Gioan Tẩy Giả và Đức Kitô quen biết nhau từ thuở thiếu thời. Sinh cùng thời, có họ hàng, bà con thân thích và cùng trang lứa vì thế chúng ta có thể xác quyết là Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả biết nhau rất rõ. Điều chúng ta khẳng định lại là điều Gioan Tẩy Giả phủ nhận. Ngôn từ trong bài phúc âm hôm nay dường như nói Gioan Tẩy Giả biết rất ít về Đức Kitô.

Tôi đã không biết Người .c 33.

Gioan biết rất rõ về Đức Kitô nhưng điều Gioan xác quyết không biết thuộc về sứ mạng đặc biệt của Đức Kitô. Câu 33 có thể hiểu là Gioan không biết rõ về sứ mạng của Người. Sứ mạng đó Gioan được mặc khải ít nhiều nhưng không nắm vững trong những điều được mặc khải cho biết. Chính vì thế mà Gioan nói không biết Người.

Là con của một thầy tư tế, cha của Gioan là Zacharia nên ngay từ nhỏ Gioan đã chứng kiến cảnh lễ tế chiên trong đền thờ. Óc con trẻ thường thắc mắc và có lẽ Gioan cũng có lần hỏi cha mình sao lại tế lễ chiên như thế. Zachaira giải thích về í nghĩa việc việc dùng chiên làm lễ vật và í nghĩa của con chiên tượng trưng cho điều muốn diễn tả ghi lại trong sách tiên tri Is 53. Hình ảnh con chiên diễn tả về Đấng Cứu Thế chịu đau khổ và hình ảnh đó cũng diễn tả Đấng Cứu Thế khải hoàn qua đau khổ. Hai điều quan trọng trên nói đến một Đấng Cứu Thế duy nhất nhưng Ngài có hai sứ mạng: Sứ mạng đau khổ thay cho nhân loại và sứ mạng Phục Sinh vinh hiển để ban sự sống trường sinh cho nhân loại. Một hình ảnh khác cũng được nhắc nhớ là hình ảnh trước ngày vượt qua Biển Đỏ ráo chân, thoát ách nô lệ của Pharaoh. Trong đêm đó chiên được giết và máu chiên được bôi vào cửa nhà nào nhà đó sẽ được sống. Như thế máu của Chiên Thiên Chúa cũng ban sự sống trường sinh cho những ai lãnh nhận Chiên Thiên Chúa.

Khi giới thiệu Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa cho các môn đệ chúng ta không thể đoán biết Gioan nghĩ gì khi ông giới thiệu Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa. Điểu chắc chắn là Gioan biết và hiểu rất rõ về sứ mạng cứu độ của Chiên Thiên Chúa dựa theo hiểu biết từ cha mình. Và ông cũng biết Đức Kitô có một sứ mạng đặc biệt nhưng đặc biệt như thế nào hình như Gioan không nắm chắc nên ông mới nói là không biết Người.

Câu Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian cũng gây nên nhiều tranh biện. Điều các học giả Kinh Thánh tranh biện giữa hai tư tưởng: một là hành động hay việc xoá bỏ tội trần gian và một tư tưởng khác là thời gian để Ngài làm điều đó thì việc nào quan trọng hơn. Nhiều người nghiêng về tư tưởng hành động xoá bỏ tội của Đấng Cứu Thế là chính và quan trọng hơn thời gian vì đó là sứ mạng của Đấng Cứu Thế. Việc xoá bỏ tội hiện đang xảy ra và còn xảy ra trong tương lai. Gioan cho biết hành động và lời nói của Đấng Cứu Thế rất là quan trọng bởi vì chính ông đã nhìn thấy Thánh Thần Chúa dưới hình chim bồ câu xuống và đậu trên Đấng Cứu Thế. Như thế Gioan quả quyết lời nói và việc làm của Đấng Cứu Thế quan trọng vô cùng, quan trọng đến độ ông không xứng đáng làm đầy tớ cho Ngài. Điều Ngài nói, việc Ngài làm đều có Thánh Thần Chúa hướng dẫn, hỗ trợ. Nói cách khác Thánh Thần Chúa liên kết với Đấng Cứu Thế về mọi phương diện. Thánh Thần Chúa đến ngự trên Ngài và ở lại với Đấng Cứu Thế trong sứ mạng cứu độ của Ngài. Gioan nhận biết điều này và sau này đám đông dân chúng cũng nhận ra điều đặc biệt nơi Đấng Cứu Thế khi họ nói với nhau:

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư Mc 1,22.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org