Tờ CruxNow vừa cho đăng bài nhận định của Eduardo Campos Lima về việc thăng tiến của Javier Milei, người vừa đạt được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ ngày 13 tháng 8 vừa qua tại Á Căn Đình.



Người Công Giáo ở Á Căn Đình có vẻ hơi giật mình và cũng bị chia rẽ bởi thành công đáng ngạc nhiên gần đây của một chính trị gia đam mê, người đã gọi người con bản địa nổi tiếng nhất của đất nước, tức Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là “người cộng sản”, một người “đần” và thậm chí là một “đứa con duy tả của gái điếm”

Chính trị gia đó, Javier Milei, là người chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 13 tháng 8 của đất nước, đứng ở vị trí đầu tiên với 30 phần trăm phiếu bầu, dẫn trước cả liên minh cánh hữu và cánh tả lớn, mặc dù thiếu cơ cấu đảng phái mạnh.

Kết cục Milei đã dẫn trước Patricia Bullrich, người mà liên minh cánh hữu chỉ nhận được 28% số phiếu bầu và Sergio Massa, Bộ trưởng Kinh tế hiện tại trong liên minh phò Peron trung tả của Á Căn Đình, người nhận được 27% phiếu ủng hộ.

Milei, một thành viên của Hạ viện Á Căn Đình, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính sách chính trị của ông đã được mô tả theo nhiều cách khác nhau như là người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến, thậm chí, để sử dụng thuật ngữ của riêng ông, một “nhà tư bản vô chính phủ,” và ông có một lịch sử xung đột với Giáo Hội Công Giáo của đất nước.

Sau khi làm giáo sư kinh tế và cố vấn cho nhiều công ty và cơ quan chức năng, Milei bắt đầu viết báo và tham gia các chương trình truyền hình cách đây một thập niên. Cách tranh luận sôi nổi về các chủ đề xã hội và chính trị của ông đã khiến ông gây được tiếng vang, đưa ông vào quốc hội năm 2021.

Hầu hết các cuộc tấn công của ông trong những năm qua đều nhằm vào những người cánh tả trong chính phủ, đặc biệt là cựu Tổng thống (và Phó Tổng thống hiện tại) Cristina Kirchner và Tổng thống Alberto Fernández. Ông từng mô tả Chủ nghĩa Kirchner là “điều tồi tệ nhất trong lịch sử Á Căn Đình.”

Nhưng Milei cũng đã nhắm mục tiêu vào Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người mà ông coi là “người cộng sản”. Milei xác định là một người Công Giáo, nhưng ông nói nhiều lần rằng ông đã đi cùng với một giáo sĩ Do Thái, đang nghiên cứu đạo Do Thái, và việc chuyển sang đạo này là điều không thể tránh khỏi.

Trong một dòng tweet cách đây vài năm, Milei đã gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “đứa con duy tả của gái điếm đang rao giảng chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới” và nói rằng ngài là “đại diện của kẻ ác trong nhà Thiên Chúa”.

Trong một dòng tweet khác vào năm ngoái, Milei đã chỉ trích Đức Phanxicô sau khi vị giáo hoàng này nói rằng công dân nên đóng thuế để bảo vệ phẩm giá của người nghèo. Milei khẳng định rằng giáo hoàng “luôn đứng về phía kẻ ác” và nói với ngài: “Mô hình của ông là sự nghèo đói”.

Một lần trong một chương trình truyền hình, Milei đã chỉ trích khái niệm công bằng xã hội và tấn công Đức Phanxicô vì đã bảo vệ nó, gọi ngài là “người đần ở Rôma”.

Bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ là bắt buộc ở Á Căn Đình, khiến kết quả trở thành một buổi tổng duyệt cho cuộc bầu cử quốc gia được ấn định vào ngày 22 tháng 10. Hầu hết các nhà phân tích coi thành công của Milei là sự phản ảnh sự bất mãn lan rộng trên toàn quốc, với lạm phát hiện ở mức 116% và chi phí sinh hoạt tăng cao và cuộc khủng hoảng khiến cứ 10 người thì có 4 người rơi vào cảnh nghèo đói.

Sự nổi lên của những người theo chủ nghĩa dân túy đã không được Đức Phanxicô chú ý.

Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay với một nhà báo tiến bộ người Á Căn Đình, Đức Phanxicô đã gián tiếp so sánh Milei với Adolf Hitler, nói rằng nhà độc tài gốc Áo ban đầu được giới thiệu là “một chính trị gia mới, người có lời nói hay, người đã quyến rũ người dân”.

“Mọi người đã bỏ phiếu cho Adolf bé nhỏ, và đó là cách chúng ta kết thúc, phải không?” Đức Thánh Cha nói thêm rằng ngài sợ “những vị cứu tinh không có lịch sử.” Ngài cũng tuyên bố rằng ngài lo lắng về sự tiến bộ của phe cực hữu trên khắp thế giới.

Nhìn chung, các nhà quan sát ở Á Căn Đình nói rằng phản ứng của người Công Giáo đối với những lời công kích của Milei đối với Đức Giáo Hoàng phần lớn đã đi theo đường lối chính trị, với những người cấp tiến bày tỏ sự phẫn nộ nhưng những người bảo thủ phần lớn im lặng.

“Nhiều người [Công Giáo Á Căn Đình] vui mừng về việc [Đức Phanxicô] được bầu làm giáo hoàng năm 2013, nhưng không thích những ý tưởng của ngài cũng như các tài liệu ngài công bố và không còn tán thành ngài nữa,” Cha Lorenzo De Vedia, được biết đến với biệt danh “Padre Toto,” cho biết như thế; cha vốn làm việc tại một khu ổ chuột ở Buenos Aires.

De Vedia là một phần của nhóm giáo sĩ được mệnh danh là curas villeros ("linh mục khu ổ chuột") sống và làm việc với người nghèo ở các thành phố lớn của Á Căn Đình, và có mối liên hệ mật thiết với các ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô về công bằng xã hội.

“Có một sự chia rẽ chính trị trong Giáo Hội. Giám mục khuyến khích các hành động giúp đỡ những người túng thiếu nhất trong xã hội, nhưng nhiều lần sự khuyến khích đó không đủ mạnh để trở thành hiện thực", De Vedia nói với Crux.

Mặc dù cơ sở chính trị của Milei không nhất thiết phải ở khu ổ chuột, nhưng De Vedia cho biết vẫn có nhiều người trẻ “cũng kết nối với mạng xã hội, tiếp nhận những nội dung như vậy và bị thu hút bởi loại quan điểm đó”.

Bản thân De Vedia rõ ràng không phải là một người hâm mộ.

Vị linh mục nói: “Thật đáng lo ngại khi ai đó với kiểu suy nghĩ như vậy có thể lên làm tổng thống. Ông ấy tấn công Đức Giáo Hoàng và ý tưởng cho rằng những người nghèo nhất trong xã hội phải được giúp đỡ.”

Nhiều ý tưởng của Milei gây tranh cãi sâu sắc bởi các tiêu chuẩn của Á Căn Đình, chẳng hạn như nới lỏng luật kiểm soát súng, cho phép người dân bán nội tạng và thậm chí cả con cái của họ, gọi việc thay đổi khí hậu là một lời dối trá và mô tả giáo dục giới tính trong các trường công lập như một âm mưu phá hoại gia đình.

Tuy nhiên, Pablo Semán, một chuyên gia về động lực tôn giáo của Á Căn Đình, cho biết những lập trường như vậy và mối thù công khai của ông với Đức Giáo Hoàng, không nhất thiết khiến Milei gặp nguy hiểm.

“Không có ‘lá phiếu tôn giáo’ ở Á Căn Đình,” Semán nói. Ông nói với Crux: “Những người có các giá trị tôn giáo có thể mâu thuẫn với những điều Milei nói, nhưng họ có thể xem nhẹ mâu thuẫn đó và tiếp tục ủng hộ ông”.

Semán nghĩ rằng một số người Công Giáo, đặc biệt là những người có liên hệ với các phong trào quần chúng, có thể tổ chức phản ứng trước triển vọng bầu Milei, nhưng ông nghi ngờ điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự.

Ông nói: “Tôi không cho rằng điều đó là đủ để thay đổi tình hình bầu cử”.

Nhà thần học Francisco Bosch, một nhà hoạt động trong phong trào cộng đồng gốc Mỹ Latinh, tin rằng sự phản kháng rộng rãi của Công Giáo đối với Milei khó có thể xảy ra do một bộ phận dân số Công Giáo thực sự ủng hộ ông.

Bosch cho biết, một phần đó là vì Milei ủng hộ việc xem xét luật phá thai của Á Căn Đình, cho phép phụ nữ phá thai đến tuần thứ 14. Kiểu lập trường đó khiến ông gần gũi hơn với những Kitô hữu bảo thủ nói chung.

Mặt khác, là một người theo chủ nghĩa tự do, Milei cũng ủng hộ hôn nhân đồng tính, hợp pháp hóa ma túy và quyền lựa chọn giới tính của mỗi cá nhân, tất cả đều bị nhiều cử tri tôn giáo ghét bỏ.

Bosch chỉ ra rằng mặc dù việc tham gia là bắt buộc về mặt lý thuyết, nhưng 30 phần trăm dân số đã không có mặt trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 13 tháng 8. Ông nói, nếu nhóm đó xuất hiện vào tháng 10, nó có thể ảnh hưởng đến kết quả, có khả năng tạo ra một cuộc tranh chấp giữa Milei và liên minh phò Peron cánh tả.

Bosch nói với Crux rằng để đạt được điều đó, cần phải có “một mặt trận chống phát xít dựa trên chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo”.