Trước thềm bầu cử tổng thống Á Căn Đình vào Chúa nhật 22 tháng 10, 2023 và triển vọng thắng cử của tay ăn nói bạo miệng chống Đức Phanxicô là Javier Milei, trên tạp chí The Pillar, ngày 20 tháng 10 năm 2023, Edgar Beltrán có bài nhận định khá dài về con người ăn nói bạo miệng này, tình hình chính trị phức tạp của Á Căn Đình và thái độ của cử tri Công Giáo của nước này:



Người theo chủ nghĩa tự do Javier Milei đã khiến cả thế giới ngạc nhiên vào mùa hè này, khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quốc gia vào ngày 13 tháng 8, PASO, vốn đóng vai trò là phong vũ biểu cho các cuộc bầu cử tổng thống.

Giờ đây, với cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào Chúa nhật tuần này, Milei - người trước PASO đứng thứ hai hoặc thứ ba trong hầu hết các cuộc thăm dò - là ứng cử viên được yêu thích áp đảo để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ngay cả khi không cần phải tham gia vòng hai.

Nhưng bất chấp sự nổi tiếng của mình, Milei vẫn vướng vào nhiều tranh cãi.

Joaquín Núñez, một nhà báo người Á Căn Đình, nói với The Pillar, “Milei trở nên nổi tiếng với tư cách là một nhà phân tích kinh tế trên truyền hình, đặc biệt là vì phong cách cực kỳ sóng gió và kiểu tóc của anh, hay đúng hơn là việc thiếu kiểu tóc. Anh xúc phạm mọi người, xúc động, la hét và luôn tấn công chủ nghĩa xã hội”.

Milei, có biệt danh là “Bộ tóc giả” vì kiểu tóc lập dị – mà anh nói rằng anh tạo kiểu bằng bàn tay vô hình của Adam Smith – đã được bầu làm đại biểu cho cơ quan lập pháp quốc gia Á Căn Đình vào năm 2021 và ra mắt ứng cử tổng thống trong năm nay.

Milei là cựu thủ môn trẻ của một đội bóng đá địa phương và là ca sĩ trong ban nhạc chuyên chơi nhạc của ban Rolling Stones. Anh cũng là một người Công Giáo - mặc dù thỉnh thoảng anh nói rằng anh đang cân nhắc việc chuyển sang đạo Do Thái.

Anh là một cá tính. Nhiều người ở Á Căn Đình nói anh là một một thể loại biết đi được lan truyền rộng rãi trên mạng (a walking meme).

Và giữa sự tinh ranh thường thái quá, phong cách khoa trương Á Căn Đình và môi trường kinh tế và chính trị ủng hộ anh, anh đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống.

Với cương lĩnh tự do đậm âm hưởng bảo thủ ủng hộ việc giảm thuế, đô la hóa nền kinh tế, giảm dấu chân của chính phủ, phản đối việc phá thai và ý thức hệ phái tính, “Tóc Giả” có thể trở thành tổng thống mới của Á Căn Đình.

Nhưng phong cách gây trầy da tróc vẩy của anh đã đụng đến người Á Căn Đình nổi tiếng nhất hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô - người mà Milei gọi là “kẻ cánh tả ghê tởm”, cùng với nhiều danh hiệu khác.

Điều đó đã khiến các linh mục bùn lầy nước đọng (villero) của Buenos Aires – những người chăm sóc mục vụ cho những khu vực dễ bị tổn thương nhất của thành phố – cử hành Thánh lễ đền tạ vì những cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng của anh ta.

Milei cũng có thể gây nguy hiểm cho khả thể Đức Phanxicô trở lại Á Căn Đình vào năm tới.

Nhưng điều phức tạp hơn nữa là Milei nhận được sự ủng hộ của nhiều người Công Giáo, ngay cả trong các khu ổ chuột - theo truyền thống thiên tả và theo chủ nghĩa Peron - và có nhiều người Công Giáo trong số các bộ trưởng và ứng cử viên vào Quốc hội của anh.

‘Một kẻ duy tả bẩn thỉu’

Ngay cả trước khi thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, Milei đã có rất nhiều điều để nói về Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vào năm 2017, khi đề cập đến giáo hoàng, Milei nói rằng công bằng xã hội là “chuyện cứt đái” và Đức Phanxicô là một “kẻ ngu ngốc”, một “duy tả bẩn thỉu” và một “người cộng sản không thể diễn tả được”, người “thúc đẩy các ý tưởng đố kỵ, hận thù, oán giận, đối xử bất bình đẳng trước pháp luật, trộm cắp và diệt chủng.”

Trong một cuộc phỏng vấn cùng năm đó, Milei nói rằng Đức Phanxicô “là đại diện của ma quỷ trên Trái đất”. Vào năm 2020, anh nói rằng Đức Giáo Hoàng là một “kẻ ngu ngốc”. Vào năm 2021, anh nói rằng Đức Giáo Hoàng “luôn đứng về phía cái ác” và “mô hình của [ông ấy] là nghèo đói”.

Santiago Santurio, giáo sư về học thuyết xã hội Công Giáo tại Đại học Phương Nam, đồng thời là ứng cử viên cho cơ quan lập pháp của tỉnh Buenos Aires với liên minh của Milei, La Libertad Avanza (thăng tiến Tự do) cho biết: “Những video này có từ khi Javier chưa tham gia chính trị”.

Santurio cho biết ông tin rằng sự chú ý tới các nhận xét của Milei là vấn đề của chủ nghĩa cơ hội chính trị.

“Điều đáng chú ý là họ nêu nó ra vào giữa chiến dịch, sau 4 năm.”

Nhưng Santurio cho biết ông thấy một cơ hội trong các bình luận của Milei.

Ông nói với The Pillar, “Chúng ta phải bảo vệ và minh oan cho khuôn mạo vị giáo hoàng, ngài là giáo hoàng của tất cả người Công Giáo và chúng ta phải tận dụng những cơ hội này để làm rõ và giải thích vị giáo hoàng là ai đối với người Công Giáo, tại sao ngài quan trọng và tại sao người Công Giáo lại có giáo hoàng”.

Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson, Milei nói rằng Đức Giáo Hoàng “có thiện cảm với những kẻ cộng sản sát nhân”. Đầu tuần này, tại một sự kiện tranh cử, Alberto Benegas Lynch, một trong những cố vấn chính của Milei, đã đề nghị Á Căn Đình đình chỉ quan hệ ngoại giao với Vatican “chừng nào tinh thần toàn trị còn ngự trị trong người đứng đầu Vatican”.

Hàng nghìn người theo dõi Milei đã đáp lại bằng những tràng pháo tay, hô vang “tự do, tự do” mặc dù chỉ một ngày sau, Milei tỏ ra xa rời ý tưởng đó và nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đề nghị như vậy sẽ là “vô trách nhiệm”.

Nhưng bất chấp những lời hoa mỹ từ phe Milei, Santurio nói với The Pillar rằng ông không tin Milei là người chống Công Giáo đến như vậy.

Santurio nói, “Chỉ vì Javier có một số lời chỉ trích cá nhân đối với Đức Giáo Hoàng – điều mà tôi không chia sẻ – không có nghĩa là anh ấy có điều gì chống lại giáo hoàng hoặc Giáo hội. Thực ra Javier là người rất ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II, Javier không có gì chống lại Giáo hội, và đã đề cử những người Công Giáo thực hành vào một số vị trí trong nội các của ông”.

Sự nổi tiếng của Milei

Sau nhiều năm độc tài, Á Căn Đình quay trở lại chế độ dân chủ vào năm 1983. Kể từ đó, hầu hết các chính phủ của nước này đều theo chủ nghĩa Peron, một hệ tư tưởng tổng hợp do nhà lãnh đạo quân sự Juan Domingo Perón tạo ra trong thời kỳ hậu chiến, như một đường lối dân tộc chủ nghĩa thứ ba, có xu hướng hướng tới chủ nghĩa kinh tế nhà nước.

Kể từ năm 2003, bối cảnh chính trị đã bị thống trị bởi Chủ nghĩa Kirchner, một nhánh của Chủ nghĩa Peron do Néstor Kirchner, tổng thống từ năm 2003 đến 2007, và vợ ông, Cristina Kirchner, tổng thống từ năm 2007 đến năm 2015, và hiện là phó tổng thống đất nước, phát động.

Chủ nghĩa Kirchner kết hợp Chủ nghĩa Peron với hình thức chủ nghĩa xã hội ban đầu được thúc đẩy bởi Hugo Chávez ở Venezuela.

Nhưng Á Căn Đình đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế, và nhiều người trong nước đổ lỗi cho chủ nghĩa Kirchner là nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng vọt: Lạm phát hơn 100% trong những năm gần đây, tiền tệ mất giá, 45% người dân nghèo và 6 trên 10 trẻ em ở Á Căn Đình đang sống trong cảnh đói ăn.

Kết quả là một sự chuyển hướng chống lại phe chính trị cánh tả, dưới hình thức Javier Milei, một người tự nhận mình là người theo chủ nghĩa tư bản vô chính phủ.

“Tôi thấy hai yếu tố cơ bản,” Núñez nói với The Pillar.

“Tình hình kinh tế và người dân đã chán ngấy tầng lớp chính trị Á Căn Đình.”

Milei đã chuyển những nỗi thất vọng đó thành sự ủng hộ rộng rãi trong các cộng đồng nghèo trên khắp đất nước, Núñez nói, ngay cả những cộng đồng có truyền thống gắn liền với Chủ nghĩa Peron.

Ông nói, “Nền kinh tế ở Á Căn Đình là một nỗi ô nhục lịch sử. Á Căn Đình có tất cả các nguồn tài nguyên mà bạn muốn, tất cả khí hậu [nông nghiệp] mà bạn mong muốn, nó có dầu, có khí đốt, có công nghiệp, đặc biệt là kinh doanh nông nghiệp. Nó có mọi thứ để trở thành một cường quốc [kinh tế]. Từ khi nền dân chủ trở lại cho đến nay, tất cả các chính phủ đều có lạm phát cao, thậm chí siêu lạm phát và nợ của chúng ta ngày càng tăng, ngoại trừ chính phủ Menem vào những năm 90”.

Ông nói thêm: “Mãi lực của người dân đang đụng đáy, đất nước là công xưởng của người nghèo”.

Các linh mục bùn lầy nước đọng

Bất chấp sự nổi tiếng của anh và sự ủng hộ của nhiều người Công Giáo, phản ứng trước những lời chỉ trích của Milei đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ngay lập tức.

Các linh mục bùn lầy nước đọng của Buenos Aires, nhiều người trong số họ được Đức Phanxicô tấn phong trong thời gian ngài làm Tổng Giám mục Buenos Aires, đã tổ chức Thánh lễ ngày 5 tháng 9 để đền tạ những cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng, do Giám Mục Phụ Tá của Buenos Aires, Giám mục Gustavo Carrara chủ trì.

Các linh mục đến tham dự Thánh lễ từ các khu ổ chuột trải khắp Buenos Aires - những khu dân cư tạm bợ có rất ít hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nơi nạn buôn bán ma túy và nghèo đói đang lan tràn.

Từ những năm 1960, các linh mục đã chuyển đến những khu ổ chuột này để chăm sóc mục vụ cho những người sống ở đó. Những linh mục đó sống trong những ngôi nhà nhỏ, thành lập giáo xứ từ đầu và cung cấp nhiều dịch vụ xã hội. Trong nhiều trường hợp, họ trở thành người vận động cho cộng đồng của mình.

Với tư cách là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y lúc bấy giờ là Jorge Mario Bergoglio, đã thành lập Tòa Đại diện các Khu Khẩn cấp, và được biết đến là người thường xuyên đến thăm các khu này của Buenos Aires.

Trong một tài liệu được đọc vào cuối Thánh lễ tháng 9, các linh mục bùn lầy nước đọng cho biết họ phản đối những lời xúc phạm “đụng đến con người của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, từ những cuộc tấn công thô tục không phù hợp với những người đang tìm cách đại diện cho đất nước chúng ta cho đến những lời nói dối về ý tưởng của Đức Giáo Hoàng, và gọi ngài là người cộng sản."

Cha Pedro Baya, một linh mục bùn lầy nước đọng đến từ Buenos Aires, nói với The Pillar: “Chúng tôi có động lực [để đưa ra tuyên bố] bởi vì một ứng cử viên tổng thống đã đưa ra những tuyên bố mang tính miệt thị, gần như là xúc phạm đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Ngài nói thêm, “Đối với chúng tôi, dường như chúng tôi phải nói điều gì đó khác biệt. Có rất nhiều người trong chúng ta yêu mến ngài, kính trọng ngài và sống cố gắng trung thành với lời dạy của ngài. Vì vậy, việc biểu lộ sự khinh thường đối với khuôn mạo của Đức Giáo Hoàng cũng là thể hiện sự khinh thường đối với những người trong chúng tôi yêu mến và quý trọng ngài”.

Cha Baya nói, “Trong một xã hội đa nguyên, có những người thực hiện quyền công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng, thì chúng tôi cũng thực hiện quyền nói rằng chúng tôi không thích điều đó và chúng tôi không ủng hộ ông ta”.

Đối mặt với áp lực từ các linh mục, cùng với những người khác, trong cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 9, Milei đã đưa ra lời xin lỗi về những nhận xét đó, nhằm mục đích lôi kéo họ quay trở lại.

Anh nói, “Tôi không có vấn đề gì khi lặp lại rằng tôi xin lỗi”.

Anh nói thêm, “Nếu [Đức Phanxicô] muốn đến [Á Căn Đình], ngài sẽ được tôn trọng không chỉ với tư cách là nguyên thủ quốc gia mà còn với tư cách là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo”.

Người Công Giáo và Milei

Mặc dù trải qua một quá trình thế tục hóa rõ rệt, Á Căn Đình vẫn là một quốc gia Công Giáo, đặc biệt là bên ngoài thành phố Buenos Aires.

Núñez nói với The Pillar: “Nếu bạn rời khỏi thành phố, sẽ có một cảm giác Kitô giáo rất rõ ràng, mặc dù đất nước đang thế tục hóa”.

Hơn nữa, thật đáng ngạc nhiên, Milei đã nhận được sự ủng hộ của các khối chính trị lớn nhất đất nước - những người Công Giáo và những người theo chủ nghĩa Peron thuộc tầng lớp lao động. Theo một số cuộc thăm dò, Milei sẽ nhận được 21% sự ủng hộ của những người dưới 25 tuổi ở khu ổ chuột ở Buenos Aires, chỉ ít hơn Sergio Massa, ứng cử viên theo chủ nghĩa Peron 4%.

Núñez nói: “Có lẽ một số cố vấn sẽ yêu cầu anh tiết chế quan điểm của mình một chút do các vấn đề về chiến lược bầu cử, để không làm mất đi sự ủng hộ này”.

Mặc dù được đồng nhất hóa với Công Giáo trong nhiều năm, Chủ nghĩa Peron đã mất đi sự ủng hộ của Công Giáo ở Á Căn Đình, giữa việc ủng hộ các chính sách tiến bộ như hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và phá thai cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế sâu xa mà nhiều người coi là lỗi của chủ nghĩa Peron.

Trong bối cảnh đó, ý kiến của người Công Giáo Á Căn Đình cũng bị chia rẽ và phân cực như phần còn lại của đất nước.

Và một số người Công Giáo theo truyền thống có thể được coi là “bảo thủ” phản đối Milei.

Đó là một tình huống phức tạp.

Lupe Batallán, một trong những nhà hoạt động ủng hộ sự sống nổi tiếng nhất của Á Căn Đình và là một người trở lại Công Giáo, cho biết: “Ngày nay, việc nói chống lại Milei được coi là kỳ lạ nếu bạn thuộc phe cánh hữu, mặc dù có rất nhiều người chống lại anh”.

“Chúng ta đang ở một đất nước cực kỳ phân cực và Milei đưa ra một mức độ đấu quyền Anh quá cao khi anh lên tiếng. Có thể rất vui khi anh là người phát ngôn hoặc diễn giả được mời tranh luận, nhưng anh không còn như vậy nữa, anh là một chính trị gia, một ứng cử viên tổng thống.”

Ông nói thêm, “Ở Á Căn Đình có rất nhiều sự chia rẽ, tôi không nghĩ rằng trong bối cảnh này Á Căn Đình cần nhiều hơn thế, bởi vì một tổng thống không chỉ là tổng thống của những người đã bỏ phiếu cho ông ta - một tổng thống còn là tổng thống của những người không bỏ phiếu.” cho ông ta, vì vậy nếu bạn thêm một tổng thống bắt đầu bằng cách nói rằng những người bên cánh tả là 'những tên khốn nạn cánh tả' và rằng giáo hoàng là 'sứ giả của ma quỷ', khi ở Á Căn Đình, cứ 10 người thì có 7 người theo Công Giáo, nó làm sâu sắc thêm sự chia rẽ, điều mà các ứng cử viên khác cũng làm”.

Nhiều người chỉ ra rằng lời chỉ trích của Milei về công bằng xã hội không những không đề cập đến các phiên bản tiến bộ của khái niệm này, mà thậm chí cả đến khái niệm công bằng xã hội được Giáo hội bảo vệ nữa.

Batallán nhận định: “Anh cho mình là người chỉ trích công bằng xã hội và khi anh ta nói, bạn nhận ra rằng anh ta không biết công bằng xã hội là gì đối với Giáo Hội Công Giáo”.

Santurio nói rằng khi Milei chỉ trích “công bằng xã hội”, anh muốn nói đến một điều gì đó khác với những gì Giáo hội dạy.

Santurio nói, “Khi Javier nói về công bằng xã hội, anh rất phê phán, nhưng ý tưởng về công bằng xã hội ở Á Căn Đình gắn liền với Chủ nghĩa Peron. Anh thực sự không nói về học thuyết xã hội của Giáo hội, anh nói về mô hình thất bại này đã được áp đặt trong 20 năm qua ở Á Căn Đình, mô hình này chỉ tạo ra nhiều người nghèo hơn, nhiều bất bình đẳng hơn và trình độ học vấn tồi tệ hơn”.

Ông nói thêm. “Trong toàn khu vực, ở Bolivia, ở Peru, ở tất cả các quốc gia này, tỷ lệ mù chữ đã giảm, giáo dục được cải thiện. Ở Á Căn Đình, đảng cai trị bạn với biểu ngữ ‘công bằng xã hội’ đã làm gia tăng tỷ lệ mù chữ và nền giáo dục ngày càng tồi tệ. Vì vậy, về mặt luận lý học, nếu bạn nói với tôi rằng qua kiểu nói ‘công bằng xã hội’, chúng tôi hiểu những gì Chủ nghĩa Peron hiểu, thì tôi nói với bạn rằng công bằng xã hội là sai”.

Nhưng Cha Baya nói rằng theo quan điểm của ngài, quan điểm của Milei thực sự phản đối một số yếu tố chính của học thuyết xã hội Công Giáo.

Vị linh mục nói, “Công bằng xã hội không mang tính xã hội chủ nghĩa, nó tuân theo luận lý học của Tin Mừng và bắt nguồn từ lời nói và việc thực hành của Chúa Giêsu. Chỉ cần đọc Mátthêu 25 hoặc Các Mối Phúc Thật là đủ để nhận ra nguồn gốc của điều mà học thuyết xã hội của Giáo hội sau này gọi là ‘công bằng xã hội’”.

Batallán nói thêm, “Milei tấn công nhà nước như một khái niệm, và khi làm như vậy, anh ta tấn công ý tưởng về lợi ích chung bởi vì chúng tôi với tư cách là những người Công Giáo… nhìn thấy nguyên tắc bổ trợ, chúng tôi cũng thấy nơi nhà nước nh cầu hỗ trợ những người hàng xóm của mình”.

“Giáo hội không phản đối sự hiện hữu của nhà nước, trái lại, nó tôn vinh nhà nước và nó có phạm vi hoạt động trong trần thế”.

Vẫn còn một số người ủng hộ anh nhìn thấy ở Milei một số mối liên hệ rõ ràng với giáo huấn xã hội Công Giáo.

Santiago Santurio nói với The Pillar, “Đối với tôi, nguyên tắc bổ trợ của học thuyết xã hội của Giáo hội hoàn toàn bị đảo ngược ở Á Căn Đình: sức nặng thuộc về nhà nước, trong đó công chúng thực hiện trước, và điều đó để lại một không gian nhỏ bé cho [sáng kiến] riêng tư”.

Ông nói thêm, “Ở Á Căn Đình, nguyên tắc đích đến phổ quát của hàng hóa đã bị lạm dụng để tăng cường các kế hoạch xã hội. Nhưng bạn có thể thấy rằng ở Á Căn Đình, kể từ khi phúc lợi xã hội bắt đầu vào năm 2001, khi các kế hoạch xã hội tăng lên, tình trạng nghèo đói cũng gia tăng”.

Santurio lập luận: “Các kế hoạch xã hội không giải quyết được tình trạng nghèo đói”.

“Chúng tôi tin rằng để giảm nghèo thì phải có nhiều tự do hơn để làm việc, buôn bán, để người ta có sáng kiến kinh doanh và Nhà nước không hoạch định cuộc sống của đất nước và người dân.”

Santurio nói: “Điều tương tự cũng xảy ra với khái niệm về lợi ích chung, có quá nhiều sự thiếu hiểu biết và thao túng ý nghĩa của nó”.

Ông nói thêm, “Nhiều người trong số những người tuyên bố nhãn hiệu 'lợi ích chung' là những người theo chủ nghĩa duy tập thể và hiểu lợi ích chung là lợi ích tập thể, điều này không y hệt như vậy, chúng không đồng nghĩa. Lợi ích chung không chỉ là đảm bảo khả năng tiếp cận y tế và giáo dục mà còn là quyền tự do, điều hiếm khi được coi là lợi ích chung”.

Ông nói, “Công ích không phải là nhà nước làm hết mà còn có nguyên tắc liên đới. Ở Á Căn Đình, chúng tôi gặp một vấn đề nghiêm trọng với vấn đề này: chúng tôi nhìn thấy một người nghèo trên đường phố và chúng tôi nghĩ rằng đó là lỗi của nhà nước vì chúng tôi hiểu rằng công ích có nghĩa là một loại 'có tính tập thể' và nghĩ rằng nhà nước phải chịu trách nhiệm để giải quyết các vấn đề".

Ông nói thêm, “Nhưng học thuyết xã hội [của Giáo hội] không dạy điều đó. Nó nói rằng nếu có một người nghèo trên đường phố thì đó là trách nhiệm của mọi người - doanh nhân, bạn những người đi qua đường và cả nhà nước,”.

Santurio lập luận rằng theo quan điểm của ông, chính quyền Milei sẽ tốt cho người nghèo ở Á Căn Đình.

Santurio hỏi, “Ai đang ưu tiên lựa chọn người nghèo? Người muốn lặp lại công thức đã khiến họ nghèo suốt 20 năm hay người muốn làm những điều khác biệt?".

Santurio cũng tập trung vào việc Milei phản đối việc phá thai.

Ông nói thêm, “Mặt khác, nền tảng của học thuyết xã hội của Giáo hội là phẩm giá con người. Quyền đầu tiên phải được tôn trọng là quyền sống, kể từ khi Javier tham gia chính trường, ông đã phản đối việc phá thai, trong khi các ứng cử viên khác lại ủng hộ việc phá thai hoặc không giải quyết vấn đề này”.

Nhưng một số nhà phê bình Công Giáo đặt câu hỏi về cam kết ủng hộ sự sống của Milei.

Batallán nói: “Milei không ủng hộ sự sống, anh ta chống phá thai: nhưng ủng hộ việc an tử miễn là nhà nước không trả tiền cho nó, anh ta ủng hộ việc hợp pháp hóa ma túy”.

Tuy nhiên, Santurio nói rằng Milei không phải là chính trị gia duy nhất ở Á Căn Đình có quan điểm có vấn đề.

Santurio nói, “Javier nói rằng anh ta sẽ không đi vào đời tư của mọi người, nhưng đừng quên rằng các không gian chính trị khác đã thúc đẩy việc hợp pháp hóa ma túy, hôn nhân đồng tính và phá thai”.

Santurio cũng nói rằng ông tin rằng Milei đã bị xuyên tạc về một số vấn đề.

“Anh ấy đã lên tiếng và nói rằng anh sẽ không đề xuất hợp pháp hóa ma túy, đây không phải là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của anh ta. Chúng ta phải thảo luận về các đề xuất, chứ không phải những gì đã nói hoặc chưa nói trong quá khứ”.

Cuộc bỏ phiếu của người Công Giáo

Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc bầu cử, có những người Công Giáo ở Á Căn Đình cho rằng việc bỏ phiếu cho những người theo chủ nghĩa Peroni là sai lầm vì phá thai, và những người khác cho rằng việc bỏ phiếu cho Milei là sai lầm vì quan điểm của ông về công bằng xã hội.

Nhưng một số người Công Giáo nói với The Pillar rằng cuộc bầu cử là một sự lựa chọn phức tạp về mặt đạo đức.

Batallán nói với The Pillar, “Nhiều người đang bỏ lá phiếu chiến lược cho Milei. Họ không đồng ý với anh ấy về nhiều điều, nhưng anh ấy là người mà họ ít gặp vấn đề nhất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải xem liệu chính sách của anh ta có thực sự phản ảnh điều đó hay không”.

Cha Baya nói với The Pillar, “Đó là điều mà mọi người Công Giáo trong thâm tâm sẽ phải xem xét lại. Giáo Hội không ép buộc ai phải bỏ phiếu cho ai hoặc không bỏ phiếu cho ai. Những gì Giáo hội làm là trình bày rõ ràng các giá trị mà chúng ta bảo vệ và các nguyên tắc mà chúng ta tin là cần thiết cho một thế giới công bằng hơn, từ đức tin của chúng ta”.

Ngài nói thêm, “Giáo hội không thể chính thức cấm hoặc phong thánh cho một ứng cử viên. Cuộc bỏ phiếu là tự do và bí mật ở Á Căn Đình, đó là những gì luật pháp quy định”.

Santurio nói thêm, “Bỏ phiếu là một vấn đề thận trọng. Mỗi người trong lương tâm đều thấy mình phải đi đâu. Bây giờ, điều tôi có thể nói là tôi thấy có nhiều mối liên hệ giữa [Milei] và học thuyết xã hội của Giáo hội”.

Batallán nói với The Pillar: “Mọi người đều bỏ phiếu theo lương tâm mách bảo, nhưng đôi khi tình hình kinh tế cấp bách khiến chúng tôi tin rằng giải pháp sẽ được tìm thấy với một ứng cử viên 'cách mạng' nào đó.

Ông nói thêm, “Nhưng ở Á Căn Đình ngày nay, tôi nghĩ sẽ là một cuộc cách mạng nếu đặt con người trở lại trung tâm của phương trình. Sẽ mang tính cách mạng hơn nếu đặt phẩm giá con người, công ích, tôn trọng sự sống và gia đình vào trung tâm của phương trình”.