VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi đặc biệt để ý đến chiều kích luân lý đạo đức và liên đới trong cuộc chiến chống nghèo đói.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi đến Ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc tổ chức lương nông quốc tế (FAO), nhân dịp Ngày Thế Giới về lương thực, cử hành hôm 16-10-2007 với chủ đề ”Quyền được lương thực”. Ngày này được cử hành hằng năm tại 150 nước trên thế giới.

ĐTC ghi nhận rằng mặc dù nhiều cố gắng đã được thực hiện, nhưng cho đến nay dường như số người bị đói trên thế giới vẫn chưa giảm sút đáng kể, tuy rằng tất cả mọi người đều nhìn nhận lương thực là một quyền phổ quát. Sở dĩ có tình trạng ấy là vì có lẽ người ta có xu hướng chỉ hoạt động vì bị thúc đẩy vì những nhận xét về kỹ thuật và kinh tế, mà quên đi ưu tiên của chiều kích luân lý đạo đức của nghĩa vụ ”cho kẻ đói ăn”. Sự ưu tiên này có liên hệ tới tâm tình từ bi và tình liên đới của con người, làm cho họ chia sẻ với nhau không những của cải vật chất, nhưng cả tình thương mà mọi người đều cần. Quả thực, chúng ta cho đi quá ít nếu chúng ta chỉ trao tặng những của cải vật chất mà thôi”.

ĐTC cũng ghi nhận những dữ kiện thống kê tho thấy quyền được lương thực không được chu toàn, không những vì những nguyên do thuộc loại tự nhiên, nhưng nhất là vì những tình trạng do lối hành xử của con người gây nên, và đưa tới sự suy thoái tổng quát về mặt xã hội, kinh tế và nhân bản. Càng ngày càng có nhiều người vì nghèo đói và vì các cuộc xung đột đẫm máu, phải bỏ gia cư và những người thân yêu để tìm phương thế mưu sinh ở ngoài quê hương. Mặc dù có những nỗ lực của quốc tế, nhiều người tị nạn vẫn bị ruồng bỏ”.

Trong bối cảnh đó, ĐTC kêu gọi tăng cường ý thức liên đới nơi các cộng đồng quốc gia, coi lương thực như một quyền phổ quát của mọi người, không phân biệt và không kỳ thị một ai.

ĐTC nhận xét rằng mục tiêu loại bỏ nạn đói và đồng thời cung cấp lương thực lành mạnh và đầy đủ cũng đòi phải có những phương pháp và hoạt động đặc biệt, giúp khai thác các tài nguyên, trong niềm tôn trọng gia sản thiên nhiên. Hoạt động theo chiều hướng này chính là một ưu tiên, không những có lợi cho khoa học, nghiên cứu và kỹ thuật, nhưng còn để ý đến chu kỳ của thiên nhiên mà người dân miền quê biết rõ, cũng như bảo vệ những phong tục truyền thống của các thổ dân, loại bỏ những lý lẽ ích kỷ và và những lý lẽ hoàn toàn là kinh tế.

Sau cùng, ĐTC bày tỏ hy vọng nơi những sáng kiến đã được khởi sự trên bình diện đa phương để cung cấp lương thực cho các học sinh và giúp các cộng đoàn thổ dân đang bị nạn đói đe dọa, có thể hướng nhìn về tương lai với niềm tin tưởng mạnh mẽ hơn.

Theo tổ chức Lương nông quốc tế của LHQ, gọi tắt là FAO, tại các nước đang trên đường phát triển, hiện có 854 triệu người thiếu dinh dưỡng, trong đó đó có 25 triệu người tại các nước bị lụt, và 9 triệu người tại các nước công nghệ. Những con số này, 11 năm sau Hội nghị thượng đỉnh về lương thực thế giới, thực là quá cao, không thể chấp nhận được.

Vẫn theo tổ chức FAO, việc cung cấp lương thực trở nên khó khăn hơn, vì giá lúa mì và sữa gia tăng nhiều, do sự thay đổi khí hậu trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực tới các vụ gặt, và do những nhu cầu cần nhiều nhiên liệu từ thực vật, do đòi hỏi của thị trường. (SD 16-10-2007)