Ngày 22-11-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:53 22/11/2014
KẾT QUẢ CỦA ĐAU KHỔ
N2T

Có một con trai (1) nói với một trai khác:
- “Tôi thật là đau khổ khôn xiết, cái hạt cát vừa to vừa xấu ấy cứ chạy qua chạy lại trong người tôi, thường làm cho tôi đau quá không nghỉ ngơi được.”
Con trai kia ngạo mạn tự đắc nói:
- “Cám ơn trời cám ơn đất, trong người tôi không có hạt cát làm khổ, người tôi trong ngoài rất là dễ chịu.”
Lúc ấy có một con cua đi qua đó, nghe hai con trai nói chuyện bèn nói với con trai ngạo mạn ấy rằng:
- “Đúng vậy, anh thật dễ chịu thoải mái nhưng lại không được tích sự gì cả; nhưng kết quả chấp nhận đau khổ của người bạn anh đây, sẽ sinh ra một viên ngọc trai cực kỳ tuyệt đẹp.”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Hy sinh thì phải luôn có yêu thương đi kèm, bằng không thì sự hy sinh ấy chỉ là lợi dụng mà thôi.
Thời nay, chuyện hy sinh con tép để bắt con cá, chuyện hy sinh vài trăm đô la để kiếm một cô vợ đẹp là chuyện thường xảy ra, tất cả những thứ hy sinh ấy đều không có bóng dáng yêu thương, cho nên khi đã đạt được mục đích rồi thì con cá hay vợ đẹp cũng như nhau, chỉ là đồ chơi thỏa mãn tính ích kỷ dục vọng của mình mà thôi.
Yêu thương càng nhiều thì hy sinh càng lớn, bởi vì hy sinh là giá trị và là kết quả của yêu thương, Đức Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” , và chính Ngài đã thực hành hy sinh ấy khi chết đau khổ trên thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, đó là một tình thương không bờ bến, một hy sinh vô điều kiện.
Con trai mang trong mình hạt cát và chấp nhận đau khổ để hạt cát biến thành viên ngọc trai cực đẹp.
Đức Chúa Giê-su đã tự nguyện đau khổ hy sinh và chết trên thập giá để nhân loại được chung hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa; cha mẹ hy sinh để con cái nên người hữu danh hữu dụng cho xã hội và cho Giáo Hội; bạn bè hy sinh cho nhau là để tình bạn ngày càng trong sáng và tốt đẹp hơn...
Bài toán hạnh phúc thì rất dễ ai cũng có thể làm được, nó như thế này: hy sinh+yêu thương=HẠNH PHÚC.
Mong thay !
(1) Một loại trai có ngọc ở dưới biển, hạt cát trong thân nó sẽ thành hạt ngọc trai rất quý.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Lễ Đức Chúa Ki-tô Vua vũ trụ (CN 34 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:58 22/11/2014
LỄ ĐỨC CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
(Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN)
N2T


Tin mừng : Mt 25, 31-46.
“Con người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Ngài, và Ngài sẽ tách biệt họ với nhau”.


Anh chị em thân mến,
Năm Phụng Vụ của Giáo Hội được kết thúc bằng việc cử hành trọng thể lễ “Đức Chúa Ki-tô vua vũ trụ”, để cho chúng ta thấy rằng: chính là Khởi Đầu và Chung Kết, nên Ngài là vua vũ trụ và là Đấng xét xử loài người; là Đấng hôm qua, hôm nay và ngày mai, nên Ngài là Đấng ngự trị trường tồn, bất diệt.

Đức Chúa Giê-su xét xử như thế nào ?
Ngày phán xét chung, ngày tội lỗi và sự thánh thiện của mỗi người sẽ được bày ra ánh sáng và tất cả mọi người từ nguyên tổ A-dong và E-và cho đến người sau cùng trên thế giới sẽ thấy; ngày mà những việc lành chúng ta thực hiện trong âm thầm thì nay sẽ được mọi người biết; ngày mà những tội ác chúng ta thực hành trong bóng đêm thì nay sẽ được bày tỏ giữa ban ngày cho mọi người biết...

Ngày phán xét, Đức Chúa Giê-su không hỏi chúng ta :
-Khi còn ở thế gian con tậu được mấy căn nhà ?
-Khi còn ở thế gian con học hành đến đâu và có bao nhiêu văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ...?
-Khi còn ở thế gian con gởi nhà băng (bank) được bao nhiêu triệu đồng ?...
-Khi còn ở thế gian con có địa vị to lớn nào trong xã hội, trong Giáo Hội ?


Nhưng Đức Chúa Giê-su sẽ hỏi chúng ta :
-Con có giúp đỡ tha nhân không ?
-Con có hy sinh cho người khác không ?
-Con có yêu người như mình vậy không ?
-Con có làm tròn bổn phận của con không ?...


Và thật vô phúc cho chúng ta, khi chúng ta không có một liên hệ bác ái nào với tha nhân, và như thế cũng có nghĩa là chúng ta bị tách khỏi những người lành thánh, phải đứng bên tay tả của Đức Chúa Giê-su với những người được gọi là bè lũ của ma quỷ...

Anh chị em thân mến,
Có nhiều lúc chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Vua vũ trụ, nhưng chúng ta chưa tuyên bố và chưa tuyên xưng Ngài là Vua trong gia đình, và là Vua đang ngự trong tâm hồn của chúng ta, cho nên danh hiệu “gia đình Ki-tô hữu” chưa hấp dẫn được người khác, và danh hiệu “người Ki-tô hữu” của mình chưa thực sự tỏa sáng cho người khác thấy trong cuộc sống của chúng ta, cho nên vẫn có rất nhiều người thờ ơ với Chúa chúng ta.

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Chúng con tuyên xưng Chúa là Vua và là Chúa của chúng con bằng những thánh lễ trọng thể và bằng những cuộc rước kiệu thật náo nhiệt, để biểu dương sức mạnh đức tin của mình và của Giáo Hội. Nhưng khi thánh lễ kết thúc và cuộc rước kiệu đã xong, nhà thờ là nơi ngai vàng hữu hình của Chúa ngự giữa giáo xứ lại trống vắng, lạnh lùng, Chúa là vua ngự trong nhà tạm lại càng cô đơn hơn chẳng một ai đến thờ lạy, kể cả chúng con là những linh mục –công thần của Chúa- đang coi sóc giáo xứ ở sát ngay bên cạnh nhà Chúa.

Chúng con tôn thờ Chúa là vua đang ngự giữa chúng con trong nhà tạm, nhưng hàng ngày chúng con chỉ thích đến viếng các nhà hàng nhậu nhẹt, ôm ấp các kỹ nữ hơn là đến nhà thờ để thờ lạy Chúa; chúng con tuyên nhận Chúa là vua vũ trụ đang ngự trong nhà tạm, nhưng chúng con cảm thấy mất thời giờ khi đến thờ lạy và ca tụng Chúa nơi nhà thờ...

Xin Chúa thương xót chúng con là những người tội lỗi, thường bất trung với Chúa và bất nhẫn với tha nhân trong cuộc sống của mình hôm nay. Amen

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:01 22/11/2014
N2T

10. Chúng ta còn có một dấu chỉ duy nhất để yêu mến Thiên Chúa, đó là yêu mến Ngài trong tất cả mọi sự; Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng bất biến, không muốn chúng ta –trong mọi việc- có cách nhìn không giống với Ngài.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:05 22/11/2014
LIỆM XÁC
Giáo dân đem chuyện có giáo xứ nọ, hể trong xứ có giáo dân qua đời thì cha xứ kêu ông trùm họ hoặc các ông khu trưởng cử hành nghi thức liệm xác, nhưng nếu người qua đời của giáo dân “có máu mặt” thì cha sở ấy đều phụ trách từ đầu đến cuối, làm cho giáo dân bất bình rồi phê bình nói xấu cha sở...
Cha sở nghe xong thì cười nói:
- “Các ông đừng lo, bao lâu tôi còn làm cha sở thì giáo xứ mình sẽ không có chuyện đó xảy ra, nhớ cầu nguyện cho tôi.”
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Ngai vàng của vua Kitô là những người nghèo
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:07 22/11/2014
NGAI VÀNG CỦA VUA KI-TÔ LÀ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO

LỄ CHÚA KITÔ VUA (NĂM A 2014)

DẪN NHẬP ĐẦU LỄ :

Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ 2014, là chóp đỉnh của chặng đường 365 ngày thờ phượng Chúa. Hội Thánh long trọng cử hành lễ Chúa Giêsu - Vua vũ trụ, như một tác động tôn thờ, cảm tạ và lời tuyên xưng : Đức Kitô chính là Alpha và Ômêga, là Khởi điểm và Tận cùng, là Mục Tử tối cao quy tụ toàn thể nhân loại và vũ trụ trong Vương Quốc Nước Trời, Vương quốc của sự thật, công chính và tình yêu.

Qua Thánh lễ trọng đặc biệt nầy, Phụng Vụ cũng gọi mời chúng ta trong khi tuyên xưng Chúa Kitô là Vua thì hãy nỗ lực uốn nắn cuộc sống cho phù hợp với những con đường phúc thật của Nước Trời, con đường yêu thương và phục vụ mà Đức Kitô đã vạch ra cho những ai muốn gia nhập Vương Quốc của Ngài.

Giờ đây, chúng ta cùng thống hối để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

CHIA SẺ LỜI CHÚA

Mầu nhiệm Chúa Kitô Vua được Lời Chúa hôm nay khai triển với 3 ý nghĩa thật độc đáo :

- Đức Kitô là Vua như là một Mục Tử chăn dẫn đoàn chiên (BĐ 1, sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en)

- Đức Kitô là Vua chiến thắng trước sự chết để mở đường vào cuộc sống trường sinh (BĐ 2, Thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô).

- Đức Kitô là Vua đang hiện diện trong những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn, ốm đau tù tội… để gọi mời chúng ta sống bác ái yêu thương (TM).

1. Vua Mục Tử :

Trong Cựu ước, hình ảnh Mục Tử được dành cho Thiên Chúa, một Thiên Chua yêu thương tận tình chăm sóc đàn chiên và từng con chiên một như trích đoạn sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en mà chúng ta vừa nghe : “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.” ; hoặc như thánh vịnh 22 đã diển tả : “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi…”. Dân Ít-ra-en luôn cảm nhận sâu xa chân lý nầy. Họ được chính Chúa là vị Vua tối cao, đã quy tập họ lại trên vùng Đất Hứa, đã chăn dắt họ suốt qua bao nhiêu chặng đường lịch sử, đã dẫn đưa họ trong ánh sáng chân lý và đã giải thoạt họ khỏi bao nhiêu tai biến sầu đau…

Hình ảnh “Thiên Chúa là Mục Tử” đã được chính Chúa Giêsu làm cho hiện thực hơn rõ nét hơn khi Ngài nhập thể làm người, quyết chung chia thân phận tội lỗi của loài người, quy tụ muôn người vào con đường Phúc Thật của Tin Mừng, chữa lành những tật nguyền thể xác cũng như tâm linh và cuối cùng chấp nhận hy sinh mạng sống để cứu chuộc đoàn chiên.

Vâng, Đức Kitô là Vua vì chính Ngài là Vị mục tử nhân hiền như chính Ngài đã xác quyết : “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên ta và chiên ta biết Ta…”.

Được làm chiên trong đoàn của Vị mục tử Tối Cao đầy nhân ái nầy thật hạnh phúc dường bào. Làm sao chúng ta lại đánh mất một một niềm tin vào một Vị Thiên Chúa Mục tử đầy uy quyền và nhân ái như thế ? Và khi được ở trong đàn chiên của Ngài chúng ta phải nghe lời và tiến bước trên mọi nẻo đường Ngài dẫn dắt.

2. Vua chiến thắng sự chết và mở đường sự sống.

Nếu “những ông vua trần thế” và những vương quốc của họ rồi cũng tiêu tan với thời gian, hay chỉ giới hạn trong một khoảng không gian và thời gian nào đó, chỉ để lại cho nhân thế, có khi, là cả một lịch sử đắng cay, tăm tối, hải hùng.

Trong khi, Vua Ki-tô, Đấng đến từ Thiên Chúa hằng hữu đã “nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành” và cũng trong Ngài mà toàn nhân loại được quy tụ để dẫn đưa vào vương quốc hàng sống.

Ngài đã thực hiện công trình nầy qua con đường tử nạn-phục sinh, chấp nhận dấn thân vào cái chết để sống lại mở đường vào cỏi sống trường sinh mà Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô đã khẳng quyết : “Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy”. Ngài là Vua của sự sống và sự sống vĩnh hằng. Chính nhờ Ngài và trong Ngài mà chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối và hướng về tương lai với niềm hy vọng mãnh liệt, niềm hy vọng bất chấp đắng cay, đau khổ và cả cái chết. Đó là niềm hy vọng của người tử tội bên hữu Ngài khi tuyên xưng Ngài chính là Vị Vua Cứu Thế đang chấp chính trong Vương Quốc Vĩnh hằng và dang tay đón đợi những ai sẵn sàng hoán cải để bước tới trong niềm tin yêu : “Lạy Ngài, xin nhớ đến tôi khi Ngài chấp chính trong vương quốc của Ngài”. “Thật hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Tin vào một Vị Vua như thế, chúng ta sẵn sàng hoán cải và bất chấp mọi đắng cay khổ lụy, quyết lao mình về phía trước trong niềm tin mãnh liệt trao phó cả cuộc đời và tương lai cho Ngài. Chính niềm tin như thế sẽ giúp chúng ta vượt thắng mọi sợ hải, do dự và biếng lười.

3. Vua đang hiện diện trong những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn :

Khi đọc lại Tin Mừng chúng ta thấy gì ?

- Thấy một Vua Giêsu khóc oa oa nằm trong hang lừa máng cỏ, hay bị Hêrôđê truy sát phải tha phương cầu thực nơi đất khác quê người.

- Thấy một em bé Giêsu vâng lời cha mẹ trong mái nhà Na-da-rét hay chàng thanh niên nhễ nhại mồ hôi trong xưởng thợ mộc của làng quê.

- Thấy một Rabbi sắp hàng giữa bọn cùng đinh mạt hạng để lội xuống dòng sông Gio-đan xin ông Gioan Tây Giả làm phép rửa thanh tẩy tội lỗi.

- Thấy một ngôn sứ uy quyền có thể một lời liền cho kẻ chết phục sinh, kẻ què đi được, kể câm nói được, người điếc nghe được, những người phung cùi được lành bệnh, những kẻ bị quỷ ảm được giải thoát, và bảo tố phong ba bị dẹp tan…

- Thấy một tôn sư thánh thiện nhưng vẫn cứ để cho người nữ tội lỗi phủ phục dưới chân với những dòng nước mắt ăn năn sám hối, cứ gần gũi, thân mật ăn uống cùng với bọn thu thuế và luôn để cho những kẻ nghèo, các trẻ em tiếp cận bao quanh…

- Thấy một kẻ cù bơ cù bấc lếch thếch lang thang với đám môn sinh lúc đói lúc no, khi ngủ bờ ngủ bụi…

- và cuối cùng thấy một tội nhân bị kết án nhục nhã, bị đánh cho bầm dập và bị đóng đinh trần truồng chết trên cây thập giá giữa hai tên trộm cướp.

Và như thế, chúng ta có gì “sốc” trong sứ điệp Tin Mừng trong ngày lễ Kitô Vua hôm nay, khi Đức Kitô tự đồng hóa mình với những kẻ “đói, khát, trần truồng, tù tội, đau yếu”…

Qua sứ điệp nầy, khi chúng ta tuyên xưng một Vua Giêsu chiến thắng, uy hùng, thì cũng có nghĩa, chúng ta chấp nhận dấn thân vào một con đường yêu thương và phục vụ, nhất là yêu thương, phục vụ những kẻ nghèo hèn, đau khổ, thấp cổ bé miệng… mà Đức Kitô luôn gọi mời : “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”.

Nếu trên trụ đá cột cờ ở giữa quảng trường Thánh Phêrô có 3 dòng chữ : Christus vincit, Christus regnat, Christus Imperat : Chúa Kitô chiến thắng, Chúa Kitô hiển trị, Chúa Kitô thống lĩnh oai hùng, thì chúng ta hôm nay, trong thánh lễ nầy, cũng tuyên xưng như thế.

Ngài chiến thắng băng tình yêu của một vị Mục Tử nhân hiền.

Ngài hiển trị với một vương quốc sự thật, sự sống và tình yêu.

Ngài thống lĩnh hùng oai không phải trên ngai vàng lẫm liệt của những ông vua thế trần ; nhưng “ngai vàng” của Ngài chính là những con người bé nhỏ, khiêm hạ, nghèo hèn, tật bệnh…Chính Ngài tự đồng hóa mình với những hạng người ấy để gọi mời tất cả chúng ta, cùng với Ngài, dấn thân trên mọi nẻo đường thế giới gieo rắc yêu thương, xây dựng hòa bình để vươn tới một Vương quốc của tình yêu và chân lý.

Đó chính là ý nghĩa của ngày lễ Kitô Vua hôm nay.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Xin được phụng sự vua Giêsu
LM. Giuse Nguyễn Thành Long
09:09 22/11/2014
Lễ Chúa Kitô Vua

XIN ĐƯỢC PHỤNG SỰ VUA GIÊSU

1. PHÚC ÂM (Mt 25, 31-46)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.

"Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: 'Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'.

"Khi ấy người lành đáp lại rằng: 'Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?' Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'.

"Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: 'Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!'

"Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: 'Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?' Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".

II. CHIA SẺ

Trên bất kỳ Thánh Giá nào, ta cũng thấy có chữ INRI ngay phía trên đầu Chúa Giêsu. Đây là những chữ viết tắt của câu La tinh: “Iesus Nazareus, Rex Idaeorum”, nghĩa là Giêsu Nazaret, Vua dân Do Thái. Vậy tước hiệu Giêsu Vua mà Giáo Hội hôm nay mừng kính có phải là tước hiệu Giêsu, Vua dân Do Thái như trên Thánh Giá không? Thưa không. Dẫu theo lệ thường khi nói đến vua là người ta liên hệ đến một nước nào đó. Nhưng với Chúa Giêsu thì khác. Ngài không phải là vua của một nước nào, hay dân tộc nào, mà là vua toàn thể vũ trụ, vua của mọi dân nước, và trên hết Ngài là vua của mọi tâm hồn.

Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ đến lần thứ hai như với phong thái nào và mục đích nào? Có khác với lần thứ nhất không?

Khác rất nhiều. (1) Lần thứ nhất, Ngài đến trong đơn sơ thầm lặng; lần thứ hai, Ngài đến trong huy hoàng vinh quang. (2) Lần thứ nhất, ngài chỉ đến một mình trong hình hài một trẻ thơ bé bỏng; lần thứ hai có tất cả các thiên sứ tháp tùng để hầu cận Ngài. (3) Lần thứ nhất, Ngài đến trong hang đáng bò lừa ẩm thấp; lần thứ hai, Ngài đến ngự trên ngai uy linh vinh hiển. (4) Lần thứ nhất, Ngài chỉ đến với một số người Do Thái; lần thứ hai, Ngài đến trước toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, giai cấp. (5) Lần thứ nhất, Ngài đến là để thực hiện chương trình cứu độ mà Chúa Cha trao phó; còn lần thứ hai, Ngài đến là để làm gì? Đến để phán xét, để định đoạt số phận của mọi người, mà theo cách nói của Kinh Thánh là để “tách biệt chiên với dê”.

Tại sao là chiên với dê? Chiên với dê là hình ảnh hoàn toàn mang tính biểu tượng. Chiên là loài vật có giá trị, bộ lông mầu trắng của chúng tượng trưng cho sự tinh tuyền, công chính; còn dê, trái lại, tượng trưng cho sự bất chính, không tinh tuyền. Chiên bên nào? Dê bên nào? Chiên bên phải, dê bên trái. Bên trái, bên phải cũng mang tính biểu tượng. Theo quan niệm của người Do Thái, nếu tay phải tượng trưng cho quyền uy, thế lực và giàu sang, thì tay trái tượng trưng cho những gì xấu xa, tội lỗi và hèn nhát.

Vua Giêsu Kitô dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt chiên với dê? Tiêu chuẩn rất đơn giản, đó là Tình Yêu Thương. Tình yêu thương mà họ đã làm với anh chị em mình chính là tiêu chuẩn để phán xét ai là “chiên đáng yêu” và ai là “dê đáng ghét”.

Điều này khiến cho những người bên tả và cả những người bên hữu đều ngỡ ngàng. Bởi chưng, Vua Giêsu ấy đã không dựa vào tiêu chuẩn họ là ai, con ông nào bà nào trong giáo phận, làm nghề gì (bán hũ tiếu gõ, hay giám đốc “sọoc” này “soọc” kia), địa vị ra sao, quốc tịch ở đâu (Việt Nam, Mỹ, hay Campuchia,…), v.v... mà Ngài chỉ dựa vào đức bác ái yêu thương mà họ đã thực thi đối với anh chị em của mình, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ bất hạnh.

Càng ngỡ ngàng hơn nữa, khi Đức Vua ấy còn tự đồng hoá mình với những kẻ bé mọn. Và vì thế, khi họ làm những việc lành phúc đức cho những người bé nhỏ mọn hèn là họ đang làm cho chính Ngài: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Ngược lại khi họ từ chối, không làm cho những người bé mọn là họ đã từ chối, là không làm cho chính Ngài.

Vậy thì, ta muốn mình là chiên hay là dê trong ngày phán xét? Ta muốn mình được xếp vào bên trái hay bên phải Thiên Vương?

Chắc hẳn ai cũng muốn mình là “chiên”; không ai muốn mình là “dê” cả. Không ai muốn là dê ông, dê bà, dê anh, dê em, dê cháu… Ai cũng muốn mình được xếp bên phải, không ai muốn mình bị xếp bên trái. Thế nhưng thực tế, lối sống của nhiều người trong chúng ta vẫn là lối sống của những người thuộc họ hàng nhà dê, mà là dê xồm nữa, thì làm sao xếp vào hàng ngũ của chiên được. Lối sống của “dê”, là lối sống ích kỷ hẹp hòi đối với bạn bè, người thân Lối sống của dê là lối sống ma mãnh, chanh chua và lọc lừa đối với bà con lối xóm. Lối sống của dê là lối sống trộm cắp, tham lam và gian tà đối với tha nhân, đối với đồng loại.

Muốn mình là chiên thì phải sống công bình bác ái yêu thương; muốn là chiên thì phải sống hiền hoà ngay thẳng thật thà đối với mọi người; muốn là chiên thì phải quảng đại giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo hèn bệnh tật, bất hạnh, khổ đau...

Hãy nhớ rằng khi ta làm những việc tốt việc lành cho anh chị em đồng loại là ta đang làm cho chính Vua Giêsu đấy. Đây là một niềm vinh hạnh mà Chúa ban cho ta, song nhiều lúc ta không nhận ra, hoặc nhận ra, nhưng mà quên mất.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta, luôn biết nhận ra Chúa hiện thân nơi tha nhân, để khi làm bất cứ việc gì cho người khác là chúng ta ý thức mình đang làm cho chính Chúa. Và khi ý thức là ta đang làm cho chính Chúa, thì ta mới làm hết mình và làm với trọn cả tình yêu thương. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Năm phụng vụ Hội Thánh Công giáo
LM Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:12 22/11/2014
Năm phụng vụ Hội Thánh Công Giáo

„Cuối năm ngồi tính lại sổ đời“. Câu hát quen thuộc chất chứa hương vị có chút gì vừa hãnh diện, nhưng cũng tiềm ẩn niềm tư lự suy tư.

Người tín hữu Chúa Kitô vào thời điểm cuối của năm phụng vụ Hội Thánh có thắc mắc về nếp sống năm phụng vụ trong Hội Thánh

1 .Vào dịp cuối năm người ta thường tính sổ nhìn lại năm vừa qua đã trôi qua như thế nào, và suy nghĩ rút ra bài hóc hay đưa ra giải pháp kế họach cho năm năm mới sắp tới. Còn đời sống đức tin trong Giáo Hội thì sao, có như thế không?

Niên lịch nếp đời sống đức tin trong Giáo Hội có tên là lịch phụng vụ. Niên lịch phụng vụ không khởi đầu ngày 01.01. và kết thúc vào này 31.12. Nhưng lịch phụng vụ bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, và kết thúc vào Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật thứ 34. mùa thường niên. Niên lịch phụng vụ cũng theo ngày tháng của Dương lịch, nhưng sắp xếp theo chu kỳ ngày lễ phụng vụ đức tin đạo giáo.

Nếu tính theo ngày tháng năm dương lịch, niên lịch phụng vụ bắt đầu thường cuối tháng 11. và bắt đầu vào tháng 12. hằng năm.

Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo Hội không tính sổ như người ta làm vào ngày cuối năm. Nhưng Giáo Hội mừng Chúa Giêsu Kito là Vua để kết thúc năm phụng vụ.

2. Lịch phụng vụ khác với niên lịch trong đời sống thường nhật như thế nào?

Trong đời sống thường nhật bây giờ các nơi đều theo Dương lịch. Lịch Dương lịch chia thời gian một năm thành 12 tháng với 365 ngày, mỗi tháng có bốn tuần, một năm có 52 tuần lễ, một tuần có 7 ngày, một ngày có 24 tiếng đồng hồ. Ngày bắt đầu năm mới Dương lịch là ngày 01. 01., và ngày kết thúc năm là ngày 31.12.

Còn lịch phụng vụ liên quan tới đời sống đức tin, nên không theo cách tính, cùng phân chia như thế. Năm phụng vụ chia ra làm những chu kỳ mùa lễ đức tin khác nhau.

Bắt đầu năm phụng vụ là 4 tuần lễ với bốn Chúa Nhật mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Năm nay Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng vào ngày 30.11.2014

Mùa giáng sinh từ ngày lễ Chúa giáng sinh đến Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - , mùa này ngắn chỉ kéo dài hơn kém ba tuần lễ. Thường vào khoảng tuần lễ thứ hai tháng Một.

Mùa thường niên bắt đầu ngay sau Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa 11.01.2015. Mùa thường niên giai đoạn một kéo dài tới ngày thứ Tư lễ Tro, vào khoảng đầu hay giữa tháng Hai.

Từ thứ Tư lễ Tro ngày 18.02.2015 đến đêm thứ bảy tuần thánh ngày 04.04.2015 là mùa Chay thánh. Thời gian kéo dài sáu tuần lễ.

Từ ngày lễ mừng Chúa Phục sinh ngày 05.04.2015 đến Chúa Nhật lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 24.05. 2015 là mùa phục sinh. Thời gian này kéo dài 7 tuần lễ.

Mùa thường niên giai đoạn hai từ sau lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống đến Chúa Nhật thứ 34., Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, và cũng là ngày lễ mừng Chúa Giêsu Kitô Vua., 22.11. 2015.

3. Lễ mừng Chúa Giêsu Kito là Vua có từ khi nào?

Trong lịch sử phụng vụ Hội Thánh Công Giáo, lễ Chúa Kitô Vua còn mới. Vì lễ này được thành lập năm 1925 dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XI.

Ngày lễ này được lập ra vào ngày 11.12.1925 để kỷ niệm 1600 năm Công Đồng Nicaea năm 325.

4. Lý do thần học nào là nền tảng của ngày lễ tôn vinh Chúa Giêsu là Vua?

Năm 318 xảy ra sự tranh cãi về thần học giữa Giám mục Alexander thành Alenxandria và Arius, một linh mục thành Alexandria.

Theo Arius Chúa Giêsu Kito Ngôi lời Thiên Chúa không đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu con Thiên Chúa chỉ là một thụ tạo khởi đầu của Thiên Chúa thôi.

Công đồng Nicaea năm 325 đã minh xác bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu chống lại bè rối Arius nghi ngờ chối bỏ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Công đồng Nicaea phủ nhận điều bè rối Arius phản ngược lại tín điều của Hội Thánh Công Giáo.

Công đồng Nicaea qua sự xác nhận bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu muốn nối kết Hội Thánh bên phía Đông và Hội Thánh bên phía Tây lại với nhau trong cùng một tuyên xưng đức tin như trong kinh tin kính đọc trong thánh lễ phụng vụ.

Hội Thánh lập ra ngày lễ Chúa Giêsu Kito Vua để tưởng nhớ tới Công đồng Nicaea về tín điều Công đồng đã quyết định làm nền tảng thần học cho ngày lễ.

Ngày lễ này trước hết được mừng vào Chúa Nhật sau cùng của tháng 10. trong năm. Nhưng từ khi Phụng vụ được canh tân đổi mới với Công Đồng Vatican II. , ngày lễ này đổi sang ngày Chúa Nhật sau cùng trong năm phụng vụ.

5. Nhưng xưng tụng Chúa Giêsu Kito là vua nghe xem ra có điều gì cao sang xa vời, hào nhoáng, đang khi hình ảnh về Chúa Giêsu như trong phúc âm thuật lại rất khác cùng ngược lại.

Đúng thế. Đó là đem hình ảnh cùng quan niệm của một vị vua, hoàng đế xưa nay trong đời sống xã hội con người chúng ta, mà nhìn hiểu Chúa Giêsu Kito vua thì như thế.

Nhưng khi tuyên xưng Chúa Kito là Vua, Hội Thánh không hiểu theo khía cạnh đó. Xưng tụng Chúa Giêsu là Vua muốn nói lên Chúa Giêsu là Chúa duy nhất của Hội Thánh. Ngài là Chúa của công trình tạo dựng và thời gian.

Xưng tụng Chúa Giêsu là vua không trong ý nghĩa chiến thắng khải hoàn. Nhưng muốn nói đến lòng khoan dung nhân lành của Ngài là người mục tử chăn dắt đàn chiên.

Xưng tụng Chúa Giêsu là Vua không đặt Ngài trên ngai cao sang hào nhoáng. Nhưng nói đến một vị vua từ trời cao xuống thế làm người đến phục vụ cho phần rỗi con người. Chính vì sứ mạng phục vụ, Vua Giêsu đã chọn cuộc sống khiêm hạ nghèo khó của người phàm trần, từ bỏ nếp sống vật chất xa hoa.

Xưng tụng Chúa Giêsu là Vua không theo khuôn thước làm chủ cai trị quốc gia đất nước, lo kinh tế lợi nhuận, việc điều binh khiển tướng. Nhưng theo góc độ tôn giáo thần học là đem đức tin vào Thiên Chúa tình yêu làm trung tâm cho cuộc sống tâm linh con người.

6. Tại sao lại chọn Chúa Nhật sau cùng năm phụng vụ là ngày lễ Chúa Kitô Vua?

Cuối năm phụng vụ Hội Thánh không tính sổ lời lãi theo phương diện đức tin. Nhưng Hội Thánh muốn đóng khép năm phụng vụ lại bằng lời tuyên xưng Chúa Giêsu là vua.

Chúa Giêsu là vua mọi thời gian năm tháng trong công trình tạo dựng thiên nhiên. Ngài là khởi đầu và cùng tận.

Trong ý nghĩa thần học đó, ngày lễ mừng kính này được đặt vào ngày Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ, trước khi năm phụng vụ mới được khai mở ra.

Và trong ngày lễ mừng Chúa Kitô Vua, hình ảnh Chúa Giêsu xuất hiện như vị thẩm phán trong ngày cánh chung. Vị thẩm phán Giêsu sẽ căn cứ vào cung cách sống bác ái của mỗi người mà phân định xét xử. (Mt 24, 31-46.)

Hình ảnh Chúa Giêsu là Vua lòng nhân ái là hình ảnh trung tâm của ngày lễ này.

Lễ Chúa Kitô Vua 2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại sứ quán Ba Lan hiện tọa lạc tại trụ sở đầu tiên của Dòng Tên ở Rôma
Lã Thụ Nhân
16:29 22/11/2014
Hơn 500 năm trước, dinh thự Delfini, là tòa nhà hiện nay được dùng làm Đại sứ quán Ba Lan cạnh Toà Thánh, là nhà của một số vị rất đặc biệt. Từ 1538 - 1541, các thành viên đầu tiên của Dòng Tên, Thánh Inhaxiô Loyola, Thánh Phanxicô Xavier và Thánh Peter Fabre, đã sinh sống ở đây.

Hiện tại, có một tấm bảng ghi nhớ được đặt tại dinh thự để nhắc nhớ những năm tháng hình thành nên một trong những dòng tu quan trọng nhất của Giáo Hội.

Ông Piotr Nowina Konopka, Đại sứ Ba Lan cạnh Tòa Thánh cho biết: "Nơi đây là nơi các ngài đã nhận được sắc lệnh thiết lập Dòng Tên của Đức Thánh Cha. Ngoài ra, 450 năm trước các tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đã từ đây khởi hành đi Ba Lan để mở mang các hoạt động giáo dục, tạo ra những ảnh hưởng rất quan trọng cho Ba Lan thời bấy giờ".

Sau khi có được sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha, thời kỳ tổ chức và mở rộng Dòng Tên được bắt đầu. Các ngài đã ra đi khắp thế giới và giờ đây dòng Tên là một trong những dòng tu lớn của Giáo Hội Công Giáo.

Đại sứ Piotr Nowina Konopka nói thêm: "Tôi nghĩ rằng các ngài có những lý do rất mạnh để đặt bảng ghi nhớ ở đây. Tất cả những người Rôma và du khách đi ngang qua Dinh thự Delfini này sẽ biết rằng đó là nơi mà người Ba Lan rất tích cực và là nơi mà các linh mục dòng Tên đầu tiên được được khai sinh".

Dòng Tên được thành lập vào ngày 27 tháng 9 năm 1540. Cho dù đây là một đại sứ quán hay là một nơi trú ngụ, người ta không chút nghi ngờ khi co rằng dinh thự Delfini là một yếu tố quan trọng trong việc thành lập Dòng Tên.
 
Đức Thánh Cha đến Philadelphia, người ta mong đợi gì ở Hội nghị Thế giới các Gia đình?
Lã Thụ Nhân
16:50 22/11/2014
Đức Thánh Cha tuyên bố rằng ngài sẽ tông du đến Philadelphia vào năm 2015 để tham dự Hội nghị Thế giới các Gia đình, câu hỏi đặt ra là người ta mong đợi gì ở Hội nghị này? Đức Tổng Giám Mục Philadelphia đã cân nhắc khi nói đến điều này.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia (Hoa Kỳ) cho biết: "Trong phần đầu tiên, là bốn ngày thảo luận của hội nghị, chúng tôi hy vọng sẽ có 10,000 người tham dự. Chúng tôi sẽ có những bài phát biểu quan trọng và chúng tôi sẽ có rất nhiều nhóm hội thảo dành cho mọi người. Sau đó trong hai ngày cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ đến và chúng ta sẽ có một số sự kiện lớn. Chúng tôi mong đợi sẽ có hơn một triệu người tham dự phần này của hội nghị".

Trong 3 ngày từ 17 đến 19/11 vừa qua, hội nghị liên tôn với chủ đề 'Humanum' ở Vatican nhằm thăng tiến đời sống gia đình và vai trò bổ túc của người nam và người nữ trong hôn nhân, đã mang lại cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội và các tôn giáo khác, một chỉ dẫn về những chủ đề sẽ được nêu bật ở Philadelphia.

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput nói thêm: "Phát triển các cuộc hội thảo là cách thức để giúp người ta làm tốt hơn vai trò làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ và làm con cái".

Cách tốt nhất để đẩy mạnh sứ điệp này là hành động chứ không chỉ nói suông mà thôi. Một phần của những hành động này là Giáo Hội giáo dục các tín hữu sống Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, và làm cho họ hiểu lý do tại sao hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là kết cấu hình thành nên xã hội.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của Tổng Giáo Phận San Francisco Hoa Kỳ nói thêm: "Ngày nay rất nhiều người hiểu điều này là đúng, nhưng họ không biết làm sao nói lên điều đó. Họ không biết làm sao bênh vực điều đó theo một cách có thể làm động lòng trắc ẩn những người bất đồng và những người đang cổ súy cho việc định nghĩa lại hôn nhân"

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput thì cho rằng: "Ngay cả những người không đồng ý với định nghĩa hôn nhân của chúng ta, họ cũng thừa biết rằng mối tương quan giữa một người nam và một người nữ có một giá trị đáng trân trọng thế nào".

Hội nghị 'Humanum' diễn ra ba ngày tại Vatican quy tụ hàng trăm người từ 23 quốc gia và 13 tôn giáo, từ các tín hữu đến các vị lãnh đạo các cộng đoàn và các đại diện tôn giáo, một số người sẽ đến Philadelphia vào năm 2015 để tham dự Hội nghị Thế giới các Gia đình
 
Đức Thánh Cha: Có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng không phải mọi người đều có cái mà ăn
Lã Thụ Nhân
17:03 22/11/2014
Hôm 20/11/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trụ sở của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc ở Rôma và được Tổng giám đốc José Graziano da Silva của tổ chức này niềm nở tiếp đón.

Từ ngày 19 đến 21/11/2014, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ hai về dinh dưỡng với chủ đề “Dinh dưỡng tốt hơn, làm cuộc sống tốt hơn”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài phát biểu tại hội nghị, trong đó ngài chỉ trích lợi nhuận thường khống chế kỹ nghệ thực phẩm.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Thật là đau đớn khi nhận thấy rằng cuộc chiến chống nạn đói và suy dinh dưỡng bị cản trở bởi “những ưu tiên thị trường” và “vai trò tối thượng của lợi nhuận”, biến lương thực thành một loại hàng hóa như những thứ khác, thành đối tượng bị đầu cơ, kể cả đầu cơ tài chánh. Và trong khi người ta nói về những quyền mới, thì người đói vẫn đứng ở góc đường. Họ xin được công nhận là công dân, để nhận được chế độ ăn uống lành mạnh. Họ xin chúng ta phẩm giá, chứ không phải của bố thí".

Sử dụng hình ảnh mà Đức Gioan Phaolô từng dùng trong chuyến viếng thăm tổ chức này vào năm 1992, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về "nghịch lý của sự dư thừa". Ngài nói: "Có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng không phải mọi người đều có cái mà ăn, trong khi sự lãng phí, sự tiêu thụ quá đáng và việc dùng lương thực cho các mục đích khác xảy ra trước mắt chúng ta".

Đức Thánh Cha nói rằng mọi áp lực trên việc phân phối lương thực đều không thể chấp nhận được và hành tinh của chúng ta cần phải được chăm sóc. Ngài nói thêm: "Tôi nhớ một cụm từ mà tôi nghe được từ một người già nhiều năm trước đây: Thiên Chúa luôn luôn tha thứ... những thiếu sót của chúng ta, những xấu xa của chúng ta, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ; đôi khi con người tha thứ, nhưng Trái đất không bao giờ tha thứ. Chúng ta phải chăm sóc cho chị Đất của chúng ta, Mẹ Đất của chúng ta, để Trái Đất không đáp lại bằng sự hủy diệt".

Đức Thánh Cha kết luận rằng chủ nghĩa cá nhân và những chia rẽ trong xã hội tối hậu sẽ tước đoạt phẩm giá của những người bần cùng nhất. Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cứu lấy những mạng sống con người bằng cách giải quyết nạn đói trên thế giới.

Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha có cuộc gặp với các nhân viên của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc. Ngài cám ơn họ về công việc thầm lặng chống lại nạn đói và những thăng tiến trên lĩnh vực dinh dưỡng và nông nghiệp thế giới. Ngài yêu cầu họ hãy nhớ rằng mỗi một quyết định của họ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi biết anh chị em có tinh thần liên đới và sự hiểu biết đối với mọi người. Tôi biết rằng anh chị em vượt qua mọi công việc giấy tờ và nhìn thấy đằng sau mỗi thủ tục là những khuôn mặt buồn bã và những tình huống khó khăn của những người lâm vào cảnh đói khát. Nước uống không phải là hào phóng như chúng ta thường nghĩ. Nó sẽ là một vấn đề rất lớn có thể dẫn chúng ta đến một cuộc chiến khác".

Đức Thánh Cha nói với họ rằng công việc của tổ chức này vượt xa việc giải quyết một vấn đề xã hội. Trên hết, đó là sự là tôn trọng phẩm giá con người. Ngài nói thêm: "Những người này chỉ xin phẩm giá. Họ xin chúng ta phẩm giá, chứ không phải của bố thí. Và đây là công việc của anh chị em để giúp họ lấy lại phẩm giá của mình".

Ngài vừa dứt lời, thì một tràng pháo tay lớn vang dội hoan nghênh lời phát biểu của Đức Thánh Cha. Ngài cũng được chào đón bằng những lời hoan hô, một cách hành xử hiếm có trong một chuyến thăm chính thức đến cơ quan Liên Hiệp Quốc.
 
Đức Hồng y Trần Nhật Quân: Nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách, chúng ta không thể mong đợi điều gì
Lã Thụ Nhân
17:15 22/11/2014
Hồng Kông hiện có khoảng 375.000 người Công Giáo. Gần đây, tình hình của khu vực này đã trở nên càng lúc càng căng thẳng cả trên hai bình diện xã hội và tôn giáo. Xã hội đang lên tiếng kêu gọi dân chủ và các vị lãnh đạo tôn giáo khác nhau cũng đang cùng nhau yêu cầu sự thay đổi.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Giám mục Hiệu Tòa của Hồng Kông cho biết: "Anh chị em có thể xem tin tức hằng ngày rằng chính phủ đã tăng cường đàn áp. Gần đây họ đã phá hủy các nhà thờ và lấy đi hầu hết các thánh giá từ các tòa nhà này. Và vì vậy chúng ta không có nhiều hy vọng về những cải thiện trước mắt".

Tình hình không dễ dàng. Theo Đức Hồng Y, mặc dù số lượng các Kitô hữu đang gia tăng ở Trung Quốc, nhưng mối quan hệ ngoại giao giữa chính quyền Trung Quốc và Vatican hầu như không tồn tại.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nói thêm: "Là tín hữu, chắc chắn chúng ta phải lạc quan. Nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể hy vọng vào những thành công trước mắt bởi vì mọi quan hệ đều phụ thuộc vào hai bên. Bây giờ nếu Trung Quốc không thay đổi chính sách, chúng ta không thể mong đợi điều gì".

Ngài cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô mở ngỏ cho việc cải thiện quan hệ ngoại giao, nhưng ngài nói nó sẽ chỉ tốt đẹp khi có sự thay đổi. Đức Hồng Y nói: "Tôi thấy Đức Thánh Cha rất thận trọng. Ngài kiên nhẫn, ngài không chỉ sẵn sàng làm việc nhiều hơn mà còn sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh lâu dài".

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã dấn thân nhằm thúc đẩy kêu gọi dân chủ. Gần đây, ngài đã đến Rôma để tham dự một hội nghị Quốc tế của hãng thông tấn AsiaNews. Đây là một hãng thông tấn Công Giáo chuyên đưa tin về những câu chuyện đàn áp tôn giáo thường bị bỏ qua tại Á Châu.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền các nước luôn luôn có tiền để mua vũ khí nhưng không có tiền để tạo ra công ăn việc làm
Lã Thụ Nhân
18:49 22/11/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video đến các tham dự viên Hội Nghị Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo lần thứ tư đang diễn ra tại Verona. Ngài lên án việc nhiều nước đã và đang viện dẫn cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay như là một cái cớ để không có hành động nào chống đói nghèo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Sự thờ ơ đang dẫn đến nguy cơ là chúng ta mù, điếc và câm. Trước một tấm gương mà chúng ta chỉ thấy có mỗi một mình chúng ta, chúng ta đang xa rời những thực tại đang xảy ra xung quanh. Con người khép kín trong chính bản thân mình. Có một con người như vậy tên là Narcissus. Đừng đi theo con đường của ông ta”. (Narcissus là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp say đắm vẻ đẹp của chính mình khi ngắm mình trong hồ nước ngày này qua ngày khác cho đến chết).

Đức Thánh Cha cũng suy tư về việc phân bố tài nguyên hiện nay. Ngài than phiền rằng các nguồn tài chính thường được tập trung vào một số chi tiêu trong khi những chi tiêu cần thiết khác không được để ý đến.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Nước nào cũng có tiền để mua vũ khí, để gây ra chiến tranh, để dùng vào các hoạt động tài chính không chút đắn đo. Người ta thường im lặng về điều này. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh đến việc thiếu tiền để tạo ra công ăn việc làm, để đầu tư vào kiến thức, tài năng, để phác thảo một phúc lợi xã hội mới, để bảo vệ cho môi trường".

Trước tình trạng này, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu những người tham gia hội nghị đưa ra các sáng kiến giúp phát huy tài năng của mỗi người, nhất là người trẻ.
 
Ca sĩ Steve Angrisano yêu cầu giới trẻ ''tạo ra sự khác biệt''
Lã Thụ Nhân
19:00 22/11/2014
Trong bài hát "Daylight's Ending (Tắt nắng)", ca sĩ Mỹ Steve Angrisano nhắc nhở khán giả rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ. Ông lấy cảm hứng từ Phụng Vụ Giờ Kinh để viết nên lời bài hát của mình.

Ngoài ca hát, Angrinaso cũng rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ trong các hội nghị về giới trẻ.

Ông sống ở Texas với vợ và ba người con. Ông đã trình diễn tại một số Đại hội Giới trẻ Thế giới và nhận ra sự phối hợp độc đáo của mình giữa âm nhạc và khiếu hài hước. Ông đã phát hành năm album và bản mới nhất mang tên "Ngày mới" trong đó có bài "Hãy đi để tạo sự khác biệt", trong đó ông yêu cầu những người trẻ hãy thay đổi thế giới.

Angrisano còn sử dụng những kiến thức âm nhạc của mình để dạy các khóa học về âm nhạc phụng vụ.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về người di dân: Đối với Kitô hữu, ''không ai là một người lạ''
Lã Thụ Nhân
19:08 22/11/2014
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng người di dân không đặt ra một mối đe dọa cho xã hội, thay vào đó đóng góp cho các quốc gia tiếp nhận họ.

Trong diễn từ với các tham dự viên Hội nghị Thế giới về Chăm sóc Mục vụ Di dân, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều có quyền mưu tìm việc cải thiện cuộc sống của họ. Vì lý do này, ngài nói di dân là một cánh cửa hy vọng đối với nhiều người không có cơ hội trên đất nước của họ.

Ngài nói: "Trên tất cả mọi thứ, ở những miền đang gặp khó khăn trên thế giới, những nơi thiếu công việc làm, cản trở các cá nhân và gia đình của họ không thể có một cuộc sống đúng phẩm giá con người, ở những nơi ấy luôn có khát vọng mạnh mẽ mưu tìm một tương lai tốt đẹp hơn ở bất cứ nơi nào mà họ có thể đến được, bất kể nguy cơ thất vọng và thất bại. Điều này xảy ra phần lớn vì cuộc khủng hoảng kinh tế".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đối với Giáo Hội "không ai là người lạ". Ngài giải thích rằng phẩm giá con người không phụ thuộc vào tôn giáo, dân tộc, hoặc năng lực làm việc của họ.

Để kết thúc diễn từ của mình, Đức Thánh Cha nói rằng người di dân là "một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải loại trừ sự bất bình đẳng, bất công và ngược đãi".
 
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh lên tiếng kêu gọi các quốc gia giúp đỡ những người di dân
Lã Thụ Nhân
19:35 22/11/2014
Theo ước tính, có khoảng 232 triệu người di dân trên toàn cầu, trong đó có cả những trẻ em phải di dân một mình. Khi rời quê hương của mình, một số người đã chết trong cuộc hành trình di dân, những người khác sống sót, nhưng một khi họ đến nơi, tất cả những gì họ tìm thấy là những cánh cửa đóng kín.

Đức Cha Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva nói: "Trên thế giới, cộng đồng quốc tế phải nhận lãnh một số trách nhiệm. Liên Hiệp Quốc đang cố gắng hình thành một số cơ chế để tạo cơ hội di dân một cách an bình, không nguy hiểm đến tính mạng".

Đó là lý do tại sao Tòa Thánh Vatican đã tổ chức một hội nghị để suy tư về vấn đề này. Trong ba ngày hơn 300 tham dự viên từ 93 quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc chăm sóc thể chất và tinh thần cho người di dân.

Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám mục giáo phận Brooklyn, Hoa Kỳ cho biết: "Chủ đề của hội nghị là gia đình và di dân để xem xét cách thức chúng ta có thể giúp đỡ cho các gia đình di dân, nhất là để họ hội nhập vào các quốc gia tiếp nhận”.

Đức Cha Patrick Christopher Pinder, Giám mục giáo phận Nassau, Bahamas thì cho hay: "Chúng tôi bàn đến những lợi ích, những thành quả hỗ tương của sự di dân đối với những người rời đất nước của mình và đất nước mà họ đến cư ngụ "

Trong hội nghị, các tham dự viên cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thay đổi quan điểm của các chính phủ.

Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám mục của Brooklyn (Hoa Kỳ) nói về điều này: "Trước tiên họ là con người, chúng ta không thể quên rằng họ là con người. Họ không phải là những người xâm nhập, họ không phải là những người xâm lược, họ là những người mưu tìm một cuộc sống tốt hơn".

Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi nói thêm: "Nếu chúng ta nghĩ đến việc một đứa trẻ mới lên bảy tuổi đã phải một người di dân, lang thang một mình trong nước, hoặc là đến một quốc gia khác, chúng ta có thể thấy rằng đó là một thực tại nhức nhối của hầu hết các gia đình trên thế giới".

Đức Tổng Giám Mục Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva dự định sẽ phát biểu tại cuộc họp kế tiếp của Hội đồng Liên Hiệp Quốc về di dân. Ngài sẽ đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động dứt khoát hơn và giúp đỡ những người di dân.
 
Đức Thánh Cha nói ngày nay Chúa Giêsu vẫn đang khóc
Đặng Tự Do
20:59 22/11/2014
Hôm nay, Chúa Giêsu đang khóc khi cánh cửa trái tim của chúng ta, của các vị mục tử trong Giáo Hội, đóng lại trước mặt Ngài không nhận ra Đấng mang lại hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét như trên trong thánh lễ buổi sáng thứ Năm 20 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Nhận xét về bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô nói Chúa Giêsu khóc vì Giêrusalem, vì dân thành này đã không nhận ra Đấng mang lại hòa bình. Chúa khóc vì dân tộc mà Chúa đã chọn đã "đóng cửa con tim" mình. Họ không có thời gian để mở cửa. Họ đã quá bận rộn, quá tự mãn. Và ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục gõ cửa như đã từng gõ cửa trái tim của Giêrusalem. Ngài gõ cửa tâm hồn anh chị em; tâm hồn chúng ta, tâm hồn của Giáo Hội. Người dân thành Giêrusalem quá hài lòng với lối sống của họ và không cần đến Chúa: họ không nhận ra rằng họ cần sự cứu rỗi. Đây là lý do tại sao họ đã đóng cửa trái tim lòng mình với Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa đã khóc vì thành Giêrusalem, như Ngài đang khóc vì Giáo Hội của Ngài, vì chúng ta ngày nay "

"Tại sao thành Giêrusalem không chào đón Chúa. Bởi vì dân thành ấy hài lòng với những gì họ có, và không muốn có bất kỳ rắc rối nào. Nhưng, như Chúa nói trong Phúc Âm – ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm’. Thành này đã lo sợ được Chúa viếng thăm, và sợ cả những ân sủng nhưng không của Ngài. Dân thành này cảm thấy an toàn trong mớ kiến thức mà nó có thể hiểu được, chúng ta cảm thấy an toàn vì những điều chúng ta thủ đắc được ... nhưng cuộc thăm viếng của Chúa, và những ngạc nhiên mà Ngài mang đến là những điều chúng ta không muốn tiếp nhận"

Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: "Giêrusalem sợ điều này: đó là sợ được cứu rỗi bởi những bất ngờ của Chúa. Người ta sợ Chúa, là vị hôn phu của mình, là người yêu dấu của mình. Và vì thế Chúa khóc. Khi Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài, Ngài mang lại niềm vui, Ngài dẫn chúng ta đến sự hoán cải. Tất cả chúng ta đều sợ hạnh phúc là niềm vui mà Chúa mang đến, bởi vì chúng ta không thể kiểm soát nó. Chúng ta lo sợ sự hoán cải có nghĩa là để cho Chúa dẫn dắt chúng ta theo thánh ý Ngài chứ không phải theo ý muốn của chúng ta.

"Giêrusalem, hài lòng, hạnh phúc vì đền thờ hoạt động mạnh. Các tư tế thực hiện những lễ toàn thiêu, người hành hương tấp nập, các thầy thông luật đã sắp xếp tất cả mọi thứ, đâu vào đó ... Và tất cả những điều răn đã là quá rõ ràng! Tất cả những điều này đã đóng cửa con tim Giêrusalem". Thập tự giá, là "giá của từ chối" - cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa Giêsu và những gì khiến Chúa "thường khóc ngày hôm nay cho Giáo Hội Ngài".

"Tôi tự hỏi: Hôm nay, chúng ta là những người Kitô hữu hiểu biết về đức tin, về Giáo Lý, là những người đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật, phải chăng những Kitô hữu chúng ta, những mục tử của chúng ta đã quá hài lòng với chính mình, với sự sắp xếp tất cả mọi thứ đâu vào đó và chúng ta không cần một chuyến viếng thăm mới của Chúa? Trong khi Chúa tiếp tục gõ cửa mỗi người chúng ta, các mục tử trong Giáo Hội của Ngài. Cánh cửa con tim chúng ta, Giáo Hội chúng ta, các mục tử của chúng ta không chịu mở ra. Và Chúa khóc, thậm chí cả ngày hôm nay ".

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người kiểm điểm lương tâm của mình, "chúng ta hãy suy nghĩ về bản thân, như thể ngay lúc này đây chúng ta đang đứng trước mặt Thiên Chúa".
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong Trào Giáo Hội
LM. Trần Đức Anh OP
10:40 22/11/2014
VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các phong trào và cộng đoàn mới của Giáo Hội hãy duy trì vẻ tươi mát của đoàn sủng, tôn trọng tự do của con người và luôn tìm kiếm sự hiệp thông.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ của ĐTC trong buổi tiếp sáng thứ bẩy 22-11-2014 dành cho 360 tham dự viên Hội nghị thế giới kỳ 3 các Phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mới nhóm tại Roma từ ngày 20 đến 22-11-2014 về chủ đề ”Niềm vui Phúc Âm: một nhiều vui truyền giáo”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân triệu tập với sự tham dự của các đại biểu của các Phong trào và Cộng đoàn mới trên thế giới, vẫn luôn đối thoại với Hội đồnt Tòa Thánh.

ĐTC mời gọi các Phong trào và cộng đoàn này hãy duy trì vẻ tươi mát của đoàn sủng, luôn canh tân ”mối tình đầu” (Xc Kh 2,4). Thực vậy, với thời gian càng ngày người ta càng bị cám dỗ tự mãn, trở nên cứng nhắc trong các khuôn khổ tuy an ninh nhưng không còn sinh hoa kết trái nữa. ĐTC nói: ”Tuy sự định chế hóa đoàn sủng, một cách nào đó, là cần thiết cho sự sống còn của đoàn sủng, nhưng không được nuôi ảo tưởng theo đó các cơ cấu bên ngoài có thể bảo đảm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Sự mới mẻ trong các kinh nghiệm của anh chị em không hệ tại các phương pháp và hình thức, dù chúng là quan trọng, nhưng hệ tại sự sẵn sàng đáp ứng tiếng gọi của Chúa với một niềm hăng say được đổi mới”.

Điểm thứ hai ĐTC nhắn nhủ, đó là các phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mới hãy chống lại cám dỗ muốn thay thế tự do của con người, điều khiển những tự do ấy mà không đợi chúng thực sự trưởng thành. Một sự tiến bộ luân lý hoặc tinh thần đạt được bằng cách dựa trên sự thiếu trưởng thành của con người, chỉ là một thành công bề ngoài và nó sẽ bị chìm đi. Trái lại nền giáo dục Kitô đòi một sự tháp tùng kiên nhẫn, biết chờ đợi thời điểm của mỗi người, như Chúa đang làm với mỗi người chúng ta; kiên nhẫn là con đường duy nhất để thực sự yêu mến và dẫn đưa con người đến một quan hệ chân thành với Chúa”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các Phong trào Giáo Hội và Cộng đoàn mơi đừng quên một thiện ích quí giá nhất, dấu ấn của Chúa Thánh Linh, đó là tình hiệp thông. Đây là ơn thánh tột đỉnh Chúa Giêsu đã chinh phục cho chúng ta trên thập giá. ĐTC nói: ”Để thế gian tin rằng Đức Giêsu là Chúa, thì họ cần thấy tình hiệp thông giữa các Kitô hữu. Nếu họ thấy những chia rẽ, cạnh tranh và nói hành nói xấu nhau nơi các tín hữu, vì bất kỳ lý do nào đi nữa, thì làm sao có thể loan báo Tin Mừng được? Anh chị em hãy nhớ một nguyên tắc khác: ”Hiệp nhất trổi vượt trên xung đột” (Evang. gaudium, 226-230), vì người anh em giá trị hơn nhiều so với những lập trường và địa vị bản thân của chúng ta; Chúa Kitô đã đổ máu vì người anh em ấy (Xc 1 Pr 1,18-19).

ĐTC cảnh giác rằng: ”Tình hiệp thông đích thực không thể hiện hữu trong một phong trào hay trong một cộng đoàn mới, nếu nó không được hội nhập trong tình hiệp thông lớn hơn đó là Giáo Hội Phẩm Trật Mẹ của chúng ta.. Đặc biệt các Phong trào và cộng đoàn được kêu gọi cộng tác để góp phần chữa lành những vết thương do một não trạng phổ biến trên hoàn cầu đặt sự tiêu thụ ở trung tâm gây ra, mà quên Thiên Chúa và các giá trị thiết yếu của cuộc sống” (SD 22-11-2014)
 
Đức Thánh Cha cổ võ giúp đỡ những người bị bệnh tự kỷ
LM. Trần Đức Anh OP
10:55 22/11/2014
VATICAN. Sáng 22-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về bệnh tự kỷ (autisme), và ngài khuyến khích mọi nỗ lực của cá nhân, các tổ chức và chính quyền gia tăng các phương thức giúp đã các bệnh nhân tự kỷ và gia đình họ.

Đây là Hội nghị quốc tế lần thứ 29 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican, từ ngày 20 đến 22-11-2014, và có chủ đề là ”Người bị bệnh tự kỷ: linh hoạt hy vọng”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng ”Cần có sự dấn thân của tất cả mọi người để cổ võ sự tiếp đón, gặp gỡ, liên đới, qua một hoạt động cụ thể nhắm nâng đỡ và tái cổ võ niềm hy vọng, góp phần phá vỡ sự cô lập, và cả sự kỳ thị đio với những người bị bệnh tự kỷ”.

”Trong việc trợ giúp những người bị bệnh này, điều đáng mong ước là kiến tạo trên lãnh thổ liên hệ một mạng trợ giúp và các dịch vụ đầy đủ và dễ dàng, với sự can dự của cha mẹ, ông bà, bạn hữu, các nhân viên trị liệu, các nhà giáo dục và nhân viên mục vụ. Các nhân vật ấy có thể giúp đỡ các gia đình vượt thắng cảm tưởng về sự không thích hợp, thiếu hiệu năng và bất mãn”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Tôi khuyến khích nỗ lực của các học giả và clac nhà nghiên cứu, nhắm sớm khám phá được những phươgn thức trị liệu và các thể thức nâng đỡ, chữa trị, và nhất là phòng ngừa bệnh tự kỷ. Tất cả những điều đó cần thực hiện trong sự quan tâm đến các quyền của bệnh nhân, các nhu cầu và tiềm năng của họ, luôn bảo tồn phẩm giá của họ”.

Đức TGM Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, cho biết Hội nghị này nhắm đáp ứng một cách tốt đẹp hơn những thách đố do bệnh tự kỷ đề ra cho việc mục vụ sức khỏe, cũng như cho khoa học, y khoa, các gia đình, các cơ cấu giáo dục và từ thiện, và nói chung là cho xã hội và các chính quyền (SD 22-11-2014)
 
Bốn người Pakitan bị tử hình vì ném đá một phụ nữ đến chết. Pakistan giữ nguyên luật “giết người vì danh dự gia đình”
Đặng Tự Do
11:39 22/11/2014
Hôm thứ Tư 19 tháng 11, tòa án tối cao tại Lahore đã tuyên án tử hình 4 người tham gia vào vụ ném đá một phụ nữ Pakitan cho đến chết. Các Giám Mục Pakistan quan ngại rằng những án tử hình này chỉ gây thêm đau khổ cho gia đình nạn nhân và chính quyền Pakistan chỉ muốn xoa dịu quần chúng chứ tuyệt nhiên không có ý sửa đổi luật Hồi Giáo “giết người vì danh dự” là nguyên nhân dẫn đến cái chết bi thảm của nạn nhân và nhiều phụ nữ khác.

Tưởng cũng nên nhắc lại là sáng ngày 27 tháng 5, cô Farzana Parveen, 25 tuổi, đã bị gần 20 thành viên trong gia đình ném đá đến chết vì tội đã dám kết hôn với người đàn ông mà cô yêu thương, trái với sự dàn xếp của gia đình mình.

Làn sóng phẫn nộ trong xã hội dâng cao vì cảnh sát đã thản nhiên đứng nhìn biến cố bi đát này diễn ra ngay trước tiền đình của tòa án tối cao Lahore.

Ông Mohammad Azeem là cha của nạn nhân đã ra trình diện cảnh sát và yêu cầu được miễn truy tố dựa theo luật Hồi Giáo “giết người vì danh dự”. Luật Umdat al- Salik chương 1, triệt 1 và triệt 2, quy định “người cha hay người mẹ có quyền giết chết con cái hay cháu chắt mình vì danh dự gia đình”.

Tuy nhiên, cảnh sát nói tham gia trong vụ giết người này không chỉ có ông Mustafa mà còn có những người khác và họ phải bị trừng phạt. Các nhân chứng cho hay ngoài ông Mustafa, các con ông và người bà con đã có hôn ước với cô cũng đã tích cực tham gia vào việc đánh đập và ném đá cô đến chết.

Cô Farzana Parveen đang mang thai 3 tháng đã kết hôn với Mohammad Iqbal, người mà cô yêu thương trong nhiều năm và đã bỏ nhà ra đi chung sống với Iqbal.

Iqbal, 45 tuổi, đã có 5 đứa con với người vợ trước khai là gia đình cô Farzana Parveen đã làm tiền anh ta nhưng anh ta không đưa tiền và đã dắt cô Farzana Parveen bỏ trốn sau khi đã làm giấy hôn thú trước tòa.

Ông Mohammad Azeem đã thưa Iqbal ra tòa vì tội bắt cóc con gái ông. Hôm 27 tháng 5, khi Iqbal và vợ ra tòa để trả lời những cáo buộc của ông Mohammad Azeem thì họ bị tấn công. Iqbal đã chạy thoát và kêu cứu với cảnh sát nhưng không nhận được sự can thiệp kịp thời.

Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, cho biết là trong năm 2013 đã có 869 phụ nữ bị giết vì danh dự gia đình. Tuy nhiên, hình thức ném đá đến chết vẫn là họa hiếm. Thông thường, những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hay có thai trước hôn nhân, hay không theo những hôn ước đã được dàn xếp bị xem là làm mất mặt gia đình và bị buộc uống thuốc độc chết.

Tổ chức Jihad Watch nói người Hồi Giáo phải chịu trách nhiệm đến 91 phần trăm các vụ giết người vì danh dự trên toàn thế giới .

Sau cái chết của Farzana Parveen hàng chục cuộc biểu tình đã nổ ra đòi thay đổi luật “giết người vì danh dự” của Pakistan. Như các quốc gia Hồi Giáo xây dựng luật theo luật Sharia, Pakistan không trừng phạt những kẻ giết người vì danh dự.

Trước sự bất mãn dâng cao của dân chúng, các nhà cầm quyền Pakistan đã tuyên án tử hình 4 người gồm ông Mohammad Azeem cùng với hai anh trai của nạn nhân, và người được gia đình cô hứa gả là những người đã tích cực ném đá cô cho đến chết.

Một người bà con của cô Farzana Parveen cũng bị kết án 10 năm tù giam.

Người đau khổ nhất trong vụ này là mẹ cô Farzana Parveen là người vừa chịu tang con vào tháng 5 lại chịu thêm 3 cái tang nữa.
 
Âm mưu mới của Hội Công Giáo Yêu Nước Trung quốc
Đặng Tự Do
17:08 22/11/2014
Chính phủ Trung Quốc nói đã đề xuất một thỏa thuận hợp tác với Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo.

Chế độ Bắc Kinh đã nhiều lần gây ra những căng thẳng với Tòa Thánh về việc bổ nhiệm giám mục. Tòa Thánh luôn nhấn mạnh rằng tất cả các giám mục phải được bổ nhiệm với chuẩn y của Tòa Thánh, và đã công bố vạ tuyệt thông cho các giám mục quốc doanh Trung Quốc được tấn phong trái phép.

Trung Quốc, mặt khác, tuyên bố rằng Hội Công Giáo Yêu nước được đảng cộng sản hậu thuẫn phải có quyền bổ nhiệm giám mục.

Trong bức thư năm 2007 về Giáo Hội tại Trung Quốc, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khẳng định rằng Giáo Hội hoàn vũ không thể chấp nhận một tổ chức chính trị được thành lập để khống chế Giáo Hội như Hội Công Giáo Yêu nước Trung quốc và nhiều lần kêu gọi Trung quốc giải tán hội này.

Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung quốc nói rằng các quan chức Trung Quốc hy vọng có thể vượt qua những bế tắc trong các cuộc đàm phán với Vatican. Một mặt, Trung Quốc sẽ không chấp nhận yêu cầu của Tòa Thánh là giải tán Hội Công Giáo Yêu nước, nhưng đồng ý thay đổi vai trò của tổ chức này. Mặt khác, Trung Quốc lại muốn mọi bổ nhiệm Giám Mục của Tòa Thánh phải được sự chấp thuận của Hội Công Giáo Yêu nước.

Tân Hoa Xã nói chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ nhận được hồi đáp của Vatican đối với đề nghị này vào đầu năm 2015.

Hiện nay, Bắc Kinh không công nhận các giám mục Công Giáo "hầm trú" là Giáo Hội trung thành với Tòa Thánh, trong khi Vatican không công nhận các giám mục được Hội Công Giáo Yêu nước đơn phương chỉ định. Trong thực tế hầu hết các giám mục Trung Quốc, kể cả những người đã được chỉ định bởi Hội Công Giáo Yêu nước, đã âm thầm tìm kiếm sự chuẩn y của Tòa Thánh và nhiều người nhận được sự chấp thuận của Vatican.

Các quan sát viên cho rằng nếu Tòa Thánh phải bàn bạc với Hội Công Giáo Yêu nước trong việc bổ nhiệm Giám Mục thì tổ chức này thực sự khống chế mọi hoạt động của Giáo Hội tại Trung Hoa.
 
Hoán cải là một ân sủng
Đặng Tự Do
21:52 22/11/2014
Trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta phải suy nghĩ rất nghiêm túc về đời sống Kitô hữu của chúng ta. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về sự băng hoại, về thói giả hình và ngài kêu gọi chúng ta hoán cải. Chúng ta cần nhận thức rằng hoán cải là một ân sủng, "Đó là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong Thánh lễ sáng thứ Ba 18 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài đã trình bày những suy tư của ngài dựa trên các bài đọc trong ngày trích từ Chương 3 sách Khải Huyền và Tin Mừng theo Thánh Luca mô tả lúc Chúa Giêsu gặp gỡ người thu thuế Giakêu.

Trong bài đọc thứ nhất, Chúa đòi hỏi các Kitô hữu ở Laodicea phải hoán cải bởi vì họ đã trở thành "thờ ơ". Họ sống trong một "sự thoải mái về tinh thần". Họ nghĩ:. "Tôi làm những gì có thể, nhưng tôi cảm thấy an bình và không muốn bị quấy rầy với những điều lạ" Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo những người "vui sống, những người nghĩ rằng không có gì đáng chê trách: tôi đi lễ Chúa Nhật, tôi cầu nguyện một vài lần, tôi cảm thấy tốt lắm, tôi sống trong ân sủng của Thiên Chúa, tôi giàu có" và "tôi không cần bất cứ điều gì, tôi ok lắm. "Điều này là trạng thái tâm lý của tình trạng tội lỗi.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cảm thấy thoải mái về tinh thần là một trạng thái của tội lỗi." Chúa đã đưa ra những lời rất nặng nề cho những ai như thế "Ta muốn nhổ ngươi ra khỏi miệng Ta"

"Cũng có một lời gọi thứ hai" cho "những người sống bằng ngoại hình, cho các Kitô hữu chỉ có ngoại hình." Đó là những người tin rằng họ vẫn còn sống nhưng thực ra họ đã chết. Và Chúa đòi hỏi họ phải thận trọng. "Những tín hữu ngoại hình - Đức Thánh Cha nói - là những Kitô hữu khăn liệm: họ đã chết." Và Chúa "kêu gọi họ hoán cải".

"Có phải tôi cũng chỉ là một trong những Kitô hữu ngoại hình? Tôi còn sống bên trong, tôi có còn một đời sống tâm linh nữa không? Tôi còn nghe Chúa Thánh Thần nói không, tôi có tiến về phía trước không? Nếu tất cả mọi thứ có vẻ tốt, không có gì đáng chê trách bản thân, tôi có một gia đình tốt, mọi người không nói xấu tôi, tôi có tất cả mọi thứ cần, thì hãy coi chừng”.

Lời gọi hoán cải thứ ba dành cho Giakêu "lãnh đạo những người thu thuế, và giàu có. Ông ta tham nhũng, làm việc cho người nước ngoài, cho những người La Mã, và đã phản bội quê hương của mình".

"Ông ấy giống như nhiều nhà lãnh đạo chúng ta đã biết:.... Những người tham nhũng, thay vì phục vụ nhân dân, lại coi người dân như đối tượng để phục vụ bản thân. Có một số người như thế và trên thế giới người ta không thích những hạng người như thế. Tuy ông ta tham nhũng nhưng tâm hồn ông đã không chết. Ông cảm thấy một cái gì đó bên trong và Chúa Thánh Thần đã làm việc bên trong con người ấy. Lời của Thiên Chúa đi vào trái tim ông và hoán cải con người tham nhũng này ngay lập tức. Vì vậy, Giakêu hứa hẹn trả lại bốn lần những gì ông đã đánh cắp của người khác”

Đức Thánh Cha kết luận rằng: trong tuần cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội muốn tất cả chúng ta "suy nghĩ nghiêm túc về sự hoán cải của chúng ta, để chúng ta có thể di chuyển về phía trước trên con đường đời sống Kitô của chúng ta".
 
Đức Phanxicô: Chia rẽ không giúp gì cho việc truyền giảng Tin Mừng
Vũ Văn An
22:25 22/11/2014
Trong buổi gặp gỡ các tham dự viên Hội Nghị Thế Giới các Phong Trào và Tân Cộng Đồng Giáo Hội ngày 22 tháng 11, Đức Phanxicô nói rằng các chia rẽ giữa các Kitô Hữu là trở ngại lớn đối với việc truyền giảng Tin Mừng. Ngài khuyến khích tín hữu vượt quá các ý kiến bản thân và tìm ra giá trị trong những điều người khác đề xuất.

Ngài cho hay: “Để thế giới tin Chúa Giêsu là Chúa, họ cần thấy các Kitô hữu hiệp thông với nhau. Ngược lại, nếu thế giới chỉ thấy chia rẽ, tranh chấp, đánh sau lưng, bất chấp vì lý do gì, làm sao chúng ta truyền giảng Tin Mừng được?”

Trích dẫn Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người rằng “ ‘hợp nhất luôn thắng tranh chấp’ vì các anh chị em của ta luôn có giá trị hơn các thái độ bản thân của ta”.

Hiệp thông là một điều không bao giờ được quên hay làm ngơ trong việc làm của các phong trào và cộng đồng. Theo Đức Phanxicô, hiệp thông chân thực chỉ hiện hữu khi các phong trào và cộng đồng hợp nhất với Giáo Hội Phẩm Trật.

Ngài cho rằng “toàn bộ luôn lớn hơn thành phần, và thành phần chỉ có nghĩa trong tương quan với toàn bộ”. Ngài nói rằng sứ mệnh của các phong trào và cộng đồng là làm việc với nhau để đương đầu với các vấn đề chính của thời đại, như các vấn đề liên quan tới sự sóng, gia đình, hòa bình và đấu tranh chống nghèo đói.

Các tân phong trào và cộng đồng “được mời gọi phối hợp các cố gắng của họ để săn sóc những người đang bị não trạng hoàn cầu hóa làm thương tổn; não trạng này đặt tiêu thụ ở tâm điểm, phớt lờ Thiên Chúa và các giá trị vốn chủ yếu đối với sự sống”.

Ngài cho biết một điểm khác nữa là: các phong trào và cộng đồng phải luôn duy trì sự “tươi mát” của những đặc sủng chuyên biệt họ đã nhận được. Được định nghĩa một cách tổng quát là bất cứ hồng phúc tốt đẹp nào được Thiên Chúa ban cho con người, đặc sủng có thể được đổi mới bằng cách trở về với giờ phút trong đó thành viên các phong trào và cộng đồng cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa lần đầu tiên.

Đức Thánh Cha nhận định rằng “Thời gian càng qua đi, người ta càng bị cám dỗ hơn nữa muốn trở thành yên ổn, muốn trở thành cứng đơ trong những cung cách làm việc cố định, những cung cách tuy có làm ta an lòng đấy, nhưng không vì thế mà không trở thành cằn cỗi”.

Tuy việc định chế hóa các đặc sủng là điều cần thiết để chúng tiếp tục sinh tồn, nhưng Đức Thánh Cha cảnh cáo các người tham dự Hội Nghị đừng “tự lừa dối mình” khi nghĩ rằng một mình các cơ cấu bên ngoài đã đủ để bảo đảm việc Chúa Thánh Thần hiện diện và hành động.

Việc duy trì một ý hướng luôn đổi mới trong cuộc sống bản thân cũng như trong cuộc sống cộng đồng không phát xuất từ một số phương pháp hay công thức nào đó, mà đúng hơn, phát xuất từ “ý chí sẵn sàng đáp ứng một cách phấn khởi mới mẻ đới với lời mời gọi của Chúa”.

Chỉ với sự phấn khởi trên, các phong trào và cộng đồng mới lớn mạnh, vì một khi trở thành mục tiêu tự tại, các hình thức và các phương pháp sẽ trở thành một ý thức hệ xa rời thực tại và khép kín đối với Chúa Thánh Thần.

Theo Đức Phanxicô, “các hình thức và phương pháp cứng ngắc trên cuối cùng sẽ làm khô cứng chính các đặc sủng vốn đem lại sự sống cho chúng". Ngài khuyến khích các tham dự viên luôn luôn trở về với lực đẩy đứng phía sau đặc sủng của họ, đó là điều cần nếu họ muốn giải quyết các thách thức hiện đại.

Điểm cuối cùng được Đức Thánh Cha đem ra ánh sáng là các phong trào và cộng đồng phải tập chú cả vào việc chào đón lẫn việc đồng hành với con người thời nay, nhất là người trẻ.

Ngài nói: “Chúng ta là thành phần của một nhân loại bị thương tổn trong đó, mọi định chế giáo dục, nhất là định chế quan trọng nhất, tức gia đình, đang trải nghiệm nhiều khó khăn nghiêm trọng hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới”.

Cho nên, Đức Thánh Cha nói tiếp, trong diễn trình truyền giảng Tin Mừng, điều quan trọng là hướng dẫn và đồng hành với con người trong một diễn trình lớn lên và trưởng thành chân chính, mà không pha mình vào tự do bản thân của cá nhân.

Lời ngài: “Tiến bộ luân lý và tâm linh, một tiến bộ đang thao túng sự bất trưởng thành của cá nhân, chỉ là một thành công bề ngoài, và là một thành công nhất định sẽ thất bại". Theo ngài, đức tin đòi cách đáp trả ngược lại, tức kiên nhẫn đồng hành, biết chờ thời cơ thuận tiện đối với từng cá nhân.

Ngài bảo: kiên nhẫn “là lối yêu thương duy nhất chân thực và sẽ dẫn người khác tới mối tương quan thành thực với Chúa”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn của ngài bằng cách tóm lược các điểm chính và khuyến khích mỗi tham dự viên không ngừng duy trì sự tươi mát của đặc sủng họ, tôn trọng tự do của mỗi cá nhân, và luôn cố gắng hiệp thông.

“Tuy nhiên, đừng quên rằng muốn đạt tới điều đó thì hồi tâm phải có tính truyền giáo: sức mạnh lướt thắng cám dỗ và bất cập phát xuất từ niềm vui công bố Tin Mừng, vốn là nền tảng của mọi đặc sủng”.

Nói với những người đang mất kiên nhẫn

Bài nói chuyện trên được Đức Phanxicô nói với các thành viên tham dự Hội Nghị Thế Giới Các Phong Trào và Tân Cộng Đồng Giáo Hội, nhưng thực ra, ngài đang nói với tất cả những ai đang mất kiên nhẫn trong Giáo Hội hiện nay.

Số người này càng ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại, nhất là sau THĐ giám mục về gia đình vừa qua, vì bao gồm thật nhiều các vị đáng kính. Thực vậy, khi nghe những người như ký giả bảo thủ Douthat của tờ New York Times qui kết cho Đức Phanxicô “tội danh” đem Giáo Hội tới bờ vực thẳm, chỉ vì đã cho phép cuộc thảo luận có thể đụng tới tín điều hôn nhân bất khả tiêu, ta chưa lấy gì làm lo. Nhưng khi những vị đáng kính như Đức HY George, cựu TGM Chicago, người được John Allen Jr gọi là đại biểu sáng chói của trí thức Công Giáo Mỹ, cũng đứng vào hàng ngũ những người mất kiên nhẫn này, ta thấy sự lo ngại tăng lên gấp bội.

Trong cuộc phỏng vấn của John Allen Jr, một ngày trước khi chính thức về hưu, nhường chỗ cho vị thừa nhiệm, Đức HY George cho hay ngài muốn được gặp Đức Phanxicô để “hỏi cho ra lẽ” liệu Đức Giáo Hoàng có hoàn toàn hiểu được điều này: cung cách phát biểu của ngài “khiến nhiều người thắc mắc không biết ngài còn duy trì tín lý nữa hay không”. Đức HY khẳng định rằng ngài vẫn kính trọng Đức Phanxicô, “nhưng chưa có sự hiểu biết về việc 'Ngài đang làm gì ở đây vậy?' ”

Người ta tin rằng, tâm tư của vị Hồng Y nổi tiếng và có thể đang trên hành trình về nhà cha này khiến Đức Giáo Hoàng phải phá bỏ im lặng và mặc nhiên đáp lễ. Và nhân dịp này, nhắn nhủ mọi người về nghĩa hiệp thông, người khác luôn có giá trị lớn hơn mình, thành phần nhỏ hơn toàn bộ, thành phần chỉ có nghĩa trong tương quan với toàn bộ.
 
Top Stories
Migration congress calls for just policies, better conditions for migrants
Vatican Radio
10:55 22/11/2014
(Vatican 2014-11-22 ) The Pontifical Council for the Pastoral Care of Migrants and Itinerant People issued a message on Friday at the end of their Seventh World Congress for the Pastoral Care of Migrants, held at the Vatican, from 17 to 21 November.

The final message says congress participants “encourage all actors, including civil society and governments, to work towards more comprehensive and just immigration policies, fully implementing international conventions to guarantee job opportunities and better living conditions, to prevent exploitation and/or trafficking of migrant workers.” Read the complete message below:

The 7th World Congress for the Pastoral Care of Migrants, organized by the Pontifical Council for the Pastoral Care of Migrants and Itinerant People, was held at the Pontifical Urbaniana University, Vatican City, from Monday, November 17th to Friday, November 21st, 2014. The proceedings focused on the phenomenon of migration and migrants, in the light of the theme: “Cooperation and Development in the Pastoral Care of Migrations”.

Gathering together nearly 300 participants, which include delegates from Bishops' Conferences, commissions and Church structures and partners from over 90 countries, the objective of the Congress was to reflect upon the current migration situation that so strongly marks modern-day society, and to seek and propose a renewed Catholic pastoral approach to the phenomenon within the Church at international, regional and local levels.

The pastoral care of the Catholic Church, expressed in specific programs and plans of action, takes into consideration the particular situation of economic migrants, who live between the realities of uprooting and that of integration. Pastoral programs concern the spiritual search of the sense of life, experiences of welcome, sharing and reconciliation, the proclamation of the Gospel, the Liturgy, the celebration of the Sacraments. At the same time, the pastoral solicitude also cares towards basic needs of migrant workers such as legal assistance in the regularization process of their status, the defense and the promotion of their dignity, decent jobs and housing. Christian communities continue to be spaces of hope and action, advocating on behalf of migrants (particularly children, unaccompanied minors, women and persons with disabilities), that raise awareness, protect and extend the necessary assistance, whatever their status.

Presentations, discussions and sharing of experiences helped to address the issue of the migrants’ family with all positive aspects that contribute to strengthen and promote fruitful human relationships, which are the basis and the core of all societies. Emphasis has been given on family separation, caused by the lack of adequate migration policies, which is especially challenging in countries with a large diaspora.

Furthermore, the feminization of migration is a new characteristic. Migrant women are no longer moving within processes of family reunification mainly, but also as bread-winners. Migration, therefore, can be an instrument of empowerment for women but also a threat when criminal nets take advantage of their vulnerability and force them into smuggling, trafficking, and even prostitution and labor exploitation.

Similarly, young migrants carry a great potential in building bridges of cooperation between societies towards development. The pastoral care of young migrants concentrates on their religious and integral formation, assisting them to be active bridges between cultures, both for the benefit of society and Christian communities.

Migration continues to be a sign of modern times, deeply marked by growing fear and lack of hospitality. In this regard, the centrality of the human person and the respect for his/her dignity are of even greater importance, preceding any religious, ethnic, social or cultural differences.

The participants of the Meeting encourage all actors, including civil society and governments, to work towards more comprehensive and just immigration policies, fully implementing international conventions to guarantee job opportunities and better living conditions, to prevent exploitation and/or trafficking of migrant workers.

The participants appeal to the responsibility of the whole international Community to contribute to the common good and to the universality of human rights, underlining the need for a positive change in attitude towards migrants.

Finally, the Pontifical Council for the Pastoral Care of Migrants and Itinerant People and the participants recommend collaborative action amongst all Church structures in the countries of origin, transit and destination to implement the considerations and conclusions of the Congress, which will be published.
 
Pope: all Christians called to be missionaries, 'not just the few'
Vatican Radio
10:56 22/11/2014
(Vatican 2014-11-22 ) All Christians and “not just the few” are called to intensify their missionary spirit and go out to proclaim the joy of the Gospel, said Pope Francis.He issued the call on Saturday in speaking at the Vatican to a group of more than 700 participants in Italy’s National Missionary Congress, which was organized by the Italian Episcopal Conference and the Missio Foundation.

“Every generation is called to be missionary,” he said. Reflecting on the theme of the congress, based on God’s call of the prophet Jonah to go to Nineveh and to call the people to conversion, the Pope said the Church is called to be outbound and to bring the Gospel to all nations, “without distinction.”

He urged Christians “to go out and not to remain indifferent to extreme poverty, war, violence in our cities, the abandonment of the elderly, the anonymity of so many people in need and the distance we keep from the least among us.”

Christians, he said, must “be workers for peace, that peace which the Lord gives us each day and of which the world is very much in need.”

Calling Christians to live in hope, he said: “Missionaries never renounce the dream of peace, even when they live difficulties and persecution, which today has returned to make itself felt strongly.”

Pope Francis said being an outbound Church it “means to overcome the temptation to speak among ourselves, forgetting the many who wait for a word of mercy from us, a word of comfort, of hope.”

He called Christians to go out to the periphery, like Jesus, who lived “far from the centres of power of the Roman Empire…. He met the poor, the sick, the possessed, sinners, prostitutes, gathering around him a small number of disciples and some women who listened to him and served him.”

Jesus’ “word was the beginning of a turning point in history, the beginning of a spiritual and human revolution, the Good News of a Lord, who died and rose for us,” he said.

The mission of bringing the joy of the Gospel to the world “is accomplished by all Christians, not just the few,” the Pope affirmed. “Our Christian vocation asks us to be carriers of this missionary spirit so as to bring about a true ‘missionary conversion’ of the whole Church.”

Below are excerpts from the Pope’s message, translated by Vatican Radio:

Dear brothers and sisters,

… The program for your conference takes inspiration from when the Lord said to the prophet Jonah: “Go to the great city of Nineveh.” Jonah, however, initially runs away. … But then he goes, and in Nineveh, everything changes: God shows his mercy and the city is converted. Mercy changes the story of individuals and even of peoples. … The invitation extended to Jonah is today extended to you. And this is important. Every generation is called to be missionary.

In the Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, I spoke of an outbound Church. A missionary Church cannot but be outbound, unafraid of encountering, of discovering newness, of speaking of the joy of the Gospel. To all, without distinction. The diverse realities that you represent in the Church in Italy indicate that the spirit missio ad gentes must become the mission of the Church in the world: going out, listening to the cry of the poor and of those further afield, encountering all and proclaiming the joy of the Gospel.

I thank you for what you do in your various roles: as part of the offices of the Italian Episcopal Conference, as directors of diocesan offices, consecrated and lay people together. I ask you to commit yourselves with passion to keep this spirit alive. I see with joy many lay people together with bishops and priests. The mission is accomplished by all Christians, not just the few. Our Christian vocation asks us to be carriers of this missionary spirit so as to bring about a true “missionary conversion” of the whole Church, as I hoped for in Evangelii Gaudium.

The Church in Italy has given numerous priests and lay people fidei donum, who chose to spend their lives building the Church in the peripheries of the world, among the poor and the distant. This is a gift for the universal Church and for all peoples. I exhort you not to let yourselves be robbed of the hope and the dream of changing the world with the Gospel, starting with the human and existential peripheries. To go out means to overcome the temptation to speak among ourselves, forgetting the many who wait for a word of mercy from us, a word of comfort, of hope. The Gospel of Jesus is realized in history. Jesus himself was a man in the periphery, from Galilee, far from the centres of power of the Roman Empire and from Jerusalem. He met the poor, the sick, the possessed, sinners, prostitutes, gathering around him a small number of disciples and some women who listened to him and served him. And yet, his word was the beginning of a turning point in history, the beginning of a spiritual and human revolution, the Good News of a Lord, who died and rose for us.

Dear brothers and sisters, I encourage you to intensify the missionary spirit and enthusiasm for the mission and to hold high your commitment—in the dioceses, missionary institutes, communities, movements and associations—the spirit of Evangelii gaudium, without being discouraged by the difficulties, which are never lacking. Sometimes, even in the Church, we get caught by pessimism, which risks depriving many men and women of the proclamation of the Gospel. Let us go forward with hope! The many missionary martyrs of the faith and of charity show us that victory is only in love and in a life spent for the Lord and for neighbour, starting with the poor. The poor are the travel companions of an outbound Church because they are the first that we encounter. The poor are also your evangelizers because they indicate to you the peripheries where the Gospel is yet to be proclaimed and lived. To go out and not to remain indifferent to extreme poverty, war, violence in our cities, the abandonment of the elderly, the anonymity of so many people in need and the distance we keep from the least among us. To go out and to be workers for peace, that “peace” which the Lord gives us each day and of which the world is very much in need. Missionaries never renounce the dream of peace, even when they live difficulties and persecution, which today has returned to make itself felt strongly.

May the Lord make the passion for the mission grow within you and render you wherever witnesses of his love and mercy. And may the Holy Virgin, the Star of the New Evangelization, protect you and render you strong in the task that has been entrusted to you. I ask you to pray for me and I bless you from the heart.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tâm An giáo phận Xuân Lộc mừng 50 năm thành lập
Nt. Maria Nguyễn Thị Minh Du
10:04 22/11/2014
XUÂN LỘC - 50 năm, một chặng đường dài cho một đời người, và là một khoảng thời gian trưởng thành và lớn mạnh cho một giáo xứ.

Giáo xứ Tâm An của tôi mừng Kim Khánh thành lập vào những ngày trung tuần tháng 11. Tôi đi như chạy về giáo xứ để mừng lễ, trên đường về không quên ghé thăm nghĩa trang Chúa Chiên Lành của Gp. Xuân Lộc nơi dành cho các cha an nghỉ, tôi viếng mộ phần của cha Giuse Nguyễn Hương Mạch như mọi lần, người đã dẫn dân từ Phước Thành về thành lập giáo xứ năm 1964. Lúc ấy Bố Mẹ tôi còn chưa gặp nhau nữa, nên tôi chẳng có ý niệm gì về cái ngày khẩn hoang giáo xứ.

Xem Hình

Sau này lớn một tí, thấy ông bà, gia đình và các ông trùm vẫn đi thăm Cha Mạch thường xuyên và sau này tôi có thời gian lui tới thăm đều đặn khi Ngài ở nhà hưu dưỡng Bắc Ninh Thủ Đức. Tôi mới biết giáo dân Tâm An yêu quý cha vì Ngài là người có công lớn trong việc hình thành nên giáo xứ từ vùng đất chưa được khai hoang. Ngài cùng dân phá rừng, ủi đất, tạo dựng giáo xứ như những ô bàn cờ. Ngôi nhà thờ với hai chữ Anpha và Omega cao lừng lững.

Ngày ấy, có khoảng hai ngàn giáo dân, ngôi nhà thờ ấm cúng và hai cái hồ nước hai bên để giáo dân rửa chân lấm bùn đất trước khi bước vào nhà Chúa.

Rồi thay đổi qua mấy đời cha xứ, số giáo dân cũng tăng dần lên, cha GB Phan Năng Hòe cho xây dựng nhà thờ mới đáp ứng đủ chỗ cho mọi người trong nhà thờ.

Năm nay, theo thống kê, số giáo dân đã hơn 9 ngàn và gần 3 ngàn người di dân khắp nơi cư ngụ trong giáo xứ vì nhiều công ty họ mới mở gần đó.

Giáo xứ 50 năm, niềm vui trên từng khuôn mặt khuôn mặt trẻ thơ, vì lần đầu tiên được nhìn thấy mọi người từ già đến trẻ diện đồ đẹp như ngày tết. Ông bà nội ngoại của mình hôm nay áo dài khăn đóng, mẹ, dì, cô, chị mặc áo dài xanh, đỏ, vàng...ai ai cũng đẹp và cũng là lần đầu tiên có 14 kiệu các Thánh của các họ, các giới và hội đoàn trong giáo xứ với hoa tươi rực rỡ. Nhưng rực rỡ nhất có lẽ là những bông hoa biết cười, gương mặt của ai cũng ánh lên nụ cười rạng rỡ.

Những chuẩn bị xa rồi chuẩn bị gần cho ngày trọng đại mừng Kim Khánh. Hồng ân sống một đời người sống ở giáo xứ có người không được tham dự thánh lễ này.

Từng gia đình trong giáo xứ đã làm tuần cửu nhật bằng việc đọc kinh, suy gẫm và cảm nhận về muôn hồng ân Chúa ban trong suốt 50 năm qua, để cùng nhau tri ân tình Chúa và cám ơn công người. Từ tối hôm trước, giờ cung nghinh Thánh Thể chung quanh nhà thờ và sau đó mọi thành phần dân Chúa cùng Chầu Thánh Thể Chúa, để tạ ơn về những ân lộc Chúa gia ân cho giáo xứ, cho từng gia đình và cho từng người.

Ngày hôm sau, thánh lễ với sự hiện diện của Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh và Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đức Ông Vinhsơn Tổng Đại Diện giáo phận Xuân Lộc, cha chánh xứ GB Nguyễn Văn Hưng, cha phó Giuse Nguyễn Chí Hùng cùng quý Cha đã từng giúp xứ tại Tâm An và quý Cha con dân của Tâm An. Đặc biệt cha nguyên chánh xứ GB. Phan Năng Hòe dù đau bệnh cũng ngồi xe lăn hiện diện trong ngày hồng phúc này, Quý tu sĩ Tâm An đang phục vụ ở xa cũng về và tất cả anh chị em giáo dân. Nhà thờ không đủ chỗ chứa. Khuôn viên nhà thờ chật cứng người.

Hình ảnh quý cha tiền nhiệm treo dọc hai hàng cột ngoài hàng hiên nhà thờ, làm gợi nhớ nơi mỗi người tấm lòng tri ân các cha đã góp công góp sức cho giáo xứ. Hình ảnh quý cha, quý dì đã phục vụ giáo xứ về mừng lễ cũng là những ấn tượng đẹp của lòng biết ơn.

Cha chánh xứ GB Nguyễn Văn Hưng mặc dù mới về được hơn một năm, đã dày công vun đắp cho Tâm An ngày càng phát triển không chỉ khang trang của khuôn viên nhà thờ, không phải nghĩa trang đẹp như một công viên, nhưng cảm ơn Cha đã giúp cho Tâm An vững mạnh hơn trong tình đoàn kết và nhất là lòng yêu mến Thiên Chúa hơn.

Tạ ơn Chúa vì một khởi đầu tốt đẹp cho chúng con được an cư lạc nghiệp tại Tâm An, để từ 2 ngàn giáo dân sau 50 năm chúng con có được hơn 9 ngàn giáo dân trong đó có 20 linh mục, 11 chủng sinh nam và 61 nữ tu chưa kể các em đệ tử.

Công lao không nhỏ của tất cả mọi người trong giáo xứ đã góp sức mình cho việc phát triển giáo xứ bằng những hy sinh âm thầm, bằng những lời cầu nguyện nhỏ bé, bằng việc thăm viếng an ủi người đau yếu bệnh tật, bằng việc nuôi dưỡng 151 cụ già neo đơn và anh chị em khuyết tật hàng tháng mỗi người 10 kg gạo, bằng việc chia sẻ bác ái với nhau khi có người nằm xuống, quĩ bác ái giáo xứ và quĩ tương thân tương ái các giới, bằng việc góp lời ca tiếng hát ca tụng Chúa, bằng việc tập luyện không ngừng trong khi tham gia ban kèn, ca đoàn, bằng việc dạy giáo lý cho các em... và bao nhiêu công việc âm thầm khác...tất cả mọi người hiện diện cũng như đi xa và những người đã khuất, đã chung tay góp sức làm nên một Tâm An hôm nay.

Trước đây, tôi hay lấy ngôi nhà thờ có hai chữ Anpha và Omega to nhất nằm trên quốc lộ 1 làm niềm hãnh diện khi nói về giáo xứ của mình. Nhưng hôm nay hình ảnh ấy được thay thế bằng một giáo xứ sống động trong thực hành đức tin của quý ông bà, của quý bác, cô, chú, anh chị và của các em thiếu nhi. Mỗi người là một hình ảnh cho tôi hãnh diện về giáo xứ của mình vì những hy sinh của họ.

Tạ ơn Chúa với hành trình 50 năm chúng con đã đi qua với biết bao hồng phúc của Thiên Chúa qua tay nhiều thế hệ, nhiều người đã đến và đã đi hay ở lại giáo xứ đã để lại mồ hôi, công sức và hy sinh cho Tâm An... và chúng tôi, giáo dân Tâm An, mỗi người là một phần máu thịt của Tâm An, mỗi người mang trong mình một Tâm An, để đi đâu về đâu cũng vẫn nhớ về một Tâm An đong đầy.
 
CĐCGVN Sydney Mừng Kính Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Diệp Hải Dung
21:16 22/11/2014
Tối thứ Bảy 22/11/2014 khoảng 2000 người kể cả những người không Công Giáo đã đến công viên Paul Keating Park Bankstown Sydney mừng kính Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Quan Thầy của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney.

Hình ảnh

Các đoàn thể Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót, Các Bà Mẹ Công Giáo, Legio Mariae, Thiếu Nhi Thánh Thể, quý Cha và đoàn phụng vụ tập trung duới cuối công viên. Sau ba hồi chiêng trống cổ truyền. Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm xông hương kiệu hài cốt Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và đồng thời kiệu cung nghinh tiến lên Lễ đài và quý Cha Tuyên úy dâng nén hương kính nhớ các bậc Tiền Nhân Anh Hùng Tử Đạo.VN

Sau đó Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chào mừng tất cả mọi ngưởi và Cha giới thiệu hiện diện trong Thánh lễ mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay có quý Cha trong Ban Tuyên Úy: Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Nguyễn Hoàng Dương, Cha Mai Đào Hiền, Cha Nguyễn Thái Hoạch ngoài ra còn có quý Cha khách Trần Bạch Hổ, Cha Hoàng Minh Tân, Cha Lâm Quang Thi, Cha Cao Đức Long, Cha Đinh Trọng Nghĩa, Nguyễn Ngọc Thúy, Cha Nguyễn Thái Hòa, Cha Vũ Kim Quyền, Cha Võ Mạnh Nhân cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm nói hôm nay chúng ta quy tụ về đây cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Mẹ Việt Nam long trọng mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và cũng chính là để nhắc nhở đời sống đức tin và hào hùng của các Ngài.. như thầy Đaminh Bùi Văn Úy từng tuyên bố “nếu tôi cả gan bước lên Thánh Giá là tôi xúc phạm đến Thiên Chúa, bất hiếu với mẹ cha, vì song thân đã sinh ra tôi và đã dạy tôi phải trung thành với Niềm Tin cho đến chết..” Bà Lê Thị Thành quằn quại trong đau khổ, nhưng vẫn thốt lên rằng: “nhờ ơn Chúa tôi không thấy đau đớn…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Hà Pi Liến Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ quý Cha, quý Sơ,quý Thầy và mọi người đã đến hiệp dâng Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng của Cộng Đồng, đặc biệt cám ơn Ca đoàn KiTô Vua Giáo Đoàn Lakemba đã hát rất hay và giúp cho Thánh lễ thêm phần long trọng sốt sắng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quốc hội - Quốc nhục!
lykhách
10:18 22/11/2014
Mỗi năm họp đều quyết tâm khắc phục
Nhưng năm sau mọi sự vẫn tồi tệ hơn
Bầy đà điểu vùi mặt vào dối trá tránh đối diện quốc nhục
Chổng mông vào sự thật vì đứa nào cũng kẹt là đảng viên

Hỡi quý ông bà “đảng cử - dân bầu”
Thế chút lòng tự trọng của quý ngài trốn ở đâu?
Quốc nhục trước mặt dân tường - quan vờ không thấu
A-dua theo đảng, chân ưa đạp đầu dân, đầu thích đội đít Tầu!

Lẳng lặng mà nghe chúng nó bầu
Đứa “tín nhiệm vừa” đứa “tín nhiệm thấp” đứa “tín nhiệm cao”…
Bỏ phiếu kín kiểu đánh giá bầy heo lãnh đạo
Đứa “mập thịt vừa” đứa “mập mỡ ít” đứa “mỡ thịt siêu sao”!

Cứ nhìn xem lãnh đạo trâng tráo thế
Ắt biết tương lai một đất nước ra sao
Bác-Đảng sai-ngu rõ ràng mãi vì hèn mà tránh né
Gian dối quen thói rồi từ thấp tới cao!

Có đứa nó bảo lỗi cũng tại phần dân
Dân cứ bầu ẩu nên lẫn lắm đứa đần
Mà đảng cử - bắt dân bầu rặt một phường đảng biểu
Dân chọn lựa gì ngoài một lũ bất nhân?

Mới hôm nào chúng còn gọi nhau là “đầy tớ”
Giờ chúng đẩy nhau lên tới chức…quan liêu
Họp hành vờ ý kiến ý cò… hùa bầy rững mỡ
Rồi đảng “quyết” sao chúng cũng nhất trí…chìu!

Mà thử hỏi đảng là đứa nào?
Gồm chúng nó chia sâu đàn, chuột bầy… hại nước như nhau
Một bầy là Việt gian quyền lợi chằng chịt với thằng Tàu
Một đàn thấy quốc nhục nhưng hèn vì sợ mất địa vị cao!

Mỗi khi bí lối, chúng mang ra “đạo đức Hồ Chí Minh”
Một xác chết được thần tượng hóa thứ đạo đức giả hình
Khi một dân tộc còn lắm đứa mê muội thờ đứa ác như một thần thánh
Ắt biết tại sao cứ mãi vướng vào một chế độ Xã-hội chủ-nghĩa lưu manh?!

Cứ mỗi năm chúng đều hạ quyết tâm khắc phục
Nhưng dối láo quen chúng chẳng còn nhận ra cái gì là quốc vong, quốc nhục
Đất nước, xã hội, con người… ngày càng băng hoại tới tận cùng mức
Đến kẻ xuất gia cũng hóa sân si, huống chi bọn trí thức mua quan bán tước!

Lẳng lặng mà nghe chúng nó bầu
Đứa “tín nhiệm vừa”, đứa “tín nhiệm thấp”, đứa “tín nhiệm cao”!
Rặt một lũ bất tài nhưng dối trá… vô tiền - khoáng hậu
Cầm quyền cứ thế, hỏi đất nước rồi ra sao?
 
Văn Hóa
Chúa Kitô vua tình yêu
Trầm Hương Thơ
09:54 22/11/2014
CHÚA KITÔ VUA TÌNH YÊU (Mt 25-46)


Tình yêu Thiên Chúa cao siêu
Trí phàm sao hiểu được điều "Huyền Linh"
Mắt phàm chỉ thấy cây đinh
Làm sao thấy sự "Hy Sinh" cao vời

Con người sống ở trong đời
Tranh nhau quyền lợi mọi nơi khắp cùng
Kết bè, kết đảng xưng hùng
Tranh nhau chiếm những của chung cho mình

Làm giầu thất đức bất minh
Đạp dân nghèo xuống cùng đinh cuộc đời
Bao người đói rách tả tơi
Mình ngồi trên cứ ăn chơi xả giàn

Vô tâm một lũ tham tàn
Cùng nhau gây đã muôn vàn tội khiên
Như bầy chó sói vờn chiên
Gây bao khổ cực đảo điên dân tình

Người ngay nếu thấy bất minh
Lòng ngay lên tiếng công bình dựng xây
Lời ngay đụng chạm cả bầy
Quân gian ác sẽ bủa vây trả thù

Gương lành của Chúa Giêsu
Xưa kia cũng bị quây thù bủa vây
Vu oan, giá họa cũng đầy
Ngài là cứu thế là thầy chúng con

Nhưng Ngài còn chịu đánh đòn
Vì yêu Ngài bước cho tròn lời Cha
Xuống đời cứu chuộc chúng ta
Hy sinh tận hiến Ngài là "Tình Yêu"

"Tình Yêu" thánh hiến một chiều
"Tình Yêu" thánh thiện nhân nhiều gấp trăm
"Tình Yêu" chân chính ngàn năm
"Tình Yêu" Thiên Chúa Thánh Tâm "Vua Trời"

"Ki Tô Vua" mãi tuyệt vời
"Ki Tô Vua" đã vào đời với ta
"Ki Tô Vua" Ngài chính là
"Ki Tô Vua" cứu thế ta trong đời.

"Ki Tô Vua" Đấng tuyệt vời!
"Ki Tô Vua" xuống cứu đời vì "YÊU"

Trầm Hương Thơ