Một vài vấn đề không cần phải dè dặt

1. Thay đổi từ vựng và thay đổi diện mạo quần áo. - Ở đây là vấn đề về những thứ hoàn toàn thứ yếu, tuy nhiên, cũng như tất cả các dấu hiệu bên ngoài, chúng cũng có ảnh hưởng của chúng, chắc chắn như thế, đối với phản xạ tinh thần của con người.



Đối với tên gọi mà người ta đặt cho những người ở mức độ này hay mức độ nọ nắm giữ thẩm quyền thiêng liêng, điều xem ra đáng ước mong là việc đơn giản hóa bắt đầu sau Công đồng được mở rộng càng nhiều càng tốt. Điều tốt đẹp là tất cả những gì dường như đề cao các tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô trên những con người khác đều đã bị loại bỏ, bây giờ người ta gọi là "Ông Hồng Y" [Monsieu le Cardinal] những người cho đến nay vẫn được gọi là "Votre Éminence” [Đức Ngài], và người ta cũng đã bỏ kiểu nói “Excellences” [Đức Cha]. Cách đây không lâu đã có một vị giám mục được xưng hô là "Votre Grandeur" [Đức Cao trọng]. Bây giờ người ta thích đặt cho các ngài tên chung là "Cha" [Père]. Cũng là điều rất tốt nếu loại bỏ được những cách diễn đạt trong đó các từ ngữ thuộc trật tự thánh thiêng được sử dụng theo nghĩa tôn kính đơn thuần nhưng gây xúc phạm lỗ tai người nghe. Tại sao lại nói "Hợp Đoàn Thánh Thiêng" [Sacré Collège] khi người ta có thể nói "Hồng Y đoàn" [le Collège cardinalice], và "Tòa thánh" [le saint Siège] trong khi người ta có thể nói (như Đức Phaolô VI thường nói) "Tông Tòa" [le Siège apostolique]? Tại sao lại gọi Đức Giáo Hoàng là "Đức Thánh Cha" [le Saint-Père] khi người ta có thể gọi ngài chẳng hạn như "Người Cha đáng kính của mọi người" hoặc "Vị Đại diện đáng kính của Chúa Kitô", (đơn thuần phù hợp với thực tế)? (Trong các Giáo hội Đông phương, thuật ngữ được sử dụng còn đi xa hơn nữa, Thượng phụ há chẳng được xưng là "His Beatitude” (Mối Phúc của Ngài) đó sao?)

Đối với y phục bề ngoài, thì vấn đề lại đã tự được nêu ra cách khác, vì ở đây người ta không thể quên sự biến mất của mọi dấu hiệu phân biệt, đến nỗi nay chỉ cần, ít nhất là khi có thể, một cây thánh giá nhỏ được ghim trên áo len hoặc trên áo khoác của người ta, há đây không phải là dấu hiệu của sự hạ thấp văn hóa nghiêm trọng hay sao?

2. Nếu sau câu hỏi trên là vấn đề thờ phượng, đặc biệt là ở các vương cung thánh đường Rôma, tôi hiểu rõ ràng rằng các món hổ lốn từng gây ngạc nhiên thừa hưởng của thời Phục hưng đã bắt đầu rời vĩnh viễn các cuộc rước long trọng và những buổi lễ trọng đại. Đã qua rồi những đuôi áo thật dài của các Hồng Y, cũng như những người hầu nâng chúng lên. (Há chúng đã không gợi ý cho chúng ta, để chúng ta vui mừng trước mắt chúng ta, cả phẩm giá cao qúy nhất thời lẫn hàng dài nối đua nhau những kẻ tìm kiếm ân huệ dai dẳng mà mọi chức sắc đều kéo theo ông ta hay sao?) Cũng đã qua rồi, hoặc sắp qua đi, là những đuôi áo lê thê "được cuộn lại" mà các kinh sĩ của Nhà thờ Thánh Phêrô cầm dưới cánh tay của họ, và những chiếc búp của dây thắt lưng và mũ khế của họ, và các chiếc áo dài lông chồn của họ và những chiếc khóa màu bạc trên đôi giày của họ, và những chiếc áo khoác ngắn màu tím mặc trên áo lễ trắng thêu của họ (mà chính chúng cuối cùng sẽ thực sự có vẻ quá đẹp với những đường viền ren của chúng). Tôi thú nhận tôi từng tiếc nhớ cái vẻ khôi hài hết sức khôn khéo của tất cả những điều này, sự khôi hài mà trong suốt một thời gian dài, nhờ vào sự khoái cảm của đôi mắt, đã có thể, đối với việc phô trương tôn giáo, duy trì được cảm giác tôn trọng cùng với cảm giác vui vẻ nơi những người dân tốt lành của Rôma và nơi những người hành hương đến Thành phố vĩnh cửu.

Ngày nay, chính nghi lễ của khoa học, với thế giới thần tiên khổng lồ gồm các bộ máy của nó và những bộ y phục tráng lệ của các phi hành gia vũ trụ, diễn hành dưới sự đưa đẩy của trò múa rối Guignol. Nhưng ai để ý đến nó? Chúng ta không còn tôn trọng nhiều nữa, và đồng thời thái độ vui đùa cũng như vui vẻ đã rời bỏ chúng ta rồi.

Người ta muốn rằng sự phong phú đầy hình ảnh vui tươi mà tôi ám chỉ được thay thế bằng những diện mạo mới, hiển nhiên đơn giản hơn, nhưng cũng dễ chịu cho người nhìn. Đây là một vấn đề thuộc trí tưởng tượng; và thật đáng tiếc là các vị giáo phẩm ngày nay lại ít thích khoa này, khoa mà các môn đệ của Descartes khinh bỉ một cách ngu ngốc, nhưng triết học và khoa học nhân văn ngày càng nhìn nhận ngày càng tốt hơn giá trị và phẩm giá của nó. Và vẫn có những họa sĩ vĩ đại mà người ta có thể yêu cầu sự trợ giúp. Vẻ đẹp là một trong những thuộc tính của Giáo hội, sự tầm thường là kẻ thù của Giáo hội. Những nhận xét như vậy không chỉ liên quan đến các nghi lễ Rôma; chúng đúng, một cách loại suy, đối với mọi vùng, và đối với nhà thờ làng cũng như các nhà thờ chính tòa.

3. Tôi vừa nói tới những điều có liên quan đến con mắt. Phải nói gì về lỗ tai tội nghiệp, và về những bài thánh ca nghèo nàn xua đuổi khỏi các nhà thờ của chúng ta tinh thần cầu nguyện của chúng ta và khiến ta hoài nhớ các bài bài thánh ca Bình ca? Tôi hiểu rằng những người trẻ đang nhìn theo hướng nhạc jazz, là loại nhạc rất tiếc không liên quan gì đến hồi ức. Nhưng người ta có thể tìm thấy (như Cha André Gouzes) một nguồn cảm hứng quý giá trong kho tàng Byzantine; và có những thánh ca da đen đáng ngưỡng mộ, có thể giúp chúng ta, với sự giúp đỡ của những nhạc sĩ giỏi, trong việc tìm ra những bài thánh ca thực sự thích đáng.

4. Các khổ công của hàng Giám mục. - Chúng ta hãy chuyển sang những câu hỏi ít cần dè dặt hơn nữa. Câu đầu tiên liên quan đến các khổ công mà các điều kiện của thời đại khiến đè nặng lên các giám mục. Những vị này phàn nàn một cách đúng đắn rằng hiển nhiên do sự gia tăng nhân khẩu học, nhưng trước hết sự gia tăng các đại hội, các ủy ban, các báo cáo phải đọc và soạn thảo, và sự gia tăng nhiệm vụ hành chính khổng lồ đang là trách nhiệm của các ngài, một lượng công việc nghiền nát, ngăn cản các ngài dành thời gian cần thiết cho sứ mệnh của các ngài. Há các ngài lại không thể chuyển trách nhiệm của vô số sự việc cho những người được ủy nhiệm và các phụ tá đông hơn những vị mà các ngài hiện có trong quyền sử dụng vào thời điểm hiện tại hay sao?

Việc thành lập các ủy ban giám mục chắc chắn là một tiến bộ cần thiết và là một tiến bộ phù hợp với tinh thần hợp đoàn. Tuy nhiên, người ta có thể tự hỏi đâu là mục đích chính của những ủy ban này: há không phải là các giám mục của một vùng hay của một quốc gia có thể có cơ hội gặp gỡ định kỳ, hiểu rõ hơn về chính bản thân của nhau và trao đổi các quan điểm của nhau sao? Tốt hơn biết bao so với các cuộc họp ít nhiều có tính pháp lý hơn, và nặng nề với một chương trình được khai triển trước, há đó chắc chắn không phải chỉ là những cuộc họp thông tin lẫn nhau, trong đó một người sẽ nói chuyện xung quanh bàn ăn tối hoặc trong khi đi dạo cùng nhau đó sao? Vào cuối tuần, các thư ký có thể tóm tắt trong bản ghi nhớ những gì được cho là đáng chú ý nhất trong các cuộc trò chuyện tự do này. Nhưng ý tưởng về một công việc cần được thực hiện sẽ hoàn toàn bị gạt sang một bên. Há đây chẳng phải là một câu châm ngôn nổi tiếng rằng nếu muốn một công việc được hoàn thành kém, người ta nên giao nó cho một ủy ban để làm đó sao?

Cuối cùng, há không phải là điểm cốt yếu hay sao khi các ủy ban giám mục, theo bất cứ cách quan niệm nào về chúng, vẫn chỉ mang tính chất tham vấn đối với từng giám mục như Thượng hội đồng giám mục đối với Đức Giáo Hoàng, và được nhìn nhận rõ ràng là không có khả năng miễn chước các thành viên của chúng khỏi thực thi quyền quyết định đó sao? Do sự ủy thác thần linh, giám mục là mục tử của giáo phận ngài; theo trách nhiệm của ngài trước Thiên Chúa, một mình ngài phải đưa ra các quyết định liên quan đến các linh hồn được giao phó cho ngài. Nếu, một cách nào đó, không phải trên nguyên tắc, chắc chắn như thế, mà là trên thực tế, ngài trở nên người điều hành một ủy ban, thì há chẳng phải chính sứ mệnh của ngài là người kế vị các tông đồ và mệnh lệnh của Tin Mừng sẽ bị thương tổn đó sao?

5. Trong những tháng mà cuốn sách này đang được viết ra, vấn đề cấp bách mà các giám mục phải đối diện, nếu tôi không lầm, đó là các mối liên hệ của các ngài với các linh mục của các ngài; một vấn đề quan trọng hàng đầu, rõ ràng như thế. Nhưng đây là một vấn đề gia đình chắc chắn sẽ được giải quyết đủ nhanh, bất chấp các vụ đào ngũ nói cho ngay ít đáng tiếc khi chúng chỉ cho thấy việc thiếu ơn gọi thực sự nơi một số giáo sĩ.

Điều nghiêm trọng khủng khiếp là cuộc khủng hoảng đức tin đang tràn lan trong thế giới Kitô giáo, và nhu cầu cần một cuộc canh tân tín lý chân chính, hay nói cách khác là một cuộc đổi mới làm cho kho tàng trí thức của Giáo hội phát triển chứ không phá hủy nó. Ngày nay có quá nhiều nhà thần học chăm chú vào việc ném bỏ nó; phúc thay những nhà thần học khác. Ở đây, chúng ta hãy nhớ rằng các giám mục không chỉ là mục tử, hay đúng hơn chính sứ mệnh này đòi các ngài phải là những tiến sĩ của đức tin. Việc họ vây quanh mình bằng các chuyên gia thần học là điều bình thường, nhưng cũng là điều bình thường khi họ không đặt quá nhiều tin tưởng vào những nhà thần học này. Các chuyên gia là những người cung cấp thông tin hữu ích và cần thiết; họ không có giá trị nhiều trong tư cách cố vấn; họ không đáng giá bất cứ điều gì nếu họ tự nhận mình là tiến sĩ.

6. Chủ nghĩa đa nguyên thần học. - Những từ ngữ này mà ngày nay được người ta sử dụng thường xuyên, làm phát sinh một sự nhầm lẫn kỳ lạ mà điều rất quan trọng là phải làm cho sáng tỏ.



Nếu đó là vấn đề thẩm quyền huấn giáo do mình thực thi, thì Giáo hội vì có trách nhiệm về các vấn đề đức tin, nên chỉ có thể áp đặt lên tâm trí người ta để họ tuân giữ những gì liên quan đến đức tin mà thôi. Nhưng thần học, dù bắt nguồn từ đức tin, tự nó là một vấn đề của lý trí, không phải vấn đề của đức tin; do đó, hiển nhiên là Giáo hội không thể áp đặt bất cứ học thuyết thần học nào. Do đó, một chủ nghĩa đa nguyên trên thực tế là điều không thể tránh khỏi đối với việc Giáo Hội thực thi thẩm quyền giáo huấn của mình.

Mặc dù có thể trở nên rất tồi tệ do lỗi của các nhà thần học, những người mà tiếng ồn ào của thế giới làm kinh ngạc và là những người tuân theo các triết lý thời đại, chủ nghĩa đa nguyên này vẫn có công dụng thích đáng của nó, ít nhất là đến một giới hạn nào đó{17}: vì, trong thực tế, chúng ta không đối diện với các học thuyết đã kết thúc (đặc tính của một học thuyết được thành lập trong chân lý là phải tiến triển không ngừng), cũng như các học thuyết triết học và thần học ở trạng thái thuần khiết; ngay một học thuyết hoàn toàn được thành lập trên chân lý, giống như những học thuyết khác, đều được giảng dạy bởi những con người với những hạn chế thông thường và những điểm yếu thông thường: họ có thể trở nên cố chấp ít nhiều trong việc giảng dậy, không chịu theo đuổi các nhiệm vụ thiết yếu như nghiên cứu, làm ngơ hay bỏ qua những chân lý mà với chúng, sự tiến bộ của thời gian làm phong phú thêm tư tưởng; và mặt khác, chúng ta cũng biết rằng trong những học thuyết có nền tảng tồi tệ nhất luôn có một số khía cạnh của thực tại bị nhìn hoặc bị bóp méo một cách tồi tệ; chúng đòi được nhìn đúng và được đặt đúng chỗ, hoặc một số chân lý bị giam cầm đòi được giải phóng.

Do đó, do chính sự kiện Giáo hội chỉ chịu trách nhiệm về điều thuộc về đức tin, Giáo hội không thể áp đặt vào tâm trí bất cứ học thuyết thần học nào. Tất cả những gì Giáo Hội có thể làm trong vấn đề này là khuyến nghị một học thuyết thần học đã chứng tỏ được khí phách của nó. Và Giáo Hội đã không thất bại trong việc quan tâm đến sự thật của con người (vì Giáo Hội yêu trí hiểu, và cần đến nó). Giáo Hội thậm chí còn đi xa nhất có thể theo hướng này, bằng cách biến Tiến sĩ Chung của mình trở thành một nhà tư tưởng bậc thầy được chọn giữa mọi tiến sĩ.

7. Nhưng từ chủ nghĩa đa nguyên trên thực tế này, liên quan đến điều mà trong việc thực thi thẩm quyền giáo huấn của mình, Giáo hội đã áp đặt lên tâm trí, đến một chủ nghĩa đa nguyên trên nguyên tắc, liên quan đến điều mà trí hiểu đòi hỏi bởi chính đối tượng của nó và cho chính công việc của nó, có một vực thẳm, nơi mà những tâm trí nông nổi vượt qua một cách lanh lợi. Rồi, họ tuyên bố với chúng ta rằng một tính đa nguyên càng lớn càng tốt các học thuyết thần học và các giả thuyết thần học là điều cũng cần thiết đối với trí hiểu Kitô hữu y như tính đa nguyên các món ăn trong một bữa ăn ngon: khẩu vị khác nhau, phải không? Khó mà nói các bộ óc đang được đề cập thực sự nghĩ gì, vì họ suy nghĩ rất ít. Giả như trong họ có một ý nghĩ mạch lạc, thì có vẻ như đối với họ những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người là một điều Vô minh [Inconnaissable] thần linh mà đức tin của người bán than tuân theo để sau này có thể tiến hành công việc kinh doanh của mình một cách khích lệ hơn, nhưng là điều trí hiểu của chúng ta không cân xứng đến độ hoàn toàn không thể đạt tới điều gì về nó hoặc hoàn toàn không nhận được gì về nó ngoại trừ những hình ảnh lừa dối, và với những hình ảnh đó trí hiểu của chúng ta chỉ có thể lo làm thế nào để khiến nó trở thành có thể chấp nhận được với thị hiếu và não trạng của con người, bằng cách thích nghi nó theo các công thức nấu nướng đa dạng mà ở thời điểm này hoặc thời điểm nọ làm hài lòng khẩu vị của họ hơn hết. Nói tóm lại, không có chân lý thần học, - tất nhiên cũng không có chân lý triết học nào, - cũng không có bất cứ chân lý nào cả, bởi vì lịch sử dạy chúng ta rằng chân lý là một huyền thoại được kế thừa từ người Hy Lạp. Do đó, ai đã nói: "Tôi là Đường, Sự thật và Sự sống"? Chủ trương coi thuyết đa nguyên thần học như điều nhất thiết về nguyên tắc, là một tội ác chống lại tâm trí, phạm một cách ngây thơ bởi những người không biết điều họ nói.

8. Giáo dân và công việc trần thế vốn thuộc về họ. - Một trong những thành tựu tuyệt vời của Công đồng là đã đánh thức một cách quyết định lương tâm Kitô hữu về những gì đòi hỏi nơi họ trong trật tự trần thế. Khinh chê thế gian là một lẽ thường tình cũ mà các thánh hiểu được ý nghĩa đích thực, nhưng vì nó, đã từ quá lâu và nơi quá nhiều người, sự cam chịu điều ác không đáng có và sự thờ ơ không đáng có đối với chứng tá mà Kitô hữu phải làm ở đây trên trái đất này đối với công lý và đối với Tin Mừng đã tạo ra những hệ quả tồi tệ nhất.

Chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì từ nay, một sự thiếu sót nghiêm trọng như vậy đã trở nên bất khả, và Giáo hội đã nhắc nhở chúng ta cách rõ ràng phải nhớ các bổn phận của mình. Nhưng sự ngu dại của con người luôn vẫn còn đó; và sự quỳ gối trước thế gian mà nhiều vị giáo phẩm cung cấp cảnh tượng cho chúng ta vào lúc này, không hề tốt hơn những giọt nước bọt trước đây được những người nhiệt thành cùng một nhãn hiệu nhổ lên nó.

Những vị giáo phẩm nào quỳ gối trước thế gian, đều đã ngụy tạo cho nó một thứ tôn giáo được chế biến cho đúng kích thước, và tin rằng chính họ đã tận tụy đối với sự tiến bộ xã hội và cho hạnh phúc của con người ở đây trên trái đất này, thực ra biết thế giới một cách tồi tệ; và niềm lạc quan ra lệnh được họ biểu lộ đối với tương lai của một nền văn minh nhưng trên thực tế, và cho lúc này, đang rơi vào tình trạng suy đồi hoàn toàn, niềm lạc quan ấy thực sự được nuôi dưỡng bằng nhiều ảo tưởng cũng như bằng nhiều ước muốn thánh thiện.

9. Chứng tá Tin Mừng cần được đưa ra và nhiệm vụ truyền cảm hứng Kitô giáo cần được thực hiện trong trật tự trần thế là việc của giáo dân. Và nhiệm vụ này sẽ chỉ được thực hiện tốt nếu bản thân họ là những Kitô hữu chân chính, được soi sáng bởi những hiểu biết nghiêm túc về thần học, triết học và lịch sử, và sở hữu năng lực chính trị và xã hội đã được kiểm nghiệm, chính họ là người, nhóm họp theo sở thích, lãnh lấy sáng kiến và tiến hành nó với các rủi ro và nguy hiểm cho bản thân họ. Việc các linh mục có thể tham gia với họ là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chúng ta đừng tin tưởng vào những tổ chức được tạo ra và được hướng dẫn tới mục đích này bởi các thành viên của hàng giáo sĩ nóng lòng thực hiện việc làm tông đồ mới của họ theo cách này. Khi đoàn ngũ hóa giáo dân và sử dụng các hoạt động của họ vì những mục đích chắc chắn quảng đại nhưng cũng để bù trừ sự thất vọng của các giáo sĩ cuối cùng muốn trở thành những con người của thời đại và các lãnh tụ thời đại của họ, trên tất cả, xem ra họ chỉ tốt trong việc tạo ra một hình thức giáo sĩ trị mới ít được mong muốn như hình thức cũ.

Công việc mà qua đó nền văn minh của chúng ta có cơ hội tự điều chỉnh, và kinh thành trần thế có cơ hội tiến tới những thay đổi triệt để, thuộc một trật tự vừa có tính cơ cấu vừa có tính đạo đức, qua đó nó vượt quá cả chủ nghĩa duy vật tư bản lẫn chủ nghĩa toàn trị cộng sản (càng làm cho trở nên kinh khủng, và tương tự hơn, bởi nền kỹ trị), chính các giáo dân Kitô hữu, trong sự hợp tác với bạn bè của họ thuộc các gia đình thiêng liêng khác, những người một mình có thể cố gắng hoàn thành nó, - nhưng các giáo dân phải đúng nghĩa và hành động theo trách nhiệm của riêng họ.

Chức linh mục được dành cho một công việc khác, cần thiết hơn, và vì công việc này, nó có những lời hứa sẽ không hề thất bại.
________________________________________________________________________________________________________________________________________

{1} Xem Andre Feuillet, "La personnalité de Jesus entrevue à partir de sa soumission au rite de repentance du Précurseur, [Nhân cách Chúa Giêsu nhìn từ việc Người tùng phục nghi thức thống hối của Tiền Hô] " Revue Biblique, LXXVII, 1970.

{2} "Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.

“Họ đề cử hai người : ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cầu nguyện rằng : “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y”. Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ” Công vụ 1: 21-26.

{3} Xem trang 84-86.

{4} Xem Mt. 28:19.

{5} Xem Êphêsô 4: 15-16.

{6} Xem Lc 10: 1-20.

{7} Hay đúng hơn, theo nghĩa phổ quát bao gồm toàn bộ chuỗi thời gian trong đó Giáo hội sẽ tiếp tục phát triển, - kể từ khi hoàn thành quỹ đạo thánh thiêng Cuộc Khổ nạn-Phục sinh-Thăng thiên-Hiện xuống.

Những ân sủng mà loài người nhận được kể từ khi Nhập thể là những ân sủng của Chúa Kitô đã đến có nghĩa là Người đã ở đó, và chúng thông qua nhân tính của Người, qua "một lời nói, một cái nhìn, một cái chạm vào Người" (Journet, Sđd., cuốn III, tr. 576). Nhưng chính kể từ Lễ Ngũ Tuần, họ đã được ân sủng của Chúa Kitô đã đến theo nghĩa là việc Người qua giữa chúng ta đã hoàn toàn kết thúc, và rằng sau khi hoàn thành sứ mệnh cứu chuộc trên Thập giá của Người, và sau khi Người Phục sinh và Lên trời, Người đã sai Thánh Thần xuống trên các Tông đồ để xây dựng Giáo hội của Người.

Chính trong nghĩa thứ hai này mà trong các chương trước, tôi đã sử dụng cách diễn đạt "Chúa Kitô đã đến".

{8} Nói cách khác, bởi một người nào đó, linh mục hay giáo dân, và ngay cả khi người đó không phải là thành viên của Giáo hội, nhưng muốn "làm điều Giáo hội muốn" khi ban Bí tích này. Tuy nhiên, có một phong tục khôn ngoan là rửa tội lại có điều kiện, - si non es baptizatus, [nếu con chưa được rửa tội]- những người đã được rửa tội bởi một người nào đó mà người ta không chắc họ muốn "làm điều Giáo hội muốn".

Để một người trưởng thành tham gia vào sự sống của Thiên Chúa và là chi thể sống động của Una, Sancta, Catholica [Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo], người đó phải lãnh nhận Phép Rửa một cách hợp lệ và hữu hiệu (hoặc được tái sinh một cách hữu hiệu nhờ phép rửa thay thế nó, "Phép Rửa bởi lòng mong ước"). Khi một đứa trẻ nhận Phép Rửa một cách hợp lệ (ngay cả trong một gia đình bất đồng chính kiến về tôn giáo), luôn luôn là Phép Rửa của Giáo Hội Chúa Giêsu, thì ipso facto [lập tức], đứa trẻ được kết hợp sacramentaliter et mentaliter [một cách bí tích và trong tâm trí] trong Una, Sancta, Catholica [, [Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo] trong Giáo Hội mà thánh Phêrô là nhà lãnh đạo ở đây trên trái đất này.

{9} Thư I Phêrô 2:9-10. - Ở đây, Công đồng nói, đây là vấn đề thuộc "giao ước mới và hoàn hảo đã được phê chuẩn trong Chúa Kitô, và về sự mặc khải sáng lạn hơn phải được ban cho qua chính Lời của Thiên Chúa trở thành xác thịt." "Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập giao ước mới này, nghĩa là tân ước, trong máu của Người (xem I Cr 11:25), bằng cách kêu gọi một dân tộc bao gồm người Do Thái và dân ngoại, làm cho họ nên một, không theo xác thịt, nhưng trong Chúa Thánh Thần".

"Di sản của dân tộc này là phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần ngự trong trái tim họ như trong đền thờ của Người. Luật của nó là điều răn yêu thương mới như Chúa Kitô đã yêu chúng ta (xem Ga 13:34). Mục tiêu của nó là vương quốc của Thiên Chúa, đã được chính Thiên Chúa bắt đầu trên trái đất, và sẽ được mở rộng hơn nữa cho đến khi nó được Người hoàn thiện vào cuối thời gian. Rồi, Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, (xem Cl 3: 4), sẽ xuất hiện...

Công đồng nói thêm: “Những người đã chịu phép rửa, nhờ sự tái sinh và sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, được dâng hiến vào một ngôi nhà thiêng liêng và một chức linh mục thánh thiện. Như thế, nhờ mọi việc làm thích đáng của các Kitô hữu, họ có thể dâng những lễ hy sinh thiêng liêng và tuyên xưng sức mạnh của Đấng đã gọi họ ra khỏi bóng tối vào ánh sáng kỳ diệu của Người (xem I Pr. 2: 4-10)" Lumen gentium, Ch. 2, các số 9 và 10.

{10} Lumen gentium, Ch. 2, số 10.

{11} Đã dẫn.

{12} Michel Labourdette, Le sacerdoce et la Mission Ouvrière [Linh mục và Sứ mệnh Thợ thuyền], Paris, éd. Bonne Presse, 1959, tr. 54.

{13} Cv 6:1-6.

{14} Tôi nói về quyền tối thượng của Thánh Phêrô và của những vị kế nhiệm ngài, điều này vẫn không thay đổi. Về phương thức nó được thực thi, ai sẽ ngạc nhiên là nó thay đổi theo các thời đại, và người ta thấy dành cho nó, có nhiều hình thức hoàn toàn khác vào thời của Thánh Phêrô, vào thời của Đức Grêgôriô VII và vào thời điểm hiện tại?

{15} "La Collégialité" [tính hiệp đoàn], Nova et Vetera, tháng 7-9 năm 1969.

{16} Một cuộc phỏng vấn liên quan đến những khó khăn hiện tại của hàng giám mục mà Đức Hồng Y Suenens đã dành cho Henri Fesquet (xem Le Monde, ngày 12 tháng 5 năm 1970), và là cuộc phỏng vấn không thiếu một số điểm mơ hồ, cho phép tôi nói thêm một lần nữa rằng các cơ quan tham vấn thường bị cám dỗ trở thành cơ quan cai quản, hoặc tự coi mình như vậy. Điều quan trọng cần lưu ý về chủ đề này là các giám mục, như tôi đã nói trong bản văn, được tự do quyết định, trong các hội đồng giám mục, điều mà họ mong muốn trên bình diện các giáo hội địa phương, (tôi xin nói thêm rằng các cuộc họp riêng, giữa chính các ngài với nhau - và với các linh mục của các ngài - giúp mỗi người hình thành ý kiến cá nhân về những điểm khiến họ bận tâm, cũng rất thuận lợi); nhưng điều đó, ngay khi là một câu hỏi của Giáo hội hoàn vũ, Đức Giáo Hoàng vẫn luôn được tự do không phải phục tùng, nếu ngài đánh giá rằng điều này hay điều nọ không thích hợp cả đối với một công đồng chung (các từ "kết hợp với nhà lãnh đạo của Giáo hội" ngụ ý rằng ngài có quyền tự do này), lẫn đối với một Thượng hội đồng giám mục, vì lý do cao hơn.

Dù sao, như Henri Fesquet giả thiết, không điều gì đòi hỏi "việc mở rộng khái niệm tính hợp đoàn và việc đào sâu nền thần học của các Giáo hội địa phương". Và chúng ta hãy hy vọng rằng nền thần học mới mà người ta đang suy nghĩ tới không phải là nền thần học mà vì nó một cuộc đối thoại chỉ "tự do" nếu thẩm quyền cao hơn mà người ta đang nói tới không được tự do bác bỏ nó về bất cứ điểm nào; nền thần học nào cho rằng các thượng hội đồng giám mục là các cơ quan cai quản, và các Giáo hội địa phương có quyền thi hành, qua các đại diện của họ, quyền lực tối cao trong Giáo hội với Đức Giáo Hoàng, đến độ vị sau (đây là ý tưởng lớn) chỉ là một primus inter pares [người thứ nhất giữa những người ngang hàng]: tất cả các đề tài, nếu có, không được lén đưa vào công luận, nhưng được minh nhiên đệ trình lên một công đồng chung, chắc chắn sẽ bị lên án.

{17} Huấn quyền có nhiệm vụ chỉ ra cho các tín hữu thấy điều nào trong tín lý này hoặc tín lý nọ tự nó hoàn toàn không phù hợp với đức tin. Khi làm điều này, chắc chắn nó hạn chế, ở một mức độ nào đó, quyền tự do nghiên cứu (mức yếu ớt nếu nó không áp dụng bất cứ biện pháp trừng phạt nào đối với các tác giả), nhưng nó cũng hỗ trợ, và hỗ trợ rất nhiều, sự tự do và tiến bộ của nghiên cứu thần học: vì chỉ cho những người chuyên môn trong một lĩnh vực trí thức nào đó mà đối tượng của họ là làm sáng tỏ các dữ kiện của đức tin để họ thấy một chủ đề nào đó không phù hợp với đức tin là để cho họ thấy rằng sử dụng chủ đề tín lý này trong nghiên cứu của họ sẽ là điều vô lý, - điều này có lợi rất nhiều cho việc nghiên cứu này (điều phi lý chắc chắn là không lành mạnh cho việc nghiên cứu, cho tự do sáng chế và cho sự tiến bộ của nó). Nhận xét này cũng có giá trị, vì những lý do tương tự, đối với triết học Kitô giáo (bao lâu nó chính xác có tính Kitô giáo).