Solovyevism
Thuyết Solovyev. Là thuyết về Giáo hội và Nhà Nước của Vladimir Solovyev (1853-1900), nhà thần học Chính Thống giáo Nga đã trở lại đạo Công giáo. Ông chủ trương rằng Kitô học đầy đủ là nền tảng cho mối quan hệ của Giáo hội và Nhà Nước trong xã hội. Chủ trương này hướng tới một điểm cân bằng giữa hai thái cực lạc giáo, đó là thuyết Cảnh giáo của Nestor và lạc thuyết Nhất tính. Một cách tiếp cận theo thuyết Cảnh giáo có thể tách rời Giáo hội và Nhà Nước, giống như có thể phân chia Chúa Kitô thành hai ngôi vị là thần vị và nhân vị. Còn cách tiếp cận theo thuyết Nhất tính có thể hòan tòan hòa nhập Nhà Nước vào Giáo hội, giống như nhập hòan tòan nhân tính của Chúa Kitô vào thần tính của Ngài. Thái độ đúng đắn là duy trì Giáo hội và Nhà Nước phân biệt với nhau, nhưng Giáo hội phải thần hóa xã hội bằng giáo lý và các Bí tích của mình, và Nhà Nước xây dựng luật phù hợp với các nguyên tắc và tập tục này.
Son
Con, con trai. Về thần học, làm con là sự phái sinh một người từ bản thể của một người khác, và người này thông chuyển cùng một bản tính cho người kia. Quả đúng là có một người Con trong Chúa Ba Ngôi, sinh bởi Chúa Cha. Trong nghĩa lọai suy, mọi thiên thần và con người đều là con cái của Chúa, bởi vì họ đều chia sẻ các phẩm tính Thiên Chúa như sự hiểu biết và sự tự do, và tất cả những ai sống trong tình trạng ân sủng đều là con cái của Chúa.
Son Of God
Con Thiên Chúa. Là Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã làm người, chịu khổ hình và chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Do đó Chúa Kitô là Con thật sự và tự nhiên của Thiên Chúa, như được Chúa Cha chứng thực trong thị kiến được ghi lại khi Chúa Kitô chịu phép Rửa, “Con là Con của Cha" (Lc 3:22), và như được thánh Phaolô mô tả: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài" (Dt 1:1-2).
Son Of Man
Con Người, Con loài người. Là tước hiệu được dùng nhiều nhất của Chúa Kitô trong Tân Ước, xuất hiện 82 lần, trong đó chỉ có một lần trong Cv 7:56, còn 81 lần trong các Tin Mừng. Là một tước hiệu của Đấng Mêsia (Đn 7:2-14), từ ngữ xác định tính siêu việt của Đấng Cứu Thế, trong khi vẫn nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa, trái với tước hiệu “Con Thiên Chúa," nhấn mạnh đến thiên tính của Chúa.
Sons Of God
Con cái Chúa. Là một tước hiệu dùng trong Kinh thánh để chỉ các thiên thần, dân Chúa chọn, các ngôn sứ, và trong Tân Ước, những người tin vào Chúa và làm theo ý Chúa.
Sophrosyne
Tinh thần sáng suốt, điều độ. Là nhân đức chừng mực như điều độ, tránh thái quá hoặc bất cập trong thực thi một khuynh hướng luân lý.
Sorrow
Sự đau khổ, sự buồn phiền. Là sự đau khổ hoặc đau buồn do nghịch cảnh gây ra cho bản thân. Sự sầu buồn còn nặng nề hơn sự mất mát hay sự bất hạnh cho người cảm thấy có lỗi, như trong trường hợp phạm tội; hoặc sự sầu khổ có thể là hòan tòan lây lan, gây sự cảm thông cho người khác. Cốt yếu của khái niệm sầu buồn là nó nhắc đến điều đã xảy ra và hậu quả của sầu khổ còn được cảm nghiệm. (Từ nguyên tiếng Anh trung cổ sorge, sầu buồn; từ ngữ Anh cổ sorh, sorg, lo lắng, sầu khổ.)
Sorrowful Mother, Sanctuary Of
Đền thánh Đức Mẹ Sầu Bi. Là đền thánh Đức Mẹ được thành lập năm 1926 tại Portland, bang Oregon (Mỹ), và được xây dựng trên hai thế đất, một đền ở ngang mặt đường cái, và một đền ở trên đỉnh một vách đá. Một tổ hợp tượng Chúa Chịu Nạn bằng cẩm thạch nổi bật giữa khu vực. Ở thế đất thấp hơn là một cái hang, và dưới vòm hang đá có bàn thờ màu trắng, chung quanh có hoa và nho. Trên tường vách đá là bản sao tranh điêu khắc Pietà (Đức Mẹ Sầu Bi) của Michelangelo, với các thiên thần bằng đồng cầm đuốc. Ở phía tây của giảng đường là tượng Chúa Kitô vác thánh giá, đang nhìn Đức Mẹ đứng trên đỉnh của vách đá cao 150 feet (46m). Các chặng đường Thánh Giá xếp lác đác ở dưới đồi, và có thêm tượng thánh Philip Benizi đang cầu nguyện, đấng lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, là Dòng phụ trách coi sóc đền thánh.
Sorrowful Mysteries
Năm sự thương. Là năm mầu nhiệm thứ hai của chuỗi Mân Côi, gồm có: 1. Chúa Kitô hấp hối trong Vườn Gethsemane (Ghết-sê-ma-ni); 2. Chúa Kitô chịu đánh đòn; 3. Chúa Kitô chịu đội mão gai; 4. Chúa Kitô vác thập giá; và 5. Chúa Kitô bị đóng đinh.
Sosthenes
Sosthenes, ông Xốt-thê-nê. Là trưởng hội đường ở Corinth (Cô-rin-tô) trong thời thánh Phaolô. Khi thánh Phaolô tìm cách giảng cho các thành viên của hội đường, ngài bị chống đối và bị nói lộng ngôn (Cv 18:5-8). Trong cơn phẫn uất, người Do thái đánh đập ông Sosthenes, có lẽ họ tin rằng ông không xử vụ họ trình báo cách đủ mạnh mẽ (Cv 18:12-17). Chắc là ông Sosthenes trở lại đạo sau đó. Thánh Phaolô nhắc đến một người đồng hành tên là Sosthenes trong lá thư viết cho tín hữu ở Corinth (I Cr 1:1). (Từ nguyên Hi Lạp s_sthen_s, giữ sức mạnh.)
Soteriology
Cứu độ học. Là phần của Kitô học bàn thảo về công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Phần này tìm hiểu sự sa ngã của loài người nơi ông Adam (A-đam) và tội lỗi của loài người, vốn cần có một Đấng Cứu Chuộc, và tìm hiểu học thuyết ân sủng mà nhờ đó tội và hậu quả của tội được tẩy sạch, và nhất là tìm hiểu mầu nhiệm hai phần của Chúa Kitô như là Đấng Cứu Chuộc và là Đấng Trung Gian của loài người. (Từ nguyên Hi Lạp sòt_rion, cứu thóat; từ chữ s_t_r, người cứu chuộc; từ chữ s_zein, cứu; từ chữ saos, an tòan.)
Soul
Linh hồn. Là phần thiêng liêng bất tử nơi con người, làm linh hoạt thân xác. Mặc dầu là một bản chất tự nó, linh hồn hướng một cách tự nhiên về thân xác; khi tách rời ra, linh hồn là một bản thề “bất toàn”. Linh hồn không có các thành phần, do đó là đơn nhất nhưng có các tùy thể. Các khả năng là các tùy thể riêng biệt. Mọi kinh nghiệm được đưa thêm vào hình thức tuỳ thể của nó. Linh hồn được Chúa tạo dựng riêng rẽ cho mỗi người, và phú vào thân xác khi con người thụ thai. Hơn nữa, Chúa tạo dựng linh hồn trong tương quan với thân xác mà linh hồn kết hợp, để bản chất của các đặc điểm thân xác và linh hồn được gìn giữ vững bền, bao lâu các đặc điểm ấy còn tùy thuộc vào họat động của cơ quan con người. Là một bản thể đơn thuần và thiêng liêng, linh hồn không thể chết. Tuy nhiên linh hồn không là hoàn toàn bản tính con người, bởi vì con người gồm có cả thân xác được linh hồn linh hoạt. Trong triết học, động vật và thực vật cũng được cho là có hồn, vốn hoạt động như là các nguyên lý giác hồn và sinh hồn của sự sống. Không như tinh thần của con người, các hồn này là có thể bị tiêu diệt. Linh hồn lý tính có mọi khả năng của hai loại linh hồn trên đây, và là nguồn gốc của các chức năng giác hồn và sinh hồn trong mỗi con người.
Soul Of The Church
Linh hồn Giáo hội. Là chính Chúa Thánh Thần, Đấng linh hoạt Nhiệm thể của Chúa Kitô. Vì Chúa Kitô là Đầu của Giáo hội, Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội. Giống như linh hồn trong thân xác con người, Chúa Thánh Thần liên kết các thành phần của Giáo hội lại với nhau, với Chúa Kitô là Đầu của họ, vì chính Chúa Thánh Thần là hoàn toàn ở trong Đầu và hoàn toàn ở trong các phần tử của Nhiệm Thể. Chính Chúa Thánh Thần hỗ trợ hàng giáo phẩm trong việc thực thi sứ vụ giảng dạy, mục vụ và tư tế của các ngài. Nhờ ơn của Ngài, chính Chúa Thánh Thần khơi dậy và củng cố mọi hoạt động đơn lẻ nơi các tín hữu. Toàn bộ sự sống và sự tăng trưởng của Kitô giáo phát sinh từ Chúa Thánh Thần, là nguyên lý sự sống của Chúa đang ngự trong Giáo hội.
Source Of Sin
Căn nguyên tội lỗi. Là nguyên lý hoặc nguồn gốc mọi hành vi tội lỗi của con người. Hai nguồn gốc thường được tìm thấy trong Mặc khải, phát sinh từ hai khía cạnh của mọi tội, đó là hướng về sự thỏa mãn chóng qua, và tránh xa sự thiện hảo vững bền. Liên quan đến căn nguyên thứ nhất, nguyên lý của mọi tội có thể gọi là dục vọng, chữ dục vọng theo nghĩa rộng nhất là sự mong muốn không kềm chế cho lạc thú của mình. Liên quan đến căn nguyên thứ hai, nguyên lý của mọi tội có thể gọi là kiêu ngạo, và kiêu ngạo theo nghĩa rộng nhất là thiếu sự phục tùng Chúa. Dục vọng và kiêu ngạo theo nghĩa xấu này có thể được gọi là các mối tội đầu, nhưng nói đúng hơn, chúng là nguồn gốc và mầm của mọi nết xấu, cũng như sự khát vọng hạnh phúc là nguồn gốc của mọi nhân đức.
Soutane
Áo dòng, áo chùng đen. Là áo chùng đen của các giáo sĩ. Là chiếc áo phủ cả người, từ cổ tới mắt cá, có nhiều nút cài, dây thắt lưng hoặc dây thắt nhỏ. (Từ nguyên Pháp; từ chữ Ý sottana, áo mang bên trong [tu phục], từ chữ sotto, dưới; từ chữ Latinh subtus, phía dưới, từ chữ sub, dưới.)
S.P.
S.P., Sanctissime Pater--Đức Thánh Cha.
S.P.
S.P., Summus Pontifex—Đức Giáo chủ, Đức Giáo hòang.
S.P.,S. Petr.
S.P., S. Petr., Sanctus Petrus—Thánh Phêrô.
S.P.A.
S.P.A., Sacrum Palatium Apostolicum—Dinh Tông tòa, Điện Vatican, Dinh Quirinal
S.P.A.
S.P.A., Sacra Paenitentiaria Apostolica—Tòa Cáo giải tông tòa.
Spear
Lưỡi đòng. Là một biểu tượng của cuộc Thương Khó, thường gắn liền với Thánh giá. Đây cũng là biểu tượng của thánh Longinus, viên đại đội trưởng trở lại đạo trên đồi Sọ (Calvary), sau khi ông đâm đòng vào quả tim Chúa Kitô đã chết. Thánh Barnabas và thánh Tôma Tông đồ cũng có lưỡi đòng là biểu tượng của mình trong nghệ thuật.
Speciali Modo
Speciali Modo, Một cách đặc biệt. Từ ngữ áp dụng cho một số trường hợp, mà theo Bộ Giáo luật (1918), được dành đặc biệt cho Tòa Thánh giải quyết, chẳng hạn giả mạo văn kiện Giáo hoàng.
Specialissimo Modo
Specialissimo Modo, Một cách rất đặc biệt. Từ ngữ áp dụng trong Bộ Giáo luật (1918), cho các trường hợp thuộc cấp độ thứ nhất, được dành cho Tòa thánh phán quyết, chẳng hạn vi phạm trực tiếp ấn tòa giải tội.
Species
Hình sắc, hình. Là các dáng vẻ bề ngoài, nhất là dáng vẻ của bánh và rượu sau khi Truyền phép. Từ ngữ “Hình sắc” được Công đồng chung Trent (Denzinger 1652) sử dụng để nhận dạng các tùy thể, chẳng hạn kích thước, trọng lượng, màu sắc, độ bền, mùi và vị của bánh, vốn vẫn còn y nguyên sau khi chuyển bản thể. Chúng không là dáng vẻ bên ngoài thuần túy, như là các đặc điểm vật lý ấy là không có thật. Nhưng chúng vẫn là hình sắc, bởi vì sau khi truyền phép chúng không còn bản thể nằm bên dưới hoặc nơi cho chúng bám vào.
Speculation
Suy đóan, suy lý. Là suy nghĩ hay suy tư về một chủ đề mà không giản lược suy tư của mình vào thực hành. Suy đoán là suy tư để tìm ra sự thật. Đôi khi nó được đồng hóa với trầm ngâm (contemplation.)
Speculative Doubt
Hoài nghi suy lý. Là sự không chắc chắn của tâm trí liên quan đến sự thật hay sai lầm của điều gì đó, hoặc sự lành hay sự dữ, hoặc sự thận trọng của vật gì đó. Nó là hoài nghi suy lý bởi vì nó không quan tâm hiện giờ đến hành vi cá nhân của người ấy.
Sphragis
Sphragis, ấn dấu. Là từ ngữ lúc ban đầu được các Giáo phụ dùng để xác định ấn tích được ban lúc Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh. Nghĩa đen nó có nghĩa là một ấn dấu hay dấu nhận dạng, và mô tả sự đồng hóa không phai và không mất với Chúa Kitô, mà người có ấn tích sở hữu. Ấn dấu tồn tại thương xuyên và không phai mờ, nên không gì khác có thể làm đổi thay nó hoặc có thể xoá mối quan hệ độc nhất này với Chúa Kitô.
Spinozism
Triết thuyết Spinoza. Là triết thuyết của Benedict de (Baruch d'Espinoza) Spinoza (1632-77), ở Amsterdam (Hà Lan.) Do các ý tưởng không chính thống của mình, ông bị vạ tuyệt thông, trục xuất ra khỏi hội đường Do thái. Thuyết Spinoza chủ trương rằng mọi hữu thể nằm trong một bản thể, là Chúa hay thiên nhiên. Theo tiền đề này, trí tuệ và vật chất, thời gian, và trong thực tế mọi sự dường như là có thực chỉ là sự biểu lộ của một Thực Tại Duy Nhất, là Đấng (hoặc vật) hiện hữu duy nhất mà thôi. Sự dữ, dù là thể lý hay luân lý, chỉ hiện hữu cho các tâm trí có giới hạn, và biến tan khi được nhìn thấy như là một phần của Đấng Toàn Vẹn Thần Thiêng. Điều chưa rõ là làm sao Spinoza nhìn thấy các sự vật có giới hạn như là phát sinh từ Đấng Vô Cùng. Ông chủ trương rằng một bản thể thần thiêng trở nên có ý thức trong sự đa dạng vô hạn của các thuộc tính. Thuyết Spinoza thường được xem là hình dạng tỉ mỉ nhất của thuyết duy tâm nhất nguyên, và là dạng thức thứ nhất trong ba dạng thức của thuyết phiếm thần đã bị Công đồng chung Vatican I lên án.
Spirit
Tinh thần. Là cái hoàn toàn vô chất. Là tinh thần thuần túy nếu nó không tùy thuộc vào vật chất để hiện hữu hay để hoạt động. Chúa là Tinh thần thuần túy tự hữu; các thiên thần là tinh thần thuần túy thụ tạo. Linh hồn con người được gọi là có tính chất của tinh thần. Mặc dầu linh hồn có thể sống độc lập ngoài thân xác, nó vẫn lệ thuộc thân xác trong đời này để hoạt động, và trong cuộc sống mai sau, nó vẫn giữ sự liên hệ tự nhiên với thân xác, và rồi sẽ kết hiệp cùng thân xác cách vĩnh viễn trong ngày tận thế. (Từ nguyên Latinh spiritus, hơi thở, sự sống, linh hồn, tâm trí tinh thần, năng lực.)
Spiritual
Spiritual, Thánh ca người Da Đen. Theo lối nói âm nhạc, là thánh ca của người Da Đen, thường có đề tài Kinh Thánh và một giai điệu đơn giản giống như bài dân ca.
Spiritual Direction
Linh hướng. Là giúp người khác hiểu được chính bản thân họ, và với ơn Chúa, họ sẽ tăng trưởng trong việc thực hành các nhân đức Kitô giáo.
Spiritual Exercises
Linh thao. Là bất cứ chương trình tu đức nào, nhất là cầu nguyện, suy niệm, và đọc sách thiêng liêng, mà một người đi theo một quy luật sống nào đó cần tuân theo. Cũng là một thời gian thinh lặng và suy tư cầu nguyện, được thực hiện mỗi năm một lần hay nhiều lần hơn trong kỳ tĩnh tâm. Đặc biệt là Linh thao theo thánh Ignatius (I-nhã) Loyola, được vạch ra như một phương pháp giúp sửa chữa đời sống mỗi người, và quyết tâm đi trên con đường thánh thiện. Linh thao của thánh Ignatius được ngài soạn thảo trong một cái hang ở Manresa, Tây Ban Nha, sau khi ngài hoán cải. Linh thao được nhiều Đức Giáo hòang liên tiếp đề nghị như là một chương trình hữu hiệu, để canh tân tinh thần cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Nguyên tắc nền tảng là câu mở đầu của Linh thao “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa Đấng Tạo thành, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.” Nắm được mục đích của việc mình hiện hữu, tín hữu được hướng dẫn cách thức để đạt tới vận mệnh của mình, bằng cách vượt thắng các xu hướng tội lỗi, và noi gương Chúa Kitô vác Thập giá ở đời này, nhằm sẽ được tôn vinh với Chúa Kitô ở đời sau.
Spiritual Father
Cha linh hướng, Cha tinh thần. Là người khuyên nhủ và hướng dẫn một người trong đời sống tinh thần. Thường là linh mục, cha linh hướng được Giáo quyền chỉ định để hướng dẫn đường thiêng liêng cho các thành viên một cộng đoàn hay một phụng hội, chủng sinh và đại chủng sinh, hoặc nói chung những người tự tận hiến cho đường trọn lành Kitô hữu hoặc việc tông đồ của Giáo hội. Đức Giáo hòang đôi khi được gọi là Người Cha tinh thần của mọi Kitô hữu.
Spiritual Indifference
Lãnh đạm thiêng liêng, thờ ơ, dửng dưng, hờ hững. Là thái độ của ý muốn qua đó một người xa lánh hoàn toàn các thụ tạo khác, vốn có thể ngăn cản sự tiếp cận của người này với Chúa. Đó là kết quả của ơn Chúa và sự huấn luyện khổ tu, nhờ đó một linh hồn là quá gắn bó với ý Chúa, đến nỗi không sự thèm muốn sự lành tạo dựng nào, hoặc việc sợ bất cứ sự dữ nào có thể thay đổi sự cam kết của người ấy với Chúa cả.
Spirituality
Tính thiêng liêng. Là sự phi vật chất tích cực; là tài sản nội tại của hữu thể, độc lập với vật chất, ít là trong yếu tính và trong một số hoạt động.
Spiritual Life
Đời sống thiêng liêng. Là sự sống của Chúa Thánh Thần, ngự trong linh hồn các tín hữu và giúp họ ca ngợi, yêu mến và phụng sự Chúa trong việc thực hành các nhân đức. Nó được gọi là đời sống thiêng liêng bởi vì: 1. nguyên lý linh họat đời sống ấy là chính Thánh thần, “Linh hồn của linh hồn” trong ơn thánh hóa; 2. nó là đời sống siêu nhiên của tinh thần con người; 3. đời sống này sống chủ yếu trong các khả năng tinh thần của trí tuệ và ý chí, mặc dầu nó ảnh hưởng đến toàn con người, thể xác và linh hồn.
Spiritual Marriage
Hôn phối thiêng liêng, hôn phối tinh thần. Là sự kết hợp thanh thản, lâu bền và có sức biến đổi của linh hồn với Chúa. Các sự ngây ngất và xuất thần có thể xảy đến, nhưng chúng được thay thế bằng một sự bình an và thanh thản lạ lùng trong một tình yêu song phương. Thánh Têrêsa thành Avila mô tả tình trạng kết hiệp thân mật với Chúa này như là một trong các tình trạng quên mình hoàn tòan, chỉ suy nghĩ về Chúa và vinh quang Chúa mà thôi, luôn khát mong chịu đau khổ với Chúa Kitô trong tình yêu và trong sự chỉ làm theo ý Chúa. Một sự nhiệt tâm để thánh hóa các linh hồn khác sẽ nảy sinh, sau khi có tình trạng kết hiệp và nghỉ an như thế. Các khô khan nguội lãnh sẽ biến tan, và người ấy chỉ còn nhớ đến sự dịu dàng của Chúa mà thôi.
Spiritual Reading
Đọc sách thiêng liêng. Cũng như Lectio Divina (ngẫm đọc Lời Chúa) được qui định trong đời sống đan tu thời sơ khai, đọc sách thiêng liêng là đọc bất cứ sách nào có thể dẫn đến cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa. Kinh Thánh luôn giữ vị trí ưu tiên trong việc đọc sách thiêng liêng, cùng với tác phẩm của các vị thầy của Giáo hội; nhất là của các Đức Giáo hòang, Giám mục, tác phẩm và hạnh các thánh, và mọi hình thức sáng tác khác với mục đích soi sáng trí khôn, và gây cảm hứng cho ý chí và tình cảm trong việc thờ phượng và phụng sự Chúa.
Spiritual Rebirth
Tái sinh thiêng liêng. Là sự biến đổi của linh hồn diễn ra khi một người được rửa tội. Từ ngữ này được Chúa Kitô sử dụng khi Chúa nói rằng người ta phải tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần để vào Nước Trời. Nhờ phép Rửa tội, một người được tái sinh cách siêu nhiên, so với việc ra đời cách tự nhiên của người ấy. Cuộc sống siêu nhiên của Chúa được phú vào linh hồn khi con người được Rửa tội, cũng như sự sống con người được phú vào thể xác lúc thụ thai.
Spiritual Relationship
Họ thiêng liêng. Là họ hàng với nhau về tôn giáo, phát sinh từ sự tham gia tích cực vào bí tích Rửa tội và Thêm sức của một người khác. Người đỡ đầu trong hai Bí tích này trở thành bà con thiêng liêng với người mình đỡ đầu. Người ban bí tích rửa tội cũng trở thành có họ thiêng liêng với người được Rửa tội. Việc trở thành có họ thiêng liêng từ sự đỡ đầu Rửa tội trở nên một ngăn trở cho việc kết hôn với người được đỡ đầu.
Spirituals
Nhóm duy tinh thần. Từ ngữ áp dụng cho nhiều nhóm Anh Em Hèn Mọn, chống đối việc sửa đổi bản luật nguyên thủy của thánh Phanxicô, nhất là trong việc tuân giữ đức nghèo ở các thế kỷ 13 và 14. Họ mong muốn giữ luật trong sự nghiêm nhặt thuở đầu, nhưng đã thất bại trong mục tiêu và qua sai lầm của các người lãnh đạo, họ bị dẫn tới lạc giáo và ly giáo. Sự nhiệt tình bị lạc lối của họ, khi cuối cùng họ trở về tuân phục hoàn toàn quyền bính của Đức Giáo hoàng, đã giúp thanh luyện Dòng Phanxicô và hiệp nhất các nhánh Anh Em Hèn Mọn.
Spiritual Vessel
Đấng trọng thiêng. Là một tước hiệu của Đức Trinh Nữ Maria trong kinh Cầu Đức Bà Loreto. Đức Mẹ Maria nhận tước hiệu này bởi vì Mẹ là nơi cư ngụ hoàn hảo của Chúa Thánh Thần, với sự tràn đầy của ân sủng.
Spiritual Works Of Mercy
Thương linh hồn bảy mối. Là bảy hình thức truyền thống để sống bác ái Kitô giáo đối với linh hồn hay tinh thần của người lân cận, trái với các việc thương xác bảy mối nhắm đến nhu cầu thể xác của người khác. Thương linh hồn bảy mối gồm có: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có lỗi, tha kẻ khinh dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta và cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Nền tảng của bảy hình thức này là giáo huấn của Chúa Kitô và tập tục của Giáo hội từ thời các thánh Tông đồ.
Spiritus Domini
Sách hướng dẫn đại kết Spiritus Domini. Là sách hướng dẫn đại kết, Phần thứ hai, do Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ hiệp nhất Kitô hữu xuất bản, bàn đến việc giáo dục đại kết trong các trường cao đẳng. Sách nhấn mạnh đến việc giáo dục thích ứng trong các chủng viện, chú ý đến huấn luyện thiêng liêng và nền tảng tín lý. Trong khi một người được giúp đỡ để thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô hữu, người ấy phải nắm vững các điểm chính yếu và các yếu tổ nổi bật của đạo Công giáo Roma. Sách cũng có một phần chi tiết nói về sự cộng tác giữa người Công giáo và anh em Kitô hữu ly khai (ngày 16-4-1970).
Sponge, Liturgical
Miếng bọt biển, miếng vải thấm nước. Trong nghi lễ Byzantine, là “khăn lau” dùng trong Thánh lễ, để lau các ngón tay của chủ tế, để chuyển Bánh thánh từ đĩa thánh vào chén thánh, và các chức năng phụng vụ tương tự. Nó là miếng bọt biển hình tam giác, bọc bằng vải tơ lụa, và là tượng trưng cho miếng bọt biển được dâng lên Đấng Cứu thế trên Thánh Giá.
Sponsor
Người đỡ đầu, Bõ vú. Là người trình diện đứa trẻ lúc Rửa tội và tuyên xưng đức tin nhân danh nó. Người đỡ đầu đóng vai trò như một người đại diện chính thức của cộng đoàn đức tin, và cùng với cha mẹ đứa trẻ, xin cho đứa trẻ được rửa tội. Chức năng của người đỡ đầu sau khi đứa trẻ Rửa tội là thay mặt cho cha mẹ đứa trẻ, nếu họ không có khả năng hoặc không thể giáo dục giáo lý cho nó. Còn được gọi là cha mẹ đỡ đầu, người đỡ đầu được yêu cầu có mặt trong lễ Rửa tội, ngay cả khi người được Rửa tội là người lớn nữa. Chỉ cần một người đỡ đầu là đủ, cùng phái tính với người được Rửa tội; nhưng hai (không nhiều hơn) người đỡ đầu cũng được phép, nghĩa là một người nam và một người nữ. Hai người đỡ đầu có họ thiêng liêng với người được rửa tội, chứ không có họ thiêng liêng với nhau. Theo thói quen, cũng có người đỡ đầu khi chịu phép Thêm sức, nhưng tập tục này là không phổ biến toàn cầu. (Từ nguyên Latinh spondere, thực hiện cam kết long trọng.)
Spoon
Cái thìa, cái muỗng. Là các muỗng dùng trong phụng vụ của Nghi lễ Đông phương để chuyển cho các tín hữu một phần Mình Thánh nhúng trong Máu Thánh. Cái muỗng cũng dùng để tính vài giọt nước được hòa với rượu ở phần Dâng lễ trong Thánh lễ. Và một muỗng có nước có thể đưa cho bệnh nhân, giúp người ấy nuốt Mình Thánh dễ dàng.
Spouse (Bride) Of Christ
Hiền thê Chúa Kitô. Trước tiên là Giáo hội, được Chúa Kitô thành lập, mà thánh Phaolô mô tả tỉ mỉ như là người kết hôn với Chúa Kitô. Hiền thê Chúa Kitô cũng là một người nữ khấn giữ khiết tịnh với Chúa, để trở nên giống Chúa Kitô hơn và kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Nơi một số nhà huyền nghiệm, chẳng hạn các thánh Teresa thánh Avila và Catarina thành Siena, có sự kết hiệp phi thường trong khi cầu nguyện với Chúa Cứu Thế.
Sprinkling
Rảy nước thánh. Là việc rảy nước thánh từ xa để nước rơi xuống đầu nhiều người trong nghi thức Rửa tội. Đây là cách duy nhất để một thừa tác viên có thể rửa tội nhiều người cùng lúc. Ngày nay nghi thức này hiếm khi sử dụng, nhưng trong quá khứ đôi khi vẫn cần thiết, khi chỉ một nhà truyền giáo phải rửa tội cho một đám đông người.
Squint
Lỗ chiêm ngưỡng. Là một lỗ hổng nhỏ ở vách tường nhà thờ, giúp cho những ai ở ngoài nhà thờ có thể nhìn vào và tham dự các nghi thức ở bàn thờ. Qua lỗ chiêm ngưỡng này, các ẩn sĩ và ẩn tu có thể tham dự Thánh Lễ.