Chương một:Dữ kiện được mạc khải liên quan đến Giáo Hội



Trước hết, điều phù hợp rõ ràng là nhắc lại một số bản văn ngỏ cùng Kitô hữu điều đã được Lời Thiên Chúa mạc khải bằng lời của con người, liên quan đến Giáo hội.

Mt. 28:19-20: "Đức Giêsu [sống lại] đến gần, nói với các ông [nhóm Mười Một] những lời này:

‘Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Các tông đồ được sai đi khắp thế giới, và Chúa Kitô sẽ ở với Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế.

Mt. 16:15-18: "Đức Giêsu lại hỏi: ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Simôn Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’ Đức Giêsu nói với ông : ‘Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi’”.

Quyền tối thượng của Phêrô, và bảo đảm việc Giáo hội của Chúa Kitô bất khả chiến bại trước cái ác.

Ga. 21:15-17: “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’ Ông đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Đức Giêsu nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.’ Người lại hỏi : ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?’ Ông đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Người nói: ‘Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?’ Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: ‘Anh có yêu mến Thầy không?’ Ông đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Đức Giê-su bảo : ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy’”.

Quyền tối thưọng của Phêrô. Chính do tình yêu bác ái mà quyền tối thượng, giống như mọi quyền trong Giáo Hội, được phong ban.

Mt. 12:28: "Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”

Vương quốc Thiên Chúa đã bắt đầu ngay tại đây ở trên Trái Đất, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội {1}. Chúng ta đọc: "Adveniat regnum tuum" để nó trị đến trong thế giới đã hiển dung.

Êphêsô 1: 17 và 1: 22-23: " Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người... Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh {2}; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” {3}.

Êphêsô 4: 15-16: "Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”.

Côlôsê 1:17-18: " Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh”;

Giáo Hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô {4}.

Êphêsô 5, 29-32: " Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là các chi thể trong thân thể của Người, là thịt của thịt Người, là xương của xương Người. Vì lý do này, người đàn ông sẽ rời bỏ cha và mẹ mình, và sẽ bám lấy vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác{5}. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh"

Giáo hội là Hiền thê của Chúa Kitô {6}.

Êphêsô 5: 25-27: " Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền

Giáo hội là Hiền thê của Chúa Kitô. Và Giáo Hội ấy không có vết nhơ hay nếp nhăn hoặc bất cứ thứ gì thuộc loại đó, nhưng thánh thiện và vô nhiễm ("thánh thiện bất khả khuyết", Công Đồng Vatican thứ hai sẽ nói như thế) {7}.

I Timôthê 3:14-15: " Tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy vọng sớm đến với anh. Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa {8}của chân lý”.

Sự không sai lầm của Giáo hội. Giáo Hội là trụ cột và là thành lũy của sự thật.

1Phêrô 2: 9-10: "Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa”.

Giáo hội là Dân Thiên Chúa, một danh xưng đã được Công đồng Vatican thứ hai đưa ra ánh sáng đầy đủ {9}.

* * *

Những bản văn trên cho chúng ta thấy một cách rõ nét nhất rằng Giáo Hội của Chúa Kitô, thánh thiện và không tì vết, là một trong những mầu nhiệm được Thiên Chúa mặc khải cho loài người và cho các thiên thần. Giáo Hội là một mầu nhiệm của đức tin, và là một mầu nhiệm siêu nhiên theo nghĩa toàn diện của hạn từ này (quoad substantiam [về phương diện bản thể]) vì Giáo Hội là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và là Hiền thê của Chúa Kitô và sự viên mãn của Chúa Kitô, và vì Giáo Hội sống nhờ Người và bởi ân sủng của Người ("nhờ sự thật trong tình yêu," như Thánh Phaolô nói).

Người nào không coi Giáo hội như một mầu nhiệm đức tin, thì trong tư tưởng của họ không hề có ý niệm gì về Giáo hội. Chắc chắn họ có thể nói về Giáo Hội, và nói về Giáo Hội một cách phong phú; nhưng họ không biết mình đang nói gì.

Có ba Đấng thánh thiện và không tì vết, mặc dù mỗi người theo một cách thức khác nhau, và tước hiệu khác nhau: Chúa Kitô vì Người là Thiên Chúa; Đức Trinh nữ diễm phúc vì đã sinh ra không tì vết; Giáo Hội bởi vì “được thanh tẩy trong bồn nước bởi quyền năng của lời,” Giáo hội tỏa sáng, sine macula, sine ruga [không tì vết, không nếp nhăn], với sự tinh khiết trong đó Giáo hội được sinh ra bởi nước và bởi Chúa Thánh Thần.

________________________________________

{1} Xem Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium Ch. I, các số 3 và 5: Chúa Kitô " đã khai nguyên nước trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Chúa Cha, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. Giáo Hội hoặc nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ thần lực Thiên Chúa, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên.”

"Nước này đã được mạc khải cho con người trong lời nói, việc làm và sự hiện diện của Chúa Kitô... Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng chứng minh rằng Nước Người đã đến thế gian: "nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Lc 11:20; x. Mt 12:28)... Do đó, Giáo hội được trang bị những ân phúc của Đấng sáng lập và trung thành tuân giữ các giới luật bác ái, khiêm nhường, và hy sinh bản thân của Người, lãnh nhận sứ mệnh loan báo và thiết lập giữa mọi dân tộc vương quốc của Chúa Kitô và của Thiên Chúa. " (Walter M. Abbott, S. J., biên tập: Các Tài liệu của Công đồng Vatican II, New York: Herder và Herder; Association Press, 1966, trang 16, 17-18.)

{2} "Kai edôken kephalên huper panta tê ekklêsia." Bản Phổ thông dịch là: "Et ipsum dedit caput supra omnem Ecclesiam."[ và đặt Người làm đầu toàn thể Giáo Hội].

{3} Đức Hồng Y Journet dịch:.... l'Église, qui est son Corps, l'achèvement de Celui qui s'achève de toutes manières en toutes choses." [Giáo hội, vốn là Thân thể của Người, là sự hoàn thành của Đấng tự hoàn thành về mọi mặt trong mọi sự]. Và ngài nói thêm:"En sorte que Saint Jean Chrysostome peut écrire que le plérôme (c'est-à-dire l'achèvement, la pléosystem) de la Tête est le Corps, et le plérôme du Corps, la Tête." [Đến nỗi, Thánh Gioan Kim Khẩu có thể viết rằng sự sung mãn của Đầu là Thân thể, và sự viên mãn của Thân thể là Đầu] (L'Église du Verbe Incarné, Paris, Desclée De Brouwer, 1951, t. II, p. 53.) Điều khác biệt này trong cách dịch xuất phát từ sự kiện này là người ta cho chữ cuối cùng plérouménou nghĩa của một phân từ thụ động hoặc một phân từ ở giữa. Xem A. Feuillet (Le Christ, Sagesse de Dieu [Chúa Kitô, Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa], trang 277-292), người đã chọn thể thụ động và dịch: "l'Eglise est la plénitude, la totalité des richesses de Celui qui est rempli de toutes manières [le Christ, rempli par Dieu]" (Giáo Hội là sự viên mãn, là toàn bộ các phong phú của Đấng đầy tràn mọi cách thế [Chúa Kitô, được Thiên Chúa đổ đầy])

{4} Xem Hiến chế Lumen Gentium, Chương I, số 7.

{5} St 2: 24.

{6} Xem Hiến chế Lumen Gentium, Chương I, số 7: " Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người cHồng Yêu vợ mình như yêu chính bản thân."

{7} Indefectibiliter sancta [thánh thiện bất khả khuyết]. Hiến chế Lumen Gentium, Ch. V, s. 39. - Xem Ch. I, s. 6.

{8} stulos kai edraiôma. Từ edraiôma có nghĩa là "điều tạo nên sự vững chắc không thể lay chuyển." Đây là lý do tại sao bản Phổ thông dịch nó bằng chữ firmamentum [điểm tựa].

{9} Xem Hiến chế Lumen Gentium, Ch. II, s. 9, nơi bản văn này của Thánh Phêrô được trích dẫn. Xem thêm Ch. IX, trang 133 và tiếp theo.

Tóm tắt chương này của Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Đức Hồng Y Journet nhấn mạnh rằng Công đồng đã tiếp nhận một lần nữa ở đó rằng "điều từng được khẳng định chung cho toàn thể dân Kitô giáo có liên quan đến các giáo dân. Ở đó nói rằng 'Các giáo dân là thành viên của dân Thiên Chúa nơi không có sự bất bình đẳng về sắc tộc hay quốc gia, hoàn cảnh xã hội hay giới tính, họ là anh em của Chúa Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Họ cùng tham dự vào sứ mệnh cứu độ của Giáo hội, vào sứ mệnh tiên tri của Giáo Hội, vào việc phục dịch vương đế của Giáo Hội'. Sự canh tân ở đây - được thể hiện rõ ràng trong Hiến chế De Ecclesia cũng như trong định hướng chung của Công đồng, chính là trong toàn thể Giáo Hội, có sự nhận thức không còn bí mật và đau đớn, nhưng cấp bách, chắc chắn không phải về việc thiếu thoả đáng đối với thế giới trong tính Công Giáo thiết yếu và cấu trúc của mình, nhưng là nhận thức sự bao la của nỗ lực phải hoàn thành, hai nghìn năm sau khi Chúa Giêsu Kitô xuống thế gian, để tái nối kết khối nhân loại đang ngày càng gia tăng... Giáo hội hướng về những đứa con giáo dân của mình với mối quan tâm không phải để bảo vệ họ khỏi sự dữ cho bằng sai họ đi vào giữa những hiểm nguy với Thiên Chúa ở trong lòng, để làm chứng cho Tin Mừng. " (Charles Journet, "Le Mystère de l'Eglise selon le IIe Concile du Vatican," Revue Thomiste, 1965, trang 34-35.)