Chương Hai: Các Chi Thể của Giáo Hội Ở Đây, Trên Trái Đất Này, Tất Cả đều Là Người Có Tội Nhưng Bản Thân Giáo Hội Không Có Tội



1. Ở đây tôi không nói về Giáo hội trên trời, mà nói về Giáo hội đang hành hương trên mặt đất. Ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria, người cho đến khi được Mông triệu là một phần của Giáo hội trên trái đất, thì các chi thể của Giáo hội ở đây trên trái đất này quả đều là kẻ có tội. Trước hết xin nói đôi lời về điểm này.

Con cái Ađam, tất cả đều được sinh ra thiếu mọi ân sủng, và chính trong bản chất con người nghiêng về sự dữ mà trong Phép Rửa, họ đã lãnh nhận được ân sủng; họ hết thẩy đều mang trong mình vết thương của tội lỗi đầu tiên. Họ phạm tội nhẹ rất thường xuyên dù ít hay nhiều, trong nhiều trường hợp họ phạm tội ít hay nhiều nặng nề, thường chính họ không thấy vì họ đã làm ngơ việc thanh tẩy tâm hồn họ.

Những tội lỗi mà linh mục và các tín hữu cáo mình mỗi ngày khi bắt đầu thánh lễ, - "Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót,"- không ngăn cản họ rước Mình Thánh Chúa chưa đầy nửa giờ sau lời thú tội này. Họ là những kẻ có tội, đúng như vậy: họ phạm tội mỗi ngày vì sự yếu đuối của con người; và nếu họ phạm tội trọng thì họ phải chạy tới Bí tích Sám hối để được giải tội. Họ được ân sủng và bác ái thường xuyên.

Và có những chi thể khác của Giáo hội (đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, một bí tích đã in vào họ một "ấn tích" không thể xóa nhòa, cũng như Bí tích Thêm sức, và họ đã giữ đức tin), sống trong sự dữ và đánh mất ân sủng và bác ái, tôi nói trước mắt Thiên Chúa, Đấng chỉ một mình Người biết tận đáy lòng. Người ta gọi họ là các chi thể "đã chết". Tôi không thích từ ngữ này: vì, như tôi sẽ chỉ rõ thêm, trên thực tế, họ vẫn được men sự sống làm cho hoạt động {1}.

Tuy nhiên, chúng ta cứ gọi họ là các chi thể “đã chết”, vì từ ngữ này khá tiện lợi. Và chúng ta hãy nói rằng trong thực tại hiện sinh, tất cả các chi thể của Giáo Hội ở đây trên trái đất, các chi thể "sống" hay các chi thể "đã chết", đều là kẻ có tội, - ít nhiều là những kẻ có tội; và luôn luôn phải lo sợ rằng một ngày nào đó Kitô hữu tốt nhất sẽ chiều theo cơn cám dỗ, và đánh mất sủng, và thậm chí có thể sẽ sa vào một cuộc sống tội lỗi nghiêm trọng; cũng như người ta luôn hy vọng rằng một ngày nào đó kẻ bất hảo tồi tệ nhất sẽ thực sự trở về với Thiên Chúa, và có thể sẽ chết như một vị thánh.

2. Trên một bình diện hoàn toàn khác, cũng cần phải nói rằng trong ý thức mà một người có về chính mình, một linh hồn càng cao trọng trong ân sủng thì càng cảm thấy mình là một người có tội, bởi vì lúc đó họ biết rất ít "điều vốn có nơi con người", chỉ cóThầy họ mới biết trọn vẹn. Nếu các thánh tự cáo mình như vậy, thì không hẳn do sự bối rối tinh thần cho bằng do cái nhìn hữu thể học tỏ tường về sự mong manh của con người đứng trước sự cao cả và vẻ đẹp khôn lường của Thiên Chúa, (2} và vực thẳm đau khổ mà Lòng Thương Xót đã khiến Con của Người phải bước vào để cứu chúng ta.

Và khi các thánh nghĩ đến tất cả những hồng ân nhận được mà không do công lao nào của họ và là những hồng ân họ làm sinh hoa kết trái rất ít, và sự khốn cùng vẫn tồn tại trong họ, có lẽ họ không sai khi tự đặt mình xuống dưới những kẻ có tội lớn lao mà họ từng cầu nguyện cho, những tên xã hội đen sát nhân tội nghiệp và những cô gái điếm tồi tàn, hoặc thậm chí cả những người giàu đáng thương chuyên nuôi gia tài và tình nhân của họ bằng máu của những kẻ chết đói, hoặc thậm chí cả những kẻ đáng thương bị ảo tưởng về đế chế hoặc về cách mạng vốn thiết lập quyền lực của họ trên hàng núi xác chết. Các thánh không hề nghi ngờ rằng tất cả những người quen thói hư xấu xa này thực sự là anh em của các ngài.

Đối với ý thức mà người có tội có về mình thì hoàn toàn khác. Họ tìm cách biện minh cho chính mình trong mắt mình, hoặc ít nhất tìm cách nào đó để chấp nhận bản thân mình không cần ăn năn. Họ làm điều này nhiều cách. Như các nhà văn Nga, và trên hết là Dostoevsky, đã thấy một cách đáng ngưỡng mộ, có một số người tự nói với mình: "Tôi là một tên vô lại, tôi chìm đắm trong bùn lầy", với những giọt nước mắt thương hại cho chính họ, cho sự buông thả và cam chịu, và không phải là không có lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Có những người khác, trong khi giữ đức tin, nói rằng "Tôi đúng khi sống như hiện nay, và tôi tự hào về bản thân mình, đó là đạo đức của các linh mục chánh xứ, những vị đã làm hỏng mọi thứ bằng cách áp đặt những điều không thể...."

Còn đối với những người không phải Kitô hữu của nền văn minh Phương Tây chúng ta, chắc chắn họ không có cảm thức tội lỗi nào, nhưng họ biết hối hận là gì, và điều này đủ để tiêu diệt một con người. Làm thế nào để tìm cái cớ? Toàn bộ vấn đề là cứu lấy lòng kiêu hãnh của tôi bằng cách buộc tội mọi thứ, vì sự ác ở nơi họ, đúng không, chứ đâu phải ở nơi tôi. Để phát hiện điều vừa rồi, thật may mắn là triết học đã có mặt ở đó, với những khám phá của nó và những bức tranh mới về thế giới và về thân phận con người mà nó đã tiết lộ cho chúng ta. Vậy thì hãy dành chỗ cho những nhà tư tưởng dạy chúng ta rằng hy vọng duy nhất là ở sức mạnh sáng tạo của con người, và những người phủ nhận Thiên Chúa vì có sự dữ trên trái đất. Những người này vẫn nghĩ rằng nếu có Thiên Chúa ở trên trời thì có lẽ Người tốt lành; và, một cách nào đó, họ vẫn gắn bó với di sản văn hóa Do Thái-Kitô giáo, chẳng hạn như Marx. Và, cuối cùng, hãy dành chỗ cho những nhà tư tưởng khác đã hoàn toàn cắt đứt với di sản văn hóa này, và là những người nói với chúng ta phải thất vọng đối với con người cũng như đối với Thiên Chúa. Những người này loan báo cái chết của Thiên Chúa, - và cái chết của con người, - trong khi mơ ước siêu nhân với Nietzche, người vĩ đại nhất trong số họ, hoặc trong khi, như Freud, đưa ra một phương pháp trị liệu cho con vật đồi trụy là chúng ta.

3. Một người Công Giáo hiện đại sẽ làm gì sau khi những người như thế này, tràn đầy thiện chí và muốn tỏ ra mình trọn vẹn thuộc thời đại của mình, như thể chưa ai nói cho họ hay: nolite conformari huic saeculo? [đừng đồng hình đồng dạng với thế gian này]. Họ nghĩ rằng thời điểm đã đến để thay đổi mọi thứ một cách triệt để. Do đó, hệ ở chúng ta, và ở những người như thế, phải làm mới lại đức tin. Giáo hội cũ đã chết hoặc đang chết vì bị lịch sử làm vấy bẩn: chúng ta có nhiệm vụ tạo ra một Giáo hội khác. Giờ đây, chúng ta hiểu rằng nếu quả có một Thiên Chúa siêu việt, Thiên Chúa của Ápraham, của Ysaác và của Giacóp, Đấng mà Chúa Giêsu gọi là Cha ở trên trời (cách diễn đạt đáng tiếc, do sự thiếu hiểu biết của mặc cảm phản phụ hệ), vị Thiên Chúa của thiên đàng này sẽ làm chúng ta ra xa lạ với chính mình và đối với chúng ta còn tệ hơn là điều ác: chúng ta có nhiệm vụ tạo ra một Thiên Chúa do yêu cầu của con người không xa lạ với chính mình và của một tôn giáo chỉ tôn vinh những gì là của mình, Thiên Chúa của trái đất mà thôi, ẩn sâu nơi lực lượng hữu hình và sống động trong chúng ta của một thế giới đang trở nên.

Những nhà tư tưởng trên là những Kitô hữu (tân Kitô hữu), những người nghĩ rằng họ đã nhận được sứ mệnh tiên tri cho ngày hôm nay. Có lẽ có những vị thánh trong số họ (con người là một con vật kỳ lạ), những vị thánh mà trái tim của họ đã khiến họ mất đầu óc. Nói cho ngay, sự kiện vẫn là sự biến đổi toàn diện mọi giá trị được họ rao giảng là giấc mơ của một thiếu niên mắc bệnh ham muốn, và bản thân họ cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng trí thức nghiêm trọng kiểu ở tuổi dậy thì, có nguy cơ làm họ mệt mỏi lâu dài, mặc dù những cuộc khủng hoảng này mang tính chất nhất thời.

Dù là như thế đi nữa, người ta vẫn có thể tự hỏi, trong ý thức mà họ có về bản thân, về cảm giác sâu sắc là kẻ có tội, là tro bụi, mà trong nhiều thế kỷ đã cư ngụ trong linh hồn Kitô hữu, điều gì đang trở nên. Hãy ý tứ, họ nói với chính họ, hãy lưu ý tới mặc cảm tội lỗi! Họ biết rõ, một cách chắc chắn, rằng họ có thể sai lầm như mọi con người. Nhưng ở nơi không còn cảm thức gì về sự siêu việt vô hạn và lòng nhân từ vô hạn của Đấng Cực Thánh, thì điều không thể tránh khỏi là cảm thức tội lỗi chân chính sẽ trở nên cùn nhụt, - không còn gì liên hệ tới mặc cảm tội lỗi, vì nó tự liên kết với niềm vui (thánh thiêng) của giải phóng và cứu rỗi, với bình an trong trái tim và tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn, - và khiến con người nhìn thấy sự thật, và sự đe dọa, của chính mình, vốn cố hữu trong tất cả các sợi chỉ dệt nên hữu thể họ, về sự hư vô mà từ đó họ đã được kéo ra, và bất cứ lúc nào, qua sự tự do vốn là đặc quyền đáng ngưỡng mộ của họ, họ có thể bước vào để tiến hành việc tự đánh mất chính mình về phương diện tinh thần, nhưng, để được kéo ra khỏi đó một lần nữa, chỉ cần một hành vi tự do tương tự để quay về với Thiên Chúa.

Làm thế nào để cảm thức tội lỗi chân chính mà tôi vừa nói sẽ không bị cùn nhụt mạnh mẽ trong các vị tiên tri mới của chúng ta? Điều chắc chắn vì trong lối giảng dạy mới của các giáo sĩ, người ta ngày càng ít nói tới tội lỗi, thay vì làm người ta thấy rõ hơn điều nó thực sự là, khiến nhiều Kitô hữu, những người, trong một thế giới ngày càng bất nhân hơn, chỉ tin rằng bản thân họ được tạo ra để ngày càng tự hào làm người hơn, đã coi việc chạy tới với Bí tích Sám hối là một lao dịch gây phiền phức và dư thừa{3}.

4. Tuy bao gồm các chi thể đều là những kẻ có tội, và đều mang trong mình vết thương của tội nguyên tổ, nhưng chính Giáo Hội, thánh thiện và tinh tuyền, không tỳ vết, "thánh thiện bất khả khuyết"{4}, thì trong sạch, không một dấu vết tội lỗi nào. Quả quyết một nghịch lý như vậy là nói rằng trong yếu tính, Giáo Hội khác với mọi gia đình vĩ đại hay cộng đồng nhân loại nào, dù trần thế hay thiêng liêng, mà chúng ta biết, và so với họ, Giáo Hội có một đặc ân tuyệt đối độc nhất vô nhị. Nếu Giáo Hội hoàn toàn là nhân bản, thì Giáo Hội cũng hoàn toàn được nâng lên cuộc sống thần linh, một cuộc sống Giáo Hội vốn được ủy nhiệm thông truyền cho chúng ta.

Trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ có câu chúng ta tin "in Deum Patrem omnipotentem,"[vào Chúa Cha Toàn năng] và "in Jesum Christum," [vào Chúa Giêsu Kitô] và "in Spiritum Sanctum," [vào Chúa Thánh Thần] trong khi đối với Giáo Hội (cũng như đối với sự tha thứ tội lỗi, sự sống lại từ cõi chết và cuộc sống vĩnh cửu) giới từ in bị lược bỏ. Chúng tôi tin "sanctam Ecclesiam catholicam," [Giáo Hội thánh thiện Công Giáo] - hoặc, trong bản dịch tiếng Pháp (ở đây tôi nhắc tới kinh Tuyên xưng Đức tin của Đức Phaolô VI): chúng tôi tin "à l'Eglise une, Sainte, catholique et Apostolique" [Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền]. Với Thiên Chúa, chúng ta "croyons en" [tin vào] Người, vì Người là tác giả của hiện hữu và là tác giả của cứu rỗi, và vì trong vực thẳm bất tạo của Chân lý và Lòng tốt của Người, chúng ta thả trọn cả hữu thể của chúng ta, trí hiểu và tình yêu của chúng ta vào, nói cách khác, vì chúng ta tôn thờ Người. Giáo hội thì chúng ta không tôn thờ, và do đó không tin "en" Giáo Hội, nhưng "à" Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội được tạo ra, và là hồng phúc thần linh ban cho vũ trụ tạo dựng. (Và tương tự như vậy là những hồng phúc ban cho tạo vật: ơn tha tội, sự sống lại của người chết và sự sống đời đời). Nhưng sự khác biệt của các giới từ enà {5} không hề có nghĩa Giáo hội chỉ là một vật thể nhân bản thuần túy và đơn giản, không ngụ ý trong hữu thể của mình việc tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa. (Liệu việc tha tội, sự sống lại của người chết và sự sống đời đời có phải là những điều hoàn toàn nhân bản và tự nhiên không?) Giáo Hội, người, qua giáo huấn của mình, vốn đề nghị với chúng ta tất cả những gì Thiên Chúa đã mạc khải, và bằng Thánh lễ đã vĩnh viễn hóa ở đây trên mặt đất này lễ hy sinh của Chúa Kitô, và bằng các Bí tích đã thánh hóa chúng ta, từ căn bản vốn thuộc về trật tự siêu nhiên, và Giáo Hội chính là một mầu nhiệm đức tin, như tôi đã lưu ý.

Để giúp chúng ta có được một số hiểu biết nào đó về mầu nhiệm này, tôi không biết vị hướng dẫn nào tốt hơn Đức Hồng Y Journet {6}. Trong hơn năm mươi năm, chính ngài là bậc thầy của tôi trong vấn đề này. Và nếu trong một thời gian suy niệm lâu dài như vậy, tôi có tách xa ngài vào một lúc nào đó, - như điều này cũng đã xảy ra nơi tôi đối với Tiến sĩ Thiên thần - đó là vì tôi cảm thấy mình là đệ tử của ngài một cách sâu sắc hơn và thực sự hơn (một đệ tử chân chính là một đệ tử tự do, không phải sao?).

5. Mọi sinh vật, ở đây trên trái đất này, đều có linh hồn là nguyên lý của sự sống của nó, và một cơ thể trong đó và bằng các hoạt động của nó sự sống này biểu lộ một cách hiển thị. Như thế, về sự sống của mọi sinh vật, đặc biệt là của con người, chúng ta có những dấu hiệu bên ngoài: trong chính nó, - hay một cách chính xác, bao lâu hoạt động nội tại của nó vận hành trong sâu thẳm của cơ thể, và nơi con người, của tinh thần, - sự sống này là vô hình, giống như linh hồn mà từ đó nó phát xuất.

Đối với Giáo hội cũng vậy. Linh hồn bất tạo của Giáo Hội là Chúa Thánh Thần, Đấng, như Công đồng Vatican II nói, ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong một Đền thờ{7}, và “nhờ sức mạnh của Tin Mừng, đã làm trẻ trung lại Giáo hội và đổi mới Giáo Hội vĩnh viễn"{8}, đến nỗi "các Giáo phụ thánh thiện đã so sánh vai trò của Người với vai trò mà nguyên tắc sống đã đóng trong cơ thể con người, nghĩa là linh hồn"{9}.

Nhưng chính Giáo hội, Khuôn mạo nhân bản vĩ đại và mầu nhiệm này, đang lữ thứ dưới mắt chúng ta từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ, cũng có một linh hồn được tạo dựng {10} - và một sự sống được tạo dựng – mà Giáo Hội nhận được một cách siêu nhiên từ Thiên Chúa và là ơn thánh hóa ( "một tập tính thuộc hữu thể [habitus entitativus]") và đức ái ("một tập tính thuộc hành động” [habitus operativus]," như biệt ngữ của các triết gia và các nhà thần học thường nói). Linh hồn và sự sống của Giáo hội là ơn thánh và đức ái, là những thực tại vô hình trong chính chúng. Ở đâu có ân sủng và đức ái, ở đó có sự sống của Giáo Hội, và ở đó có Máu Chúa Kitô chuyển tới. Nơi nào không có ân sủng và đức ái, nơi đó Máu của Chúa Kitô không chuyển tới. Một người đã chịu phép rửa trong Giáo hội phạm tội đến mức nào, thì họ sẽ xa rời đời sống Giáo hội đến mức đó; nếu họ tự đặt mình vào tình trạng tội lỗi (trong khi giữ đức tin, nhưng đức tin mà không có lòng bác ái thì tự nó là "đức tin chết") họ vẫn là một chi thể của Giáo Hội, nhưng lúc đó, sự sống của Giáo Hội không còn truyền qua họ nữa. Trong chừng mực họ sống bằng ân sủng và đức ái, họ cũng sống bằng sự sống của Toàn thể mà họ là chi thể, và Toàn thể này chính là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và Hiền thê của Người.

Do đó, mọi mâu thuẫn được dỡ bỏ ngay từ lúc người ta hiểu rằng, một mặt, bản thân Giáo hội không có tội lỗi bởi vì sự sống của Giáo Hội là ân sủng và đức ái, - trong sự sung mãn của chúng, tôi sẽ trở lại điểm này sau này, - và mặt khác, mỗi chi thể của Giáo Hội đều là người có tội, theo mức trong đó, khi trượt xa ân sủng, họ trượt xa cùng một lúc sự sống của Toàn thể mà họ là một chi thể.

6. Điều trên đúng, mặc dù theo một cách khác nhau trong yếu tính, đối với các chi thể "sống" của Giáo hội và các chi thể "chết" của Giáo hội.

Đối với các chi thể "sống", phần xấu trong họ luôn lớn hơn điều tỏ ra lúc thoạt nhìn.

Thật vậy, nơi con người, không nên chỉ xem xét sự xấu luân lý đúng nghĩa, - tức sự xấu luân lý của ý chí tự do, - mà cả điều người ta có thể gọi là sự xấu luân lý thuộc bản chất, ý tôi muốn nói là các thiên hướng hay khuynh hướng xấu, mà chúng ta không chịu trách nhiệm - chúng đến với chúng ta từ Ađam và từ di truyền bản thân của chúng ta - và chúng ta thường không nhận thức được, chúng bị che khuất khỏi mắt chúng ta nhưng, trước mắt người lân cận, chúng có thể hiển hiện. Thế nhưng, trong những chi thể "sống" của Giáo hội, những khiếm khuyết hay hư hỏng của bản chất vẫn có đó, cùng hiện hữu với ân sủng và đức ái, - bên dưới chúng, có thể nói như thế, như cặn bã ở đáy bình rượu quý chưa được gạn lọc: tự tôn, tự ti-mặc cảm, hoặc tự tôn mặc cảm, nhu cầu tối tăm cần được người khác công nhận và làm hài lòng họ, hoặc nhu cầu tối tăm muốn thống trị người khác, và tính hiếu chiến khiến ta bôi bẩn họ trong phán xét của chúng ta, sự nhạy cảm bệnh hoạn, v.v. Chắc chắn một lúc nào đó, tất cả những điều này có thể khiến một chi thể "sống" của Giáo Hội sa vào tội lỗi, nhưng thường xuyên hơn, sống bám, trong khi làm méo nó, điều tốt vốn có trong họ, và phát sinh hoa trái suốt cuộc hiện hữu của nó. Nhiều người sẽ từ từ tự giải thoát quyền lực hạ giới do tất cả những điều này điều khiển nhờ luôn tiến bộ trong đức ái, và cũng nhờ hiệu lực của việc Rước Lễ thường xuyên; chỉ có những vị thánh mới gần như được giải thoát khỏi nó. Trong khi đó, và chừng nào tất cả những điều này chưa bị thiêu hủy bởi đức ái, thì tất cả những gì trong các chi thể "sống" của Giáo hội phát xuất từ những thiếu sót của bản chất và làm hư ít nhiều những gì tốt đẹp họ đã thực hiện, đều làm giảm bấy nhiêu ân sủng và đức ái vốn có trong họ, và đồng thời cũng làm họ xa lìa sự sống của Toàn thể mà họ là các chi thể, sự sống riêng của Nhiệm thể Chúa Kitô đang được lưu chuyển trong các chi thể của nó trong tình trạng ân sủng{11}.

Liên quan tới các chi thể "chết", chúng ta có nguy cơ không nhận ra nơi họ chính phần tốt đẹp của họ. Phần này vẫn luôn lớn hơn nhiều so với gợi ý của từ ngữ "chết".

Thứ nhất, vì nếu bản chất con người có bị tổn thương kể từ lúc Sa ngã đi nữa, thì bản thân nó vẫn đã được tạo ra tốt đẹp và duy trì một tính tốt đẹp căn bản. Nơi những người đã bỏ rơi Thiên Chúa và tuyệt vọng về chính mình vẫn còn nhiều dự trữ về sự tốt lành và đại lượng, và vào những khoảnh khắc nhất định nào đó, họ vẫn có thể làm chúng ta ngạc nhiên bởi những chuyển động sâu sắc của linh hồn và những hành động đẹp đẽ lạ thường xiết bao! Những chuyển động bên trong và những hành vi này thuộc trật tự hoàn toàn tự nhiên, chắc chắn như thế. Nhưng sự sống của Giáo hội, vốn là ân sủng siêu nhiên và đức ái siêu nhiên, không hề bỏ qua họ, nếu các linh hồn đang đề cập thuộc về Giáo hội nhờ ấn tín phép rửa và nhờ đức tin, thì việc làm tốt hoàn toàn tự nhiên nơi họ, cũng như chính họ, đều thuộc về Giáo hội và là một phần kho báu của Giáo hội.

Nhưng vẫn còn nhiều điều hơn thế nữa: Tôi nghĩ đến tất cả những điều thánh thiện, và tùy thuộc lòng bác ái thần linh đối với chúng ta, những điều này vẫn còn đó: đức tin trước hết, nếu những người có tội này vẫn giữ được nó và vẫn còn giữ được nó. Và nếu họ cũng giữ được đức cậy đối thần. Và chừng nào trái tim không chai đá, còn biết thống hối vì đã phạm tội. Và lời cầu nguyện đột nhiên dâng lên trên môi họ, mà người ta tưởng họ đã quên khuấy. Và sau đó các ơn hiện sủng mà họ nhận được vào những thời điểm nhất định nào đó và đôi khi lọt vào những chuyển động lớn của linh hồn, tự nhiên trong chính họ, điều mà tôi đã nói đầu tiên. Tôi cũng nghĩ đến những dấu vết do ân sủng để lại mà người ta đã phản bội, và đến tính lưỡng nghĩa của những hiệu quả mà chúng tạo ra: lúc thì tưởng nhớ, hối tiếc, hoài niệm, lúc thì oán hận chuyển thành hận thù vị Thiên Chúa này và Giáo hội này chống lại sự lôi cuốn giấu mặt của kẻ tự bảo vệ mình (chúng ta biết rằng sự ghét bỏ đôi khi là sự nghịch đảo của tình yêu, giận dữ đối với điều người ta từng yêu mến và là điều người ta vẫn muốn có thể yêu). Và tôi cũng nghĩ trước hết đến áp lực bí mật được đức ái tập thể và lời cầu nguyện chung của Giáo hội và các thánh của Giáo hội thực hiện, không ngừng cầu bầu cho mọi người, nhất là những người có tội.

7. Đối với tôi, dường như sau khi đã suy gẫm một chút về tất cả những điều trên, người ta đã sẵn sàng nắm được, trong chân lý hiện thực nổi bật của nó, điều mà tôi cho là trực giác chính của Đức Hồng Y Journet liên quan đến "biên giới riêng" của Giáo hội, được xem xét trong linh hồn tạo dựng và sự sống của Giáo Hội (ơn thánh hóa và đức ái) như trong Linh hồn bất tạo của Giáo Hội, tức Chúa Thánh Thần. Ngài viết, "Những biên giới này, chính xác và có thực, chỉ bao gồm những gì trong sạch và tốt lành nơi các chi thể của Giáo Hội, cả những người công chính lẫn những người có tội, nhận vào trong mình tất cả những gì thánh thiện, cả nơi những người có tội, để lại bên ngoài mình tất cả những gì không trong sạch, cả nơi những người công chính; chính trong tác phong của chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta, trong trái tim của chúng ta mà Giáo hội và thế gian, Chúa Kitô và Bêlian, ánh sáng và bóng tối đối đầu với nhau. Toàn thể Chúa Kitô, Đầu và Thân thể, là thánh thiện trong mọi chi thể của Người, người có tội và người công chính, lôi kéo vào Người mọi sự thánh thiện, cả sự thánh thiện của các chi thể tội lỗi của Người, khước từ khỏi Người mọi sự ô uế, cả sự ô uế của các chi thể công chính của Người"{12}. Chính thư thế mà Người phối ngẫu của Chúa Kitô là "hoàn toàn rực rỡ, không có vết bẩn hay nếp nhăn hay bất cứ điều gì tương tự, nhưng thánh thiện và vô nhiễm, sancta et immaculata."

"Biên giới của Giáo hội đi băng qua chính trái tim của chúng ta"{13}. "Giáo hội phân chia nơi chúng điều thiện và điều ác. Giáo hội giữ lại điều thiện và bỏ điều ác. Các biên giới của Giáo hội đi băng qua trái tim chúng ta." {14} Ở đây chúng ta có những từ ngữ soi sáng mọi điều, và chúng liên quan đến bí mật của các trái tim.

Bao lâu người ta hành động trong ân sủng và đức ái, họ sống bằng sự sống của Giáo Hội, các hành động của họ biểu lộ trong họ chính sự sống của Toàn Thể mà họ là thành phần. Người ta thiếu ân sủng và đức ái bao nhiêu, thì họ xa lìa sự sống của Giáo Hội bấy nhiêu, nếu họ là chi thể của Giáo Hội. Và các sai lỗi họ phạm không hề là những vết nhơ bôi lên Giáo Hội, vì Giáo Hội không liên hệ gì tới chúng cả; chúng không làm nho8 khuôn mặt của Giáo Hội, chỉ giống như các khạc nhổ mà bọn lính La Mã đã nhằm vào khuôn mặt Chúa Giêsu. Tội lỗi của Alexanđêrô VI chỉ liên quan đến ông ta, từ ông ta mà phát xuất; chúng không có liên hệ gì tới ngôi vị của Giáo Hội, chỉ xúc phạm đến Giáo Hội mà thôi.

8. Ở đây chúng ta đang đứng trước câu hỏi lớn về tư cách ngôi vị của Giáo hội, nghĩa là ở chính trung tâm của mầu nhiệm Giáo hội. Người ta sẽ chẳng hiểu gì về mầu nhiệm này nếu trước nhất họ không biện phân được trong đó mầu nhiệm về ngôi vị của Giáo hội hoàn vũ, Una, Sancta, Catholica, Apostolica [Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo, Tông truyền] vượt trên các ngôi vị của các chi thể của Giáo Hội vốn đều là những người có tội, trong khi ngôi vị của chính Giáo Hội thì thánh thiện và vô nhiễm. Công Giáo, như Thánh Augustinô thích gọi, tức Giáo hội như được xem xét trong tính phổ quát và sự hiệp nhất cũng như linh hồn vô hình và thể xác hữu hình Giáo Hội cùng một lúc, có một tư cách ngôi vị khác biệt với tư cách ngôi vị của các chi thể đã tạo nên Giáo hội, và chính trong chừng mực như Giáo hội, Giáo Hội là một ngôi vị. Để tự thuyết phục về điều này, chỉ cần đọc Thánh Phaolô, người luôn nói về Giáo Hội như một ngôi vị.

Đó là điều tôi sẽ mạo hiểm xem xét kỹ hơn, được hướng dẫn bởi thần học, nhưng trung thành với những mối quan tâm thích đáng của triết gia, tôi muốn nói về triết gia Kitô giáo.

Ghi chú

{1} Một người không còn là chi thể của Giáo hội nếu họ không giữ đức tin. (Xem Ch. Journet, L'Eglise du Verbe Incarné, cuốn II, trang 1056-1081.) Ai mất ân sủng và đức ái là một chi thể "chết", và đức tin của người đó cũng "chết" (đối với đời sống vĩnh cửu). Tuy nhiên, trong chính nó, nó luôn luôn là một hồng phúc của trật tự siêu nhiên, để những chi thể như vậy "vẫn nhận được từ Chúa Kitô một hành vi sống nào đó, đó là tin" (Sum. Theol., III, q. 8, a. 3, ad 2).

{2} "Thánh nhân không đặt mình vào viễn ảnh một lý tưởng hoàn hảo được đề xuất cho nỗ lực của ngài, để đo lường từ đó về sau liệu ngài đã đến gần nó hay chưa hay thậm chí ngài đã chấp nhận nó hay chưa. Sự khốn cùng mà ngài than thở và được tỏ lộ cho ngài trong ánh sáng nhờ đó ngài tri nhận được sự siêu việt thần thánh, dù tri nhận này có thể hỗn độn ra sao, không phải là sự khốn cùng trong nhân đức của ngài, thậm chí cũng không phải trong ý hướng của ngài. Một cách sâu xa hơn và tuyêt đối hơn, nó là sự khốn cùng của hữu thể ngài, không phải do nhận thức trừu tượng hay siêu hình, mà do cách phản ứng quan yếu trước sự Hiện diện của Đấng thần linh." (Dom Pierre Doyère, Introduction au Héraut de l'Amour divin [Dẫn nhập vào Sứ giả Tình yêu Thần linh], t. 2 des Ouvres Spirituelles de St. Gertrude, Paris, éd. Du Cerf, 1968, trang 39-40.)

{3} Tuy nhiên, tôi xin nói thêm, đối với sự ác cảm hiển nhiên ngày nay đối với việc sử dụng đồ nội thất thảm hại đến nực cười gọi là 'Tòa Giải Tội' thì có một lý do hoàn toàn khác. Tôi tin rằng những ai - rất chính đáng – coi việc Xưng tội thường xuyên là một phong tục bình thường trong đời sống thiêng liêng ngày càng cảm thấy một cách không vui hơn sự không tương ứng giữa ý tưởng cho rằng tội lỗi của thế gian đã khiến Thiên Chúa chết trên Thập giá và việc hàng tuần soạn ra một danh sách các lỗi lầm hiện có, luôn luôn y hệt nhau, để xưng thú mà không quên bất cứ điều gì, hơi giống như một danh sách các khoản cần mua ở chợ. Há không đáng mong muốn hay sao khi tất cả những tội lỗi luôn luôn giống nhau này trở thành đối tượng của một công thức xưng tội được cộng đồng đọc định kỳ, và sau đó, là việc giải tội chung, - việc xưng tội riêng được dành cho những tội lỗi thực sự làm khổ linh hồn hối nhân?

{4} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. V, s. 39.

{5} Người ta nên lưu ý rằng trong hình thức phương Đông của Kinh Tin Kính Các Tông Đồ (Thánh Cyril thành Giêrusalem), cùng một giới từ eis được sử dụng cho Giáo Hội cũng như cho Thiên Chúa (Xem Denz.-Schön., 41.)

Nếu người ta không dành cho "croire en" [tin vào] ý nghĩa nổi bật của việc biểu lộ sự tôn thờ, nhưng nghĩa hiện tại trong tiếng Pháp là hoàn toàn nhất trí tuy không nhìn thấy (đối với các chân lý được Thiên Chúa mạc khải), tôi nghĩ rằng việc sử dụng tiếng Hy Lạp là thích hợp hơn, và tốt hơn nên nói "je crois en" suốt Kinh Tin Kính. Hơn nữa, đây là điều người ta làm hiện nay trong các sách lễ bằng tiếng Pháp.

Trong cuốn sách tuyệt đẹp của ngài, La Foi Chrétienne (Paris, Aubier, 1969), Cha de Lubac đã làm sáng tỏ một cách mạnh mẽ sự khác biệt giữa "credere in" [tin vào] và "credere" [tin] tiếp theo sau là danh từ ở đối cách [accusative]. Nhưng để biện minh cho việc sử dụng "je crois en Dieu" [tôi tin vào Thiên Chúa], trong tiếng Pháp, người ta có thể lập luận từ chương đáng chú ý (Ch. VIII) của cùng một tác phẩm, nơi tác giả cho thấy tính mới mẻ triệt để của sứ điệp Kitô giáo đã buộc người ta phải đối xử bạo lực với ngôn ngữ Latinh, đến mức bóp nghẹt quá đáng chủ nghĩa Cixêrông (Ciceronianism) của Thánh Giêrôm và của Thánh Augustinô. Cưỡng bức dẫn nhập bởi đức tin Kitô giáo vào Ba Ngôi Thiên Chúa, "credere in" là lỗi ngữ pháp trong tiếng Latinh. Nhưng điều này không hề đúng đối với "croire en" trong ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta nói "je crois en la dignité de l'homme" [tôi tin vào phẩm giá con người] như chúng ta nói "je crois en Dieu [tôi tin vào Thiên Chúa]." "Croire en" không phải là một hình thức văn phạm bất thường, được đưa vào tiếng Pháp một cách cưỡng bức để thể hiện ý tưởng tôn thờ. Khi người ta tự phát biểu bằng tiếng Pháp, không có lý do gì để không nói "je crois en l'Eglise" [tôi tin vào Giáo Hội].

{6} Xem trước hết khảo luận lớn của ngài L'Église du Verbe Incarné (Paris, Desclée De Brouwer).

{7} Xem 1Cr. 3, 16; 6, 19.

{8} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. I, s. 4.

{9} Ibid., s. 7. - Xem Đức Lêô XIII, thông điệp Divinum illud, và Đức Piô XII, thông điệp Mystici Corporis.

Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội vì Người là nguyên lý đầu tiên của đời sống Giáo hội, ngự trong sâu thẳm tâm hồn các chi thể “sống” của Giáo hội, Người, Thần Khí của Chúa Kitô soi dẫn và hướng dẫn tác phong của Nhiệm thể vĩ đại này xuyên suốt lịch sử loài người. Nhưng nói theo lối ngoa ngữ [hypebolical] thì Người là linh hồn bất tạo của Giáo hội. Quả thật, điều rõ ràng là Người không thể lên mô thức [inform] cho thân thể Giáo hội theo cách, dù có tính loại suy ra sao, trong đó linh hồn lên mô thức cho cơ thể, hoặc là một phần của cấu trúc hữu thể học của bất cứ điều gì chỉ được tạo ra. (Trong sự kết hợp ngôi vị, trong đó Ngôi Lời mang lấy bản tính con người, Chúa Kitô không phải là purus homo [người thuần túy]. Và Giáo hội không phải là Thiên Chúa, như Chúa Kitô.)

Đó là lý do tại sao chúng ta phải nhận ra trong Giáo hội, như Đức Hồng Y Journet vốn làm, một linh hồn được tạo ra như chính Giáo Hội, và lên mô thức cho cơ thể của Giáo Hội, theo cách - loại suy dĩ nhiên - trong đó linh hồn của một sinh vật lên mô thức cho cơ thể nó. Charles Journet nói với chúng ta rằng xét trong hạt nhân của nó, linh hồn được tạo dựng nên này của Chúa Kitô hợp nhất trong nó ba đặc ân là chức tư tế của Người, sự thánh thiện của Người, vương quyền của Người" (L'Église du Verbe Incarné, c. II, tr. 613); xét trong sự biểu lộ của nó trong Giáo hội, nó là "đức ái trong chừng mực liên quan đến việc thờ phượng, bí tích và qui hướng" (sđd, tr. 646)

Nhưng với mong muốn (không phải lúc nào cũng thành công) sử dụng ngôn ngữ kỹ thuật ít nhất có thể trong cuốn sách này, tôi nghĩ nên nói một cách đơn giản rằng linh hồn được tạo dựng của Giáo hội là ân sủng của Chúa Kitô; vì ân sủng là một ơn ban thần linh (được tạo ra) để hoàn thiện linh hồn chúng ta và ban cho nó một bản chất mới, và chính từ nó mà đức ái phát xuất, giúp hoàn thiện ý chí và hành động của chúng ta, đến nỗi người ta có thể coi nó như chính sự sống của Giáo Hội. Hai khái niệm ân sủng và bác ái này có liên quan mật thiết với nhau đến nỗi người ta thường nói rằng ân sủng và bác ái là linh hồn và sự sống của Giáo hội.

{10} Xem Charles Journet, Théologie de l'Eglise, Paris, Desclée De Brouwer, 1958, trang 193-213.

{11} Ân sủng được Thiên Chúa ban trực tiếp cho bất cứ ai tiếp nhận nó, trong mối liên hệ giữa Ngôi vị với ngôi vị. Nhưng, ân sủng mà mỗi ngôi vị lãnh nhận là một trong những phần cấu thành sự sung mãn [pléroma] mọi ân sủng vốn là linh hồn của Giáo hội, đến nỗi bất cứ ai sống nhờ ân sủng của Chúa Kitô, thì bởi chính sự kiện này, cũng sống nhờ linh hồn của Giáo hội. (Xem thêm trên, Ch. X, trang 102-103, 104-106 và chú thích 27).

{12} Théologie de l'Eglise, tr. 244. Tác giả tiếp tục, “Đúng là các vị tông truyền có thể lớn tiếng phàn nàn với các Kitô hữu xấu rằng họ đang làm vấy bẩn Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta nghĩ rằng ý định của họ lúc đó, ít nhằm bệnh vực luận đề thần học về việc Giáo Hội bị nhơ bẩn bởi những vết nhơ của các chi thể của Giáo Hội, cho bằng làm cho các Kitô hữu hiểu rằng họ có quyền [de jure] hoàn toàn thuộc về Giáo hội (điều này đúng), thế giới sẽ bắt Giáo Hội phải chịu trách nhiệm về sự sai sót của họ (điều này cũng đúng nhưng đó là một sự bất công) và theo nghĩa này, họ làm nhơ Giáo Hội trong khi làm nhơ chính họ. "

{13} Charles Journet, Nova et Vetera, 1963, tr. 302 (xem cùng tạp chí này, 1958, tr. 30).

{14} Théologie de l'Église, tr. 236.