Ngày 09-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/10: Người Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu – Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS.
Giáo Hội Năm Châu
02:36 09/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

Đó là lời Chúa
 
Hãy cầu nguyện luôn
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
17:27 09/10/2022

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN
HÃY CẦU NGUYỆN LUÔN
Xh 17,8-13a, 2 Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8

Lời Chúa của Chúa Nhật này dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện.

1- Kiên trì cầu nguyện

Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Có một bà góa nhiều lần chạy đến quan tòa để xin ông minh xét cho bà vì những người làm hại bà. Vì bà cứ kêu mãi, nên ông nói: “Dẫu rằng ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.” Và đây là kết luận của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu vớt Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.”

Cầu nguyện cũng là chủ đề chính của bài đọc I. Trình thuật này nói về hình ảnh Môsê ở trên núi, khi giao chiến với Amalếch, ông Môsê giơ tay lên, thì dân Ítraen thắng thế. Môsê đối thoại với Thiên Chúa để xin Người trợ giúp khi gặp khó khăn và thử thách.

2- Sự cần thiết phải cầu nguyện

Quả thế, cầu nguyện rất cần thiết đối với mỗi người Kitô hữu. Cầu nguyện là hơi thở của đời sống người Kitô hữu. Nếu ngừng thở, chúng ta sẽ chết. Cũng thế, nếu không cầu nguyện, đời sống tâm linh chúng ta cũng sẽ chết.

Cầu nguyện là nhịp cầu đưa chúng ta tới hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với mọi loài thụ tạo, với anh chị em đồng loại. Cầu nguyện mang lại cho chúng ta sức mạnh, bình an và nghị lực để sống xứng đáng với nhân phẩm và địa vị của mình.

Cầu nguyện cũng giúp biến đổi xã hội và cuộc sống vốn đang bị sa mạc hóa tâm linh. Có một linh mục người Pháp là tuyên úy của các sinh viên ở Đại Học Sorbone. Sau tuổi 68, ngài sang sa mạc Sahara và hai năm sống trong một túp lều tự mình làm, ngài chỉ mang theo cuốn Kinh Thánh và Thánh Thể. Ở đây, Chúa làm cho ngài hiểu một điều: sa mạc đích thực hôm nay là những thành phố lớn, nơi đó, Thiên Chúa bị lãng quên, con người sống trong nỗi cô đơn còn tồi tệ hơn sự cô đơn ở sa mạc Sahara. Trở lại Pháp, ngài bắt đầu thành lập Cộng Đoàn Đan Tu Giêrusalem ở Paris, được gọi là “những đan viện trong thành phố.” Có nhiều đến đây sống cầu nguyện như những đan tu. Đây là một hình thức giúp cho những ai muốn cùng nhau cầu nguyện mỗi ngày.

Theo một định nghĩa cổ điển, cầu nguyện là “một cuộc đàm thoại đạo đức với Thiên Chúa.” Theo thánh Angela thành Foligno, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên và dìm mình trong sự vô biên là Thiên Chúa.” Kinh Thánh thường dùng từ “nâng tâm hồn lên” để nói về cầu nguyện: “Lạy Chúa, con nâng tâm hồn con lên cùng Ngài...” Như thế, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, như Thánh Viện diễn tả: “Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu. Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa, Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài khỏi quân thù xông đánh. Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17,6-8).

Người ta thường bỏ cầu nguyện khi cho rằng: Thiên Chúa biết hết rồi và Người đã sắp đặt mọi sự rồi: như thế, làm sao chúng ta có thể thay đổi quyết định vĩnh viễn của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện của mình được?

Thánh Tôma Aquinô trả lời: “Chúng ta không cầu nguyện để xin thay đổi quyết định đời đời của Thiên Chúa, nhưng để xin điều mà Thiên Chúa quyết định ban cho chúng ta, khi nhậm lời chúng ta cầu nguyện. Thiên Chúa không chỉ quyết định ban vì những hiệu quả nào đó, nhưng còn ban với những nguyên nhân và cần có điều kiện nào đó. Có những điều Người ban khi chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta, theo cách mà con người xứng đáng đón nhận điều mà quyền năng thần linh đời đời muốn ban cho họ, nhờ lời cầu nguyện của họ (x. Somma teologica II-IIae, q.83, a.2).

Hơn nữa, cầu nguyện là rất hiệu nghiệm. Cầu nguyện có sức mạnh đến mức không thể tin được. Như Pascal tự vấn: “Tại sao Thiên Chúa đã dạy chúng ta cầu nguyện?” Ông trả lời: “Để thông ban cho thụ tạo của Người phẩm chất cao cả nhất” (Tư tưởng, 513). Cầu nguyện là quản lý chính vận mệnh cách ý nghĩa nhất. Khác với điều mà Nietzsche cho rằng “cầu nguyện là một nỗi xấu hổ, là một việc làm của những người nô lệ.”

3- Thiên Chúa sẽ nhậm lời

Hơn là một sự bó buộc, cầu nguyện là một đặc ân cao quý, một sự nối kết với Thiên Chúa. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa không để cho chúng ta phải chờ lâu, nhưng Người sẽ mau chóng đáp trả cho những ai cầu khẩn Người. Nhưng chúng ta tự hỏi rằng tại sao nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không được lắng nghe? Đây là vấn đề nghiêm túc và nhức nhối đối với người tín hữu và cần phải cẩn trọng với những câu trả lời dễ dãi và ngây thơ. Chúa Giêsu biết rõ rằng đôi lúc Thiên Chúa không chấp nhận hoặc chưa nhận lời cầu xin của chúng ta. Bởi thế, Người kể dụ ngôn về bà góa, để khuyến dụ chúng ta “hãy cầu nguyện luôn, mà không được nản chí.”

Đôi khi chúng ta không hiểu tại sao Thiên Chúa không nhận lời cầu xin chính đáng của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xin ơn gì, Người ban ơn đó, thì quả thật là khốn cho chúng ta. Nhiều người sau đó đã tạ ơn Chúa vì Người đã không chấp nhận lời cầu xin của họ. Có một người trẻ, giờ rất hạnh phúc với người vợ của mình, khi còn sinh viên, anh đã tán tỉnh nhiều cô gái khác như các chàng trai thường làm, anh đã cầu nguyện và nhờ người khác cầu nguyện cho anh có được một người vợ phù hợp. Sau khi đã cầu nguyện, nhưng anh thấy Chúa không nhận lời anh cầu xin, anh cảm thấy Chúa bỏ rơi mình và anh kết luận rằng những lời cầu nguyện đó là vô ích. Sau này, anh mới nghiệm ra rằng anh không thể có được người vợ như anh đang có, nếu Thiên Chúa đã nhận lời anh như anh cầu nguyện lần đầu hoặc lần thứ hai.

Như vậy, Thiên Chúa là Cha tốt lành, nhân hậu, sẵn sàng ban những ơn lành cần thiết cho chúng ta. Tuy nhiên, vì là một người Cha tốt lành, nên không phải bất cứ điều gì chúng ta xin, Người đều ban. Bởi lẽ, Người biết điều gì tốt và điều gì có ích để ban cho chúng ta. Bổn phận của chúng ta là hãy tin tưởng, kiên trì và siêng năng cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày, trước khi đi ngủ, khi thức dậy, khi đi làm, trước khi ăn cơm. Hãy cầu nguyện liên lỉ và đừng bao giờ nản chí. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/




 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:47 09/10/2022

3. Người được yêu đứng trước tình yêu mà sống thì có thể làm cho mọi người vui vẻ.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------

http://ww.vietcatholicnews.net

https://ww.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.ìno
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 09/10/2022
23. CÙNG NGÂM THƠ CHẾ NHẠO

Có thầy đồ gàn nọ dạy học cho con em của một gia đình nọ, chủ nhà tiếp đãi ông ta rất sơ sài, nên ông ta làm thơ chế nhạo:

- “Năm nay đến nay là ta sai,

thắt cổ chết tìm chạc cây lớn,

tiếp khách nhà nhà nghèo mạt rệp,

học sinh từng đứa nhác như rắn.

Ba bữa cháo trắng gọi dâng cơm,

bốn mùa canh suông làm chè bánh,

như thế dạy con được tiến bộ,

khắp thôn đều là làm quan nhà”.


Chủ nhà nhạo lại nói:

- “Năm nay mời thầy là tôi sai,

ngâm thơ giống hệt miệng sinh chạc,

tưởng là vẽ hổ lại thành chó,

con cháu thành rồng văn biến rắn.

Không biết thiên văn và địa lý,

chỉ tham chén rượu và ly trà,

văn thì nửa cổ nửa kim đường đi sai,

thiệt hại không biết bao nhiêu nhà”.


(Quảng tiếu phủ)

Suy tư 23:

Dạy học không những truyền đạt kiến thức của thầy giáo cho học trò, mà còn truyền đạt nhân cách sống của thầy cho học trò nữa, do đó mà có những thầy giáo coi trọng việc học trò hấp thụ kiến thức và nhân bản là chính, tiền bạc là phụ, bởi vì thầy giáo hiểu rất rõ giá trị cao quý của việc dạy và học, cho nên dù cho thiếu thốn thì những thầy giáo ấy vẫn luôn là những nhà mô phạm cho mọi người.

Có những phụ huynh coi đồng tiền bỏ ra thuê thầy giáo dạy chữ cho con mình là to lớn hơn chữ nghĩa, cho nên thường hay hạch sách và coi thường thầy giáo, thậm chí chửi mắng, đánh đập thầy giáo trước mặt học trò. Có những phụ huynh như vậy thì sẽ có những đứa con mất dạy hư người.

Thiên Chúa không hiện ra để dạy chữ cho chúng ta, nhưng đã chọn các thầy cô giáo để truyền đạt kiến thức cho chúng ta, đó là một sứ mệnh thiêng liêng mà Thiên Chúa đã trao cho các thầy cô giáo. Người Ki-tô hữu càng hiểu rõ điều này hơn ai hết, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su khi lên mười hai tuổi đã ở lại trong đền thờ ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi, đó chính là mẫu mực tôn sư trọng đạo cho chúng ta noi theo.

Thời nay rất cần những mẫu gương tôn sư trọng đạo như thế, bắt đầu từ những phụ huynh và những học trò Ki-tô hữu, thì sẽ không còn tình trạng phụ huynh và thầy cô giáo cười nhạo lẫn nhau nữa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------

http://ww.vietcatholicnews.net

https://ww.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho hai vị thánh mới: Thánh Artemide Zatti và Thánh Giovanni Battista Scalabrini
J.B. Đặng Minh An dịch
07:57 09/10/2022


Giáo Hội Công Giáo đã có thêm hai vị thánh mới vào hôm Chúa Nhật 9 tháng 10, khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho Thánh Artemide Zatti và Thánh Giovanni Battista Scalabrini.

Hai vị thánh đều sinh ra ở Ý vào thế kỷ 19 và giúp đỡ cho những người khác trong bối cảnh hàng trăm nghìn người Ý di cư ồ ạt mỗi năm vào đầu thế kỷ 20.

Scalabrini được biết đến với việc thành lập một tổ chức truyền giáo phục vụ người nhập cư, trong khi Zatti là một người nhập cư, rời Ý đến Á Căn Đình cùng gia đình vào năm 1897 khi mới 16 tuổi.

Buổi lễ đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô.

Tiểu sử Thánh Giovanni Battista Scalabrini

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước yêu cầu thông thường của Giáo hội về một phép lạ thứ hai để tuyên thánh cho Scalabrini. Thánh Scalabrini từng được Giáo hoàng Piô thứ Chín mô tả là “vị tông đồ của Sách Giáo lý”.

Là người gốc ở vùng Lombardy của Ý, Scalabrini được thụ phong linh mục năm 1863 và làm giám mục Piacenza ở tuổi 36. Với tư cách là giám mục, ngài thành lập Dòng Thừa sai Thánh Charles Borromeo. Ngài cũng thành lập “Hiệp hội Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael” giáo dân, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho những người nhập cư tại các cảng nơi họ lên và xuống tàu vào đầu thế kỷ 20.

Năm 1901, ngài đến thăm các nhà truyền giáo của mình tại Hoa Kỳ và được Tổng thống Theodore Roosevelt tiếp tại Tòa Bạch Ốc.

Đức Cha Scalabrini cảm thấy thuyết phục về sự cần thiết phải có các thể chế đồng hành với hành trình của người di cư trong mọi giai đoạn của nó, cẩn thận để không đột ngột cắt đứt quan hệ văn hóa với quê hương và duy trì tiếng mẹ đẻ như một sợi dây đoàn kết với các đồng bào khác.

Sau khi trở về sau chuyến thăm các nhà truyền giáo của mình ở Brazil, Đức Cha Scalabrini qua đời vào ngày 1 tháng 6 năm 1905— một ngày mà ngày nay Giáo hội đánh dấu là ngày lễ của ngài.

Thánh nhân cũng được ghi nhớ vì đã thành lập một tờ báo của giáo phận, để chăm sóc người nghèo và người già. Ngài là người quảng bá việc tôn thờ Thánh Thể, và là người bảo vệ các bài hát phụng vụ chính xác.

Đức Cha Scalabrini viết: “Chính vì những cuộc di cư bị áp đặt bởi các cuộc bách hại, Giáo hội đã vượt ra khỏi giới hạn của Giêrusalem và của Israel, và trở thành 'Công Giáo'; nhờ những cuộc di cư trong thời đại của chúng ta, Giáo hội sẽ là một công cụ của hòa bình và sự hiệp thông giữa các dân tộc”.

Tiểu sử Thánh Artemide Zatti

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Zatti là “một tấm gương sống về lòng biết ơn”. Ngài nêu bật trong bài giảng của mình cách người y tá nhập cư tạ ơn Chúa bằng cách “tự mình gánh lấy vết thương của người khác”.

“Được chữa khỏi bệnh lao, ngài đã dành toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ người khác, chăm sóc người bệnh bằng tình yêu thương dịu dàng. Người ta cho rằng ngài đã mang trên vai thi thể đã chết của một trong những bệnh nhân của mình”.

Zatti sinh ra trong hoàn cảnh nghèo đói cùng cực ở Ý vào năm 1880. Khi mới 9 tuổi, anh đã phụ giúp cha mẹ mình bằng công việc đồng áng trước khi gia đình anh di cư đến Á Căn Đình.

Khi còn trẻ, Zatti theo học tại một giáo xứ Công Giáo do Dòng Salêdiêng của Don Bosco điều hành ở thị trấn Bahía Blanca, Á Căn Đình. Năm 20 tuổi, anh gia nhập nhà dòng để trở thành một linh mục Salêdiêng.

Khi sống trong cộng đồng Salêdiêng, Zatti mắc bệnh lao sau khi chăm sóc cho một linh mục trẻ mắc bệnh.

Một trong những linh mục Salêdiêng, là một y tá, đã đề nghị Zatti cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Phù Hộ Các Tín Hữu, hứa rằng nếu anh được chữa lành, anh sẽ cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những người bệnh.

Zatti sẵn sàng thực hiện lời hứa và được chữa khỏi bệnh lao. Sau đó, anh ấy nói về sự kiện này: “Tôi tin, tôi đã hứa, tôi đã được chữa lành.”

Người nhập cư trẻ tuổi người Ý đã từ bỏ ý định làm linh mục và trở thành một trợ tá Salêdiêng, một vai trò giáo dân để anh có thể cống hiến hết mình cho việc phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Năm 1915, ở tuổi 35, Zatti trở thành giám đốc bệnh viện Salêdiêng ở Viedma, một thành phố ở miền trung Á Căn Đình. Hai năm sau, anh cũng trở thành quản lý của hiệu thuốc và nhận được giấy phép hành nghề y tá chuyên nghiệp.

Không chỉ làm việc trong bệnh viện, Zatti còn đi đến các vùng ngoại vi của Viedma và thành phố lân cận Carmen de Patagones để chữa trị cho những người có nhu cầu, và danh tiếng của anh như một y tá thánh thiện đã lan rộng khắp vùng đó của Á Căn Đình.

Zatti luôn nhìn thấy Chúa Giêsu trong từng bệnh nhân của mình. Một số người thậm chí còn nhớ lại cảnh anh ta mang xác của một bệnh nhân đã chết trong đêm đến nhà xác khi anh ta đọc kinh De Profundis, một lời cầu nguyện cho người chết được trích từ văn bản của Thánh Vịnh 130.

Những người biết anh nói rằng Zatti đã thực hiện công việc phục vụ người bệnh bằng sự hy sinh anh dũng và anh ấy đã làm rạng rỡ ánh sáng của Chúa, thậm chí còn đưa được một số người không tin về với đức tin Công Giáo.

Năm 1950, sau khi bị ngã từ trên thang xuống, Zatti bắt đầu có dấu hiệu bị ung thư gan. Zatti tiếp tục làm việc, nhưng ngày 15 tháng 3 năm 1951, ở tuổi 70, Zatti mất vì bạo bệnh.

Zatti là vị trợ tá Salêdiêng đầu tiên được tuyên bố là một vị thánh. Ngày lễ của ngài sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng 11 hàng năm.

Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu các Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố bằng tiếng Latinh:

“Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố các Chân Phước Giovanni Battista Scalabrini và Artemide Zatti là các vị Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng các ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”

Sau khi bài Tin Mừng được xướng lên bằng cả tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Khi Chúa Giêsu đi cùng, mười người phong cùi gặp ngài và kêu lên: “Xin thương xót chúng tôi!” (Lc 17:13). Tất cả mười người đều được chữa lành, nhưng chỉ có một người trong số họ quay lại cảm ơn Chúa Giêsu. Ông là một người Samaritanô, một loại dị giáo đối với người Do Thái. Lúc đầu, họ đi cùng nhau, nhưng sau đó người Samaritanô bỏ những người khác và quay lại, “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (câu 15). Chúng ta hãy dừng lại và suy ngẫm về hai khía cạnh này của bài Tin Mừng hôm nay: cùng nhau bước đi và tạ ơn.

Đầu tiên, cùng nhau bước đi. Vào đầu trình thuật, không có sự khác biệt giữa người Samaritanô và chín người khác. Chúng ta chỉ nghe nói rằng họ là những người phung, những người cùng nhau, như một nhóm, đến gần Chúa Giêsu. Bệnh phong, như chúng ta biết, không chỉ là một bệnh tật về thể xác, một bệnh mà ngày nay chúng ta phải cố gắng hết sức để loại bỏ, mà còn là một “căn bệnh xã hội”, vì trong những ngày đó, vì sợ lây lan, người bệnh phong phải xa lánh cộng đồng (xem Lv 13:46). Do đó, họ không thể vào làng; họ bị giữ ở những khoảng cách, bị cô lập và bị xếp ra ngoài lề của đời sống xã hội và thậm chí cả đời sống tôn giáo. Khi đi cùng nhau như thế, những người phung này đã kết tội một xã hội loại trừ họ. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng người Samaritanô, mặc dù bị coi là dị giáo, “một người ngoại quốc”, là một phần của nhóm họ. Anh chị em, bất cứ khi nào bệnh tật và sự mong manh được chia sẻ, rào cản sẽ sụp đổ và sự loại trừ được vượt qua.

Hình ảnh này cũng có ý nghĩa đối với chúng ta: khi chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đều mang những bệnh tật trong lòng, tất cả chúng ta đều là những tội nhân đang cần đến lòng thương xót của Chúa Cha. Sau đó, chúng ta ngừng tạo ra sự chia rẽ trên cơ sở thành tích, vị trí xã hội hoặc một số tiêu chí bề ngoài khác; các rào cản và định kiến nội tâm của chúng ta cũng giảm theo. Cuối cùng, một lần nữa chúng ta nhận ra rằng chúng ta là anh chị em của nhau. Ngay cả Naaman người Syria, như bài đọc thứ nhất đã nhắc nhở chúng ta, bất kể tất cả của cải và quyền lực của ông, ông chỉ có thể được chữa lành bằng cách làm một việc đơn giản: đó là tắm rửa trong dòng sông mà mọi người khác đang tắm. Trước hết, ông phải cởi bỏ áo giáp và áo choàng của mình (xem 2 CV 5). Chúng ta sẽ tốt nếu có thể loại bỏ áo giáp bên ngoài của riêng mình, hàng rào phòng thủ của mình, và tắm một cách khiêm tốn, lưu ý rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương bên trong và cần được chữa lành. Tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy nhớ điều này: đức tin Kitô luôn yêu cầu chúng ta đi bên cạnh những người khác, đừng bao giờ trở thành những người lữ hành cô đơn. Đức tin luôn thúc giục chúng ta vượt ra khỏi chính mình và hướng tới Thiên Chúa cũng như anh chị em của chúng ta, đừng bao giờ sống khép kín. Đức tin mời gọi chúng ta liên tục nhận ra rằng chúng ta đang cần được chữa lành và tha thứ, và chia sẻ sự yếu đuối của những người ở gần chúng ta, mà không cảm thấy mình cao trọng hơn người khác.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy suy ngẫm và xem liệu trong cuộc sống, trong gia đình, nơi chúng ta làm việc và dành thời gian hàng ngày, chúng ta có khả năng đi cùng với người khác, lắng nghe họ, chống lại sự cám dỗ khép mình hay không, hay chúng ta tự hấp thụ và chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân. Cùng nhau bước đi - trở thành “đồng nghị” - cũng là ơn gọi của Giáo Hội. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có thực sự là những cộng đồng thực sự cởi mở và bao gồm tất cả mọi người hay không; liệu chúng ta có hợp tác, với tư cách là linh mục và giáo dân, trong việc phục vụ Tin Mừng không; và liệu chúng ta có thể hiện mình là người chào đón, không chỉ bằng lời nói mà bằng những cử chỉ cụ thể, đối với những người gần xa, và tất cả những người đang chới với bởi những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta có khiến họ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng không? Hay chúng ta loại trừ họ? Tôi bối rối khi nhìn thấy các cộng đồng Kitô giáo phân chia thế giới thành người tốt và kẻ xấu, người thánh thiện và kẻ tội lỗi: điều này khiến họ cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác và loại trừ quá nhiều người mà Thiên Chúa muốn đón nhận. Xin hãy luôn hòa nhập: trong Giáo hội và trong xã hội, vốn vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nhiều hình thức bất bình đẳng và gạt ra bên lề xã hội. Luôn luôn bao gồm. Hôm nay, ngày mà Giám mục Scalabrini trở thành một vị thánh, tôi nghĩ đến những người di cư. Việc loại trừ những người di cư là một tai tiếng. Trên thực tế, việc loại trừ những người di cư là tội phạm. Họ đang chết ngay trước mặt chúng ta, vì Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất trên thế giới. Việc loại trừ những người di cư là nổi loạn, tội lỗi và tội phạm. Không mở cửa cho những người có nhu cầu - “Không, chúng tôi không loại trừ họ, chúng tôi gửi họ đi đến các trại,” nơi họ bị bóc lột và bán như nô lệ. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta được kêu gọi nhớ đến những người di cư này, đặc biệt là những người đang hấp hối. Và với những người được nhập cư, chúng ta có chào đón họ như anh chị em hay chúng ta bóc lột họ? Tôi chỉ đơn thuần là đặt ra câu hỏi.

Điều thứ hai là cảm ơn. Trong nhóm mười người phung, chỉ có một người nhận ra rằng mình đã khỏi bệnh, quay lại để ca ngợi Thiên Chúa và tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu. Chín người còn lại đã được chữa lành, nhưng sau đó lại đi theo con đường riêng của họ, quên mất người đã chữa lành cho họ. Họ đã quên đi những ân sủng mà Chúa đã ban cho họ. Trái lại, người Samaritanô biến món quà mà anh ta nhận được là bước đầu tiên của một cuộc hành trình mới: anh ta trở lại với Đấng đã chữa lành anh ta; anh ta quay lại với Chúa Giêsu để biết Ngài nhiều hơn; anh ta đi vào mối quan hệ với Chúa. Vậy, thái độ biết ơn của anh ta không phải là hành động lịch sự đơn thuần, mà là khởi đầu của hành trình tạ ơn: anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu (x. Lc 17,16) và thờ lạy Người. Anh ta công nhận rằng Chúa Giêsu là Chúa, rằng Chúa Giêsu quan trọng hơn sự chữa lành mà anh ta nhận được.

Đây cũng là một bài học lớn cho chúng ta, thưa anh chị em, những người hàng ngày được hưởng lợi từ các ân sủng của Thiên Chúa, nhưng lại thường đi theo con đường riêng của mình, không vun đắp mối quan hệ sống động và thực sự với Ngài. Đây là một căn bệnh tâm linh khó chịu: chúng ta coi mọi thứ là đương nhiên, kể cả đức tin, kể cả mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, đến mức chúng ta trở thành Kitô hữu không còn có thể kinh ngạc hoặc cảm tạ, thiếu lòng biết ơn và không có khả năng nhìn thấy những điều kỳ diệu của Chúa. Một người phụ nữ mà tôi biết đã từng nói: “Họ là những Kitô hữu nước hoa hồng”. Cuối cùng, chúng ta nghĩ rằng tất cả những ân sủng mà chúng ta nhận được mỗi ngày là đương nhiên và do chúng ta. Lòng biết ơn, khả năng cảm tạ, làm cho chúng ta cảm kích sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu trong cuộc sống của chúng ta. Và để nhận ra tầm quan trọng của người khác, vượt qua sự bất mãn và thờ ơ làm xấu trái tim của chúng ta. Điều cần thiết là biết cách nói “cảm ơn”. Để cảm tạ Chúa mỗi ngày và cảm ơn lẫn nhau. Trong gia đình của chúng ta, đối với những món quà nhỏ mà chúng ta nhận được hàng ngày và thậm chí thường không nghĩ đến. Ở những nơi chúng tôi dành cả ngày, hãy cảm ơn vì nhiều sự phục vụ mà chúng ta tận hưởng, và cảm ơn tất cả những người ủng hộ chúng ta. Trong các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta, hãy cảm ơn vì tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm được trong sự gần gũi của những anh chị em của chúng ta, những người thường âm thầm, cầu nguyện, hy sinh, đau khổ và đồng hành với chúng ta. Vì vậy, xin vui lòng, đừng quên nói những từ khóa sau: cảm ơn bạn!

Hai vị được tuyên thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi và có thể tạ ơn. Đức Cha Scalabrini, người đã thành lập hai Hội dòng - một nam và một nữ - để chăm sóc những người di cư, từng nói rằng trong hành trình chung của những người di cư, chúng ta không chỉ nên nhìn thấy những vấn đề, mà còn phải thấy cả một kế hoạch quan phòng. Theo lời của ngài: “Chính vì những cuộc di cư do các cuộc bách hại áp đặt, Giáo hội đã vượt ra khỏi giới hạn của Giêrusalem và của Israel, và trở thành 'Công Giáo'; nhờ những cuộc di cư trong thời đại của chúng ta, Giáo hội sẽ là công cụ của hòa bình và sự hiệp thông giữa các dân tộc “(L'emigrazione degli operai italiani, Ferrara, 1899). Cuộc di cư hiện đang diễn ra ở Âu Châu đang gây ra nhiều đau khổ và buộc chúng ta phải mở rộng lòng mình - đó là cuộc di cư của những người Ukraine đang chạy trốn chiến tranh. Chúng ta đừng quên những người di cư Ukraine bị coi thường. Với tầm nhìn tuyệt vời, Thánh Scalabrini hướng đến một thế giới và một Giáo hội không có rào cản, nơi không có ai là người nước ngoài. Về phần mình, Anh Artemide Zatti - dòng Salêdiêng - với chiếc xe đạp của mình - là một tấm gương sống về lòng biết ơn. Được chữa khỏi bệnh lao, anh dành cả cuộc đời mình để phục vụ người khác, chăm sóc người bệnh bằng tình yêu thương dịu dàng. Người ta cho rằng anh đã mang trên vai thi thể đã chết của một trong những bệnh nhân của mình. Với lòng biết ơn đối với tất cả những gì đã nhận được, anh ấy muốn nói lời “cảm ơn” của chính mình bằng cách tự gánh lấy vết thương của người khác.

Chúng ta hãy cầu nguyện để những vị Thánh này, những người anh em của chúng ta, có thể giúp chúng ta bước đi cùng nhau, không có bức tường ngăn cách; và nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng, đẹp lòng Thiên Chúa, là lòng biết ơn.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ca Đoàn Nữ Vương Giáo Xứ Thánh Gia Maidstone, Melbourne mừng bổn mạng lần Thứ Mười Bảy.
Trần Văn Minh
01:16 09/10/2022
Melbourne, vào lúc 11 giờ 30 sáng Chúa Nhật Ngày 9/10/2022. Tại Nhà Thờ Our Lady, Giáo xứ Thánh Gia vùng Maidstone, Melbourne. Ca Đoàn Nữ Vương đã long trọng dâng lễ tạ ơn và mừng bổn mạng Năm Thứ 17.

Xem hình

Thánh lễ tiếng Việt do Linh mục Gioanbaotixita Nguyễn Thanh Huy thuộc giáo xứ đã dâng lễ tạ ơn, cùng với Ca đoàn Nữ Vương, ca viên nữ trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam với đủ sắc mầu rất đẹp, cùng với các ca viên nam trong âu phục lịch sự, ai cũng hân hoan dùng lời ca, tiếng hát để dâng lên Chúa qua vị Nữ Vương mà ca đoàn đã hân hạnh nhận tước hiệu của Mẹ làm bổn mạng.

Qua lời giới thiệu của chị đoàn trưởng cho biết. Thánh lễ 11 giờ 30 sáng Chúa Nhật hôm nay, cũng là thánh lễ tiếng Việt đầu tiên, chuyển từ 3 giờ chiều mỗi Chúa Nhật qua 11 giờ 30 sáng. Nhưng mọi người trong Cộng đoàn Việt Nam đã hân hoan cùng nhau đi lễ theo giờ mới rất đông đảo.

Chúa Nhật hôm nay cũng là Chúa Nhật Thứ XXVII Thường Niên Năm C. Lời Chúa nói về mười người phong cùi đã được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại tạ ơn Chúa. Chia sẻ bài tin mừng, linh mục chủ tế cũng kêu gọi mọi người cũng phải biết cảm ơn nhau: con cái cảm ơn ông bà, cha mẹ. Vợ cảm ơn chồng và chồng cũng phải biết cảm ơn vợ. Anh em cảm ơn nhau, để mọi xích mích trong gia đình do thiếu những lới cảm ơn mà trở nên xa cách, mất tình ruột thịt. Điều đặc biệt là phải biết tạ ơn Chúa vì muôn muôn ơn lành hồn xác mà chúng ta được hưởng mỗi ngày trong đời.

Với ý nghĩa đó, và nhân ngày bổn mạng. Ca đoàn đã chọn toàn những bài thánh ca mang nội dung cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria vị Nữ Vương đầy quyền phép. Mặc dù những lời cảm tạ, chẳng mang lại gì cho Thiên Chúa và Mẹ, nhưng lại mang ơn phúc cho chúng ta như kinh trong các thánh lễ mà các vị chủ tế đọc hằng ngày khi dâng lễ trên bàn thờ.

Sau phep lành cuối lễ, ca đoàn đã cùng nhau chụp hình kỷ niệm, và ăn một chút bánh, uống với nhau ly nước để kết chặt tình thân mến. Niềm vui luôn là chất keo gắn bó mọi người, và nó đã giúp ca đoàn đoàn kết cùng lớn mạnh trong suốt mười bảy năm qua.

Tạ ơn Chúa và cảm ơn Mẹ, cảm ơn nhau, cảm ơn các ca viên và các ca trưởng của ca đòn Nữ Vương.
 
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Đại Hội Lần Thứ XV - Biên Bản
+GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
12:00 09/10/2022
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Đại Hội Lần Thứ XV - Biên Bản

Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XV từ thứ Hai, ngày 03/10/2022 đến thứ Sáu, ngày 07/10/2022 tại Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, với sự hiện diện đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.

Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Đức Tổng Giám Mục vui mừng chuyển lời thăm hỏi và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô tới cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, giải thích về Tông hiến “Praedicate Evangelium” (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam.

Hội đồng Giám mục vui mừng chào đón Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Tổng giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tới thăm và trao đổi kinh nghiệm mục vụ.

Trong dịp Đại hội lần này, Hội đồng Giám mục:

I. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đoàn dân Chúa về định hướng mục vụ ba năm (2023-2025);

II. Phê chuẩn bản dịch toàn bộ Kinh Thánh Tân ước của Ủy ban Kinh Thánh;

III. Chấp thuận cho thử nghiệm đề án Thư viện điện tử của Ủy ban Văn hóa và thông tin giáo sĩ của dự án số hóa dữ liệu Giáo Hội Công Giáo Việt Nam;

IV. Tiếp tục trao đổi về Tiến trình phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu;

V. Lắng nghe Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trình bày về Hội nghị thường niên của các Đại chủng viện;

VI. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Ban Thường vụ gồm có:

Chủ tịch: Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng

Phó Chủ tịch: Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng thư ký: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

Phó Tổng thư ký: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn

Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm có:

1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin

Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân

2/ Ủy ban Kinh Thánh

Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản

3/ Ủy ban Phụng tự

Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn

4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh

Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

5/ Ủy ban Thánh nhạc

Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị

6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng

Chủ tịch: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến

7/ Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh

Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang

8/ Ủy ban Tu sĩ

Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm

9/ Ủy ban Giáo dân

Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản

10/ Ủy ban Truyền thông xã hội

Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước

11/ Ủy ban Giáo dục Công Giáo

Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai

12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi

Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên

13/ Ủy ban Văn hóa

Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân

14/ Ủy ban Công lý - Hòa bình

Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường

15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình

Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

16/ Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas

Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu

17/ Ủy ban Mục vụ Di dân

Chủ tịch: Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh

18/ Văn phòng Mục vụ Đối thoại Đại kết và Liên tôn: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri

19/ Hội Thừa sai Việt Nam: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long.

Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2023 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vinh, từ ngày 17 đến 21/4/2023.

Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Hà Nội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi và khánh thành Tòa Tổng giám mục vào sáng thứ Sáu, ngày 07/10/2022.

Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 07/10/2022

Tổng thư ký
Hội đồng Giám mục Việt Nam

(đã ấn ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
 
Video Biên bản Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam
+GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
12:02 09/10/2022
 
Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Đà Nẵng - Chầu Thánh Thể Cầu Nguyện Cho Việc Truyền Giáo
Tôma Trương Văn Ân
12:18 09/10/2022
Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Đà Nẵng - Chầu Thánh Thể Cầu Nguyện Cho Việc Truyền Giáo

Truyền Giáo là bản chất của Hội Thánh Công Giáo và Chúa đã trao cho mỗi Tín hữu sứ mạng rao giảng Tin mừng: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, ai tin mà lãnh nhận Phép rửa người đó được ơn cứu độ”(Mt 28,19). Hội Thánh cũng trao phó cho mỗi người Tín hữu sứ vụ truyền giáo này, đặc biệt là phải có sự hiện diện của Chúa. Chính vì thế Chúa đã hứa là “sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”( Mt 28,20). Và quả thật Chúa đã thực hiện lời hứa đó khi Chúa ở với Hội Thánh và mỗi người chúng con qua Bí tích Thánh Thể.

Xem Hình

Trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi, 1975), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “… Những người trẻ, một khi đã được đào tạo kỹ càng về đức tin và cầu nguyện, sẽ càng ngày càng trở nên những tông đồ cho giới trẻ. Giáo hội tin tưởng rất nhiều vào sự đóng góp của họ và chúng ta đã nhiều lần bày tỏ sự tín nhiệm hoàn toàn vào họ” (Evangelii Nuntiandi 72) ( trích Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 72 ). Đối với Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, Giáo hội cần quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, nhất là giúp họ có được nhãn quan và tâm thức của Giáo hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho toàn thể thế giới.

Và gần đây nhất, trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới Truyền Giáo năm 2022, Ngài có đề cập đến vai trò truyền Giáo của người trẻ và thiếu nhi: “ để cổ vũ việc truyền giáo giữa các thiếu nhi, với khẩu hiệu: Thiếu nhi loan báo Tin Mừng cho thiếu nhi, thiếu nhi cầu nguyện cho thiếu nhi, thiếu nhi giúp đỡ thiếu nhi … trên toàn thế giới”

Hướng về ngày Thế Giới Truyền Giáo, nhằm ngày Chúa nhật 23 / 10 / 2022. LIÊN ĐOÀN THÁNH TÂM THIẾU NHI THÁNH THỂ GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG, đã tổ chức NGÀY CHẦU THÁNH THỂ 24 GIỜ để cầu nguyện cho công việc Truyền Giáo trong Giáo phận và cổ võ ơn gọi truyền giáo trong Thiếu Nhi Thánh Thể. Chương trình đã khai mạc lúc 18 giờ thứ bảy ngày 8 / 10 /2022, tại nhà thờ Giáo xứ Nội Hà - Giáo phận Đà Nẵng. Tại đây, Ban điều hành Liên Đoàn cùng với các Xứ Đoàn trong nội thành và vùng lân cận đã thay phiên Chầu Thánh Thể liên tục trong suốt 24 giờ, các Xứ Đoàn ở Quảng Nam và vùng xa thì tham dự Giờ Chầu trực tuyến. Chương trình Chầu kết thúc lúc 18 giờ ngày Chúa nhật 9 / 10 / 2022.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể ở trong tâm hồn mỗi người chúng con, Chúa là nguồn sống và động lực cho mỗi người, cách riêng giới thiếu nhi chúng con, xin ban an lành, tình yêu và nhiệt huyết cho mỗi Tín hữu chúng con. Cho chúng con biết chu toàn Ơn gọi và trách vụ là Ngôn sứ của Thiên Chúa, giới thiệu Chúa cho anh chị em chưa nhận biết Chúa bằng chính đời sống của mình, trong môi trường chúng con đang sống, học tập và làm việc.

Tôma Trương Văn Ân

• Hình ảnh: từ trang Xứ đoàn MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ – GX Sơn Trà
 
Hội con cái Đức Mẹ Mân Côi Vạn Thắng - Tụy Hiền mừng lễ quan thầy
BTTGx. Tụy Hiền
17:47 09/10/2022
Hội con cái Đức Mẹ Mân Côi Vạn Thắng - Tụy Hiền mừng lễ quan thầy

Vào lúc 8 giờ sáng ngày mùng 08 tháng 10 năm 2022, tại giáo xứ Tụy Hiền tiếng chuông nhà thờ vang lên, giờ làm việc tháng Mân Côi đã đã điểm, cộng đoàn xướng Kinh Truyền Tin, hát kinh Chúa Thánh Thần, tiếp đến là bài hát Tung Hô Nữ Vương vang lên mở đầu cho 6 đội dâng hoa mân côi mừng lễ kính Mẹ.

Xem Hình

Được biết, Thánh lễ hôm nay hội tụ 192 thành viên Hội con cái Đức Mẹ Mân Côi. Sau buổi dâng hoa là cuộc cung nghinh Đức Mẹ Mân Côi chung quanh làng và nhà thờ. Cộng đoàn vừa đi vừa hát, đọc Kinh Cầu Đức Bà, lẫn hạt mân côi.

Cuộc rược kết thúc tại tiền sảnh nhà thờ, cộng đoàn bước vào Thánh lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi do cha xứ chủ sự.

Trong bài giảng lễ, cha xứ đã nói về ý nghĩa của ngày lễ, hình ảnh Đức Mẹ Mân Côi, giải thích về cỗ tràng hạt, cách thức lần hạt với những ơn ích Đức Mẹ hứa ban qua việc lần hạt mân côi và cổ vũ mọi thành viên gia tăng đọc Kinh Kính Mừng thật sốt sáng.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 00, con cái Đức Mẹ cùng nhau liên hoan mừng lễ.

BTTGx. Tụy Hiền
 
Văn Hóa
Nơi ấy bình yên
Sơn Ca Linh
09:46 09/10/2022
Con vẫn biết,
Xác thân là bụi tro, cỏ dại, hoa tàn, …
“Một cơn gió thoảng, tan đi, không còn mang vết tích” !

Và mẹ ở bên kia,
Một cõi xa xăm cuối chân trời tắp tít,
Chỉ biết lấy đức tin mà “nối linh thiêng vào đời” !
Nên dẫu nghìn trùng cách biệt xa khơi,
Mẹ vẫn ở đây, giữa chúng con, thiên thu còn mãi !

Với mẹ,
Chúng con, anh chị em, cháu chắt…
vẫn là những đứa con bé dại,
Luôn cần mẹ,
Cần bàn tay, cần ánh mắt, những lời kinh ngọt ngào…
Cần những lắng lo, cần những xuyến xao…,
Những lời khuyên,
Cả những chiếc roi đòn mỗi khi lầm lỗi !

Có mẹ,
Có nồi canh nóng, bát cơm thơm… mỗi khi trời tối,
Có ánh đèn dầu leo lét trên những lối đường khuya.
Có bánh thuẫn, bánh in…,
Và bộ đồ mới mỗi khi Tết đến Xuân về,
Có hương vạn thọ, dưa chua, nếp mới…
Mỗi khi vào tháng Chạp !

Nhớ mẹ,
Những bước tiễn đưa con mà lòng như muối xát,
Những chiều ngóng đợi, những sáng mong chờ…
Những đêm thức nguyện cầu đong đầy những ước mơ,
Những nụ cười tươi
Của hạnh phúc hàn huyên, của ấm êm đoàn tụ…

Chẳng cần “đập cổ kính”,
Vì mẹ vẫn ở đây trong nhiệm mầu hiệp thông gặp gỡ,
Đâu cần “xếp tàn y”, vì tình mẹ hương vẫn dạt dào.
Mẹ nằm đây hay mẹ đang ở trên cao,
Quê hương Nước Trời,
Nơi ấy bình yên, xin mẹ hãy mỉm cười, mẹ nhé !

Sơn Ca Linh (9.10.2022)
 
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương hai
Vu Van An
18:15 09/10/2022

Chương Hai: Các Chi Thể của Giáo Hội Ở Đây, Trên Trái Đất Này, Tất Cả đều Là Người Có Tội Nhưng Bản Thân Giáo Hội Không Có Tội



1. Ở đây tôi không nói về Giáo hội trên trời, mà nói về Giáo hội đang hành hương trên mặt đất. Ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria, người cho đến khi được Mông triệu là một phần của Giáo hội trên trái đất, thì các chi thể của Giáo hội ở đây trên trái đất này quả đều là kẻ có tội. Trước hết xin nói đôi lời về điểm này.

Con cái Ađam, tất cả đều được sinh ra thiếu mọi ân sủng, và chính trong bản chất con người nghiêng về sự dữ mà trong Phép Rửa, họ đã lãnh nhận được ân sủng; họ hết thẩy đều mang trong mình vết thương của tội lỗi đầu tiên. Họ phạm tội nhẹ rất thường xuyên dù ít hay nhiều, trong nhiều trường hợp họ phạm tội ít hay nhiều nặng nề, thường chính họ không thấy vì họ đã làm ngơ việc thanh tẩy tâm hồn họ.

Những tội lỗi mà linh mục và các tín hữu cáo mình mỗi ngày khi bắt đầu thánh lễ, - "Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót,"- không ngăn cản họ rước Mình Thánh Chúa chưa đầy nửa giờ sau lời thú tội này. Họ là những kẻ có tội, đúng như vậy: họ phạm tội mỗi ngày vì sự yếu đuối của con người; và nếu họ phạm tội trọng thì họ phải chạy tới Bí tích Sám hối để được giải tội. Họ được ân sủng và bác ái thường xuyên.

Và có những chi thể khác của Giáo hội (đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, một bí tích đã in vào họ một "ấn tích" không thể xóa nhòa, cũng như Bí tích Thêm sức, và họ đã giữ đức tin), sống trong sự dữ và đánh mất ân sủng và bác ái, tôi nói trước mắt Thiên Chúa, Đấng chỉ một mình Người biết tận đáy lòng. Người ta gọi họ là các chi thể "đã chết". Tôi không thích từ ngữ này: vì, như tôi sẽ chỉ rõ thêm, trên thực tế, họ vẫn được men sự sống làm cho hoạt động {1}.

Tuy nhiên, chúng ta cứ gọi họ là các chi thể “đã chết”, vì từ ngữ này khá tiện lợi. Và chúng ta hãy nói rằng trong thực tại hiện sinh, tất cả các chi thể của Giáo Hội ở đây trên trái đất, các chi thể "sống" hay các chi thể "đã chết", đều là kẻ có tội, - ít nhiều là những kẻ có tội; và luôn luôn phải lo sợ rằng một ngày nào đó Kitô hữu tốt nhất sẽ chiều theo cơn cám dỗ, và đánh mất sủng, và thậm chí có thể sẽ sa vào một cuộc sống tội lỗi nghiêm trọng; cũng như người ta luôn hy vọng rằng một ngày nào đó kẻ bất hảo tồi tệ nhất sẽ thực sự trở về với Thiên Chúa, và có thể sẽ chết như một vị thánh.

2. Trên một bình diện hoàn toàn khác, cũng cần phải nói rằng trong ý thức mà một người có về chính mình, một linh hồn càng cao trọng trong ân sủng thì càng cảm thấy mình là một người có tội, bởi vì lúc đó họ biết rất ít "điều vốn có nơi con người", chỉ cóThầy họ mới biết trọn vẹn. Nếu các thánh tự cáo mình như vậy, thì không hẳn do sự bối rối tinh thần cho bằng do cái nhìn hữu thể học tỏ tường về sự mong manh của con người đứng trước sự cao cả và vẻ đẹp khôn lường của Thiên Chúa, (2} và vực thẳm đau khổ mà Lòng Thương Xót đã khiến Con của Người phải bước vào để cứu chúng ta.

Và khi các thánh nghĩ đến tất cả những hồng ân nhận được mà không do công lao nào của họ và là những hồng ân họ làm sinh hoa kết trái rất ít, và sự khốn cùng vẫn tồn tại trong họ, có lẽ họ không sai khi tự đặt mình xuống dưới những kẻ có tội lớn lao mà họ từng cầu nguyện cho, những tên xã hội đen sát nhân tội nghiệp và những cô gái điếm tồi tàn, hoặc thậm chí cả những người giàu đáng thương chuyên nuôi gia tài và tình nhân của họ bằng máu của những kẻ chết đói, hoặc thậm chí cả những kẻ đáng thương bị ảo tưởng về đế chế hoặc về cách mạng vốn thiết lập quyền lực của họ trên hàng núi xác chết. Các thánh không hề nghi ngờ rằng tất cả những người quen thói hư xấu xa này thực sự là anh em của các ngài.

Đối với ý thức mà người có tội có về mình thì hoàn toàn khác. Họ tìm cách biện minh cho chính mình trong mắt mình, hoặc ít nhất tìm cách nào đó để chấp nhận bản thân mình không cần ăn năn. Họ làm điều này nhiều cách. Như các nhà văn Nga, và trên hết là Dostoevsky, đã thấy một cách đáng ngưỡng mộ, có một số người tự nói với mình: "Tôi là một tên vô lại, tôi chìm đắm trong bùn lầy", với những giọt nước mắt thương hại cho chính họ, cho sự buông thả và cam chịu, và không phải là không có lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Có những người khác, trong khi giữ đức tin, nói rằng "Tôi đúng khi sống như hiện nay, và tôi tự hào về bản thân mình, đó là đạo đức của các linh mục chánh xứ, những vị đã làm hỏng mọi thứ bằng cách áp đặt những điều không thể...."

Còn đối với những người không phải Kitô hữu của nền văn minh Phương Tây chúng ta, chắc chắn họ không có cảm thức tội lỗi nào, nhưng họ biết hối hận là gì, và điều này đủ để tiêu diệt một con người. Làm thế nào để tìm cái cớ? Toàn bộ vấn đề là cứu lấy lòng kiêu hãnh của tôi bằng cách buộc tội mọi thứ, vì sự ác ở nơi họ, đúng không, chứ đâu phải ở nơi tôi. Để phát hiện điều vừa rồi, thật may mắn là triết học đã có mặt ở đó, với những khám phá của nó và những bức tranh mới về thế giới và về thân phận con người mà nó đã tiết lộ cho chúng ta. Vậy thì hãy dành chỗ cho những nhà tư tưởng dạy chúng ta rằng hy vọng duy nhất là ở sức mạnh sáng tạo của con người, và những người phủ nhận Thiên Chúa vì có sự dữ trên trái đất. Những người này vẫn nghĩ rằng nếu có Thiên Chúa ở trên trời thì có lẽ Người tốt lành; và, một cách nào đó, họ vẫn gắn bó với di sản văn hóa Do Thái-Kitô giáo, chẳng hạn như Marx. Và, cuối cùng, hãy dành chỗ cho những nhà tư tưởng khác đã hoàn toàn cắt đứt với di sản văn hóa này, và là những người nói với chúng ta phải thất vọng đối với con người cũng như đối với Thiên Chúa. Những người này loan báo cái chết của Thiên Chúa, - và cái chết của con người, - trong khi mơ ước siêu nhân với Nietzche, người vĩ đại nhất trong số họ, hoặc trong khi, như Freud, đưa ra một phương pháp trị liệu cho con vật đồi trụy là chúng ta.

3. Một người Công Giáo hiện đại sẽ làm gì sau khi những người như thế này, tràn đầy thiện chí và muốn tỏ ra mình trọn vẹn thuộc thời đại của mình, như thể chưa ai nói cho họ hay: nolite conformari huic saeculo? [đừng đồng hình đồng dạng với thế gian này]. Họ nghĩ rằng thời điểm đã đến để thay đổi mọi thứ một cách triệt để. Do đó, hệ ở chúng ta, và ở những người như thế, phải làm mới lại đức tin. Giáo hội cũ đã chết hoặc đang chết vì bị lịch sử làm vấy bẩn: chúng ta có nhiệm vụ tạo ra một Giáo hội khác. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng nếu quả có một Thiên Chúa siêu việt, Thiên Chúa của Ápraham, của Ysaác và của Giacóp, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha ở trên trời (cách diễn đạt đáng tiếc, do sự thiếu hiểu biết của mặc cảm phản phụ hệ), vị Thiên Chúa của thiên đàng này sẽ làm chúng ta ra xa lạ với chính mình và đối với chúng ta còn tệ hơn là điều ác: chúng ta có nhiệm vụ tạo ra một Thiên Chúa do yêu cầu của con người không xa lạ với chính mình và của một tôn giáo chỉ tôn vinh những gì là của mình, Thiên Chúa của trái đất mà thôi, ẩn sâu nơi lực lượng hữu hình và sống động trong chúng ta của một thế giới đang trở nên.

Những nhà tư tưởng trên là những Kitô hữu (tân Kitô hữu), những người nghĩ rằng họ đã nhận được sứ mệnh tiên tri cho ngày hôm nay. Có lẽ có những vị thánh trong số họ (con người là một con vật kỳ lạ), những vị thánh mà trái tim của họ đã khiến họ mất đầu óc. Nói cho ngay, sự kiện vẫn là sự biến đổi toàn diện mọi giá trị được họ rao giảng là giấc mơ của một thiếu niên mắc bệnh ham muốn, và bản thân họ cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng trí thức nghiêm trọng kiểu ở tuổi dậy thì, có nguy cơ làm họ mệt mỏi lâu dài, mặc dù những cuộc khủng hoảng này mang tính chất nhất thời.

Dù là như thế đi nữa, người ta vẫn có thể tự hỏi, trong ý thức mà họ có về bản thân, về cảm giác sâu sắc là kẻ có tội, là tro bụi, mà trong nhiều thế kỷ đã cư ngụ trong linh hồn Kitô hữu, điều gì đang trở nên. Hãy ý tứ, họ nói với chính họ, hãy lưu ý tới mặc cảm tội lỗi! Họ biết rõ, một cách chắc chắn, rằng họ có thể sai lầm như mọi con người. Nhưng ở nơi không còn cảm thức gì về sự siêu việt vô hạn và lòng nhân từ vô hạn của Đấng Cực Thánh, thì điều không thể tránh khỏi là cảm thức tội lỗi chân chính sẽ trở nên cùn nhụt, - không còn gì liên hệ tới mặc cảm tội lỗi, vì nó tự liên kết với niềm vui (thánh thiêng) của giải phóng và cứu rỗi, với bình an trong trái tim và tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn, - và khiến con người nhìn thấy sự thật, và sự đe dọa, của chính mình, vốn cố hữu trong tất cả các sợi chỉ dệt nên hữu thể họ, về sự hư vô mà từ đó họ đã được kéo ra, và bất cứ lúc nào, qua sự tự do vốn là đặc quyền đáng ngưỡng mộ của họ, họ có thể bước vào để tiến hành việc tự đánh mất chính mình về phương diện tinh thần, nhưng, để được kéo ra khỏi đó một lần nữa, chỉ cần một hành vi tự do tương tự để quay về với Thiên Chúa.

Làm thế nào để cảm thức tội lỗi chân chính mà tôi vừa nói sẽ không bị cùn nhụt mạnh mẽ trong các vị tiên tri mới của chúng ta? Điều chắc chắn vì trong lối giảng dạy mới của các giáo sĩ, người ta ngày càng ít nói tới tội lỗi, thay vì làm người ta thấy rõ hơn điều nó thực sự là, khiến nhiều Kitô hữu, những người, trong một thế giới ngày càng bất nhân hơn, chỉ tin rằng bản thân họ được tạo ra để ngày càng tự hào làm người hơn, đã coi việc chạy tới với Bí tích Sám hối là một lao dịch gây phiền phức và dư thừa{3}.

4. Tuy bao gồm các chi thể đều là những kẻ có tội, và đều mang trong mình vết thương của tội nguyên tổ, nhưng chính Giáo Hội, thánh thiện và tinh tuyền, không tỳ vết, "thánh thiện bất khả khuyết"{4}, thì trong sạch, không một dấu vết tội lỗi nào. Quả quyết một nghịch lý như vậy là nói rằng trong yếu tính, Giáo Hội khác với mọi gia đình vĩ đại hay cộng đồng nhân loại nào, dù trần thế hay thiêng liêng, mà chúng ta biết, và so với họ, Giáo Hội có một đặc ân tuyệt đối độc nhất vô nhị. Nếu Giáo Hội hoàn toàn là nhân bản, thì Giáo Hội cũng hoàn toàn được nâng lên cuộc sống thần linh, một cuộc sống Giáo Hội vốn được ủy nhiệm thông truyền cho chúng ta.

Trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ có câu chúng ta tin "in Deum Patrem omnipotentem,"[vào Chúa Cha Toàn năng] và "in Jesum Christum," [vào Chúa Giêsu Kitô] và "in Spiritum Sanctum," [vào Chúa Thánh Thần] trong khi đối với Giáo Hội (cũng như đối với sự tha thứ tội lỗi, sự sống lại từ cõi chết và cuộc sống vĩnh cửu) giới từ in bị lược bỏ. Chúng tôi tin "sanctam Ecclesiam catholicam," [Giáo Hội thánh thiện Công Giáo] - hoặc, trong bản dịch tiếng Pháp (ở đây tôi nhắc tới kinh Tuyên xưng Đức tin của Đức Phaolô VI): chúng tôi tin "à l'Eglise une, Sainte, catholique et Apostolique" [Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền]. Với Thiên Chúa, chúng ta "croyons en" [tin vào] Người, vì Người là tác giả của hiện hữu và là tác giả của cứu rỗi, và vì trong vực thẳm bất tạo của Chân lý và Lòng tốt của Người, chúng ta thả trọn cả hữu thể của chúng ta, trí hiểu và tình yêu của chúng ta vào, nói cách khác, vì chúng ta tôn thờ Người. Giáo hội thì chúng ta không tôn thờ, và do đó không tin "en" Giáo Hội, nhưng "à" Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội được tạo ra, và là hồng phúc thần linh ban cho vũ trụ tạo dựng. (Và tương tự như vậy là những hồng phúc ban cho tạo vật: ơn tha tội, sự sống lại của người chết và sự sống đời đời). Nhưng sự khác biệt của các giới từ enà {5} không hề có nghĩa Giáo hội chỉ là một vật thể nhân bản thuần túy và đơn giản, không ngụ ý trong hữu thể của mình việc tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa. (Liệu việc tha tội, sự sống lại của người chết và sự sống đời đời có phải là những điều hoàn toàn nhân bản và tự nhiên không?) Giáo Hội, người, qua giáo huấn của mình, vốn đề nghị với chúng ta tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải, và bằng Thánh lễ đã vĩnh viễn hóa ở đây trên mặt đất này lễ hy sinh của Chúa Kitô, và bằng các Bí tích đã thánh hóa chúng ta, từ căn bản vốn thuộc về trật tự siêu nhiên, và Giáo Hội chính là một mầu nhiệm đức tin, như tôi đã lưu ý.

Để giúp chúng ta có được một số hiểu biết nào đó về mầu nhiệm này, tôi không biết vị hướng dẫn nào tốt hơn Đức Hồng Y Journet {6}. Trong hơn năm mươi năm, chính ngài là bậc thầy của tôi trong vấn đề này. Và nếu trong một thời gian suy niệm lâu dài như vậy, tôi có tách xa ngài vào một lúc nào đó, - như điều này cũng đã xảy ra nơi tôi đối với Tiến sĩ Thiên thần - đó là vì tôi cảm thấy mình là đệ tử của ngài một cách sâu sắc hơn và thực sự hơn (một đệ tử chân chính là một đệ tử tự do, không phải sao?).

5. Mọi sinh vật, ở đây trên trái đất này, đều có linh hồn là nguyên lý của sự sống của nó, và một cơ thể trong đó và bằng các hoạt động của nó sự sống này biểu lộ một cách hiển thị. Như thế, về sự sống của mọi sinh vật, đặc biệt là của con người, chúng ta có những dấu hiệu bên ngoài: trong chính nó, - hay một cách chính xác, bao lâu hoạt động nội tại của nó vận hành trong sâu thẳm của cơ thể, và nơi con người, của tinh thần, - sự sống này là vô hình, giống như linh hồn mà từ đó nó phát xuất.

Đối với Giáo hội cũng vậy. Linh hồn bất tạo của Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, Đấng, như Công đồng Vatican II nói, ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong một Đền thờ{7}, và “nhờ sức mạnh của Tin Mừng, đã làm trẻ trung lại Giáo hội và đổi mới Giáo Hội vĩnh viễn"{8}, đến nỗi "các Giáo phụ thánh thiện đã so sánh vai trò của Người với vai trò mà nguyên tắc sống đã đóng trong cơ thể con người, nghĩa là linh hồn"{9}.

Nhưng chính Giáo hội, Khuôn mạo nhân bản vĩ đại và mầu nhiệm này, đang lữ thứ dưới mắt chúng ta từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ, cũng có một linh hồn được tạo dựng {10} - và một sự sống được tạo dựng – mà Giáo Hội nhận được một cách siêu nhiên từ Thiên Chúa và là ơn thánh hóa ( "một tập tính thuộc hữu thể [habitus entitativus]") và đức ái ("một tập tính thuộc hành động” [habitus operativus]," như biệt ngữ của các triết gia và các nhà thần học thường nói). Linh hồn và sự sống của Giáo hội là ơn thánh và đức ái, là những thực tại vô hình trong chính chúng. Ở đâu có ân sủng và đức ái, ở đó có sự sống của Giáo Hội, và ở đó có Máu Chúa Kitô chuyển tới. Nơi nào không có ân sủng và đức ái, nơi đó Máu của Chúa Kitô không chuyển tới. Một người đã chịu phép rửa trong Giáo hội phạm tội đến mức nào, thì họ sẽ xa rời đời sống Giáo hội đến mức đó; nếu họ tự đặt mình vào tình trạng tội lỗi (trong khi giữ đức tin, nhưng đức tin mà không có lòng bác ái thì tự nó là "đức tin chết") họ vẫn là một chi thể của Giáo Hội, nhưng lúc đó, sự sống của Giáo Hội không còn truyền qua họ nữa. Trong chừng mực họ sống bằng ân sủng và đức ái, họ cũng sống bằng sự sống của Toàn thể mà họ là chi thể, và Toàn thể này chính là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và Hiền thê của Người.

Do đó, mọi mâu thuẫn được dỡ bỏ ngay từ lúc người ta hiểu rằng, một mặt, bản thân Giáo hội không có tội lỗi bởi vì sự sống của Giáo Hội là ân sủng và đức ái, - trong sự sung mãn của chúng, tôi sẽ trở lại điểm này sau này, - và mặt khác, mỗi chi thể của Giáo Hội đều là người có tội, theo mức trong đó, khi trượt xa ân sủng, họ trượt xa cùng một lúc sự sống của Toàn thể mà họ là một chi thể.

6. Điều trên đúng, mặc dù theo một cách khác nhau trong yếu tính, đối với các chi thể "sống" của Giáo hội và các chi thể "chết" của Giáo hội.

Đối với các chi thể "sống", phần xấu trong họ luôn lớn hơn điều tỏ ra lúc thoạt nhìn.

Thật vậy, nơi con người, không nên chỉ xem xét sự xấu luân lý đúng nghĩa, - tức sự xấu luân lý của ý chí tự do, - mà cả điều người ta có thể gọi là sự xấu luân lý thuộc bản chất, ý tôi muốn nói là các thiên hướng hay khuynh hướng xấu, mà chúng ta không chịu trách nhiệm - chúng đến với chúng ta từ Ađam và từ di truyền bản thân của chúng ta - và chúng ta thường không nhận thức được, chúng bị che khuất khỏi mắt chúng ta nhưng, trước mắt người lân cận, chúng có thể hiển hiện. Thế nhưng, trong những chi thể "sống" của Giáo hội, những khiếm khuyết hay hư hỏng của bản chất vẫn có đó, cùng hiện hữu với ân sủng và đức ái, - bên dưới chúng, có thể nói như thế, như cặn bã ở đáy bình rượu quý chưa được gạn lọc: tự tôn, tự ti-mặc cảm, hoặc tự tôn mặc cảm, nhu cầu tối tăm cần được người khác công nhận và làm hài lòng họ, hoặc nhu cầu tối tăm muốn thống trị người khác, và tính hiếu chiến khiến ta bôi bẩn họ trong phán xét của chúng ta, sự nhạy cảm bệnh hoạn, v.v. Chắc chắn một lúc nào đó, tất cả những điều này có thể khiến một chi thể "sống" của Giáo Hội sa vào tội lỗi, nhưng thường xuyên hơn, sống bám, trong khi làm méo nó, điều tốt vốn có trong họ, và phát sinh hoa trái suốt cuộc hiện hữu của nó. Nhiều người sẽ từ từ tự giải thoát quyền lực hạ giới do tất cả những điều này điều khiển nhờ luôn tiến bộ trong đức ái, và cũng nhờ hiệu lực của việc Rước Lễ thường xuyên; chỉ có những vị thánh mới gần như được giải thoát khỏi nó. Trong khi đó, và chừng nào tất cả những điều này chưa bị thiêu hủy bởi đức ái, thì tất cả những gì trong các chi thể "sống" của Giáo hội phát xuất từ những thiếu sót của bản chất và làm hư ít nhiều những gì tốt đẹp họ đã thực hiện, đều làm giảm bấy nhiêu ân sủng và đức ái vốn có trong họ, và đồng thời cũng làm họ xa lìa sự sống của Toàn thể mà họ là các chi thể, sự sống riêng của Nhiệm thể Chúa Kitô đang được lưu chuyển trong các chi thể của nó trong tình trạng ân sủng{11}.

Liên quan tới các chi thể "chết", chúng ta có nguy cơ không nhận ra nơi họ chính phần tốt đẹp của họ. Phần này vẫn luôn lớn hơn nhiều so với gợi ý của từ ngữ "chết".

Thứ nhất, vì nếu bản chất con người có bị tổn thương kể từ lúc Sa ngã đi nữa, thì bản thân nó vẫn đã được tạo ra tốt đẹp và duy trì một tính tốt đẹp căn bản. Nơi những người đã bỏ rơi Thiên Chúa và tuyệt vọng về chính mình vẫn còn nhiều dự trữ về sự tốt lành và đại lượng, và vào những khoảnh khắc nhất định nào đó, họ vẫn có thể làm chúng ta ngạc nhiên bởi những chuyển động sâu sắc của linh hồn và những hành động đẹp đẽ lạ thường xiết bao! Những chuyển động bên trong và những hành vi này thuộc trật tự hoàn toàn tự nhiên, chắc chắn như thế. Nhưng sự sống của Giáo hội, vốn là ân sủng siêu nhiên và đức ái siêu nhiên, không hề bỏ qua họ, nếu các linh hồn đang đề cập thuộc về Giáo hội nhờ ấn tín phép rửa và nhờ đức tin, thì việc làm tốt hoàn toàn tự nhiên nơi họ, cũng như chính họ, đều thuộc về Giáo hội và là một phần kho báu của Giáo hội.

Nhưng vẫn còn nhiều điều hơn thế nữa: Tôi nghĩ đến tất cả những điều thánh thiện, và tùy thuộc lòng bác ái thần linh đối với chúng ta, những điều này vẫn còn đó: đức tin trước hết, nếu những người có tội này vẫn giữ được nó và vẫn còn giữ được nó. Và nếu họ cũng giữ được đức cậy đối thần. Và chừng nào trái tim không chai đá, còn biết thống hối vì đã phạm tội. Và lời cầu nguyện đột nhiên dâng lên trên môi họ, mà người ta tưởng họ đã quên khuấy. Và sau đó các ơn hiện sủng mà họ nhận được vào những thời điểm nhất định nào đó và đôi khi lọt vào những chuyển động lớn của linh hồn, tự nhiên trong chính họ, điều mà tôi đã nói đầu tiên. Tôi cũng nghĩ đến những dấu vết do ân sủng để lại mà người ta đã phản bội, và đến tính lưỡng nghĩa của những hiệu quả mà chúng tạo ra: lúc thì tưởng nhớ, hối tiếc, hoài niệm, lúc thì oán hận chuyển thành hận thù vị Thiên Chúa này và Giáo hội này chống lại sự lôi cuốn giấu mặt của kẻ tự bảo vệ mình (chúng ta biết rằng sự ghét bỏ đôi khi là sự nghịch đảo của tình yêu, giận dữ đối với điều người ta từng yêu mến và là điều người ta vẫn muốn có thể yêu). Và tôi cũng nghĩ trước hết đến áp lực bí mật được đức ái tập thể và lời cầu nguyện chung của Giáo hội và các thánh của Giáo hội thực hiện, không ngừng cầu bầu cho mọi người, nhất là những người có tội.

7. Đối với tôi, dường như sau khi đã suy gẫm một chút về tất cả những điều trên, người ta đã sẵn sàng nắm được, trong chân lý hiện thực nổi bật của nó, điều mà tôi cho là trực giác chính của Đức Hồng Y Journet liên quan đến "biên giới riêng" của Giáo hội, được xem xét trong linh hồn tạo dựng và sự sống của Giáo Hội (ơn thánh hóa và đức ái) như trong Linh hồn bất tạo của Giáo Hội, tức Chúa Thánh Thần. Ngài viết, "Những biên giới này, chính xác và có thực, chỉ bao gồm những gì trong sạch và tốt lành nơi các chi thể của Giáo Hội, cả những người công chính lẫn những người có tội, nhận vào trong mình tất cả những gì thánh thiện, cả nơi những người có tội, để lại bên ngoài mình tất cả những gì không trong sạch, cả nơi những người công chính; chính trong tác phong của chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta, trong trái tim của chúng ta mà Giáo hội và thế gian, Chúa Kitô và Bêlian, ánh sáng và bóng tối đối đầu với nhau. Toàn thể Chúa Kitô, Đầu và Thân thể, là thánh thiện trong mọi chi thể của Người, người có tội và người công chính, lôi kéo vào Người mọi sự thánh thiện, cả sự thánh thiện của các chi thể tội lỗi của Người, khước từ khỏi Người mọi sự ô uế, cả sự ô uế của các chi thể công chính của Người"{12}. Chính thư thế mà Người phối ngẫu của Chúa Kitô là "hoàn toàn rực rỡ, không có vết bẩn hay nếp nhăn hay bất cứ điều gì tương tự, nhưng thánh thiện và vô nhiễm, sancta et immaculata."

"Biên giới của Giáo hội đi băng qua chính trái tim của chúng ta"{13}. "Giáo hội phân chia nơi chúng điều thiện và điều ác. Giáo hội giữ lại điều thiện và bỏ điều ác. Các biên giới của Giáo hội đi băng qua trái tim chúng ta." {14} Ở đây chúng ta có những từ ngữ soi sáng mọi điều, và chúng liên quan đến bí mật của các trái tim.

Bao lâu người ta hành động trong ân sủng và đức ái, họ sống bằng sự sống của Giáo Hội, các hành động của họ biểu lộ trong họ chính sự sống của Toàn Thể mà họ là thành phần. Người ta thiếu ân sủng và đức ái bao nhiêu, thì họ xa lìa sự sống của Giáo Hội bấy nhiêu, nếu họ là chi thể của Giáo Hội. Và các sai lỗi họ phạm không hề là những vết nhơ bôi lên Giáo Hội, vì Giáo Hội không liên hệ gì tới chúng cả; chúng không làm nho8 khuôn mặt của Giáo Hội, chỉ giống như các khạc nhổ mà bọn lính La Mã đã nhằm vào khuôn mặt Chúa Giêsu. Tội lỗi của Alexanđêrô VI chỉ liên quan đến ông ta, từ ông ta mà phát xuất; chúng không có liên hệ gì tới ngôi vị của Giáo Hội, chỉ xúc phạm đến Giáo Hội mà thôi.

8. Ở đây chúng ta đang đứng trước câu hỏi lớn về tư cách ngôi vị của Giáo hội, nghĩa là ở chính trung tâm của mầu nhiệm Giáo hội. Người ta sẽ chẳng hiểu gì về mầu nhiệm này nếu trước nhất họ không biện phân được trong đó mầu nhiệm về ngôi vị của Giáo hội hoàn vũ, Una, Sancta, Catholica, Apostolica [Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo, Tông truyền] vượt trên các ngôi vị của các chi thể của Giáo Hội vốn đều là những người có tội, trong khi ngôi vị của chính Giáo Hội thì thánh thiện và vô nhiễm. Công Giáo, như Thánh Augustinô thích gọi, tức Giáo hội như được xem xét trong tính phổ quát và sự hiệp nhất cũng như linh hồn vô hình và thể xác hữu hình Giáo Hội cùng một lúc, có một tư cách ngôi vị khác biệt với tư cách ngôi vị của các chi thể đã tạo nên Giáo hội, và chính trong chừng mực như Giáo hội, Giáo Hội là một ngôi vị. Để tự thuyết phục về điều này, chỉ cần đọc Thánh Phaolô, người luôn nói về Giáo Hội như một ngôi vị.

Đó là điều tôi sẽ mạo hiểm xem xét kỹ hơn, được hướng dẫn bởi thần học, nhưng trung thành với những mối quan tâm thích đáng của triết gia, tôi muốn nói về triết gia Kitô giáo.

Ghi chú

{1} Một người không còn là chi thể của Giáo hội nếu họ không giữ đức tin. (Xem Ch. Journet, L'Eglise du Verbe Incarné, cuốn II, trang 1056-1081.) Ai mất ân sủng và đức ái là một chi thể "chết", và đức tin của người đó cũng "chết" (đối với đời sống vĩnh cửu). Tuy nhiên, trong chính nó, nó luôn luôn là một hồng phúc của trật tự siêu nhiên, để những chi thể như vậy "vẫn nhận được từ Chúa Kitô một hành vi sống nào đó, đó là tin" (Sum. Theol., III, q. 8, a. 3, ad 2).

{2} "Thánh nhân không đặt mình vào viễn ảnh một lý tưởng hoàn hảo được đề xuất cho nỗ lực của ngài, để đo lường từ đó về sau liệu ngài đã đến gần nó hay chưa hay thậm chí ngài đã chấp nhận nó hay chưa. Sự khốn cùng mà ngài than thở và được tỏ lộ cho ngài trong ánh sáng nhờ đó ngài tri nhận được sự siêu việt thần thánh, dù tri nhận này có thể hỗn độn ra sao, không phải là sự khốn cùng trong nhân đức của ngài, thậm chí cũng không phải trong ý hướng của ngài. Một cách sâu xa hơn và tuyêt đối hơn, nó là sự khốn cùng của hữu thể ngài, không phải do nhận thức trừu tượng hay siêu hình, mà do cách phản ứng quan yếu trước sự Hiện diện của Đấng thần linh." (Dom Pierre Doyère, Introduction au Héraut de l'Amour divin [Dẫn nhập vào Sứ giả Tình yêu Thần linh], t. 2 des Ouvres Spirituelles de St. Gertrude, Paris, éd. Du Cerf, 1968, trang 39-40.)

{3} Tuy nhiên, tôi xin nói thêm, đối với sự ác cảm hiển nhiên ngày nay đối với việc sử dụng đồ nội thất thảm hại đến nực cười gọi là 'Tòa Giải Tội' thì có một lý do hoàn toàn khác. Tôi tin rằng những ai - rất chính đáng – coi việc Xưng tội thường xuyên là một phong tục bình thường trong đời sống thiêng liêng ngày càng cảm thấy một cách không vui hơn sự không tương ứng giữa ý tưởng cho rằng tội lỗi của thế gian đã khiến Thiên Chúa chết trên Thập giá và việc hàng tuần soạn ra một danh sách các lỗi lầm hiện có, luôn luôn y hệt nhau, để xưng thú mà không quên bất cứ điều gì, hơi giống như một danh sách các khoản cần mua ở chợ. Há không đáng mong muốn hay sao khi tất cả những tội lỗi luôn luôn giống nhau này trở thành đối tượng của một công thức xưng tội được cộng đồng đọc định kỳ, và sau đó, là việc giải tội chung, - việc xưng tội riêng được dành cho những tội lỗi thực sự làm khổ linh hồn hối nhân?

{4} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. V, s. 39.

{5} Người ta nên lưu ý rằng trong hình thức phương Đông của Kinh Tin Kính Các Tông Đồ (Thánh Cyril thành Giêrusalem), cùng một giới từ eis được sử dụng cho Giáo Hội cũng như cho Thiên Chúa (Xem Denz.-Schön., 41.)

Nếu người ta không dành cho "croire en" [tin vào] ý nghĩa nổi bật của việc biểu lộ sự tôn thờ, nhưng nghĩa hiện tại trong tiếng Pháp là hoàn toàn nhất trí tuy không nhìn thấy (đối với các chân lý được Thiên Chúa mạc khải), tôi nghĩ rằng việc sử dụng tiếng Hy Lạp là thích hợp hơn, và tốt hơn nên nói "je crois en" suốt Kinh Tin Kính. Hơn nữa, đây là điều người ta làm hiện nay trong các sách lễ bằng tiếng Pháp.

Trong cuốn sách tuyệt đẹp của ngài, La Foi Chrétienne (Paris, Aubier, 1969), Cha de Lubac đã làm sáng tỏ một cách mạnh mẽ sự khác biệt giữa "credere in" [tin vào] và "credere" [tin] tiếp theo sau là danh từ ở đối cách [accusative]. Nhưng để biện minh cho việc sử dụng "je crois en Dieu" [tôi tin vào Thiên Chúa], trong tiếng Pháp, người ta có thể lập luận từ chương đáng chú ý (Ch. VIII) của cùng một tác phẩm, nơi tác giả cho thấy tính mới mẻ triệt để của sứ điệp Kitô giáo đã buộc người ta phải đối xử bạo lực với ngôn ngữ Latinh, đến mức bóp nghẹt quá đáng chủ nghĩa Cixêrông (Ciceronianism) của Thánh Giêrôm và của Thánh Augustinô. Cưỡng bức dẫn nhập bởi đức tin Kitô giáo vào Ba Ngôi Thiên Chúa, "credere in" là lỗi ngữ pháp trong tiếng Latinh. Nhưng điều này không hề đúng đối với "croire en" trong ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta nói "je crois en la dignité de l'homme" [tôi tin vào phẩm giá con người] như chúng ta nói "je crois en Dieu [tôi tin vào Thiên Chúa]." "Croire en" không phải là một hình thức văn phạm bất thường, được đưa vào tiếng Pháp một cách cưỡng bức để thể hiện ý tưởng tôn thờ. Khi người ta tự phát biểu bằng tiếng Pháp, không có lý do gì để không nói "je crois en l'Eglise" [tôi tin vào Giáo Hội].

{6} Xem trước hết khảo luận lớn của ngài L'Église du Verbe Incarné (Paris, Desclée De Brouwer).

{7} Xem 1Cr. 3, 16; 6, 19.

{8} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. I, s. 4.

{9} Ibid., s. 7. - Xem Đức Lêô XIII, thông điệp Divinum illud, và Đức Piô XII, thông điệp Mystici Corporis.

Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội vì Người là nguyên lý đầu tiên của đời sống Giáo hội, ngự trong sâu thẳm tâm hồn các chi thể “sống” của Giáo hội, Người, Thần Khí của Chúa Kitô soi dẫn và hướng dẫn tác phong của Nhiệm thể vĩ đại này xuyên suốt lịch sử loài người. Nhưng nói theo lối ngoa ngữ [hypebolical] thì Người là linh hồn bất tạo của Giáo hội. Quả thật, điều rõ ràng là Người không thể lên mô thức [inform] cho thân thể Giáo hội theo cách, dù có tính loại suy ra sao, trong đó linh hồn lên mô thức cho cơ thể, hoặc là một phần của cấu trúc hữu thể học của bất cứ điều gì chỉ được tạo ra. (Trong sự kết hợp ngôi vị, trong đó Ngôi Lời mang lấy bản tính con người, Chúa Kitô không phải là purus homo [người thuần túy]. Và Giáo hội không phải là Thiên Chúa, như Chúa Kitô.)

Đó là lý do tại sao chúng ta phải nhận ra trong Giáo hội, như Đức Hồng Y Journet vốn làm, một linh hồn được tạo ra như chính Giáo Hội, và lên mô thức cho cơ thể của Giáo Hội, theo cách - loại suy dĩ nhiên - trong đó linh hồn của một sinh vật lên mô thức cho cơ thể nó. Charles Journet nói với chúng ta rằng xét trong hạt nhân của nó, linh hồn được tạo dựng nên này của Chúa Kitô hợp nhất trong nó ba đặc ân là chức tư tế của Người, sự thánh thiện của Người, vương quyền của Người" (L'Église du Verbe Incarné, c. II, tr. 613); xét trong sự biểu lộ của nó trong Giáo hội, nó là "đức ái trong chừng mực liên quan đến việc thờ phượng, bí tích và qui hướng" (sđd, tr. 646)

Nhưng với mong muốn (không phải lúc nào cũng thành công) sử dụng ngôn ngữ kỹ thuật ít nhất có thể trong cuốn sách này, tôi nghĩ nên nói một cách đơn giản rằng linh hồn được tạo dựng của Giáo hội là ân sủng của Chúa Kitô; vì ân sủng là một ơn ban thần linh (được tạo ra) để hoàn thiện linh hồn chúng ta và ban cho nó một bản chất mới, và chính từ nó mà đức ái phát xuất, giúp hoàn thiện ý chí và hành động của chúng ta, đến nỗi người ta có thể coi nó như chính sự sống của Giáo Hội. Hai khái niệm ân sủng và bác ái này có liên quan mật thiết với nhau đến nỗi người ta thường nói rằng ân sủng và bác ái là linh hồn và sự sống của Giáo hội.

{10} Xem Charles Journet, Théologie de l'Eglise, Paris, Desclée De Brouwer, 1958, trang 193-213.

{11} Ân sủng được Thiên Chúa ban trực tiếp cho bất cứ ai tiếp nhận nó, trong mối liên hệ giữa Ngôi vị với ngôi vị. Nhưng, ân sủng mà mỗi ngôi vị lãnh nhận là một trong những phần cấu thành sự sung mãn [pléroma] mọi ân sủng vốn là linh hồn của Giáo hội, đến nỗi bất cứ ai sống nhờ ân sủng của Chúa Kitô, thì bởi chính sự kiện này, cũng sống nhờ linh hồn của Giáo hội. (Xem thêm trên, Ch. X, trang 102-103, 104-106 và chú thích 27).

{12} Théologie de l'Eglise, tr. 244. Tác giả tiếp tục, “Đúng là các vị tông truyền có thể lớn tiếng phàn nàn với các Kitô hữu xấu rằng họ đang làm vấy bẩn Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta nghĩ rằng ý định của họ lúc đó, ít nhằm bệnh vực luận đề thần học về việc Giáo Hội bị nhơ bẩn bởi những vết nhơ của các chi thể của Giáo Hội, cho bằng làm cho các Kitô hữu hiểu rằng họ có quyền [de jure] hoàn toàn thuộc về Giáo hội (điều này đúng), thế giới sẽ bắt Giáo Hội phải chịu trách nhiệm về sự sai sót của họ (điều này cũng đúng nhưng đó là một sự bất công) và theo nghĩa này, họ làm nhơ Giáo Hội trong khi làm nhơ chính họ. "

{13} Charles Journet, Nova et Vetera, 1963, tr. 302 (xem cùng tạp chí này, 1958, tr. 30).

{14} Théologie de l'Église, tr. 236.
 
VietCatholic TV
Putin tái mặt: Âu Châu công khai chúc mừng vụ nổ cầu Crimea. Nguyên nhân? Nga cử tướng mới báo thù
VietCatholic Media
03:17 09/10/2022


1. Bộ trưởng Quốc phòng Nga bổ nhiệm chỉ huy mới cho các hoạt động ở Ukraine

Theo truyền thông nhà nước Nga, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo bổ nhiệm một chỉ huy mới cho cái mà họ gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Bộ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Tướng Sergey Surovikin làm chỉ huy “Nhóm các lực lượng chung” của Nga tại Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết phát ngôn nhân của Bộ, Igor Konashenkov, đã đưa ra thông báo hôm thứ Bảy.

Surovikin là ai? Việc bổ nhiệm Surovikin, người bước sang tuổi 55 vào ngày 11 tháng 10, là lần thăng chức mới nhất trong sự nghiệp quân sự bắt đầu từ năm 1983. Ông đã phục vụ trong một số cuộc xung đột và phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu.

Surovikin lần đầu tiên phục vụ ở Afghanistan trước khi chỉ huy một đơn vị trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Ông cũng từng là người đứng đầu Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Nga.

Ông chỉ huy một số sư đoàn súng trường cơ giới và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Nga ở Syria, khi máy bay chiến đấu của Nga gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở các khu vực do phiến quân nắm giữ. Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và được phong quân hàm Đại Tướng vào năm ngoái. Trong hệ thống quân hàm của Nga, chức vụ này chỉ sau Nguyên Soái. Nga hiện có 12 Đại Tướng hiện dịch.

Khi ở Syria, ông đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Ông đã bị Liên minh Âu Châu trừng phạt vào tháng 2 năm nay với tư cách là người đứng đầu Lực lượng Hàng không vũ trụ trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

2. Điều gì đã gây ra vụ nổ cầu Crimea?

Alexandre Vautravers, tổng biên tập của Swiss Military Review, nói rằng vụ nổ cầu Crimea có thể do một nguyên nhân nào đó khác chứ không phải vụ nổ xe tải như các phương tiện truyền thông Nga loan tin.

Vautravers nói với Al Jazeera: “Khả năng một chiếc xe tải chở chất nổ, và chúng ta đang nói về vài trăm kg chất nổ, có lẽ sẽ không thể gây ra thiệt hại lớn như thế này”.

“Chắc chắn, nó sẽ làm hỏng lớp nhựa đường, phần có thể nhìn thấy của cây cầu, phần chức năng của cây cầu, nhưng chắc chắn cấu trúc sẽ không nhất thiết bị ảnh hưởng như những gì chúng ta thấy,” ông nói thêm.

Ông nói: “Chúng ta làm sao có thể hiểu được câu chuyện chiếc xe tải này đến đó bằng cách nào và tại sao đột nhiên tạo ra tất cả thiệt hại này”.

Chris Bellamy, giáo sư danh dự về an ninh hàng hải tại Đại học Greenwich, cho biết vụ nổ hôm thứ Bẩy trên cây cầu quan trọng ở Crimea là một trở ngại lớn đối với Nga.

Ông nói với Al Jazeera, vụ việc là “một bước lùi cực kỳ quan trọng cả từ quan điểm hậu cần và chính trị”.

Bellamy cho biết cây cầu này vận chuyển một lượng lớn giao thông đường bộ và đường sắt rất quan trọng cho quân đội Nga cũng như cung cấp cho chính Crimea.

Ông nói thêm: “Cây cầu được bảo vệ nghiêm ngặt không chỉ bởi quân đội và hải quân Nga mà còn bởi đội cận vệ quốc gia của Tổng thống Vladimir Putin”.

“Vì vậy, có thể có một chút may mắn nào đó, nhưng dù thế đi nữa đó là một cuộc tấn công cực kỳ thành công” Bellamy nói.

3. Estonia 'Chào mừng và chúc mừng' Ukraine về vụ nổ cầu Crimea

Bất chấp những đe dọa trả đũa bằng vũ khí hạt nhân của Nga, đã có một bầu không khí phấn khởi trên các phương tiện truyền thông ở Trung và Đông Âu sau khi cầu Crimea bị nổ và một vài nhịp cầu rớt xuống eo biển Kerch.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Estonia 'Welcomes and Congratulates' Ukraine on Crimean Bridge Blast”, nghĩa là “Estonia 'Chào mừng và chúc mừng' Ukraine về vụ nổ cầu Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một quan chức từ Estonia đã gửi lời chúc mừng đến Ukraine, sau khi nước này được cho là đã thực hiện thành công một vụ tấn công vào một cây cầu ở Crimea hôm thứ Bảy.

Cây cầu đang được đề cập nối Crimea, khu vực Ukraine bị Nga chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014, với đất liền Nga bằng cách bắc qua eo biển Kerch. Do sự kết nối này, nó được coi là chiến lược quan trọng đối với Nga như một hành lang hậu cần và đường tiếp tế.

Bản thân Ukraine không nhận bất kỳ trách nhiệm nào về vụ nổ làm rung chuyển cây cầu, khiến các bộ phận của cấu trúc bị sập. Trong khi đó, Nga cho rằng vụ việc là do một vụ nổ xe tải, mặc dù tuyên bố này chưa được xác minh độc lập.

Bất chấp mọi sự vẫn chưa rõ ràng, Urmas Reinsalu, Ngoại trưởng Estonia, ghi nhận vụ nổ là do Ukraine trong các bình luận đưa ra với giới truyền thông và chúc mừng những nỗ lực được cho là của Ukraine, theo The Kyiv Independent.

“Estonia chắc chắn hoan nghênh điều này và chúc mừng các đơn vị hoạt động đặc biệt của Ukraine, những người được cho là đứng sau hoạt động này,” Reinsalu nói trong một tuyên bố với các cơ quan báo chí Estonia.

Mark Hertling, một chỉ huy quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, đã thảo luận trên Twitter về việc hư hỏng cây cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác hậu cần của Nga, so sánh nó với sự việc tương tự mà ông gặp phải ở Iraq năm 2007, nói rằng các kỹ sư của ông phải làm việc nhanh chóng để giảm bớt tình hình.

“Ở Iraq, các kỹ sư quân sự tuyệt vời của chúng tôi đã có thể nhanh chóng sửa chữa Cầu Q,” Hertling đã tweet. “Do vị trí, phạm vi hư hỏng trên cả đường sắt và đường bộ, cũng như sự kém cỏi của quân đội Nga, tôi không thấy cầu Kerch có thể sửa chữa sớm được”.

Dù chính phủ Ukraine chưa chính thức công nhận vụ nổ Cầu Kerch hôm thứ Bảy, họ đã thường xuyên lên tiếng chống lại cây cầu này trong quá khứ, gọi việc xây dựng của cây cầu là bất hợp pháp và cây cầu được coi là một mục tiêu quân sự tiềm năng. Một số quan chức Ukraine cũng đã lên mạng xã hội sau vụ nổ, tán dương thiệt hại gây ra cho cây cầu trong khi không tuyên bố hoàn toàn trách nhiệm.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết trong một tweet: “Crimea, cây cầu, là nơi khởi đầu. Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy, mọi thứ bị đánh cắp phải được trả lại cho Ukraine, mọi thứ do Nga chiếm đóng đều phải bị trục xuất”.

“Tàu tuần dương mang hỏa tiễn dẫn đường Moskva và Cầu Kerch - hai biểu tượng khét tiếng về sức mạnh của Nga ở Crimea thuộc Ukraine - đã đi xuống,” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thêm trong một tweet của chính mình. “Tiếp theo là cái gì hả các bạn Nga?”

Trong một tuyên bố trước đó với Newsweek, Tiến sĩ Mike Martin, một thành viên đang thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Đại học King's College London, giải thích thiệt hại đối với Cầu Kerch sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine.

Martin nói: “Việc cầu Kerch bị phá hoại sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến công tác hậu cần của Nga, và rõ ràng là hậu cần là thứ cực kỳ quan trọng trong chiến tranh. Chỉ có một tuyến đường sắt khác để cung cấp cho các lực lượng Nga ở Crimea và ở Kherson, và nó nằm trong tầm bắn của pháo binh Ukraine và nó chạy ngay phía bắc Melitopol.”

Ông nói thêm: “Về mặt chiến lược hay biểu tượng, Putin hoàn toàn gắn bó với cây cầu này. Ông ta đã khánh thành nó bằng cách lái xe thông cầu. Ở Mạc Tư Khoa đã và đang có một trò chơi điên cuồng đổ lỗi cho nhau về những thất bại, và đây là thời điểm hoàn hảo để đổ thêm dầu vào lửa cho trò chơi điên cuồng đó.”

4. Những gì chúng ta biết về vụ nổ trên cầu Kerch

Trong một đòn giáng mạnh đối với Nga, ít nhất một vụ nổ đã làm hư hại nghiêm trọng cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea sáp nhập với Liên bang Nga.

Theo các hình ảnh và video từ hiện trường, vụ nổ đã khiến nhiều phần của cây cầu dài nhất Âu Châu bị sập.

Nguyên nhân chính xác của vụ nổ vẫn chưa rõ ràng. Các quan chức Nga cho biết một xe chở nhiên liệu đã phát nổ, nhưng hai nhịp của con đường băng qua hướng Crimea dường như đã bị sập. Một đám cháy sau đó đã nhấn chìm một đoàn tàu chở nhiên liệu trên một phần dành riêng cho đường sắt của cây cầu.

Những hình ảnh về cây cầu Kerch được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một phần đường dành cho các loại xe, và cầu đường sắt đã bị rơi xuống vùng nước bên dưới. Có thể thấy ngọn lửa bùng cháy từ toa tàu phía trên.

Ủy ban Điều tra của Nga nói rằng thông tin sơ bộ cho thấy ba người đã thiệt mạng trong vụ nổ.

Tại sao cây cầu lại quan trọng? Cây cầu bắc qua eo biển Kerch, nối Hắc Hải với Biển Azov, trên đó có các cảng quan trọng của Ukraine, bao gồm cả Mariupol. Đối với Nga, cây cầu tượng trưng cho sự “thống nhất” hữu hình của Crimea với đất liền Nga. Cây cầu chở nhiều nhu cầu của Crimea - chẳng hạn như nhiên liệu và hàng hóa - và đã được sử dụng thường xuyên để cung cấp vũ khí và nhiên liệu cho các lực lượng Nga.

Hậu quả là gì? Các tuyến giao thông chính giữa lục địa Nga và bán đảo Crimea sáp nhập - bao gồm cả xe buýt và xe lửa - đã bị đình chỉ, sau một vụ nổ trên cầu Kerch. Theo truyền thông nhà nước Nga, điều kiện thời tiết ở eo biển Kerch đang cản trở kế hoạch sử dụng phà của Nga để đến Crimea từ Krasnodar.

Ukraine đã nói gì? Các quan chức Ukraine đã bắt đầu bày tỏ niềm vui đối với đám cháy mà không trực tiếp thừa nhận rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về vụ nổ. Trong số các câu trả lời, Hải quân của Lực lượng vũ trang Ukraine đã đăng trên Facebook, “Phòng không của Liên bang Nga, các bạn đang ngủ à?” cùng với một đoạn video cho thấy một đoạn đường của cây cầu đã bị phá hủy hoàn toàn.

Trong một bài đăng ngắn gọn trên tài khoản Twitter chính thức của mình, Bộ Quốc phòng Ukraine đã phản ứng về vụ nổ, cho biết: “Tàu tuần dương hỏa tiễn dẫn đường Moskva và Cầu Kerch - hai biểu tượng quyền lực khét tiếng của Nga ở Crimea thuộc Ukraine - đã chìm xuống lòng biển sâu. Các bạn Nga, tiếp theo là gì đây?”

Phản ứng của Nga là gì? Truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức ra lệnh cho một “ủy ban chính phủ” kiểm tra cầu Kerch “khẩn cấp” ở Crimea, và cho biết thêm rằng những người đứng đầu Bộ Các tình trạng khẩn cấp của Nga và Bộ Giao thông vận tải hiện đang ở hiện trường sự việc.

Các quan chức Nga cho rằng vụ nổ là do một chiếc xe tải nổ tung trên cầu đường bộ.

Phát ngôn nhân của Ủy ban Điều tra Nga, Svetlana Petrenko, cho biết ủy ban “đã mở một vụ án hình sự về vụ việc tại Cầu Crimea. Theo thông tin sơ bộ, sáng nay, một chiếc xe tải đã bị nổ tung trên phần đường bộ của cầu Crimean từ bán đảo Taman dẫn đến việc đốt cháy 7 toa nhiên liệu của một đoàn tàu đi về hướng bán đảo Crimea.”

“Kết quả là hai làn xe hơi của cây cầu bị sập một phần.”

Ủy ban cũng mở rộng tuyên bố trước đó rằng một chiếc xe tải trên cầu đã nổ tung.

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, chủ nhân của chiếc xe tải là cư dân của Krasnodar Krai, và các hoạt động điều tra đã được tiến hành tại nơi ở của anh ta. Lộ trình di chuyển của chiếc xe và các tài liệu liên quan đang được nghiên cứu, ủy ban cho biết thêm.

5. Ukraine phát hành tem kỷ niệm vụ nổ cầu Crimea

Cơ quan Bưu chính Ukraine sẽ phát hành tem mới có hình cây cầu Eo biển Kerch bị hư hỏng, nối Crimea với Nga, Giám đốc điều hành của họ thông báo hôm thứ Bảy.

Cục trưởng Bưu chính Ukraine Ukrposhta Igor Smelyansky nói một cách trào phúng rằng: “Tôi sẽ không chúc bạn một ngày tốt lành, bởi vì nó đã quá tuyệt vời rồi. Cầu Kerch đã hoàn thành”.

Con tem sẽ có hai nhân vật giống với các ngôi sao Hollywood Leonardo DiCaprio và Kate Winslet trong tư thế biểu tượng của họ trong bộ phim “Titanic” năm 1997.

Ngoài ra còn có một phong bì với hình ảnh Crimea bẻ còng tay với Nga trong những hình ảnh được chia sẻ bởi Smelyansky.

Giá của con tem sẽ là 18 hryvnia Ukraine hay 0.48 Mỹ Kim mỗi con, và Kyiv có kế hoạch in 7 triệu bản để lưu hành, theo Smelyansky.

Ngoài việc là cây cầu duy nhất nối Crimea đã sáp nhập với đất liền Nga, cấu trúc này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin là tiếp quản Ukraine và sáp nhập với Nga mãi mãi.

6. Phân tích: Vụ nổ cầu ở eo biển Kerch có ý nghĩa như thế nào đối với Putin và nỗ lực chiến tranh của ông ta

Vụ nổ trên cây cầu của Nga tới Crimea không chỉ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine, mà nó còn là đòn tâm lý đối với Mạc Tư Khoa và là một chiến thắng lớn về mặt tuyên truyền cho Ukraine.

Nga đã bắt đầu xây dựng cây cầu khổng lồ dài 19 km bắc qua eo biển Kerch, tiêu tốn khoảng 3.7 tỷ Mỹ Kim, sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bất hợp pháp Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Đó là biểu hiện thực tế về mục tiêu tiếp quản Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin và ràng buộc Ukraine với Nga mãi mãi. Vào ngày nó khai trương, ông đã dẫn đầu một đoàn xe chiến thắng qua cầu, lái một chiếc xe tải gắn cờ.

Ngành công nghiệp tuyên truyền của Nga đã phát triển vượt bậc, thậm chí còn sản xuất một bộ phim hài lãng mạn về cây cầu có tên “Cầu Crimean, được làm bằng tình yêu”, một bộ phim hài lãng mạn kể về hai chàng trai đang làm việc xây dựng cây cầu theo đuổi cùng một sinh viên khảo cổ học dễ thương. Kịch bản được viết bởi Margarita Simonyan, người đứng đầu kênh truyền hình tuyên truyền quốc tế chính RT của Nga.

Vụ nổ trên cầu Crimean vào đầu ngày thứ Bảy hầu như không được dập tắt trước khi trực thăng - một vũ khí chính trong cuộc chiến này - bắt đầu chữa cháy.

Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi Putin bước sang tuổi 70, và Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov đã công bố video cây cầu chìm trong biển lửa, với một đoạn đường khổng lồ sụp xuống nước, cùng với một đoạn video song song của Marilyn Monroe hát “Happy Birthday, Mister President.” Những người khác trên mạng đã so sánh vụ tấn công cây cầu với vụ đánh chìm tàu chiến Moskva của Hải quân Nga hồi tháng 4.

Chính phủ của Putin đã cố gắng khẳng định rằng thiệt hại đã được kiểm soát và sẽ nhanh chóng được sửa chữa. Hãng thông tấn nhà nước TASS đã tránh dùng từ “tấn công”, đưa tin rằng một đội gồm 380 người ứng cứu, cùng với 90 thiết bị, đã được điều động để “loại bỏ hậu quả của trường hợp khẩn cấp” trên cây cầu. Bộ Giao thông Vận tải Nga cho biết đoạn đường sắt của cây cầu, rất quan trọng để đưa quân và thiết bị cho các nỗ lực chiến tranh, sẽ được khôi phục vào tối thứ Bảy. Ủy ban Điều tra của Nga ngay lập tức mở một cuộc điều tra hình sự.

Trên các mạng xã hội, người ta cho rằng Ukraine đã chiến thắng khi tấn công một mục tiêu quân sự quan trọng và mang tính biểu tượng của Nga. Và trợ lý tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cảnh báo có thể có nhiều cuộc tấn công nữa trong một tweet, nói rằng “tất cả mọi thứ do Nga chiếm đóng phải bị trục xuất.”
 
Ngoại trưởng Tây Ban Nha trình bày với Tòa Thánh quan điểm của NATO về cuộc xâm lược Ukraine của Nga
VietCatholic Media
05:07 09/10/2022


1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị Dòng OMI

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tu sĩ Dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm tăng cường cuộc sống hiệp thông để có thể đáp ứng ơn gọi làm thừa sai hy vọng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 03 tháng Mười vừa qua, dành cho Tổng tu nghị thứ 14 của dòng đang tiến hành tại Trung tâm Nemi của dòng Ngôi Lời, cách Roma 35 cây số, từ ngày 14 tháng Chín đến ngày 14 tháng Mười tới đây, với chủ đề: “Những người lữ hành hy vọng trong tình hiệp thông”. Dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm, gọi tắt là OMI, do thánh Eugène de Mazenod, người Pháp sáng lập và hiện có khoảng 3.800 tu sĩ hoạt động tại 67 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi tinh thần truyền giáo của dòng và ngài nhận định rằng: “Là những thừa sai của niềm hy vọng có nghĩa là biết đọc những dấu chỉ sự hiện diện của hy vọng ẩn náu trong đời sống thường nhật của dân chúng. Học nhận ra hy vọng nơi những người nghèo mà anh em được sai tới. Họ thường tìm thấy hy vọng trong những tình trạng khó khăn nhất. Để cho mình được những người nghèo loan báo Tin mừng: họ dạy anh em con đường hy vọng, cho Giáo hội và thế giới”.

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Nếu anh em muốn là những thừa sai hy vọng trong tình hiệp thông thì cần nhớ rằng tình hiệp thông ngày nay là một thách đố mà tương lai của thế giới, của Giáo hội và đời sống thánh hiến tùy thuộc. Để là những thừa sai hiệp thông thì cần sống hiệp thông trước tiên giữa chúng ta, trong các cộng đoàn chúng ta và trong các tương quan với nhau, đồng thời vun trồng tình hiệp thông với tất cả mọi người, không trừ một ai... Tôi nhắn nhủ anh em hãy trở thành những người thăng tiến tình hiệp thông qua những biểu hiệu của tình liên đới, sự gần gũi, tinh thần đồng hành và huynh đệ với tất cả mọi người. Ước gì người Samaritano nhân lành trong Tin mừng là mẫu gương và khích lệ cho anh em trở nên những người thân cận của mọi người, với tình yêu thương và dịu dàng đã thúc đẩy họ chăm sóc người bị cướp bóc và bị đả thương” (Xc Lc 10,29-37).

2. Ngoại trưởng Tòa Thánh gặp Ngoại trưởng Tây Ban Nha

Hôm 03 tháng Mười vừa qua, Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, đã gặp gỡ và trao đổi, tại Vatican, với Ngoại trưởng Tây Ban Nha, ông José Manuel Albares.

Trong cuộc hội kiến, hai vị đã bàn về cuộc tấn công của Nga chống Ukraine, vai trò của Liên hiệp Âu châu và tầm quan trọng của sự đa phương và chương trình xã hội và chính trị tại Mỹ châu Latinh.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng giải thích các biện pháp được Liên hiệp Âu châu đề ra chống chế độ của Tổng thống Vladimir Putin, như câu trả lời cho cuộc xâm lăng bất hợp pháp và bất công tại Ukraine, cho đến nay đã có bảy loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại của Nga, những biện pháp lớn nhất từ trước đến nay. Ngoại trưởng Albares cũng nhắc lại sự lên án đồng loạt của 27 nước thuộc Liên hiệp Âu châu chống lại cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức để sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga. Ngoài ra, Liên hiệp cũng cung cấp 38 triệu Euro viện trợ cho Ukraine và các nước lân cận, việc đón nhận các công dân Ukraine đã phải rời bỏ quê hương từ đầu cuộc xung đột đến nay, cũng như việc cung cấp các võ khí và quân trang quân dụng cho Ukraine để bảo vệ đất nước của họ.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nêu bật sự hiệp nhất và gắn bó của Âu châu cũng như nhiệm kỳ làm chủ tịch theo lượt mà Tây Ban Nha sẽ đảm trách từ nửa sau của năm tới, 2023, trong đó Tây Ban Nha sẽ nỗ lực để các tổ chức Âu châu trở nên gần gũi hơn với các công dân, và dành ưu tiên cho vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và các mục tiêu khác.

3. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 35% khi nước này đối phó với cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga.

AFP đưa tin rằng: Tổ chức tài chính quốc tế mô tả nền kinh tế Ukraine “bị tổn thương do bị phá hủy năng lực sản xuất, thiệt hại về đất nông nghiệp và nguồn cung lao động giảm” trong một bản cập nhật kinh tế cho Âu Châu và Trung Á.

Ngân hàng Thế giới cũng ước tính rằng hơn 14 triệu người đã phải di dời do chiến tranh, với các nỗ lực phục hồi và xây dựng lại có thể lên đến 349 tỷ Mỹ Kim, gấp 1,5 lần quy mô nền kinh tế Ukraine trước chiến tranh.

Mỹ đã viện trợ thêm 12,3 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vào tuần trước để giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá trong cuộc chiến chống lại Nga
 
Putin tuyệt vọng có thể tấn công hạt nhân 6 thành phố. Rắc rối cho Tướng Nga từng bảo đảm cầu Crimea
VietCatholic Media
17:00 09/10/2022


1. Các quan chức lo ngại nguy cơ Putin leo thang chiến tranh sau vụ nổ cầu Crimea

Phản ứng tức khắc sau vụ nổ cầu Crimea, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova lên tiếng cho rằng “Vụ tấn công cầu Crimea cho thấy bản chất khủng bố của nhà nước Ukraine.” Trong khi đó, một số nhà tuyên truyền người Nga cho rằng phải tấn công ngay bằng vũ khí hạt nhân trước khi quá muộn. Khả năng, Nga dùng đến vũ khí hạt nhân để cân bằng tỷ số có lẽ chưa xảy ra. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và đồng minh của họ lo ngại nguy cơ Putin leo thang chiến tranh sau vụ nổ cầu Crimea.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Risk of Putin Escalating War 'High' After Crimean Bridge Explosion—Officials”, nghĩa là “Các quan chức lo ngại nguy cơ Putin leo thang chiến tranh sau vụ nổ cầu Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một quan chức Ukraine, nguy cơ “rất cao” là Vladimir Putin sẽ leo thang cuộc tấn công vào Ukraine sau khi một vụ nổ xảy ra trên Cầu Kerch có ý nghĩa chiến lược vào hôm thứ Bảy.

Phát biểu với Newsweek Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Kyiv để đối phó với mối đe dọa mới.

Vào khoảng 6 giờ sáng theo giờ địa phương, cây cầu giữa Crimea và Nga đã bị rung chuyển bởi một vụ nổ, khiến một đoạn cầu đường bộ bị sập và một đoàn tàu trên cầu đường sắt song song bốc cháy. Theo nhà chức trách Nga, ba người trên một chiếc xe hơi đi qua đã thiệt mạng.

Ủy ban chống khủng bố quốc gia của Nga cho biết thiệt hại là do một chiếc xe tải phát nổ, mặc dù điều này chưa được xác minh độc lập.

Nga không quy trách nhiệm cho Ukraine về vụ nổ này và Ukraine cũng không nhận bất kỳ trách nhiệm nào.

Ông Putin đã đích thân khánh thành phần đường của cây cầu vào năm 2018 sau khi chiếm và sáp nhập tỉnh Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Phát biểu với Newsweek, Gerashchenko cảnh báo tình hình Ukraine hiện có thể leo thang.

Ông nói: “Khả năng leo thang từ phía Putin là cao. Chúng tôi yêu cầu cung cấp cho chúng tôi nhiều vũ khí hơn. Chúng tôi không yêu cầu chiến đấu cho chúng tôi.

“Chúng tôi cần gấp 3 lần số bệ phóng hỏa tiễn HIMARS và trọng pháo, gấp 5 lần xe tăng và xe bọc thép, trước hết là xe tăng do các nước NATO sản xuất, gấp 10 lần số xe tăng hiện nay.

“Chính phủ của các bạn không nên chờ đợi và giữ tất cả vũ khí, đạn dược và phương tiện trong kho. Hãy gửi tất cả cho Ukraine để chúng tôi có thể kết thúc chiến tranh “.

Trên Twitter, Nghị sĩ Adam Kinzinger, một cựu binh Không quân Hoa Kỳ, cho biết tác động của vụ nổ đối với cuộc chiến rộng lớn hơn sẽ rất lớn.

Ông đã tweet: “Có vẻ như thật khó để nói hết mức độ quan trọng và tàn phá của vụ cháy, sập cầu Kerch đối với nỗ lực chiến tranh của Nga”.

Vị Dân biểu đại diện cho Illinois nói thêm: “Nó cũng sẽ làm cho việc ăn cướp máy giặt và cướp bóc trở nên khó khăn hơn.”

Các vụ cướp bóc trên diện rộng đã được báo cáo tại các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine sau cuộc xâm lược, trong đó máy giặt nổi lên như một mục tiêu ưa thích của người Nga.

Vào hôm thứ Bảy, vụ nổ Cầu Eo biển Kerch đã làm dấy lên những lời chế giễu trên mạng xã hội từ các quan chức Ukraine.

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, đã đăng một đoạn video cho thấy cây cầu chìm trong biển lửa và Marilyn Monroe hát 'Chúc mừng sinh nhật'.

Phần sau là đề cập đến Putin, người đã bước sang tuổi 70 vào thứ Sáu.

Phát biểu với BBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố các nhà lãnh đạo Nga đã bắt đầu “chuẩn bị cho xã hội của họ” để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Họ bắt đầu chuẩn bị xã hội của họ. Điều đó rất nguy hiểm. Họ chưa sẵn sàng tấn công hạt nhân ngay lúc này. Nhưng họ ráo riết bắt đầu. Họ vẫn chưa biết liệu họ sẽ sử dụng hay không sử dụng nó. Tôi nghĩ rằng thật nguy hiểm khi nói về hạt nhân.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh liên quan đến vụ nổ cầu Eo biển Kerch bắc từ lục địa Nga sang bán đảo Crimea

Vào sáng sớm ngày 8 tháng 10 năm 2022, một vụ nổ đã làm hư hại Cầu Eo biển Kerch, là con đường vượt biển bao gồm đường bộ và đường sắt nối liền Crimea do Nga chiếm đóng và vùng Krasnodar của Nga.

Hai trong bốn lằn đường của tuyến đường bộ bị sập ở nhiều chỗ trên chiều dài xấp xỉ 250m. Gần như chắc chắn rằng một số phương tiện lưu thông qua hai lằn đường còn lại đã hoạt động trở lại, nhưng năng lực sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Mức độ thiệt hại đối với tuyến đường sắt vượt biển vẫn chưa biết chắc, nhưng bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào đối với năng lực của nó rất có thể sẽ có tác động đáng kể đến khả năng duy trì lực lượng vốn đã căng thẳng của Nga ở miền nam Ukraine.

Tuyến đường sắt này chỉ mới được thông xe vào tháng 6 năm 2020, nhưng nó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc di chuyển các phương tiện quân sự hạng nặng tới mặt trận phía Nam trong cuộc xâm lược.

Vụ việc này, xảy ra chỉ vài giờ sau sinh nhật lần thứ 70 của ông ta, sẽ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Putin. Ông đã đích thân tài trợ và khánh thành cây cầu, và nhà thầu xây dựng cây cầu là người bạn thời thơ ấu của ông, Arkady Rotenberg.

Trong những tháng gần đây, cựu vệ sĩ của Putin, hiện là Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, Viktor Zolatov, đã đưa ra những lời bảo đảm trước công chúng về an ninh của cây cầu.

3. Putin tuyệt vọng có thể tấn công hạt nhân 6 thành phố Ukraine để cố gắng giành chiến thắng trong chiến tranh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Desperate Putin Could Nuke Six Ukrainian Cities to Try to Win War”, nghĩa là “Putin tuyệt vọng có thể tấn công hạt nhân 6 thành phố Ukraine để cố gắng giành chiến thắng trong chiến tranh.”Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Theo một chuyên gia về chiến tranh hạt nhân, Vladimir Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại “nửa tá thành phố ở miền tây Ukraine”.

Quân đội Nga đã phải hứng chịu một số thất bại trên chiến trường, khi quân đội Ukraine tiến vào thành phố Kherson, miền nam nước này sau khi đánh bật các lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv vào tháng 9.

Điều này làm dấy lên lo ngại ngày càng tăng về việc Điện Cẩm Linh có thể dùng đến các cuộc tấn công hạt nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962.

Phát biểu hôm thứ Năm tại New York, tổng thống cho biết: “Chúng ta đã không phải đối mặt với viễn cảnh Armageddon kể từ thời Kennedy và cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962.”

Nhắc đến Putin, Biden nói thêm: “Chúng ta có một người mà tôi biết khá rõ. Ông ta không nói đùa khi nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí sinh học hoặc hóa học bởi vì quân đội của ông ta, có thể nói được, là đang hoạt động kém cỏi đáng kể”.

Giáo sư Eric G. Swedin, giảng viên lịch sử tại Đại học Weber State, nói với Newsweek rằng ông không nghĩ rằng Putin có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường, hoặc trong một “cuộc tấn công trình diễn” nhằm đe dọa Ukraine và phương Tây. Thay vào đó, Swedin nói rằng ông Putin có thể sẽ tấn công thẳng vào các thành phố lớn của Ukraine.

“Tôi lo lắng rằng Putin đang bị dồn vào góc tường khi các lực lượng vũ trang của ông ấy phải đối mặt với thất bại”, Swedin nói. “Ông ta có thể dễ dàng chọn tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một nỗ lực tuyệt vọng để thay đổi kết quả.

“Tôi nghi ngờ là ông ta sẽ không thực hiện một cuộc tấn công nặng phần trình diễn, như một số người đã đề xuất, bởi vì một cuộc tấn công trình diễn chỉ cho thấy rằng bạn không muốn sử dụng vũ khí hạt nhân của mình.

“Sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường rất khó và đòi hỏi những người lính được huấn luyện tốt để khai thác việc sử dụng các loại vũ khí đó; Người Nga không có bất cứ vị trí nào để có thể tận dụng các cuộc tấn công như vậy”, ông Swedin nói.

“Việc sử dụng vũ khí có khả năng xảy ra nhất là nhằm vào nửa tá thành phố ở miền tây Ukraine, làm tổn hại đến khả năng của vũ khí và nguồn cung cấp từ Ba Lan hoặc Rumani.”

Bom hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn đáng kể so với loại bom hạt nhân chiến lược là loại được tạo ra để tàn phá các thành phố. Bom hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Tuy nhiên, nếu được sử dụng, vũ khí này sẽ phá vỡ điều cấm kỵ về chiến tranh hạt nhân đã có từ sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Swedin là tác giả của cuốn “Sống sót sau quả bom: Hướng dẫn dành cho các công dân bị nhiễm phóng xạ để có thể sống sót hạt nhân và khi các thiên thần rơi lệ: Lịch sử điều gì sẽ xảy ra về cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba”.

Nhà sử học cho biết các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật “có thể không” dẫn đến việc Ukraine đầu hàng, điều này có nghĩa là “một Putin thất vọng sẽ có xu hướng leo thang và sử dụng nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn.”

Để ngăn chặn điều này, Swedin cho biết các cường quốc phương Tây nên làm rõ rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không ngăn cản họ ủng hộ Kyiv.

“Hy vọng của tôi là cả thế giới sẽ phản ứng với việc Putin vượt qua ranh giới có nghĩa là Nga bây giờ sẽ là một quốc gia lẻ loi”, Swedin nói. “Tất cả thương mại sẽ ngừng lại, bất kể hậu quả kinh tế đối với các nền kinh tế trong nước trên toàn thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga và sự thay đổi chế độ.”

“NATO nên phản ứng bằng cách gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine và tiếp tục gửi vũ khí để nước này tự vệ. Bất kỳ phản ứng nào mạnh mẽ hơn sẽ đẩy chúng ta vào nấc thang leo thang, và đánh nhau bằng vũ khí hạt nhân là một tình huống không có lợi”.

Hôm thứ Bảy, Ramzan Kadyrov, người ủng hộ Putin, người cai trị Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, cho biết “vũ khí hạt nhân tầm ngắn” nên được sử dụng trong cuộc chiến chống Ukraine.

Đăng trên nền tảng truyền thông xã hội Telegram, Kadyrov nói: “Tôi không biết Bộ Quốc phòng Nga báo cáo gì với Tổng tư lệnh tối cao, nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, đến mức tuyên bố thiết quân luật ở các khu vực biên giới và sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất thấp”.

“Không cần thiết phải xem xét mọi quyết định với cộng đồng Tây Mỹ - họ đã nói và đã làm rất nhiều điều chống lại chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

4. Trong một diễn biến gây sốc, Zelenskiy không được trao giải Nobel Hòa bình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Snubbed for Nobel Peace Prize in Shock Upset”, nghĩa là “Trong một diễn biến gây sốc, Zelenskiy đã không được đoái hoài đến cho Nobel Hòa bình.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã không nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2022, mặc dù có những đồn đoán rằng ông có thể sẽ nhận được. Giải thưởng danh giá này thay vào đó được chia sẻ bởi các nhà vận động nhân quyền từ Nga, Belarus và Ukraine.

Zelenskiy từng được những người ưa chuộng ông kỳ vọng giành chiến thắng, với tỷ lệ cược là 19-10, theo trang web cờ bạc Oddschecker.com. Ông cũng được đưa vào danh sách được yêu thích cho giải này do tạp chí Time công bố.

Thay vào đó, giải thưởng được trao cho nhà vận động nhân quyền Belarus Ales Bialiatski và hai nhóm nhân quyền, Memorial và Trung tâm Tự do Dân sự, có trụ sở tại Nga và Ukraine.

Trên Twitter, ủy ban giải Nobel cho biết những người chiến thắng đã “nỗ lực xuất sắc để ghi lại các tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và lạm dụng quyền lực. Họ cùng nhau chứng minh tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ. “

Giải thưởng hòa bình được trao mỗi năm bởi Ủy ban Nobel Na Uy, với các nhân vật nổi tiếng trên thế giới được mời để đề xuất người nhận giải.

Đề cập đến những người đoạt giải năm 2022, ủy ban Nobel cho biết: “Những người đoạt giải Nobel Hòa bình đại diện cho xã hội dân sự ở đất nước của họ. Trong nhiều năm, họ đã thúc đẩy quyền phản biện các thế lực và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân “.

Bialiatski, người đang bị giam trong một nhà tù ở Belarus, đã tham gia vào các phong trào bí mật ủng hộ dân chủ vào những năm 1980 nhằm thúc đẩy một nhà nước độc lập của Belarus khỏi Liên bang Xô viết.

Belarus giành được độc lập vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ nhưng nhanh chóng rơi vào sự cai trị độc tài của Alexander Lukashenko, người được gọi là “nhà độc tài cuối cùng của Âu Châu”.

Bialiatski thành lập Trung tâm Nhân quyền Viasna vào năm 1996. Năm 2011, anh ta bị bắt với cáo buộc trốn thuế và bị kết án 4 năm rưỡi tù giam, nhưng anh ta vẫn khẳng định sự vô tội của mình và khẳng định các cáo buộc này có động cơ chính trị.

Sau khi bị bắt giam, Bialiatski được Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi là “tù nhân lương tâm”, và cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đều kêu gọi trả tự do cho anh ta.

Vào tháng 8 năm 2020, các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Belarus sau những cáo buộc, được Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ ủng hộ, rằng Lukashenko đã gian lận cuộc bầu cử tổng thống năm đó.

Các cuộc biểu tình đã bị đàn áp dã man, với hàng nghìn vụ bắt giữ được thực hiện và các cáo buộc tra tấn lan rộng nhằm vào các cơ quan thực thi pháp luật.

Bialiatski bị bắt lại vào tháng 7 năm 2021 và đang phải ngồi tù đối mặt với cáo buộc trốn thuế.

Tổ chức nhân quyền của Nga Memorial đã vận động cho các tù nhân chính trị và chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền mà quân đội Nga đã thực hiện ở Chechnya và Syria. Memorial cũng tìm cách bảo tồn các tài liệu về cuộc đàn áp dưới thời Liên Xô, trước khi bị giải thể vào năm 2021 dưới áp lực của chính phủ.

Người đoạt giải Nobel thứ ba, Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine, được thành lập vào năm 2007 để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở nhà nước thuộc Liên Xô cũ.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen cho biết: “Trung tâm đã có quan điểm củng cố xã hội dân sự Ukraine và gây áp lực lên chính quyền để biến Ukraine trở thành một nền dân chủ chính thức, nhằm phát triển Ukraine thành một quốc gia được quản lý bởi pháp quyền.”

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, trung tâm này đã theo dõi các vụ vi phạm nhân quyền ở nước này.

Reiss-Andersen cho biết, “Trung tâm đang đóng vai trò tiên phong với mục tiêu buộc các bên có tội phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ.”

5. Liên Hiệp Âu Châu lên án việc Putin cố gắng chiếm giữ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia sau khi tuyên bố sáp nhập các khu vực

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết Liên minh Âu Châu “lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh đặt nhà máy dưới sự kiểm soát của nhà nước Nga và sửa đổi hiến pháp của đất nước bằng cách thừa nhận các khu vực mới vào Nga.

Liên Hiệp Âu Châu “không công nhận và lên án mạnh mẽ việc Nga sáp nhập bất hợp pháp các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine. Do đó, sắc lệnh về việc quốc hữu hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là bất hợp pháp và vô hiệu về mặt pháp lý,” Borrell nói trong một tuyên bố.

Borrell kêu gọi Nga “rút toàn bộ lực lượng và thiết bị quân sự của mình và trao lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân cho chủ sở hữu hợp pháp của nó, là Ukraine.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện “được củng cố” của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tại địa điểm và “quyền tiếp cận nhà máy không bị cản trở của họ là cần thiết vì lợi ích an ninh của toàn Âu Châu nói chung”.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và nhà điều hành hạt nhân của Ukraine Energoatom cho biết nhà máy điện này đã mất tất cả các nguồn điện bên ngoài hôm thứ Bảy do các đợt pháo kích mới và hiện đang dựa vào các máy phát điện diesel khẩn cấp.
 
Thông điệp của Kirill ngày sinh thứ 70 của Putin gây ngỡ ngàng. Vụ tấn công dã man nhà trẻ Thái Lan
VietCatholic Media
17:02 09/10/2022


1. Thông điệp của Kirill trong ngày sinh nhật thứ 70 của Putin gây ngỡ ngàng

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Vladimir Putin, người đã gây ra cuộc xâm lược Ukraine khiến cho hàng chục ngàn người Nga phải tử trận, kinh tế của Nga lao đao, Thượng Phụ Kirill đã tuyên bố với người đứng đầu Điện Cẩm Linh: “Chúa đã đặt ngài lên nắm quyền để ngài có thể thực hiện một công việc có tầm quan trọng đặc biệt và trách nhiệm lớn lao đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân được Chúa giao cho ngài chăm sóc”.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bị giam giữ và sắp phải ra tòa vì bị cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga, đã nhận xét cay đắng rằng “Ngài Kirill lại bán đứng Chúa, bất kể đang trong tình trạng nguy ngập vì coronavirus.”

Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho biết, tình trạng của Thượng Phụ Kirill không cải thiện bao nhiêu sau khi bị nhiễm coronavirus vào ngày 30 tháng 9 vừa qua.

Thượng phụ Kirill không thể thực hiện các chuyến thăm tới nhà thờ chính tòa Thánh Sergiô của Trinity Lavra và Tu viện Donskoy theo kế hoạch vào ngày 8 tháng 10 và ngày 9 tháng 10. Ngài vẫn mệt nhọc và vẫn có kết quả xét nghiệm coronavirus dương tính, Vladimir Legoyda, người đứng đầu dịch vụ báo chí của Tòa Thượng Phụ, nói với các phóng viên vào hôm thứ Năm 6 tháng 10.

Thượng phụ Kirill đã ccó kế hoạch chủ sự các buổi lễ nhà thờ vào những ngày tưởng nhớ Thánh Sergiô của Radonezh và Thánh Tikhon, Thượng phụ của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga.

Là nhà lãnh đạo của Chính thống Nga từ năm 2009, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ trung thành các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.

https://www.ansa.it/sito/notizie/mondo/2022/10/07/kirill-per-70-anni-di-putin-dio-ti-ha-dato-il-potere_6b285bdb-97bc-40e7- b044-ab1233349a70.html

2. Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc 23 trẻ em và một số người lớn thiệt mạng trong vụ tấn công nhà trẻ ở Thái Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn và thương tiếc sâu sắc trước tin tức về một vụ thảm sát tại một trung tâm chăm sóc ban ngày ở Thái Lan khiến ít nhất 34 người thiệt mạng - trong đó có 23 trẻ em.

Trong một bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, Đức Giáo Hoàng đã gửi lời chia buồn chân thành.

“Vô cùng đau buồn khi biết về vụ tấn công kinh hoàng xảy ra tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Uthai Sawan, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành và bảo đảm về sự gần gũi thiêng liêng của ngài đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực khôn lường này đối với trẻ em vô tội.”

Đức Giáo Hoàng cầu nguyện rằng các gia đình đau buồn và tất cả những người bị thương sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những người hàng xóm của họ và kết luận thông điệp của ngài với “lời chúc bình an và sự kiên trì trong mọi điều tốt đẹp.”

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, vụ thảm sát do một người đàn ông duy nhất, trang bị súng và dao, gây ra vào ngày 6 tháng 10 tại thị trấn Uthai Sawan, cách thủ đô Bangkok khoảng 310 dặm về phía đông bắc.

Các nhà chức trách xác định người đàn ông này là một cựu cảnh sát, dường như đang phải hầu tòa với tội danh ma túy. Động cơ của y vẫn là chủ đề của cuộc điều tra cảnh sát đang tiếp tục. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, thủ phạm ban đầu đã đi đón con mình sau khi hầu tòa vào đầu ngày. Khi không tìm thấy con mình ở đó, anh ta bắt đầu cuộc tấn công.

Theo báo cáo của BBC News, chỉ có một đứa trẻ duy nhất sống sót sau cuộc thảm sát.

Kẻ tấn công 34 tuổi sau đó trở về nhà, giết vợ và con riêng trước khi tự sát.

Vụ thảm sát được hiểu là một trong những vụ thảm sát liên quan đến trẻ em tồi tệ nhất trong lịch sử.

3. Đức Hồng Y Müller cảnh giác nguy cơ tự tử tập thể của nhân loại

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, cảnh giác về trào lưu văn hóa và nhân loại học theo chủ thuyết hư vô, có thể dẫn nhân loại đến chỗ tự hủy diệt tập thể.

Đức Hồng Y bày tỏ lập trường trên đây, hôm 30 tháng Chín vừa qua, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 14 về gia đình, tiến hành tại thủ đô Mêhicô, từ ngày 30 tháng Chín đến ngày 02 tháng Mười vừa qua. Bài thuyết trình của Đức Hồng Y Müller bằng tiếng Tây Ban Nha được bí thư của ngài tuyên đọc và phổ biến trên mạng của hội nghị. Đức Hồng Y giải thích rằng: “Chủ thuyết hư vô là một cảm thức của thời đại mới, theo đó Thiên Chúa đã chết, như triết gia Hegel đã viết, nó có thể dẫn đến cảm tượng “chẳng có gì là xấu trong hữu thể người và mọi sự con người thích đều là điều được phép, nếu chúng ta tin nơi sự hợp lý nhân hậu của thần linh đối với tất cả những gì hiện hữu trong công trình sáng tạo của Ngài”.

Đức Hồng Y Müller cảnh giác chống chủ thuyết hư vô về nhân loại học, tỏ ra thù nghịch đối với sự sống, vì thế họ khuyến khích việc phá thai như một nhân quyền và chủ trương “Euthanasia”, giết người vì lòng thương xót, đối với những người “cạn kiệt” hoặc không còn hữu ích nữa.

Chủ thuyết này cũng đặt lại vấn đề hôn nhân giữa người nam và người nữ, và coi đây chỉ là một trong những hình thái khác nhau của sự vui hưởng tình dục.

Trong lãnh vực này, Đức Hồng Y Müller cũng nói đến ý thức hệ Gender về giống, phân biệt giả tạo giữa phái tính sinh lý và gender như một kết quả của văn hóa xã hội. Ngài nói: “Ngoài sự kiện chứng minh được về sinh lý, theo đó một sự đổi phái tính thực sự là điều không thể được, sự tưởng tượng tự do chọn lựa giống (gender) là một sự chối bỏ ý muốn của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Mỗi người hiện hữu trong bản tính thân thể của mình, như người nam hoặc người nữ”.

Ngoài ra, “chủ thuyết hư vô về nhân loại học trở nên thực sự nguy hiểm đối với Giáo hội, khi mà cả những nhà thần học, ở vị trí quan trọng, không còn chấp nhận sự kiện có một không hai về lịch sử và mạc khải không thể bỏ qua của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Trái lại, họ thỏa hiệp sai trái với chủ thuyết hậu nhân bản, chỉ với mục đích làm cho Giáo hội được sinh tồn như một tổ chức xã hội, trong một thế giới tân tiến không có Thiên Chúa. Đối với thứ thần học không có Thiên Chúa này, công trình sáng tạo và giao ước, sự nhập thể và hy tế của Chúa Giêsu trên thánh giá cũng như sự sống lại của thân xác Chúa, chỉ được coi như những biểu tượng hiện sinh có tính chất huyền thoại”.

Và Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng: “Niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô vượt thắng thứ văn hóa chết chóc và chủ thuyết hư vô nhân loại học. Đức tin mở cho chúng ta vào một nền văn hóa sự sống trong tình thương của Chúa Ba Ngôi, vì chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ những gì chóng qua để được tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa”.

4. Công bố chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Bahrain

Ngày 06 tháng Mười vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại tiểu quốc Bahrain, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Mười Một tới đây, nhân dịp “Diễn đàn Bahrain đối thoại: Đông và Tây phương cho cuộc sống chung của nhân loại”.

Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 9 giờ 30 sáng thứ Năm, ngày 03 tháng Mười Một và tới Căn cứ không quân Sakhir ở Awali lúc 4 giờ 45 phút chiều giờ địa phương.

Sau nghi thức đón tiếp tại sân bay, Đức Thánh Cha sẽ đến viếng thăm Quốc Vương tại Hoàng cung lúc 5 giờ 30 rồi gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn lúc 6 giờ 30.

Sáng thứ Sáu, ngày 04 tháng Mười Một, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ tham dự buổi bế mạc Diễn đàn Bahrain ở khu vực Hoàng cung, nơi Quảng trường Al-Fida.

Ban chiều lúc 4 giờ cùng ngày, tại nơi ngài cư ngụ, thuộc hoàng cung, Đức Thánh Cha sẽ gặp riêng Đại Imam của Đền thờ Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập. Tiếp đến, ngài gặp các thành viên Hội đồng Trưởng Lão Hồi giáo tại Đền thờ Hồi giáo Hoàng cung Sakhir lúc 4 giờ 30.

Hoạt động của Đức Thánh Cha kết thúc với buổi gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Arabia, lúc 5 giờ 45 phút.

Thứ Bảy, ngày 05 tháng Mười Một, lúc 8 giờ 30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain, và 5 giờ chiều cùng ngày, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại Trường Thánh Tâm.

Chúa nhật, 06 tháng Mười Một, lúc 9 giờ 30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện và đọc kinh Truyền tin với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain.

Sau đó lúc 12 giờ 30 trưa, có nghi thức tiễn biệt tại Căn cứ không quân Sakhir, trước khi Đức Thánh Cha rời nước này, dự kiến sẽ về đến phi trường Ciampino lúc 5 giờ chiều cùng ngày Chúa nhật.

Ngoài chương trình trên đây, Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng công bố khẩu hiệu và huy hiệu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Khẩu hiệu rút từ lời các thiên thần hát trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Còn huy hiệu là quốc kỳ Bahrain màu trắng và đỏ, và quốc kỳ Vatican màu vàng và trắng, được diễn tả như hai bàn tay mở ra hướng về Thiên Chúa, tượng trưng sự dấn thân của các dân nước gặp gỡ nhau trong tinh thần cởi mở, không chút thiên kiến, như anh chị em với nhau. Kết quả cuộc gặp gỡ huynh đệ là hồng ân hòa bình, được diễn tả qua cành ôliu ở giữa hai bàn tay.

Bên dưới đó có chữ Đức Giáo Hoàng Phanxicô màu xanh dương, ngụ ý cuộc tông du của Đức Thánh Cha được phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, được tôn kính với tước hiệu Đức Bà Arabia, cùng tên với nhà thờ Chính tòa nước này. Dưới đó là hàng chữ Vương Quốc Bahrain, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Mười Một năm 2022.
 
Tin vui cho Giáo Hội: Thánh lễ đại trào tuyên thánh cho hai Chân Phước tại quảng trường Thánh Phêrô
VietCatholic Media
19:22 09/10/2022

Giáo Hội Công Giáo đã có thêm hai vị thánh mới vào hôm Chúa Nhật 9 tháng 10, khi Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh cho Thánh Artemide Zatti và Thánh Giovanni Battista Scalabrini.

Hai vị thánh đều sinh ra ở Ý vào thế kỷ 19 và giúp đỡ cho những người khác trong bối cảnh hàng trăm nghìn người Ý di cư ồ ạt mỗi năm vào đầu thế kỷ 20.

Scalabrini được biết đến với việc thành lập một tổ chức truyền giáo phục vụ người nhập cư, trong khi Zatti là một người nhập cư, rời Ý đến Á Căn Đình cùng gia đình vào năm 1897 khi mới 16 tuổi.

Buổi lễ đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô.

Tiểu sử Thánh Giovanni Battista Scalabrini

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn chước yêu cầu thông thường của Giáo hội về một phép lạ thứ hai để tuyên thánh cho Scalabrini. Thánh Scalabrini từng được Giáo hoàng Piô thứ Chín mô tả là “vị tông đồ của Sách Giáo lý”.

Là người gốc ở vùng Lombardy của Ý, Scalabrini được thụ phong linh mục năm 1863 và làm giám mục Piacenza ở tuổi 36. Với tư cách là giám mục, ngài thành lập Dòng Thừa sai Thánh Charles Borromeo. Ngài cũng thành lập “Hiệp hội Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael” giáo dân, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc mục vụ cho những người nhập cư tại các cảng nơi họ lên và xuống tàu vào đầu thế kỷ 20.

Năm 1901, ngài đến thăm các nhà truyền giáo của mình tại Hoa Kỳ và được Tổng thống Theodore Roosevelt tiếp tại Tòa Bạch Ốc.

Đức Cha Scalabrini cảm thấy thuyết phục về sự cần thiết phải có các thể chế đồng hành với hành trình của người di cư trong mọi giai đoạn của nó, cẩn thận để không đột ngột cắt đứt quan hệ văn hóa với quê hương và duy trì tiếng mẹ đẻ như một sợi dây đoàn kết với các đồng bào khác.

Sau khi trở về sau chuyến thăm các nhà truyền giáo của mình ở Brazil, Đức Cha Scalabrini qua đời vào ngày 1 tháng 6 năm 1905— một ngày mà ngày nay Giáo hội đánh dấu là ngày lễ của ngài.

Thánh nhân cũng được ghi nhớ vì đã thành lập một tờ báo của giáo phận, để chăm sóc người nghèo và người già. Ngài là người quảng bá việc tôn thờ Thánh Thể, và là người bảo vệ các bài hát phụng vụ chính xác.

Đức Cha Scalabrini viết: “Chính vì những cuộc di cư bị áp đặt bởi các cuộc bách hại, Giáo hội đã vượt ra khỏi giới hạn của Giêrusalem và của Israel, và trở thành 'Công Giáo'; nhờ những cuộc di cư trong thời đại của chúng ta, Giáo hội sẽ là một công cụ của hòa bình và sự hiệp thông giữa các dân tộc”.

Tiểu sử Thánh Artemide Zatti

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Zatti là “một tấm gương sống về lòng biết ơn”. Ngài nêu bật trong bài giảng của mình cách người y tá nhập cư tạ ơn Chúa bằng cách “tự mình gánh lấy vết thương của người khác”.

“Được chữa khỏi bệnh lao, ngài đã dành toàn bộ cuộc đời mình để phục vụ người khác, chăm sóc người bệnh bằng tình yêu thương dịu dàng. Người ta cho rằng ngài đã mang trên vai thi thể đã chết của một trong những bệnh nhân của mình”.

Zatti sinh ra trong hoàn cảnh nghèo đói cùng cực ở Ý vào năm 1880. Khi mới 9 tuổi, anh đã phụ giúp cha mẹ mình bằng công việc đồng áng trước khi gia đình anh di cư đến Á Căn Đình.

Khi còn trẻ, Zatti theo học tại một giáo xứ Công Giáo do Dòng Salêdiêng của Don Bosco điều hành ở thị trấn Bahía Blanca, Á Căn Đình. Năm 20 tuổi, anh gia nhập nhà dòng để trở thành một linh mục Salêdiêng.

Khi sống trong cộng đồng Salêdiêng, Zatti mắc bệnh lao sau khi chăm sóc cho một linh mục trẻ mắc bệnh.

Một trong những linh mục Salêdiêng, là một y tá, đã đề nghị Zatti cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria Phù Hộ Các Tín Hữu, hứa rằng nếu anh được chữa lành, anh sẽ cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những người bệnh.

Zatti sẵn sàng thực hiện lời hứa và được chữa khỏi bệnh lao. Sau đó, anh ấy nói về sự kiện này: “Tôi tin, tôi đã hứa, tôi đã được chữa lành.”

Người nhập cư trẻ tuổi người Ý đã từ bỏ ý định làm linh mục và trở thành một trợ tá Salêdiêng, một vai trò giáo dân để anh có thể cống hiến hết mình cho việc phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Năm 1915, ở tuổi 35, Zatti trở thành giám đốc bệnh viện Salêdiêng ở Viedma, một thành phố ở miền trung Á Căn Đình. Hai năm sau, anh cũng trở thành quản lý của hiệu thuốc và nhận được giấy phép hành nghề y tá chuyên nghiệp.

Không chỉ làm việc trong bệnh viện, Zatti còn đi đến các vùng ngoại vi của Viedma và thành phố lân cận Carmen de Patagones để chữa trị cho những người có nhu cầu, và danh tiếng của anh như một y tá thánh thiện đã lan rộng khắp vùng đó của Á Căn Đình.

Zatti luôn nhìn thấy Chúa Giêsu trong từng bệnh nhân của mình. Một số người thậm chí còn nhớ lại cảnh anh ta mang xác của một bệnh nhân đã chết trong đêm đến nhà xác khi anh ta đọc kinh De Profundis, một lời cầu nguyện cho người chết được trích từ văn bản của Thánh Vịnh 130.

Những người biết anh nói rằng Zatti đã thực hiện công việc phục vụ người bệnh bằng sự hy sinh anh dũng và anh ấy đã làm rạng rỡ ánh sáng của Chúa, thậm chí còn đưa được một số người không tin về với đức tin Công Giáo.

Năm 1950, sau khi bị ngã từ trên thang xuống, Zatti bắt đầu có dấu hiệu bị ung thư gan. Zatti tiếp tục làm việc, nhưng ngày 15 tháng 3 năm 1951, ở tuổi 70, Zatti mất vì bạo bệnh.

Zatti là vị trợ tá Salêdiêng đầu tiên được tuyên bố là một vị thánh. Ngày lễ của ngài sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng 11 hàng năm.

Sau phần đọc tiểu sử, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha toàn năng nhờ Chúa Giêsu Kitô và nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và tất cả các Thánh xin Ngài đoái thương nâng đỡ quyết định long trọng chúng ta sắp thực hiện.

Giờ đây, cộng đoàn cùng quỳ gối hát kinh cầu các Thánh bằng tiếng La tinh, khiêm tốn cầu xin các thánh nam nữ trợ giúp Hội Thánh trong quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu các Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố bằng tiếng Latinh:

“Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố các Chân Phước Giovanni Battista Scalabrini và Artemide Zatti là các vị Thánh và được ghi vào sổ bộ các Thánh và truyền rằng các ngài được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”

Sau khi bài Tin Mừng được xướng lên bằng cả tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Khi Chúa Giêsu đi cùng, mười người phong cùi gặp ngài và kêu lên: “Xin thương xót chúng tôi!” (Lc 17:13). Tất cả mười người đều được chữa lành, nhưng chỉ có một người trong số họ quay lại cảm ơn Chúa Giêsu. Ông là một người Samaritanô, một loại dị giáo đối với người Do Thái. Lúc đầu, họ đi cùng nhau, nhưng sau đó người Samaritanô bỏ những người khác và quay lại, “lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (câu 15). Chúng ta hãy dừng lại và suy ngẫm về hai khía cạnh này của bài Tin Mừng hôm nay: cùng nhau bước đi và tạ ơn.

Đầu tiên, cùng nhau bước đi. Vào đầu trình thuật, không có sự khác biệt giữa người Samaritanô và chín người khác. Chúng ta chỉ nghe nói rằng họ là những người phung, những người cùng nhau, như một nhóm, đến gần Chúa Giêsu. Bệnh phong, như chúng ta biết, không chỉ là một bệnh tật về thể xác, một bệnh mà ngày nay chúng ta phải cố gắng hết sức để loại bỏ, mà còn là một “căn bệnh xã hội”, vì trong những ngày đó, vì sợ lây lan, người bệnh phong phải xa lánh cộng đồng (xem Lv 13:46). Do đó, họ không thể vào làng; họ bị giữ ở những khoảng cách, bị cô lập và bị xếp ra ngoài lề của đời sống xã hội và thậm chí cả đời sống tôn giáo. Khi đi cùng nhau như thế, những người phung này đã kết tội một xã hội loại trừ họ. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng người Samaritanô, mặc dù bị coi là dị giáo, “một người ngoại quốc”, là một phần của nhóm họ. Anh chị em, bất cứ khi nào bệnh tật và sự mong manh được chia sẻ, rào cản sẽ sụp đổ và sự loại trừ được vượt qua.

Hình ảnh này cũng có ý nghĩa đối với chúng ta: khi chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đều mang những bệnh tật trong lòng, tất cả chúng ta đều là những tội nhân đang cần đến lòng thương xót của Chúa Cha. Sau đó, chúng ta ngừng tạo ra sự chia rẽ trên cơ sở thành tích, vị trí xã hội hoặc một số tiêu chí bề ngoài khác; các rào cản và định kiến nội tâm của chúng ta cũng giảm theo. Cuối cùng, một lần nữa chúng ta nhận ra rằng chúng ta là anh chị em của nhau. Ngay cả Naaman người Syria, như bài đọc thứ nhất đã nhắc nhở chúng ta, bất kể tất cả của cải và quyền lực của ông, ông chỉ có thể được chữa lành bằng cách làm một việc đơn giản: đó là tắm rửa trong dòng sông mà mọi người khác đang tắm. Trước hết, ông phải cởi bỏ áo giáp và áo choàng của mình (xem 2 CV 5). Chúng ta sẽ tốt nếu có thể loại bỏ áo giáp bên ngoài của riêng mình, hàng rào phòng thủ của mình, và tắm một cách khiêm tốn, lưu ý rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương bên trong và cần được chữa lành. Tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy nhớ điều này: đức tin Kitô luôn yêu cầu chúng ta đi bên cạnh những người khác, đừng bao giờ trở thành những người lữ hành cô đơn. Đức tin luôn thúc giục chúng ta vượt ra khỏi chính mình và hướng tới Thiên Chúa cũng như anh chị em của chúng ta, đừng bao giờ sống khép kín. Đức tin mời gọi chúng ta liên tục nhận ra rằng chúng ta đang cần được chữa lành và tha thứ, và chia sẻ sự yếu đuối của những người ở gần chúng ta, mà không cảm thấy mình cao trọng hơn người khác.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy suy ngẫm và xem liệu trong cuộc sống, trong gia đình, nơi chúng ta làm việc và dành thời gian hàng ngày, chúng ta có khả năng đi cùng với người khác, lắng nghe họ, chống lại sự cám dỗ khép mình hay không, hay chúng ta tự hấp thụ và chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân. Cùng nhau bước đi - trở thành “đồng nghị” - cũng là ơn gọi của Giáo Hội. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có thực sự là những cộng đồng thực sự cởi mở và bao gồm tất cả mọi người hay không; liệu chúng ta có hợp tác, với tư cách là linh mục và giáo dân, trong việc phục vụ Tin Mừng không; và liệu chúng ta có thể hiện mình là người chào đón, không chỉ bằng lời nói mà bằng những cử chỉ cụ thể, đối với những người gần xa, và tất cả những người đang chới với bởi những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta có khiến họ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng không? Hay chúng ta loại trừ họ? Tôi bối rối khi nhìn thấy các cộng đồng Kitô giáo phân chia thế giới thành người tốt và kẻ xấu, người thánh thiện và kẻ tội lỗi: điều này khiến họ cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác và loại trừ quá nhiều người mà Thiên Chúa muốn đón nhận. Xin hãy luôn hòa nhập: trong Giáo hội và trong xã hội, vốn vẫn còn bị ảnh hưởng bởi nhiều hình thức bất bình đẳng và gạt ra bên lề xã hội. Luôn luôn bao gồm. Hôm nay, ngày mà Giám mục Scalabrini trở thành một vị thánh, tôi nghĩ đến những người di cư. Việc loại trừ những người di cư là một tai tiếng. Trên thực tế, việc loại trừ những người di cư là tội phạm. Họ đang chết ngay trước mặt chúng ta, vì Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất trên thế giới. Việc loại trừ những người di cư là nổi loạn, tội lỗi và tội phạm. Không mở cửa cho những người có nhu cầu - “Không, chúng tôi không loại trừ họ, chúng tôi gửi họ đi đến các trại,” nơi họ bị bóc lột và bán như nô lệ. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta được kêu gọi nhớ đến những người di cư này, đặc biệt là những người đang hấp hối. Và với những người được nhập cư, chúng ta có chào đón họ như anh chị em hay chúng ta bóc lột họ? Tôi chỉ đơn thuần là đặt ra câu hỏi.

Điều thứ hai là cảm ơn. Trong nhóm mười người phung, chỉ có một người nhận ra rằng mình đã khỏi bệnh, quay lại để ca ngợi Thiên Chúa và tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu. Chín người còn lại đã được chữa lành, nhưng sau đó lại đi theo con đường riêng của họ, quên mất người đã chữa lành cho họ. Họ đã quên đi những ân sủng mà Chúa đã ban cho họ. Trái lại, người Samaritanô biến món quà mà anh ta nhận được là bước đầu tiên của một cuộc hành trình mới: anh ta trở lại với Đấng đã chữa lành anh ta; anh ta quay lại với Chúa Giêsu để biết Ngài nhiều hơn; anh ta đi vào mối quan hệ với Chúa. Vậy, thái độ biết ơn của anh ta không phải là hành động lịch sự đơn thuần, mà là khởi đầu của hành trình tạ ơn: anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu (x. Lc 17,16) và thờ lạy Người. Anh ta công nhận rằng Chúa Giêsu là Chúa, rằng Chúa Giêsu quan trọng hơn sự chữa lành mà anh ta nhận được.

Đây cũng là một bài học lớn cho chúng ta, thưa anh chị em, những người hàng ngày được hưởng lợi từ các ân sủng của Thiên Chúa, nhưng lại thường đi theo con đường riêng của mình, không vun đắp mối quan hệ sống động và thực sự với Ngài. Đây là một căn bệnh tâm linh khó chịu: chúng ta coi mọi thứ là đương nhiên, kể cả đức tin, kể cả mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, đến mức chúng ta trở thành Kitô hữu không còn có thể kinh ngạc hoặc cảm tạ, thiếu lòng biết ơn và không có khả năng nhìn thấy những điều kỳ diệu của Chúa. Một người phụ nữ mà tôi biết đã từng nói: “Họ là những Kitô hữu nước hoa hồng”. Cuối cùng, chúng ta nghĩ rằng tất cả những ân sủng mà chúng ta nhận được mỗi ngày là đương nhiên và do chúng ta. Lòng biết ơn, khả năng cảm tạ, làm cho chúng ta cảm kích sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu trong cuộc sống của chúng ta. Và để nhận ra tầm quan trọng của người khác, vượt qua sự bất mãn và thờ ơ làm xấu trái tim của chúng ta. Điều cần thiết là biết cách nói “cảm ơn”. Để cảm tạ Chúa mỗi ngày và cảm ơn lẫn nhau. Trong gia đình của chúng ta, đối với những món quà nhỏ mà chúng ta nhận được hàng ngày và thậm chí thường không nghĩ đến. Ở những nơi chúng tôi dành cả ngày, hãy cảm ơn vì nhiều sự phục vụ mà chúng ta tận hưởng, và cảm ơn tất cả những người ủng hộ chúng ta. Trong các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta, hãy cảm ơn vì tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm được trong sự gần gũi của những anh chị em của chúng ta, những người thường âm thầm, cầu nguyện, hy sinh, đau khổ và đồng hành với chúng ta. Vì vậy, xin vui lòng, đừng quên nói những từ khóa sau: cảm ơn bạn!

Hai vị được tuyên thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cùng nhau bước đi và có thể tạ ơn. Đức Cha Scalabrini, người đã thành lập hai Hội dòng - một nam và một nữ - để chăm sóc những người di cư, từng nói rằng trong hành trình chung của những người di cư, chúng ta không chỉ nên nhìn thấy những vấn đề, mà còn phải thấy cả một kế hoạch quan phòng. Theo lời của ngài: “Chính vì những cuộc di cư do các cuộc bách hại áp đặt, Giáo hội đã vượt ra khỏi giới hạn của Giêrusalem và của Israel, và trở thành 'Công Giáo'; nhờ những cuộc di cư trong thời đại của chúng ta, Giáo hội sẽ là công cụ của hòa bình và sự hiệp thông giữa các dân tộc “(L'emigrazione degli operai italiani, Ferrara, 1899). Cuộc di cư hiện đang diễn ra ở Âu Châu đang gây ra nhiều đau khổ và buộc chúng ta phải mở rộng lòng mình - đó là cuộc di cư của những người Ukraine đang chạy trốn chiến tranh. Chúng ta đừng quên những người di cư Ukraine bị coi thường. Với tầm nhìn tuyệt vời, Thánh Scalabrini hướng đến một thế giới và một Giáo hội không có rào cản, nơi không có ai là người nước ngoài. Về phần mình, Anh Artemide Zatti - dòng Salêdiêng - với chiếc xe đạp của mình - là một tấm gương sống về lòng biết ơn. Được chữa khỏi bệnh lao, anh dành cả cuộc đời mình để phục vụ người khác, chăm sóc người bệnh bằng tình yêu thương dịu dàng. Người ta cho rằng anh đã mang trên vai thi thể đã chết của một trong những bệnh nhân của mình. Với lòng biết ơn đối với tất cả những gì đã nhận được, anh ấy muốn nói lời “cảm ơn” của chính mình bằng cách tự gánh lấy vết thương của người khác.

Chúng ta hãy cầu nguyện để những vị Thánh này, những người anh em của chúng ta, có thể giúp chúng ta bước đi cùng nhau, không có bức tường ngăn cách; và nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng, đẹp lòng Thiên Chúa, là lòng biết ơn.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana