Thánh Danh ‘Chiên Thiên Chúa’ được thánh Gioan Tiền Hô dùng để chỉ Đức Kitô Cứu Thế. Có lẽ đây là lời tiên tri quan trọng nhất trong cuộc đời rao giảng của Gioan, đấng đi trước dọn đường cho Chúa Cứu thế. Đây cũng là lời tiên tri cuối cùng của Ngài trước khi chịu xử trảm chém đầu dưới tay hoàng đế Hêrôđê. Ngoài giải thích linh ứng bởi Thánh Thần thì không còn giải thích nào thích hợp hơn làm sáng tỏ điều gì dẫn đến việc Gioan giới thiệu Đức Kitô với các môn đệ mình khi ông gọi Ngài là Chiên Thiên Chúa. Điều Gioan với thiệu với môn đệ mình xưa kia nay được Kitô hữu tuyên xưng ba lần trước khi đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Khi Gioan tuyên xưng Đức Kitô là ‘Chiên Thiên Chúa’ ngài có lẽ không hiểu rõ ràng như ngày nay chúng ta biết đó là việc Đức Kitô chịu chết thay cho nhân loại, xoá tội trần gian và sống lại để ban sự sống trường sinh cho nhân loại.

Điều chắc chắn là hình ảnh chiên hiến tế thánh Gioan biết có nguồn gốc xa xưa từ Cựu Ước. Cả hai biến cố lịch sử trọng đại đều liên quan đến hình ảnh chiên hiến tế, được ghi nhận trong cuốn sách đầu trong Cựu Ước là sách Sáng Thế Kí chương 12-13 và 22.

Biến cố lịch sử trọng đại thứ nhất Yavê giải thoát dân Ngài khỏi thời kì nô lệ dưới triều đại của Pharaô. Trong ngày đó gia đình dân Chúa chọn giết con chiên làm bữa ăn và dùng máu chiên bôi trên khung cửa trước nhà. Nhà nào có máu chiên trên khung cửa mọi người được bình yên và thoát nạn chết. Sau đó toàn dân Israel an toàn ra đi khỏi vùng đất nô lê, vượt qua Biển Đỏ. Biến cố này phát sinh ngày lễ kính hàng năm của dân tộc Do Thái đó là lễ Vượt Qua tưởng niệm ngày được tự do, giải thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang.

Biến cố thứ hai Yavê Thiên Chúa thử tổ phụ Abraham khi nói với ông hãy hiến tế người con duy nhất là Isaac cho Ngài. Để chứng tỏ lòng yêu mến Yavê hơn chính bản thân mình Abraham thương con nhưng Ngài thương Thiên Chúa nhiều hơn nên không ngần ngại hiến tế con một mình cho Yavê. Thiên Chúa sai Thánh Thần Chúa xuống can thiệp cứu Isaac khỏi chết và thay thế bằng một con chiên sừng mắc bụi gai. Điều này dẫn Abraham trở thành tổ phụ của những ai có lòng tin vào Thiên Chúa.

Thời Cựu Ước biến cố bôi máu chiên trên khung cửa trước nhà trở thành biểu tượng của an toàn, của bào vệ dân Israel khỏi sự chết. Ngoài ra chiên còn là hình ảnh của giải thoát khỏi tình trạng nô lệ để được sống tự do. Từ đó phát sinh ngày mừng kính lễ Vượt Qua hàng năm. Thịt chiên là thực phẩm chính trên bàn ăn của các gia đình ở phương Tây, là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chính nuôi cơ thể. Lông chiên giữ cơ thể ấm suốt mùa đông giá rét. Chiên Thiên Chúa thực hiện nhiều điều kì diệu ngoài sự suy hiểu của con người. Ngoài việc nuôi dưỡng tâm linh Kitô hữu, máu Chiên Thiên Chúa xoá sạch tội trần gian và việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết ban sự sống trường sinh cho nhân loại. Từ đó biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa thừa hưởng những hồng ân Thiên Chúa ban cho Đức Kitô, Con yêu dấu Ngài.

Chúng ta không những tránh khỏi sự chết, còn được ban cho sự sống trường sinh khi Đức Kitô gánh tội trần gian chịu khổ hình vào đúng dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì thế chúng ta có thể nói nhờ vào cuộc tử nạn và Máu Thánh Đức Kitô đổ ra chúng ta Vượt Qua được sự chết tiến đến đất hằng sống trường sinh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org