Ngày 31-12-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
03:28 31/12/2009
Ngày 01.01.2010 Lễ Mẹ Thiên Chúa

Lạy Chúa Hài đồng Giê-su,

Chúa có một người Mẹ thật tuyệt vời. Một người Mẹ cho Chúa dòng sữa, cho Chúa tình thương. Một người Mẹ đã nói lời xin vâng bằng cả cuộc đời dấn thân cho chương trình Thiên Chúa Cha được nên trọn. Một người Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa Cha và được mọi ân huệ lớn lao đến nỗi là người có phúc hơn mọi người nữ.

Người Mẹ đó Chúa đã tặng ban cho nhân loại chúng con. Qua Môn đệ Gioan, Mẹ Maria đã nhận chúng con là con cái của mẹ. Mẹ đã đi vào trong từng cuộc đời chúng con. Mẹ vẫn đang đồng hành để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin cám ơn Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con. Xin cho chúng con luôn chạy đến cùng Mẹ, luôn nương nhờ ơn phước của Mẹ, để nhờ Mẹ chúng con được đón nhận ơn lành của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người có phước hơn mọi người nữ vì mẹ luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin Mẹ dạy chúng con biết noi gương Mẹ để sống theo lời Chúa. Xin cho cuộc đời chúng con luôn được ướp mặn bằng những trang tin mừng, để chúng con hiểu được thánh ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin cho các gia đình luôn biết siêng năng đọc lời Chúa và thực thi khởi đi từ chính gia đình chúng con. Xin Mẹ luôn viếng thăm gia đình chúng con để hàn gắn những đổ vỡ, bất hòa đang làm mất đi sự êm ấm của gia đình. Xin Mẹ luôn hiện diện để nâng đỡ gia đình chúng con khi gặp những bất hạnh, rủi ro. Xin vực dậy niềm tin nơi những ai đang thất vọng, giúp họ vượt qua những khó khăn trong niềm tin vào Chúa như Mẹ đã từng bước đi trong niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng Chúa.

Lạy Mẹ Maria, hôm nay khởi đầu năm mới, chúng con xin phó dâng gia đình chúng con cho Mẹ, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa nâng đỡ những gia đình đang đổ vỡ. Biết bao nhiêu niềm tin đang bị đánh mất từ những người thân trong gia đình. Cha mẹ thiếu tin tưởng nhau. Con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ. Vợ chồng bất trung với nhau. Bạn bè bất tín với nhau. Biết bao sự dữ đang tung hoành khắp nơi, khiến nhiều người rơi vào thất vọng, tủi hổ và đắng cay. Xin nhờ Mẹ chuyển cầu để tình thương Chúa gìn giữ các gia đình. Xin nhờ ơn phước của Mẹ ngõ hầu chúng con được nhận lãnh ơn lành của Chúa. Amen

Ngày 02.01

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa hiện diện giữa chúng con. Chúa đang đi vào trong cuộc đời chúng con. Chúa cùng đồng hành với chúng con qua những thăng trầm của giòng đời. Chúng con tạ ơn Chúa đã bao lần nâng đỡ, chở che, giúp chúng con vượt qua những gian truân thử thách trong cuộc đời. Tạ ơn Chúa luôn là khiên che, thuẫn đỡ cho cuộc đời chúng con trước sóng gió ba đào. Chúng con xin tri ân cảm tạ tình yêu cao sâu của Chúa. Xin giúp chúng con biết sống trong ân nghĩa cùng Chúa, biết phụng sự Chúa trên hết mọi sự.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con biết bắt chước thánh Gioan, luôn khiêm nhu chân thành để Chúa được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con luôn ý thức rằng mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông, là giọt nước góp nên biển cả, một phận người nhỏ bé trong muôn tạo vật mà Chúa đã tạo dựng nên. Xin loại trừ nơi chúng con bản tính tự cao, tự đại để sống khiêm nhu trước mặt Chúa và với anh em.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ, xin giúp chúng con biết tin tưởng, phó thác vào Chúa như em thơ phó thác nơi cha mẹ mình. Amen

Ngày 03.01 - LỄ HIỂN LINH

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Nếu như Ba vua đã được ánh sao soi lối để gặp nhau nơi máng cỏ Be lem, giờ đây chúng con cũng được chính Chúa quy tụ chúng con quanh bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Chúng con xin được như ba vua nghiêng mình thờ lạy và ngợi khen Chúa.

Lạy Chúa, Chúa chính là ánh sáng trần gian. Chúa đã đến để mang ánh sáng tin yêu, hy vọng vào nơi thế gian. Giữa đêm đen của cuộc đời đầy bất công thù hận, chiến tranh và chia rẽ, Chúa đã khai mở một mùa xuân yêu thương và hiệp nhất bằng chính tình yêu hiến thân quên mình của Chúa. Nơi bí tích Thánh Thể Chúa đã nối kết tình người bằng của ăn là chính Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Ước gì qua sự chia sẻ bữa ăn yêu thương này, tình người mỗi ngày thêm gắn bó và yêu thương nhau hơn. Ước gì sự hiệp nhất chia sẻ này được khởi đi từ bàn ăn gia đình chúng con. Chúng con mong sao nơi gia đình chúng con luôn chan hòa tình yêu thương của cha mẹ và đậm đà tình huynh đệ của anh em một nhà. Xin Chúa mãi là ánh sao luôn phù hộ và che chở gia đình chúng con trong tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng con nhận ra dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời. Cho dù phải vượt qua những đêm dài của mò mẫm trong đức tin, hay những năm tháng dài vất vả trên hành trình dương thế. Chúa muốn chúng con phải theo chân ba vua, can đảm vượt qua những chán nản, thất vọng. Chúa mời gọi chúng con phải chiến thắng với chính bản thân mình, phải vượt qua sự uể oải, lười biếng để tìm gặp và đến với Chúa mỗi ngày. Đến với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, đến với Chúa qua người anh em, đến với Chúa qua những người nghèo hèn và tật nguyền khốn khó.

Lạy Chúa, cùng với lòng yêu mến sắt son như vàng của ba vua dâng tiến Chúa. Và lời cầu nguyện chân thành đơn sơ như nhũ hương lan tỏa trước thánh nhan Chúa. Chúng con nguyện sẽ tiến bước cùng ba vua lên đường đi tìm gặp Chúa trong những người anh em mà Chúa đang kêu gọi chúng con quảng đại yêu thương họ. Chúa chẳng cần chi lễ vật cao sang, Chúa chỉ đòi hỏi nơi chúng con tình yêu và sự hy sinh cao thượng đối với anh em đồng loại. Tình yêu đó thể hiện qua thái độ cảm thông, chia sẻ, và sự quảng đại giúp đỡ mà không mong đền đáp. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa qua việc siêng năng học hỏi giáo lý, cùng suy niệm lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống thường ngày. Ngõ hầu qua những lời nói và việc làm của chúng con, người ta sẽ nhận biết tôn thờ và ngợi khen Chúa là Đấng yêu thương và cứu độ nhân loại. Amen
 
Lễ Mẹ Thiên Chúa: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
Lm Jos Tạ Duy Tuyến
03:31 31/12/2009
“THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI”

Mỗi khi đọc kinh kính mừng, chúng ta đều thưa lên cùng Mẹ: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Khi chúng ta thưa cùng Mẹ điều đó, là chúng ta ý thức thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình thường hay sa đi ngã lại trong những lầm lỗi tội lỗi. Đồng thời cũng nói lên sự phó thác cậy trông nơi Mẹ, là Mẹ của Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta.

Vâng, khi nhập thể làm người Chúa Giê-su cũng được sinh ra từ một người mẹ, và suốt cuộc sống của Chúa Giê-su dường như luôn có bóng dáng của mẹ hiện diện để khích lệ, an ủi, nhất là trong lúc chịu đau thương trên thập giá. Mẹ đã ở bên Chúa, cùng hiệp thông trong đau khổ với Chúa để cứu độ trần gian. Có lẽ vì muốn chúng ta được sống trong tình mẫu tử của Mẹ, Chúa Giê-su đã trao ban Đức Mẹ cho chúng ta, khi Chúa nói với Gioan: “Đây là Mẹ của con”, và thánh kinh đã ghi lại: “kể từ lúc đó, người môn đệ Chúa yêu đã đón Mẹ về nhà của mình”.

Thánh Gioan đã đại diện cho nhân loại để nhận Mẹ làm Mẹ của chúng sinh. Từ nay Mẹ sẽ tiếp tục nâng đỡ chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục yêu thương chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta để chăm sóc, lo lắng và chở che cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể cảm nghiệm về tình Mẹ Thiên quốc qua hình ảnh người mẹ trần thế. Mẹ trần thế yêu thương con đến nỗi dám đánh mất chính mình cho con được lớn lên thế nào, thì người mẹ thiên quốc cũng lo cái lo của con cái dưới thế, cũng đau vời đau đau của nhân loại, cũng sẵn sàng làm tất cả đế cứu vớt nhân loại lầm than. Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc lòng bài ca dao “Con cò ăn đêm” mà các bà mẹ thường hay hát ru con:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xào măng
Có xào thì xào nước trong
Đừng xào nước đục đau lòng cò con”


Bài thơ thật ngắn gọn nhưng diễn tả về tình yêu của một người mẹ đơn côi, lặn lội nơi bến chợ, bất chấp tất cả khó khăn cực nhọc để kiếm tiền nuôi con, kể cả việc phải đi ăn đêm. Nếu số phận có đun rủi bà phải rơi xuống hố sâu lầm lỗi, bà sẵn sàng chịu mọi sự trừng phạt miễn là ông trời hãy thương lấy đàn con, gìn giữ nó được sống trong danh dự mà đoạn kết đã diễn tả: “Đừng xào nước đục đau lòng cò con”. Nghĩa là người mẹ sẵn sàng chịu mọi oan ức, mọi niềm đắng cay, nhưng miễn sao con của bà đừng bị người đời trừng phạt bởi lầm lỗi của bà, đừng bị người đời khinh chê vì những đoạn trường đắng cay của mẹ.

Tình yêu của người mẹ là thế! Bà sẵn sàng hy sinh tất cả miền là đoàn con được hạnh phúc. Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có một người mẹ là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giê-su đã được ban cho chúng ta qua thánh Gioan. Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết đón Mẹ về nhà cuộc đời chúng ta, để chia sẻ những vui buồn trong gia đình chúng ta. Ước gì chúng ta biết trân trọng gìn giữ Mẹ như bảo ngọc châu báu mà Chúa đã ban cho chúng ta, đừng để mất Mẹ, vì mất Mẹ là mất cả bầu trời. Ước gì mỗi người chúng ta biết tin tưởng phó dâng cuộc sống gia đình của mình cho Mẹ và biết dành một vài giây phút trong ngày để thưa lên cùng Mẹ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen
 
Hành trình ''Đông Du'' của các đạo sĩ
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
06:57 31/12/2009
Khi đọc tác phẩm Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân, nhiều người tỏ ra cảm phục trước ý chí vượt khó diệu kỳ của thầy trò Đường Tăng. Quả vậy, để đến được núi Tây Thi thỉnh Kinh Phật, họ đã phải trãi qua một cuộc hành trình dài với bao nhiêu chông gai thử thách. Đường xa vạn dặm, lại thêm vô vàn cạm bẫy của đủ thứ yêu ma quỉ quái khiến cho cả 4 thầy trò nhiều phen muốn bỏ cuộc. Hành trình “Tây du” đó thực sự là một cuộc thử thách của cả lý trí (biểu tượng qua nhân vật Tôn Ngộ Không) lẫn con tim (biểu tượng qua nhân vật Tam Tạng).

Đọc lại trình thuật Tin mừng Mathêu, chúng ta thấy hành trình “Đông du” của ba nhà đạo sĩ cũng không kém phần gian truân. Nhưng đó cũng là một hành trình rất đẹp. Để có thể triều yết Đấng mà họ gọi là Đại Vương, Vua Dân Dothái, họ đã phải vượt qua một chặng đường dài thăm thẳm. Dĩ nhiên đây là một cuộc hành trình có thật, chứ không phải do tác giả hư cấu như hành trình của thầy trò Đường Tăng. Ở đây chúng ta thấy hành trình của các đạo sĩ quả là một hành trình của lý trí, của con tim và của đức tin.

- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của lý trí khám phá:

Là những nhà Thiên văn, các nhà đạo sĩ đã biết dùng những kiến thức của mình để khám phá những dấu chỉ của điềm trời, đặt biệt là ánh sao chiếu mệnh. Họ đã biết sử dụng chất xám để nghiên cứu các hiện tượng lạ trong thiên nhiên, trong vũ trụ. Và chỉ có họ mới phát hiện ra ánh sao lạ, bởi lý trí của họ đã được dùng đúng nơi đúng chổ, nhằm phục vụ cho chân lý, chứ không phải để phục vụ cho danh lợi thú đời này như Hêrôđê, như các Luật sĩ và Biệt phái. Đặc biệt là trong thời đại ngày hôm nay, rất nhiều người sử dụng lý trí của mình không đúng mục đích. Thậm chí còn sử dụng để phục vụ cho những ý đồ đen tối, thay vì để phục cho công lý, cho sự thật và đem lại lợi ích cho đồng loại. Các đạo tặc tìm kiếm những chiêu thức nhằm lường gạt và hãm hại người khác. Các gian thương tìm cách làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; các tin tặc tạo ra các loại vi rút máy tính phá hoại các chương trình, các dữ liệu; các nhà khoa học vô lương tâm sáng chế ra các thứ vũ khí huỷ diệt hàng loạt….

Trong bối cảnh xã hội như thế, các nhà đạo sĩ là điểm son cho chúng ta noi theo trong việc sử dụng đúng đắn lý trí của mình.

- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của con tim khao khát:

Con tim khao khát tìm kiếm Chân Lý. Con tim thao thức dấn thân lên đường tìm gặp Sự Thật. Điều này không có nơi Hêrôđê và có rất ít nơi dân thành Giêrusalem và những người Luật sĩ, Biệt phái.

Vì khao khát tìm kiếm chân lý nên họ sẵn sàng bỏ lại tất cả: gia đình vợ con, quê hương xứ sở, nhà cửa sự nghiệp,… để lên đường theo ánh sao lạ. Vì khao khát kiếm tìm sự thật, nên họ bất chấp tất cả: đường xá hiểm nguy, núi rừng cách trở, thử thách đợi chờ. Thật đáng khâm phục. Họ ra đi mà không biết sẽ đi đến đâu. Họ ra đi mà không biết ngày nào trở lại, tựa như Abraham ngày xưa vậy. Chính tình yêu đối với vị “Chánh Vương” là động cơ thôi thúc họ thượng lộ khẩn trương. Đúng như lời quả quyết của thánh Phaolô sau này: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”.

- Hành trình của các đạo sĩ, hành trình của đức tin soi dẫn:

Khi thấy sao lạ xuất hiện, đức tin đã mách bảo cho các ông biết có Đại Vương, có Đấng Cứu Tinh xuất hiện. Khi ánh sao biến mất, đức tin đã chỉ lối cho các ông tìm đến với Giêrusalem – Kinh đô của Kinh Thánh để được tham vấn. Khi đối diện với một hài nhi nghèo hèn nằm trong máng cỏ, theo lý trí tự nhiên không ai dám mạnh dạn tuyên xưng đó là Con Thiên Chúa, nhưng đức tin đã soi sáng cho các ông nhận ra đó chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi. Và cũng chính đức tin đã biến đổi cuộc đời họ. Họ đã trở thành những vị tông đồ đích thực của Đấng Thiên Sai Giêsu. Theo khẩu truyền, ba nhà đạo sĩ đã đi giảng đạo tới tận trời Tây, và hiện nay một ngôi mộ được coi là của ba nhà đạo sĩ ấy, vốn rất được nhiều người kính viếng ở thành Phố Cologne, bên bờ sông Rhin, nước Đức.

Như vậy, rõ ràng hành trình của các đạo sĩ không chỉ là hành trình của lý trí khám phá, của con tim khao khát, mà còn là hành trình của đức tin soi dẫn. Vì nếu không có đức tin soi dẫn thì có lẽ họ đã lạc lối, và bỏ cuộc khi gặp thử thách. Nếu không có đức tin mách bảo thì có lẽ họ đã không nhận ra một trẻ thơ nghèo hèn là một bậc Đế Vương, là một vị Cứu Chúa. Và nếu không có đức tin soi sáng, chắc chắn họ không dại gì phải sụp lạy trước một hài nhi bé bỏng yếu ớt, càng không dại gì phải uổng phí những lễ vật quí báu của mình, nếu họ không tin nhận đó là Vị Cứu Tinh của họ. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, từ ngữ “sụp lạy” ám chỉ một sự qui phục chỉ dành cho Thiên Chúa.

Phần tôi thì sao ? Tôi đang sử dụng lý trí của mình, kiến thức của mình thế nào ? Con tim của tôi đã đặt đúng chổ chưa ? Tôi thường yêu mến, thường khao khát những gì ? Có phải là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”; hay chỉ là tiền tài, danh vọng, sắc dục và những thú vui hưởng thụ đời này? Trong hành trình dương thế của tôi, đức tin đóng vai trò nào ? Tôi có coi trọng và biết cầu xin ơn đức tin mỗi ngày, nhất là trong những lúc gặp thử thách, gặp bế tắc trong cuộc sống hay không ?

Ước gì gương của ba nhà đạo sĩ luôn được chúng ta soi nhìn. Để trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta luôn đi đúng đường, đúng hướng và đạt tới cùng đích mà chúng ta mong ước. Đó là Nước Chúa, nơi Đức Kitô đang đợi chờ chúng ta. Amen.
 
Ánh sao hiển linh
Mic. Cao Danh Viện
06:59 31/12/2009
Xin cám ơn Ánh Sao xưa chiếu sáng
Đã dẫn đưa các đạo sĩ phương đông
Tự uông minh tỏ rạng chân trời hồng
Đoàn dân mới nhận chân Tin Mừng Mới

Xin cám ơn Ánh Sao xưa mở lối
Đã trở thành dấu chỉ của tình yêu
Cho muôn dân tin nhận một tín điều
Con Thiên Chúa đã giáng trần Cứu Thế

Xin cám ơn Ánh Sao xưa diễm lệ
Mang tin vui đến ngõ tối đường cong
Muôn dân nên đoàn đông đảo tân tòng
Một dân mới, một Giêrusalem mới

Xin cám ơn Ánh Sao xua đêm tối
Chiếu vào đây nguồn ánh sáng bình an
Bốn trăm năm một dân tộc Việt Nam
Đã thưởng nếm, tin yêu, và phát triển

Xin cám ơn Ánh Sao muôn linh hiển
Đã canh tân cả diện mạo địa cầu
Để công bình và chân lý hôn nhau
Trong nguồn sáng muôn ngàn đời bất diệt

Ánh Sao GiêSu: huy hoàng thuần khiết
Phá đêm đen dựng thế giới phục sinh
Hãy cho con niềm hạnh phúc hiển linh
Trong hiện tại.
Trong tha nhân
Trong môi trường con sống!

31-12-2009
 
Vinh quang đích thực của Thiên Chúa
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
07:02 31/12/2009
HIỂN LINH (Mt 2, 1-12)

Tôn giáo nào thì cũng muốn cho vị thần linh mình tôn thờ được hiển trị. Đó là một tình cảm tôn giáo đáng quí nhưng cũng thật đáng sợ, vì chính nó đã từng là nguyên nhân của biết bao cuộc bắt bớ hay triệt hạ phe đối nghịch. Lịch sử đã ghi nhận không ít cuộc chiến tranh tôn giáo. Hiển Linh là Chúa được biểu dương, là biểu lộ quyền năng của Ngài ra bên ngoài, vì hình như hình hài một hài nhi bé bỏng không xứng với Ngài? Có một thời tôi đã từng nghĩ như thế: Có thế chứ… phải là những vị vua tới thờ lạy ngài, tới cống tiến ngài những lễ vật đắt giá mới xứng; phải có những ánh sao lạ để cả thiên hạ phải trầm trồ! Và tôi lấy làm hả dạ. Tôi có tinh thần tôn giáo sốt sáng chẳng?

Thật ra câu chuyện về các nhà chiêm tinh (thường được dân có đạo nâng lên hàng vua chúa cho nó oai) đến bái lậy Hài Nhi Giê-su chỉ được Phúc Âm Mát-thêu ghi lại với chủ đích, như ông vẫn quen làm nhiều lần, là để khảng định: “thế là ứng nghiệm” việc Hài nhi ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê… việc ngài trở về từ Ai-cập… như những gì đã từng được các tiên tri loan báo. Dầu câu chuyện mang rất nhiều tính truyền thuyết, tôi nghĩ nó không chỉ đơn thuần là để nâng cao thứ tình cảm tôn giáo nói trên.

Hài Nhi mới sinh tại Bê-lem Hiển Linh, nhưng hiển linh điều gì? Đâu là vinh quang đích thực của ngài?

Ba nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ) là những con người có hiểu biết và chuyên tìm tòi những qui luật của trời đất. Các ông biết về một vị nào đó rất quan trọng mới xuất hiện và các ông đi tìn ngài. Theo lô-gic, nhân vật này chắc chắn phải là một vị vua và phải tìm thấy trong chốn cung điện. Và thế là họ tìm tới Giê-ru-sa-lem là kinh thành của vương triều Da-vit; nhưng ở đó họ chỉ gặp được Hê-rô-đê, con người của quyền lực và mưu mẹo. Chỉ có ‘ngôi sao’ mới có thể dẫn họ tới một nơi không ngờ: làng quê Bê-lem hẻo lánh, và tìm thấy một hài nhi với thân mẫu trong sự đơn sơ và nghèo hèn. Chúng ta tất cả đều biết ngôi sao đó chính là biểu tượng của niềm tin vào Tin mừng. Chỉ có Tin Mừng của đức Giê-su Ki-tô mới chỉ cho chúng ta tới gặp được một Thiên Chúa, không phải trong vinh quang của quyền uy và đầy công thẳng, mà là trong một diện mạo thơ nhi quá gần gũi: Thiên Chúa của lòng từ nhân và hay thương xót… cứu độ chứ không phải một Thiên Chúa luận phạt. Nếu ba nhà chiêm tinh phải từ bỏ lô-gic thông thái của họ (điều này không dễ mấy đâu) để có thể sấp mình bái lậy một hài nhi nghèo hèn, thì mọi người, kể cả tôi và bạn, (nhất là khi càng cho mình là thông minh chính trực) còn cần phải làm một cuộc cách mạng trong niềm tin để có thể bái lạy vinh quang Thiên Chúa trong sự hiền lành, từ nhân và hay thương xót.

Câu truyện còn cho tôi thấy có sự đối kháng thâm sâu giữa một bên là uy quyền thống trị và trừng phạt (điển hình là vua Hê-rô-đê) với bên kia là sự yếu đuối ẩn dật của một Hài Nhi bé bỏng nép mình bên lòng mẹ. Sự công thẳng có sức mạnh của nó và xem ra không thể đội trời chung với lòng trắc ẩn nhân ái. Uy quyển của bạo vương Hê-rô-đê không thể được chia sẻ với Tân Vương cứu độ mới sinh ra. Ở đâu có sự công thẳng ở đó không thể có chỗ cho lòng trắc ẩn thương xót, và ngược lại. Sự công thẳng nổi cộm như một quyền lực thống trị trong khi lòng nhân ái lại luôn tỏ ra quá yếu đuối ẩn dật. Chính vì thế mà khi đề cao lòng trắc ẩn thương xót thì nhiều người lại tỏ ra e dè sợ sệt. Họ lo sợ sự hợp lý đầy uy quyền của ‘lành thưởng dữ phạt’ sẽ bị phá đổ, và thế là họ rắp tâm ‘tiêu diệt’ lòng thương xót, ít là trong hiểu biết và suy nghĩ của họ. Thiên Chúa giáng trần đã chọn hình hài của một thơ nhi yếu đuối ẩn dật để biểu lộ lòng xót thương cứu độ loài người quả là điều thích hợp… có điều Ngài phải chịu sự toan tính tiêu diệt của bạo vương quyền uy thì cũng là tự nhiên thôi.

Lạy Hài Nhi đang ngủ yên trong vòng tay âm yếm của Mẹ, xin cho con dặt cược toàn bộ cuộc sống con trên sự nhỏ bé, yếu đuối của lòng thương xót Chúa. Chính những lúc tâm hồn con lo sợ cuống quýt trước quyền lực ghê gớm của sự công thẳng Chúa, xin đưa con vào vòng tay hiền mẫu để con cũng có được giấc ngủ của an bình trong tin tưởng phó thác vào lòng thương xót. Xin che chở để con không bao giờ bị sự công thẳng Chúa nhấn chìm trong lo âu sợ hãi. Amen
 
Những người khách lạ
Gioan Vinh
07:04 31/12/2009
Dân tộc Việt nam có phong tục thăm viếng nhau những ngày Lễ, Tết. Nhưng còn hơn thế nữa, văn hoá làng xóm khiến người Việt sống gần gũi, chân tình và thân thiết, đến nỗi bất cứ giờ nào cũng có thể ghé tạt vào nhà người quen, hỏi thăm năm ba câu rồi đi. Nhưng gần đây, dường như cùng với một nền giáo dục có quá nhiều gian dối, người Việt bắt đầu nghi ngờ những cuộc viếng thăm. Giáo viên thấy học trò mang quà đến nhà là nghi rằng anh ta xin điểm. Giám đốc cơ quan thấy nhân viên đến chúc Tết có thể nghĩ rằng “nếu mình không là giám đốc…”. Những điều đáng buồn ấy dường như không chỉ ở những mối quan hệ cá nhân, mà còn len lỏi vào những cuộc viếng thăm ngoại giao, xã giao và sơ giao nữa.

Khi con cái trong nhà biết rõ quá về những ông hàng xóm nhà mình, thì con cái sẽ lo lắng, hoang mang và thậm chí còn sợ hãi khi họ đến thăm nhà mình và cười cười nói nói với bố mẹ mình. Con cái còn hoang mang hơn khi bố mẹ là những người ngay thẳng, chất phác và đầy lòng nhân ái. Cũng là chuyện thường tình thôi. Mấy khi hàng xóm ấy được cảm hoá dễ dàng.

Đáng buồn hơn, có những đứa con tủi thân khi thấy mình về nhà lại không được cha mẹ đón tiếp như đón những ông hàng xóm lúc thì la mắng, lúc thì gây hấn, lúc thì phá phách nhà mình. Có thể cha mẹ xã giao, trong lòng chẳng ưa gì nhưng cứ xởi lởi cho qua. Có lúc món quà ông hàng xóm thấy cũng xinh xinh nên cứ nhận đại cho hai bên vui, ngày xưa ở làng ở xóm thì có những món quà làm “vui cả làng”.

Mùa Giáng Sinh là Mùa bình an và hy vọng. Cả thế giới vui mừng và nghỉ lễ trừ Việt nam và ba nước anh em. Có điều lạ là Lễ Giáng Sinh không nằm trong danh mục Lễ nghỉ, nhưng thiên hạ cứ vui chơi và cứ chúc mừng nhau. Hoá ra sự thánh thiêng của ngày đại Lễ vượt lên trên mọi lề luật địa phương. Chiều nay tôi chạy một vòng Sàigòn cùng với gia đình, thấy ở quận Nhất trang hoàng đẹp lắm, nhưng thay vì như các nước văn minh “Chúc Mừng Giáng Sinh và chúc mừng Năm Mới” thì đa số các nơi công cộng chỉ chúc mừng Năm Mới “Happy New Year” thôi. Tiếc làm chi vài chữ, thành kiến làm chi chút xíu làm cho khách ngoại quốc thấy lạ lùng!

Trong bài viết trước Lễ Giáng Sinh tôi có kể chuyện nhà trường ra thông báo cấm nghỉ Lễ Giáng Sinh, gửi cho tất cả giảng viên, trong đó có nhiều người Anh, Mỹ. Chẳng ai trả lời. Tôi trả lời cho mọi người bằng lời chúc mừng Giáng Sinh đầy bình an của Thiên Chúa. Lập tức các giáo viên ngoại quốc trả lời liền, có người viết rất cảm động rằng “What a wonderful Christmas message. I feel so refreshed and happy. Halleluyah! Beautiful things happen to beautiful people with christian hearts in beautiful places”. Thấy vậy cô trưởng bộ môn cũng gửi lời chúc mừng Giáng Sinh! Nhưng hơi muộn màng!

Chẳng mừng gì, chẳng quan tâm gì, vậy mà nhiều ông hàng xóm cũng đến thăm, cười cười nói nói. Cũng chụp hình, cũng đưa tin. Chắc cả người thăm cả người được thăm đều cảnh giác. Chỉ có những anh đưa tin là hớn hở. Riêng đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt quả là thâm thuý và sâu sắc khi ngài nói: “Phần tâm linh ràng buộc con người không chỉ sống với nhau bằng bề mặt mà còn phải sống với nhau bằng sự thật trong tâm hồn, bởi vì ngày nào chúng tôi cũng phải đối diện trước mặt Chúa để duyệt xét tâm hồn nên lúc nào cũng phải sống ngay thẳng, không có gì gian dối.” Câu nói quá tuyệt.

Bài viết này chỉ ghi lại một phần, vâng, một phần những ý nghĩ của người viết khi đọc tin và xem hình do các anh vui tính đưa lên. Mùa Giáng Sinh người ta vui và người ta được giải thoát. Ước gì ơn huệ của Đêm Bình An sẽ cảm hoá được lòng người, để những ai dù lòng dạ thế nào khi đã tiếp xúc với sự chân thật của con cái Chúa thì hiểu được rằng chỉ có sự thật mới giải phóng con người như Lời Đấng Giáng Sinh đã dạy.

“Vinh danh Thiên Chúa trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vinh quang chỉ dành cho Thiên Chúa, và bình an chỉ dành cho người sống ngay thẳng theo lề luật Chúa. Mọi xã giao không có cái tâm thì khó bình an.
 
Chúng ta phải cố tìm ánh sáng tuyệt diệu
Jos. Tú Nạc, NMS
07:20 31/12/2009
Lễ Hiển Vinh – Năm C (Isaiah 60: 1-6; Psalm 72; Ephesians 3: 2-3, 5-6; Mathew 2: 1-12)

Lễ Chúa Hiển Vinh mang ý nghĩ gì trong năm 2010? Lễ Chúa Hiển Vinh đã được tổ chức kỷ niệm hơn 2,000 năm kể từ khi khai sinh Chúa Giê-su nhưng mỗi năm chúng ta phải hỏi lại nó mang ý nghĩa gì đối với chúng ta trong hoàn cảnh hiên tại của mình, e rằng nó chỉ là một lễ mừng được thể hiện trên lịch phụng vụ.

Thoáng nhìn, nó có vẻ như bóng tối – bóng tối dày đặc – vẫn bao trùm hành tinh Trái Đất và các dân tộc của nó. Lời tiên tri này đã được trao cho từ khởi thủy một dân tộc sống trong nỗi đau khổ khôn cùng – một dân tộc bị kiềm chế trong cảnh lưu đày. Nó là một thông điệp của hy vọng và cổ vũ động viên: ánh sáng xuất hiện khi bóng tối dường như hoàn toàn bị bóp nghẹt và áp đảo. Thiên Chúa không bao giớ vắng mặt và luôn là con đường chiếu sáng xua tan bóng tối. Dân Do Thái được giải thoát và dân tộc họ được khôi phục mặc dù trong hình thức mờ nhạt và yếu đuối.

Nhưng hoàn cảnh của riêng chúng ta là gì? Bạo lực vẫn ở cùng chúng ta. Môi trường vẫn còn là một hiểm họa nghiêm trọng. Hận thù, chủ nghĩa cuồng tín, cố chấp hẹp hòi của mọi độc tố đa dạng trong những tiếp xúc của chúng ta. Và năm nay, những hậu quả khổ đau từ sự khủng hoảng kinh tế đã bổ sung trong bảng liệt kê những thảm họa của chúng ta.

Vậy ánh sáng ở đâu? Ánh sáng ở xung quanh tất cả chúng ta xuyên qua bóng tối bằng nhiều cách. Chẳng hạn, Greg Mortenson -sinh năm 1957 (Three Cups of Tea, Stones into School) - đã thúc đẩy hòa bình và sự hiểu biết liên tôn bằng việc xây dựng những ngôi trường trong vùng nông thôn Pakistan và Afghanistan. Những đoàn thể Ki-tô giáo, Do Thái và Hồi giáo nhận những thách thức to lớn để cùng gặp gỡ, hứa hẹn trong việc đối thoại và mưu cầu hòa bình. Nhận thức về môi trường đã được nâng lên bởi những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều cá nhân và đoàn thể. Hàng triệu những hành động âm thầm của lòng hảo tâm và độ lượng thuộc thành phần những cá nhân nặc danh mỗi ngày thắp sáng sự sống của nhiều người.

Cần phải có sự cởi mở và nhạy cảm để nhận ra nó. Tập trung trú ngụ vào những tiêu cực và thú vui trong những nhược điểm của nhân loại bảo đảm rằng chúng ta sẽ bỏ lỡ ánh sáng khi nó đi qua. Ánh sáng của Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người chúng ta khi và chỉ khi chúng ta mở cửa tâm hồn trước sự hiện diện của nó.

Chúng ta ai nấy đều yêu một huyền thoại – một điều gì đó âm thầm phong kín. Hầu như bất kỳ cuốn sách nào có thể được bán trên thị trường với lời hứa hẹn tiết lộ bí mật. Nhưng tác giả Ephesians nói về một huyền thoại tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất trên hết tất cả - đó là sự bao gồm thiêng liêng của tất cả nhân loại. Thiên Chúa không đặc biệt cho một cá nhân, một địa điểm hay một tôn giáo và tất cả đều được đón mời trong mối quan hệ mật thiết.

Trong mọi thời đại, thường ánh sáng được nhìn thấy bởi những người từ phía xa – những người bàng quan – mà không phải những người liền kề bên nó. Câu chuyện về sự gọi mời của ba nhà thông thái đến từ phương Đông đã luôn mê hoặc con người.

Không có bằng chứng nào họ là những vị vua – họ là những linh mục hoặc thánh nhân từ Ba Tư hay xa hơn nữa. Và có thể có nhiều hơn ba vì bài đọc chỉ dùng ở số nhiều. Nhưng điều hiển nhiên rằng họ đã trải qua cuộc hành trình đằng đẵng và gian lao chỉ để chiêm bái phụng thờ hình dáng thiêng liêng bước vào thế giới. Có phải “vì sao” mà họ đi theo là vì sao hay ánh sáng từ nội tại? Có thể là cuối cùng, nhưng muốn là gì thì là, nó đã dẫn đưa họ một cách chính xác đến nơi mà Thiên chúa đã đột nhập lịch sử nhân loại. Những nhà thông thái từ phương Đông đã được mở ra và cố gắng tìm kiếm một cách nghiêm túc – cảnh giác và nhạy bén trước sự êm đềm cùng những chuyển động của bầu trời và những dấu hiệu mạnh mẽ của sự thiêng liêng trong lịch sử loải người. Họ đã theo ánh sáng và đã đến với một nguồn sáng thậm chí tuyệt diệu hơn.

Thiên chúa hiếm khi tạo ra một sự xuất hiện trong những cách hoặc những nơi được mong chờ và chấp nhận. Bám víu vào sự hiểu biết tinh thần hoặc những ý kiến của riêng mình bởi sự e dè xa lạ hoặc thay đổi có thể làm chúng ta mù quáng trước sự vận động của Thiên Chúa qua thế giới của chúng ta. Nhân loại dường như sống trong bế tắc – chúng ta bị câu thúc trong những truyền thống, những hệ tư tưởng và những hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội mà chúng ta đã dựng xây. Nhưng với sự tự nguyện lắng nghe bằng trực giác của con tim có thể dẫn dắt chúng ta ra khỏi vùng vô kiềm tỏa của mình và đi đến một cuộc gặp gỡ mặn nồng hơn với Thiên Chúa và một thế giới hoàn toàn thay đổi.

Nhưng sự sợ hãi có thể là kẻ thù đầy quyền lực và không có nhiều điển hình phù hợp hơn Herod. Ông ta sợ bị thay đổi và mất quyền lực và thực hiện mọi điều với khả năng của mình để dập tắt ánh sáng xuất hiện lần đầu tiên của nó. Chúng ta tất cả đều chia sẻ một ít của Herod nhưng vì ích lợi của thế giới chúng ta, chúng ta cần phải khuyến khích và nuôi dưỡng những gì chúng ta chia sẻ với những nhà thông thái từ phương Đông.

(Nguồn: Regis College – The School of Theoplogy)
 
Tính phổ quát của ơn cứu độ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:22 31/12/2009
Lễ Hiển Linh

Kế hoạch của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý để được cứu độ ( x. 1Tm 2,3-4 ). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định về tính phổ quát của ơn cứu độ rằng: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” ( Eph 3,5-6 ). Như thế, ơn cứu độ không dành riêng cho một ai, cho một dân tộc nào. Họp mừng lễ Hiển linh hay là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân, Hội Thánh không gì hơn là muốn khẳng định với chúng ta rằng ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh, đồng thời cảnh báo chúng tránh xa thái độ cao ngạo độc quyền chân lý, và mặt khác dạy ta cần tích cực sẻ chia cho tha nhân kho tàng ân sủng mình đã lãnh nhận theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Ơn cứu độ là dành cho mọi người. Ngôn sứ Isaia loan báo cảnh huy hoàng rực rỡ của Giêrusalem và chư dân Đông Tây, sẽ tay bế tay bồng dìu nhau đến thờ lạy, ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa ( x. Is 60,3-5 ). Thiên Chúa là Đấng công bình và đầy tình lân ái. Người tỏ mình cho mỗi người mỗi cách khác nhau tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của họ. Chúa công bình vì Người tỏ mình cho tất cả mọi người, chẳng trừ một ai. Chúa lân ái nên Chúa tỏ mình bằng nhiều cách thế để mỗi người theo mỗi hoàn cảnh có thể gặp được Người.

Với những người chăn chiên cừu, vốn ít học nhưng đơn sơ chất phác, thì lời loan báo của vị Thiên Sứ cùng với tiếng hát của đoàn cơ binh Thiên Thần trong ánh sáng huy hoàng quả là một sứ điệp không gì bằng. Dòng lịch sử minh chứng cho ta sự thật này: Chúa Kitô, Mẹ Maria thường hiện ra với những người thôn quê, nghèo hèn nhiều hơn là với những người trí thức, học cao, hiểu rộng hay chốn thị thành. Với các nhà đạo sĩ Đông phương, thì sự xuất hiện một ánh sao lạ trên bầu trời hẳn là một lời mời gọi thiết thực với những “chuyên gia thiên văn”. Còn với các kinh sư, các Thượng tế Do thái giáo, thì thử hỏi có gì quan trọng cho bằng Thánh Kình. Chúng ta không quên việc họ thường mang Lời Chúa được ghi trên các dải vải đính ở tay áo. Thế thì một duyên cớ để họ đọc lại lời của Ngôn sứ Mikêa: “Phần người, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa. Vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” ( Mk 5,1 ), quả là một lời mời gọi hay nói cách khác, là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách tuyệt vời cho họ. Rồi với Vua Hêrôđê, một vị vua trần thế vốn tham quyền cố vị, thì câu hỏi của các nhà đạo sĩ Đông phương: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu” đúng là một sự tỏ mình của Thiên Chúa cách đúng đối tượng.

Thiên Chúa luôn tỏ mình ra với mọi người theo cách thức Người chọn, phù hợp với từng người theo từng hoàn cảnh, số phận khác nhau của họ. Như thế, ta có thể nói là bất cứ ai cũng đều có thể tìm gặp chân lý, đều có thể tìm đến cội nguồn hạnh phúc vĩnh cửu theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng ngoài phép rửa bằng nước còn có phép rửa bằng máu và bằng lòng mến. Thánh Công đồng Vatican II dạy chúng ta: “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ của Đức Kitô, tham dự bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết mà thôi. ( MV số 20 ). Ơn cứu độ là dành cho muôn dân, vì thế chúng ta có thể rút ra một vài hệ luận như tất yếu sau:

Không được phép độc quyền chân lý: chân lý không thuộc riêng một ai, một tập thể nào. Khi ta độc quyền chân lý cách này cách khác là khi ta tự biến mình thành ngẫu tượng. Cần phải bỏ dần thái độ cao ngạo tự tôn của một thời quá khứ khi ta đồng hoá mọi niềm tin, tôn giáo khác ta đều là lầm lạc, là ma quỷ, bụt thần… Cần phải minh định rằng “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Chúa Kitô” ( x.Ga 14,6 ). Tuy nhiên cũng cần cảnh giác thái độ tự tôn cho rằng “ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ”, một thái độ thiếu tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” ( x. Ga 3,8 ). Khi ta có thái độ độc quyền chân lý là lúc ta tưởng như mình đã nắm trọn vẹn chân lý và hữu ý hay vô tình ta đã rơi vào chước cám dỗ của Satan ngày xưa khi cám dỗ tổ tiên loài người: Cứ ăn trái cấm này đi thì hai ông bà sẽ nên như Thiên Chúa, biết được điều lành điều dữ ( x. St 3,5 ).

“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” ( Ga 6,45 ). Thiên Chúa tỏ mình cho mỗi người mỗi cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên để nhận biết Thiên Chúa, phần phía con người cũng cần có sự đáp trả cân xứng. Một vài thái độ đáp trả cần có đó là:

Một tâm hồn biết lắng nghe: đây là thái độ khiêm nhu chân thành, luôn khao khát tìm về chân, thiện, mỹ. Người có tâm hồn biết lắng nghe là người có tấm lòng thành trước những những gì là chính đáng, là phải đạo. Các nhà đạo sĩ Đông phương và những người mục tử thôn dã lúc bấy giờ là những người có tấm lòng thành. Tấm lòng thành ở đây được hiểu như là sự hướng thượng và hướng thiện. Quân vương Hêrôđê chắc chắn không có tấm lòng thành. Các thượng tế, kinh sư ở thành Giêrusalem lúc bấy giờ thì ta không dám quả quyết nhưng chắc chắn họ thiếu động thái lên đường, ra đi.

Một động thái lên đường, ra đi: Khi đã nhận ra tiếng nói của chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu, thì cần phải lên đường, ra đi. Chân lý toàn thiện, tình yêu vĩnh cửu đòi hỏi chúng phải ra đi khỏi cái vị thế hiện tại. Không một ai ở trần gian này có thể nắm được tình yêu vĩnh cửu hay chân lý toàn thiện. Tất thảy đều ở phía trước, chính vì thế cần phải lên đường, ra đi. Các thượng tế và kinh sư ở thành Giêrusalem năm nào dù đã nhận ra Ánh Sáng cứu độ nhưng vì họ đã không lên đường nên không thể gặp được Đấng Cứu Thế. Trái lại khi nhận được dấu chỉ mời gọi, các đạo sĩ Đông phương và các mục tử đã biết lên đường, ra đi. Ra đi là chấp nhận từ bỏ. Lên đường là chấp nhận hy sinh và gian khó. Có một cái khó mà không dễ gì vượt qua hay từ bỏ, đó là những tập tục hay truyền thống mang tính nhân loại. Chúng dễ nhận ra sự thật này nơi nhiều người biệt phái, luật sĩ, tu tế thời Chúa Giêsu, khi Người công khai rao giảng tin mừng.

Chân lý đã thực sự hoàn hảo và đầy đủ nơi Chúa Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình ( x. Col 1,15; Dt 1,1-2 ). Nhưng chúng ta, dù là giáo dân hay giáo sĩ, dù là thần học gia hay “xứng với bậc tông đồ” thì cũng chỉ nhận biết chân lý kiểu như thấy trong tấm gương đồng. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” ( 1 Cor 13,12 ).

Ra khỏi tháp ngà tự mãn cho rằng đã nắm được trọn vẹn chân lý, ra khỏi tháp ngà độc quyền chân lý là cách thế tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Hiển linh, Chúa tỏ mình cho muôn dân cách thiết thực, hữu hiệu và khả tín. Không ngừng kiếm tìm và đón nhận chân lý là một thái độ khiêm nhu vừa có tính giải thoát và tính truyền giáo. Sự thật không chỉ giải thoát chúng ta, mà còn có sức cuốn hút những tâm hồn thiện chí. Và như thế sự thật sẽ làm cho chúng ta xích lại gần nhau, làm cho chúng ta nên một bằng cách thánh hiến chúng ta ( x. Ga 17,17 )

Mừng mầu nhiệm Chúa Hiển Linh, ước gì chúng ta mãi luôn nuôi dưỡng cái tấm lòng thành nơi chúng ta bằng thái độ khiêm nhu biết lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần không chỉ trong Thánh Kinh, trong các cử hành Phụng vụ, trong lời dạy của Hội Thánh…mà còn trong các biến cố lịch sử, trong các nét đẹp thánh thiêng nơi các niềm tin, tôn giáo ngoài Công giáo, nơi các nghĩa cử cao đẹp của những người chưa tin hay chưa nhận biết Thiên Chúa. Lắng nghe không phải để đứng nhìn mà để can đảm lên đường tìm kiếm và đón nhận chân lý. Sự thật toàn vẹn luôn ở phía trước, vì có đó nhiều điều ngay các Tông đồ vẫn chưa thấu hiểu. Chính Thánh Thần là Đấng sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự thật toàn vẹn ( x. Ga 16,12-13 ). Người là Đấng đang mãi hoạt động cho đến ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Không ai có thể trao ban điều mình không có. Tích cực tìm kiếm và đón nhận chân lý là tiền đề tất yếu để ta chia sẻ cho tha nhân hồng ân cứu độ.
 
Mừng Tân Niên Dương Lịch
Hai Tê Miệt Vườn
07:24 31/12/2009
Tân Niên dương lịch khởi đầu,
Mong lòng nhân thế bớt sầu thêm vui.
Hận thù sẽ bị đẩy lùi,
Với bao đố kỵ chôn vùi thật sâu.
Tình người lại được bền lâu,
Ở trong Đức Mến Nhiệm Mầu Ba Ngôi.
Mọi người vui hưởng cuộc đời,
An bình thư thái của thời hồng ân.
Cùng nhau tích cực đấu tranh,
Loại trừ tội ác thực hành yêu thương.
Vũ hoàn khỏi mọi tai ương,
Muôn người vui sống luôn thường bên nhau.
Đồng hành nhịp bước tiến mau,
Đến quê hằng sống đời sau trên trời.

(Mừng Tân Niên Dương Lịch 01/01/2010)
 
Chúa hiển linh
Lm. JB Nguyễn Minh Phương, CSsR
07:27 31/12/2009
CHÚA HIỂN LINH (Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12)

Nơi mỗi người ít nhiều cũng có những tâm tình tôn giáo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đón nhận Thiên Chúa là Đấng tối cao trong lòng họ.

Phần mình, người tín hữu cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa qua thiên nhiên diệu kỳ, qua dòng lịch sử nhân loại và tôn giáo, và nhất là qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.

I. QUA THIÊN NHIÊN

Thánh Mátthêu đề cập đến ánh sáng của Thiên Chúa đã bừng lên qua hiện tượng ánh sao. “Chúng tôi thấy ngôi sao của Người xuất hiện” (Mt 2, 2).

Theo ánh sao chỉ dẫn, các nhà chiêm tinh đã lên đường tìm kiếm Đức Vua của dân Do Thái. Rất có thể, ba nhà chiêm tinh chưa hình dung ra ngôi vị Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giê-su. Có chăng, họ mới mường tượng về một vị vua mới ra đời và họ phải đến triều bái theo nghi thức ngoại giao. Nhưng dù sao, sự hiện diện của ba nhà chiêm tinh bên máng cỏ Bê-lem cũng đủ nói lên phép ứng cử ngay lành và thiện chí khát khao kiếm tìm chân lý và sự thật nơi các ngài.

Thiên Chúa đã dùng hiện tượng thiên nhiên (ánh sao), đã dùng ngôn ngữ, cách sử thế của con người (vị vua) để từng bước tiệm tiến mạc khải về Người cho nhân loại.

Đời người được tiếp xúc với môi trường thiên nhiên: ánh bình tỏa rạng báo hiệu một ngày mới, mặt trời lên chiếu sáng và mang lại hơi ấm, ánh trăng soi tạo cảnh sắc cho đêm, ngọn gió mát thổi đến mang lại hơi thở cho sự sống làm thanh thỏa lòng người, hạt mưa rơi làm phát sinh mầm sống mới…Tất cả những hiện tượng thiên nhiên ấy như đang nhắc nhở cho con người ý thức về bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Tiếc rằng, đang hưởng thụ hồng ân Chúa qua thiên nhiên nhưng không ít người lại tỏ ra vô ơn phủ nhận Thiên Chúa. Xem ra, những gì hưởng thụ miễn phí thì người lại không biết trân trọng nguồn gốc.

Mong sao, mỗi hiện tượng thiên nhiên đều là một câu hỏi để người ta tìm về cội nguồn sự sống. Xa hơn nữa, họ tìm về Đấng Tạo Hóa. Về điều này, người tín hữu phải nêu gương trước tiên với những khắc khoải gặp gỡ Ngôi Lời Nhập Thể. Lịch sử là những ghi nhận diễn biến tôn giáo nơi con người.

II. LỊCH SỬ

Kể từ ngày thảm họa tội lỗi làm mất đi vẻ đẹp nguyên tuyền Thiên Chúa ban cho con người, dân Chúa rơi vào cảnh lầm than “bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân” (Is 60, 2).

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn dõi theo con người và không để họ rơi vào vô vọng. Khi tình thương đã đến đỉnh điểm, Thiên Chúa cho bừng lên ánh sáng, vinh quang của Người “như bình minh chiếu tỏa” (Is 60, 1) chiếu soi lòng người.

Ngày ấy, để gặp gỡ Thiên Chúa, dân Chúa đi về phía ánh sáng, vua chúa trần gian phải hướng về ánh bình minh (x Is 60, 3). Từ muôn nơi, con trai, con gái của Thiên Chúa quy tụ loan truyền lời ca tụng Thiên Chúa, cùng làm nên một cộng đoàn dân thánh: mặt mày rạng rỡ, lòng dạ hớn hở tưng bừng…

Ánh sáng bừng lên, bình mình đã ló dạng, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử loài người nhưng trong thực tế rất nhiều người vẫn còn thơ ơ lãnh đạm, thậm chí khước từ Người. Ước mong sao, người tín hữu cảm nhận được ánh sáng chúa đang chiếu soi tâm hồn của họ, cảm nhận được ánh bình minh của Chúa đang là những tia sáng hy vọng hướng dẫn cuộc đời họ, trở nên dấu chứng niềm tin cho nhân loại.

III. NGÔI LỜI NHẬP THỂ

Lịch sử cứu độ là cả một lịch sử khát khao Đấng Cứu Thế. Vậy mà Cứu Thế đã đến nhà mình nhưng người nhà không đón nhận (x.Ga 1,10-14). Sao thế?

- Sự cực đoan nơi con người: Khi nghe các nhà chiêm tinh nói về vị vua dân Do Thái ra đời, vua Hê-rô-đê đã cho triệu tập các kinh sư và các thượng tế để trao đổi. Về lý thuyết, tất cả họ đều biết rất rõ Vị Lãnh Tụ chăn dắt It-ra-en sẽ ra đời tại Bê-lem. Trong lòng tin, thì Vị Lãnh Tụ này không khớp kinh nghiệm của họ nên họ khó chấp nhận một sự tương phản. Bê-lem nhỏ bé không thể sánh với Giê-ru-sa-lem. Bê-lem không thể là nơi sinh ra của một vị vua được.

Sự tự phụ nơi con người: Về kiến thức tôn giáo, những kinh sư và những thượng tế là những người thông thái, là những bậc thầy trong dân Do Thái, nhưng về lòng tin thì xem ra họ mới chỉ biết một mớ lý thuyết chứ chưa hề biết về Thiên Chúa nhập thể làm người. Thế mới hay, sự duy lý đã khóa chặt con người trước mạc khải của Thiên Chúa: người có đạo chưa chắc đã có Chúa; người có Chúa rồi sẽ có đạo..

- Lòng gian ác: Thông tin về một vị vua Do Thái ra đời đã làm cho vua Hê-rô-đê run sợ về sự an nguy ngai vàng của ông. Từ đó, mọi sự tiếp đón của ông đối với những nhà chiêm chiêm tinh chỉ là trò giả hình, gài bẫy, mưu đồ giết hại Hài Nhi Giê-su; bằng chứng là sau đó ông đã hạ lệnh giết sách các hài nhi từ hai tuổi trở xuống. Rõ ràng lòng dạ độc ác của con người đã ngăn lối họ đến với Thiên Chúa.

Chúa đã đi vào trần gian và mang tên Giê-su nhưng sự cực đoan, tự phụ và lòng gian ác đã khép kín tâm hồn người ta, ngăn bước họ đến với Chúa. Thánh Phao-lô kinh nghiệm Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mạc khải mầu nhiệm: “Trong Đức Ki-tô và nhờ Tin Mừng các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người DoThái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Chúa hứa” (Ep 3, 5).

Như thế, nhờ Chúa Thánh Thần Thiên Chúa đã tỏ mình nơi Đức Kitô. Trong Đức Kitô, muôn dân được hiệp nhất. Ước mong người tìn hữu mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, xin Người dẫn đến Chúa Giê-su. Nơi Chúa Giê-su, tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ bày.

KẾT

Thiên Chúa đã đến trần gian và từng buớc tiệm tiến tỏ mình cho nhân loại qua lịch sử, qua thiên nhiên, nhất là qua Ngôi Lời Nhập Thể.

Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng đã tôn trọng sự tự do nơi con người và con người đã sử dụng tự do để thuận theo hoặc khước từ Người.

Cách riêng người tín hữu sẽ chọn lựa đi về phía ánh sáng để thờ lạy Chúa là chân lý và sự thật. Tin vui cứu độ phải được loan báo cho toàn dân.
 
Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại
Đinh Lập Liễm
08:07 31/12/2009
LỄ HIỂN LINH

+++

A. DẪN NHẬP

Lễ hôm nay là lễ “Hiển linh” mà ngày xưa gọi là Lễ Ba Vua. “Hiển linh” là biểu lộ thần tính. Điều mà Giáo hội kính nhớ và vui mừng cử hành là việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến và tỏ mình ra cho nhân loại.

Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia tiên báo là ánh sáng của Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên Israel và các dân tộc sẽ hướng về ánh sáng ấy mà cất bước. Lời sấm ấy đã được ứng nghiệm, vì Con Thiên Chúa đã giáng thế, sinh ra tại Bêlem, các đạo sĩ đã đại diện cho các dân ngoại mà tìm đến và thờ lạy Ngài.

Bài Tin mừng kể lại cho chúng ta sự kiện các đạo sĩ Đông phương tới Bêlem để tìm kiếm và thờ lạy Chúa Cứu thế. Thánh Matthêu nêu ra cho chúng ta những thái độ khác nhau của từng hạng người trước việc Chúa Cứu thế tỏ mình ra: kẻ chấp nhận, người từ chối. Việc Chứa Cứu thế tỏ mình ra cho các đạo sĩ nói lên lòng thương yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân ngoại.

Chúng ta cũng là dân ngoại đã được Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng vẫn còn phải tiếp tục tìm gặp Ngài qua Thánh Kinh, qua Giáo hội và qua các biến cố trong đời sống thường ngày. Để đáp lại tình thương ấy, chúng ta phải cố gắng trở thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời (bài đọc 2) để soi dẫn cho những ai chưa biết Chúa tìm đến gặp Ngài, qua cuộc sống tràn đầy tình thương và phục vụ của chúng ta trong thế giới hôm nay.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 60,1-6

Mặc dầu phải sống cơ cực trong cảnh lưu đầy, bị kẻ thù áp bức, tương lai đen tối mù mịt, niềm hy vọng được giải thoát đã mờ nhạt dần, tiên tri Isaia lại có một giấc mộng rất lạc quan, theo đó, dân Chúa sẽ được trở về quê hương trong tiếng ca vui, mọi người nô nức góp sức trùng tu lại đền thờ Giêrusalem. Lúc đó đền thờ lại được rạng rỡ, sẽ trở thành ánh sáng thu hút muôn dân vì được ánh hào quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên đó, và mọi người sẽ qui tụ về thành ánh sáng ấy cùng với vàng bạc, đá quí, đồng thời loan truyền lời ca tụng Thiên Chúa.

Trong thực tế, dân Chúa đã được giải thoát, trở về quê hương, xây dựng lại đền thờ, nhưng giấc mơ của tiên tri Isaia chỉ được thực hiện trọn vẹn trong Đức Giêsu, là ánh sáng của trần gian. Giấc mơ của tiên tri Isaia còn hướng về thời cánh chung, khi mọi sự được hoàn tất. Và như thế, tác giả sách Khải huyền có lý khi mượn lại những lời tiên tri hôm nay để nói về Giêrusalem trên trời (x. Kh 21,9-27).

+ Bài đọc 2: Ep 3,2-3a.5-6

Dân Do thái luôn hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa, dân riêng của Lời hứa. Họ tin rằng ơn cứu thoát chỉ được dành riêng cho họ, còn dân ngoại thì bị đẩy ra ngoài. Nhưng thánh Phaolô, cũng là người Do thái, không nghĩ nghư vậy ! Theo ngài, Thiên Chúa đã mạc khải cho ngài biết: Ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ mọi người, không dành riêng cho ai. Ngày nay Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri mầu nhiệm Đức Kitô, đó là: trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin mừng, các dân ngoại cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ lời Thiên Chúa hứa.

+ Bài Tin mừng: Mt 2,1-12

Các đạo sĩ Đông phương, là những nhà chiêm tinh, thấy một ngôi sao lạ xuất hiện và với sự soi sáng của ơn trên, các vị biết có Đấng Cứu thế đã ra đời, và các vị đã lên đường triều bái Chúa Hài nhi.

Có người cho rằng đây không phải là ngôi sao lạ mà chỉ là ngôi sao chổi tình cờ xuất hiện và có sự trùng hợp thôi. Nhưng nếu không lạ thì làm sao, trước khi Giáng sinh, tiên tri Mikea đã viết trong Cựu ước: ”Hỡi Belem Eprata, ngươi nhỏ nhất trong Giuđa, song từ nơi ngươi sẽ sinh ra Đấng cai trị trong Israel”(Mk 5,1). Các thầy tư tế được vua Hêrôđê triệu tập đến sau khi các đạo sĩ tới, cũng xác nhận như thế (Mt 2,4-6) mà các đạo sĩ đã thấy NGÔI SAO của Chúa bên phương Đông, nên đến thờ lậy (Mt 2,2).

Nếu tiên tri Mikea không được Thiên Chúa mạc khải làm sao ông ấy biết và nói trước đúng thời gian và địa điểm ? Nếu đó chỉ là “ngôi sao chổi” tự nhiên, thì tại sao nó lại hướng dẫn được các đạo sĩ từ phương Đông xa xăm đến tận nước Do thái. Tại sao khi nó hướng dẫn các đạo sĩ đến Giêrusalem thì nó lại “biến” mất ? Tại sao nó lại tái xuất hiện và “đi trước mặt cho đến ngay chỗ con trẻ sinh ra mới dừng lại” ? Nếu là sự trùng hợp thì tại sao sự trùng hợp ấy lại được các đạo sĩ phương Đông biết trước mà đi tìm Chúa Cứu thế ? Vì vậy, phải gọi là “Anh sao Belem”.

Vì thế, qua ánh sao lạ, Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân, đang khi các nhà trí thức Do thái ở Giêrusalem tuy thông thạo Thánh kinh nhưng đã không nhận ra Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lễ của ánh sáng và quà tặng

I. HIỂN LINH VÀ NGÔI SAO LẠ

1. Ý nghĩa ngôi sao lạ

Theo quan niệm của người Đông phương. Sự xuất hiện của một vì sao trên trời có quan hệ đến một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương, người ta vẫn gọi đó là ngôi sao chiếu mạng. Các nhà chiêm tinh Đông phương đều tin như vậy, vì thế nảy sinh hẳn một môn chiêm tinh học với các khoa tử vi.

Hôm nay Giáo hội kể lại biến cố ba nhà thông thái đến triều bái Chúa Hài nhi. Magi có nghĩa là những nhà khoa học kinh nghiệm (Nature Scientist), họ là những chiêm tinh gia và những nhà thiên văn. Họ đến từ phương Đông, dĩ nhiên họ không phải là người Do thái. Và chỉ hỏi có hai câu: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Người.

Có nhiều người cho rằng có lẽ các khoa học gia này đã nhìn thấy sao chổi và đi theo. Nhưng năm 1603, nhà toán kiêm thiên văn Johannes Képler giải thích theo tài liệu cho thấy vào năm Chúa Giáng sinh có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng: bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau, năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng với ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng.

Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi ? Nhưng điểm muốn nhấn mạnh ở đây, là tại sao các nhà thông thái biết chắc chắn là vua Do thái đã sinh ra. (Chúng ta biết rằng các nhà khoa học không bao giờ hấp tấp kết luận một cách hồ đồ). Phải chăng các ngài đã được Thiên Chúa mạc khải ? Đúng thế ! Ngôi sao trên bầu trời Belem đã dẫn các đạo sĩ Đông phương trải qua một cuộc lữ hành xa lạ, đầy khó khăn nguy hiểm đã đem các ông đến nơi Con Trẻ mà các ông muốn tìm kiếm. Chính ngôi sao đã bảo tồn cho họ niềm hy vọng, ước nguyện, đức tin mà Thiên Chúa đã mạc khải cho. Cũng chính ngôi sao đã cho họ thấy Con Trẻ cũng là Vua của họ để họ chuẩn bị lễ vật triều kính Ngài.

2. Ý nghĩa ngày lễ

Như vậy, lễ Hiển linh là một ngày lễ cách mạng. Đức Kitô được mạc khải như là Đấng Cứu độ, không phải là của một nhóm người được chọn, nhưng của tất cả mọi dân tộc. Đức Giêsu đã bẻ gẫy rào cản lớn tồn tại giữa dân Do thái và dân ngoại. Trên thực tế, sứ điệp của Đức Giêsu, người Anh Cả của toàn thể vũ trụ, đã vượt qua tất cả những rào cản của bộ tộc, họ hàng. Lễ Hiển linh là một ngày lễ đẹp, bởi vì ngày lễ này đưa mọi người lại với nhau.”Bấy giờ, tất cả mọi người đều được chia sẻ cũng một quyền thừa kế, họ trở nên một phần của cùng một thân thể”.

II. HIỂN LINH VÀ ÁNH SÁNG

1. Đức Giêsu và ánh sáng

Trong bài khởi đầu sách Tin mừng thứ tư, thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là ánh sáng:”Ở nơi Người vẫn có sự sống và sự sống là sự sáng của nhân loại, sự sáng chiếu soi trong u tối và u tối đã không tiếp nhận sự sáng”(Ga 1,4). Và sau này chính Đức Giêsu cũng xác định điều đó. Cho nên, cần phải có sự hiện diện của Chúa ở trần gian để trần gian biết đường đi và khỏi bị vấp ngã.

Trong ấn bản trên mạng của tuần báo Newsweek vào ngày 5 tháng 12 năm 2004, sau một cuộc thăm dò các độc giả về niềm tin vào Chúa Giêsu. Khi được hỏi là liệu thế giới ngày nay sẽ trở nên tốt lành hay xấu xa hơn nếu như không hề có Chúa Giêsu, thì

- 61% trả lời rằng: thế giới hôm nay sẽ xấu xa và tan tác hơn nếu như không có Chúa Giêsu.

- 47% nói rằng: sẽ có nhiều cuộc chiến tương tàn hơn, nếu như Chúa Giêsu không tồn tại nơi thế giới này. (16 % thì nói ngược lại, và 26% thì cho rằng thế giới cũng giống như vậy nếu có hay không có Chúa Giêsu).

- 63% nói rằng sẽ có ít lòng nhân ái hơn, và 58% thì cho rằng sẽ có ít lòng khoan dung hơn nếu như không có Chúa Giêsu. 59% thì cho biết hạnh phúc cá nhân sẽ bị mất đi và 38% tin rằng sẽ có nhiều sự chia rẽ về tôn giáo nếu như thế giới này không có Chúa Giêsu.

(Báo Công giáo và dân tộc, số 1487-1488, tr 53).

2. Chúng ta và ánh sáng thế gian

Những người theo Chúa thì được Chúa soi sáng, cho nên cũng phải là ánh sáng mặc dù chỉ là ánh sáng phản chiếu:”Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt 5,14) Và nếu đã là ánh sáng thì phải tỏa ra như Chúa dạy:”Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,1516).

Anh sáng của ngọn đèn chúng ta chỉ leo lét, yếu ớt, nhưng cũng làm nên một đốm sáng trong đêm tối và nếu như đốm sáng chiếu soi thì có thể làm cho bầu trời tối tăm trở nên sáng rực. Cuộc sống gương mẫu của chúng ta chỉ rất nhỏ, rất mờ nhạt trong cộng đoàn, nhưng nó cũng làm cho cộng đoàn trở nên chứng tá lớn cho xã hội chưa nhận biết Chúa.

Truyện: Anh sáng ở vận động trường.

Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước 100.000 người tại sân vận động Los Angeles bên Hoa kỳ. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và nói:”Bây giờ xin các bạn đừng sợ ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.

Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dầy đặc. Ông John Keller nói tiếp:”Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Đã thấy”. Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên: “Đã thấy”.

Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: ”Anh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tối tăm của nhân loại y như vậy”.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: ”Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên”. Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

Ông Keller kết luận:”Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”(Lẽ sống, 143)

Các đạo sĩ phương Đông đã nhờ ngôi sao lạ của “Vua dân Do thái sinh ra” tức Hài Nhi Giêsu, mà đến được Be lem và gặp được Hài nhi Giêsu cùng Mẹ Người là Bà Maria. Cũng thế, 86 triệu người Việt nam nói riêng và hàng trăm triệu người châu Á nói chung sẽ chỉ nhận ra Đức Giêsu là Cứu Chúa nếu mỗi người công giáo Việt nam là một SAO dẫn đường chỉ lối cho họ.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta là con người thời nay trông chờ (và tin tưởng) các chứng nhân hơn là các thầy dạy, vì có nhiều thầy dạy lại dạy một đàng mà sống một nẻo, thậm chí sống ngược lại những điều họ giảng dạy, chẳng khác gì các Biệt phái và Pharisêu thời Chúa Giêsu. Trong cụ thể, chỉ khi người Kitô hữu sống tinh thần Bát phúc, sống yêu thương, trách nhiệm, công bình, thanh liêm, hy sinh, phục vụ tha nhân và ích chung thì mới thành SAO trên bầu trời và trong cộng đồng con người được.

3. Mỗi người là một ánh sao

Thánh Gioan tông đồ nói:”Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Anh sáng chiếu soi trong bóng tối nhưng bóng tối không chấp nhận ánh sáng”(Ga 1,4-5). Nếu thế gian không chấp nhận Chúa Giêsu là ánh sáng thì thế gian vẫn ở trong bóng tối. Chúng ta phải làm sao cho thế gian nhận được Chúa Giêsu thì chúng ta phải soi sáng cho họ. Vì thế, trong thư gửi cho tín hữu Philipphê, thánh Phaolô tông đồ đã khuyên:”Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).

Tại sao chúng ta, các Kitô hữu là những ngôi sao ? Thánh Phaolô tông đồ giải thích:”Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Ngài muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác hơn, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8). Cho nên cách sống yêu thương của chúng ta làm cho người khác nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời đêm tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy (Carolô).

Trong đời sống xã hội hôm nay có rất nhiều ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật, đủ mọi lãnh vực, ví dụ ngôi sao nhạc rock, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao bóng đá, thôi thì loạn cào cào với các vì sao ! Có những người chưa xứng đáng là “sao” mà cũng tự nhận mình là sao, thậm chí có những người vênh váo tự phong mình là “siêu sao” !

Trong phạm vi tôn giáo, ta thấy có những Kitô hữu âm thầm sống bác ái yêu thương, chiếu tỏa nhân đức cho những người chung quanh, nhưng chỉ dám nhận mình là tôi tớ vô dụng, chỉ làm theo nhiệm vụ của mình. Thời nay, chân phước Têrêsa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao la cũng là vì sao chiếu sáng trên vòm trời thế kỷ 20.

Là Kitô hữu, chúng ta phải là những vì sao lấp lánh trên vòm trời. Chúng ta có thể trở thành SAO MAI được chăng ? Sao mai chính là Kim tinh ở cách xa mặt trời 108 triệu cây số. Kim tinh tương đối gần mặt trời (nó xoay quanh mặt trời trong vòng 224,7 ngày) vì thế nó sáng hơn. Ta thấy nó mọc trước khi mặt trời mọc và lặn sau khi mặt trời lặn. Người xưa đã có thời lầm, cho đó là hai ngôi sao khác biệt: sao mai và sao hôm.

Anh sáng của SAO NAI (Kim tinh) thật là rực rỡ, làm cho người ta liên tưởng đến những gì đẹp đẽ mỹ miều nhất:”Đẹp như ánh sao mai”. Đó là câu chúng ta vẫn thường nói. Và đặc biệt, Kim tinh, Ngôi sao mai đã được dùng để chỉ Đức trinh nữ Maria: Stella matutina (Đức Bà như Ngôi Sao mai sáng vậy). Nhiều bài ca kính Đức Mẹ đã hoan hô Ngài bằng danh từ ấy: Bà là ai như hào quang Thiên Chúa, như mùa xuân không úa, như vì SAO MAI rạng, như chính cửa thiên đàng (Hoàng Diệp).

Sang thế kỷ 21 này, Thiên Chúa vẫn còn muốn Hiển linh, nghĩa là muốn tỏ mình ra cho nhân loại thế kỷ này. Chúa vẫn cần những ngôi sao lạ chiếu sáng trên vòm trời thế hệ này. Những ngôi sao ấy là chính chúng ta.

III. HIỂN LINH VÀ QUÀ TẶNG

Những nỗ lực của các đạo sĩ không bị từ chối. Thánh Matthêu cho biết sau khi rời khỏi Giêrusalem thì bấy giờ “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Và sau khi đã gặp thấy Hài Nhi và thân mẫu là Maria, “họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(Mt 2,11).

Các Giáo phụ thường giải thích các lễ vật dâng Chúa Hài nhi theo nghĩa tượng trưng: Vàng chỉ Hài nhi là Vua; nhũ hương chỉ thần tính, và mộc dược chỉ nhân tính. Có người lại giải thích ý nghĩa ba lễ vật đó như sau: Vàng ám chỉ đức tin, thể hiện qua thái độ phục bái suy tôn, nhũ hương ám chỉ đức cậy, thể hiện qua tâm tình cầu nguyện sốt sắng; mộc dược ám chỉ đức mến, thể hiện qua những hy sinh khiêm nhường phục vụ tha nhân.

Truyện: Món quà của Artaban.

Henry van Dyke có thuật lại câu chuyện, nhan đề The Other Wise Man (còn một nhà đạo sĩ khác nữa), kề về nhân vật thứ tư là người đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm vị vua vừa sinh ra. Nhân vật này tên là Artaban. Trong lúc chuẩn bị lên đường, Artaban mang theo một túi đựng đá quí để dâng tặng Au Vương. Thế nhưng trên đường đến gặp ba vị thông thái kia để cùng đi, Artaban lại dừng chân để giúp một người nghèo khổ và thế là ông ta bỏ mất cơ hội theo kịp các vị kia. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục kiên trì dừng lại giúp đỡ những ai gặp khốn khó. Cuối cùng ông cho đi tất cả số đá quí của mình. Kết cuộc Artaban đã trở nên già nua và nghèo khổ. Và ông chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ gặp được vị vua các vua để đặt túi đá quí của ông dưới chân Ngài.

Câu chuyện The Other Wise Man có thể kết thúc ở đây, nhưng nếu chỉ có thế thì đây quả là một câu chuyện đáng buồn vì nó kể chuyện một người chưa thực hiện được giấc mộng lớn của đời mình. Nhưng may thay, câu chuyện đã không kết thúc ở đây. Một ngày kia Artaban đang ở trong thành Giêrusalem, cả thành phố đầy xôn xao, náo nhiệt vì nhà cầm quyền sắp sửa hành hình một tội nhân. Khi Artaban nhìn thấy tội nhân, trái tim ông đập lên thình thịch. Linh tính cho ông biết đây chính là Vua các vì vua mà ông đã suốt đời tìm kiếm. Nhìn cảnh tượng trước mắt, Artaban cảm thấy trái tim như tan vỡ ra, nhất là vì ông chẳng có thể làm được gì để giúp đỡ vị vua ấy. Thế nhưng thật kỳ diệu thay khi Artaban nghe tiếng vị vua ấy nói cùng ông:”Này Artaban, đừng buồn khổ nữa. Suốt đời ông đã từng giúp đỡ ta. Khi ta đói ông đã cho ta ăn, ta khát, ông đã cho ta uống, ta trần trụi ông đã mặc áo cho, ta là khách lạ, ông đã đón ta vào nhà” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 50-51).

Như thế, lễ Hiển linh nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều có một món quà để dâng tặng cho vị Vua trên các Vua. Và câu chuyện “Còn một nhà đạo sĩ khác nữa” nhắc chúng ta nhớ rằng món quà của chúng ta còn quí giá hơn những món quà của các đạo sĩ, bởi vì món quà của chúng ta dâng không phải chỉ là tặng phẩm trao dâng một lần như vàng, nhũ hương và mộc dược, mà chính là món quà liên lỉ của tình yêu và tinh thần phục vụ tha nhân. Nhiều người sẽ cho rằng chúng ta điên rồ khi tặng dâng những món quà này, nhưng chẳng qua là vì họ không biết được màn cuối của câu chuyện khi mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với Artaban:”Hãy đến đây, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng vương quốc dành sẵn cho các con từ thuở khai thiên lập địa, vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn…(x. Mt 25,34-35).

Lễ Hiển linh thách thức tâm hồn chúng ta cởi mở tâm hồn của mình ra. Khi biết cởi mở tâm hồn, là bắt đầu biết sống. Đức Giêsu không cần đến những quà tặng của chúng ta, nhưng người khác có thể cần đến. Người mong muốn chúng ta chia sẻ chính bản thân chúng ta cho người khác. Và nếu nhờ được biết Đức Giêsu, mà chúng ta có khả năng mở kho tàng của tâm hồn mình ra, và chia sẻ cho người khác, thì chính chúng ta cũng sẽ cảm thấy mình được trở nên phong phú hơn.

IV. HIỂN LINH VÀ TÌM KIẾM

Đối với các nhà bác học Đông phương, sự xuất hiện của một ngôi sao như thế là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi nghiên cứu tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan niệm của họ cũng tương hợp với lời tiên tri của Kinh thánh:”Một vì sao hiện ra từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel”(Ds 24,17). Vì vậy, khi họ thấy ngôi sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao xuất hiện từ Giacóp” hầu tìm ra con đường sáng cho mình, cho thế giới u minh.

Ba nhà bác học đã đến từ quốc gia xa xôi, để thần phục Hài nhi Giêsu trong khi các đại giáo trưởng, các luật sĩ Do thái (Mt 2,4) họ có không phải chỉ một ngôi sao đêm lấp lánh trên nền trời, mà họ có cả một thư viện, đầy sách vở. Họ có Thánh kinh mà họ mang trên ngực, chít trên đầu. Họ am hiểu các tiên tri về Chúa Cứu thế. Họ biết nhưng họ không thấy, hay không muốn thấy. Chúa sinh ra cách đó có 8 cây số, các thiên thần ca hát trên không trung, các mục đồng lao nhao rủ nhau đi thờ lạy. Nói chung, cả dân tộc Do thái và nhân loại không nhìn thấy ngôi sao và cũng không để tâm nghiên cứu tìm hiểu.

Ngày nay cũng như cách nay hơn 2000 năm, mọi người phải cố gắng tìm ra Chúa. Phải cố gắng tìm gặp Chúa qua các biến cố của đời sống hôm nay. Hơn nữa, suốt đời sống đạo của chúng ta là một cuộc tìm kiếm Chúa không ngừng. Do đó, những ai tự mãn cho rằng mình đã gặp được Chúa qua cái nhãn hiệu công giáo bên ngoài, qua việc lãnh nhận các phép bí tích như một cái máy không hồn, qua việc học hỏi giáo lý sơ sài, để rồi không chịu khó nhờ vào các biến cố thực tế của đời sống để gặp Chúa, yêu Chúa qua anh em thì mãi mãi họ chẳng những không tìm thấy Ngài mà còn mất Ngài nữa.

Chúng ta vừa là người tìm kiếm vừa là ánh sao soi cho người khác đi tìm kiếm Chúa. Cuộc đời của chúng ta bên kẻ khác chỉ có nghĩa khi nào sự hiện diện của chúng ta là một lời mời gọi, dẫn đưa người khác cùng với chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta chỉ sống trọn vẹn ý nghĩa đời con Chúa khi cuộc sống của chúng ta là một ánh sao dẫn lối cho anh chị em chúng ta đến với Chúa.

Sách Tin mừng nói:”Ba nhà đạo sĩ sau khi thờ lạy Chúa, dâng lễ vật, họ nhận được mộng báo đừng trở lại với Hêrođê, họ đi qua đường khác, trở về xứ sở mình”(Mt 2,12). Ba nhà đạo sĩ sau khi thờ lạy Chúa, đã được soi sáng, đã không trở về với Hêrôđê, tượng trưng cho dục vọng, tham ô, tội lỗi, mà đã qua đường khác, nghĩa là đã thay đổi nếp sống và trở về làm tông đồ. Làm chứng tá, rao giảng Tin mừng khắp nơi, không phải ở Đông phương mà ở cả Tây phương. Tục truyền rằng Ba vua đã qua giảng đạo tận Tây Đức và hiện nay có mộ ba vị ấy ở thành Cologne, trên bờ sông Rhin ở Tây Đức.

Đó cũng là bài học cho chúng ta. Chúng ta cũng là dân ngoại, nhưng được Chúa hiển linh, được ngôi sao của Chúa hướng dẫn thì nay chúng ta cũng phải trở nên ngôi sao hướng dẫn kẻ khác đến với Chúa, bằng lời nói, bằng việc làm, và cả cuộc sống chúng ta.

Trong công đồng Vatican II, có một vị Hồng y da đen Phi châu đã nói với các nghị phụ khi bàn đến lòng đạo đức sa sút ở các nước Tây phương rằng, một ngày nào đó, Chúa sẽ dùng chúng tôi để rao giảng Tin mừng lại cho các nước Tây phương. Đó không phải là sự kiêu hãnh, mà là một bổn phận sau khi đã được ơn hiển linh, như lời thánh Phaolô trong bài đọc 2:”Nhờ Tin mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một bản thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô”(Ep 3,6) (Hồng Phúc).

Người ta nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt. Không, không có ai là ngôi sao xấu. Tất cả đều là ngôi sao tốt. Trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người đều có một chỗ đứng, một vai trò nào đó. Vì thế, không ai được tự ti mặc cảm, chán nản thất vọng. Cũng không ai được tự tôn tự phụ, huênh hoang…Chúng ta hãy sống thực sự là một con người, hơn nữa, thực sự là một người con Chúa.

Trong ngày lễ Hiển linh, chúng ta cảm đội ơn Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại vì chúng ta một thời cũng là dân ngoại. Cái thái độ và mục đích của các đạo sĩ trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa khiến ta cần tìm hiểu và học hỏi. Họ chân thành tìm Chúa để thờ lạy Người chứ không giả hình như vua Hêrôđê. Hêrôđê khi nghe Đấng Cứu thế mới sinh thì bối rối sợ hãi vì sợ mất ngai vàng. Còn các nhà thông thái thì nhửng nhưng vì họ cậy họ có sẵn kho tàng Kinh thánh. Họ cho rằng nếu Chúa Cứu thế xuất hiện thì tự nhiên họ phải biết chứ không cần đi tìm kiếm. Cái thái độ tự mãn đó làm họ mù quáng không nhận ra ngôi sao lạ để đi tìm Chúa.

Ba Vua đã được hân hạnh đến triều bái Chúa Hài nhi, dâng lễ vật cho Ngài. Chúng ta cũng lưu ý rằng lúc Ba vua đang thờ lạy và dâng lễ vật thì có Mẹ Maria ở đó. Chắc Mẹ Maria đã nhận lấy những lễ vật ấy và nói vài lời cảm ơn các ông thay cho Chúa Giêsu. Chúng ta hãy dâng lên Mẹ những tâm tình của chúng ta trong ngày lễ hôm nay:

“Lạy Mẹ, cuộc đời của con cũng là cuộc hành trình đi tìm Chúa. Anh sáng Chúa vẫn luôn dẫn lối chỉ đường cho con. Đó chính là những lời của Chúa trong Thánh Kinh. Chúa đang dẫn con từng bước qua lời dạy của Giáo hội như một ánh sao đặc biệt. Các đạo sĩ đã nhận ra Chúa, vì họ đã nỗ lực tìm kiếm. Con cũng muốn noi gương các vị đạo sĩ, luôn quên mình bất chấp mọi khó khăn đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Con quyết tâm mỗi ngày nhận ra Chúa nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật. Đây không phải là chuyện dễ làm ! Xin Mẹ thương giúp con. Con sợ lòng kiêu căng và sự tự mãn làm con ra mù tối đến nỗi không gặp được Chúa như Hêrôđê và các luật sĩ xưa. Nhưng con chân thành chạy đến với Mẹ. Xin Mẹ thương giúp đỡ con”(Đan Vinh).
 
Cánh cửa mở sang năm mới.
LM. Nguyễn Ngọc Long
09:58 31/12/2009
Cánh cửa mở sang năm mới.

Khi kim đồng hồ chỉ đúng 24.00 giờ lúc nửa đêm là thời điểm ngày cũ kết thúc, và đồng thời cũng là thời điểm bắt đầu sang ngày mới. Cũng vậy, vào đúng nửa đêm ngày 31.12. hằng năm, năm cũ kết thúc đi vào qúa khứ và năm mới ngày 01.01. bắt đầu xuất hiện, một tương lai thời gian mới mở ra cho đất trời cùng cho lòng người.

Tùy theo tục lệ văn hóa mỗi dân tộc đất nước, cùng tâm tính mỗi người, người ta đón mừng năm mới theo cách thế khác biệt nhau. Có nơi đốt pháo reo hò, kéo chuông đánh trống phèng la, ca hát hò hét to tiếng. Có nơi người ta tụ tập nhau lại đọc kinh hát thánh ca. Có những người tư lự suy nghĩ về thời gian qúa khứ vừa trôi qua và về tương lai đang tới. Có người vui mừng cười nói, nhưng cũng có người lộ nét mặt tư lự lo âu…

Nhưng năm mới có thể mang lại gì cho đời sống mỗi người?

Tên gọi tháng thứ nhất của năm theo tiếng Tây phương: Januar, Janvier, January… mang tiềm ẩn hai ý nghĩa. Ngày xưa người Rôma kính thờ thần Gianus, vị thần này có hai khuôn mặt được vẽ hay khắc bên ngoài và bên trong cánh cửa chính ra vào nhà có ý nghĩa: Thần của khởi đầu và Thần của tận cùng. Một mặt vị thần này nhìn ra phía trước, và một mặt vị thần nhìn lại phía đàng sau. Theo dòng thời gian đầu thần Gianus được dùng làm biểu tượng không chỉ khắc vẽ trên cửa nhà như thần canh giữ cửa nhà, nhưng còn muốn diễn tả đặc tính hay cách cư xử ẩn chứa hai ý nghĩa nữa.

Ngày 01.01. hằng năm là ngày Hòa bình thế giới. Mọi người khắp nơi trên hòan cầu đều cầu chúc mong ước hòa bình đến cho nhân loại. Nền Hòa bình được kiến tạo với hai chiều ý nghĩ: hòa bình không chỉ là lời nói xuông thôi, nhưng còn phải có hành động xây dựng đi kèm theo nữa. Có thế nền hòa bình mới tỏ hiện trong đời sống. Và Thánh Phanxicô thành Assi đã có tâm tư cầu nguyện hòa bình: „ Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa“.

Cánh cửa năm mới sau nửa đêm ngày 31.tháng 12.năm cũ mở sang năm mới với tầm nhìn quay trở lại năm cũ đi vào dĩ vãng và tầm nhìn hướng về tương lai phía trước đang tới. Một tầm nhìn với lòng biết ơn hay chút tâm tình ăn năn thống hối làm hòa với tất cả những gì đã xảy, và tầm nhìn đầy niềm tin tưởng cùng niềm hy vọng những gì đang cùng sẽ tới.

Tin lành bình an của Năm Mới mang đến cho con người chúng ta cũng như một cánh cửa mở ra với hai khuôn mặt. Lòng tin tưởng và niềm hy vọng của chúng ta có tên là Chúa Giêsu ( Lc 2,21). Tên của năm mới như một cánh cửa, như một cửa sổ mở ra một khung cảnh thế giới khác. Tên đó là tên của sự hứa hẹn ban ân đức: Giêsu – Thiên Chúa cứu độ! „ Không có tên nào khác ban cho nhân loại mang đến ơn cứu độ“ (Công vụ tồng đồ 4,12). Và trong tên Giêsu chúng ta cầu nguyện cùng xin ơn tha thứ bình an phù hộ cho đời sống mình. Cũng cùng trong danh Giêsu, chúng ta từ ngày lãnh nhận làn nước bí tích rửa tội, đi vào cánh đồng truyền giáo như nhân chứng cho tình yêu: Thiên Chúa là nguồn ơn cứu chuộc và bình an.

Trong dân gian có suy tư đầy kinh nghiệm thực tế về đời sống mỗi người: Tất cả những bước đi cần thiết đều khởi đầu từ bước thứ nhất!

Vào ngày đầu Năm Mới sự suy tư đầy khôn ngoan này là một nhắc nhớ về bước đường đời sống tương lai đang tới. Lẽ tất nhiên kho tàng khôn ngoan của nhân loại có nhiều tên tuổi khác nhau. Nhưng tên của một người phụ nữ, mà hằng năm vào ngày 01. Tháng Giêng năm mới trong nếp sống Giáo Hội Công giáo mừng kính trọng thể: Đức Mẹ Maria, đấng là mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu ở trần gian.

Trước ngưỡng cửa Năm Mới chúng ta chào đón Đức Mẹ Maria, người đã mở cửa lòng mình tiếp nhận cho Chúa Giêsu, con Thiên Chúa xuống thế làm người qua lời truyền tin của tổng lãnh Thiên Thần Gabriel. Qua Đức Mẹ, Thiên Chúa đã có khuôn mặt của con người, khuôn mặt của một hài nhi. Con đường đời sống của Đức Mẹ Maria đã sống trải qua là con đường chan chứa sự tin tưởng và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa về một tương lai mù mịt không biết sự gì sẽ xảy tới. ( Lc 1,37-38)

Trong kinh cầu Đức Bà, có câu ca ngợi „Đức Bà là cửa thiên đàng“. Câu ca ngợi này ẩn chứa hai ý nghĩa: Đức Mẹ Maria là cánh cửa thiên đàng, khi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa từ trời cao xuống trần gian làm người. Đức Mẹ Maria là cánh cửa thiên đàng cho những ai tin tưởng cùng đặt niềm hy vọng nơi lời bầu cử của Đức Mẹ: Hễ Chúa Giêsu bảo gì, cứ làm như ngài nói! ( Gioan 2,5).

Và cuộc đời Đức Mẹ tuy mở cửa ra cho Con Thiên Chúa mang ơn tin lành cứu độ đến cho nhân trần, nhưng Đức Mẹ sống yên lặng giữ kín mọi sự trong tâm hồn mình, để thưởng thức suy nghĩ. ( Lc 2,19 )

Phải chăng cung cách nếp sống đó của Đức Mẹ không là mẫu gương bước khởi đầu cho đời sống chúng ta ngày bắt đầu Năm Mới 01.01.2010 sao?

Chúc mừng Năm Mới 2010.
 
Ngôi sao sáng
LM. Anphong Trần Đức Phương
10:25 31/12/2009
NGÔI SAO SÁNG

(LỄ HIỂN LINH)

Lễ Hiển Linh trước đây gọi là Lễ Ba Vua vì căn cứ vào ba của lễ qúy giá các ‘Đạo Sĩ’ dâng lên Chúa Hài Nhi: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược (Matthêu 2:11). Ba lễ vật này thời đó rất qúy giá, chỉ có trong các hoàng tộc; nên lúc đầu, người ta tưởng phái đoàn đến thờ lạy Chúa Hài Nhi gồm có Ba Vua và gọi lễ này là Lễ Ba Vua. Sau này, khoa khảo cổ tiến bộ, người ta tìm hiểu kỹ hơn và nhận ra phái đoàn gồm có các nhà “Thông thái” hay “Đạo sĩ” hoặc “Chiêm tinh” dịch từ chữ ‘Magi’ (số nhiều của chữ ‘magus’) là danh từ của người Ba Tư thời đó để chỉ những người tài giỏi, thông thái được chọn vào hàng tư tế, hoặc cố vấn cho các triều vua (New American Bible dùng chữ ‘Magi’; có những bản dịch khác dùng chữ ‘Wise Men’ ‘những Nhà Thông Thái’).

Trong Thánh Lễ Hiển Linh, Bài Phúc Âm và 2 Bài Đọc đều giống nhau cho chu kỳ Năm A, B và C.

Theo bài Phúc Âm hôm nay (Matthêu 2:1-12), các ‘Đạo Sĩ’ đã được ơn soi sáng qua ngôi sao mới xuất hiện và nhận ra có một vị ‘Cứu Tinh’ mới sinh ra ở nước Do Thái, và họ lên đường theo ngôi sao sáng xuất hiện dẫn đường. Các vị này (Đại diện các dân tộc ngoài Do Thái) từ “Phương Đông” (tức là từ nước Ba Tư hay một nơi nào phía Đông nước Do Thái), tới nước Do Thái và tìm đến Belem để chiêm bái và tôn kính Chúa Hài Nhi mới sinh.

Bài Đọc I & Bài Đọc II trong Chúa Nhật này đều nói lên ý tưởng chính là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc ngoài Do Thái và mời gọi mọi người đến cùng Chúa để được hưởng ơn cứu độ.

Bài Đọc I: Tiên Tri Isaia (60: 1- 6) đã báo trước việc ‘Vinh quang Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên các dân tộc và dẫn đưa mọi người tìm đến Ánh Sáng thật là Thiên Chúa chân thật, Đấng Cứu Độ trần gian.’ Bài Đọc II trích trong thơ Ephêsô (3: 2-3; 5-6): Thánh Phaolô nói đến việc các dân tộc ngoài Do Thái cũng được mời gọi để chung phần cứu rỗi của Thiên Chúa Nhập Thể để cứu chuộc nhân loại.

Căn cứ vào các tư tưởng chính của Thánh Lễ hôm nay, các Nhà Phụng Vụ ngày nay gọi lễ này là Lễ Hiển Linh để chỉ việc Thiên Chúa tỏ hiện vinh quang của Ngài cho các dân tộc đến tận cùng trái đất. (Trong tiếng Anh, Lễ này gọi là ‘The Epiphany’ gốc từ chữ Hy Lạp ‘Epiphaneia’có nghĩa là ‘sự tỏ hiện’).

Thánh lễ hôm nay hướng tâm trí chúng ta cùng với các ‘Đạo Sĩ’ đến để chiêm bái và thờ lạy Chúa Hài Nhi sinh ra trong hoàn cảnh khó nghèo; đồng thời cũng dậy chúng ta bài học dấn thân và chia sẻ.

Bài học dấn thân: cũng như các mục đồng đã bỏ giấc ngủ ngon ban đêm để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi trong hang đá bò lừa, các ‘Đạo Sĩ’ cũng bỏ cuộc sống êm ấm trong gia đình để lên đường chịu bao mệt nhọc vất vả để tìm đến thờ lạy Đấng Cứu Thế. Chúng ta cũng phải dám dấn thân chấp nhận mọi vất vả, khó nhọc hàng ngày để đến thờ lạy Chúa, để sống đức tin chân thật của chúng ta trong thế giới hôm nay.

Bài học chia sẻ: Xin Chúa cũng giúp chúng ta noi gương các ‘Đạo Sĩ’: biết sống khó nghèo để dành dụm những gì mình có để dâng lên Chúa, qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh hoạn ở các nơi đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Tránh may sắm, trưng diện quá, ăn uống tiêu xài hoang phí, để tiết kiệm giúp đỡ những người thiếu thốn. Nhất là khi chúng ta được sống trong hoàn cảnh có công ăn việc làm vững chắc, nhà ở rộng rãi, cuộc sống phong phú, đầy đủ.

Hơn nữa, mỗi người tín hữu của Chúa cũng phải là những Ngôi Sao Sáng chỉ đường cho mọi người nhận ra con đường Sự Thật và Sự Sống, con đường đi đến với Chúa, bằng đời sống lương thiện, công bằng, hoà hợp yêu thương. Tránh xa những thói xấu của xã hội hôm nay, như tự do luyến ái, phá thai, li dị, gian lận trợ cấp, kết hôn giả, cờ bạc, nghiện ngập..vv… Đó là những thói xấu thế gian, những thói xấu biến chúng ta thành những ‘ngôi sao lạc’ dẫn đưa vào nơi tăm tối lầm lỗi.

Tất cả chúng ta đều chỉ là những con người mang nhiều tật xấu, tham lam, ham danh, ham lợi. Chúng ta hãy khiêm nhượng chiêm ngắm cảnh khó nghèo của Hang Đá Belem và cầu nguyện chung cho nhau, nâng đỡ lẫn nhau để chúng ta biết sống khó nghèo, khiêm tốn và ngay thẳng, xứng đáng con cái Chúa.

Xin Chúa ‘thắp sáng lên trong chúng ta’ ngọn lửa tình yêu để chúng ta nhận ra ‘con đường ngay thẳng’, ‘con đường công chính’ và dám dấn thân đến với Chúa và đem Chúa đến cho mọi người trong gia đình chúng ta, nơi sở làm, nơi xưởng thợ; nói chung là cho mọi người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:18 31/12/2009
ÁNH SÁNG KỲ DIỆU

N2T


Một người bạn của nhà họa sĩ nổi danh nước Tây Ban Nha là El Greco lại gõ cửa đến thăm, lúc ấy trời xuân rất đẹp, trời xanh trong sáng, nhưng El Greco lại ngồi trong nhà, cửa sổ buông rèm kín mít.

- “Ra đây hưởng thụ trời xanh ánh nắng nè.” người bạn nói.

- “Bây giờ thì không được.” El Greco nói: “Nó sẽ quấy nhiễu ánh sáng kỳ diệu trong khoảnh khắc này của tớ.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Vâng, có một lúc nào đó chúng ta cảm nhận được ánh sáng kỳ diệu của Lời Chúa đang ở trong tâm hồn chúng ta; hoặc có những lúc nào đó gặp hoàn cảnh đau khổ chúng ta cần một mình suy tư, thì bất chợt cảm nghiệm được ánh sáng kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa đang ở với chúng ta, và chúng ta không muốn ai quấy rầy mình cả...

Thực ra, ánh sáng kỳ diệu của Thiên Chúa vẫn từng giây phút xảy ra trong cuộc đời của chúng ta, nhưng chúng ta không để ý đó mà thôi:

- Khi chúng ta suy gẫm về Lời Chúa.

- Khi chúng ta cầu nguyện.

- Khi chúng ta gặp chuyện đau buồn.

- Khi chúng ta gặp những chuyện vui vẻ.

- Khi chúng ta cảm thấy đời quá chán chường thất vọng.

- Khi chúng ta cảm thấy mình cô đơn lẻ loi.

- Khi chúng ta phục vụ tha nhân.

- Khi chúng ta yêu thương anh chị em mình.

Và còn rất nhiều khoảng khắc mà ánh sáng kỳ diệu của Thiên Chúa vẫn luôn soi đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc sống của mình.

Nhưng cảm nghiệm được ánh sáng kỳ diệu của Thiên Chúa không phài dễ, chỉ những ai có đức tin, đức cậy và đức mến mới cảm nghiệm được mà thôi.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:19 31/12/2009
N2T


15. Hiền lành, từ ái, khiêm tốn có năng lực kỳ dị chiếm lĩnh tâm hồn con người, có thể làm cho họ tiếp nhận cái đáng ghét nhất của tính con người.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:22 31/12/2009
N2T


331. Bàng quan với bi thương của mình là giải thoát, chủ quan với bi thương của mình là gia tăng bi thương.

 
Chuyện Bác Chuyện Em: Hiển Linh Năm Nay
Nguyễn Trung Tây, SVD
19:54 31/12/2009
Chuyện Bác Chuyện Em: Hiển Linh Năm Nay
Hiển Linh Năm Nay, Ảnh NTT


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra khắp mọi nơi, Hoa Kỳ, Úc Châu, Do Thái hoặc Việt Nam. Em đi tu mà em cũng có thể đã lập gia đình...

— Sướng nhỉ, thế là em với bác có mặt ở đất thánh rồi.

— Ừ, cứ như là nằm ngủ mơ. Gớm, mà tôi cũng năn nỉ tợn lắm, con vợ nó mới chịu cho đi. Nó bảo ông đi rồi, lấy ai thái chuối vớt bèo nấu cám cho lợn ăn. Còn con Tĩn với thằng Tửu nữa, ai trông nom? Còn mấy sào ruộng nữa đấy, gần tới vụ lúa Chiêm rồi. Không lo mà cày đi, tới vụ lúa, không có thóc phơi sân. Lúc đó, chẳng lẽ hai vợ chồng vốc nước lã uống cho no bụng. (Chép miệng) Nghe vợ càm ràm, tớ tức anh ách. Biết thế hồi xưa đi tu như ông, giờ muốn đi đâu thì đi. Một thân một mình nhẹ gánh.

— (Bĩu môi) Bác cứ nói chuyện hão. Em cũng phải xin phép đàng hoàng chứ nào có phải chuyện chơi. Cha bề trên có cho đi thì mới được đi chớ.

— Nhưng ông cũng đâu có phải hốt hoảng chạy sang làng bên, nhờ chú em cày phụ để kịp gieo mạ cho vụ mùa lúa Chiêm. Nói khó mãi, chú ấy mới chịu bỏ ruộng nhà sang phụ cho tôi mấy bữa cày. Cày xong mấy sào ruộng, tôi lại còn phải năn nỉ, lúc tôi đi hành hương rồi, nhờ chú ấy ngày ngày chạy qua, thái chuối vớt bèo cho mấy con lợn giống ở trong chuồng. Anh em thì anh em, tôi vẫn phải dúi vào tay chú ấy mấy hào bạc mới xong được hai việc đấy.

— Thế là bác gái đồng ý cho bác đi?

— Có mà hão. Bà ấy nói, “Tôi đang gần tới dịp ở cữ rồi. Chả còn mấy bữa nữa lại đập cái bụng bầu. Ông đi rồi, nửa đêm về sáng ai gọi cô mụ cho tôi?”. (Chép miệng) Thế là lại phải chạy te te sang nhà mẹ vợ, nói khó mấy câu, “Bầm ở nhà, con nhờ bầm nom nom nhà con. Nó tới ngày, nhờ bầm gọi bà mụ đỡ hộ”.

— Rồi mẹ vợ cũng chịu…

— Chẳng chịu cũng phải chịu. Cha xứ đã cho tôi ghi danh tham gia phái đoàn hành hương đất thánh. Làm mặt khó, mẹ vợ thì mẹ vợ, túng quá, tôi vô nhà xứ bẩm cụ mấy câu, lúc đó thì lại mệt. Nhưng bà mẹ vợ cũng đâu có chịu thua. Bà ấy nói, “Anh con rể cũng là người trong nhà, cho nên tôi nói tình thật. Tôi thì tiền bạc túng thiếu. Anh có mấy đồng, anh cũng phải đưa cho cái bà mụ. Chứ chẳng lẽ mình chỉ nước miếng với người ta. Mà từ nhà của bà ấy tới làng mình cũng là mấy quãng đồng. Anh liệu tính sao thì tính cho đẹp cả đôi bên. Chuyện sanh nở không phải là chuyện bỡn. Có tiền dúi tay thì việc chi mà chẳng thông”. Thế là lại mất thêm mấy đồng bạc giấy tiền con Công với mẹ vợ. Khổ. Vốn liếng cả một đời.

— Nhưng thế là xong rồi. Còn việc gì nữa đâu mà lo.

— Cũng tưởng là vậy. Nhưng hóa ra không phải. Còn con Tĩn với thằng Tửu, ai trông nom hộ. Thế là lại chạy qua nhà bà Trùm Tài cạnh ngay bên. Cái bà Trùm Tài đến là khéo. Thấy bóng tôi ở sân phơi thóc là biết có chuyện nhờ vả rồi. Ngồi trên cái đi-văng gỗ khảm xà cừ, bà ăn trầu miệng đỏ loét, “Tôi mừng cho chú được cụ chọn cho đi trong phái đoàn hành hương. Trong nguyên cả tổng cũng chẳng mấy người được cụ chọn. Thật là nở mày nở mặt. Nhưng thím ấy đang gần tới ngày rồi. Việc sanh nở là việc hệ trọng. Còn con Tĩn với thằng Tửu, ai trông nom?”. Tôi mới nói, “Cám ơn bà đã có lòng lo lắng cho nhà cháu. Việc sanh nở đã có một tay mẹ vợ cháu đỡ đần. Ấy, thì cháu qua đây trước là thăm bà, sau là cũng có việc cháu nhờ vả. Cháu hỏi ý bà trước, nếu phải hay không phải thì cũng xin bà bỏ qua cho. Cháu tính nhờ bà để ý trông nom cho con Tĩn với Tửu trong thời gian cháu đi vắng. Được như thế thì trước là cháu yên tâm, sau là cháu đội ơn bà”. Ông biết bà ấy nói chi không. Bà ấy nói, “Tôi thì cũng chẳng hẹp hòi chi. Nhà cửa thì cũng đơn sơ, chỉ có mình tôi ra vào quạnh quẽ. Có hai đứa nó qua chơi thì lại càng thêm vui nhà vui cửa chứ sao. Nhưng nói tình thật. Phải hay không phải cũng xin anh đừng có chấp nhời. Tôi thì cũng đang túng thiếu lắm. Bữa hụi vừa rồi hốt, nhưng cũng chẳng được là mấy. Phiên chợ huyện mấy tháng rồi cứ èo uột cứ như nhà quan huyện có tang. Chẳng kiếm được xu nào”.

— Cái bà Trùm Tài chủ hụi thì ai lại không biết. Đố mà vắt ra được của bà ấy một miếng trầu héo.

— Chuyện, nhưng mình cũng đang có chuyện nhờ vả. Thế là lại về nhà, lôi ra thêm mấy tờ tiền giấy con Công đưa cho bà ấy.

— Cũng khổ cho bác nhỉ. Mất hẳn một mớ bạc.

— Tớ cũng đến là nhức đầu. Nhưng lòng dặn lòng, phải kiên nhẫn. Bí đường nào, tớ lại mở miệng hỏi han nhờ vả đường đó. Hết chú em, lại tới mẹ vợ, rồi là láng giếng. Người ta chịu gánh vác việc nhà cho mình là mừng rồi. Tiếc chi vài hào, với lại dăm ba tờ giấy con Công. Ông nghĩ tôi nói có phải hay không? (Dừng lại) Mà đã hết đâu, cái đoạn này thì ông biết rồi đấy. Tới được phi trường Thái thì lại phải ngồi đợi tới mấy tiếng đồng hồ nữa bởi trễ chuyến bay. Nửa đêm về sáng, ngồi đợi ở phi trường, miệng cứ ngáp dài ra như con cá ngão. Tới được phi trường Tel Avil thì lại mất đồ. Chẳng biết sao mà hành lý gửi theo phi cơ biến mất tiêu. Vậy là cứ trần ra mấy ngày liền một quần một áo. Trời tháng mùa đông, lạnh teo lại. Thế là ốm, ho sù sụ như người ho lao. Nào có ăn được cái gì. Cứ cháo loãng mà húp. Mãi cho tới đêm hăm bốn, cụ dẫn phái đoàn mình tới hang đá Bêlem. Cái đêm hôm đó thật là đêm nhớ đời. Bao nhiêu đời rồi, miệng thì cứ oang oang, “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa”. Miệng thì hát, nhưng nào có biết trời nó rét tợn như thế nào. Mà cũng nào có biết cái hang đá Bêlem hình dạng ra sao. Thế mà cái đêm đó, cả phái đoàn được tham dự thánh lễ nửa đêm ở hang đá Bêlem. Ở trên cụ cử hành thánh lễ Misa, ở dưới tôi là nước mắt cứ rưng rưng. Trời mùa đông bên ngoài rét tợn. Bên trong hang đá Bêlem, hơi đá tỏa ra lại càng run lên. Lúc đó, mới hiểu Chúa sinh xuống trần vất vả như thế nào. Khổ, đến là thương Chúa!

Suy Niệm

Ngày xưa các nhà Tu Sĩ phương Đông đường xa vất vả lên đường hành hương tìm về đất thánh (Matt 2:1-12). Mặc dù họ lạc lối tại kinh thành Jerusalem, nhưng không ai chịu bỏ cuộc. Lạc đường, họ cất tiếng hỏi thăm thần dân kinh thành đường phố dẫn tới nơi Hài Nhi Thánh. Cuối cùng, ngôi sao Bêlem hiện ra dẫn họ tới thẳng ngôi nhà của Hài Nhi Giêsu.

Hành trình đi tìm Chúa là một hành trình của kiên nhẫn. Kiên nhẫn với mình, với người, và với Chúa.

Với mình, ôn hòa.

Với người, bao dung.

Với Chúa, đợi chờ. Chúa chưa trả lời. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn đợi chờ giây phút trời đêm bừng sáng ánh sao soi đường dẫn lối ta đi.

Hiển Linh năm xưa và Hiển Linh năm nay vẫn là những cuộc hành trình của kiên nhẫn và đợi chờ.

www.nguyentrungtay.com
 
Ánh nến toả sáng trong gia đình
LM Inhaxiô Trần Ngà
20:12 31/12/2009
Lễ Hiển Linh (Mat-thêu (2, 1-12)

Giữa ban ngày, chỉ cần một tấm bảng nhỏ vẽ mũi tên chỉ đường cũng đủ để giúp bộ hành tìm được hướng đi, nhưng giữa đêm đen, dù có cả một rặng núi sừng sững được sử dụng như tín hiệu chỉ đường, cũng không ai nhận thấy. Trong khi đó, chỉ cần một ánh sáng le lói giữa màn đêm cũng đủ để cho khách bộ hành tìm thấy mục tiêu cần tiến đến. Trong đêm tối, một đốm sáng nhỏ có khả năng dẫn đường chỉ lối hơn cả một ngọn núi cao.

Chính vì thế, khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một ánh sao đặc biệt giữa bầu trời đêm để soi dẫn cho ba nhà chiêm tinh từ phương Đông đến gặp Chúa Cứu Thế. Nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ nầy, ba nhà chiêm tinh mới có thể tìm gặp Hài Nhi Giê-su mới hạ sinh.
Đoạn Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trích đọc trong phụng vụ lễ hiển linh mời gọi chúng ta trở thành những ngôi sao nhỏ để dẫn đưa anh chị em lương dân đến với Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa mời gọi chúng ta làm ánh sáng chỉ đường cho lương dân.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ I-sa-i-a mà phán dạy dân Người: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất.” (Is 49,6)
Chúa Giê-su cũng trao sứ mạng nầy cho các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” (Mt 5, 14):
Và Thánh Phao-lô tiếp tục kêu mời chúng ta: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)

Ít ra, xin được là ánh nến toả sáng trong gia đình

Trở nên ánh sáng soi đường là một sứ mạng tuy cao trọng nhưng đầy khó khăn nên không ai muốn đảm nhận. Tuy vậy, là con cái Chúa, không ai được quyền thoái thác chối từ. Mấy câu thơ sau đây của thi sĩ Éliot sẽ khích lệ chúng ta:

“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
Thì hãy là ánh lửa non cao.
Nếu bạn không thể là ánh lửa non cao,
Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”

Có lẽ chúng ta không dám làm ngôi sao sáng giữa trời, vì thấy mình yếu đuối và tội lỗi. Có thể chúng ta cũng chẳng dám mơ ước trở thành một ánh lửa non cao cho nhiều người từ phương xa nhìn tới. Vậy thì ít ra, xin cho mỗi người chúng ta cố sức trở thành một ánh nến toả sáng trong gia đình. Ánh nến nầy rất quan trọng vì ‘gần mực thì đen và gần đèn ắt phải sáng.’ Ánh sáng của cuộc đời mẫu mực nơi người cha, người mẹ toả chiếu trên con cái chắc chắn sẽ làm cho con cái được nên người. Và ngay cả ánh sáng của con cái cũng có thể làm cho cha mẹ nên sáng.
Sự kiện sau đây minh chứng điều nầy:

Ngày 12 tháng 12 năm 1999, tôi ban bí tích rửa tội cho hai em nhỏ. Người chị là Têrêxa Huỳnh thị Bích Hằng, mười lăm tuổi, còn người em là Maria Huỳnh thị Bích Nga, mười hai tuổi. Vì hai em mồ côi cha mẹ sớm, chẳng được học hành, nên được gia đình người cô ruột thương tình đem về nuôi.
Điều oái oăm là cô dượng của hai em tuy là người có đạo nhưng không mấy khi bước đến nhà thờ. Mỗi tối, gia đình nầy bán phở đến 12 giờ đêm. Hai người cháu cũng lo phục dịch đến giờ ấy.

Thế rồi từ ngày hai cháu được dẫn đến nhà thờ, được các nữ tu dạy cho biết Chúa và giáo lý, hai cháu bỗng nhiên yêu mến Chúa cách nhiệt tình và yêu thích học giáo lý cách đặc biệt. Cứ mỗi ngày chúa nhật, hai cháu cảm thấy mừng vui rộn rã trong lòng vì được đến với Chúa. Lòng nhiệt thành của hai cháu đã làm bừng lên nhúm đức tin như tro tàn nguội lạnh trong lòng cô dượng. Thế rồi cô dượng cũng sốt sắng đi thờ phượng Chúa trong các ngày chúa nhật, sau khi đã vắng bóng ở nhà thờ gần đến mười năm! Người cô nói với tôi: “Thấy hai cháu sốt sắng quá, thét rồi hai vợ chồng con cũng sốt sắng lây.”
Hai cháu đúng là hai ánh nến nhỏ trong gia đình đã chiếu soi cho Cô Dượng.

Vậy giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su bằng lời thơ của thi sĩ Éliot:

“Lạy Chúa, nếu con không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
Thì xin hãy là ánh lửa non cao.
Và nếu con không thể là ánh lửa non cao,
Xin cho con được làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”

 
Ngôi sao của Người
Tuyết Mai
23:24 31/12/2009
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". (Mt 2, 1-12).

Trên 2000 ngàn năm trước đây ba nhà đạo sĩ từ Đông Phương xem sao mà đoán biết được ở Giêrusalem có một trẻ sơ sinh được sinh ra đời là Vua người Do Thái, nhưng không biết chính xác Vua Do Thái ấy được sinh ra ở đâu!? Có phải câu chuyện trên của ba nhà Đạo Sĩ ấy nghe có phải là chuyện thần thoại lắm hay không thưa anh chị em!? Và rồi ánh sao Lạ lùng ấy vẫn cứ hiện ra chiếu sáng tỏa soi trong đêm tối, dẫn lối, chỉ đường, cho ba nhà Đạo Sĩ trực chỉ tìm đến tận nơi mà Vua dân Do Thái được sinh hạ. Niềm tin của họ tôi thật thắc mắc không biết do đâu mà có? Tại sao ba nhà Đạo Sĩ này lại cùng có một niềm tin? Tại sao họ lại cùng có sự giải đoán và kết luận giống nhau để cùng nhau tìm đến Vua dân Do Thái mà bái lậy Ngài? Có phải sự thông thái, học cao, hiểu rộng của họ, nhưng nếu không được ơn Chúa Thánh Linh mách bảo cho họ biết thì sự đi tìm kiếm ấy cũng vô nghĩa và vô định hướng, vì nếu không có Ánh Sao Đức Tin ấy, họ cũng sẽ mù tịt và vô phương hướng để tìm gặp được Người!??

Còn những anh em mục đồng thì sao, trong đêm đông giá buốt, tất cả như chìm sâu vào giấc ngủ, sau một ngày làm việc mệt nhoài, Thiên Thần Chúa cũng đã đến báo cho họ biết để tất cả cũng theo ánh sao Lạ lùng ấy mà tìm đến Vua Do Thái mà bái lậy Người.

Đó là chuyện xẩy ra từ ngàn xưa, ánh sao Lạ lùng ấy chỉ đường dẫn lối cho từng ấy người là ba nhà Đạo Sĩ và các anh em mục đồng mà thôi! Nhưng ngày nay làm gì có ánh sao Lạ lùng ấy để dẫn đưa chúng ta tìm đến Người!? Có phải ở thời buổi nào, thời đại nào, giai đoạn nào, chúng ta cũng vô cùng khó khăn để tìm kiếm cho được ánh sao Lạ lùng ấy, để tìm gặp Người là Chúa của chúng ta được sinh hạ vào trong tâm hồn và tấm lòng của chúng ta!? Khó lắm lắm. ... vì cuộc đời trần gian luôn đầy những tham thân si, có chăng là những ánh đèn mầu của sàn nhẩy đầm ở những phòng trà mà những con người ở đó đưa nhau đến đó là để tìm những sự vui buồn cho khỏa lấp, và tìm quên sự đời qua những ly rượu, mà chốc nữa đây cái cảnh say mèm sẽ đưa những anh chị em này vào cuộc đánh nhau, ẩu đả, và có thể vào tù ngồi!? Có chăng là những ánh đèn sáng rực rỡ của những sòng bài, từ sòng bài nhỏ cho đến những sòng bài thật sang trọng thật nổi tiếng như Las Vegas chẳng hạn, đèn không bao giờ tắt, đó là nơi có nhiều ánh đèn nhất, thưa anh chị em, nơi mà bao nhiêu người mê đắm, nghiện ngập, bỏ vợ bỏ con, bỏ gia đình, bỏ tất cả chỉ vì chạy theo ánh sáng loè loẹt không bao giờ tắt ấy!

Tất cả ánh sáng giả tạo ấy! Con người đã biến nhiều nơi nhiều chỗ để chứa đựng những tệ đoan của xã hội, trong ấy nào là nghiện ngập xì ke ma túy, thác loạn của tuổi trẻ và cả tuổi già, những quán cà phê trá hình, tất cả như người máy của thời đại?? Đôi khi chúng ta cũng không hiểu cuộc đời của những anh chị em này sao họ có thể sống mãi sống hoài được như thế!?? Bởi họ không bao giờ tỉnh? Bởi họ không bao giờ thôi và bỏ được cuộc sống trác táng của hiện tại? Tôi không biết những anh chị em này, đến khi nào thì họ mới tìm gặp Chúa? Biết đến khi nào thì họ mới biết Chúa? Chắc đến khi mà thân xác của họ đã rã rời, đã tàn, đang chờ chết, và sợ chết? Chắc đến bấy giờ thì ánh sáng đô thị mới thật tắt ngúm trong đời của họ. Bởi khi ấy họ đã cạn kiệt, hết tiền, hết sức, bị liệng ra đường, và đang nằm chờ chết. Ở giờ thoi thóp sắp chết này, họa chăng anh chị em này mới thật sự tìm hiểu một thế giới vô hình, một nơi mà thật sự cả đời mình chưa từng nghĩ tới, đến lúc bấy giờ anh chị em này mới cảm thấy thực sự sợ hãi, vì không biết bám víu vào ai? Ai hay Đấng toàn năng nào sẽ cứu vớt mình đây? Ai ai sẽ cứu mình khỏi vào lửa của đời đời? Ai ai sẽ là vị Cứu Tinh của mình ở giờ hấp hối?

Cuộc đời thì mong manh mong manh như chiếc thuyền nan trôi dạt trên đại dương mênh mông, trên đại dương mênh mông!!! Nếu chúng ta thiếu đức tin vào Thiên Chúa thì ai, ai có thể giúp chúng ta chèo lái, chống chỏi, con thuyền cho được đến bến bờ của an bình? Hạnh phúc thay nếu cuộc đời của chúng ta may mắn nhìn thấy được những vì sao của anh chị em đang sống chung quanh chúng ta, họ có thể là cha mẹ anh chị em trong gia đình, thầy cô giáo, linh mục, những thiện nguyện viên trong giáo xứ, là những người cố gắng sống một cuộc đời gương mẫu vì biết luôn kính sợ Thiên Chúa họ là những láng giềng thân cận sống gần bên chúng ta mỗi ngày.

Không gì bằng mỗi người chúng ta là một vì sao, cũng lấp lánh trên nền trời vào ban đêm. Có phải một ngôi sao sáng thì không sáng cho bằng 10 ngôi sao sáng? Có phải 10 ngôi sao sáng thì không bằng 100 ngôi sao sáng?? Và có phải trên nền trời cao xanh ta thấy hằng hà ngôi sao lấp lánh chiếu soi?? Và có phải mỗi người chúng ta tượng trưng cho một vì sao trên trời?

Cuộc đời của chúng ta trên trần thế có những lúc cũng vất vả, khổ sở, gian truân, gian khổ, sống như bị đọa đầy, mất niềm tin, là những lúc chúng ta cũng như ngôi sao bị mờ, nhưng nhờ vào tình yêu thương của Thiên Chúa, Người luôn luôn phù trợ giữ gìn thân xác và linh hồn của chúng ta. Người giúp chúng ta thoát qua được những vũng lầy của tham lam và ích kỷ. Người giúp chúng ta san bằng được những núi cao của tánh kiêu ngạo. Và Người sẽ luôn giúp chúng ta tìm được giá trị của an bình mà chỉ có Chúa, chính Chúa mới có thể trao ban cho chúng ta nhưng không mà thôi!

Với sự hổ trợ và quan phòng của Người, xin giúp chúng ta giữ vững niềm tin vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, để Người luôn là ánh sao Lạ lùng dẫn lối chỉ đường chúng ta trở về quê an bình. Nơi mà có Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần, luôn hiển trị muôn đời. Amen.
 
Ánh nến toả sáng trong gia đình - (Suy niệm Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trong Lễ Hiển Linh)
LM. Inhaxio Trần Ngà
23:35 31/12/2009
Ánh nến toả sáng trong gia đình - (Suy niệm Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trong Lễ Hiển Linh)

Giữa ban ngày, chỉ cần một tấm bảng nhỏ vẽ mũi tên chỉ đường cũng đủ để giúp bộ hành tìm được hướng đi, nhưng giữa đêm đen, dù có cả một rặng núi sừng sững được sử dụng như tín hiệu chỉ đường, cũng không ai nhận thấy. Trong khi đó, chỉ cần một ánh sáng le lói giữa màn đêm cũng đủ để cho khách bộ hành tìm thấy mục tiêu cần tiến đến. Trong đêm tối, một đốm sáng nhỏ có khả năng dẫn đường chỉ lối hơn cả một ngọn núi cao.

Chính vì thế, khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem, Thiên Chúa đã cho xuất hiện một ánh sao đặc biệt giữa bầu trời đêm để soi dẫn cho ba nhà chiêm tinh từ phương Đông đến gặp Chúa Cứu Thế. Nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ nầy, ba nhà chiêm tinh mới có thể tìm gặp Hài Nhi Giê-su mới hạ sinh.

Đoạn Tin Mừng Mat-thêu (2, 1-12) trích đọc trong phụng vụ lễ hiển linh mời gọi chúng ta trở thành những ngôi sao nhỏ để dẫn đưa anh chị em lương dân đến với Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa mời gọi chúng ta làm ánh sáng chỉ đường cho lương dân.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ I-sa-i-a mà phán dạy dân Người: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất.” (Is 49,6)

Chúa Giê-su cũng trao sứ mạng nầy cho các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” (Mt 5, 14):

Và Thánh Phao-lô tiếp tục kêu mời chúng ta: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)

Ít ra, xin được là ánh nến toả sáng trong gia đình

Trở nên ánh sáng soi đường là một sứ mạng tuy cao trọng nhưng đầy khó khăn nên không ai muốn đảm nhận. Tuy vậy, là con cái Chúa, không ai được quyền thoái thác chối từ. Mấy câu thơ sau đây của thi sĩ Éliot sẽ khích lệ chúng ta:

“Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,

Thì hãy là ánh lửa non cao.

Nếu bạn không thể là ánh lửa non cao,

Xin hãy làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”

Có lẽ chúng ta không dám làm ngôi sao sáng giữa trời, vì thấy mình yếu đuối và tội lỗi. Có thể chúng ta cũng chẳng dám mơ ước trở thành một ánh lửa non cao cho nhiều người từ phương xa nhìn tới. Vậy thì ít ra, xin cho mỗi người chúng ta cố sức trở thành một ánh nến toả sáng trong gia đình. Ánh nến nầy rất quan trọng vì ‘gần mực thì đen và gần đèn ắt phải sáng.’ Ánh sáng của cuộc đời mẫu mực nơi người cha, người mẹ toả chiếu trên con cái chắc chắn sẽ làm cho con cái được nên người. Và ngay cả ánh sáng của con cái cũng có thể làm cho cha mẹ nên sáng.

Sự kiện sau đây minh chứng điều nầy:

Ngày 12 tháng 12 năm 1999, tôi ban bí tích rửa tội cho hai em nhỏ. Người chị là Têrêxa Huỳnh thị Bích Hằng, mười lăm tuổi, còn người em là Maria Huỳnh thị Bích Nga, mười hai tuổi. Vì hai em mồ côi cha mẹ sớm, chẳng được học hành, nên được gia đình người cô ruột thương tình đem về nuôi.

Điều oái oăm là cô dượng của hai em tuy là người có đạo nhưng không mấy khi bước đến nhà thờ. Mỗi tối, gia đình nầy bán phở đến 12 giờ đêm. Hai người cháu cũng lo phục dịch đến giờ ấy.

Thế rồi từ ngày hai cháu được dẫn đến nhà thờ, được các nữ tu dạy cho biết Chúa và giáo lý, hai cháu bỗng nhiên yêu mến Chúa cách nhiệt tình và yêu thích học giáo lý cách đặc biệt. Cứ mỗi ngày chúa nhật, hai cháu cảm thấy mừng vui rộn rã trong lòng vì được đến với Chúa. Lòng nhiệt thành của hai cháu đã làm bừng lên nhúm đức tin như tro tàn nguội lạnh trong lòng cô dượng. Thế rồi Cô Dượng cũng sốt sắng đi thờ phượng Chúa trong các ngày chúa nhật, sau khi đã vắng bóng ở nhà thờ gần đến mười năm! Người cô nói với tôi: “Thấy hai cháu sốt sắng quá, thét rồi hai vợ chồng con cũng sốt sắng lây.”

Hai cháu đúng là hai ánh nến nhỏ trong gia đình đã chiếu soi cho Cô Dượng.

Vậy giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su bằng lời thơ của thi sĩ Éliot:

“Lạy Chúa, nếu con không thể là ngôi sao sáng giữa trời,

Thì xin hãy là ánh lửa non cao.

Và nếu con không thể là ánh lửa non cao,

Xin cho con được làm ánh nến toả sáng trong gia đình.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lịch hoạt động của Đức Giáo Hoàng trong năm mới
Phụng Nghi
07:58 31/12/2009
VATICAN CITY (CNS) - Khi Đức giáo hoàng Benedict XVI giã từ năm cũ 2009, cuốn lịch năm mới 2010 của ngài cũng đã ghi đầy những hoạt động sẽ thực hiện rồi.

Thấp thoáng ở chân trời 12 tháng sắp tới là 4 chuyến tông du; một Thượng hội đồng các giám mục Trung Đông; phát hành một tài liệu về Kinh Thánh và cuốn thứ hai trong bộ sách “Giêsu Nazaret”; một cuộc họp lớn quy tụ nhiều linh mục đến từ khắp nơi trên thế giới; một cuộc hành hương đến kính viếng Khăn liệm ở Turin (Ý); có thể có một mật hội hồng y, nhiều lễ tuyên thánh và chân phước -- trong đó có thể phong thánh cho Đức giáo hoàng Gioan Phalô II.

Tháng 4 năm mới đánh dấu 5 năm ngày Benedict được bầu chọn làm giáo hoàng; biến cố này chắc chắn sẽ được tổ chức bằng các lễ hội giản dị, sẽ có nhiều phân tích về những thành quả và các ưu tiên của vị giáo hoàng người Đức này, cũng vừa tròn 83 tuổi vào tháng 4 năm 2010.

Một số các nỗ lực của ngài là những công trình hiện đang tiến triển, chẳng hạn như cuộc thương thảo với nhóm bảo thủ Hiệp hội Thánh Piô X và nỗ lực đem các vị lãnh đạo trong nhóm trở về hiệp thông hoàn toàn với giáo hội. Không có khai thông nào được bảo đảm sẽ thực hiện được trong năm 2010, nhưng Tòa thánh Vatican nói rằng, ít nhất, hình ảnh cũng sẽ sáng sủa hơn khi tiến hành được các cuộc họp mỗi hai tháng một lần.

Tháng giêng đem tới nhiều nghi lễ và hội họp truyền thống của giáo hoàng, gồm cuộc gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh vào ngày 11 tháng giêng. Sáu ngày sau đó, Đức giáo hoàng Benedict sẽ lần đầu tiên đến viếng thăm nguyện đường Do thái tại Roma, một biến cố đã làm tăng tiến thêm ấn tượng kể từ khi có quyết định mới đây của ngài muốn gia tăng tiến trình phong thánh cho Giáo hoàng Piô XII.

Năm mới cũng có nghĩa là một đợt mới những cuộc viếng thăm “ad limina” của các nhóm giám mục trên khắp thế giới. Tuy các cuộc thăm viếng theo truyền thống được thực hiện mỗi 5 năm một lần, nhưng mới đây khoảng cách 5 năm đã kéo dài ra thêm, và đối với các giám mục Hoa kỳ, đã đến Tòa thánh hồi năm 2004, nên cuộc thăm viếng “ad limina” của các ngài sẽ xảy ra vào năm 2011 – hoặc có thể trễ hơn.

Người ta trông đợi tác phẩm thứ hai của Đức giáo hoàng về cuộc đời Chúa Giêsu sẽ được phát hành vào mùa xuân năm mới, tuy nhiên các bản dịch sẽ phải mất một thời gian lâu hơn. Dự kiến là cuốn sách này sẽ đề cập đến đời thơ ấu, cuộc tử nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô.

Đức giáo hoàng Benedict sẽ thực hiện ít nhất 4 cuộc tông du ra ngoại quốc trong năm 2010: tới Malta vào tháng 4, tới đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ đào nha vào tháng 5, tới Cyprus vào đầu tháng 6 và tới Anh vào trung tuần tháng 9. Sự kiện là 4 cuộc tông du đều ở châu Âu và vùng Địa trung hải đã làm nảy sinh những lời đồn đoán cho rằng Đức giáo hoàng đã quyết định không thực hiện những chuyến du hành đến những vùng xa nữa. Các nguồn tin từ Tòa thánh Vatican nói rằng những lời đồn đoán như thế là hoàn toàn không đúng sự thật.

Trong cuộc tông du tới đảo quốc Cyprus trong vùng Địa trung hải, Đức giáo hoàng sẽ trao tài liệu làm việc dành cho Thượng hội đồng các giám mục về Trung Đông, được thực hiện từ ngày 10 đến 24 tháng 10 tại Vatican. Gặp gỡ ngài tại Cyprus là các nhà lãnh đạo giáo hội từ các nơi như Bắc Phi, Thánh địa và Iraq.

Đức giáo hoàng còn đang duyệt xét lại lần cuối một tài liệu của thượng hội đồng năm 2008 về Kinh Thánh. Văn bản này sẽ được phổ biến trong khoảng 6 tháng đầu năm mới.

Đức giáo hoàng Benedict dự kiến sẽ có 4 cuộc thăm viếng trong phạm vi nước Ý vào năm 2010, gồm có cuộc thăm vào đầu tháng 5 đến viếng Khăn Liệm tại Turin, được nhiều người tin là tấm khăn đã liệm xác Chúa. Đầu thàng 10, ngài sẽ thăm viếng Palermo, Sicily, một ngày và đọc diễn từ trong cuộc hội họp các gia đình và giới trẻ.

Các lễ tuyên thánh và chân phước cũng ghi đậm trên cuốn lịch năm 2010 của Đức giáo hoàng. Ở Roma người ta đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc tuyên thánh Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào tháng 10 năm mới – giả định rằng sẽ có một phép lạ do ngài bầu cử vào những tháng sắp tới đây. Trong cuộc tông du tới nước Anh vào tháng 9, có thể Đức giáo hoàng sẽ chủ tọa lễ tuyên phong chân phước cho Hồng y Henry Newman, một nhà thần học có nhiều ảnh hưởng, sống ở thế kỷ 19 và là cựu tín đồ Anh giáo.

Trong số các vị sẽ được Đức giáo hoàng tuyên thánh trong năm 2010 có Chân phước Mary MacKillop, người nước Úc, sáng lập Tu hội các Nữ tu Thánh Giuse Thánh Tâm.

Tháng 6 Đức giáo hoàng sẽ kết thúc Năm Linh Mục, chủ tọa một hội nghị các linh mục thế giới tại Roma từ ngày 9 đến 11 tháng 6, với chủ đề “Lòng Thành tín của Đức Kitô, Lòng Thành tín của Linh mục.” Chương trình sẽ có cuộc họp mặt của Đức giáo hoàng với các linh mục vào buổi chiều tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Mật hội để thiết lập các hồng y mới lúc nào cũng khó mà tiên đoán được, nhưng hầu hết những người trong nội bộ đều trông mong là Đức giáo hoàng Benedict sẽ trao mũ đỏ cho một số vị trong năm 2010. Nếu cho rằng giới hạn phải có 120 hồng y dưới 80 tuổi và hợp lệ để bầu cử trong mật nghị bầu giáo hoàng, thì có ít nhất 12 chỗ trống Đức giáo hoàng phải điền khuyết vào khoảng giữa năm, và con số này trở thành 19 nếu ngài trì hoãn cho đến trung tuần tháng 11.

Đã có nhiều lời đồn đoán về các vị giám mục Hoa kỳ có thể sẽ được phong tước hồng y. Nhiều người nhắm vào tổng giám mục New York và Washington, cho rằng hai vị có thể là những ứng viên, tuy nhiên nên nhớ rằng hiện nay cả hai tổng giáo phận này vẫn còn có các hồng y dưới 80 tuổi. Đó là Hồng y Theodore E. McCarrick (tổng giáo phận Washington) và Edward M. Egan (tổng giao phận New York), cả hai đã nghỉ hưu chức vụ tổng giám mục.

Thêm vào đó, con số các hồng y Mỹ còn trong hạng tuổi bầu cử đã đạt đến số kỷ lục là 13 vị. Con số này sẽ giảm xuống còn 11 vào cuối năm 2010.

Trong số những vị chắc chắn sẽ nằm trong danh sách các tân hồng y là Tổng giám mục Raymond L. Burke, người Mỹ, chủ tịch tòa án tối cao của Tòa thánh, và với chức vụ này, ngài được tiên đoán là sẽ nhận mũ đỏ hồng y.
 
2000-2009: Thập kỷ tồi tệ nhất?
Đoàn Xuân Lộc
08:27 31/12/2009
Khi nhìn lại 10 năm đầu của thế kỷ 21, các nhà bình luận đều bi quan cho rằng đó là thập kỷ mà thế giới phải đối diện với nhiều cuộc xung đột, thiên tai và khủng hoảng nhất. Chẳng hạn, trong một số ra gần đây, tờ tuần báo Time nhận định rằng thập kỷ 2000s (2000-2009) là thập kỷ tồi tệ nhất đối với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Với chủ đề ‘Kết thúc thập niên 2000s: Chào tạm biệt thập niên địa ngục – The end of the 2000s: Goodbye to a Decade from Hell’, tờ tuần báo này đã mô tả 10 năm vừa qua là ‘thập kỷ địa ngục’, ‘thập kỷ của những ước mơ đổ vỡ’, hay ‘thập kỷ bị đánh mất’, vì theo Time trong thập kỷ qua đã có những biến cố tồi tệ xảy ra.

Xung đột – chiến tranh

Có thể nói sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nhất trong thập kỷ 2000s và vẫn còn ghi lại trong ký ức của nhiều người, nhiều thế hệ là cuộc không tặc vào Tòa tháp đôi – Trung tâm thương mại thế giới và Ngũ giác đài – Tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Cuộc khủng bố 9/11 cũng là biến cố ‘mở màn’ cho những cuộc khủng bố đẫm máu khác xảy ra tại nhiều nơi khác trên thế giới. Trong số đó vụ tấn công bằng bom tại khu du lịch của Bali, Indonesia năm 2003, xe lửa ở Madrid năm 2004 và tàu điện ngầm ở London năm 2005.

9/11 không chỉ đánh dấu một bước ngoặt mới trong chính sách an ninh và ngoại giao của Mỹ mà còn có tác động lớn đến chính trị thế giới. Kể từ vụ khủng bố đó, Mỹ và một số nước khác coi kẻ thù chính đối với an ninh của họ là mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Chỉ gần một tháng sau biến cố 9/11, Mỹ và một số nước đồng minh đã tấn công và xâm lược Afghanistan. Và hai năm sau đó những nước này lại tấn công Iraq. Mặc dù Mỹ và các nước đồng minh đã thành công trong việc hạ bệ phe Taliban và tổng thống Saddam Hussein, xung đột và bạo lực vẫn tiếp xảy ra tại đây.

Không chỉ thế, hai cuộc chiến này cũng gây những tổn hại nghiêm trọng về tài chính và nhân mạng cho Mỹ và Anh và đang là một vấn nạn cho lãnh đạo Mỹ, Anh và một số nước khác.

Khủng hoảng tài chính

Ngoài khủng bố, chiến tranh trong hai năm cuối của thập kỷ 2000s, thế giới còn phải đương đầu với những hậu quả tai hại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây nên.

Cuộc khủng hoảng này được bắt đầu từ Mỹ và châu Âu khi hàng loạt ngân hàng lớn khác tại những nước này bị đổ vỡ và phá sản gây nên tình trạng đói tín dụng, sụt giá chứng khoán, sụt giảm lòng tin và mức tiêu thụ trên toàn cầu.

Hậu quả là thế giới không chỉ phải đối diện một cuộc khủng hoảng tài chính mà còn rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện về kinh tế. Đến nay, Mỹ và nhiều nước châu Âu khác vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Vì vậy, cuộc khủng hoảng này được coi là khủng hoảng tệ hại nhất từ cuộc ‘Đại suy thoái’ vào những năm 1930s.

Trong thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng đề cập đến những ảnh hưởng nghiêm trọng mà cuộc khủng hoảng tài chính cũng như những vết thương đau đớn mà chiến tranh và xung đột gây nên cho thế giới.

Thiên tai – thảm họa

Trong thập kỷ qua thế giới cũng phải đối diện với nhiều thảm họa và thiên tai.

Động đất và sóng thần Tsunami ở Ấn Độ Dương năm 2004 được coi là thiên tai có một không hai trong lịch sử. Tsunami không chỉ tàn phá nhà cửa, hoa màu mà còn cướp đi khoảng hơn 200 ngàn sinh mạng tại các nước thuộc vành đai Ấn Độ Dương.

Một nước khác chịu ảnh hưởng lớn về thiên tai là Miến Điện. Ước tính có hơn 100 ngàn người thiệt mạng và mất tích, và hàng trăm ngàn người khác rơi vào cảnh màn trời chiếu đất từ cơn bão Nargis năm 2008.

Động đất ở xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào tháng 5 năm 2008 cũng được coi là một thiên tai lớn nữa của thập niên vừa qua. Ước tính có hơn 90 ngàn người đã chết hay mất tích trong trận động đất này.

Những hậu quả, thảm họa do thiên tai gây nên cũng không xa lạ gì đối với Việt Nam. Dù không gây nên những hậu quả tồi tệ như những thiên tai trên, bão lụt ở miền Trung trong tháng Chín vừa qua cũng đã gây ra những tổn thất lớn về vật chất và nhân mạng.

Thiên tai hay nhân tai?

Một câu hỏi quan trọng được tờ tạp chí Time đặt ra là tại sao lại có nhiều điều tồi tệ như vậy xảy ra trong 10 năm qua? Vì thiếu may mắn hay vì một lý do nào khác mà nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung phải gánh chịu những tệ hại đó?

Theo Time, chính chúng ta – thế giới nói chúng ta và nước Mỹ nói riêng – là người gây nên hay chịu trách nhiệm về hầu hết những phức tạp, những điều tệ hại trong thập kỷ qua. Hay nói cách khác hầu hết những cuộc khủng hoảng, xung đột và thảm họa là ‘nhân tai’ – do con người gây nên, chứ không phải hoàn toàn do ‘thiên tai’.

Theo tờ tạp chí này có bốn nguyên nhân căn bản dẫn đến xung đột, chiến tranh, khủng hoảng hay làm cho những thiên tai trở thành những thảm họa. Đó là sự thiếu hiểu biết (ignorance), tham lam (greed), tư lợi (self-interest) và sự chậm trễ trong trách nhiệm (deferral of responsibility).

Chẳng hạn, cung cách làm ăn thiếu minh bạch, chạy theo lợi nhuận khổng lồ trước mắt mà không tính đến những hậu quả lâu dài là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu.

Trường hợp của Bernard Madoff là một ví dụ điển hình. Nhà tài phiệt 71 tuổi này, từng là chủ tịch của dàn chứng khoán NASDAQ và từng được coi là biểu tượng thành công của người Mỹ, đã lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đô. Ông bị bắt tháng 12 năm 2008 và bị kết án 150 năm tù giam vào tháng 6 năm 2009 năm nay. Tờ tạp chí Time đã coi việc ông bị bắt và kết án là một trong 10 điều tội tệ nhất của thập kỷ.

Liên quan đến cơn bão Nargis tại Miến Điện năm 2008 chắc chắn hậu quả đã không nghiêm trọng như vậy nếu chính quyền quân sự tại đó có chương trình cứu trợ hiệu quả hơn hay cho các tổ chức quốc tế vào cứu trợ các nạn nhân sớm hơn.

Ngoài bốn nguyên nhân căn bản trên có thể nói có một nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến những cuộc xung đột, chiến tranh trong thập kỷ qua. Đó là sự thù hận, trả thù. Phải chăng đó cũng là lý do tại sao trong thông điệp Giáng sinh của mình, ĐTC Bênêdictô đã mời gọi con cái mình và thế giới ‘hãy từ bỏ mọi thứ chủ nghĩa bạo lực và trả thù, và dấn thân một cách nhiệt thành và quảng đại vào tiến trình mang tới sự chung sống hoà bình’?

Tất cả đều tệ hại?

Nhìn từ góc độ của người Mỹ, có thể nói Time đã không sai khi coi 10 năm vừa qua là thập kỷ tệ hại nhất, vì trong danh sách 10 biến cố tội tệ nhất mà Time liệt kê, trong đó cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000, sự kiện 9/11, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, bão Katrina tại tiểu bang Lousiana (Mỹ), có đến 9 sự kiện liên quan hay xuất phát từ Mỹ.

Hơn nữa những sự kiện đó đánh vào những điểm mạnh, những biểu tượng về thành công, về sức mạnh, và niềm tự hào của người Mỹ.

Nói thế không có nghĩa là trong 10 năm qua nước Mỹ và thế giới không được chứng kiến hay đón nhận một biến cố nào vui vẻ, tích cực, tốt đẹp. Việc ông Barack Obama, người da đen và cũng là người da màu đầu tiên trở thành tổng Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4 tháng 11 năm 2008 là một sự kiện vui mừng, một biến cố lịch sử không chỉ cho nước Mỹ và cả thế giới nói chung.

Chỉ cách đây bốn thập kỷ, tại Mỹ người da đen vẫn còn bị bất công đối xử, quyền lợi của họ không được hoàn toàn tôn trọng. 40 năm sau một trong số họ đã trở thành tổng thống. Với việc chọn một người da đen, da màu lên làm tổng thống, Mỹ đã làm được điều mà các nước châu Âu khác chưa làm và có thể còn lâu mới làm được. Đến giờ chưa có một người da đen hay da màu nào trở thành thủ tướng hay tổng thống tại châu Âu.

Mặc dù trong năm đầu tại chức, tổng thống Obama chưa giải quyết hết được những hậu quả, những tệ hại xảy đến cho nước Mỹ trong những năm qua, nhưng ít hay nhiều ông cũng đã giúp thay đổi được hình ảnh của nước Mỹ.

Trong chính sách ngoại giao thay vì đối đầu, khiêu chiến như vị tiền nhiệm của mình, ông có đường lối ngoại giao thân thiện, cởi mở hơn và nhấn mạnh sự đối thoại, hợp tác. Cũng chính vì đường lối đó, ông được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay, mặc dù ông trở thành tổng thống chưa đầy một năm và chưa đạt được một kết quả cụ thể nào.

Do đó, 10 năm đầu của thế kỷ 21 chưa phải hoàn toàn là tồi tệ với nước Mỹ và thế giới như Time mô tả.
 
Giáo phận Nashville thiết lập giáo xứ Spanish đầu tiên tại tiểu bang Tennessee
Bùi Hữu Thư
08:34 31/12/2009
NASHVILLE, Tenn. (CNS) – Chỉ hai năm sau khi nâng giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe lên hàng xứ đạo truyền giáo thuộc Giáo Xứ Thánh Edward, Đức Giám Mục David R. Choby, giám mục giáo phận Nashville đã cung hiến giáo xứ này là giáo xứ Sì-pa-nít độc lập đầu tiên tại tiểu bang Tennessee.

Ông Hector Martinez, thuộc ban chấp hành giáo dân tại giáo xứ nói: “Việc này đối với chúng tôi rất quý giá. Chúng tôi đang viết lịch sử.” Giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe đã được thiết lập là giáo xứ “thể nhân” để phục vụ cho cộng đồng Sì-pa-nít thay vì giáo xứ lãnh thổ có ranh giới điạ dư.

Quyết định này được dựa trên sự tập trung rất đông đảo của người nói tiếng Sì-pa-nít trong vùng, sự hiện hữu của các cơ sở của giáo hội, và một sự cam kết đã được giáo dân tại đây chứng tỏ là muốn tạo dựng một giáo xứ mới và tự túc. Giáo dân tại nhà thờ Thánh Edward đã tặng ban cho đầy đủ ngân khoản để mua các tòa nhà hiện hữu cho tân giáo xứ và ngân khoản chỉnh trang được Giáo phận Nashville và Hội Bành Trướng Công Giáo (the Catholic Extension Society) tài trợ.

Ông Martinez nói, bây giờ giáo dân tại Đức Mẹ Guadalupe hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc bảo trì cơ sở: ”Điều này không dễ, nhưng chúng tôi đang làm được.” Cơ sở là một toà nhà lớn có hàng chục lớp học và văn phòng, cần được sửa chữa và tu chỉnh thường xuyên. Ban thường vụ của giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe đã đang điều hành ngân quỹ và các mục vụ trong giáo xứ, do đó ông Martinez cho hay, ông trông đợi một sự chuyển tiếp dễ dàng trong lúc giáo xứ lãnh nhận một cương vị mới. Hiện nay có 550 gia đình tham dự thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe. Hàng trăm trẻ em theo học các lớp giáo lý, và các lớp Thánh Kinh được rất nhiều người lớn ưa chuộng.
 
Top Stories
HAPPY NEW YEAR
VietCatholic Network
21:38 31/12/2009
May The LORD bless you and keep you;
May He make his face shine upon you
and be gracious to you; and give you peace.
May He give you strength to preserve no matter how hard your day is.
May He give you shelter from the wind and a refuge from the storm,
streams of water in the desert, level paths for your feet,
and the shadow of a great rock in a thirsty land.
May He preserve you from all evil: preserve your soul,
preserve your going out and your coming in from this time forth, and even for evermore.
May He give you the desires of your heart.
When you are distressed may He turn His ear to you quickly.
May He have Mercy on you all day long.
May He guard your life,and give you peace
May He always may count you worthy of his calling,
and that by his power He may fulfill every good purpose of yours and every act prompted by your faith.
May the name of our Lord Jesus may be glorified in you,
and you in him, according to the grace of our God and the Lord Jesus Christ.
May the LORD, the God of your fathers, increase you a thousand times and bless you as he has promised.
May He enable you to overcome and become a
Pillar in the temple of the Lord.
Grace and peace to you from God
our Father and the Lord Jesus Christ.
May you be called by His name, and may He heal your land.
For surely, O LORD, You bless the righteous; and surround them with your favor as with a shield.
And Surely goodness and Mercy shall follow you all the days of your life.
May you be so richly blessed that you will bless others with what overflows from your cup.
"The Lord bless and keep you.
The Lord let His face shine upon you, and be gracious to you.
The Lord look upon you kindly and give you peace."
Baruch haba B'shem Adonai!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành hương Năm Thánh mừng kính Mẹ Thiên Chúa bổn mạng các bà mẹ Công Giáo Hạt Chí Hoà
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
06:55 31/12/2009
SAIGÒN - lúc 16h thứ tư ngày 30/12/2009. Tại khuôn viên nhà thờ Chí Hoà số 149 đường Bành Văn Trân – phường 7 – quận Tân Bình. Kỷ niệm 25 năm thành lập các bà mẹ Công Giáo Hạt Chí Hoà đã hành hương Năm Thánh 2010 trong phạm vi hạt Chí Hoà.

Có rất đông những quý bà mặc áo dài trắng khăn quàng xanh (xanh màu áo Đức Mẹ) đang chuẩn bị xếp hàng hai đón chào Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn.

Trong khi chờ Đức Hồng Y chưa hiện diện. Nghe âm giọng nữ đang xướng phát ra từ dàn âm thanh, sắp xếp thứ tự cuộc cung nghinh Mẹ Thiên Chúa, bắt đầu từ nhà xứ hướng ra nhà thờ.

Mọi người trong tư thế sẵn sàng cho một sự việc sắp được bắt đầu, các khâu chuẩn bị hầu như được hoàn tất. Ngay lúc ấy hội kèn đồng vang lên những nốt nhạc hân hoan – rộn ràng, mọi người cùng nhau hướng nhìn ra phía cổng chính nhà thờ, những tràng pháo tay liên tiếp chào mừng Đức Hồng Y – Tổng Giám Mục, Ngài đã hiện diện lúc 17h20. Sau ít phút, cuộc cung nghinh Mẹ Thiên Chúa được bắt đầu với hai hàng người (các hội viên, hội CBMCG) đi rất nghiêm trang cung kính cùng với cờ đoàn của 15 chi hội các bà mẹ trong Giáo Hạt được giơ cao tượng trưng cho 25 năm tồn tại và phát triển, cùng với đoàn cung nghinh có ban thường vụ của Giáo Hạt và các Giáo Xứ tham dự. Sau kiệu Mẹ Thiên Chúa là đoàn đồng tế, có 7 cha trong Giáo Hạt đi trước sau cùng là Đức Hồng Y chủ tế.

Tham dự Thánh Lễ hôm nay có khoảng hơn 2000 giáo dân. Trước Thánh Lễ, cha Dom. Đinh Văn Vãng – linh hướng hội CBMCG hạt Chí Hoà, ngỏ lời chào trân trọng đến Đức Hồng Y, cha hạt trưởng cùng quý cha đồng tế và cộng đoàn.

Trong bài giảng Đức Hồng Y mời gọi mọi người, cách riêng các bà mẹ Công Giáo hạt Chí Hoà, sống Năm Thánh thật tốt, đúng với ý nghĩa của từ “Thánh”. Bằng sự tương quan giữa gia đình với lối xóm – với xã hội – với quê hương đất nước. Đặc biệt trong gia đình cần thực hiện được giờ kinh tối (có đọc lời Chúa) để mọi người cùng lắng nghe và suy gẫm lời của Ngài, giúp đời sống tâm linh có sức sống, nhờ đó mọi người trong gia đình hiểu nhau – chia sẻ cùng nhau đắng cay ngọt bùi, để yêu thương và gắn bó với nhau, xây dựng một gia đình hạnh phúc. Như thế xã hội được bền vững - ấm no – yên vui.

Sau khi rước lễ, Đức Hồng Y trao phép lành Toà Thánh do Đức Thánh Cha Benedict XVI đã ấn ký cho cha Giuse Maria Đoàn Văn Thịnh hạt trưởng hạt Chí Hoà, đọc công bố và trao lại cho cha Dom. Đinh Văn Vãng – linh hướng hội CBMCG, và phép lành Toà Thánh được trao lại cho bà hội trưởng hội CBMCG.

Sau lời cảm ơn Đức Hồng Y – Đức Cha Giuse Giám Mục Phan Thiết – Đức Cha Phêrô phụ tá – cha GB. Tổng linh hướng Giáo Phận – cha Dom. Linh hướng Giáo Hạt – cha hạt trưởng và quý cha đồng tế cùng các đơn vị - cá nhân đã hỗ trợ đồng hành, và tất cả mọi người đến tham dự Thánh Lễ đồng tế, cầu cho các bà mẹ nhân kỷ niệm 25 năm thành lập.

Đức Hồng Y đáp từ, Ngài hỏi “ai sống 50 năm hôn phối trở lên, xin giơ tay?”, có nhiều cánh tay giơ lên, liến sau đó ngài mời những ai giơ tay tiến lên gian cung Thánh, có khoảng 40 bà cụ, Đức Hồng Y chúc mừng đây là mẫu gương tốt lành trong đời sống hôn nhân, được Thiên Chúa chúc phúc, sau đó ngài trao bó hoa vừa nhận được từ các bà mẹ kính dâng cho quý bà cụ đáng kính, quý cha đồng tế cũng trao những bó hoa trên tay đến quý bà cao niên đáng được trân trọng.

Sau đó Đức Hồng Y ban phép lành Toà Thánh cho cộng đoàn. Thánh Lễ kết thúc trong niềm hân hoan tạ ơn Thiên Chúa trong bình an.

Tiệc liên hoan được chuẩn bị từ trước tiếp đón Đức Hồng Y – quý cha đồng tế và quý khách tại nhà hàng Nước Hằng Sống.
 
Thông báo của Giám tỉnh DCCT và Văn phòng Tòa Giám Mục Kontum về bổng lễ
VP TGM Kontum
07:42 31/12/2009


GL 1983

Ðiều 957: Bổn phận và quyền lợi trông nom cho mọi ý lễ được chu toàn đối với các nhà thờ của giáo sĩ triều thì thuộc về thẩm quyền của Bản Quyền sở tại; còn đối với nhà thờ của dòng tu hay tu đoàn tông đồ thì thuộc các Bề Trên của họ.

Theo Giám mục Giáo phận Kontum đương nhiệm, thì các Cha Sở, Cha Phó (ngoài phần trích cho phương tiện di chuyển, nếu có nhu cầu, phần còn lại) chuyển các bổng lễ thứ 2 hoặc thứ 3 (dâng lễ theo nhu cầu mục vụ thật sự) về Toà Giám Mục để dùng vào việc giáo dục.
 
ĐTC Benedictô XVI bổ nhiệm LM Matthêu Nguyễn Văn Khôi làm Giám mục phó giáo phận Quy Nhơn
LM Trần Công Nghị
08:05 31/12/2009
VATICAN - Hôm nay (31.12.2009) Phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa tin cho biết là ĐTC Benedictô XVI đã bổ nhiệm LM Matthêu Nguyễn Văn Khôi làm Giám mục phó giáo phận Quy Nhơn.

Cha Matthêu Khôi hiện là cha sở nhà thờ chính tòa Quy Nhơn và là giáo sư Chủng viện Sao Biển Nha Trang.

Tân giám mục Nguyễn Văn Khôi sinh ngày 13.10.1951 ở Phước Sơn, Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thuộc giáo phận Quy Nhơn, học Tiểu Chủng Viện Quy Nhơn và theo học Triết lý và Thần học tại Giáo hoàng học viên Đà Lạt (1970-1977). Ngài cũng theo học Phân khoa Văn Chương tại Đại học Công giáo Đà Lạt.

Cha Khôi được thụ phong linh mục ngày 10.5.1989 cho giáo phận Quy Nhơn.

Sau khi thụ phong linh mục, ngài được cử làm cha xứ Bình Định (1989-2000), giáo sư Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang (1994-2000), và được cử đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma (2000-2005), mãn học với cấp bằng tiến sĩ Thần học Luân lý.

Từ năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm cha chính xứ nhà thờ chính tòa Quy Nhơn, hạt trưởng hạt Bình Định, và là thành viên trong Ban Cố Vấn của giáo phận Quy Nhơn, thành viên Ban đào tạo và giáo dục linh mục giáo phận, và giáo sư Thần học luân lý Đại chủng viện.

Giáo phận Quy Nhơn rộng 16.194 cây số vuông, và hiện có 67.100 tín hữu Công Giáo trên tổng số 3.770.707 dân cư, với 89 linh mục trong số này có 8 LM dòng, 18 tu huynh và 36 chủng sinh và 392 nữ tu.

Toàn Ban Điều Hành và Ban Biên Tập VietCatholic xin hân hoan chúc mừng Đức Tân Giám Mục vừa được bổ nhiệm và chia niềm vui với Đức Cha Nguyễn Soạn và toàn giáo phận Quy Nhơn.
 
Bài giảng thánh lễ đêm Giáng Sinh của Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, GM Phát Diệm
LM. Hồng Phúc (ghi)
10:08 31/12/2009
LTS: Thánh lễ Giáng Sinh đêm 24/12/2009, bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Năng Giám mục giáo phận Phát Diệm đã để lại nhiều ấn tượng cho mọi người gồm đủ mọi thành phần trong xã hội tham dự. Chúng tôi xin ghi lại nguyên văn nội dung bài giảng để cống hiến độc giả.

TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
BÀI GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2009

CỦA ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN NĂNG, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM


Anh chị em thân mến,

Chúng ta họp nhau để cử hành thánh lễ Giáng Sinh hay còn gọi là lễ Noel. Noel còn gọi là Emmanuel, nghĩa là “Chúa ở cùng chúng ta”. Bầu không khí của ngày lễ Noel là bầu không khí vui mừng.

Quả thật, như anh chị em vừa nghe trong bài Tin Mừng, lời của Thiên sứ nói với các mục đồng: “Đây! Ta báo cho anh em, một Tin Mừng trọng đại. Cũng là Tin Mừng cho toàn dân là: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra” (Lc 2, 10-11). Một Tin Mừng cho toàn dân, cho mỗi người chúng ta. Thế nhưng, chúng ta tự hỏi, anh chị em có thực sự cảm nhận được rằng: Ngày lễ hôm nay có thực sự là niềm vui, là Tin Mừng cho anh chị em không? Có đúng thật là trẻ thơ đặt trong máng cỏ là một Tin Mừng cho chúng ta và cho toàn dân hay không? Thưa, không phải dễ trả lời. Người nghèo thì cần có tiền hoặc là có nghề nghiệp để kiếm ra tiền. Nhưng Chúa Giêsu lại nghèo, cha mẹ nghèo đến độ không thể tìm được chỗ trong quán trọ vậy thì cần gì đến Chúa Giêsu. Những người ốm đau bệnh tật, những kẻ thấp cổ bé miệng bị cuộc đời chà đạp thì mong đợi người nào đó có quyền lực, có địa vị, có khả năng để giải phóng mình khỏi mọi thứ nô lệ. Nhưng mà Đức Giêsu lại là một trẻ thơ dường như yếu ớt, bất lực nằm trong máng cỏ. Vậy thì Đức Giêsu có phải là Tin Mừng hay không? Còn những người giàu có, những người có địa vị, có lẽ nghĩ rằng mình không thiếu gì hết họ có đủ mọi thứ để hưởng thụ để sống an nhàn, vậy thì cần gì ở Đức Giêsu và Đức Giêsu không phải là Tin Mừng đối với họ.

Thưa anh chị em,

Đức Giêsu là ai? Để có thể nói rằng đây là tin vui, tin mừng cho họ.

Đức Giêsu làm được cái gì? Có cái gì ? Để chúng ta có thể tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là Tin Mừng cho toàn dân.

Quả thật, Đức Giêsu không có tiền, không có quyền thế, không có địa vị nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đến làm người với con người để chỉ cho chúng ta – những con người – biết cách sống cuộc đời của những con người có ý nghĩa, biết sống cuộc đời những con người hạnh phúc. Đức Giêsu là ánh sáng chiếu soi vào cuộc đời tăm tối của chúng ta.

Trong bài đọc thứ nhất, anh chị em nghe: Dân đi trong đêm tối đã nhìn thấy ánh sáng rực rỡ. Chính Đức Giêsu đã chiếu rọi vào ánh sáng cuộc đời của chúng ta. Đã có những câu hỏi muôn đời không trả lời được: Tại sao tôi lại sống? Tại sao tôi lại có mặt ở trên cõi đời này? Tôi sống ở đời này để làm cái gì? Và sau cuộc đời này, tôi đi về đâu?... Không ai trong chúng ta có thể trả lời được những câu hỏi ấy? Đức Giêsu hôm nay đến trong thân phận của một con người, trong thân phận của một trẻ thơ. Chính Ngài mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của cuộc đời: Con người bởi Thiên Chúa mà đến và rồi sẽ đi về với Thiên Chúa. Cuộc đời của con người không phải là chuyện ngẫu nhiên tình cờ, nhưng chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Hơn nữa, Đức Giêsu sống thực sự cuộc đời của một con người qua tất cả những chặng đường trong tất cả những hành trình của một con người. Người đã sinh ra, đã lớn lên, trong cuộc đời của nghề lao động để mưu sinh. Người đã sống cuộc đời phục vụ anh chị em mình và rồi cuối cùng Người đã chết và sau cái chết Người đã sống lại. Vậy thì, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách để sống xứng đáng phẩm giá của một con người. Ngài chỉ ra cho chúng ta cái cách, đường lối để sống cuộc đời của mình ở trên đời này có ý nghĩa. Đó là cuộc sống hiến thân vì tha nhân, sống trong tình yêu thương, tha thứ, sống quảng đại và chia sẻ, nhất là yêu mến những kẻ nghèo khó. Lời của Đức Giêsu và cuộc đời của Đức Giêsu chỉ ra cho chúng ta những nguyên tắc để sống. Cuộc đời và lời của Đức Giêsu đã biến đổi thế giới này trải qua lịch sử hai mươi thế kỷ qua. Lời của Chúa Giêsu đã âm thầm biến đổi thế giới, tuy dù có chậm chạp nhưng lời của Đức Giêsu như là men được gieo vào lòng đời. Ngài gieo ánh sáng và niềm vui vào cuộc đời của chúng ta: Men của tự do, men của huynh đệ và men của tình người đang âm thầm biến đổi thế giới của chúng ta.

Đức Giêsu không phải là một nhà chính trị. Đức Giêsu cũng không phải là một người tổ chức xã hội. Nhưng Ngài đã đem vào thế giới cho chúng ta mầm sống của tình yêu và chân lý. Thật sự, nhân loại của chúng ta hôm nay, thế giới của chúng ta hôm nay đã đạt được những tiến bộ hết sức lớn. Về khoa học, phải nói là tuyệt vời, những phát minh tuyệt vời. Nhân loại tự hào là đã đạt tới một văn minh cao độ và chúng ta đã làm cho thế giới này, cuộc sống của con người mỗi ngày một giầu có hơn. Thế nhưng mà, một cách hết sức là nghịch lý, hơn lúc nào hết, xã hội của chúng ta hôm nay, thế giới của chúng ta hôm nay đang đi vào mâu thuẫn kỳ lạ, văn minh khoa học kỹ thuật nhưng hơn lúc nào hết, con người hôm nay đang bị đe dọa bởi những thành tựu của khoa học kỹ thuật, những kỹ thuật làm ra bom đạn đang quay ngược trở lại để làm ra bom đạn để giết chết con người. Cuộc chiến của thế kỷ hai mươi đang chứng minh điều ấy, rồi chính con người ngày hôm nay đang giang tay để mà hủy hoại môi trường sống của chúng ta. Hơn lúc nào hết, thế giới của chúng ta đang xâu xé bóc lột lẫn nhau: con người rơi vào ích kỷ, hận thù, loại trừ lẫn nhau. Vậy thì, chúng ta văn minh, chúng ta tiến bộ, nhưng mà nhân loại này vẫn còn thiếu một cái gì đó. Thiếu một cái gì đó để làm cho con người sống hạnh phúc thật sự. Thiếu một cái gì đó để làm cho những cái gì con người làm được đạt được một cách vững bền. Điều mà nhân loại thiếu đó là thiếu chân lý và ánh sáng. Nhân loại cần đến ánh sáng để xây dựng cuộc đời của mình làm sao để phát triển và phát triển một cách toàn diện. Phát triển về kinh tế đã vậy mà còn phát triển về văn hóa, về đạo đức, về tâm linh. Phát triển chiều kích thân xác và phát triển chiều kích linh hồn. Chính vì vậy, đó là điều Đức Giêsu đem đến cho nhân loại, đem đến cho chúng ta. Đức Giêsu đến để trao tặng tình yêu cho nhân loại, cho chúng ta. Và như vậy thì Đức Giêsu là Tin Mừng cho nhân loại, Tin Mừng cho toàn dân.

Lẽ dĩ nhiên không phải ai cũng đón nhận Chúa Giêsu. Như trong bài Tin Mừng, trong thực tế chúng ta cũng đã thấy: Đức Giêsu đã bị loại trừ. Bởi vì người ta coi thường Chúa, người ta nghĩ rằng Đức Giêsu cũng chỉ là một con người thậm chí là một trẻ em yếu ớt không làm được gì. Đức Giêsu bị loại trừ, như Herode cũng coi Đức Giêsu là một nhân vật nguy hiểm. Thật sự thì Đức Giêsu chỉ là một trẻ thơ nhưng lại là một trẻ thơ dẫn đưa chúng ta tới một hạnh phúc đích thật.

Thưa anh chị em,

Chúng ta là những Kitô hữu, là môn đệ của Chúa. Hôm nay chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta đón nhận Chúa vào trong cuộc đời của mình. Anh chị em hãy để cho Đức Giêsu chiếu dãi ánh sáng vào trong bóng tối cuộc đời của mình. Hãy để cho Đức Giêsu gieo hơi ấm tình yêu vào xã hội lạnh giá của chúng ta. Anh chị em là môn đệ của Chúa, phải làm sao sự hiện diện của anh chị em, sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới và tại Việt Nam này phải trở thành thực sự một Tin Mừng cho toàn dân. Giáo hội có nhiệm vụ chiếu rọi ánh sáng và gieo mầm yêu thương vào trong cuộc đời. Không phải chúng ta thuyết phục bằng những lý lẽ nhưng chúng ta phải chứng minh bằng chính cuộc sống và hành động của mình. Chúng ta đang cử hành Năm Thánh 2010 để kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam và kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi qua thì phải thành thật nhìn nhận rằng, nhiều lúc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam của chúng ta đã không thực sự là Tin Mừng cho toàn dân:

Trong lòng Giáo Hội vẫn còn đó những tội lỗi và gương xấu;

Trong lòng Giáo Hội vẫn còn đó những chia rẽ và phe nhóm;
Các Kitô hữu chúng ta đã gây mất tình đoàn kết trong hàng xóm, trong đồng bào;
Các Kitô hữu chúng ta đã gây ra những nghi kỵ, những hận thù và ghen ghét;
Giáo Hội của Chúa đã chưa quan tâm đủ đến người nghèo, những người xấu số;
Giáo Hội chúng ta đã không tích cực bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ sự sống và công lý.

Như vậy, người ta sẽ đặt vấn đề: Chúng ta theo Đức Giêsu để làm cái gì? Và Đức Giêsu chưa phải là Tin Mừng cho toàn dân và nhân loại cũng chẳng cần tới Giáo Hội, Giáo Hội cũng chẳng là Tin Mừng cho anh chị em. Chính vì thế, trong Năm Thánh 2010, anh chị em hãy cố gắng tích cực tối đa, phải làm sao để chứng tỏ rằng:

Nơi nào có sự hiện diện của Giáo Hội thì nơi đó phải có một cuộc sống an bình;
Nơi nào có Giáo Hội thì ở đó tuyệt đối không được có những tội phạm xã hội, không xảy ra tình trạng giết người, cướp bóc, đánh nhau bóc lột;
Nơi nào có Giáo Hội là ở đó tuyệt đối không được có những nghề phạm pháp, xìke mại dâm...

Trái lại:

Ở nơi nào có Giáo Hội thì anh chị em Kitô hữu phải chứng tỏ rằng cuộc sống của chúng ta là cuộc sống yêu thương đoàn kết, tha thứ;
Ở nơi nào có Giáo Hội, anh chị em phải xây dựng cuộc sống đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ, liên đới, hài hòa, quảng đại và tha thứ cho nhau;
Ở nơi nào có Giáo Hội, anh chị em phải chứng tỏ một cuộc sống biết giúp đỡ, nhất là giúp cho những người nghèo vươn lên để sống xứng đáng với phẩm giá của con người;
Ở nơi nào có các Kitô hữu, anh chị em phải chứng tỏ tinh thần tôn trọng luật pháp, trật tự và nhất là xây dựng văn minh tình thương.

Có được như vậy, thì chúng ta mới có được cơ may để kiến tạo một hình ảnh đẹp và trung thực về Giáo Hội. Giáo Hội phải làm sao xây dựng và canh tân để được yêu mến. Quả thực, người ta ghét Giáo Hội là vì chúng ta đã sống không đúng tinh thần Phúc Âm của Chúa. Giáo Hội phải trở thành Tin Mừng cho anh chị em, đồng bào của mình.

Thưa anh chị em,

Trong tâm tình ấy, tôi xin được cầu chúc cho tất cả mọi người gặp được Đức Giêsu. Xin cho anh chị em thực sự cảm nhận Chúa Giêsu là Tin Mừng cho cuộc đời của mình. Và tôi cầu chúc cho tất cả quý ông bà anh chị em, quý khách và toàn thể mọi người đang hiện diện trong thánh lễ hôm nay một lễ Giáng Sinh tràn đầy ánh sáng và tình yêu, tràn đầy an bình và niềm vui của Chúa Giêsu.

Xin Đức Kitô Cứu Thế chúc lành cho tất cả quý vị. Amen
 
Ngày Hội Gia Đình Trẻ TGP Sài Gòn: Ngày của suy ngẫm, chia sẻ về đời sống gia đình trong ân sủng Chúa
Nguyễn Hoàng Thương
10:16 31/12/2009
Ngày Hội Gia Đình Trẻ TGP Sài Gòn: Ngày của suy ngẫm, chia sẻ về đời sống gia đình trong ân sủng Chúa

Ngày 27/12/2009, toàn thể Hội Thánh long trọng cử hành Lễ kính Thánh Gia Thất, đây là dịp để gần 100 cặp gia đình trẻ cùng con cái họ được sống một ngày trọn vẹn với những chia sẻ, suy tư, cầu nguyện và chiêm ngắm mẫu gương Gia Đình Nagiareth tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đây là sáng kiến của Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn để tổ chức Ngày Hội Gia Đình Trẻ với chủ đề “Gia đình, ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin”. Gần 400 tham dự viên của Ngày Hội, chưa kể các bạn trẻ nhóm Emmanuel nằm trong Ban Tổ Chức, với các cặp gia đình trẻ cùng con cái họ đại diện cho các giáo xứ trong Giáo phận.

Ca ngợi Chúa

Lúc hơn 8 giờ sáng, khi còn đang đăng ký tại các bàn tiếp tân, chưa bước vào hội trường sinh hoạt, chúng tôi đã nghe âm vang rộn ràng của những ca khúc Giáng Sinh, những ca khúc ngợi khen Chúa cứ ngỡ như được phát ra từ CD, nhưng thật bất ngờ, những giọng trong trẻo đó lại phát xuất từ nhóm bạn trẻ Emmanuel. Thế rồi, sau từng ca khúc là những lời cầu nguyện của các gia đình trẻ với những lời cảm tạ và ngợi khen hồng ân Chúa. Đặc biệt có cặp gia đình chia sẻ Lễ Thánh Gia Thất cũng là kỹ niệm ngày cưới của họ, thật là một hồng ân đối với họ khi được tham dự ngày hội.

Diễn từ Khai Mạc

Trong diễn từ khai mạc Ngày Hội, Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã gửi gắm đến các gia đình bằng câu chủ đề Trong Năm Thánh “Giáo Hội, Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ”. Ngài giải thích ý nghĩa của chủ đề này:

- Hơn ai hết các gia đình Công Giáo sống ý nghĩa ấy vì gia đình là Giáo Hội thu nhỏ, Giáo Hội tại gia. Ý nghĩa mầu nhiệm này đặc biệt rất rõ ràng trong Mùa Giáng Sinh vì nơi Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người và trong gia đình mọi người được mời gọi sống ý nghĩa mầu nhiệm để vợ chồng nhìn nhau, cha mẹ nhìn con cái bằng cặp mắt của Chúa.

- Hơn ai hết gia đình cũng là nơi của hiệp thông vì gia đình được hình thành bằng tình yêu, cho nên là nơi hiệp thông trọn vẹn. Con cái chúng ta có sống hiệp thông được trong gia đình thì sau này mới cố thể sống hiệp thông ngoài xã hội.

- Gia đình cũng la nơi lãnh nhận sứ vụ làm chứng cho tình yêu của Chúa ngay trong cuộc đời này

Sau phát biểu khai mạc, Đức Cha đã cùng vui, cùng hát trong bầu khí ngợi khen Chúa làm cho cộng đoàn thêm sống động. Các bé thiếu nhi lại càng rộn ràng khi ông già Noel xuất hiện và dẫn dắt các bé trong những hoạt động, một chương trình bổ ích về đức tin dành cho thiếu nhi. Nhóm bạn trẻ Emmanuel đã hết sức nỗ lực để tách các bé ra khỏi cha mẹ, nhất là các trẻ dưới 3 tuổi. Đây đó vang vọng tiếng khóc đòi mẹ, đòi cha nhưng qua bàn tay vỗ về của các bạn, dần dần tiếng khóc đã dứt hẳn. Thật tài tình và cảm phục các bạn đã tạo sự yên tâm cho các bậc cha mẹ trẻ dành trọn thời gian cho việc chia sẻ học hỏi sống với nhau trong bầu khí chân tình.

Thách đố và hy vọng trong hôn nhân

Tại Hội trường chính, các cặp vợ chồng được chia sẻ học hỏi về đề tài “Giáo lý về đời sống gia đình trong bối cảnh Năm Thánh 2010” do Cha Luy trình bày. Tham dự buổi thuyết trình còn có hai cặp vợ chồng chia sẻ chứng từ là anh Quang – chị Oanh và anh Phúc – chị Phương, đặc biệt là sự hiện diện của Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, một linh mục dày dạn kinh nghiệm về mục vụ gia đình của Giáo Hội Việt Nam.

Trong phần trình bày, Cha Luy đã giới thiệu chủ đề của Ngày Hội: “Gia đình là ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin”. Chủ đề này được cụ thể bằng những vấn đề trong đời sống gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ qua 6 chủ đề. Sáu chủ đề này được xuyên suốt bằng hai cụm từ “thách đố và hy vọng”. Thách đố là vì nó khó và phải chạm trán mỗi ngày trong suốt đời sống gia đình nhưng vẫn còn trong ta niềm hy vọng. Sáu chủ đề được ngài tuần tự giới thiệu để chia nhóm thảo luận:

1. Sự tha thứ: Chúa Giêsu dạy tha thứ không chỉ bảy lần mà bảy mươi lần bảy. Để sống đức tin và đức tin mà chúng ta truyền lại cho con cháu, cho các thế hệ mai sau thì cần phải sống ơn tha thứ để nói lên niềm tin của ta. Đó quả là một thách đố nhưng cần phải có hy vọng để thực hiện được.

2. Sự hài hòa trong đời sống tính dục vợ chồng: Cha Luy trần tình rằng ngài không có thẩm quyền nói chuyện trong chuyện này nhưng khơi lên buổi thảo luận sắp diễn ra hôm nay sẽ do các cặp vợ chồng chia sẻ, làm cho sinh động. Nhưng cần luôn nhìn nó trong ánh sáng đức tin, ánh sáng được Thánh Thần Chúa soi dọi. Thực tại đời sống vợ chồng trong đó tính dục là nền tảng không phải là thực tại cuối cùng nhưng nó là một thực tại thời gian. Mặc dù nó tạm thời nhưng quan trọng, không có nó không có đời sống hôn nhân, không có hình ảnh của Thiên Chúa chiếu tỏa ở trần gian. Trong thực tế, đời sống này không dễ gì hài hòa với nhau.

3. Vai trò đồng tiền và các giá trị vật chất trong đời sống gia đình trẻ:Ai là chủ đời ta? Trong Năm Thánh ta xác tín lại, tuyên xưng lần nữa Chúa là chủ đời ta. Thế nhưng tiền bạc, của cải vật chất, nhiều khi vì nó ta đánh mất giá trị cao nhất là tình thương yêu, là sự tha thứ, sự hài hòa với nhau. Có phải chúng ta bỏ Chúa mà chạy theo một ngẫu tượng khác, một vị thần khác là thần tài. Trong cái nhìn đức tin cần mổ xẻ vấn đề tiền bạc và quản lý tiền bạc.

4. Vai trò cha mẹ trong sứ vụ giáo dục đức tin cho con cái: là một đề tài nóng của tất cả các gia đình, nhất là khi con đến tuổi 11, 12 gọi là tuổi teen. Nếu không chuẩn bị từ khi con mới lọt lòng thì coi chừng đến tuổi teen đánh mất con một khi không sống gần con. Thời thơ ấu ta không gần chúng thì đến tuổi này rất khó khăn để gần chúng và dặc biệt cho chúng một cuộc sống hạnh phúc đích thực, cuộc sống dựa trên đức tin. Làm sao truyền kinh nghiệm đức tin cho con qua việc giáo dục đức tin hằng ngày?

5. Sự đối thoại giữa vợ chồng với nhau: là vấn đề cụ thể mà nhiều gia đình không quan tâm hay coi thường. Dường như mọi chú ý chỉ dồn vào con cái mà không quan tâm đến tình yêu của chính hai vợ chồng với nhau cần được xây dựng, vun đắp. Nhưng xây dựng, vun đắp thế nào cho phù hợp với Phúc Âm, những giá trị mà Chúa Giêsu đã loan truyền.

6. Tự do cho đi chính mình.

Thách đố cho hôn nhân bắt nguồn từ khác biệt đức tin

Sau khi giới thiệu vắn tắt giáo lý căn bản về đời sống gia đình như kế hoạch Thiên Chúa muốn qua 6 đề tài. Cha Luy đã giới thiệu anh chị Quang – Oanh chia sẻ về vấn đề khác biệt niềm tin, anh chị Phúc – Phương chia sẻ về giáo dục đức tin cho con cái trong nhà.

Khó khăn trong hôn nhân khi lập gia đình thì rất nhiều, khác tính tình, trình độ, giáo dục, người Nam, kẻ Bắc, người mang văn hóa nay, kẻ mang văn hóa khác, nhưng khác biệt khó nhất vẫn là khác biệt niềm tin. Anh chị Quang – Oanh đã có 3 năm hôn nhân với “hai mũn con, mũn thứ hai vừa tròn hơn một tháng”, họ chia sẻ về những khác biệt về đạo, rào cản và thách đố cho hôn nhân.

Anh Quang là gia đình đạo gốc còn chị Oanh thì gia đình cách mạng gộc. Anh Quang chia sẻ rằng hai người không nghĩ rằng sẽ lấy nhau, nhưng khi yêu nhau anh luôn trăn trở rằng với đời sống khác biệt của hai gia đình như thế không biết đời sống tương lai như thế nào. Anh chỉ biết cầu nguyện. Tuy nhiên, anh cũng có quan điểm thật thẳng thắn là anh giới thiệu Chúa với Oanh còn Oanh có đến với Chúa với đạo hay không là do cô tự nguyện. Thời gian trôi qua, có lẽ do Chúa chấp nhận lời cầu nguyện mà qua những lần anh đưa chị đến các cộng đoàn, đi nhà thờ, học giáo lý… chị Oanh đã cảm nhận được Thiên Chúa một cách trọn vẹn và xin chịu phép Thánh Tẩy theo đạo Công Giáo.

Chị Oanh tâm sự mình sống trong môi trường không có điều kiện tiếp xúc về đạo khi xung quanh mình toàn là gia đình các cựu chiến binh, chị luôn thắc mắc khi những bạn bè cùng thời đi học cứ mỗi Chúa Nhật lại đến nhà thờ. Chị cảm thấy Chúa thật xa vời. Nhưng chị thừa nhận rằng cách anh đưa chị vào đạo thật tư nhiên như hơi thở cho cuộc sống. Điều may mắn là mới ban đầu cha mẹ không đồng ý cho anh chị đến với nhau, nhưng sau những lần tiếp xúc với anh, chính cha mẹ chị lại đề nghị chị theo đạo vì họ cho rằng ở đâu đem lại điều tốt đẹp cho con cái thì cha mẹ ủng hộ.

Anh chị là bạn học chung thời đại học sau đó lại đi làm chung, trong một lần gặp khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi, anh đã đề nghị chị cầu nguyện với Chúa, với Đức Mẹ Maria. Chị tâm sự rằng ngay trong tâm thức từ lúc nhỏ đã suy nghĩ rằng “bàn tay ta làm nên tất cả”, cho rằng không gì thay đổi được và nó vẫn tồn tại cho đến khi tin vào Chúa. Nhưng qua biến cố khó khăn trong công việc, tự dưng trong tâm thức lại có ý nghĩ cầu nguyện, mới đầu thì không cụ thể nhưng sau đó thì cầu nguyện với Chúa, từ biến cố đó chị tin vào Chúa và theo đạo. Chị cảm nhận rằng từ khi được làm con cái Chúa, qua những bài giảng của cha thì tâm tư được đáp ứng, tâm trạng được thanh thoát và ngày càng cảm thấy được nhiều ơn phúc. Thành quả mà anh chị có được là hai đứa con kháu khỉnh cùng với sự đồng thuận của cha mẹ chị và cả bà ngoại chị. Thậm chí anh chị lại được cha mẹ chi đưa ra làm mẫu gương cho những người khác khi có những trường hợp hôn nhân khác đạo bên gia đình chị.

Câu chuyện kỳ diệu tại Đại Hội Giới Trẻ Sydney và kinh nghiệm giáo dục con cái

Tại Đại Hội Giới Trẻ Sydney năm 2008 đã có một câu chuyện kỳ diệu xảy ra: hai bạn trẻ quen nhau trước đó 17 năm, cô gái mang thai nhưng hai người lại không thể đến với nhau nên mỗi người ra đi một nẻo. Trong Đại Hội Giới Trẻ cô gái ấy đến với Sydney cùng với đứa con mình, tình cờ gặp lại người bạn 17 năm xưa trong ngỡ ngàng. Điều kỳ diệu đã xảy đến khi họ quyết định lại đến với nhau. Đôi bạn ấy chính là anh Phúc – chị Phương.

Người mẹ đơn thân dạy con

Mười bảy năm một mình vò võ nuôi con, quả là một thách đố to lớn với bà mẹ trẻ trong việc giáo dục con cái. Chị Phương chia sẻ bằng cách đặt ra hàng loạt câu hỏi: Trong việc giáo dục con cái thì Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có can thiệp gì không và can thiệp như thế nào? Về việc giáo dục, việc học hành của con, về tương quan giữa mình với con và con ra xã hội thế nào? Qua đó thì người mẹ học được gì và đứa con học được gì? Thiên Chúa muốn điều gì ở nơi mỗi cá nhân?

Chị cho hay tuổi thơ của chị có một nền tảng giáo dục tốt, từ nhỏ hằng ngày 4 giờ 30 sáng đã theo bố mẹ đi lễ, từ 8 đến 18 tuổi thường xuyên tham gia ca đoàn, khi được rước lễ lần đầu lúc 7 tuổi, hàng tuần bố điều ghi câu Kinh Thánh lên bảng để người trong nhà đi ra đi vào thấy mà học, vì thế những câu Kinh Thánh đã khắc ghi vào tâm khảm chị, trong đó chị tâm đắc nhất là Lời Chúa khuyên nhủ “Đừng lo lắng gì vì chim chóc ngoài đồng, hoa đồng nội sáng nở tối tàn mà Chúa còn mặc cho đẹp hơn là áo của Vua Salômon” và cho đến ngày hôm nay chị cảm tạ Chúa vì chưa bao giờ cảm thấy lo lắng về cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, để nuôi cuộc sống, trước đây chị vẫn phải đi làm từ 8 giờ sáng đến 1 giờ đêm.

Về giáo dục con cái chị cho hay trong việc học, ngay từ khi con còn nhỏ cho đến lớn chị đòi hỏi con không phải là học giỏi, xuất chúng mà là sự thánh thiện và đạo đức. Tuy nhiên, chị khuyên con nếu có khả năng giỏi thì cứ giỏi, nhưng đạo đức phải trên cái giỏi, cứ nhìn vào các Đức Giáo Hoàng, các ngài rất giỏi nhưng cũng rất thánh thiện, nhiều Đức Giáo Hoàng được tuyên Thánh. Từ lớp 1 đến lớp 8 chị dứt khoát không cho con đi học thêm. Thay vào đó, chị khuyên con nỗ lực hết sức tại lớp và tại nhà. Giờ rỗi chị cho con học giáo lý và tham gia hội đoàn.

Khi con chị 13 tuổi, bắt đầu bước vào tuổi teen, thì bé hướng ra bên ngoài, tự có ngã rẽ, muốn có riêng tư chứ không còn mẹ đi đâu con đi đó nữa, thậm chí đòi nhuộm tóc, mặc quần dù, những thứ trường học cấm. Khi chị khuyên nhủ con thì con cho là mẹ cổ hủ, nhà trường cổ hủ, chị cũng không biết nói gì với con, chỉ khuyên là cái gì không vâng lời thì Chúa không chúc phúc. Vì con chị có học về giáo lý và Kinh Thánh nên chị bảo con hãy lần giở lại Kinh Thánh mà đọc để Chúa soi dẫn, con chị nghe lời mẹ và khi đọc được câu “Ngõ hẹp thì vào Nước Trời, đường rộng thênh thang thì đi đến diệt vong”, thì đứa con quyết định không làm những điều quấy mà muốn đi ngõ hẹp.

Con chị bỏ được nhưng chúng bạn thì không, con chị vẫn đi theo chúng bạn với những cám dỗ. Chị cảm thấy mình như mất con vì con đi theo trào lưu của tuổi teen, model, đi chơi, viết thư tình… học hành sa sút. Chị choáng váng và nhớ lại lời dạy rằng nếu vì con cái thì cha mẹ cũng cần thay đổi hoàn toàn vì con cái, sau khi cầu nguyện chị quyết định nghỉ việc. Khi nghỉ việc chị còn được may mắn là công ty cũ cho làm bán thời gian. Tuy trong 2 năm, hai mẹ con thiếu thốn đủ bề, nhưng con chị hồi tâm trở lại trong vòng tay ấm áp của người mẹ. Chị tâm sự trong lúc thất vọng vì lúc đầu con không thay đổi, chị tưởng chừng xa rời “nghỉ chơi với Chúa” nhưng lúc lắng đọng lại suy nghĩ chị đã chấp nhận hoàn cảnh, cảm tạ Chúa với thực tại và được bình an, lại càng bình an hơn khi con dần thay đổi. Chị kết luận câu chuyện của mình bằng cách xác tín hai mẹ con sống được lớn hơn được là nhờ Lời của Chúa, nhờ Thánh Lễ và chầu Thánh Thể rất nhiều.

Người cha trở về trong ấm áp của gia đình

Mười bảy năm chị nuôi con nhưng vắng hình bóng người cha, đến lượt anh, anh Phúc tâm sự rằng 17 năm về trước, với tính tình tuổi trẻ của mình anh sợ mất tự do, khi hay tin chị có thai, thậm chí anh đề nghị phá đi cái bào thai bé bỏng. Và trong biển người rộng lớn tại Đại Hội Giới Trẻ, anh đã tình cờ gặp lại chị sau một Thánh Lễ, và cũng chỉ dừng lại ở đó. Khi trở về Việt Nam anh cảm nhận được ơn Chúa từ Đại Hội khi biết rằng con mình đã trở thành cô bé trưởng thành và anh cảm nhận được một cuộc sống mới có mục đích, nhờ người phụ nữ năm xưa giữ lại giọt máu của anh. Anh đã quyết định từ bỏ cuộc sống tự do mà mình yêu thích từ bé để đến với chị và với con một cách chính thức dưới sự chứng nhận của Giáo Hội. Anh muốn rằng mình sống chu toàn tình yêu thương cũng như chu toàn Lề Luật Chúa khi sum họp cùng chị. Thành quả của gia đình này, là sau hai năm thiếu thốn khi từ bỏ công việc về với con, chị đã tìm được công việc tốt hơn, và anh, anh cũng đã là tay máy camera chuyên phục vụ cho Giáo phận.

Qua hai câu chuyện chứng từ này, xuyên suốt trong câu chuyện vẫn là vấn đề cầu nguyện, anh Quang, chị Oanh nhờ cầu nguyện đã vượt thắng được rào cản đức tin, chị Phương, nhờ có đức tin, được giáo dục về Kinh Thánh từ nhỏ, chị đã truyền thụ kiến thức về đạo đức, về Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi khi ngã gục, cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh để vượt qua thách đố của cuộc sống.

Vai trò cha mẹ trong sứ vụ giáo dục đức tin cho con cái

Sau giờ chầu Thánh Thể và cơm trưa, sinh hoạt buổi chiều được bắt đầu bằng cách chia nhóm tâm tình chia sẻ và sinh hoạt với 6 đề tài đã được nêu. Chúng tôi quyết định tham dự buổi sinh hoạt đề tài giáo dục con cái với sự hướng dẫn của chú Dũng – cô Sương.

Trong phần giới thiệu định hướng chú Dũng đã nói đến sự cộng tác với Chúa trong việc giáo dục con cái. Chú cũng cho hay không có chuẩn mực chung trong việc giáo dục con mà cần phải cầu nguyện để biết mình phải làm gì để giáo dục con trong từng hoàn cảnh. Con cái là sự phản chiếu cha mẹ nhất là điều xuất nơi cha mẹ. Vì thế cha mẹ sẽ nhận ra mình yếu đuối, nên cần hoàn chỉnh chính mình trong từng hoàn cảnh.

Giáo dục – Educere – là dắt ra khỏi trạng thái ấu thơ để dẫn tới trạng thái trưởng thành. Mục đích của cuộc sống cuối cùng là tình yêu, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cha mẹ. Bởi vậy phải để con thấy rằng cha mẹ trưởng thành. Về đức tin cần phải gắn bó với Thiên Chúa, chấp nhận tín lý mà Chúa mặc khải và đức tin cần đi đôi với việc làm. Trong vấn đề giáo dục con cái không ai có thể cho đi cái mà mình không có bởi vậy cha mẹ mà không có đức tin thì không thể truyền tải đức tin cho con cái được. Mục đích chính của gia đình là tình yêu, cho nên cần phải tạo bầu khí yêu thương trong gia đình, trong cuộc sống ai cũng có sai sót, bởi vậy ngay trong việc giáo dục con cũng cần phải biết nhận lỗi với con khi mình có sự phân xử sai lầm, thiếu công bằng. Và trong gia đình ta cần phải tin rằng Ơn Chúa có được từ cầu nguyện.

Gia đình một bạn trẻ chia sẻ rằng anh chị vui sướng khi người vợ mang thai và luôn cầu nguyện trò chuyện cùng con trong bào thai. Đến khi sinh ra, đến 4 tháng tuổi thì anh cho con cùng tham dự Thánh Lễ. Nay con anh hai tuổi thì bắt đầu biết làm dấu thánh giá. Anh cảm nghiệm rằng nhờ anh chị tham gia những cộng đoàn nên suy nghĩ về giáo dục con cái có phần nào ảnh hưởng.

Một cô chú đứng tuổi chia sẻ rằng đứa con là hồng ân, nên họ dâng con cho Chúa trong từng công việc. Cô dạy con đọc kinh mọi lúc có thể, làm hết sức có thể và dạy con hãy cầu nguyện trong từng biến cố của cuộc sống.

Con biết dấu “té”, mẹ ngộ ra mà dấn thân vào đời sống cầu nguyện

Một chị có ba đứa con nhỏ kể rằng khi sinh ra đứa con đầu lòng thì thản nhiên như mọi cặp gia đình bình thường, không chú ý lắm đến lời cầu nguyện vì nghĩ rằng mình sinh con và nuôi con là theo lẽ tự nhiên. Đứa con thứ hai được sinh ra, khi được bốn năm tuổi chị cảm thấy như con mình có dấu hiệu tự kỷ, tính tình trái khoáy. Chị tâm sự, đến khi dạy con học vần a,b,c thì bé học quên trước quên sau, không tập trung được, một lần chị dạy dấu “ngã”, đến khi hỏi lại con, bé lại nói là dấu “té”. Tự dưng có điều gì đó đánh động khi chị thấy mình yếu đuối tự sức mình không thể nuôi dạy con nổi nên đã chạy đến với Chúa qua lời cầu nguyện. Kỳ lạ thay, trong vòng một tháng, tâm tính con chị thay đổi và dường như con chị bắt đầu thông minh hơn và học thuộc cả bảng chữ cái. Đến đứa con thứ ba ra đời, anh chị cảm thấy như một cực hình khi đứa con rất quấy, khóc ngày, khóc đêm làm cho anh chị rất mệt mỏi. Nhưng trong chị có một niềm tin mãnh liệt là phải rửa tội cho con thì nó sẽ không quấy nữa. Khi con hơn một tháng, dù rằng giáo xứ nơi chị sinh hoạt thường rửa tội khi có ba bốn trẻ một lượt nhưng chị cũng tha thiết năn nỉ cha rửa tội cho một mình bé ngay. Đến ngày rửa tội, đến ba bốn giờ sáng bé còn khóc ré, sáng ra cha mẹ mang con đến nhà thờ chịu phép Bí tích Thanh Tẩy. Kỳ lạ thay, ngay trong đêm đó, con chị không còn khóc đêm nữa và từ dứt hẳn chuyện khóc quấy. Chị cảm nhận đó thật sự là Ơn Chúa qua lời cầu nguyện nên chị luôn cảm tạ và ca ngợi hồng ân Chúa dành cho gia đình anh chị.

Một anh thắc mắc mình phải giáo dục con cái ra sao khi có những điều trái khoái trong cuộc sống chẳng hạn như người lớn hút thuốc lá trong khi bao thuốc có ghi rành rành hút thuốc có hại cho sức khoẻ, cùng những vấn nạn mà người lớn làm gương mù cho con như chạy xe vượt đèn đỏ, leo lề… Chú Dũng đã giải thích trả lời khi nói rằng quá trình dạy dỗ đức tin cho con cái trong gia đình sẽ tạo nên sức đề khác cho con trước những điều xấu trong xã hội cho nên chúng sẽ tự biết hành xử thế nào khi gặp phải.

Để kết thúc buổi sinh hoạt chia sẻ chủ đề chú đã đưa ra lời kêu gọi hãy sống đời sống cầu nguyện, siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa và thường xuyên tham dự vào các bí tích.

Đồng hành

Hai giờ chiều, Ngày Hội gia đình tiếp diễn với những hoạt động đồng thời tùy nghi các gia đình lựa chọn: Chầu Thánh Thể; Bí tích Hòa giải; từng hai cặp gia đình gặp gỡ nhau để gặp gỡ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe nhau về những ưu tư, trăn trở trong đời sống gia đình; Cặp vợ chồng chọn góc riêng để đối thoại với nhau về những khác biệt trong đời sống vợ chồng như cách ăn mặc, giờ giấc, tiền bạc, giải trí, thể thao…

Thánh Lễ Tạ Ơn

Bốn giờ chiều Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến dâng Thánh Lễ Thánh Gia Thất tại Hội trường chính, cùng đồng tế với ngài có cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, một cha từ nhà thờ chính tòa và một cha đang du học nước ngoài. Trong diễn từ đầu lễ, Đức Hồng y kêu gọi các gia đình tạ ơn Thiên Chúa đã gởi mẫu gương Thánh Gia Thất để bảo vệ che chở các gia đình và hãy cầu xin Thánh Gia Thất đồng hành với các gia đình để soi dẫn, trợ lực cho các gia đình sống ơn gọi như Chúa muốn.

Trong bài giảng lễ, Đức Hồng y đã nhấn mạnh đến nguồn sự sống dồi dào, nguồn tình thương vững bền mà Thánh Gia Thất được Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ngài cho hay Thánh Gia Thất là món quà thứ hai mà Đấng Tạo Hóa ban cho loài người, để loài người được sống dồi dào, để tình yêu trong gia đình được bền vững. Món quà thứ nhất là gia đình nguyên tổ của chúng ta. Khi tặng món quà thứ nhất, ý định của Thiên Chúa muốn gia đình là cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, đó là điều làm cho loài người sống dồi dào và sống hạnh phúc. Nhưng cặp gia đình đầu tiên đã cắt đứt quan hệ với cái gốc, cái nguồn của mình là cái gốc của sự sống, cái nguồn của tình thương. Khi cắt đứt như vậy gia đình trở nên xào xáo và sanh ra cảnh huynh đệ tương tàn, anh em giết nhau. Từ đó tới nay, gia đình là tế bào của xã hội nhưng gia đình không còn là cái nôi của sự sống dồi dào, không còn là mái ấm tình thương vững bền. Lịch sử loài người đã chứng kiến biết bao cảnh căng thẳng, bạo lực, bạo hành, chia ly, chết chóc, tù tội, tan thương. Tất cả những cái đó là hậu quả của việc gia đình cắt đứt quan hệ với nguồn sự sống dồi dào, cắt đứt với nguồn tình thương vững bền. Do đó Chúa gởi tặng gia đình thứ hai để nhắc nhở chúng ta tấm gương gia đình thứ hai, nhắc nhở chúng ta câu chuyện của Tin Mừng hôm nay, gia đình mà vắng bóng Chúa thì hai ông bà không yên phải đi tìm, tìm hai ba ngày gặp rồi mới yên. Bởi vậy gia đình phải tìm cách gặp gỡ Chúa, phải tạo điều kiện cho Chúa ở trong đời sống gia đình của mình, đồng hành với mình. Hôm nay đây, lần đầu tiên không biết bao nhiêu chục năm rồi mới có những cặp gia đình sum họp với nhau để cầu nguyện với Chúa. Chúa thì luôn tạo điều kiện để gia đình gặp nhau, Chúa khẳng định nơi đâu có tình thương thì có Chúa ở đó. Trong gia đình, trong bầu không khí yêu thương, bình an, có Chúa ở giữa, niềm tin của chúng ta cho chúng ta biết điều đó, Chúa khẳng định điều đó và chúng ta tin đó là sự thật: nơi đâu có hai ba người họp lại thì có Chúa ở giữa, cho nên có nhiều cách để có Chúa ở giữa trong gia đình của mình. Đức Hồng y khuyên nhủ các gia đình họp lại vì Danh Chúa bằng cách thỉnh thoảng trong giờ kinh nguyện gia đình hãy đọc một đoạn Tin Mừng và mỗi thành viên chia sẻ và cầu nguyện bằng cái tâm của mình.

Món quà nhỏ dành cho các gia đình

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Hồng y đã ngỏ lời tặng cho các gia đình mỗi người một tập sách Cầu Nguyện và móc khóa nhỏ có hình của ngài với lời nhắn nhủ dành cho các gia đình một lời khuyên: Các gia đình hãy giữ gìn giờ kinh trong gia đình vì nó giống như nguồn nước tưới hạt giống tình thương để gặp gỡ Chúa và để Chúa đồng hành với các gia đình. Ngài cũng nói rằng hãy giữ hình của ngài để nhớ đến lời nhắc nhở của ngài là phải luôn cầu nguyện trong gia đình.

Mời gọi gia đình noi gương Thánh Gia Thất

Trải qua một ngày trọn vẹn trong ân sủng của Chúa, các gia đình lại trở về với cuộc sống đời thường với bao bộn bề lo toan của đời sống thường nhật. Nhưng qua ngày hội, các gia đình ý thức lại rằng “Gia đình, ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin”, để mỗi người làm cha, làm mẹ, nhất là trong những gia đình trẻ có trách nhiệm hơn trong việc vun đắp cho gia đình và giáo dục con cái. Sống đức tin trong xã hội, giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình vẫn là lời mời gọi thiết thực nhất để có sự sống dồi dào, để mỗi gia đình ngày càng giống Thánh Gia Thất là nguồn tình thương vững bền, để làm chứng cho Chúa trong lòng xã hội.
 
Mừng kỉ niệm 60 năm Tu hội Tận Hiến ICM tại Đà Lạt
Hoàng Minh
11:30 31/12/2009
HỒNG ÂN 60 NĂM KHAI SINH ICM
TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ “NHẬP THỂ - TẬN HIẾN – TRUYỀN GIÁO”
(INCARNATIO – CONSECRATIO – MISSIONARII)


ĐÀ LẠT (31.12.2009) - Đà Lạt trong những ngày cuối năm rực rỡ nắng vàng, cùng muôn hoa khoe sắc, chào đón bao tiếng cười rộn rã, bao khuôn mặt hân hoan, bao cõi lòng sâu lắng của con cái trong đại gia đình Tận Hiến ICM cùng với đông đảo quý Cha, quý tu sĩ và quý khách, về dự đại hội “mừng 60 năm khai sinh” Tu Hội Tận Hiến ICM, tại Giáo xứ Minh Giáo.

Hình ảnh ngày hần ân

Tôi yêu thích hai từ “gia đình Tận Hiến” của “Tu Đoàn Tông Đồ Nhập Thể - Tận Hiến – Truyền Giáo” này. Vì tất cả mọi người trong đại gia đình đều gọi nhau bằng anh em, rất ngọt ngào, thân thiện, dễ thương, và gần gũi.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn Giám mục bản quyền của Tu Hội Tận Hiến, vì công việc mục vụ nên vắng mặt trong ngày lễ hội, Ngài có viết thư chúc mừng với đôi dòng tóm tắt lịch sử hình thành Tu Hội như sau:

“Cha Micae Maria Nguyễn Khắc Tước (Việt Anh) (Đấng sáng lập TU Hội) đã từng bước quy tụ các anh chị em để gầy dựng một cộng đoàn đời sống tu trì.

Theo dòng thời gian, cộng đoàn Tu Hội Tận Hiến đã định cư tại giáo xứ Minh Giáo, Đà Lạt và được Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền phê chuẩn hiến Pháp ngày 08.12.1969. Rồi, vào ngày 01.11.1980 Đức Cha Cố Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm đã công nhận Tu Hội là một Hội Đạo Đức. Cuối cùng, sau khi được bộ tu sĩ hướng dẫn, tôi (Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn) đã có vinh dự tiếp nối công việc của các Đấng tiền nhiệm để chính thức phê chuẩn Hiến Pháp thiết lập “Tu đoàn tông đồ Nhập Thể - Tận Hiến – Truyền giáo” cho ngành nữ ngày 25.03.1998 và cho ngành nam ngày 02.02.2000. Bên cạnh hai ngành nam – nữ sống đời tu trì, tôi cũng đã phê chuẩn Nội quy Gia đình Tận Hiến cho anh chị em Kitô hữu giáo dân sống linh đạo tồng đồ truyền giáo của Tu Hội.

… Tôi vui mừng chia vui với Đại Gia đình Tận Hiến về biết bao hồng ân đã nhận được và cầu chúc anh chị em vững bước trong linh đạo tông đồ truyền giáo đã được Đấng sáng lập chỉ dẫn, để làm sáng danh Chúa và phục vụ các linh hồn, đặc biệt với anh chị em nghèo khổ… Kính chúc anh chị em… nhiệt thành trong sứ mạng truyền giáo của cả Hội Thánh”.

Chương trình mừng lễ 60 năm khai sinh Tu Hội khởi đầu bằng giờ chầu tạ ơn Chúa của đại gia đình vào chiều ngày 30.12.2009.

Vào lúc 8g sáng ngày 31.12.2009, trước Thánh lễ, Cha Giuse Nguyễn Việt Hưng, người kế vị Đấng sáng lập Tu Hội, trình bày khái quát về các giai đoạn hình thành linh đạo của Tu Hội. Cha nói: “Linh đạo và đặc sủng của Tu Hội được thể hiện ngay trong chính tên gọi của Tu Hội, linh đạo ‘Nhập Thể - Tận Hiến’ và đặc sủng ‘Truyền Giáo’. 60 năm qua là một chặng đường dài với nhiều khúc quanh để hình thành nên linh đạo cho đến lúc trọn vẹn như hôm nay”.

Tiếp theo cha Fx. Nguyễn Văn Hoàng, tổng đại diện ngành nam báo cáo: Tu Hội có 16 linh mục, 70 tu sĩ, hiện diện tại 8 Giáo xứ Việt Nam và 1 tại Hoa Kỳ. Sau đó, Sr. Maria Bùi Thị Hương Lan Tổng phụ trách ngành nữ báo cáo: về nhân sự có 145 thành viên, hiện diện tại 14 cộng đoàn trong 4 giáo phận: Đà Lạt, Xuân Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh, và Cần Thơ.

Tất cả hai nhánh nam và nữ đều tha thiết với sứ vụ truyền giáo, gắn chặt với con người và lòng nhiệt thành truyền giáo của Đấng Bản Quyền, làm nên một Giáo Hội địa phương đậm sắc và tràn đầy lửa truyền giáo.

Sau cùng, tâm tình đáp từ ở cuối Thánh Lễ Tạ ơn dịp 60 năm này của Đức Cha chủ tế Phalô Bùi Văn Đọc, làm cho Gia đình Tận Hiến cũng như mọi người tham dự thánh lễ và cho tất cả chúng ta suy nghĩ:

Trước hết, theo cái nhìn của Đức Cha thì đây là một tu hội rất hợp thời vì linh đạo “Nhập Thể - tận Hiến” và đặc sủng “Truyền giáo” của Tu Hội, mặc dù lịch sử của Tu Hội đôi lúc cũng ngáp ngáp, tưởng chừng như đã chết, nhưng Đức Cha tin rằng Tu Hội đang sống mạnh mẽ, luôn mạnh mẽ và mãi mãi hợp thời.

Thứ hai, con người Đức Cha Phêrô, Đấng bản quyền của Tu Hội là một người say mê truyền giáo, đã nhận ra đặc sủng của Tu Hội và Ngài có một sự kết duyên thâm sâu nào đó, nên Ngài luôn yêu mến Tu Hội, những mong muốn làm cho Tu Hội phát triển đặc biệt trong Giáo phận của Ngài.

Gia đình Tận Hiến là một gia đình tràn đầy tình thân ái giữa các thành viên trong Tu Hội, giữa gia đình giáo dân trong giáo phận, và rộng lớn hơn trong gia đình Hội Thánh. Ước gì tình thân ái ấy lớn mãi, lan rộng mãi và thâm sâu mãi.

60 năm hồng ân, 60 năm hợp thời, 60 năm duyên kỳ ngộ lửa truyền giáo và 60 năm thân ái tràn đầy không chỉ dừng ở đây mà mở ra một chân trời mới.
 
Đêm nhạc Vũ Khởi Phụng tại Dòng Chúa Cứu Thế Saigòn
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
15:15 31/12/2009
SAIGÒN - Chiều tối ngày cuối cùng của năm 2009, hội trường Dòng Chúa Cứu Thế chật ních người tham dự “Đêm nhạc Vũ Khởi Phụng”. Xuất phát từ ý tưởng tôn vinh và tri ân vì rất nhiều ca khúc Cha viết đã được ca đoàn Trùng Dương thể hiện từ gần 30 năm qua. Đêm nhạc có sự hiện diện của cha Bề trên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Cha Tiến Lộc, Quang Uy, cùng rất nhiều các linh mục, tu sĩ … và nhân vật chính trong đêm nhạc vừa từ thủ đô trở về: Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng.

Hình ảnh Đêm Nhạc Vũ Khởi Phụng

Gọi là đêm nhạc Vũ Khởi Phụng vì tất cả các nhạc phẩm được trình bày đêm nay là những sáng tác của Cha, những ca khúc viết lời Việt từ những tác phẩm hợp xướng nổi tiếng của Johann. S. Back như “Chúa đã thương ta”, “Lòng trời” từ Cổ ca Ái Nhĩ Lan….cho đến những ca khúc một thời Thánh Ca Vào Đời và gần hơn là những bài Thánh Ca cộng đồng hiện nay rất phổ biến trong giới trẻ: Quen biết Giêsu, Đường về nhà Cha… với sự trình bày của các thầy, các tập sinh học viện Dòng Chúa Cứu Thế và đặc biệt là sự góp mặt của Ban hợp xướng Trùng Dương với hơn 40 năm ca hát, là tiền thân của ca đoàn Lang Thang do chính cha Vũ Khởi Phụng đỡ đầu. Ba mươi năm trước anh em đã cùng Cha Vũ Khởi Phụng lang thang hát ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh, nghèo khổ như khu kinh tế mới Lê Minh Xuân và như lời bộc bạch của Cha: tưởng như Cha đã phải dừng chân, nhưng đêm nay Cha đã được sống lại bầu khí lang thang, cùng cất tiếng hát”lang thang trong chiều” với anh em như ngày nào bên bờ kinh.

Với sự dẫn dắt chuyên nghiệp nhưng không kém phần dí dỏm hài hước của các MC nổi tiếng Cha Tiến Lộc, Quang Uy, MC Đình Bảng, Sinh Hiên… khai thác các kỷ niệm vui buồn với Cha Vũ Khởi Phụng, những tràng cười sảng khoái vang lên, khoảng cách giữa người hát và người nghe hầu như không còn khi tất cả mọi người cùng cất cao giọng hát với nhau rất nhiều bài Thánh Ca cộng đồng “ Chúa là cây đàn còn con là điệu hát Chúa ơi…”Sau hai tiếng dồng hồ chìm đắm trong âm nhạc, đêm nhạc được kết thúc trong an bình với lời cám ơn và phép lành của cha Giám Tỉnh, mọi người chia tay nhau với lời ca” Mẹ là niềm hy vọng”nhạc và lời của Thánh An Phong, với lời việt của Vũ Khởi Phụng: “ Mẹ ơi, Mẹ đã dạy con cung hát vui, tin lời Thiên Chúa viếng thăm con người … Ave, Ave Maria, muôn đời vẫn đến viếng thăm con người ….”
 
Đức Giám mục Thái Bình thăm mục vụ giáo xứ Vạn Đồn
Trường Giang
15:25 31/12/2009
THÁI BÌNH - Sáng nay, 31/12/2009 ngày cuối cùng trong năm dương lịch, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình viếng thăm mục vụ và dâng thánh lễ tạ ơn tại giáo xứ Vạn Đồn.

Đôi dòng tiểu sử

Giáo xứ Vạn Đồn tọa lạc tại xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cách Tòa Giám mục khoảng 40km về hướng đông bắc, giáp ranh giới giáo phận Hải Phòng. Giáo xứ Vạn Đồn đón nhận Tin Mừng từ rất sớm, vào những năm đầu thế kỷ 18. Từ khi thành lập Vạn Đồn là họ lẻ của xứ mẹ Kẻ Hệ (nay là Ninh Cù), năm 1923 Vạn Đồn được nâng lên hàng giáo xứ. Vạn Đồn hiện nay có khoảng hơn 700 nhân danh, chiếm 0,018% dân số 6 xã trên địa bàn, quả là ít ỏi; giáo xứ có năm họ lẻ trực thuộc, đó là giáo họ: Bình Lạng, Quảng Nạp, Diêm Điền, Ngoại Trình và Tu Trình.

Giáo xứ Vạn Đồn ở xa Tòa Giám mục, giáo dân lại ít, nhưng rất tự hào về truyền thống Đức tin của cha ông, đã dâng lên Thiên Chúa 42 người con ưu tú là những chứng nhân kiên trung, bảo vệ Đạo Chúa bằng chính mạng sống của mình. Hiện hài cốt các ngài vẫn đang được an nghỉ tại phần đất của giáo xứ, cách nhà thờ khoảng 200m, người dân nơi đây vẫn quen gọi là lăng các thánh. Nhờ công phúc của các tiền nhân, mà mảnh đất Vạn Đồn sản sinh rất nhiều thợ gặt hiện đang phục vụ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại, góp phần làm cho vườn nho của Chúa thêm phong phú.

Một trang sử mới

Sau biến cố 1954, giáo xứ Vạn Đồn còn rất ít người, không có cha xứ trông coi và chăm sóc, do vậy đời sống Đức tin của người tín hữu bị chao đảo, các hội đoàn không hoạt động thường xuyên, có đoàn hội không thể duy trì được nữa. Từ năm 2002, bề trên giáo phận cử cha Giuse Phạm Văn Thiện về coi sóc giáo xứ Vạn Đồn, từ đây giáo xứ mở sang trang sử mới. Cha xứ và từng người trong xứ cùng nhau sửa chữa và kiến thiết từ đời sống Đức tin cho đến cơ sở vật chất: nhiều hội đoàn hoạt động mạnh mẽ và sôi nổi. Tuy mới về trông coi giáo xứ một thời gian ngắn mà cha xứ Thiện đã rửa tội được gần ba trăm anh chị em tân tòng. Ngày Chúa Nhật các em thiếu nhi tới học giáo lý đều đặn, các giới trong giáo xứ cũng được thường huấn theo định kỳ. Ngôi thánh đường cổ kính bằng gỗ lim, lợp ngói, bàn tòa sơn son thếp vàng, khuôn viên thánh đường và nhà xứ cũng được sửa sang sạch sẽ và gọn gàng. Ngôi nhà trung tâm mục vụ của giáo xứ mới được xây dựng cao ráo, thoáng mát, dùng cho việc hội họp và học giáo lý, trong phòng trang bị đầy đủ phương tiện học tập.

Niềm vui dâng đầy

Từ sáng sớm, các hội đoàn đã chỉnh tề trong trang phục riêng của mình, lòng rộn ràng háo hức, muốn được mắt thấy tai nghe tiếng chủ chăn của mình. Và niềm vui đã đến, đúng 9h00, Đức Giám mục giáo phận đặt chân tới giáo xứ Vạn Đồn, ngay giây phút đầu tiên giáo dân đã dành cho vị mục tử của mình những tình cảm thật dễ thương, những nụ cười tươi nở trên môi, những ánh mắt đầy thiện cảm và kính trọng. Sau khi viếng Thánh Thể và cầu nguyện ít phút, một vị đại diện giáo xứ chào mừng Đức cha với những lời chúc tốt lành năm mới; các bạn trẻ giáo xứ Vạn Đồn và Vân Am dành cho ngài những điệu múa rất đơn sơ, nhưng nói lên sự yêu mến bằng cả con tim và tấm lòng của người tín hữu nơi đây. Tiếp theo Đức cha giới thiệu sơ lược với cộng đoàn về quê hương và cuộc đời ơn gọi của ngài, đó cũng là lý do tại sao lúc này Đức cha được hiện diện nơi mảnh đất Vạn Đồn, mảnh đất ghi dấu những chứng nhân anh dũng, can trường trong thử thách.

9h30, Đức cha chủ sự thánh lễ cùng quý cha trong giáo hạt Thái Thụy tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban cho giáo xứ Vạn Đồn nói riêng và giáo phận Thái Bình nói chung biết bao ơn lành trong năm qua. Xin dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân cảm tạ của từng người con Thái Bình, đồng thời xin Chúa chúc lành cho giáo phận, cho các đấng bậc, cho mọi thành phần dân Chúa và mọi dự tính của giáo phận, của mỗi gia đình trong năm mới - năm Thánh 2010. Trước khi nhận phép lành trọng thể, cha chánh xứ đại diện cộng đoàn giáo xứ cám ơn Đức cha, quý cha đồng tế và mọi thành phần dân Chúa hiện diện trong thánh lễ hôm nay.
 
Thư mời họp mặt thân hữu các đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm miền Tây Hoa Kỳ
LM. Phaolô Phan Quang Cường
16:30 31/12/2009
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
Hội Tu Sĩ Giáo Sĩ Miền Tây Hoa Kỳ
Văn Phòng Chủ Tịch
3108 Sierra Rd., San Jose, CA 95132


San Jose, Thứ Hai ngày 28 tháng 12 năm 2009

***

Văn thư mời họp mặt thân hữu các đoàn Liên Minh Thánh Tâm miền Tây Hoa Kỳ

Kính gửi quý cha tuyên uý các đoàn Liên Minh Thánh Tâm miền Tây Hoa Kỳ

Thân gửi các ban trị sự các đoàn Liên Minh Thánh Tâm miền Tây Hoa Kỳ.

Theo nhận xét của rất đông quý cha trong miền Tây Hoa Kỳ và cũng là của các đoàn viên LMTT kỳ cựu hằng quan tâm đến Phong Trào LMTT; văn phòng miền Tây Hoa Kỳ nhận thấy:

1. Hiện nay nhiều giáo phận trên nước Mỹ đang kết hợp các đoàn LMTT hoạt động đơn lẻ trong các giáo xứ hoặc cộng đoàn lại thành một tổ chức Liên Đoàn, Liên Miền để cùng thăng tiến trong việc tông đồ cầu nguyện: vừa truyền giáo theo ý chỉ của đấng bản quyền vừa làm việc bác ái cách rộng rãi.

2. Nơi nào có tổ chức Liên Đoàn LMTT; nơi ấy được phát triển rất nhanh về phương diện tâm linh cũng như nhân số đoàn viên.

3. Các Liên Đoàn và Liên Miền LMTT sẽ là tổ chức cộng tác rất đắc lực với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ trong công việc tổ chức và việc bác ái tại các miền cũng như tại trung ương.

Trong chiều hướng liên kết nêu trên; miền Tây Hoa Kỳ sẽ có một buổi họp thân hữu giữa các đoàn LMTT trong miền với kỳ vọng thành hình một tổ chức Liên Địa Phận (Liên Miền), để:

• Duy trì các truyền thống của Phong Trào LMTT đang bị phôi phai trên 34 năm không còn hoạt động dưới một hệ thống trung ương duy nhất.
• Tạo thành một điểm trung ương hầu hợp tác tổ chức những khóa huấn luyện lãnh đạo, tĩnh tâm. .. cũng như làm trung tâm cung ứng đồng phục, dấu hiệu, huy hiệu, sách vở chầu giờ thánh, sách tôn vương v...v... mà hiện nay các đoàn chưa có trung tâm nào cung ứng.
• Vừa sinh hoạt theo tinh thần LMTT và phục vụ các giáo xứ/ cộng đoàn cách đắc lực hơn.

Một buổi họp các đoàn LMTT trong miền Tây Hoa Kỳ đã được phối trí như sau:

1. Ngày giờ: Thứ Bẩy, ngày 23 tháng 1 năm 2010 từ 12Noon đến 2pm
2. Địa điểm: Vương Cung Thánh Đường Ánh Sáng Chúa Kitô, The Cathedral of Christ the Light
2121 Harrison St., Oakland, California 94612
3. Mục đích: Làm quen và kết họp thành LMTT cấp Miền (Liên Địa Phận.)
4. Thành viên tham dự: Ban Trị Sự các đoàn LMTT trong miền Tây Hoa Kỳ. Kính xin quý cha tuyên uý cùng hiện diện với chúng con.

Liên lạc: Quý Giáo Sĩ: Xin liên lạc với văn phòng chủ tịch miền Tây Hoa Kỳ.

Các đoàn LMTT: Xin liên lạc với các thành viên Ban Phối Trí:

Anh Peter Nguyễn Hữu Thức, (408) 891-6929
Anh Antôn Trần Văn Thạnh, (408) 226-6262
Anh Lê Viên, (510) 812-6608
Anh Hoàng Văn Minh, (510) 786-6582
Anh Joachim Nguyễn Văn Trạch, (408) 420-5077

Trân trọng kính mời và xin Thánh Tâm Chúa ban muôn ơn lành cho công việc chúng con làm vì Danh Chúa,

Lm. Phaolô Phan Quang Cường,
Chủ Tịch Miền Tây
 
Lần đầu tiên Perth đăng cai Sa Mạc Trại Hè Nắng Hồng
Đồng Văn Vượng
20:25 31/12/2009
Lần đầu tiên trong lịch sử của người Việt Nam Công Giáo tại miền Tây Úc Đại Lợi là Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc sẽ đăng cai trại Hè Nắng Hồng của Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Úc Châu vào ngày 7/1/2010 tới đây.

Trại Hè? Bây giờ mà Mùa Hè sao? Đúng thế!

Trong khi ở Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, bây giờ là mùa đông tuyết giá, Úc Châu đang là Mùa Hè với trời nắng chang chang, với những cơn gió sa mạc đưa nhiệt độ lên đến 34 độ, trong khi dự báo khí tượng cho biết nhiệt độ còn lên cao hơn thế nữa.

Trong buổi phỏng vấn hôm nay, cha Đôminicô Nguyễn Kim Sơn, tuyên úy Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam Úc Châu, và cha Micae Phạm Quang Hồng, tuyên úy của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam Tây Úc, Xứ Đoàn Thánh Tâm - là đơn vị đăng cai trại Hè Nắng Hồng năm nay sẽ giới thiệu đôi nét về tiến trình chuẩn bị Sa Mạc Trại Hè Nắng Hồng lần thứ 12, và những mục tiêu chính mà ban tổ chức muốn nhắm đến trại Hè Nắng Hồng kỳ này.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Câu đối Tết con Hổ
Hà Sĩ Phu/Thông Luận
17:25 31/12/2009
Câu đối Tết con Hổ

I. Kiếp HỔ - vinh và nhục

Hổ vốn ở tận rừng sâu nhưng mối liên quan đến con người thì ít dã thú nào bì kịp. Vì Hổ đồng nghĩa với sức mạnh, với bạo lực, bạo quyền. Ở nơi rừng rậm thì bạo quyền làm nên chức tước. Sư tử nguyên là Chúa Sơn lâm, nhưng nòi giống “hào kiệt” này đã dần “hao kiệt”, Hổ là cấp phó tự đề bạt mình lên cấp trưởng đương nhiên. Con người hồng hoang xưa vốn là “Con” nên cũng khát khao những thứ bạo lực và “vinh quang” ấy lắm.

Chúa Sơn lâm rất kỵ văn minh chẳng thích gần người, nhưng con người cứ sùng kính đưa Hổ vào đời sống của mình, tôn là Ông Hổ hay Ông Ba mươi (Mối hữu nghị này xem ra cũng là hữu nghị một chiều). Khát khao sinh ra sợ sệt và sùng bái. Sáng dậy, thấy quanh nhà có vết chân “lạ” của Hổ thì xì xào “Đêm qua Ông về, Ngài về!” (mặc dù “Ngài” về để bắt lợn!). Tên của Hổ chỉ dùng vào việc tôn kính, tướng võ oai phong gọi là Hổ tướng, cha con cùng tài giỏi là “Hổ phụ sinh Hổ tử”....

Nhưng ở đời, cao nhân tất hữu cao nhân trị (huống chi “cao Hổ”). Con người dần văn minh lên, có vũ khí, có mưu mẹo để săn bắt Hổ thì danh tiếng xưa kia lại trở thành đại họa cho Chúa Sơn lâm. Bộ da Hổ rất đẹp rất oai thì phải lột da làm thảm trải nơi trướng gấm. Xương Hổ tạo nên sự khỏe mạnh thì phải nấu thành cao. Răng Hổ thì phải vặn ra, đem mài từng chút làm thuốc chữa đau bụng. Vuốt hổ bị bóc ra thành vật trang sức trước ngực những chàng trai muốn bộc lộ tính dũng mãnh của mình. Kể sao hết nỗi tang thương !. Sức mạnh hoang dã là thứ tốt nhất để con người lợi dụng.

Thân đã bại thì danh cũng liệt. Hổ chẳng còn uy vũ thiêng liêng gì, “Chúa” nay bị nhốt vào chuồng làm cảnh để thu tiền du khách. Xác Hổ thì bỏ hết ruột gan, nhồi bông bày nơi khảo cổ, cho loài người chiêm ngưỡng như chiêm ngưỡng một trong những loài “tiền bối” của mình. Cái gì xấu thì dành cho Hổ, người ta chửi rủa nhau “Ăn như Hổ đói”, “Đồ Hổ vồ”. Hổ thành biểu tượng cho sức mạnh tàn ác, luật rừng dã man. Ngôn ngữ Việt nam càng làm mất danh dự cho loài Hổ, nào là Hổ thẹn, đứt thần kinh Xấu Hổ. Trong văn chương, viết “Hổ không biết Hổ” là mượn tên loài Hổ chửi bọn người tham tàn vô sỉ. Nếu hiểu tiếng Việt và có thần kinh xấu hổ thì chắc Hổ phải tủi hổ, chui xuống lỗ nẻ mà chết. Nhưng cũng may cho Hổ, không chết, vì bạo lực và sự hổ thẹn nào có mấy khi song hành !

Nhưng nỗi bất hạnh nhất của Hổ phải kể dến trò đấu Hổ quyền. Cho Hổ đấu với voi, nhưng “Voi được đi lại tự do, còn hổ bị buộc bằng sợi xích cột vào cái cọc đóng chắc chắn ở giữa đấu trường và bị cắt bỏ nanh vuốt, cốt biến Hổ thành vật tế thần cho voi tập luyện ” (!). (Đây là kiểu “Trói tay đối thủ rồi thách đấu” – Bùi Tín).

Theo bài “Hổ Quyền” trong cuốn Quần thể di tích Huế (NXB Trẻ 2007, trang 293-299), tác giả Phan Thuận An tả cảnh một trận Hổ quyền dưới triều Thành Thái như sau:

Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: "con này can đảm lắm". Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết...

Trận Hổ quyền đẫm máu nhất là vào năm 1750, ở cồn Dã Viên trên sông Hương, lần lượt 40 con voi đã giết chết 18 con Hổ một cách khủng khiếp tương tự như thế.

Âu cũng là “sinh ư nghệ tử ư nghệ”, không cậy mình có sức mạnh vô địch làm Chúa Sơn lâm, mặc sức chén thịt hươu nai, trâu bò thì Hổ đâu có vinh dự chọn làm vật tế thần và bị đẩy vào cảnh thê lương như vậy? Thật rõ oan oan tương báo.

Ba mươi Tết CANH DẦN này, theo phong tục, TRÂU phải bàn giao quyền cho HỔ, HỔ tiếp quản quyền bính chi phối thế gian. Lòng ta không khỏi bồi hồi. nghĩ về con HỔ, để vừa ca ngợi, vừa sợ, vừa ghét, vừa thương. Trời sinh cái kiếp CỌP sao đa đoan, lúc vinh là thế mà lúc nhục là thế !

HỔ lên ngôi thì TRÂU phải tán loạn mà chạy mất dép (mất guốc chứ!). HỔ và BÁO liệu có là cặp bài trùng? HỔ lên ngôi thì họ nhà BÁO ra sao? Tôi cứ nghĩ lan man vậy mà nên mấy Câu đối Tết nôm na này, để cùng bạn bè dăm ba phút vui vui trong ngày Tết.

II. Câu đối Tết con HỔ

Câu đối 1: (Cuộc Đổi mới của Trâu và Hổ)

* TRÂU men Lề phải vô chuồng cũ !
* HỔ cứ Luật rừng giữ thói xưa !


Câu đối 2: (Quan hệ Trâu và Cọp)

* TRÂU theo lề phải... vô chuồng CỌP !
* CỌP cứ luật rừng... chén thịt TRÂU !


Câu đối 3: (Về 2 chữ CANH-DẦN)

*CANH CÁNH những lo niềm nước mất !
* DẦN DẦN phải gỡ nỗi dân đau !


Câu đối 4: (Chơi chữ Hổ-Báo-Hùm-Beo)

* Rỡn mặt Hổ, mình ra tờ nhật Báo!
* Vuốt râu Hùm, ta tạo tấm da Beo!


(Tấm da Beo lốm đốm như Ác với Thiện, như Phải và Trái xen nhau)

Câu đối 5: ( Quan hệ tay tư giữa Trâu-Hổ-Cuội-Bờm)

* BỜM cưỡi lưng TRÂU, sừng vênh vểnh ra chiều tự đắc !
* CUỘI mang tính HỔ, vuốt thập thò coi bộ hiền khô !


Câu đối 6: (Vịnh nước cờ BỐN TỐT sang sông)

* Đêm ba mươi, pháo nổ ngang trời, ông ba mươi tiếp quản, dân thấp thỏm,TRÂU chạy đằng TRÂU!
* Mẹo bốn tốt, cờ tàn hết nước, địch bốn tốt sang sông, tướng khốn cùng, HỔ không biết HỔ?


( Dân gian còn gọi Hổ là “ông Ba mươi”.

Dân chơi Cờ tướng có câu: “Cờ tàn đấm tốt” và “Tốt nhập cung, tướng khốn cùng”)

III: Mời đối Tết Canh Dần

Mời đối 1:

* Đêm đến tàn CANH, DẦN sẽ sáng !?

Mời đối 2: (Tặng những nhà BÁO còn đau đáu một niềm HỔ thẹn)

* HỔ-BÁO tương phùng, năm của HỔ hãy là năm của BÁO !

Mời đối 3:

* NHÂN quyền đâu phải HỔ quyền,
trói đối thủ, lại giữ quyền thách đấu ?


( Hổ quyền có 4 nghĩa khác nhau: 虎圈 Chuồng nuôi hổ, 虎圈 cuộc đấu voi-hổ,

虎拳 thế võ bắt chước hổ, 虎權 quyền của hổ. Về cuộc đấu Hổ quyền xin xem bài viết bên trên)

Cung Chúc Tân Xuân

Hà Sĩ Phu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lịch sử Anh Ngữ
Jos. Tú Nạc, NMS
08:24 31/12/2009
LỊCH SỬ ANH NGỮ (The Story of English)

Nó vào khoảng 1,500 tuổi. Nó thai nghén từ một đất nước, nhưng bây giờ nó phổ biến trên khắp thế giới. Mỗi ngày, hàng trăm triệu người sử dụng nó. Nó là gì? Anh ngữ.

Nó bắt đầu như thế nào? Nó thay đổi như thế nào? Trong tương lai nó sẽ ra sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

Anh ngữ đã bắt đầu trong đời sống, điều đó không lấy gì làm ngạc nhiên, Anh quốc. Đó là vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngôn ngữ này là một thứ ngôn ngữ pha trộn từ nhiều loại hình ngôn ngữ được nói bởi nhiều bộ tộc địa phương. Những bộ tộc này tất cả đã xâm nhập vào Anh quốc từ Bắc Âu. Một trong những bộ tộc này là Angles. Người Angles nói một thứ ngôn ngữ gọi là Englisc. Đây là cái nôi mà tên England và English được ra đời.

Thứ Anh ngữ nói lúc đó gọi là Anh ngữ Cổ. Tuy nhiên, Anh ngữ Cổ nói rất khác với Anh ngữ mà người ta nói ngày nay. Nó phát âm như sau:

ρa wæs Hroðgare heresped gyfen, wiges weorðmynd, þæt him his winemagas georne hyrdon, oðð þæt seo geogoð geweox, magodriht micel.

Đây là bài thơ được cho là của Beowulf. Nó được viết cách đây vào khoảng một ngàn năm bằng Anh ngữ Cổ. Khi bạn nghe một giáo sư Trường Đại học Glasgow phát âm thì đối với những người nói Anh ngữ hiện đại có thể không hiểu được.

Vào năm 1066, Anh quốc một lần nữa bị xâm nhập. Lúc này những người xâm nhập đến từ Bắc nước Pháp. Khi họ định cư ở Anh, Pháp ngữ của họ pha trộn với Anh ngữ. Điều này thậm chí đã tác động nhiều đến sự phát triển của Anh ngữ. Anh ngữ Cổ thay đổi để trở thành những gì gọi là Anh ngữ Trung cổ. Nhưng thậm chí thứ Anh ngữ này rất khác với Anh ngữ mà chúng ta dùng ngày nay.

To be or not to be, that is the question…

Đây là một câu nổi tiếng được viết bởi William Shakespeare. Nhà văn này đã có một ảnh hưởng to lớn đối với Anh ngữ. Ông đã sáng tạo gần hai ngàn từ Anh ngữ, Nhiều từ và câu của ông vẫn được dùng trong Anh ngữ ngày nay.

Shakespeare đã sống cách đây vào khoảng bốn trăm năm. Vào lúc ấy, Anh ngữ có sự tương đồng nhiều hơn đối với ngôn ngữ nó đang tồn tại. Tuy nhiên nó được viết bằng những cách khác. Người ta đánh vần những từ với những ký tự khác và những trật tự khác của ký tự. Thậm chí Shakespeare đã đánh vần những tên của riêng ông bằng những cách khác. Nhưng công việc in những cuốn sách đã giúp để thay đổi vấn đề này. Trước đây người ta có thể in sách nhưng không có một quy tắc chính tả. Mà công việc in ấn có nghĩa là hàng ngàn cuốn sách được đưa ra hoàn toàn giống nhau. Nhiều trong số những cuốn sách này được in trong cùng một thành phố - Luân Đôn. Vậy quy tắc chính tả của Luân Đôn trở nên thông dụng. Vì những cuốn sách được in ra phổ biến hầu khắp đất nước. Quy tắc chính của việc đánh vần được phát triển.

Một trong những cuốn sách Tiếng Anh đầu tiên được in là Thánh Kinh Ki-tô giáo dịch sang Anh ngữ. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến Anh ngữ. Những người nói tiếng Anh ngày nay đôi khi vẫn còn dùng những câu từ bản dịch của Kinh Thánh.

Trải qua những thế kỷ tiếp theo, Anh ngữ tiếp tục phát triển. Từ càng ngày càng phong phú đề để làm giàu ngôn ngữ. Để biết chính xác có bao nhiêu từ trong Anh ngữ ngày nay quả là khó. Một trong những cuốn sách phổ biến nhất về từ Anh ngữ là Từ Điển Anh Ngữ Oxford. Nó mô tả trên sáu trăm ngàn từ. Tuy nhiên những người nói tiếng Anh mẹ đẻ cũng có thể chỉ biết vào khoảng 25,000 đến 50,000 từ trong số những từ này.

Một phần lý do đối với sự phát triển Anh ngữ là nó được quảng bá khắp thế giới. Hàng ngàn từ Anh ngữ đã được hỗ trợ từ những ngôn ngữ khác. Ví dụ như – từ “ketchup”. Từ này phát xuất từ tiếng Malaysia. Từ này là một tinh thể lỏng màu đỏ dùng để có mùi vị ngon hơn. Nó được lấy từ quả cà chua – một trái nhỏ màu đỏ được ăn như loại rau quả. Từ “tomato” bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha.

Cách phát âm từ “tomato” cũng là một điều thú vị.

Nếu tôi đến từ Hoa Kỳ, tôi sẽ phát âm ‘tom – ay – toe’.

Nếu tôi sống ở Vương Quốc Anh, tôi sẽ nói ‘tom – ah – toe’.

Đây chỉ là một trong những cái nhỏ về sự dị biệt giữa tiếng Anh – Anh và Anh – Mỹ (hoặc tạm gọi là tiếng Anh và tiếng Mỹ). Cũng có một số từ mà họ sử dụng khác nhau. Tôi sống trong một chỗ sở hữu nhỏ trong một tòa nhà to lớn. Ở Anh chúng ta gọi la ‘flat’

Nhưng ở Hoa Kỳ, chúng ta gọi là ‘apartment’

Một số người ở Anh bây giờ cũng dùng ‘apartment’. Điều này bởi vì cách nói tiếng Anh của người Mỹ đang chi phối đến cách nói tiếng Anh của người Anh. Tiếng Mỹ đang trở nên phổ biến mọi nơi trên toàn thế giới. Phim ảnh, truyền hình, và internet tất cả đã hỗ trợ sự quảng bá tiếng Mỹ.

Một ảnh hưởng nữa đối với Anh ngữ là văn hóa. Ngôn ngữ được thay đổi trong những phương thức vi mô bởi những nền văn hóa của các dân tộc khác nhau. Những từ thịnh hành miền này có thể xa lạ đối với miền khác.

Chặng hạn, ở Ấn Độ, những người nói tiếng Anh dùng từ ‘godown’. Từ này có nghĩa là một tòa nhà rất lớn dùng để trữ lương thực. Nó là một từ Anh ngữ, nhưng nó không được dùng ở Anh, Mỹ, và hầu hết những nơi khác trên thế giới.

Nhiều nhận định cho rằng vào khoảng 380 triệu người sử dụng Anh ngữ như ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Nhưng vào khoảng gấp hai lần như thế như một ngoại ngữ hay ngôn ngữ thứ hai. Vậy, Anh ngữ không chỉ là ngôn ngữ truyền thống của những quốc gia nói tiếng Anh. Người ta trên khắp thế giới hiện giờ đang xác định Anh ngữ và định hình tương lai của nó.

Nhưng tương lai chả nó sẽ như thế nào? Không ai biết nó sẽ phát triển và thay đổi ra sao. Nhiều chuyên gia tin rằng ngày càng nhiều người chọn tiếng Anh để giao tiếp. điều này sẽ giúp những người trên toàn thế giới hiểu biết lẫn nhau. Anh ngữ đã được dùng là ngôn ngữ chính của nhiều tổ chức và kinh doanh quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều người không muốn tiếng Anh trở nên phổ biến hơn. Họ lo lắng rằng con cái họ sẽ ngưng học tiếng địa phương và học tiếng Anh thay thế. Họ nói rằng ngôn ngữ rất quan trọng đối với nền văn hóa dân tộc. Nếu ngôn ngữ đia Phương bị mai một, dẫn đến nhiều nền văn hóa trên thế giới sẽ bị hủy diệt. Vậy trong tương lai việc học cả hai tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh là một điều quan trọng đối với nhiều người.

Tương lai của Anh ngữ không lệ thuộc vào những dân tộc đầu tiên làm chủ ngôn ngữ này. Thay vào hàng triệu người ngày nay đang học ngôn ngữ này có thể là những người định đoạt tương lai của nó.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ave Maria
Nguyễn Đức Cung
23:17 31/12/2009

AVE MARIA



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Xin cho nhân thế an bình

Muôn nơi, năm mới, bình minh tình người!

(nđc)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: Tabernacle - Theocentricity
Nguyễn Trọng Đa
05:55 31/12/2009
Tabernacle
Nhà tạm, lều, lều tạm. Là tủ nhỏ hay vật chứa giống cái hộp để cất giữ Mình Thánh Chúa. Trong thời đầu Kitô giáo Mình Thánh Chúa được cất giữ tại nhà riêng để tránh cuộc bách hại. Sau đó nhà tạm hình chim câu được treo bằng dây trước bàn thờ. Ngày nay, nhà tạm có thể là hình tròn hay hình chữ nhật và làm bằng gỗ, đá hoặc kim loại. Nhà tạm được phủ màn và viền quanh bằng kim loại quý hay lụa, và bên trong có khăn lót cho bình thánh hoặc các vật thánh khác. Theo chỉ thị của Tòa Thánh, kể từ Công đồng chung Vatican II, nhà tạm phải luôn kiên cố và bất khả xâm phạm, đặt giữa bàn thờ chính hay trên bàn thờ cạnh, nhưng luôn ở nơi thật xứng đáng (Huấn thị Eucharisticum Mysterium ‘Mầu nhiệm Thánh Thể’, ngày 25-5-1967, II C). (Từ nguyên Latinh tabernaculum, lều, từ ngữ giảm nhẹ của taberna, trại, có lẽ từ ngôn ngữ Etruscan.)
Tabernacle (Biblical)
Lều tạm (trong Kinh thánh). Là một đền thánh dùng trong việc thờ phượng của người Do thái cả trước khi Vua Solomon (Sa-lô-môn) xây dựng Đền thờ. Lều tạm tượng trưng cho việc Chúa hiện diện với dân Chúa (Xh 25:8). Khi họ di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, Lều tạm được dời theo cùng họ. Đức Chúa nói với ông Moses (Mô-sê) các hướng dẫn chi tiết về kích thước, vật liệu, trang trí Lều tạm và vị trí Lều trong khu vực cung điện dành riêng cho việc thờ phượng Chúa (Xh 25, 26, 27). Trong Tân Ước, Lều tạm có một ý nghĩa mới, như được mô tả trong Thư gửi giáo đoàn Do thái. “Để vào cung thánh, Chúa Kitô đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta" (Dt 9:11-12).
Tabernacles, Feast Of
Lễ Lều. Là một trong ba lễ lớn nhất của Israel cổ đại, vẫn còn được người Do thái kỷ niệm. Lễ này nhắc nhớ tập tục dựng nhiều cành cây và cành lá, làm thành một cái lều che, và mọi người sống ở lều này trong kỳ lễ, bắt đầu từ ngày thứ 15 của tháng Tishri (khoảng tháng Chín) và kéo dài bảy ngày. Mục đích nguyên thủy của Lễ lều là tạ ơn Chúa về mùa gặt, nhưng dần dà theo dòng thời gian nó trở thành một lễ tưởng niệm long trọng thời kỳ lâu dài ở trong sa mạc, tìm nơi sinh sống ở Đất Hứa, và xây dựng Đền thờ làm nơi thường xuyên thờ phượng một Chúa chân thật duy nhất.
Tabgha
Tabgha, làng Tabgha. Một địa điểm cách Capernaum (Ca-phác-na-um), Palestine, khoảng hai dặm (3,2km), là nơi hành hương, vì tại đó xưa kia Chúa Kitô đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Một vương cung thánh đường cổ xây dựng gần nơi ấy, trong đó có một tranh khảm lớn vẽ hình hai con cá và ba tấm bánh trong một cái giỏ. Cùng với một tu sĩ Dòng Phanxicô và một linh mục Chính thống giáo, Đức Giáo hòang Phaolô VI năm 1964, trên đường đến Biển Galilee (Ga-li-lê), đã ghé thăm Tabgha để nhìn xem tranh khảm trên sàn nhà, và chúc lành cho đền thánh thiêng liêng.
Tables Of The Law
Tấm bia Lề Luật. Là hai tấm bia đá trên đó ghi Mười Điều Răn của Đức Chúa (Xh 20, 31:18). Khi ông Moses (Mô-sê) xuống núi gặp dân chúng, ông thấy họ thờ con bê bằng vàng. Ông Moses nổi cơn thịnh nộ: Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi (Xh 32:19). Sau đó, ông lại lên Núi Sinai (Xi-nai) với hai tấm bia đá mới và Mười Điều Răn được viết lên đó (Xh 34:28). Moses đặt hai tấm bia vào Hòm Bia để bảo vệ an tòan (Đnl 10:5).
Tabor
Núi Tabor, Núi Ta-bo. Là một ngọn núi ở Galilee (Ga-li-lê), phía đông của Nazereth (Na-da-rét). Ngọn núi này dễ nhận biết vì nó nằm ở vị trí trống trải. Nhiều sự kiện quân sự trong Cựu Ước đã xảy ra tại Núi Tabor. Anh em của Gideon (Ghít-ôn) bị quân Midianite (Ma-đi-an, Tl 8:18) giết chết ở đây. Ông Barak (Ba-rắc) thi hành nhiệm vụ quan trọng xuống núi để đánh bại quân Canaanite (Ca-na-an, Tl 4:14-16). Truyền thống thường cho rằng việc Chúa Giêsu Biến hình đã diễn ra trên Núi Tabor hơn là trên núi Hermon, nhưng không thể chứng minh điều này được.
Tabula Rasa
Tabula Rasa, bảng sạch, bỏ sạch hết cái cũ. Từ ngữ này được dùng trong triết học kinh viện để mô tả tâm trí con người, trước khi nó thu thập ý tưởng từ kinh nghiệm giác quan và suy tư lý luận.
Talebearing
Thói mách lẻo, thói ngồi lê đôi mách. Là lan truyền các câu chuyện xấu hoặc chuyện tầm phào. Tính chất tội của thói mách lẻo là người ấy trở thành đồng phạm, trong việc gây thiệt hại cho thanh danh người khác, bằng sự gièm pha hoặc sự vu khống.
Tametsi Decree
Sắc lệnh Tametsi (Mặc dầu). Là sắc lệnh năm 1563 của Công đồng chung Trent về luật hôn nhân. Sắc lệnh qui định rằng bất cứ việc kết hôn nào diễn ra ngoài sự hiện diện của linh mục quản xứ hoặc vị đại diện của ngài, và hai người chứng, đều là bất thành. Nơi nào mà linh mục không thể đến được thì được miễn trừ, và không ràng buộc cho những nơi mà luật công đồng Trent không được phổ biến. Sắc lệnh này đã phổ biến hầu như toàn thế giới trong một dạng thức được điều chỉnh trong sắc lệnh Ne Temere (1908) của thánh Giáo hòang Piô X.
Tant
Tant, Tantum--chỉ có một, duy nhất.
Tantum Quantum
Tantum Quantum, bao nhiêu...bấy nhiêu, hết khả năng, trong mức độ có thể. Từ ngữ này trong phần Nguyên lý và Nền tảng của Linh thao của thánh Ignatius (I-nhã) nhắc đến việc sử dụng chính đáng các tạo vật: “Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ [tantum quantum] chúng giúp đạt tới cứu cánh, và phải gạt bỏ theo mức độ [tantum quantum] chúng làm cản trở.”
Targum
Targum, bản dịch Targum. Là bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Aramaic, được người Do thái thực hiện sau khi tiếng Do thái cổ đã ngưng là tiếng nói thông thường của họ. (Từ nguyên Do thái cổ Mishnaic targ_m, bản dịch, chuyển ngữ; từ chữ Do thái cổ tirg_m, người ấy giải thích.)
Taste
Vị, nếm hưởng. Là cảm giác thân xác để cảm nhận hương vị. Từ ngữ này thường được dùng trong văn chương thánh để mô tả “sự nếm hưởng” Chúa hoặc “nếm” một mầu nhiệm mặc khải. Nó hàm ý sự hiện diện của một cảm giác linh thiêng, vốn có thể cảm nhận một sự êm dịu khi tiếp xúc với chân lý của Chúa, giống như vui thích khi nếm hưởng một món ăn ngon hay thức uống ngon.
Tau Cross
Thánh giá Tau, thánh giá chữ T. Là một hình biểu tượng giống như mẫu tự Hi Lạp tau hoặc T. Thanh cây đỡ được ông Moses (Mô-sê) đưa lên để nâng cao con rắn đồng, và dấu hiệu được người Do thái viết bằng máu trên ngưỡng cửa, được cho là có hình chữ tau. Thánh giá chữ T cũng là biểu hiệu của thánh Antôn ở Ai Cập.
Te Deum Laudamus
Te Deum Laudamus, thánh thi “Lạy Thiên Chúa”. “Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng” là các chữ đầu của một thánh thi ca ngợi và tạ ơn của Kitô giáo, đôi khi được gọi là thánh thi của thánh Ambrose, nhưng hiện nay người ta tin là do thánh Niketas sáng tác trong thế kỷ thứ tư.
Teilhardism
Học thuyết Teilhard. Là thuyết tiến hóa của linh mục Dòng Tên người Pháp Teilhard de Chardin (1881-1955). Ngài chủ trương rằng vũ trụ trải qua bốn giai đoạn phát triển: 1. vũ trụ khai sinh, hoặc tiến hóa từ các nguyên tố đến vật chất có tổ chức; 2. khởi nguyên sự sống, hay tiến hóa từ vật chất có tổ chức đến sự sống; 3. tâm trí hình thành, hay tiến hóa từ sinh vật đến hữu thể có lý trí; và 4. Kitô diễn hóa chủ thuyết, hay tiến hóa từ con người cá nhân có lý trí đến một xã hội, trong đó Chúa Kitô là chủ tể của thế giới. Học thuyết Teilhard bị chỉ trích trong hai văn kiện của Tòa thánh, năm 1952 và năm 1967, khi cho rằng các tác phẩm của cha Teilhard chứa đựng “nhiều điều hàm hồ và các sai lầm nghiêm trọng, có thể nguy hại cho giáo lý Công giáo."
Teleology
Cứu cánh luận, cứu cánh tính. Là thuyết cho rằng có mục đích hay cứu cánh trong thế giới, rằng không có gì xảy ra một cách tình cờ cả, và rằng không trình thuật đầy đủ nào về vũ trụ có thể được chấp nhận mà không qui chiếu đến Chúa thượng trí. (Từ nguyên Hi Lạp telos, cùng đích, hoàn tất + logia, khoa học.)
Temerarious
Táo bạo, liều lĩnh. Giáo trừng đối với lời dạy nào đó mà Giáo hội xét là hấp tấp vội vàng, và sẽ dẫn đến sai lầm giáo lý, nếu kiên trì chủ trương như thế.
Temp
Temp, Tempus, tempore--thời gian, đúng lúc, kịp.
Temperament
Khí chất, tính khí, tính tình. Là các phẩm chất cảm xúc, trí tuệ và tình cảm của mỗi cá nhân. Một lập trường cổ điển cho rằng có bốn lọai khí chất: điềm tĩnh, hoặc không dễ bực tức; sôi nổi, hoặc có ít mức độ nóng giận; linh họat, hoặc lạc quan và không lo lắng; và ưu tư, hoặc bi quan về tương lai. Người ta đồng ý rằng không ai chỉ có một khí chất, mặc dầu có một khí chất là nổi bật.
Temperance
Tiết độ, điều độ, chừng mực. Là nhân đức điều hòa mong ước khoái lạc. Trong nghĩa rộng nhất, tiết độ điều hòa mọi hình thức khoan khoái, vốn đến từ sự thể hiện một chức năng hay năng lực nào đó của con người, chẳng hạn niềm vui thuần túy tinh thần từ hoạt động trí tuệ, hoặc các an ủi cảm được khi cầu nguyện, và lạc thú cảm giác được tạo ra bởi các việc như nghe nhạc hoặc ngắm phong cảnh đẹp. Trong nghĩa hẹp, tiết độ là tương ứng với đức dũng cảm. Nếu đức dũng cảm kiểm soát sự liều lĩnh và sợ hãi trước các đau khổ lớn, vốn có thể đe dọa bản tính con người, đức tiết độ kiểm soát ước muốn khoái lạc lớn hơn. Vì lạc thú đi theo mọi hoạt động tự nhiên, nó càng mãnh liệt hơn khi kết hợp với các sinh hoạt tự nhiên nhất. Trên bình diện cảm giác, có các lạc thú phục vụ cá nhân như khi ăn uống, và phục vụ toàn nhân loại như khi giao hợp. Tiết độ chủ yếu điều hòa các khoái cảm ấy. (Từ nguyên Latinh temperare, chia đều, điều hòa, giúp đủ điều kiện.)
Templars, The Knights
Hiệp sĩ Dòng Đền thờ. Là Dòng đầu tiên và mạnh nhất trong các Dòng vũ trang, được thành lập năm 1118 để bảo vệ thành Jerusalem (Giê-ru-sa-lem). Mười năm sau, Dòng được Giáo hội phê chuẩn và đặt dưới sự quyền trực tiếp của Đức Giáo hòang. Dòng này theo Luật Dòng Biển Đức, có ba lời khấn bình thường và thêm lời khấn của người thập tự chinh. Là các chiến sĩ anh dũng và tu sĩ nhiệt thành, họ thu hút nhiều người tham gia. Nhiều tu sĩ đã chết làm thánh tử vì đạo. Nhiều khó khăn với hàng giáo sĩ và bất đồng nội bộ đã khiến cho Vua Philip Le Bel của Pháp tổ chức cuộc thập tự chinh chống lại họ. Việc Đức Giáo hòang Clement V chấp thuận cuộc Thập tự chinh này đã được thực thi một cách bất lương. Các Hiệp sĩ bị xét xử về dị giáo và phạm thánh, và vị bề trên cả của Dòng bị thiêu sống theo lệnh của Vua Philip. Năm 1312 Đức Giáo hòang ra sắc lệnh giải tán Dòng này, nhưng không lên án các tu sĩ Dòng. Chính lòng tham lam của Vua Philip IV đã dẫn đến việc xóa bỏ Dòng Hiệp sĩ Đền thờ.
Temple (Biblical)
Đền thờ (trong Kinh thánh). Là trung tâm thế giới của Do Thái giáo ở Jerusalem (Giê-ru-sa-lem). Đền thờ nguyên thủy được Vua Solomon (Sa-lô-môn) xây cất trong thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên (II Sb 1-5). Đền thờ tồn tại 350 năm trước khi bị người Babylon phá hủy (II V 25:9). Năm 516 trước Công nguyên, một đền thờ khiêm tốn hơn được Zerubbabel (Dơ-rúp-ba-ven, Er 5:2) xây dựng. Herod (Hê-rô-đê) xây dựng lại Đền thờ và hòan thiện vào năm 20 trước Công nguyên, nhưng nó lại bị phá hủy, lần này bởi quân Roma năm 70. Trong hơn một ngàn năm, Đền thờ là trung tâm đời sống tôn giáo cho người Do thái trên khắp thế giới. Một số biến cố trong đời Chúa Giêsu diễn ra trong Đền thờ. Khi còn bé, Ngài được cha mẹ đưa đến Đền thờ để làm nghi thức thanh tẩy, và lúc ấy ông Simeon (Si-mê-ôn) nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a (Thiên sai, Messiah, Lc 2:22-35). Hàng năm cha mẹ Ngài lên Jerusalem (Giê-ru-sa-lem) dự lễ Vượt Qua. Dịp sinh nhật lần thứ 12 của Chúa Giêsu, xảy ra sự kiện là cha mẹ tìm gặp Ngài trong Đền thờ “đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi" (Lc 2:41-50). Trong đời sứ vụ công khai, Chúa và các Môn đệ đã đều đặn viếng Đền thờ và giảng dạy ở đó. (Từ nguyên Latinh templum, Đền thờ, nơi để xem điềm báo.)
Temporal
Thuộc thời gian, tạm thời, trần tục, thế tục, đời. Là bất cứ cái gì chỉ kéo dài một thời gian, rồi sự hiện hữu hoặc họat động của nó sẽ không còn nữa. Trong nghĩa này, tạm thời là đối lập với vĩnh cửu, tức điều gì kéo dài mãi mãi. Cũng áp dụng cho sự gì thuộc thế gian này, hoặc trần tục, ngược lại với thuộc thiên đàng. Hoặc là sự gì thuộc vật chất, ngược lại với điều thiêng liêng. Và cuối cùng, thế tục cũng thường áp dụng cho “đời” hoặc “dân sự”, như quyền đời hay thế quyền; và như thế nó ngược lại với giáo quyền, việc đạo. Nói chung, thế tục là mọi sự thuộc về sự có giới hạn, hoặc có tinh chất tùy thuộc thời gian và sự đổi thay. (Từ nguyên Latinh tempus, thời gian.)
Temporal Power
Thế quyền, quyền bính phần đời. Là quyền của Giáo hội trên của cải vật chất của mình, và quyền của Đức Giáo hòang trên các lãnh thổ dân sự thuộc về Giáo hội, chẳng hạn trên các Lãnh địa Giáo hoàng. Quyền này cộng thêm vào quyền cai trị trong các vấn đề thiêng liêng, và trở thành cần thiết nếu sự tự do khỏi quyền dân sự được bảo đảm. Hiện nay thế quyền được thực thi liên quan đến thành Vatican hay Quốc gia Vatican kể từ Hiệp ước Lateran năm 1929. Từ ngữ thế quyền cũng là sự sử dụng ảnh hưởng chính trị của các giám mục trước đây về đất đai, và hiện nay về tài chính và các vấn đề khác nữa.
Temporal Punishment
Hình phạt tạm. Là hình phạt mà Chúa công bình phán quyết trên trần gian này, hay trong Luyện ngục, vì các tội đã phạm, mặc dầu tội ấy đã được tha.
Temporary Vow
Lời khấn tạm. Là lời cam kết với Chúa về sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, hay thực hành nhân đức nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Khi khấn trong một Dòng tu, lời khấn tạm này là công khai, vì được bề trên nhân danh Giáo hội chấp nhận. Khấn lần đầu trong Dòng thường là khấn tạm, và sẽ được nhắc lại tùy theo Hiến chương và là bước chuẩn bị cho việc khấn vĩnh viễn. Do đó, đây không phải là một cam kết có tính tạm thời. Theo giáo luật, nó có tính tạm thời, để khi hết thời hạn này, người khấn có tự do rời bỏ tu hội. Tuy nhiên người khấn tạm phải có ước muốn kiên trì trong lời khấn cho đến chết.
Temptation
Cám dỗ, thử thách. Là sự gạ gẫm phạm tội, hoặc bằng thuyết phục hoặc bằng cung cấp lạc thú nào đó. Cám dỗ có thể phát sinh từ thế gian, xác thịt hoặc ma quỷ. Cám dỗ từ thế gian là sự hấp dẫn của gương xấu và áp lực tâm lý để chiều theo. Cám dỗ từ xác thịt là mọi quyến rũ dục vọng, dù là xác thịt hay tinh thần, trong đó bản tính sa ngã của con người có xu hướng tự nhiên hướng về bảy mối tội đầu. Cám dỗ từ ma quỷ là mọi sự xúi giục của ma quỷ, vì ma quỷ có phương pháp khuyến khích mọi hình thức tham lam hay ích kỷ, nhằm làm cho người ta kiêu ngạo, và qua kiêu ngạo đến với mọi tội khác.
Tendency
Khuynh hướng, xu hướng. Là bất cứ chiều hướng hoặc thiên hướng nào, vốn trở thành sự ước muốn nơi con người. Nó là sự hấp dẫn đến với điều tốt lành, hoặc sự không muốn điều xấu. Khuynh hướng tự nhiên là bẩm sinh, và thật sự là sức tự nhiên hoặc khả năng tự nhiên của con người tìm cách diễn tả ra ngòai. Khuynh hướng siêu nhiên là các ơn Chúa ban để giúp ý chí thực thi nhân đức vượt quá khả năng của ý chí tự nhiên, hoặc quá khả năng của nhân đức chỉ được nhận biết trong đức tin. Cả hai khuynh hướng tự nhiên và siêu nhiên có thể đều là có ý thức, còn gọi là được sáng tỏ, khi một người cảm nghiệm thật sự sự cố gắng của mình hướng tới sự lành và tránh sự dữ; hoặc cả hai khuynh hướng có thể là đồng thời, mà không ý thức rõ nỗ lực được dùng để đáp trả một ước muốn. (Từ nguyên Latinh tendentia; từ chữ tendere, kéo ra, tự hướng dẫn mình, đề nghị.)
Tender Conscience
Lương tâm lỏng lẻo. Là lương tâm tạo ra các phán đóan đúng cách khách quan, với sự thỏai mái so sánh, cả trong các phân biệt tinh tế giữa tốt và xấu.
Tenebrae
Tenebrae, Giờ kinh bóng tối. Là việc hát chung một phần của Kinh Nhật Tụng vào tối ngày thứ Tư Tuần Thánh, Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh, trước giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Ca ngợi Ban Sáng của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh. Tập tục này đã có từ nhiều thế kỷ trước, nó mang tên Tenebrae do nghi thức buồn thương trong buổi đọc kinh, trong đó có một cây trụ tam giác với 15 cây nến. Các nến này lần lượt được tắt từng cây một, và sau khi cây nến cuối cùng được tắt đi, kinh nguyện được đọc trong bóng tối, một cây nến được thắp lên, và cộng đòan giải tán trong thinh lặng.
Ten Tribes
Mười chi tộc. Là mười đơn vị xã hội của Israel, sau khi Vua Solomon (Sa-lô-môn, năm 933 trước Công nguyên) băng hà, tách rời hai chi tộc Judah (Giu-đa) và Benjamin (Ben-gia-min), để thành lập Vương quốc Israel. Còn hai chi tộc này thành lập Vương quốc Judah. Khi Israel bị quân Assyrian (Át-sua) xâm chiếm năm 721 trước Công nguyên, nhiều người Do thái tài giỏi bị lưu đày đến Assyria, và hậu duệ của họ sống hòa trộn với Dân ngoại, hoặc trở thành một phần của Do thái kiều ở nước ngoài.
Terce
Kinh giờ Ba. Là giờ kinh thứ ba của Kinh Nhật Tụng, được đọc vào khỏang 9 giờ sáng. Bài thánh thi mở đầu kính nhớ việc Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh Tông đồ, tiếp sau đó là ba thánh vịnh, một bài đọc ngắn, Xướng đáp và Lời cầu trong ngày. Hiện nay kinh giờ Ba là phần của hora media (giờ giữa), đọc sau giờ kinh Sáng và trước giờ kinh Chiều. (Từ nguyên Latinh tertius, thứ ba.)
Terminus A Quo
Terminus A Quo, khởi điểm, mốc trước. Là điểm khởi hành, điểm xuất phát. Trong triết học, từ ngữ này có nghĩa là “điểm khởi đầu” của một vật, để đối lại với từ ngữ “terminus ad quem” (đích điểm, mốc sau) là điểm mà một vật nhắm đi tới.
Terna
Terna, Bộ ba đề bạt. Là danh sách ba danh tánh được đệ trình Tòa Thánh làm ứng viên cho chức Giám mục; hoặc là danh sách ba người được trình lên bề trên tổng quyền (bề trên cả, tổng phục vụ) để bổ nhiệm hoặc chấp thuận làm Giám tỉnh. Danh sách này luôn luôn bao gồm các lý do thuận và chống, cho mỗi một người trong ba người. (Từ nguyên Latinh terni, mỗi ba người; từ chữ ter, ba lần.)
Territorial Law
Luật tòng thổ. Là qui định của Giáo hội ràng buộc các tín hữu trong một lãnh thổ nhất định, chẳng hạn một giáo phận.
Tertian
Tu sĩ thời cuối nhà tập. Là một tu sĩ đang trong giai đọan cuối của thời huấn luyện thiêng liêng, thường là trước khi khấn trọn đời, vốn được gọi là “năm ba nhà tập” (tertianship). (Từ nguyên Latinh tertianus, của phần thứ ba; từ chữ tertius, thứ ba.)
Tertiaries
Người Dòng ba. Là các giáo dân sống giữa đời thường, cố gắng đi theo con đường trọn lành Kitô giáo, như một chặng trong đời họ cho phép, theo tinh thần của một Dòng tu mà họ chọn lựa, và sống theo luật Tòa thánh phê chuẩn cho hội của họ. Người Dòng ba tại thế thường không sống trong cộng đòan, không mang áo Dòng, nhưng chia sẻ trong việc lành ơn ích của Dòng chính.
Tertium Quid
Tertium Quid, đệ tam vật, cái thứ ba. Là một vật hoặc ý tưởng nằm trung gian giữa hai vật khác, hoặc là một sự lựa chọn cho điều xem ra là một song luận.
Test
Test, testes, testimonium--chứng nhân, chứng tá.
Testem Benevolentiae
Tông thư Testem Benevolentiae (Bằng chứng cho thiện chí của chúng tôi). Là tông thư của Đức Giáo hòang Lêô XIII (ngày 22-1-1899) trong đó Ngài lên án Chủ nghĩa thực tiễn Mỹ.
Testimonials
Chứng thư. Là thư giới thiệu mà luật Giáo hội đòi hỏi, xác nhận một người có đủ tư cách lãnh nhận một bí tích, chẳng hạn truyền chức Linh mục. Người ban bí tích có bổn phận nghiêm trọng đòi hỏi đương sự xuất trình chứng thư có lợi cho người ấy.
Testimony
Lời khai, chứng từ, chứng cớ. Trong luật Giáo hội, là lời tuyên bố hoặc bác bỏ một sự gì, nhất là bởi một người biết trực tiếp vụ việc, và được xem là vô tư trong chứng tá của mình, và đang nói sự thật không thiên vị.
Thaddaeus
Thaddaeus, tông đồ Ta-đê-ô. Là một trong 12 Tông đồ, nhưng người ta ít biết về Ngài. Thánh sử Mátthêu và Máccô đều nêu tên Ngài trong danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10:3; Mc 3:18). Thánh Luca thay thế tên Ngài là “Giu-đa con ông Gia-cô-bê" (Cv 1:13). Tin mừng Thánh Gioan một lần mô tả Ngài là “ông Giu-đa, không phải Giu-đa Iscariot (Ít-ca-ri-ốt)” (Ga 14:22).
Thaumaturgus
Thaumaturgus, Người làm phép lạ. Một tước hiệu ban cho một số thánh nhân nổi tiếng, vì đã làm nhiều phép lạ khi còn sống, hoặc sau khi đã qua đời. Trong số các thánh này, có thánh Gregory (213-70), các thánh Cosmas và Damian (thế kỷ thứ ba), thánh Nicholas (thế kỷ thứ tư), và thánh Antôn thành Pađua (1195-1231). (Từ nguyên Latinh thaumaturgus; từ chữ Hi Lạp thaumatourgos: thauma, sự lạ + -ergos, “làm,” từ chữ ergon, làm việc.)
Theandric
Thần nhân. Nghĩa đen là "Chúa-người," qui chiếu đến các hành động của Chúa Kitô, trong đó Chúa dùng bản tính con người như một công cụ của thiên tính của Chúa, chẳng hạn các phép lạ của Chúa Kitô. Các họat động con người khác của Chúa Kitô, như đi, đứng, ăn uống, nói năng, đều là thần nhân, nhưng trong một nghĩa rộng hơn các hành vi con người của Ngôi Hai là thần nhân, nhưng các hành vi thuần túy của Chúa Ngôi Hai, chẳng hạn việc Tạo dựng, không thể gọi là thần nhân.
Theatines
Tu sĩ Dòng Theatine. Là các giáo sĩ Dòng Chúa Quan Phòng; Dòng này được thành lập tại Roma năm 1524 bởi hai thành viên của Dòng các cha Diễn thuyết Tình yêu Thiên Chúa (Roman Oratory of Divine Love), thánh Cajetan (1480-1547) và Gian Pietro Caraffa (1476-1559), sau trở thành Đức Giáo hòang Phaolô IV. Là tu sĩ sống nhiệm nhặt, các vị là công cụ cho phong trào Chống Cải Cách. Mục đích tông đồ của các vị vẫn như xưa: tái lập trong Giáo hội của Chúa luật nguyên thủy của đời sống tông đồ.
Theban Legion
Đạo binh Theban. Là một đạo binh của quân đội Roma khoảng năm 300, dưới quyền của Maurice, tư lệnh của đạo binh, nay được tôn kính như vị thánh. Truyền thuyết nói rằng họ từ chối trừng phạt các Kitô hữu, kết quả là họ bị tàn sát trong vùng Agaunum, Thụy Sĩ. Mặc dầu có nhiều tranh cãi quanh câu chuyện này, nhiều nguồn tin làm chứng cho sự kiện, nhất là một lá thư của thánh Eucherius và các bài trong Sách tiểu sử các thánh tử đạo.
Theism
Hữu thần thuyết. Là niềm tin vào một Chúa ngôi vị và quan phòng. Tuy nhiên, thuyết có nhiều hình thức, như độc thần giáo (một thần), đa thần giáo (nhiều thần), hoặc đơn nhất thần đạo (thờ một thần mà không phủ nhận thần các tôn giáo khác). Hữu thần thuyết thường được phân biệt với thuyết vô thần, vốn bác bỏ sự hiện hữu của một Thượng đế ngôi vị và siêu việt. (Từ nguyên Hi Lạp theos, Chúa.)
Theocentricity
Quy thần tính, sự đặt Chúa làm trung tâm. Là tính chất của người không chỉ chú ý đến Chúa, mà còn lấy Chúa làm mục tiêu chính của chuỗi hành động hoặc một hệ tư tưởng của mình. Quy thần tính thường được phân biệt với Chủ hướng quy Kitô (Christocentricity.)