Chiên Thiên Chúa - Của Lễ Tình Yêu

Con chiên đối với người Do Thái là cả một gia tài sự nghiệp và là cả một tình thân thiết. Người Do Thái là dân du mục, họ sống gắn bó với đàn chiên, đi từ cánh đồng này sang cánh đồng kia. Họ săn sóc đàn chiên vì đó là gia tài, là sản nghiệp của họ; niềm vui và cũng là hạnh phúc của họ nữa. Nhưng con chiên không chỉ là gia tài sản nghiệp. Con chiên đối với người Do Thái trong Cựu Ước còn là lễ vật. Họ dâng con chiên tế lễ Thiên Chúa, của lễ toàn thiêu, của lễ hiến tế, của lễ đền tội cũng được thi hành trên con chiên. Máu của chiên rảy trên dân để xin ơn tha tội. Máu của chiên bôi trên thành cửa đã làm nên một lễ vượt qua hùng tráng và sâu đậm ơn thánh của dân Do Thái. Từ đó, chiên trở thành hy tế, trở thành biểu hiện của sự sống. Bởi vì trong đêm vượt qua hùng tráng đó, nhà nào có máu chiên bôi trên thành cửa thì bình an vô sự, tất cả mọi người đều được sống. Còn nhà nào không có máu chiên bôi trên thành cửa thì Thiên thần đi ngang qua đất nước Ai Cập và giết chết các trưởng nam của Ai Cập. Ai Cập thuở đó, một bên là bóng đêm, là sự chết, còn một bên là niềm hy vọng, sự sống và ơn giải thoát.

Hôm nay, khi ông thấy Đức Giêsu đi ngang qua, chúng ta thấy Gioan là người đầu tiên đã dùng từ ngữ: “Đây là Chiên Thiên Chúa”chỉ về Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình(Ga 1,36). Người Do Thái, khi tiếp cận với con chiên, họ đã cảm nghiệm được bao nhiêu ân huệ. Nhưng Gioan chỉ vào Đức Giêsu và giới thiệu với các tông đồ, “Đây là Chiên Thiên Chúa”, thì còn hàm ẩn cả một chương trình cứu độ. Và ngay lập tức, hai môn đệ của Gioan đã đến hỏi Chúa Giêsu, cũng với một lời thân thương, “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Chúa Giêsu trả lời bằng thực tế: “Hãy đến mà xem”. Câu chuyện của Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy hai môn đệ khi đến “Xem” và “Ở lại” với Chúa Giêsu. Điều mà các ông cảm nghiệm một cách thấm thía nhất, chính là Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Vì thế, An rê đã về giới thiệu với anh mình, không những thế, chúng ta còn thấy các ngài là những môn đệ đầu tiên đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu không trả lời bằng lý thuyết, nhưng Ngài trả lời bằng thực hành, những điều mà các ông đã sống, đã ở lại, đã quan sát và đã cảm nhận.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta khi tham dự Thánh lễ, khi thấy chủ tế giơ cao Mình Thánh Chúa và đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng Xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Chúng ta nhớ tới hình ảnh của Gioan qua ngôn ngữ tiên tri trong sách Khải Huyền, đã cho chúng ta thấy tiệc Chiên Thiên Chúa, tiệc cưới Con Chiên long trọng như thế nào. Đó là hình ảnh của một Con Chiên đã chiến thắng. Nhưng Chiên Thiên Chúa mà Gioan Tẩy giả chỉ cho các môn đệ của mình hôm nay là một con chiên đã được tiên tri Isaia mô tả. Ngài là một con chiên chịu sát tế, “Như con chiên bị đem đi làm thịt, Ngài không kêu la, không thóa mạ”( Is 53,7). Chúng ta hình dung một Chiên Thiên Chúa là lễ vật hy sinh, lễ vật tình yêu và khi nhìn lên Thập Giá nơi Đức Giêsu tự hiến thành của lễ tình yêu , ta hiểu thế nào là Chiên Thiên Chúa mà Gioan Tẩy giả đã dùng danh từ đó để chỉ về Đức Giêsu. Ngài đã hiến tế cho Đức Chúa Cha và máu của Ngài đổ ra đã trao ban ơn cứu độ cho toàn thế giới. Bởi lẽ, nếu máu chiên bôi trên thành cửa ngày xưa còn cứu dân Do Thái thì huống chi hôm nay, máu của Chiên Thiên Chúa đổ ra trên Thập Giá lại không cứu chuộc muôn người sao?. Và chúng ta hiểu hơn nữa, khi Đức Giêsu nói với các môn đệ của mình: “Đây là Máu của Thầy, Máu của giao ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”.

Con Chiên Thiên Chúa mà Gioan chỉ cho các môn đệ hôm nay đưa chúng ta đến với của lễ tình yêu hiến tế của Đức Giêsu . Vậy khi chúng ta bước theo Con Chiên thì không có nghĩa chúng ta đi tìm sự vinh quang, đi tìm sự hưởng thụ mà cũng là tiếp theo những của lễ hy sinh có thể có được trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Ở đây, Chiên Thiên Chúa đã dâng mình cho Đức Chúa Cha và của lễ ấy đang được tiếp diễn trên bàn thờ mỗi ngày. Mỗi người chúng ta như giọt nước được pha vào rượu để trở nên Máu Chúa Kitô, đó là ý nghĩa tượng trưng của lễ nghi Phụng vụ, nhưng cũng là một tâm tình tha thiết mà Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta, dẫu cuộc đời của chúng ta như giọt nước vô vị, song nếu được kết hợp trong Máu Chúa Kitô thì dù có nhỏ bé đến mấy, dù hèn mọn đến mấy cũng sẽ trở nên tinh tuyền đẹp lòng Đức Chúa Cha. Vì vậy, người Kitô hữu tham dự thánh lễ hôm nay chính là đang đi theo Con Chiên như hai môn đệ đầu tiên của Gioan đã đến với Đức Giêsu. Chúng ta đã từng thấy Các Thánh Anh Hài được gọi đi theo Con Chiên, cho dẫu các hài nhi chưa biết nói, nhưng máu của các hài nhi vô tội đổ ra cũng là hòa trong máu của Con Chiên để đem lại sự sống mới, sự sống đời đời.

Ngày hôm nay chúng ta cũng được mời gọi để mỗi một ngày chúng ta dâng những hy sinh, dâng những của lễ. Và trước thềm năm mới, chúng ta cũng hãy dâng cả Năm Mới cho Chúa, để xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, thánh hóa mồ hôi nước mắt, thánh hóa những giọt máu như những hy sinh từng ngày, từng ngày để dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ việc chúng ta kết hợp với Máu của Chiên Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Một lần nữa, chúng ta lại thấy Đức Giêsu nói với Phêrô “Simon, con sẽ được đổi tên là Kepha, nghĩa là đá”. Vì những ai đến với Ngài sẽ được trao ban một sứ mệnh mới. Như chúng ta hôm nay có một tên mới, tên là Kitô hữu. Câu chuyện về chị thánh Cecilia: Quan hỏi chị “Tên ngươi là gì?” Chị trả lời “Tên tôi là Cecilia, nhưng Kitô hữu mới là chính tên tôi”. Chúng ta hôm nay được mang một tên mới là “Kitô hữu”. Xin cho mỗi người chúng ta hãy sống xứng đáng với tên mới, xứng đáng với sứ mệnh mới này. Bởi vì giao ước mới, rượu mới phải được đổ vào bầu da mới.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Năm Mới đang đến gần.
Không biết chúng con có được đổi mới hay không?
Không biết bầu da của chúng con có bị nứt hay không?
Vì nếu cứ mang bầu da cũ, rượu mới đổ vào sẽ hư mất.
Xin cho chúng con được canh tân và biến đổi
để Năm Mới nhắc chúng con giao ước mới và một cuộc sống mới,
mỗi người chúng con đi theo Con Chiên
và cùng với Con Chiên Thiên Chúa,
chúng con được trở nên hiến lễ của cuộc đời dâng lên Chúa Cha
trong của lễ vẹn sạch tinh tuyền, thánh thiện của Đức Giêsu Kitô
có phần bé nhỏ của chúng con.
Xin Chúa cho chúng con được nhờ của lễ thánh thiện tinh tuyền của Đức Kitô
mà được vào hưởng tiệc cưới Con Chiên
trên Nước Trời, trong sự sống đời đời. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc