Sex Education
Giáo dục giới tính. Là giáo dục việc sử dụng đúng đắn tình dục, theo đúng giáo huấn của Giáo hội, trong ánh sáng của lý trí lành mạnh và qui chuẩn của mặc khải Kitô giáo. Giáo hội dạy rằng các người trẻ nên được dạy dỗ một cách thích hợp vế các sự kiện truyền sinh, tùy theo lứa tuổi và khả năng trí tuệ của họ, nhất là ngày nay khi họ đứng trước quá nhiều sự lệch lạc tình dục trong các phương tiện truyền thông. Kèm theo đó luôn nên dạy luân lý cần thiết cho họ. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ đầu tiên giáo dục giới tính cho con cái. Nếu cha mẹ không làm được, nên nhờ cậy một người có khả năng dạy thật sự. Giáo dục giới tính tập thể hoặc công cộng là không nên làm, do nguy cơ thiếu khả năng của người dạy, và trong thực tế không thể đáp ứng nhu cầu cá nhân của mỗi đứa con, trong việc trình bày đại chúng về vấn đề thầm kín này.
Sext
Giờ Sáu. Là phần của Kinh Nhật Tụng được đọc vào giờ thứ sáu, tức là khoảng giữa trưa (ngọ). Tùy vào thời giờ trong ngày, một người đọc Kinh Nhật Tụng có thể chọn một trong ba giờ kinh nhỏ là Giờ Ba, Giờ Sáu hoặc giờ Chín.
Sexton
Ông từ nhà thờ. Là một người, thường là giáo dân, hành xử như một người coi phòng thánh, lo chăm sóc nhà thờ và sân nhà thờ, giật chuông và làm người bảo vệ. Ông từ cũng trông coi nghĩa trang và đào huyệt để chôn cất người chết, ở nơi nào nghĩa trang nằm trong khuôn viên gần nhà thờ.
Sexual Pleasure
Khoái lạc tính dục. Là sự thỏa mãn cảm xúc, vốn trỗi dậy từ hoạt động của các cơ quan sinh dục và chất tiết ra giúp cho hành động truyền sinh. Khoái lạc này đạt đỉnh cao nơi một người nam khỏe mạnh trong lạc thú đi kèm việc xuất tinh, hoặc nơi người nữ và người trẻ dưới tuổi dậy thì, khi xuất một ít chất dịch tiết ra từ các tuyến sinh dục. Giáo hội Công giáo chủ trương rằng khoái lạc tính dục trực tiếp ngoài hôn nhân là tội trọng và không hề chấp nhận đó là chuyện nhẹ; khoái lạc tính dục gián tiếp có thể là tội hay hoàn toàn không tội. Khoái lạc tính dục trực tiếp là thèm muốn và hưởng khoái lạc, và là quyền duy nhất giữa người nam và người nữ đã kết hôn với nhau. Cấm khoái lạc tính dục với người chưa kết hôn, vì việc này có thế là trái với nhân đức trong sạch. Khoái lạc tính dục gián tiếp là không tự tìm lạc thú, nhưng nó trỗi dậy từ một hành vi khác, vốn được thực hiện vì một lý do tốt. Nếu có một lý do như vậy, hành vi là không có tội, miễn là người ấy không có ý hướng tới khoái lạc tính dục, hoặc không đồng ý với hành động, xem như là nó bị trỗi dậy cách tự phát.
Shaddai
Shaddai, Đấng Tối Cao, Thượng Đế. Là danh từ Do Thái cổ dành chỉ về Chúa, Đấng Tối Cao, thánh danh được viết lên dải hòai kinh mà người Do thái đeo trên trán và bên cánh tay khi cầu nguyện.
Shalom
Shalom, Hòa bình, Bình an. Chữ này dùng như lời chào hỏi nhau, và được thấy viết trên tấm bia ở các mộ người Do thái và Kitô hữu. Lời chào này, shalom aleichem (bình an ở cùng anh em, pax vobis) đã trở thành một phần của phụng vụ Thánh Thể, kể từ lời chào bình an của Chúa Kitô trong đêm Chủ nhật Phục sinh.
Shamrock
Cây lá chụm hoa, cây cụm lá ba chiếc. Là một biểu tượng của Chúa Ba Ngôi. Ba lá trong cùng một cuống tượng trưng Ba Ngôi trong một Chúa. Hình tượng này được cho là thánh Patrick sử dụng trong bài giảng với ông Laoghaire, thủ lĩnh các bộ tộc Ireland, khi họ đến bắt giữ ngài vì dám thắp sáng ngọn lửa Phục sinh trên đồi Slane. Vì lý do này và bởi vì thánh Patrick thường dùng hình ảnh trên để minh hoạ Chúa Ba Ngôi, cây lá chụm hoa đã trở thành một biểu tượng của vị Tông đồ xứ Ireland, và là tượng trưng cho dân Ireland ở mọi nơi.
Sharing In Guilt
Chia sẻ trong tội. Là sự tham gia vào tội của người khác. Theo truyền thống, có chín cách thức mà một người có thể chia sẻ trong tội của người khác, hoặc gây ra tội hoặc xúi giục người khác làm điều sai trái (1-4), hoặc chấp thuận điều sai đã làm (5-9), gồm có: 1. khuyên nhủ; 2. ra lệnh; 3. thỏa thuận; 4. khiêu khích; 5. khen ngợi hay nịnh bợ; 6. che giấu; 7. là đối tác tích cực trong tội; 8. giữ thinh lặng; 9. bênh vực điều xấu đã làm.
Sheep
Con chiên, con cừu. Là biểu tượng của 12 Tông đồ, với Chúa Kitô đứng giữa như là Mục tử Nhân lành. Một hình vẽ biểu tượng này, được phát hiện trong hang toại đạo, cho thấy Chúa chúng ta, hoặc đang vác trên vai một con chiên bị thương với một con chiên khác đứng bên cạnh, hoặc vị Mục tử đang cứu một con cừu cái bị kẹt trong một bụi cây thạch nam. Thánh vịnh 23 nói “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” Trong các bài hát và truyện kể, hình ảnh con chiên minh họa sự quan phòng và chăm lo của Chúa cho con người. Con chiên là tượng trưng cho sự hiền hòa, khiêm nhường, sự đau khổ kéo dài, mọi thuộc tính này dùng dành cho những người đi theo Chiên Thiên Chúa. Con chiên cũng là biểu tượng cho thánh nữ Germaine (khoảng năm 1579-1601), người con nghèo bị bỏ rơi ở Pibrac, gần Toulouse (Pháp.)
Shekinah
Shekinah, Thần cư. Là nơi cư ngụ của Chúa. Là sự tỏ lộ hữu hình về Chúa hiện diện, nhiều lần được ám chỉ đến trong Kinh thánh. Thần cư là tương thích với sự vinh quang của Chúa trong Is 60:2, với vinh quang trong Rm 9:4, và đám mây dẫn đưa người Do thái trên đường đi về Đất Hứa (Xh 14:19).
Shell
Vỏ sò. Là một biểu tượng của Phép Rửa tội kể từ thế kỷ 12. Khi việc đổ nước lên đầu trở thành một cách thức được chấp nhận của phép Rửa tội, vỏ sò trở thành một dụng cụ để hứng nước. Vỏ sò cũng là biểu tượng của người hành hương, có thể giải thích lý do vỏ sò là một biểu tượng của thánh Giacôbê Tông đồ, vì đền thánh của ngài là một địa điểm hành hương nổi tiếng. Nó cũng là biểu tượng của thánh Âu Tinh, vì ngài có lần gặp một em bé (chắc là Chúa Kitô) nói với ngài rằng, ngài dễ múc cạn đại dương bằng vỏ sò hơn là hiểu được mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vỏ sò cũng là một trong nhiều biểu tượng của Đức Trinh Nữ Maria.
Shem
Shem, ông Sêm. Là con cả của ông Noah (Nô-ê) và là anh của Ham (Kham) và Japheth (Gia-phét, St 5:32). “Ba ông này là con trai ông Nô-ê, và con cháu họ phân tán ra khắp mặt đất,” bởi vì họ là những người nam duy nhất sống sót sau trận Hồng thủy (St 9:19). Các hậu duệ của ông Shem--người Do thái, người Ả rập và người Aramaean (St 10:22-31)--được gọi là người Shemite, tương đương với người Semite hiện nay trên thế giới.
Shema
Shema, “Nghe đây”, Bản tuyên tín Do thái. Là danh từ Do Thái cổ dành để chỉ Đệ nhị luật (Đnl), và là câu Kinh thánh được trích dẫn nhiều nhất nơi người Do thái. Trong hình thức ngắn nhất, câu này là “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất" (Đnl 6:4). Nhưng Shema (Bản tuyên tín Do thái) trong phụng vụ gồm có ba phần--Đnl 6:4-9, 11:13-21, và Ds 15:37-41.
Sheol
Sheol, Âm phủ, âm ty, địa ngục. Là từ ngữ Do thái để chỉ địa ngục, tương đương với từ ngữ Hi Lạp Hades. Lúc ban đầu, đây là nơi tối tăm mù mờ trong đó các linh hồn kẻ chết đến ở, dần dà nó được xem là nơi để trừng phạt các linh hồn không có công trạng. Bài học được dạy rõ ràng trong Tân Ước rằng Âm ty là nơi ở của các linh hồn chết trong tội. Thánh Luca nói về “việc chịu cực hình dưới Âm phủ” (Lc 16:23). Thư gửi tín hữu Do thái cảnh báo rằng “các linh hồn còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa” (Dt 10:27). Sách Khải huyền mô tả “những người ấy sẽ bị làm khổ trong lửa và diêm sinh trước mặt các thánh thiên thần và trước mặt Con Chiên. Khói từ chốn khổ hình của chúng cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp” (Kh 14:10-11).
Shepherd Of Hermas
Sách Mục tử Hermas (Héc-mê). Là một thiên chuyên khảo đạo đức vào giữa thế kỷ thứ hai. Nó là tác phẩm có tầm quan trọng về lịch sử, dạy sự sám hối và gồm có năm thị kiến, 12 lệnh truyền và hai dụ ngôn. Nó làm chứng cho các nguyên tắc luân lý cao của Giáo hội sơ khai. Tác giả sách được gán cho Hermas (Héc-mê), được thánh Phaolô nhắc đến trong thư gửi giáo đoàn Roma (Rm 16:14), nhưng có lẽ sách được viết bởi một anh em của thánh Giáo hòang Piô I.
Ship
Thuyền, con tàu. Là một biểu tượng của Giáo hội, thường có thánh giá trên cánh buồm. Giáo hội được vẽ hình chiếc thuyền giăng buồm vượt qua sóng nước hung dữ, nhằm thử sự tiến bộ của Giáo hội. Thánh Hippolytus nói về Giáo hội như một “chiếc thuyền bị sóng đánh nhưng không hề chìm, ‘Fluctuat nec mergitur’.” Các vị thánh ngư phủ thường lấy biểu tượng là chiếc thuyền, chẳng hạn thánh Giuđa Tông đồ. Thánh Brendan, thuyền trưởng người Ireland, và thánh Phanxicô Xavier đều có biểu tượng là chiếc thuyền. Thánh Elmo hoặc Erasmus được gọi là thánh bổn mạng các thủy thủ, và hiện tượng hòn sáng thánh Elmo, thường được nhìn thấy ở tàu khi bão, được đặt theo tên của ngài.
Shrine
Thánh điện, đền thánh, nơi linh thiêng, ảnh thánh. Nói chung, là một nơi thánh. Nó có thể là nơi cất giữ có hình cái hộp, trong đó có thánh tích của một thánh nhân; hoặc là một ảnh thánh hay một tượng thánh của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ, hoặc một vị thánh trong nhà thờ hay nhà riêng, mà tượng được tôn kính đặc biệt tại đó. Nhưng từ ngữ là chủ yếu dành cho các địa điểm linh thiêng lớn. Có thể đó là nơi an táng một vị thánh, hoặc nơi vị thánh đã sống hoặc nơi qua đời, hoặc là nơi có phép lạ xảy ra. Đền thánh là nơi hành hương của tín hữu và thường là nơi đã có phép lạ xảy ra và được Giáo hội chấp nhận. (Từ nguyên Latinh scrinium, hộp, kệ sách.)
Shroud
Khăn liệm (Từ nguyên tiếng Anh Trung cổ sc(h)rud, vải, khăn.).
Shrovetide
Thời gian chuẩn bị Mùa Chay. Là vài ngày trước Thứ Tư Lễ Tro, nhất là ngày trước Thứ ba béo (thứ ba trước Thứ Tư Lễ Tro.) Nó được liên kết với việc xưng tội, và ở nhiều nơi các lễ hội carnaval được tổ chức, như là lần vui cuối cùng trước khi vào mùa Chay đền tội.
Sybil
Sybil, bà cốt, bà phù thủy Sybil. Là một trong các bà thầy bói của thần thọai cổ, có thể có đến 10 bà này ở các nơi khác nhau và thời gian khác nhau. Trong số đó, nổi tiếng nhất có lẽ là Cumaean Sibyl, được thi sĩ Vergil mô tả trong cuốn Aeneid. Các sấm ngôn của Sibylline, nguồn gốc không rõ, được lưu giữ tại đền Capitol ở Roma, và được tham khảo trong tình trạng khẩn cấp của đất nước. Chúng bị cháy hết trong hỏa họan ở điện Capitol năm 82 trước Công nguyên, và bộ sưu tập mới cũng bị cháy năm 405. Trong thế kỷ thứ hai, người Do thái gốc Hy Lạp đã tạo ra các bản mới của Sấm ngôn Sybilla, nhằm mục đích tuyên truyền. Các sấm ngôn Do thái được sử dụng tự do bởi các nhà biện giáo Kitô giáo trong thế kỷ thứ hai, và có thêm nhiều sấm ngôn từ các nguồn Kitô giáo được đưa thêm vào khỏang thế kỷ thứ ba. Thánh Âu Tinh trích dẫn một đọan vào cuốn “Thành đô Thiên Chúa” của ngài (18:23). Các Giáo phụ khác, như Theophilus thành Antioch và Clement thành Alexandria, nhờ đến các sấm ngôn để ủng hộ quan điểm về Chúa Kitô và Giáo hội.
Sick Call
Gọi Linh mục đi kẻ liệt. Là việc mời một linh mục lo phần hồn cho một người ốm nặng. Thường các bí tích được ban khi linh mục đến thăm kẻ liệt là Bí tích Giải tội, Thánh Thể (Rước lễ) và Xức dầu.
Sic Transit Gloria Mundi
Sic Transit Gloria Mundi, “Vinh quang trần gian qua đi như vậy đó.” Là lời nói với Đức Giáo hòang tân cử trong lễ đăng quang của ngài.
Sidon
Thành Sidon, thành Xi-đôn. Là một thành ở vùng Phoenician (Phê-ni-xi), nay là thành phố Saida, ở Li-băng, cách Beirut vài km. Nó là một trong các thành cổ nhất được nêu tên trong Kinh thánh, có niên đại là thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên (St 10:19)). Sidon đã trở nên một hải cảng quan trọng, và là trung tâm đóng tàu trong các chế độ cai trị liên tiếp của Ba Tư, Hi Lạp và Roma. Trong Cựu Ước, nó nổi tiếng về lời chúc dữ của các ngôn sứ cho số phận kinh khủng của nó. Chẳng hạn ngôn sứ Ezekiel (E-dê-ki-en) dẫn lời Đức Chúa đe dọa: “Ta sẽ cho ôn dịch giáng xuống trên nó, cho máu me ngập khắp phố phường, đám tử vong nằm la liệt giữa nó, vì gươm đao đe doạ nó tư bề” (Ed 28:23). Trong Tân Ước, chúng ta nghe kể rằng Chúa Giêsu đã đến thăm thành Tyre (Tia) và Sidon, trên đường Chúa đến Biển Galilee (Ga-li-lê, Mc 7:31). Sau đó đôi khi thánh Phaolô ghé thăm vài người bạn ở Sidon, nhân một trong các chuyến đi truyền giáo của Ngài (Cv 27:3).
Sig
Sig, Sigillum—dấu niêm, dấu triện, ấn tín.
Sign Of The Cross
Dấu Thánh Giá. Là cách tuyên xưng phổ biến nhất của đức tin Kitô giáo bằng dạng thức hành động. Dấu Thánh giá tuyên xưng niềm tin của mình vào việc cứu độ con người, nhờ Chúa Kitô chết trên Thánh giá. Việc đọc tên của Ba Ngôi Thiên Chúa tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Là á bí tích đầu tiên, dấu Thánh giá có nguồn gốc từ thời các thánh Tông đồ. Dấu được làm và nói “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần," và tay làm dấu thành hình Thánh giá. Người làm dấu lấy tay phải chạm trán, chạm ngực, chạm vai trái, chạm vai phải, trong khi đọc lời kinh. Lời kinh kết thúc với tiếng Amen, và thường dấu được làm với nước thánh khi người ta đi vào nhà thờ, nhà nguyện, hoặc trong một cộng đòan Dòng tu, khi đi vào phòng riêng của mình.
Signs Of The Times
Dấu chỉ thời đại, là dấu chỉ được Chúa Kitô nói trước để tiên đóan sự quang lâm của Ngài và ngày tận thế (Mt 24:3-44). Tuy nhiên, từ ngữ thường áp dụng cho bất cứ biến cố nào trong lịch sử cận đại, vốn được giải thích như là dấu chỉ của Chúa Quan phòng, nhất là dấu chỉ của sự công lý của Chúa trong việc trừng phạt kẻ có tội, và kêu gọi họ ăn năn sám hối.
Silas
Silas, ông Xi-la. Là một thành viên tích cực của nhóm lãnh đạo Kitô hữu đầu tiên ở Jerusalem (Giê-ru-sa-lem.) Ông còn được gọi là Silbanus (Xin-va-nô, I Tx 1:1-11; II Tx 1:1). Ông được nhắc đến nhiều lần vì là cùng đi với thánh Phêrô, hoặc Phaolô và Timothy (Ti-mô-tê), có lẽ làm việc như một thư ký hoặc người đưa tin (I Pr 5:12). Vào dịp Phaolô và Barnabas (Ba-na-ba) chia tay nhau vì bất đồng ý kiến với nhau, Phaolô chọn Silas làm người thay thế (Cv 15:40). Khi công nghị Jerusalem kết thúc, và một sứ điệp được chuẩn bị cho các tín hữu ở Antioch (An-ti-ô-khi-a), bảo đảm với họ rằng Luật của Moses (Mô-sê) không là một đòi hỏi cứng rắn cho việc gia nhập Giáo hội, Silas và Barsabbas (Ba-sa-ba) được sai phái cầm thư đi, để khẳng định nội dung lá thư và bảo đảm một sự đón tiếp thân tình (Cv 15:22-23). Trong chuyến đi của Phaolô đến miền Galatia (Ga-lát), Phaolô và Silas bị đánh dập và bị cầm tù tại Philippi (Phi-líp-phê, Cv 16:19-39). Khi các thẩm phán biết rằng họ là công dân Roman, các vị được trả tự do—sau khi viên cai ngục và gia đình ông trở lại đạo. (Từ nguyên Hi Lạp silas; từ chữ Aramaic se'lia, Saul.)
Silence
Thinh lặng, im lặng, yên tĩnh. Trong từ ngữ tu đức, là nỗ lực ý thức để giao tiếp với Chúa, hoặc thế giới vô hình của đức tin, hơn là thích nói chuyện với người khác. Do đó, nó không vắng hoàn toàn âm thanh hoặc sự yên tĩnh thể lý, trừ ra khi tạo ra điều kiện tiên quyết để tĩnh tâm, hoặc tạo hiệu ứng nhận thấy được của việc đang tĩnh tâm. (Từ nguyên Latinh silere, yên tĩnh, không ồn ào.)
Siloam
Hồ Siloam, hồ Si-lô-ác. Là đường dẫn nước được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, theo lệnh của Vua Hezekiah (Khít-ki-gia, II Sb 32:30). Lúc ban đầu đây là một biện pháp phòng vệ nhằm chống lại cuộc tấn công của quân đội Vua Sennacherib (Xan-khê-ríp), vì họ có thể cắt đường cung cấp nước cho Israel (II V 18:17). Khi dòng nước chảy vào góc đông nam của thành, nó chảy vào hồ gọi là Hồ Siloam. Hồ này nay vẫn còn, đưa nước vào Hồ Siloam được xây dựng nhiều thế kỷ sau đó. Trong thời giảng dạy công khai, một trong các phép lạ của Chúa Giêsu là chữa lành một người mù, bằng cách bảo anh đến rửa ở Hồ Siloam (Ga 9:7).
Siluva, Our Lady Of
Đền thánh ở Siluva. Là đền thánh ở Lithuania dâng kính Đức Trinh Nữ Khóc, và hàng năm có hàng trăm ngàn người đến để cầu nguyện xin Đức Mẹ phù hộ, và một số người được chữa lành bệnh. Đầu thế kỷ 16, khi phần lớn đất nước theo Tin lành, và Lithuania chiến đấu chống lại cả Nga và Thụy Điển, một số trẻ chăn chiên nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp hiện ra, tay ẵm một trẻ thơ đang ngủ. Mặc áo chòang trắng, bà đang khóc lóc, nước mắt chảy xuống trên con trẻ. Các trẻ chăn chiên chạy về nhà, kêu cha mẹ và bà con đến xem, trong đó có một mục sư Tin lành Luther phục vụ ở địa phương. Bà xinh đẹp nói với họ rằng nguyên nhân việc bà sầu buồn là không còn nhà thờ cũ tôn kính Con của bà, và nhà thờ ấy ở ngay chỗ bà đang đứng. Một cụ già mù mắt được chữa lành sau đó tại đền thánh, và việc này chứng thực câu chuyện của bà xinh đẹp. Ông hướng dẫn việc đào đất ở đó, và tìm thấy một cái tủ xưa chứa các bình thánh, và ảnh tượng Đức Trinh Nữ được đưa ra ánh sáng. Việc đào bới này cho thấy có một nhà thờ ở đó từ năm 1457, nhưng bị phá hủy từ lâu. Ngôi nhà thờ mới được xây dựng trên nền nhà cũ, và ảnh tượng Đức Mẹ Maria được sùng kính ở đó. Khách hành hương từ rất xa đến địa điểm linh thiêng này. Từ năm 1940, khi Lithuania bị sáp nhập vào Liên Xô, người ta không biết về tình trạng đền thánh này.
Simeon
Simeon, Si-mê-ôn. 1. Là con trai thứ hai của ông Jacob (Gia-cóp) và bà Leah (Lê-a); ông thân thiết với Judah (Giu-đa) hơn với bất cứ anh em nào khác. Từ lời tiên báo của Jacob về các con trai của ông, người ta thấy rõ là Jacob than phiền về cuộc sống của Simeon. Ông nói “cha không đồng lòng với phe nhóm của con” và xem Simeon là “vũ phu” cho sự “tàn bạo” của con (St 49:5-7); 2. là ông cụ thánh thiện đến Đền thờ khi Chúa Giêsu được cha mẹ mang vào Đền thờ để dâng cho Chúa. Chúa Thánh Thần đã mặc khải cho cụ Simeon rằng cụ sẽ không qua đời trước khi nhìn thấy Đấng Messiah (Mê-si-a, Thiên sai). Cụ nhận ra Chúa Giêsu ngay lập tức và chúc tụng Chúa “Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài." Sự kiện này được ghi nhớ trong Mầu nhiệm Vui thứ bốn.
Similitude
Tương tự, giống nhau. Là sự giống nhau hoặc tương đồng với nhau. Sự tương đồng là nền tảng cho mọi giáo huấn về chân lý mặc khải. Chúng ta đi đến biết được ít hay nhiều ý nghĩa của các mầu nhiệm đức tin, là nhờ biện pháp so sánh với các điều được biết bằng lý trí. Mọi chân lý mặc khải được chuyển thông cho thế giới như là một sự giống nhau hoặc tương đồng, chẳng hạn ân sủng là sự sống, các bí tích là dấu chỉ, Giáo hội là thân thể, thiên đàng là Nước Trời. (Từ nguyên Latinh similitudo, giống nhau.)
Simon
Simon, Si-môn. 1. Simon Phêrô, là thủ lãnh các thánh Tông đồ và là Đức Giáo hòang tiên khởi (xin xem chữ PETER, Phêrô); 2. Simon người Ca-na-an, biệt danh là Quá Khích. Là một trong 12 Tông đồ (Lc 6:15); 3. ông Simon Cùi, một người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành và mời Chúa đến nhà ông ở Bethany (Bê-ta-ni-a) để dùng bữa (Mc 14:3); 4. là người bà con của Chúa Giêsu, được nhắc đến như là “anh em” của Chúa Giêsu (Mc 6:3); 5. là một người ở Cyrene (Ky-rê-nê) bị buộc vác thập giá đỡ Đức Giêsu (Mc 15:21).
Simon Magus
Simon Magus, thầy phù thủy Si-môn. Là một phù thủy có tài nghệ xuất sắc, vì nhiều người Samaritan (Sa-ma-ri) nói ông được trời ban cho tài năng. Ông trở thành một Kitô hữu và ngạc nhiên trước các phép lạ của Philípphê, Phêrô và Gioan. Ông gây ra cơn thịnh nộ của thánh Phêrô khi đem tiền biếu cho Phêrô để học biết các bí quyết của Tông đồ. Thánh Phêrô nóng nảy làm ông hỏang sợ, và ông xin Phêrô cầu nguyện cho mình (Cv 8:9-24).
Simony
Mại thánh, buôn thần bán thánh. Là sự phạm thánh vì mua hay bán sự thiêng liêng đổi lại sự đời. Trong sự mại thánh, một người cố đổi vật chất, chẳng hạn tiền bạc, để lấy điều thiêng liêng, chẳng hạn ơn Chúa, và đối xử với điều thiêng liêng như mình là chủ thật sự, trong khi điều ấy thật sự thuộc về Chúa. Từ ngữ "simony" bắt nguồn từ trình thuật thầy phù thủy Simon (Si-môn), vì ông này tìm mua từ thánh Phêrô sức mạnh thiêng liêng phát sinh từ việc đặt tay và khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Cv 8:18). Mại thánh bao gồm cả các thỏa thuận vốn là bất hợp pháp theo luật Chúa, và các thỏa thuận mà luật Giáo hội cấm, nhằm bảo vệ và tôn kính các điều thiêng liêng. Như thế việc hứa cầu nguyện chỉ để đổi lấy một số tiền là mại thánh, và bị luật Chúa và luật tự nhiên cấm. Việc truyền chức thánh hay bổ nhiệm một chức vụ có quyền trong Giáo hội nhằm đổi lấy một số tiền hay vật tương đương là mại thánh, và bị luật Giáo hội cấm. Khi mại thánh chống lại luật Chúa, thì luôn là tội trọng. Mức độ nặng hay nhẹ trong các trường hợp khác tùy thuộc vào bản chất nghiêm trọng của điều được mua hay bán, và dựa vào mức độ gây vấp phạm cho người khác. (Từ nguyên Latinh simonia, theo gương xấu của ông Simon Magus.)
Simpl
Simpl, Simplex--lễ bậc thường.
Simple
Đơn giản, đơn thần, giản dị. Là phẩm tính không có các phần riêng, do dó không thể chia cắt và không tổng hợp; cũng là không có tiềm năng hoặc sự bất toàn. Tinh thần là giản đơn bởi vì nó không thể phân chia thành các phần định lượng. Các thiên thần là đơn thuần bởi vì thiên thần không gồm có xác và hồn. Chúa là hoàn toàn đơn thuần, bởi vì Chúa không gồm có bất sự sự gì nơi Chúa. (Từ nguyên Latinh simplex, đơn giản, tuyệt đối, không có thành phần; nghĩa đen là giản đơn, không phức tạp.)
Simple Ignorance
Vô tri giản đơn. Là việc không biết một luật Giáo hội và hình phạt của nó khi một người cố gắng để tìm hiểu, nhưng nỗ lực này là quá yếu và không đủ. Vì thế nó miễn cho người ấy khỏi các hình phạt tự động (latae sententiae, tiên kết).
Simple Intelligence
Trí thông minh đơn thuần. Là việc Chúa hiểu biết các ý kiến riêng của Chúa và mọi khả thể tính, bằng cách biết mọi đường lối, trong đó yếu tính của Chúa có thể được bắt chước trong thế giới tạo dựng.
Simple Unitive Way
Hiệp đạo giản đơn, đường nhiệm hiệp giản đơn. Còn gọi là đường nhiệm hiệp tích cực, với đặc tính là trau dồi các ơn Chúa thánh Thần và đơn giản hóa việc cầu nguyện. Mặc dầu không thường hưởng sự chiêm niệm phú bẩm, một người trong hiệp đạo giản đơn được kết hiệp thân mật với Chúa, và ngoan ngoãn tuân theo linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Simple Validation
Hữu hiệu hóa đơn giản hôn phối. Là làm cho hôn phối trước đây vô hiệu thành hữu hiệu, bằng cách cả hai người lặp lại sự ưng thuận hôn nhân. Đây là phương pháp được ưa chuộng, và nên được sử dụng để hữu hiệu hóa một hôn nhân, vốn là vô hiệu do thiếu hiểu biết hoặc thiếu sự bằng lòng tự do, hoặc bởi vì một ngăn trở chưa gỡ bỏ được.
Simple Vow
Khấn đơn. Là bất cứ lời khấn nào, dù là tư hay công, mà không được Giáo hội công nhận rõ ràng là trọng thể. Từ ngữ này được sử dụng khi Giáo hội công nhận rằng một số Hội Dòng là Tu hội sống đời hoàn thiện Kitô giáo, để phân biệt với các Dòng tu. Các lời khấn đơn làm cho các hành vi chống lại lời khấn là trái phép (illicit), trong khi lời khấn trọng thể làm cho các hành vi ấy nên vô hiệu (invalid.)
Simpliciter
Simpliciter, đơn giản hóa vấn đề, cách đơn thuần. Trong triết học, nó là trái nghĩa với secundum quid (tùy diện, theo phương diện nào đó). Trong giáo luật, ‘đơn giản hóa vấn đề’ là từ ngữ được dùng để mô tả các trường hợp kém nghiêm trọng được dành cho Tòa Thánh giải quyết.
Simplicity
Đơn giản, thực thà, giản dị, đơn thuần tính. Là một đặc điểm của tính tình, đó là phẩm chất không bị ảnh hưởng; do đó, là khiêm tốn và không phô trương. Một người giản dị thì chân thật, thật thà và thẳng thắn. Tính đơn giản là một lòng một dạ, hoặc sự chuyên tâm. Là nhân đức siêu nhiên, tính giản dị chỉ tìm làm theo ý Chúa mà không quan tâm đến sự hy sinh hoặc tìm lợi cho mình.
Simplicity Of God
Tính đơn thuần của Chúa. Là thiếu vắng bất cứ thành phần hoặc sự phân chia thành phần nào trong Chúa. Theo Công đồng chung Lateran IV và Công đồng chung Vatican I, Chúa là một “bản chất hoặc bản tính tuyệt đối đơn thuần” (Denzinger 800). Tính đơn thuần của Chúa là tuyệt đối. Trong Chúa không có bất cứ thành phần cấu tạo nào, không có bản chất và các tùy thể, không có yếu tính và hiện hữu, không có bản tính và nhân vị, không có lực và hoạt động, không có giống loại và dị biệt loài. Nền tảng thần học của tính đơn thuần nơi Chúa nói rằng Chúa là thực thể thuần túy, không tương hợp vời bất cứ thành phần cấu tạo nào.
Simulation, Sacramental
Giả nghiệm bí tích. Là sự giả nghiệm của một bí tích, bằng cách thay thế cách bí mật và bất hợp pháp chất thể hoặc mô thức hoặc ý định cần thiết, để cho bí tích trở thành vô hiệu và người lãnh bí tích bị dẫn vào sai lầm. Tuy nhiên, người ta phải phân biệt giữa sự giả nghiệm và sự giả vờ. Trong sự giả vờ, cả chất thể lẫn mô thức của bí tích đều không được sử dụng; chẳng hạn, cha giải tội khi phải từ chối giải tội cho một hối nhân, nói với người ấy về sự việc, rồi đọc vài kinh và ban phép lành để cho những người đứng gần đó không nghĩ rằng việc xá giải đã bị từ chối. Mặc dầu đôi khi được phép giả vờ ban bí tích, khi có một lý do nghiêm trọng vừa đủ, sự giả nghiệm của bí tích là không bao giờ hợp pháp.
Sin
Tội lỗi. Là “một lời nói, việc làm hoặc ước muốn chống lại luật vĩnh cửu” (Thánh Âu Tinh). Tội lỗi là vi phạm cố ý một luật của Chúa, vốn xác định bốn yếu tố chính cho mỗi tội. Một luật là liên quan, hàm ý rằng có các luật thể lý họat động với sự cần thiết, và luật luân lý vốn có thể con người coi thường. Chúa bị xúc phạm, do đó chiều kích thiên linh không bao giờ vắng bóng trong tội. Tội là sự vi phạm luật, bởi vì đạo Công giáo chủ trương rằng ân sủng là có thể bị kháng cự, và ý Chúa có thể không được vâng phục. Và sự phạm tội phải là cố ý, nghĩa là một tội bị phạm khi con ngưởi biết rõ ràng rằng có điều gì đó trái với luật Chúa, và rồi người ấy cứ vẫn phạm tội như thường. (Từ nguyên tiếng Anh cổ synn, syn, tội; từ chữ Đức cổ đại sunta, suntea, có lẽ từ chữ Latinh Latin sons, phạm tội.)
Sin Against Faith
Tội chống đức tin. Là sự chủ trương tự do không đồng ý với những gì Chúa đã mặc khải. Như thường được hiểu, có năm tội lớn chống lại đức tin: tuyên xưng một tôn giáo sai lầm, nghi ngờ cố ý, không tin tưởng, hoặc từ chối một tín điều, và cố ý không biết đến giáo lý của Giáo hội Công giáo.
Sin Against Religion
Tội chống đức thờ phượng. Là sự từ chối cố ý thờ phượng và tôn vinh Chúa mà Chúa đáng hưởng, vì là Đấng Tạo dựng con người và vận mệnh sau cùng của con người. Tội chống lại đức thờ phượng có thể là minh nhiên, như trong sự cố ý xem thường Chúa, hoặc là mặc nhiên, như trong việc thờ phượng ngẫu tượng hoặc thờ Ma quỷ.
Sinai
Sinai, vùng Xi-nai. Là bán đảo hình tam giác, dài 230 dặm (khoảng 368km) và mũi nhọn dài chĩa xuống Biển Đỏ. Đó là vùng đất rất gồ ghề, có nhiều ngọn núi cao cả ngàn mét và vùng sa mạc lớn (Xh 19:12, 18, 23; Xh 24:16). Tầm quan trọng Kinh thánh của nó phát sinh từ sự việc rằng một trong các ngọn núi của bán đảo, gọi là Núi Sinai (một số học giả gọi là Núi Horeb, Khô-rép), là nơi Đức Chúa đã ban hai tấm bia Chứng Ước cho ông Moses (Mô-sê, Xh 31:18).