Triết học về tự nhiên

Triết học về tự nhiên của Maritain xuất hiện xuyên suốt công trình của ông — trong Éléments de Philosophie [Các Yếu tố Triết học](Vol. 1, 1920, Bản tiếng Anh: Introduction to Philosophy) và trong một tiểu luận trong Science et sagesse [Khoa học và Khôn ngoan] (1935, bản tiếng Anh: Science and Wisdom), nhưng đặc biệt trong Les degrés du savoir [Các Mức độ của Nhận thức](1932, bản tiếng Anh: The Degrees of Knowledge) và La Philosophie de la nature [Triết học về Tự nhiên](1935, bản tiếng Anh: The Philosophy of Nature). Một lần nữa, giải trình của Maritain dựa trên Aristốt, Thánh Tôma và John Poinsot, mặc dù rõ ràng ông đã mở rộng quan điểm của những người đi trước.



Như đã lưu ý trên đây, nền giáo dục sớm của Maritain và các nghiên cứu ở đại học là về khoa học tự nhiên. Sự thất vọng của ông trước phương pháp tiếp cận duy nghiệm đối với các khoa học của các giáo sư của ông ở Paris, và việc quan tâm của ông (sau khi trở lại đạo) trong việc đưa triết học của Thánh Tôma vào thế giới đương thời đã dẫn ông đến chỗ xem xét lại mối tương quan giữa triết học và khoa học và đặc biệt tới việc phát triển một triết học về tự nhiên.

Đối với Maritain, triết học về tự nhiên là một nhánh của triết học suy lý. Nó tìm cách cung cấp một phân tích bản thể học về ‘hữu thể chuyển động’ [ens mobile] có xác thân, khả giác; đặc biệt, nó liên quan đến việc tìm kiếm những nguyên tắc đầu tiên của các sự vật vật chất — tức là những nguyên tắc vượt quá cảm giác. Như thế, “nó liên quan đến một nhận thức mà đối tượng của nó, hiện diện trong mọi sự vật có bản chất xác thân, là hữu thể chuyển động đúng nghĩa và các nguyên tắc bản thể học giải thích khả năng chuyển động của nó” (Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 197]).

Trong số — và ở đỉnh cao — các vật thể tự nhiên là con người, và do đó tâm lý học là phạm trù cao nhất của triết học tự nhiên.

Do đó, triết học về tự nhiên nằm giữa khoa học và siêu hình học; nó cần được phân biệt với siêu hình học, vốn đề cập đến mọi hữu thể như là hữu thể, nhưng cả với khoa học (thực nghiệm) nữa, một khoa học vốn đề cập đến hữu thể khả giác như hữu thể có thể quan sát hoặc đo lường được. Vì nó tìm kiếm những nguyên tắc làm nền tảng cho mọi đối tượng vật lý, nó tuân theo những suy tư về và vượt quá khoa học; tuy nhiên, vì nó vẫn đề cập đến những đối tượng như vậy và thừa nhận rằng các kết luận của nó cần phải phù hợp với sự xác minh bằng các giác quan, nên nó không phải là siêu hình học.

Theo Maritain, các tìm tòi của khoa học tự nhiên không giống với triết học tự nhiên vì mục tiêu của triết học tự nhiên không chỉ đơn thuần là suy tư về các phương pháp và kết luận của khoa học vật lý, mà còn cung cấp các nguyên tắc căn bản. Hơn nữa, triết học về tự nhiên hiểu rằng thực tại không thể bị giản lược vào vật lý (thực tại vật lý). Nó tập chú vào yếu tính của sự vật và các loại (tự nhiên) mà những sự vật đó thuộc về.

Giải trình của Maritain giả thiết rằng có một phẩm trật siêu hình và nhận thức luận: gồm từ những sự vật khả giác, có thể quan sát được, như giác quan biết đến, qua “những tất yếu khả niệm đắm chìm trong thực tại của thế giới hiện hữu này” vốn được biết đến thông qua trí tuệ tách biệt khỏi các giác quan (Degrees of Knowledge, 1932 [1959: 145]), tới “vũ trụ số lượng đúng nghĩa” (toán học), tới siêu hình học và cuối cùng là kinh nghiệm huyền nhiệm (xem Degrees of Knowledge,1932 [1959: 145–6]). Như thế, các bình diện trong phẩm trật này được xác định theo cách thức và mức độ mà những gì đã biết được trừu tượng hóa khỏi chất thể. Vậy thì triết học về tự nhiên là một khoa học suy diễn nằm ở bình diện trừu tượng hóa đầu tiên. Nó gần với siêu hình học ở chỗ giải quyết các vấn đề tổng quát liên quan đến vũ trụ, chẳng hạn như mối liên hệ của nó với các nguyên tắc tất yếu và ngẫu nhiên, và với nguyên nhân đầu tiên. Nhưng nó cũng cần được hoàn thiện bằng nhận thức của các khoa học tự nhiên và do đó, ở cùng một bình diện trừu tượng hóa.

Đâu là các nguyên tắc mà cách tiếp cận như vậy tìm kiếm? Triết học về tự nhiên đặc biệt quan tâm đến bản chất của chuyển động, bản chất của bản thể xác thân (tức chất thể và mô thức), bản chất của sự sống và bản chất của các nguyên tắc cấu tạo của sinh vật. Maritain viết, “triết học tự nhiên hướng dẫn chúng ta về bản chất của thể liên tục [continuum] và của con số, của số lượng, của không gian, của chuyển động, của thời gian, của bản thể xác thân, của hành động bắc cầu, của sự sống thực vật và sự sống khả giác, của linh hồn và các khả năng hoạt động của nó, v.v.” (Degrees of Knowledge 1932 [1959: 186]) và do đó, ở cùng một bình diện trừu tượng hóa như các môn khoa học tự nhiên.

Chủ trương của Maritain ở đây trái ngược hẳn với quan điểm của đồng nghiệp của ông, là Etienne Gilson, người có thiện cảm hơn đối với Bergson và là người viết ít về triết học tự nhiên trong suốt cuộc đời mình, có thể vì ông tin rằng chủ nghĩa Aristốt làm nền cho quan điểm của phái Tôma đã bị khoa học hiện đại biến thành bất liên quan (Nelson 2007). Ngay cả những nhà phê bình có thiện cảm, như Gerald McCool, cũng cho rằng lời giải thích của Maritain về ba mức độ trừu tượng khác nhau, vốn làm cơ sở cho quan điểm này, đã bóp méo quan điểm của chính Thánh Tôma (McCool 1989: 254). Nhiều nhà phê bình nhiệt tình hơn đã phản đối lối giải thích của Maritain về điều được ông gọi là 'chủ nghĩa duy nghiệm', và một số người, như George Boas, đã lập luận vào thời điểm đó rằng Maritain phụ thuộc vào một lý thuyết về sự hiện hữu của các loài (classes) tự nhiên có yếu tính — một lý thuyết triết học, trên thực tế, có thể không được hầu hết các nhà khoa học giả định (Boas 1952). (Tất nhiên, Maritain sẽ trả lời rằng đây chính là quan điểm của mình; những yếu tính như vậy không phải là đối tượng của khoa học thực nghiệm.)

Thần học Tự nhiên và Triết học Tôn giáo

Giống như Thánh Tôma, Maritain cho rằng không có mâu thuẫn giữa đức tin chân chính và lý trí chân chính, niềm tin tôn giáo cởi mở đối với cuộc thảo luận thuận lý, và sự hiện hữu của Thiên Chúa và một số niềm tin tôn giáo căn bản có thể được chứng minh về mặt triết học. (Tuy nhiên, Maritain chủ trương rằng 'luận lý toán học của Russell' không "hay bằng luận lý truyền thống của Aristốt" và bất kỳ sự chứng minh nào về niềm tin tôn giáo đều cần tuân theo tam đoạn luận của Aristốt; (Introduction to Logic, 1923 [1937a: 222–232]; Kraal 2013: 357.) Như thế, niềm tin tôn giáo không phải là một thái độ hay một vấn đề thuộc ý kiến riêng - một lựa chọn có thể chấp nhận hoặc không tùy theo sở thích riêng tư của mỗi người; đó là một vấn đề của ‘sự thật’. Đối với Maritain, người ta phải lựa chọn giữa “Thiên Chúa đích thực hay sự phi lý triệt để” (Introduction to Philosophy, 1920 [1944: 259]).

Maritain chủ trương rằng triết học là ancilla theologiae (“người đầy tớ gái của thần học”), và triết học đó, dưới tiêu chuẩn của nhận thức siêu hình, cho phép chứng minh một số niềm tin tôn giáo căn bản. Giống như Thánh Tôma, Maritain chấp nhận chủ trương của phái duy nền tảng [foundationalist] cổ điển rằng những niềm tin này có thể được thiết lập bằng cách diễn dịch hợp lý từ các nguyên tắc hiển nhiên và cấu thành nhận thức chân chính. Một cách chuyên biệt, ông chủ trương rằng, bằng cách sử dụng lý trí tự nhiên, người ta có thể biết được một số chân lý nào đó về Thiên Chúa, và 'năm con đường' của Thánh Tôma cung cấp nhận thức chắc chắn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng Maritain cũng lập luận rằng có thể có những ‘bằng chứng’ khác về sự hiện hữu của thể thần linh và trong Approches de Dieu (1953), ông đã phát triển điều được ông gọi là “con đường thứ sáu”.

Maritain viết, có một trực giác được đánh thức nơi những con người khi họ dấn thân vào suy nghĩ - nghĩa là, trong tư cách các hữu thể suy nghĩ, dường như họ không thể, một lúc nào đó, không là những hữu thể như thế. Là một hữu thể có suy nghĩ, người ta dường như thoát khỏi sự thăng trầm của thời gian và không gian; không có chuyện trở thành hiện hữu hay ngưng hiện hữu - tôi không thể nghĩ điều không hiện hữu. Tuy thế, tất cả chúng ta đều biết rất rõ rằng chúng ta được sinh ra - chúng ta bước vào hiện hữu. Như thế, chúng ta đối diện với một mâu thuẫn - không phải mâu thuẫn luận lý, mà là mâu thuẫn sống. Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là người ta luôn hiện hữu, nhưng không phải thông qua bản thân mình, mà là bên trong “một Hữu thể có nhân cách siêu việt” và từ Người “bản ngã suy nghĩ nay tiến vào hiện hữu trong thời gian” (Approches de Dieu, trong Oeuvres complètes, Vol. X, trang 64 [Bản dịch tiếng Anh., tr. 71–72]). Hữu thể này phải chứa đựng mọi sự vật trong chính mình một cách ưu việt và chính mình là hữu thể, là tư tưởng và ngôi vị, một cách tuyệt đối siêu việt. Điều này ngụ ý rằng sự hiện hữu đầu tiên là sự viên mãn vô hạn của hữu thể, tách biệt trong yếu tính với mọi thể hiện hữu đa dạng khác. (Sđd, tr. 66 [Bản tiếng Anh., tr. 74])

Maritain cũng thừa nhận khả thể một nhận thức tự nhiên, tiền triết học, nhưng vẫn thuận lý về Thiên Chúa (xem Approches de Dieu, trang 13–22). Maritain tuyên bố, đây là một ‘nhận thức’ cần thiết đối với — và trên thực tế, dẫn đến — một minh chứng triết học về sự hiện hữu của Thiên Chúa. (Bằng cách này, người ta có thể biết rằng một số niềm tin tôn giáo là đích thực, ngay cả khi không thể chứng minh được chúng). Lập luận của Maritain, một lập luận giống lập luận của trường phái Tôma về hữu thể ngẫu nhiên, là, trong trực giá hữu thể của người ta, họ ý thức được, thứ nhất, một thực tại tách biệt với chính họ; thứ hai, ý thức được chính mình như hữu thể hữu hạn và có giới hạn; và thứ ba, ý thức được sự cần thiết phải có một điều gì đó “hoàn toàn thoát khỏi hư vô và sự chết” (sđd, tr. 15 [Bản tiếng Anh tr.,19]). Điều này xẩy ra đồng thời với việc "lý luận tự phát" theo cùng một quy trình dẫn tới kết luận rằng có “một Toàn thể khác […] Một Hữu thể khác, siêu việt và tự đầy đủ và chưa được biết đến trong chính nó và kích hoạt mọi hữu thể […] nghĩa là Hữu thể tự tồn hữu, Hữu thể hiện hữu thông qua chính mình (Sđd, tr. 16 [Bản tiếng Anh tr., 20]).

Maritain thừa nhận, nhận thức về Thiên Chúa này không có tính chứng minh, nhưng vẫn “phong phú về độ chắc chắn” (sđd,., tr. 19 [Bản tiếng Anh. Tr. 23]) và vừa được giả định bởi, vừa là sức mạnh nằm dưới, các chứng minh triết học về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Sự khác biệt giữa nhận thức tiền triết học và nhận thức triết học về Thiên Chúa là nhận thức sau dựa trên “sự chứng minh khoa học” (Approches de Dieu, p. 19 [Bản tiếng Anh Tr. 23]) – dựa trên các sự kiện thực nghiệm— và liên quan đến phép loại suy, từ đó chúng ta có những thuật ngữ có thể khẳng định một cách thích đáng cho thể thần linh. Mặt khác, nhận thức tiền triết học là “trực giác” —một cách tiếp cận nhận thức, mặc dù không phải là một “con đường” (sđd, tr. 20 [Bản tiếng Anh Tr.24]), một bằng chứng, hoặc một chứng minh. Nhận thức này dựa trên một lối lý luận tự nhiên không thể diễn đạt bằng lời. Tuy nhiên, điều cũng quan trọng là phải thừa nhận rằng mặc dù Maritain cho rằng người ta có thể “nắm bắt một số chân lý nào đó bằng thường thức trước khi trở thành đối tượng của mối quan tâm triết học” (sđd, tr. 24 [Bản tiếng Anh tr. 30]), các bằng chứng triết học về sự hiện hữu của Thiên Chúa không những “được xác lập và biện minh một cách triết lý ”ở chính bình diện triết học, nhưng đã “có giá trị và hiệu năng” ở bình diện của nền triết học “khởi đầu [inchoative] và tự phát ” này (ibid., p. 24 [Bản tiếng Anh tr. 30]), và điều mà người ta đạt được bằng cách tiếp cận như vậy là nhận thức về chân lý của một mệnh đề (như trong các chứng minh triết học).

Tuy nhiên, người ta từng tranh luận rằng ở đây có một số khó khăn với chủ trương của Maritain. Thí dụ, dù đúng là người ta có thể khẳng định một cách ‘tự nhiên’ mệnh đề nói rằng có một Thiên Chúa, nhưng không hề hiển nhiên việc bằng cách nào họ có thể khẳng định rằng họ biết điều đó. Nói cách khác, dù mệnh đề đó đúng, thì vẫn không rõ bằng cách nào chúng ta có thể nói rằng chúng ta biết hoặc tin nó là đúng. Điều Maritain xem ra cung cấp cho chúng ta ở đây là lời giải thích về cách người ta đạt tới một mệnh đề nào đó và sự chắc chắn của họ, chứ không có gì hơn. Nhưng, vì trạng thái chắc chắn của một cá nhân không là một với sự khẳng định rằng người đó biết điều gì đó là đúng, nên điều không rõ ràng là cách tiếp cận tiền triết học cung cấp cho người ta một cơ sở thỏa đáng để nói rằng một niềm tin tôn giáo là đúng, mà chỉ có thể nói là họ được thuyết phục về nó. Và, người ta có thể lập luận, các kết luận song hành có thể được rút ra nếu người ta khảo sát các con đường khác mà Maritain cho là sẽ dẫn đến nhận thức giả định về Thiên Chúa.

(Một cách đáng lưu ý, Maritain là người chỉ trích một số lập luận được đề xuất để bênh vực niềm tin tôn giáo. Ông lập luận rằng những bênh vực như vậy thất bại vì chúng không thừa nhận rằng có những loại nhận thức khác nhau, những loại khác nhau này được sắp xếp theo phẩm trật và các phương pháp chúng sử dụng, theo định nghĩa, không thích hợp để chứng minh một số điều nào đó. Vì vậy, Maritain chủ trương rằng trong khi 'lý trí', hiểu như "trí hiểu đang di chuyển theo hướng tiến bộ về đích đến của nó, là điều có thực", có thể đạt được nhận thức về Thiên Chúa bằng cách chứng minh, nếu chúng ta coi 'lý trí' như một phương pháp có tính biện luận thuần túy— một phương pháp mà Maritain đồng nhất hóa với "khoa học vật lý-toán học" và là điều ông cũng gọi là "lý trí" của chủ nghĩa duy lý "(Antimoderne, 1922: 64, bản dịch của William Sweet) - nó có thể không biết hoặc không nói gì về Thiên Chúa. Vì lý trí phải được sắp xếp theo đối tượng của nó, lý trí (theo nghĩa thứ hai này) không thể chứng minh hoặc thậm chí không thể bắt gặp các sự thật mạc khải.)

Ngoài khả thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự cố kết của các thuộc tính thần linh, Maritain thừa nhận có một số con đường khác trong đó người ta có thể tiến tới chỗ biết các niềm tin tôn giáo là đúng. Bên cạnh việc biết Thiên Chúa 'một cách tự nhiên', còn có một sự “hiểu biết vô thức về Thiên Chúa” trong hành động tự do đầu tiên của con người (xem Range of Reason, 1948 [1952: 69–71]), “nhận thức đồng bản tính [connatural]”, “trực giác trừu tượng” [abstract intuition](qua đó người ta biết “các nguyên tắc đệ nhất” như nguyên tắc đồng nhất và không mâu thuẫn và nguyên tắc nhân quả), “những con đường của trí hiểu thực tiễn” (tức là thông qua kinh nghiệm đạo đức hoặc thẩm mỹ - mặc dù những quy luật này không cung cấp một chứng minh nghiêm ngặt (xem Approches de Dieu, ch. IV) và tất nhiên, sự mặc khải Thiên Chúa.

Đối với Maritain, nói rằng bằng lý trí, người ta có thể đạt được một số nhận thức về Thiên Chúa không có nghĩa là mọi người đều có thể làm được điều này. Hơn nữa, Maritain cũng cho rằng có thể hợp lý khi tin, ngay lúc thiếu các lập luận hoặc bằng chứng như vậy, mặc dù điều người ta tin không được mâu thuẫn với kết quả của "lý trí đích thực". Thí dụ, Maritain lập luận rằng, ngay cả khi người ta cho rằng một niềm tin có khả năng được chứng minh thuận lý, thì cũng không vì thế mà cho rằng họ phải có khả năng cung cấp nó; do đó, nhận thức của người ta về "các sự thật mạc khải" là hợp lý, mặc dù Maritain (như Thánh Tôma) sẽ không bao giờ cho rằng người ta phải có thể đưa ra một chứng minh triết học về chúng. Hơn nữa, Maritain thừa nhận thần học có thể “bác bỏ là sai bất cứ khẳng định triết học nào mâu thuẫn với chân lý thần học” (Introduction to Philosophy, 1920 [1944: 126]).

Maritain viết rằng có thể có nhận thức về các thuộc tính thần linh. Như với mọi nhận thức tự nhiên về thần linh, nhận thức này trong căn bản có tính loại suy, và nó thường là kết quả của via negativa (con đường phủ định). Vì vậy, ông nhấn mạnh rằng chúng ta biết một số điều về Thiên Chúa. Chúng ta có thể biết rằng Thiên Chúa hiện hữu (quia est), mặc dù không biết Thiên Thiên Chúa là chi trong chính Người (quid est) (Degrees of Knowledge, Phụ lục III, 1932 [1959: 423]). Hơn nữa, chống lại A.G. Sertillanges và Etienne Gilson, Maritain khẳng định rằng chúng ta có thể có nhận thức khẳng định về Thiên Chúa — tức là, biết một cách ít nhiều không hoàn hảo nhưng, tuy thế, vẫn theo cách thực sự biết Thiên Chúa là chi. Ngoài ra, Maritain cho rằng, nhận thức nhờ phủ định giả định nhận thức tích cực. (Tuy nhiên, Mary Daly lưu ý rằng Maritain không rõ ràng về phạm vi mà nhận thức khẳng định của chúng ta về Thiên Thiên Chúa đạt tới bằng lập luận triết học [Daly 1966: 53.].) Tuy nhiên, Maritain thừa nhận rằng nhận thức về Thiên Chúa được triết học cung cấp không đầy đủ và không hoàn hảo; nhận thức loại suy mà chúng ta có về Thiên Chúa không thể mô tả đầy đủ về việc Thiên Chúa là chi.

Rõ ràng là Maritain tránh được nhiều mối quan tâm được các nhà phê bình bày tỏ về ‘nhận thức loại suy’. Thí dụ, nếu thuật ngữ 'nguyên nhân' được dùng một cách loại suy khi áp dụng vào Thiên Chúa, thì khi người ta thốt ra mệnh đề 'Thiên Chúa là nguyên nhân của vũ trụ' sau khi khảo sát 'con đường thứ hai' của Thánh Tôma, có vẻ như người ta phải sử dụng thuật ngữ này y hệt cùng một ý nghĩa như nó đã được sử dụng suốt trong lối lập luận trước đó. Nếu nó không được sử dụng theo cùng một ý nghĩa, thì làm sao người ta có thể khẳng định rằng Thánh Tôma đã chứng minh được kết luận này? Vấn đề không phải là liệu việc khẳng định loại suy có khả hữu hay không mà trước tiên là liệu người ta có thể hiểu được khẳng định loại suy hay không và thứ hai, liệu người ta có thể sử dụng một khẳng định như thế trong một chứng minh mà không phạm lỗi lập lờ nói nước đôi hay không.

Vì giải trình của Maritain về đức tin và về nhận thức siêu thuận lý, có vẻ như ông muốn coi niềm tin tôn giáo như 'niềm tín thác' [trusts] và do đó, không phải chỉ có đặc điểm nhận thức thuần túy. Chắc chắn, ông theo Thánh Tôma, người từng nói về đức tin như một ‘thiên hướng’ [disposition] hay tập tính [habitus]. Tất nhiên, một thói quen không chỉ đơn thuần là sản phẩm của hành động, mà bản thân nó được sắp xếp để hành động. Như thế, nói rằng các niềm tin tôn giáo có tính chất đề xuất về hình thức không có nghĩa là chức năng của chúng chỉ mang tính mô tả. Tuy nhiên, giải trình của Maritain về niềm tin tôn giáo và mối liên hệ của nó với lập luận và bằng chứng là không đầy đủ. Hơn nữa, vì Maritain quả sử dụng 'thuyết duy nền tảng' như một tiêu chuẩn đủ bằng chứng để tuyên bố rằng một số mệnh đề phát biểu niềm tin tôn giáo là đúng, như đã nói ở trên, có một cuộc tranh luận về việc liệu ông có thể trực tiếp giải quyết những thách thức của các nhà phê bình 'hậu hiện đại' đối với nhận thức luận duy nền tảng hay không.

Kỳ tới: Triết học Luân lý và Chính trị và Triết học Pháp luật