VATICAN - ĐTC Biển Đức XVI mạnh mẽ tái khẳng định rằng ”nạn đói và suy dinh dưỡng là điều không thể chấp nhận được trong một thế giới có mức độ sản xuất, có tài nguyên và kiến thức đủ để chấm dứt những thảm trạng ấy.”

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi Hội nghị Thượng Đỉnh của Tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, nhóm tại Roma từ ngày 3 đến 5-6-2008 về cuộc khủng hoảng lương thực và những thay đổi khí hậu. Trong số các tham dự viên có nhiều vị quốc trưởng và phái đoàn cấp cao của hơn 100 quốc gia.

Sứ điệp của ĐTC được ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh tuyên đọc trong buổi khai mạc sáng 3-6-2008 trong đó ĐGH Benedictô nhận định rằng ”Sự hoàn cầu hóa thị trường ngày càng gia tăng không luôn luôn làm cho người dân có được lương thực và các hệ thống sản xuất thường bị ảnh hưởng tiêu cực vì những giới hạn về cơ cấu cũng như các chính sách bảo vệ thị trường, những hiện tượng đầu cơ tích trữ làm cho nhiều người dân phải ở ngoài lề sự phát triển.. Vì thế, thách đố lớn ngày nay chính là ”hoàn cầu hóa không những các quyền lợi kinh tế và thương mại, nhưng cả những mong đợi về tình liên đới nữa, trong niềm tôn trọng và đề cao giá trị của mỗi thành phần nhân loại”.

ĐTC kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức FAO tiếp tục theo đuổi những cải tổ cơ cấu, trên bình diện quốc gia, vì đây là điều tối quan trọng để đối phó hữu hiệu với các vấn đề chậm tiến, trong đó có cả hậu quả là nạn đói và suy dinh dưỡng”.

Ngài nhấn mạnh rằng ”nghèo đói và suy dinh dưỡng không phải là một định mệnh không thể tránh được do nghịch cảnh và thiên tai gây ra. Đàng khác, những khía cạnh thuần túy kỹ thuật hoặc kinh tế không được trổi vượt hơn nghĩa vụ công bằng đối với những người đang chịu đói. Quyền có lương thực tương ứng với một động lực luân lý đạo đức, đó là ”hãy cho kẻ đói ăn” (Mt 25,35), động lực này thúc đẩy chia sẻ những của cải vất chất, như một dấu chỉ tình thương mà tất cả chúng ta đều cần đến. Quyền có lương thực là một quyền chủ yếu, gắn liền với việc bảo vệ và bênh đỡ sự sống con người, và là đá tảng vững chắc không thể vi phạm, làm nền móng cho toàn thể tòa nhà nhân quyền”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng sự gia tăng sản xuất nông nghiệp trên thế giới chỉ hữu hiệu nếu có kèm theo sự phân phối thực sự các sản phẩm ấy, và nhắm thỏa mãn trước tiên các nhu cầu thiết yếu của con người”.

Sau cùng ĐTC khuyến khích các phái đoàn chính phủ tham dự Hội nghị Fao trong những ngày này đưa ra những biện pháp can đảm, không đầu hàng trước nạn đói và suy dinh dưỡng. Việc bảo vệ phẩm giá con người trong hoạt động quốc tế, cả những hoạt động cấp thời, sẽ giúp đo lường những gì là dư thừa đứng trước nhu cầu của người khác, và quản lý các tài nguyên thiên nhiên theo đức công bằng, làm sao để chúng mưu ích cho mọi thế hệ”.

ĐTC không tiếp các vị quốc trưởng

Cũng liên quan đến hội nghị Thượng Đỉnh FAO, trong những ngày qua, báo chí quốc tế đưa tin ĐTC không tiếp các vị quốc trưởng nhân dịp các vị đến Roma dự Hội nghị thượng định này.

Hôm 3-6-2008, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, LM Lombardi, đã ra thông cáo minh xác rằng: ĐTC Biển Đức 16 không thể nhận lời thỉnh cầu tiếp kiến riêng của các vị Quốc trưởng và Thủ Tướng chính phủ nhân hội nghị cấp cao của tổ chức FAO, vì số người thỉnh cầu quá nhiều và thời gian hạn hẹp của ĐTC cũng như vì công tác khác ngài đã nhận trước. Trong chiều hướng đó, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đích thân viết thư cho cho các vị Quốc trưởng và Thủ Tướng chính phủ để thông báo ĐTC lấy làm tiếc vì không thể đích thân gặp các vị và Ngài tái khẳng định sự sẵn sàng tiếp các vị trong một dịp khác tới đây.

Cha Lombardi nói thêm rằng đây không phải là một biện pháp mới mẻ, xét vì từ tháng 4 năm 2006, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã thông báo cho các sứ quán ngoại giao cạnh Tòa Thánh rằng Tòa Thánh sẽ rất khó nhận lời yêu cầu tiếp kiến riêng các vị Quốc trưởng và Thủ tướng nhân dịp các Hội nghị quốc tế. (SD 3-6-2008)