi vì thân xác Chúa Kitô sở hữu mọi sức mạnh đầy đủ của cảm tính và cảm giác, vốn còn nhiều hơn so với bất cứ con người nào (Đức Giáo hòang Piô XII, Thông điệp Haurietis Aquas, II, 55-57).
Sacred Heart Badge
Bộ áo Thánh Tâm. Là một phù hiệu bằng vải hay nhựa, với ảnh Chúa Kitô với Thánh tâm Ngài một bên, và bên kia là ảnh tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu mà thôi. Có lời cầu phù hợp chung quanh ảnh và tượng. Bộ áo này có thể mang bên trong chiếc áo, hoặc cất trong một cái túi, hoặc treo ở giường bệnh nhân trong bệnh viện. Bộ áo này thường do Liên minh Thánh tâm phân phát.
Sacred Heart Devotion
Sùng kính Thánh Tâm. Là sự đáp trả chủ quan của các tín hữu với sự kiện khách quan về tình yêu của Chúa Kitô, Thiên Chúa làm Người, được tượng trưng bằng Thánh Tâm của Chúa. Về lịch sử, việc sùng kính Thánh Tâm là sự phát triển của tôn sùng nhân tính của Chúa Kitô, mà Giáo hội đã hơn một lần bênh vực là cần tôn sùng, bởi vì nhân tính của Chúa Kitô tạo ra một Ngôi với thiên tính, và Ngôi này là Thiên Chúa. Một số các nhà thần bí qua nhiều thế kỷ đã góp phần phát triển sự sùng kính này, nhất là thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153), thánh Bonaventure (1221-74), thánh Mechtilde (1210-80), thánh Gertrude (1256-1302), thánh Frances thành Roma (1384-1440), thánh Phanxicô thành Sales (1567-1622), và thánh Gioan Eudes (1601-80). Nhưng đặc biệt nhất là thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-90), với các mặc khải tư của Chúa với ngài trước Thánh Thể đã tạo cho việc sùng kính một cách thức hiện đại và tầm quan trọng của việc sùng kính này. Qua vị linh hướng Dòng Tên Claude de la Colombière (1641-82) của thánh nữ, Dòng Tên lấy việc sùng kính Thánh Tâm là một phần của linh đạo Hội dòng, nhất là qua Hội Tông đồ Cầu Nguyện.
Sacred Heart Of Jesus Scapular
Áo Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không phải là áo Thánh Tâm quen thuộc, áo này màu trắng, có ảnh tượng Thánh tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria. Áo được Đức Giáo hòang Lêô XIII chuẩn thuận.
Sacred History
Lịch sử thánh. Là lịch sử các can thiệp của Chúa với nhân loại được ghi lại trong Cựu Ước và Tân Ước. Đôi khi từ ngữ này được sử dụng trong một nghĩa không đẹp để mô tả các sách Tin Mừng, mà các nhà phê bình duy lý nói là đầy các truyền thuyết huyền thoại và không có thực, vốn thuộc về một thời kỳ cổ xưa nhẹ dạ dễ tin.
Sacrifice
Hy tế, hy lễ, tế lễ, hy sinh. Là hình thức cao nhất của việc thờ phượng, trong đó linh mục nhân danh dân Chúa dâng hy lễ lên Chúa, để tỏ lòng nhận biệt sự thống trị cao cả của Chúa, và việc con người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Lễ vật là ít nhất một phần tách ra khỏi sự sử dụng của con người, và ít nhiều được tiêu hủy như một hành vi nói lên sự quy thuộc vào uy quyền cao vời của Chúa. Do đó hy tế không chỉ là một lễ dâng. Nơi đâu lễ dâng được dâng lên Chúa, hy lễ sẽ hy sinh hoặc từ bỏ vật được dâng lên. Trong hy tế, quà dâng là điều gì quý báu được hoàn toàn trao nộp bởi người làm hy tế, như món quà dâng tỏ hiện sự nhìn nhận vương quyền tối cao của Chúa. (Từ nguyên Latinh sacrum, thánh thiêng + facere, làm, thể hiện.)
Sacrifice, New Testament
Hy tế Tân Ước. Trong khi Chúa Kitô cho phép lễ vật theo luật Moses (Mô-sê) lúc Chúa còn ở trần gian này, Chúa báo trước sự kết thúc của Đền thờ và việc thờ phượng ở Đền thờ (Mc 13:2; Ga 4:20-23). Trong bữa Tiệc Ly, khi lập Phép Thánh Thể, Chúa tuyên bố: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy…Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22:19-20). Trong các thư của thánh Phaolô, Chúa Kitô được đồng hóa như là Hiến lễ (I Cr 5:7; Ep 5:2) và được các Thư Công giáo (I Pr 1:19; I Ga 2:2) khẳng định. Bản tính bất diệt Hy tế của Chúa là được thừa nhận (Kh 13:8), và tòan bộ thư gửi tín hữu Do thái là nói về chức Linh mục thượng phẩm của Chúa Kitô, và nhờ vâng lời trọn vẹn, Chúa “dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (Dt 10:12-13). Do đó, Ngài là linh mục đời đời, và bây giờ vẫn can thiệp với Chúa Cha trên trời cho nhân lọai tội lỗi.
Sacrifice Of The New Law
Hy tế Luật Mới. Là Hy tế Thánh lễ, vốn là sự diễn lại không đổ máu của hy tế Chúa Kitô trên Thánh giá, trái ngược với các hiến vật đổ máu của động vật trong Luật Cũ.
Sacristan
Người phụ trách phòng thánh, ông từ. Là một người được chỉ định để chăm nom phòng thánh, đồ thánh, lễ phục, và các dụng cụ khác liên quan đến mọi cử hành phụng vụ.
Sacristy
Phòng thánh, phòng áo. Là một phòng sát bên nhà thờ, thường gần bàn thờ, nơi giáo sĩ mặc áo để cử hành phụng vụ. Phòng thánh là nơi lưu giữ đồ thánh, lễ phục, và các đồ vật khác cần cho các nghi thức phụng vụ. Giếng thánh thường cũng nằm trong phòng thánh này. (Từ nguyên Latinh sacristia, từ chữ sacrum, thánh thiêng.)
Sacrosanctum Concilium
Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Thánh Công đồng). Là hiến chế về Phụng vụ thánh của Công đồng chung Vatican II. Đây là văn kiện đầu tiên được Công đồng công bố, và mục đích của văn kiện được diễn tả ngay trong đoạn mở đầu: “Thánh Công Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu, thích ứng hơn nữa với những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô, và kiện cường những gì qui trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội" (ngày 4-12-1963).
Sacrum Diaconatus Ordinem
Tông thư Sacrum Diaconatus Ordinem (Thánh chức Phó tế). Tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI đưa ra các qui định tổng quát để tái lập chức Phó tế vĩnh viễn trong Lễ điển Latinh của Giáo hội. Văn kiện này đưa ra các qui chuẩn phải tuân giữ, trong đó có: 1. tuổi tối thiểu cho phó tế vĩnh viễn là 25 tuổi; 2. buộc luật độc thân cho các phó tế đã truyền chức mà không kết hôn; 3. có thể truyền chức phó tế cho các người nam “đứng tuổi” có gia đình, nghĩa là ít nhất 35 tuổi; 4. ban quyền cho phó tế vĩnh viễn được cử hành các Bí tích, trừ ra việc cử hành Thánh lễ, ban phép Thêm sức và Xá giải, Xức dầu bệnh nhân và Truyền chức cho người khác; 5. có mọi đặc quyền phụng vụ (ngày 18-6-1967).
Sadducees
Phái Xa-đốc. Là một nhóm nhỏ trong xã hội Do thái cổ, cùng thời với Chúa Kitô, họ thu hút vào phái mình những người Do thái giàu có, trí thức và bảo thủ. Về tôn giáo, họ chỉ ủng hộ các giáo lý mà họ thấy có trong luật thành văn. Phái Pha-ri-sêu (Pharisee) thường tranh cãi với họ về truyền thống truyền khẩu và bất thành văn. Phái Xa-đốc được chính quyền Roma đối đãi tốt, bởi vì họ ủng hộ trật tự đã có sẵn. Do họ có nhiều đại diện trong Thượng hội đồng (Sanhedrin), họ tạo ảnh hưởng vượt quá số người của mình trong các vần đề Đền thờ và nghi lễ. Trong một họat động có ý nghĩa, cả phe Xa-đốc lẫn phe Pha-ri-sêu đều nhất trí: nhạo báng và tố cáo Chúa Giêsu và giáo huấn của Chúa. Họ thường thách thức hoặc quấy nhiễu Ngài trong những lần Ngài xuất hiện công khai. Ông Gioan Tẩy Giả gọi họ là “nòi rắn độc” (Mt 3:7). Chúa Giêsu tố cáo cả hai nhóm, cảnh báo những người đi theo Ngài về lời dạy giả dối của họ (Mt 16:12). Phái Xa-đốc kiên trì trong việc họ bách hại Kitô hữu; chẳng hạn họ làm cho thánh Phêrô và Gioan bị bắt giữ vì loan tin Chúa Giêsu đã sống lại (Cv 4). Số thành viên và ảnh hưởng của họ giảm dần trong thế kỷ thứ nhất. Người ta ít nghe nói về họ sau khi Đền thờ bị phá hủy năm 70. (Từ nguyên Hi lạp saddukaioi, nghĩa phổ thông là “người công chính.”)
Sadness
Sự buồn bã, sự buồn rầu. Là sự đau khổ gây ra bởi nhận thức về điều xấu mà mình đã cảm nghiệm. Không như sự đau buồn (sorrow), vốn hàm chứa một sự mất mát hoặc tội lỗi và sự ăn năn, sự buồn rầu bao hàm các sự dữ quá khứ, hiện tại và nhất là tương lai. Nó được nuôi dưỡng bởi sự lo toan với mặt xấu của đời mình, để phân biệt với lòng trắc ẩn (thương hại, pity), vốn là buồn cho sự mất mát hay thiệt hại của người khác, và phân biệt với ghen tị (đố kị, envy), vốn là buồn vì cái tốt của người khác.
Saec
Saec, Saeculum—thế kỷ.
St. Andrew's Cross
Thánh giá thánh An-rê. Là biểu tượng từ thế kỷ 14 của thánh tông đồ Anrê. Nó giống với chữ X, tức mẫu tự chi Hi Lạp, với các thanh dài bằng nhau trong vị trí xiêng chéo, đôi khi được gọi là thánh giá X, hay thánh giá chéo, hay crux decussata. Đây là kiểu thánh giá dùng cho việc thánh An-rê bị treo trên thập giá.