ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA

Lời giới thiệu rất quan trọng của Gioan Tẩy giả về Chúa Giêsu với dân chúng : 'đây là Chiên Thiên Chúa. Đây là đấng xoá bỏ tội trần gian'. Câu nói này nhắc đến hình ảnh một con chiên trong lịch sử của dân Do thái ; họ thường sát tế chiên trong đền thờ Giêrusalem nhất là trong dịp lễ Vượt qua.

Sách Lv 1,4 viết : con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đầu con chiên, rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng. Người ta thiêu sinh nó làm lễ dâng lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa xoá tội cho dân mình. Sách Xh 12,7 viết : con chiên đó chính là chiên lễ vượt qua, máu nó đã cứu sống con trai Do thái, thịt nó làm của ăn cho toàn dân được sức mạnh vượt qua ách nô lệ Ai cập.

Chiên là một con vật trong tập tục lễ vượt qua của người Do thái. Họ lấy bó hương thảo nhúng vào máu chiên và bôi lên khung cửa trong ý nghĩa nhờ máu chiên, họ thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự thù nghịch cùng Thiên Chúa. Đối với dân Do thái, con chiên vượt qua là hình bóng Đấng cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo: "chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát...Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như con chiên dẫn đến lò sát sinh...Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử"(Is 53, 4-5.7). Đấng trường sinh bất tử đó, Gioan đã cam đoan thêm rằng "chính Người là Con Thiên Chúa".

Ý nghĩa về hình ảnh con chiên trong thời xa xưa của dân Do thái, nay được Gioan Tiền hô giới thiệu và làm sáng tỏ nơi Đức Giêsu. Đây là Chiên Thiên Chúa - tượng trưng cho sự giải thoát, lễ sinh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nếu xưa kia hình ảnh bao nhiêu con chiên khác chỉ là sự tượng trưng, tiên báo cho sự giải thoát khỏi tội lỗi, thì nay điều ấy được thực hiện nơi Đức Giêsu là con chiên vô tội. Nếu xưa kia bao con chiên là những con vật đã bị giết trong các nghi lễ cũ mà không có sức xoá tội thiên hạ, thì nay chỉ cần một con chiên duy nhất bị giết mà cả nhân loại được ơn tha tội. Con chiên đó là Đức Giêsu Đấng gánh tội thiên hạ.

Con chiên là dấu chỉ của sự hiền lành, chấp nhận hiến tế trong tư thế thanh thoát, khôn ngoan. Đức Giêsu là đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng đã bộc lộ rõ ràng tính này trong cuộc thương khó của Ngài. Khi bị tra tấn, xỉ nhục đã không phản đối, kêu ca, trách móc ai điều gì. Con Chiên Thiên Chúa là như vậy.

Có khi chúng ta lại hay suy nghĩ Đức Giêsu xoá tội trần gian thì phải tỏ tỏ ra bằng uy quyền, sức mạnh để xoá bỏ, tấn công, dẹp tội ác mới đúng chứ. Đó là phương n của loài người. Còn phương án của Thiên Chúa là sự thinh lặng chịu đựng, đón nhận tất cả, vậy mới gọi là đấng gánh tội thiên hạ. Chúa Giêsu giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi cho nên Ngài đã cảm nghiệm được thế nào là những nỗi đau đớn trong bệnh tật, nỗi dằn vặt của tội lỗi, những giới hạn trong thân phận làm người ; vì thế, Ngài sẵn sàng mang lấy tất cả thay cho chúng ta để cứu độ hết từng người. Đúng như lời thánh Phaolô đã viết một câu rất kinh khủng rằng: "Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành tội vì chúng ta".

Ngày nay, dường như người ta không muốn chấp nhận một Đấng cứu thế phải chịu những giới hạn của con người, nhất là tội lỗi. Người ta quên rằng nếu Đấng cứu thế không đón nhận những giới hạn ấy thì làm sao chúng ta đựơc cứu rỗi. Người ta quên rằng Đấng cứu thế không phải là một vị thần ở trên mây trên gió mà là một con người thật sự đã đi vào từng chi tiết, ngóc ngách, ph¬¬ng diện của nhân loại.

Vì danh hiệu và sứ mệnh là Chiên Thiên Chúa, đấng xoá bỏ tội trần gian quan trọng, cao cả như thế nên thánh Gioan tiền hô đã dám minh chứng bằng cả cuộc sống qua những lời rao giảng, việc làm và giá máu của mình. Ong đã bị vua Hêrôđê chém đầu vì ông đã trung thành với sứ mệnh làm chứng về Đấng cứu thế. Ong đã chịu tử vì đạo, bị sát tế như con chiên noi gương đấng là Chiên Thiên Chúa cũng sẽ bị người ta giết sau này.

Quả thật, lời giới thiệu 'đây là Chiên Thiên Chúa' của Gioan đã gắn bó với ông suốt cuộc đời cho đến giờ phút chót. Ong cương quyết bảo vệ sứ mệnh và lời cam đoan của mình là chân lý vĩnh cửu tuyệt đối, có giá trị cứu rỗi đời đời. Điều này gợi ý cho mỗi người kitô hữu chúng ta bài học đắt giá về sứ mệnh của mình là người giới thiệu và minh chứng về Chúa Giêsu cho người khác. Liệu chúng ta có trung thành, can đảm như Gioan không? Lời nói có đi đôi với việc làm không? Có khi chúng ta chỉ biết giới thiệu một cách lý thuyết về Đấng cứu thế cho người khác rồi bỏ đấy không kèm theo những hành động, hy sinh cho nên không hấp dẫn được ai.

Trong mỗi thánh lễ, giáo hội không ngừng lặp lại lời của thánh Gioan giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta trước khi rước lễ 'đây Chiên Thiên Chúa, đây đấng xoá tội trần gian..."Điều đó nói lên sứ mệnh của giáo hội tiếp tục nơi thánh Gioan và được ni dài mãi nơi mỗi kitô hữu. Phải tích cực, ra sức giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, mọi nơi, mọi thời, mọi tôn giáo biết để họ được hạnh phúc, được cứu độ.

Chúng ta cũng được gọi là những con chiên của Thiên Chúa, nghĩa là tất cả đều phải phác hoạ lại hình ảnh Đức Giêsu nơi chúng ta. Tức là cũng phải trở thành những người biết gánh vác, đón nhận những đau khổ, bệnh tật, giới hạn và tội lỗi của người khác làm của mình. Đặc biệt càng là những người sống gần gũi với mình thì càng phải tập đón nhận những điều này một cách chu đáo hơn thì mới cứu độ được nhau, mới làm cho nhau bình an, hạnh phúc.

Giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau...nếu không gánh đỡ cho nhau bằng những giới hạn thân phận làm người như sự khác biệt về tính tình, văn hoá, cách sống, sắc đẹp và cả mùi vị nữa! Thì không thể sống với nhau và chết cho nhau đựơc ; không thể làm chứng cho Đấng cứu thế gánh tội thiên hạ được.

Nếu như Gioan tiền hô đã trung thành với lời cam đoan của mình thì mỗi công giáo chúng ta cũng thế. Chúng ta nghĩ sao về bao nhiêu lời cam đoan, thề hứa khác? Có những người thề hứa trước tổ quốc, đồng bào hiến thân để phục vụ đất nước, đồng bào đã bị phản bội chỉ vì vinh thân phì gia. Có những người ngày thành hôn thề hứa trước bàn thờ rất long trọng, quyết liệt nhưng chẳng được mấy tháng mấy năm đã thay lòng đổi dạ. Biết bao lần chúng ta quyết tâm cải thiện đời sống, hứa từ bỏ tội lỗi, dứt khoát với tính mê nết xấu đi xưng tội nhưng được mấy ngày lại quên. Biết bao lần chúng ta từ bỏ ma quỷ, tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa nhưng lại coi thường, bỏ bê vì chạy theo những đam mê của cải, ăn chơi tội lỗi.

Mỗi lần rước Đấng là Chiên Thiên Chúa ngự vào lòng mình là chúng ta nhận lấy sứ mệnh làm chứng cho Ngài bằng cả cuộc sống và phải làm cho hình ảnh Chiên Thiên Chúa sáng ngời trong cuộc đời của mỗi người.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn