Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Thường Niên, Năm A

Trong trường kỳ biến động của lịch sử, gương mặt đích thực của Đức Kitô không ngừng được biểu tỏ qua những chứng từ sống động do hiệu quả mà Thập giá mang lại. Nhờ đó, con người từng bước nhận ra vai trò có tính quyết định của Đấng Thiên Sai đối với vận mệnh thiêng liêng mình trong hành trình kiếm tìm chân hạnh phúc. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi thực thi sứ vụ giới thiệu Đấng “là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 29) cho nhân loại trong tư cách ngôn sứ.

1. Đức Kitô – Con Chiên đích thực

Đức Kitô là Con Chiên đích thực trong cuộc Vuợt Qua mới. Ý nghĩa biểu tượng về “giá máu chiên” trong quan niệm truyền thống Do Thái đã được Tân ước vận dụng và nâng lên tầm mức siêu việt khi nói về giá Máu Cứu Chuộc của Đức Kitô. Cuộc mạc khải tước hiệu Chiên Thiên Chúa là tiến trình gặp gỡ thần nhiệm giữa Thiên Chúa và con người được biểu lộ sáng rõ ngay từ khi bắt đầu hành trình rao giảng của Đức Giêsu. Không phải là sự tình cờ hay do cảm tính mà Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Đấng là Chiên Thiên Chúa, nhưng do sự thúc đẩy của Thần Khí:

“Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 29 – 34)

Với tư cách là người “mở đường”, Gioan đã chứng thực điều hệ trọng nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, hệ tại ở những gì mà Ngài đem đến cho nhân loại qua trung gian của Đấng đã tự nguyện làm Chiên “gánh” tội trần gian: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29b). Như vậy, của lễ xá tội mang lại cho con người ơn hòa giải để tái nhận lãnh ân sủng mà nguyên tổ đã đánh mất không thể là những lễ vật hữu hạn theo quan niệm Do Thái, mà phải là chính Con Chiên Thiên Chúa.

Con chiên trong Cựu ước đã đổ máu để cứu Ít-ra-en được sống về mặt thể lý và giúp họ thoát ách nô lệ, tiến về Đất Hứa, hưởng hoan lạc tự do. Con Chiên Thiên Chúa “đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội… Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống” (theo Đức TGM Ngô Quang Kiệt).

Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô mà đỉnh cao là tử nạn Thập Giá và Phục Sinh vinh hiển, là điển chứng thuyết phục nhất cho chứng từ của Gioan khi ông giới thiệu “Chiên Thiên Chúa” với người đương thời và cho nhân loại hôm nay.

2. Khi chúng ta là “con chiên”

Được cứu chuộc nhờ Máu Thánh của Con Chiên tuyệt đối tinh tuyền, hiền lành, khiêm nhường và đại lượng, chúng ta được sáp nhập vào sự sống của Đức Kitô và tham phần với Ngài trong sứ vụ làm chứng cho tình yêu Thập giá. Bổn phận « tiền hô » của chúng ta trong tâm thế những người đã « tắm mình trong Máu Con Chiên », được khởi đi từ việc ý thức sâu xa sự xả kỷ tận tuyệt của Đức Kitô, để cùng Người, tiếp tục tiến dâng của lễ đẹp đẽ, thơm tho lên Thiên Chúa.

Là những Kitô hữu, chúng ta hãnh diện khi được bạn bè lương dân gọi là « những con chiên của Chúa », và càng vui hơn khi được khen là « con chiên ngoan đạo ». Đó là danh thiêng tuyệt vời, nói lên mối tương giao mật thiết của chúng ta với Đức Kitô, Đấng đã cứu độ và « mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa ».

Là Kitô hữu mang danh « con chiên », chúng ta hãy lắng tâm đặt mình trong Bữa Tiệc Vượt Qua năm xưa để cám tạ, tri ân Chiên Thiên Chúa đã không tiếc mình hiến dâng Máu Thánh cứu độ ta.

Là Kitô hữu mang danh « con chiên », chúng ta luôn trân trọng, nâng niu, giữ gìn tấm áo trắng tinh tuyền mang dấu ấn của Con Chiên vô tỳ vết.

Là Kitô hữu mang danh « con chiên », chúng ta hãy là họa ảnh của Chiên Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường; sống động, hấp dẫn đối với hết thảy những ai đang thành tâm thiện chí dấn thân cho chân lý tối hậu ngay giữa đời thường.

Là Kitô hữu mang danh « con chiên », ước mong cuộc đời chúng ta là chứng tá hùng hồn theo gương Đức Kitô, vác chung Thập giá với những người đang đau khổ vì mất tự do tối thượng, không được sống xứng với phẩm giá của một con người đích thực.

Huyền thoại Ấn Độ có kể câu chuyện này: Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào.

Ngày kia, một lão ông lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa:

- Suốt mùa nước lũ vừa qua, lão không có gì để ăn, đói lả người, chắc lão sẽ chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu. Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không?

Thỏ Pôlixa nhìn ông lão hom hem yếu đuối, tội nghiệp, liền nói:

- Được rồi, ông chờ cháu một lát.

Thế là Pôlixa vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói:

- Ông chờ thịt cháu chín, rồi ông lấy ăn nhé!

Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên, lửa tắt, ông lão biến mất. Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.

Dù là huyền thoại nhưng hành vi cao thượng của chú thỏ Pôlixa gợi cho chúng ta liên tưởng đến sự hy sinh cao cả của một ai đó vì hạnh phúc tha nhân. “Chiên Thiên Chúa” được Gioan Tiền Hô giới thiệu trong Tin Mừng là Đấng đích thực đã đến giữa trần gian làm Người Tôi Trung Đau Khổ để cứu vớt nhân loại tội lỗi. Được lãnh hưởng hồng ân ấy, chúng ta hãy quảng đại đáp trả ân tình Chúa trong sứ vụ tận hiến cho hạnh phúc muôn người; như lời Chúa đã phán cùng tiên tri Isaia:

“…Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để người đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 6b)

(ĐCV Vinh Thanh)