HIỆN TÌNH TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM:

TRƯỜNG HỢP GIÁO HỘI CÔNG GIÁO


Nhà cầm quyền VN tuyên truyền rằng VN có tự do tôn giáo. Liên quan đến Công giáo, họ thường trưng ra trước công luận quốc tế hình ảnh các nhà thờ mới được xây dựng và giáo dân đến nhà thờ đông đảo, để nói VN có tự do tôn giáo, nhưng thực tế không phải vậy.

A. NHỮNG CÁI MÀ NHÀ NƯỚC GỌI LÀ “TỰ DO”

1. Tự do theo đạo? Không! Cưỡng bách bỏ đạo? Có!

Cha Ngô Thế Bính bị đánh tại Đồng Hới
Công an thường phục rượt đánh giáo dân
Công an thường phục quay phim hăm dọa giáo dân
Chống kết án bất công
Mặt tiền nhà thờ Đa Minh Hà Nội
Cử hành thánh lễ bí mật trong đêm
Một gia đình bị buộc bỏ đạo
Các phụ nữ phải lội ruộng băng sông đến nhà thờ
Hông nhà thờ bị biến thành quán nhậu
Hông nhà thờ bị biến thành quán nhậu
Nhà thờ Fatima bị chiếm làm trụ sở công an
Công an đánh đập phụ nữ và trẻ con
Thầy Nguyễn Văn Tặng bị đánh
Ai cũng biết khi theo đạo sẽ bị nhà nước giới hạn ít nhiều toàn bộ các quyền căn bản và sẽ bị phân biệt đối xử cách tinh vi. Mọi người theo đạo đều ít nhiều phải chịu những áp lực. Nếu là công chức nhà nước, tùy lĩnh vực, có thể họ mất việc làm, ít nhất cũng bị cô lập và không được thăng chức, khen thưởng. Trường hợp trở lại đạo là người có ảnh hưởng trên xã hội, thì nhà cầm quyền còn dùng cả hệ thống chính trị gồm nhiều tổ chức và hội đoàn khác nhau để áp lực lên đương sự và gia đình đương sự. Tại nhiều bản làng vùng núi cao và vùng biên giới, nhà cầm quyền còn dùng bạo lực để ngăn cấm người dân theo đạo hoặc bỏ đạo. Tại Tây Bắc Việt Nam, ngay cả bộ đội biên phòng cũng được huy động để thực hiện việc này.

Trong khi đó, tại các tỉnh thành, từ Hà Nội qua Quảng Ngãi đến Sài Gòn, từ năm 2008 đến nay, thường xuyên xảy ra hiện tượng người Công giáo đi làm giấy chứng minh nhân dân hay hộ khẩu, thì công an CỐ TÌNH ghi vào mục tôn giáo là KHÔNG, dù trong khi điền mẫu tờ khai người ta đã ghi vào mục tôn giáo là Công giáo. Không rõ công an làm như vậy nhằm mục đích gì, nhưng rõ ràng là một hình thức cưỡng bách bỏ đạo trên giấy tờ tùy thân. Còn trên thực tế, thì khi những người có giấy tờ loại này tham gia bảo vệ công lý và sự thật thì công an lại dựa vào CMND hay hộ khẩu để phủ nhận tư cách là người Công giáo của họ, từ đó phủ nhận việc làm chính đáng của họ. Hơn nữa, những người ấy cũng gặp phiền toái lớn khi làm hồ sơ nhập học, khi đi xin việc làm, khi bán nhà cửa và khi phải làm giấy tờ gì đó ở các cơ quan công quyền và khi đó các cán bộ đục nước béo cò, thừa cơ nhũng nhiễu và làm khó dễ. Chúng tôi đã gặp một số trường hợp dở khóc dở cười ở HN khi phải bán nhà. Chúng tôi lưu ý điểm này để ai đi làm CMND hay hộ khẩu hay các giấy tờ tùy thân khác, phải xem kỹ, nếu thấy công an làm không đúng thì phải yêu cầu chỉnh lại ngay, nếu không sẽ trở thành nạn nhân của tệ nạn bách hại tôn giáo thông qua giấy tờ hành chính.

2.Tự do đến nhà thờ, tự do tụ họp, cầu nguyện? Không!

Luật pháp công nhận quyền tự do thờ phượng. Nhưng thực tế tại nhiều nơi, quyền căn bản này vẫn bị nhà nước xâm phạm trắng trợn.

Tại Sài Gòn, ngay khu đô thị Phũ Mỹ Hưng, các nữ tu và người dân trong khu vực rộng lớn này muốn các linh mục đến làm lễ thì bị nhà cầm quyền ngăn cản và làm khó dễ đủ điều. Sau thời gian dài đấu tranh cho quyền tự do thờ phượng của mình, thì các nữ tu được phép mời các linh mục đến dâng lễ, nhưng chỉ vào buổi sáng sớm, khi không có giáo dân tham dự!

Tại Hà Nội, giáo dân đến nhà thờ Đồng Chiêm, cầu nguyện và làm việc bác ái, đã bị công an ngăn cản và đánh bị thương hàng chục người. Giáo dân từ các tỉnh về nhà thờ Thái Hà hành hương thường xuyên bị nhà cầm quyền ngăn cản, sách nhiễu trắng trợn như bắn thủng lốp xe, thu bằng lái của tài xế, không cho xe vào thành phố, cấm xe ngoại tỉnh chạy vào các tuyến đường dẫn đến nhà thờ Thái Hà, cấm đậu xe ở gần khu vực nhà thờ. Ngay cả giám mục cũng vẫn bị cấm cản đến đây làm lễ, đấy là trường hợp ĐGM P.X Nguyễn Văn Sang khi cùng linh mục và giáo dân GP Thái Bình đến Thái Hà hành hương minh niên.

Tại vùng cao nguyên và vùng biên giới, tình hình còn tệ hơn. Chẳng hạn tại tỉnh Gialai, nhiều giáo điểm của các tu sĩ DCCT, các linh mục và thậm chí cả giám mục vẫn bị cấm đến làm lễ. Tại ba tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên nhà cầm quyền không nhìn nhận sự hiện diện của các tôn giáo nơi đây. Bởi vậy vùng này không có một nhà thờ nào và trong nhiều thập niên các linh mục không được đến làm lễ. Thời gian gầy đây một vài linh mục có thể làm lễ “bán chính thức” ở một vài điểm dọc quốc lộ 6. Trong khi đó, ở nhiều bản làng thuộc các tỉnh này, khi giáo dân tụ họp tại tư gia cầu nguyện thì bị ngăn cản, sách nhiễu, phạt tiền, thậm chí bắt giữ, đánh đập.

3.Tự do xây dựng cơ sở tôn giáo? Không!

Theo luật thì người Công giáo Việt Nam cũng có thể tu bổ hay xây dựng nhà thờ, tu viện và các cơ sở khác của GH. Tuy nhiên, trên thực tế không phải điều này được thực thi dễ dàng. Các cán bộ thuộc các cấp các ngành liên quan thường việc đủ cớ để ngăn cản và sách nhiễu.

Thứ nhất: Đối với những địa điểm có nhà thờ và tu viện đang tồn tại, nhà cầm quyền gây khó dễ trong việc cấp phép tu bổ công trình cũ hoặc xây dựng các công trình mới trên phần đất cũ. Nhà cầm quyền thường viện cớ này nọ để từ chối không cho xây dựng hay sửa chữa theo nhu cầu mà giáo xứ hay dòng tu mong muốn. Trong khi đó, các cán bộ liên quan thường chỉ tìm cách hạch sách, vòi vĩnh để ăn tiền mà rất ít có trách nhiệm giải quyết đơn xin xây dựng của các giáo xứ và dòng tu.

Thứ hai: Đối với những nơi chưa từng có nhà thờ hiện diện, mặc dù có đông đảo giáo dân, nhà cầm quyền vẫn luôn tìm cách ngăn cản việc xây dựng nhà thờ và tổ chức sinh hoạt tôn giáo. Tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên với diện tích khoảng 45 nghìn km 2 mà hoàn toàn không có một nhà thờ nào, dù có nhiều giáo dân sinh sống ở vùng này. Nhà cầm quyền không cấp đất cho GH và cũng không cho GH nhận đất hiến tặng từ giáo dân để xây dựng nhà thờ.

Thứ ba: Tại các khu đô thị mới và các khu công nghiệp, không một nơi nào nhà cầm quyền cho xây dựng nhà thờ để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân. Chẳng hạn khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở phía Nam Sài Gòn mà họ gọi là “hiện đại và nhân văn, song lại hoàn toàn vắng bóng các công trình tôn giáo. Chẳng những thế, khi quy hoajh đô thị và khu công nghiệp những nhà thờ đang có cũng bị phá hủy và giáo dân tại chỗ bị cưỡng ép di dời đi nơi khác. Tại Sài Gòn, lấy lý do quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, nhà cầm quyền cũng họ đã xóa bỏ nhà thờ và trại phong Thanh Bình, giải tỏa trắng toàn bộ giáo dân giáo xứ Thủ Thiêm và đang áp lực giải tỏa nhà thờ giáo xứ và tu viện Dòng Mến Thánh Giá ở đây để xây dựng trung tâm thương mại đa chức năng. Tương tự như thế đối là trường hợp giáo xứ Dũ Lộc và giáo xứ Đông Yên ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh khi nhà nước xây dựng khu công nghiệp Vũng Áng.

Thứ bốn: Đối với các cộng đoàn tu, trên thực tế nhà cầm quyền không cho thiết lập các tu viện mới tại các địa phương mà các dòng tu phục vụ. Các sơ sở của các dòng tu tại những vùng đất mà nhà dòng mới đến phục vụ, thường phải tồn tại không chính thức. Đất đai, nhà cửa mà nhà dòng đang sử dụng nếu không phải là cơ sở do giáo xứ cho mượn, thì thường phải đứng tên cá nhân một tu sĩ nào đó và điều này dẫn đến nguy cơ nhà nước có thể dễ dàng giải tán cộng đoàn tu đấy, hoặc giải tỏa và chiếm đoạt đất đai, vì trên danh nghĩa các cơ sở kia chỉ là tài sản cá nhân chứ không phải là cơ sở tôn giáo.

Thứ năm: Nhà cầm quyền ngang nhiên phá bỏ hoặc cải tạo, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các nhà thờ, tu viện, hoặc cơ sở tôn giáo mà trước đây họ dùng áp lực để mượn, thuê mướn hoặc chiếm dụng bất hợp pháp. Họ mưu mô xóa bỏ dấu tích tôn giáo và biến tài sản tôn giáo thành tài sản của cá nhân. Ngay tại Hà Nội hiện tại nhà nước vẫn chiếm dụng công khai toàn bộ nhà thờ Đa Minh, một nhà thờ đẹp hàng đầu Hà Nội, nằm ở góc đường Hùng Vương- Chùa Một Cột. Có thời gian nhà nước biến nhà thờ này thành nhà hàng. Hiện nay (2011) nhà nước đang phá Tu viện Cát Minh và Tu viện Saint Paul là hai cơ sở mà nhà nước chiếm dụng nhưng từ trước đến nay vẫn giữ nguyên trạng. Cũng tại Hà Nội, họ đạo Fatima thuộc giáo xứ Hàm Long, bị nhà nước chiếm dụng đất để làm trường học, lấy nhà thờ để làm cơ sở của phường, đồng thời cho người ngoại đạo vào ở bên trong để từng bước chiếm dụng và xoá hắn dấu tích tôn giáo. Những hiện tượng như vậy diễn ra phổ biến ở khắp các tỉnh thành.

B. MỘT SỐ LÃNH VỰC MẤT TỰ DO VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG

Người Công giáo và GHCG, thường bị nhà cầm quyền bách hại và phân biệt đối xử nhiều nhất. Một cách tổng quát sự bách hại và phân biệt đối xử liên quan đến 7 lĩnh vực sau đây:

1.Nhà đất của các tổ chức tôn giáo trong GHCG không được luật pháp bảo hộ

Chế độ cộng sản nắm quyền lực ở Miền Bắc từ năm 1954 ở Miền Bắc và từ năm 1975 ở Miền Nam và từ đó luật pháp của chế độ không công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân- đây là một điều luật phản động, đi ngược lại quy luật phát triển, mở đường cho việc tước đoạt và tập trung đất đai vào tay nhà nước mà thực chất là vào tay các quan tham. Mặc dù vậy, nhà nước vẫn phải công nhận quyền sử dụng đất của các cá nhân và tập thể, và họ thường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy sở hữu nhà cho các tổ chức và cá nhân mà người dân quen gọi tắt là “SỔ ĐỎ”.

Thế nhưng nhà cầm quyền lại không cấp “SỔ ĐỎ” cho các tổ chức tôn giáo, vì thế hầu như không một giáo xứ, một dòng tu nào ở Việt Nam hiện nay có giấy tờ nhà đất gọi là “SỔ ĐỎ”. Nếu hỏi tại sao, thì cán bộ nhà nước thường trả lời lấp liếm rằng: “Do nhà nước chưa kịp nghiên cứu chính sách, hoặc nhà nước chưa kịp nghiên cứu và triển khai áp dụng cho các tổ chức tôn giáo”. Thế nhưng bản thân câu trả lời này cũng cho thấy nhà nước áp dụng chính sách phân biệt đối xử đối với các tôn giáo. Thế nhưng đấy cũng chưa phải là tận cùng nỗi khốn cùng của các giáo xứ, dòng tu. Từ không có được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, các giáo xứ và dòng tu gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ với các dịch vụ điện nước, nhà đất. Nguy hiểm hơn nữa, là nhà đất của mình có thể bị nhà nước chiếm đoạt tùy tiện, bất hợp pháp bất cứ lúc nào. Nếu phản đối, thì nhà nước lại yêu cầu các giáo xứ, dòng tu trưng ra giấy tờ chứng nhận chủ quyền. Khi các tổ chức này đưa ra giấy cấp từ thời trước, thì nhà nước lại nói: “Giấy cho chế độ cũ cấp, không có giá trị pháp lý”. Thế đấy! Trơ trẽn, trắng trợn và bất nhất thế đấy! Từ chối cấp giấy mới nhưng khi muốn ăn cướp thì đòi giấy mới trong khi không công nhận giấy cũ! Đúng là họ làm theo luật thật! Nhưng đấy là luật rừng! Nhà nước tự thể hiện mình là một băng đản ăn cướp trắng trợn và có quyền lực nhất trong xã hội. Nếu tổ chức tôn giáo phản ứng mạnh mẽ và dư luận quốc tế quan tâm, chẳng hạn như vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ, thì họ lại lấp liếm rằng đấy là tranh chấp đất đai, chứ bản chất không phải là vấn đề tôn giáo!

Mưu mô thủ đoạn của nhà cầm quyền CSVN đối với các tôn giáo còn chưa hết: Cách đây 5 năm, sau khi ban hành nghị định tôn giáo năm 2005, thì năm 2006, họ mời các giáo xứ và dòng tu đi khai báo nhà đất để làm giấy tờ chủ quyền. Nhưng khi các giáo xứ và dòng tu khai đúng, khai cả những phần đất và tòa nhà mà nhà nước đang chiếm dụng bất hợp pháp thì nhà nước lại ngưng triển khai, lại tiếp tục không làm SỔ ĐỎ cho các tổ chức tôn giáo. Nếu tổ chức nào làm thì phải chấp nhận mất phần nhà đất mà nhà nước đang chiếm dụng bất hợp pháp kia. Vì thế cho đến nay, nhà đất của các tôn giáo vẫn lơ lửng như miếng mỡ lơ lửng treo trước miệng mèo là lòng tham vô độ và thái độ thù ghét tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản. Khi nhà đất của các tôn giáo không được luật pháp bảo hộ, khi các tôn giáo không được an cư trên chính mảnh đất và cơ ngơi do mình tạo lập từ hàng trăm năm, làm sao có thể nói rằng có tự do tôn giáo? Việc không công nhận chủ quyền nhà đất cho các tổ chức tôn giáo thực sự là một biện pháp loại trừ và khống chế tôn giáo cách nham hiểm và trắng trợn của nhà cầm quyền cộng sản VN.

2. Không được tự do trong các sinh hoạt thuần túy tôn giáo.

Trên thực tế, ở VN hiện nay, GHCG không được tự do trong các hoạt động thuần túy tôn giáo: Không được tự do tổ chức lễ nghi tôn giáo. Các cuộc tổ chức tĩnh tâm, hội thảo liên quan đến tôn giáo ở tầm mức địa phương, quốc gia hay quốc tế diễn ra ở VN đều phải có phép của chính quyền các cấp, nếu không chính quyền cấm cản, sách nhiễu, trả thù bằng mọi cách, kể cả những cách tiểu nhân. Giáo hội không được tự do thành lập các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, tu viện. Nhà nước buộc các chủng viện phải cho người của nhà nước vào dạy môn lịch sử Việt Nam mà thực chất là lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm mục đích tuyên truyền và tha hóa các chức sắc tôn giáo tương lai. Nhà nước kiểm soát việc tuyển sinh tu sĩ, chủng sinh việc phong chức, thuyên chuyển, bổ nhiệm linh mục…. Tất cả đều phải XIN nhà nước và khi nhà nước CHO thì mới được làm. Từ năm 2005, nhà nước không dùng chữ “XIN” nữa mà dùng chữ “ĐĂNG KÝ”, thực chất vẫn là cơ chế “XIN- CHO” được thực hiện cách tinh vi. Nếu nhà nước không “CHO” mà các tổ chức hay cá nhân của Giáo Hội vẫn thực thiện thì nhà nước kết tội là bất hợp pháp, tìm cách ngăn cản, rồi không công nhận và gây khó dễ trong nhiều chuyện về sau. Năm 2010 nhà cầm quyền không cho 2 tu sĩ DCCT thụ phong linh mục và họ tìm cách ngăn cản các giám mục truyền chức cho các tu sĩ này.

Ngay việc bổ nhiệm giám mục, một việc thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh Vatican, nhưng tại Việt Nam nhà nước cũng xen vào. Trước khi Tòa Thánh muốn bổ nhiệm ai làm giám mục, thì ứng viên ấy đã phải được nhà nước chấp thuận. Nhà nước ở đây luật nói là cấp Thủ tướng Chính phủ, nhưng trên thực tế là các cơ quan thuộc UBND, Ban Tôn giáo, Công an, từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, thành. Ngay cả trường hợp Trung ương đồng ý mà cấp tỉnh, thành phố không đồng ý về một ứng viên nào đó, thì tiến trình bổ nhiệm cũng bị tắc nghẽn. Chính vì vậy, tiến trình bổ nhiệm được một giám mục diễn ra rất lâu khi các ứng viên Tòa Thánh giới thiệu không được nhà nước chấp thuận. Vì thế có giáo phận hơn 12 năm mới có giám mục kế vị, chẳng hạn giáo phận Hưng Hóa từ năm 1991 đến năm 2003 mới có giám mục. Như vậy trên thực tế, nhà nước can thiệp thô bạo vào nội bộ Giáo Hội và mưu toan khống chế Giáo Hội một cách tinh vi. Làm sao GH giữ được sự độc lập và tự chủ của mình? Làm sao có thể luôn luôn có những giám mục như GH mong muốn, trong khi việc chọn các giám mục lại do nhà nước chia sẻ quyền chọn lựa và quyết định? Bởi vậy, theo tôi, ở mức độ nào đó mối quan hệ Giáo Hội- Nhà Nước ở VN là mối quan hệ bất bình đẳng và mối quan hệ ấy đang diễn ra một cách không bình thường và GH đã và đang mất đi ít nhiều quyền tự chủ thuộc về bản chất của mình.

3. Không có tự do và bình đẳng về quyền chính trị cho người Công giáo.

Trước đây người Công giáo không được làm đảng viên cộng sản. Nếu có, thì người đấy phải chối bỏ căn tính Công giáo của mình. Phải ghi trong lý lịch là không tôn giáo. Từ năm 2000, nhà nước chiêu mộ người công giáo làm đảng viên cộng sản với mục đích qua những đảng viên này để khống chế và phá hoại GH. Tuy nhiên người công giáo, dù là đảng viên cộng sản, vẫn gần như bị loại ra hoàn toàn khỏi hệ thống lãnh đạo và điều hành quốc gia. Họ không được làm công chức trung cấp và cao cấp trong hệ thống chính quyền. Ngay những vùng công giáo đông đúc, toàn tòng ở Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai. .. thì chức cao nhất mà người Công giáo được nắm giữ là chủ tịch xã. Hiện tại chúng tôi không thấy người Công giáo nào được làm chủ tịch quận, huyện và cao hơn nữa là chủ tịch tỉnh hay thành phố. Không ai được làm tới chức Bộ Trưởng. Không ai được phong làm sĩ quan quân đội. Trong bất cứ cơ quan nhà nước lớn bé nào, ngay cả là các cơ quan khoa học, người Công giáo thường bị ngăn cản và loại trừ ra khỏi các chức vụ quan trọng, ngay cả khi đương sự có đạo đức và khả năng chuyên môn thích hợp.

4.Không có tự do và bình đẳng trong các hoạt động kinh tế đối với Công giáo

Nhà nước cho các tổ chức và công ty trong ngoài nước thuê đất, mua nhà để lập doanh nghiệp, công ty, thậm chí cho Trung Quốc, Đài Loan thuê đất để lập nên những đặc khu của họ trong lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đấy, nhà nước lại không cho GH thuê đất, mua đất giống như các cá nhân và tổ chức khác trong ngoài nước, cũng không cho GH sử dụng nhà đất vốn có của mình để làm làm kinh tế...Hơn nữa nhà nước, còn chiếm dụng bất hợp pháp ruộng đất và các cơ sở kinh tế của GH, thậm chí, không cho các tổ chức của GH mở tài khoản (account) ở ngân hàng và điều này đang gây khó khăn cho GH trong việc giao dịch và gây nguy hiểm cho người và cho tài sản của Giáo Hội.

Các công ty, doanh nghiệp của người Công giáo thường bị kín đáo theo dõi, kiềm chế và phân biệt đối xử cách tinh vi. Tệ hơn nữa, thấy khu vực nào có người Công giáo đang sống mà có vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh, đất đai ở đó có giá trị, thì nhà nước bày ra cái gọi là “quy hoạch” để đưa giáo dân đi khỏi khu vực kinh tế quan trọng, hoặc phá tan các cơ sở kinh tế của giáo dân. Điển hình cho những chuyện như vậy là vụ cướp đất của giáo dân xứ Cồn Dầu ở giáo phận Đà Nẵng, vụ giải tỏa Chợ Sặt ở thành phố Biên Hòa, ở giáo phận Xuân Lộc-một trung tâm kinh tế quan trọng của Công giáo, vụ cưỡng chế và giải tỏa giáo xứ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm- một khu dân cư, một nhà thờ và một tu viện cổ kính của Sài Gòn, tọa lạc tại vị trí số một của mảnh đất vàng mà các quan tham của chế độ đang muốn ăn cướp.

5. Không có tự do và bình đẳng về mặt xã hội

Người Công giáo trong mọi nơi mọi chỗ đều bị coi là công dân hạng bét. Công nhân viên chức, học sinh, sinh viên công giáo đều bị kiểm diện và phân loại để dò xét, theo dõi và kiềm chế. Hiện tượng phân biệt đối xử diễn ra cách tinh vi và nặng nề, đôi khi trắng trợn. Thí dụ, sinh viên T, ở giáo xứ Thái Hà, vì tích cực tham gia các sinh hoạt tôn giáo, đã thường xuyên bị công an sách nhiễu và khi tốt nghiệp, công an đã áp lực lên Trường Đại học để nhà trường từ chối cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên này.

Hơn nữa, các tổ chức của Giáo Hội không được nhà nước thừa nhận là một pháp nhân. Con dấu và chữ ký của các giáo xứ, dòng tu, tòa giám mục và không được các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội chấp nhận rộng rãi. Vì vậy, các hoạt động xã hội của các linh mục, tu sĩ bị loại trừ và giới hạn. Thí dụ tôi không thể đến được các thư viện để đọc sách, vì giấy giới thiệu của cha bề trên dòng ký tên đóng dấu, thì thư viện không chấp nhận, trong khi UBND nơi tu viện tọa lạc lại không cấp giấy giới thiệu cho tôi, vì họ nói tôi không phải người của họ quản lý. Cũng như vậy khi tôi ra giao dịch ở ngân hàng, đến trường học, ra bưu điện. Tôi nhớ có lần một nữ tu phụ trách trang mạng của HĐGM VN, từ Sài Gòn gửi ra Hà Nội cho tôi 400 nghìn đồng tiền nhuận bút, nhưng tôi không thể nhận được. Vì ngoài giấy chứng minh nhân dân, bưu điện đòi phải có giấy xác nhận của chính quyền rằng tôi đang cư trú tại nhà thờ Thái Hà, trong khi chính quyền lại từ chối xác nhận vì tôi không có hộ khẩu ở nhà thờ Thái Hà....Nói chung trong xã hội cộng sản Việt Nam hiện nay, các tổ chức tôn giáo, cũng như các tín hữu, đặc biệt là các tu sĩ linh mục công giáo là những kẻ ít nhiều bị cô lập và loại trừ khỏi các sinh hoạt xã hội.

6.Không được tự do và bình đẳng trong lãnh vực giáo dục, văn hóa-thông tin và các hoạt động bác ái-từ thiện

Các linh mục, tu sĩ không được giảng dạy trong các đại học. Người công giáo không được học đại học các ngành quân sự, cảnh sát, an ninh và một số trường khác. Giáo hội và các tổ chức của GH không được mở trường tiểu học, trung học, trung tâm dạy nghề hay đại học. Chỉ được phép mở trường mẫu giáo nhưng cũng bị cán bộ các cấp, các ngành ở địa phương viện dẫn đủ lý do để làm khó dễ. Các trường học và bệnh viện của GH trước đây bị nhà nước chiếm dụng bất hợp pháp, nay nhà nước lại chủ trương cổ phần hóa, thế là các trường học và bệnh viện kia lại rơi vào tay các quan chức hay người thân của các quan chức, thành tài sản cá nhân chứ không được trả lại cho GH để phục vụ người dân.

GHCG không được mở nhà xuất bản, báo chí, truyền thanh, truyền hình. Không được thuê giờ trên báo chí, ti vi, radio để thông báo tin tức hay truyền thanh, truyền hình một buổi lễ quan trọng. Thậm chí khi có linh mục qua đời, đăng ký cáo phó trên báo chí, truyền thanh, truyền hình cũng bị các cơ quan truyền thông này cắt xén nội dung và gây khó dễ trong việc dùng từ ngữ. Người Ki tô hữu không dễ dàng trong việc thuê mặt bằng, thuê sân vận động để tổ chức các buổi lễ quan trọng. Chẳng hạn lễ Chúa Giáng Sinh năm 2010, các tín hữu Tin lành thuê sân vận động Mỹ Đình, đến gần ngày lễ, công an áp lực cơ quan quản lý sân tuyên bố hủy bỏ hợp đồng. Đúng ngày lễ Giáng sinh, giáo dân đến mừng lễ thì bị cảnh sát đàn áp, đánh đập, bắt bớ.

Đối với GH Công giáo, về mặt truyền thông, nhà nước chỉ cho Hội đồng Giám mục Việt Nam phát hành 1 nguyệt san mang tên là “Hiệp Thông”, tháng 1 lần, mỗi lần không quá 100 bản, mỗi bản không quá 100 trang khổ giấy A5. Nếu nhân lên và chia đều cho 7 triệu tín hữu thì mỗi năm mỗi giáo dân Việt Nam, chính thức được khoảng 5 chữ (khổ chữ 14, phông chữ times New Roman). Trong khi đó, các website của Công giáo mua tên miền ở ngoại quốc, như trang chuacuuthe.com của Dòng Chúa Cứu Thế, thì bị nhà nước Việt Nam đặt tường lửa và bị đánh sập khoảng 10 lần trong mấy năm qua. Các giáo xứ lập bảng thông tin trong khuôn viên nhà thờ cũng bị nhà cầm quyền vào sách nhiễu, đe dọa và cấm đoán, vì có những thông tin, dù đúng sự thật, nhưng không vừa lòng nhà cầm quyền.

Nhà nước không cho GH mở các trung tâm bác ái xã hội giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người phong cùi.....Những trung tâm trước đây Giáo hội quản lý nay đều đã bị nhà nước tịch thu. Các hoạt động từ thiện cứu giúp người nghèo và các nạn nhân thiên tai và nhân tai bị nhà nước tìm cách ngăn cản và khống chế. Thí dụ, nhà thờ Thái Hà đã một lần phải bỏ dở dự án xây dựng một trung tâm từ thiện tại Thạch Bích, Hà Nội, vì cán bộ nhà nước đòi ăn 10% trên tổng số tiền dự án xây dựng trung tâm từ thiện này. Trong khi đó, nhiều lần các linh mục, tu sĩ phải dừng việc trợ giúp người nghèo ở các bản làng miền núi, vì nhà cầm quyền địa phương đòi phải giao hàng cứu trợ cho họ và trong trường hợp này thì người nghèo sẽ chẳng được gì hoặc được rất ít.

Đối diện với thực tế giáo dục, y tế, văn hóa đang bị khủng hoảng ở Việt Nam, qua thực tiễn ứng xử, người ta thấy nhà cầm quyền chấp nhận để cho dân bị đói rét, bệnh tật, dốt nát, khốn khổ chứ không chấp nhận cho các tôn giáo, là những chủ thể có khả năng giáo dục, y tế và bác ái được tự do tham gia phục vụ người dân và xây dựng xã hội.

7.Không được tự do cư trú và di chuyển

Nhà cầm quyền CSVN bao che và làm ngơ cho người Trung Quốc vào Việt Nam làm ăn, sinh sống và quấy nhiều người Việt. Nhưng các linh mục, tu sĩ, người Việt Nam, những người chân thành phục vụ cho cộng đồng xã hội, thì nhà nước lại kiểm soát việc cư trú và di chuyển. Hiện nay cũng như trước đây, các linh mục, tu sĩ muốn chuyển đến phục vụ ở một địa điểm mới, ở một địa phương khác, thì đều phải “đăng ký” nghĩa là phải xin phép chính quyền. Nhưng nhà cầm quyền lại gây khó khăn đủ đường trong việc thuyên chuyển này. Khi không có phép cư trú, các tu sĩ, linh mục lại gặp nhiều khó khăn trong công việc của mình. Chẳng hạn tu viện Thái Hà hiện nay có khoảng 15 linh mục và tu sĩ cư trú, nhưng nhà nước không cho ai nhập hộ khẩu, tức là phép cư trú thường xuyên tại đây, vì vậy nhà thờ gặp nhiều trở ngại trong các giao dịch của liên quan đến các dịch vụ bưu điện, điện nước, điện thoại và đến các cơ quan công quyền... Ai cũng thấy chế độ hộ khẩu vi phạm quyền tự do cư trú đối với công dân, đặc biệt là đối với các linh mục, tu sĩ.

Quyền tự do đi lại bị vi phạm nghiêm trọng. Chẳng hạn các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà thường xuyên bị công an theo dõi, đôi khi bị theo đuôi. Công an đặt máy quay phim chiếu vào cổng nhà thờ Thái Hà để giám sát mọi mọi người, mọi việc trong khu vực nhà thờ. Nhà cầm quyền nhiều khi vi phạm quyền xuất nhập cảnh của các tu sĩ, linh mục một cách trắng trợn và bất hợp pháp. Chẳng hạn năm 1999 công an Ninh Bình từ chối cấp hộ chiếu cho tôi mà không có lý do ngoài một phán quyết chung chung là “phản động”. Khi Công an TP HCM cấp hộ chiếu cho tôi thì công an tỉnh Ninh Bình lại và yêu cầu công an TP HCM thu hộ chiếu của tôi và cấm tôi xuất cảnh. Ngay khi có hộ chiếu cũng không bảo đảm việc xuất cảnh được diễn ra bình thường. Chẳng hạn, tháng 6 năm 2010 công an Hà Nội và TP HCM đột nhiên cấm cha Nguyễn Văn Phượng xuất cảnh đi Rôma. Tháng 12 năm 2011 công an TP HCM ngăn cản cha Bề trên Giám Tỉnh DCCT là Phạm Trung Thành sang Hoa Kỳ. Ngày mùng 10 tháng 7 năm 2011 vừa qua, công an TP HCM tiếp tục cấm cha Phạm Trung Thành sang Singapore và ngày 12 tháng 7 công an tỉnh Tây Ninh cấm cha Đinh Hữu Thoại DCCT xuất cảnh sang Cambodia. Tất cả hành vi cấm cản này công an thực hiện trái pháp luật vì các linh mục này không có tiền án, tiền sự và không vi phạm bất cứ một luật lệ nào của nhà nước.

C. THAY KẾT LUẬN

1. Năm 2004 nhà cầm quyền VN ban hành Pháp lệnh tôn giáo; năm 2005 ban hành một nghị định mới về tôn giáo. Năm 2007, công bố Sách Trắng về tự do tôn giáo. Nhà cầm quyền cho rằng đấy là những bằng chứng thể hiện nhà nước tôn trọng tự do tôn giáo và quan tâm đến nhu cầu tôn giáo của người dân. Tuy nhiên, thực chất tất cả chỉ là việc thay đổi danh từ, nhằm tuyên truyền và lừa gạt dư luận trong ngoài nước trong khi vẫn khéo léo gia tăng kiểm soát các tôn giáo.

Tuy nhiên, cái mặt nạ ấy sẽ bị rơi ra và các cán bộ còn một ít liêm sỉ sẽ phải trả lời rằng “KHÔNG” khi người ta hỏi những câu cụ thể như: Các tín hữu công giáo có được bình đẳng với các công dân khác không? Người công giáo có được học đại học quân sự, cảnh sát, an ninh không? Người công giáo có được làm cán bộ trung cao cấp không? GHCG có được bình đẳng như các tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài đang hiện diện ở VN không? Nhà đất và tài sản của GH có được luật pháp bảo vệ không? GH có được mở trường học, tòa báo, nhà xuất bản, bệnh viện, trung tâm bác ái xã hội để phục vụ người dân không? Các sinh hoạt thuần túy tôn giáo của GH của được nhà nước tôn trọng không? Vân vân và vân vân.

Thực tế là ngay trên chính quê hương mình, người CGVN đang bị nhà cầm quyền đối xử tệ hơn cả người ngoại quốc đang sinh sống ở VN và GHVN đang bị nhà nước đối xử tệ bạc hơn các tổ chức của ngoại quốc đến VN làm ăn. Đau đớn thay những điều bất công và bất bình đẳng này không chỉ xảy đến cho riêng người công giáo và GHCG mà cũng là những điều mà các tôn giáo khác ở VN cũng như tín đồ của các tôn giáo ấy đang phải gánh chịu. Bởi thế làm sao có thể tin được VN có tự do tôn giáo khi tín đố và các tổ chức tôn giáo không được bình đẳng và tự do phục vụ như các công dân và các tổ chức khác trong xã hội?

2. Thực tế, chế độ cộng sản VN tự bản chất, muốn loại bỏ tôn giáo, hoặc nếu không được thì tìm cách khống chế tôn giáo, làm tha hóa các tôn giáo, buộc các tôn giáo đi theo ý mình, phục vụ cho mưu đồ thống trị của mình thông qua các chính sách, luật lệ và các biện pháp ứng xử của mình.

Hiện nay nhà nước vẫn độc quyền dùng hệ thống truyền thông và hệ thống giáo dục, đào tạo các cấp để tuyên truyền chống GHCG, họ xuyên tạc về GH, quy chụp cho GH những “tội” này nọ trong lịch sử thế giới và lịch sử VN. Sách vở dạy học sinh, sinh viên tràn ngập những điều chống báng Công giáo một cách vô lý. Họ cố ý xuyên tạc cho người không Công giáo thấy hình ảnh một GHCG xấu xa, nguy hiểm mà họ tưởng tượng ra.

Nhà cầm quyền cũng tiếp tục thực hiện chính sách chia để trị giữa các tôn giáo với nhau hoặc trong nội bộ từng tôn giáo bằng những cách thức tinh vi, đặc biệt là cách ứng xử không thống nhất đối với các tín đồ, các chức sắc, các tổ chức thuộc các tôn giáo khác nhau. Người ta thấy điều này khi nhà nước công khai lấy tiền thuế của các công dân thuộc mọi tôn giáo đã đóng góp, để xây dựng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam một ngôi chùa to lớn nhất Đông Nam Á là chùa Bái Đính ở Ninh Bình mà kinh phí lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Nhà nước cũng lấy tiền thuế của dân tổ chức các lễ hội của Phật giáo, như Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ V, diễn ra tại Việt Nam năm 2008.

Hoặc liên quan đến GHCG ở Việt Nam, theo luật hiện hành, thì các tổ chức tôn giáo không được làm kinh tế và không được dùng đất tôn giáo vào mục đích kinh tế. Mặc dù vậy, riêng tại Sài Gòn nhà cầm quyền đã cho Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh sử dụng khu đất tôn giáo cạnh nhà thờ Ngã Sáu để xây dựng Trung tâm Hội nghị Yến Tiệc. Tham dự lễ khởi công có ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Đấy là một điều lạ lùng khó hiểu trong một đất nước xây dựng trên nền tảng là chủ thuyết duy vật, vô thần. Sự kiện này ít nhất cũng cho thấy nhà nước VN vẫn đang sử dụng chính sách chia để trị ngay trong nội bộ Công giáo, khi áp dụng chính sách khác nhau cho cùng một tôn giáo tại các địa phương khác nhau.

3. Xuất phát từ bản chất nghi kỵ tôn giáo và muốn loại trừ tôn giáo mà nhà cầm quyền CSVN càng ngày leo thang trong việc bách hại tôn giáo. Trong nhiều năm trước đây, người ta không hề thấy chuyện tàn phá các cơ sở tôn giáo, xỉ nhục các tu sĩ và giáo dân, xúc phạm đến các biểu tượng tôn giáo. Những mấy năm gần đây, chuyện đấy đã xẩy ra khá thường xuyên. Riêng đối với công giáo, chỉ kể từ năm 2007 đến nay (2011) nhà cầm quyền đã thực hiện các hành động bách hại tôn giáo điển hình sau đây: Chiếm đất của giáo xứ Thái Hà, chiếm đất Tòa Khâm Sứ của TGP Hà Nội, chiếm đất thuộc giáo xứ Tam Tòa, Loan Lý, Thủ Thiêm, Dòng Phaolô Vĩnh Long, Dòng Vinh Sơn Sài Gòn, Dòng Ngôi Lời Nha Trang, Dòng Thiên An Huế, Dòng La San Huế, vv… Đập phá tượng Đức Mẹ ở Đồng Đinh, đập phá tượng Thánh Giá ở Đồng Chiêm, tháo dỡ tượng Đức Mẹ ở Bầu Sen, đập phá Dòng Phaolô Hà Nội, Dòng Cát Minh Hà Nội, đập phá nhà thờ Bình Triệu để làm Đại học Luật TP HCM, vân vân.

Kèm theo các cuộc cướp phá trên đây là các cuộc trấn áp, đánh đập, bắt bớ, giam cầm, kết án, bỏ tù, hoặc cấm xuất cảnh các giáo dân, tu sĩ, linh mục và các cuộc tuyên truyền chống Công giáo một cách có hệ thống trên truyền thông và trong các trường học, các khu dân cư. Xét về bản chất sự kiện và mức độ nghiêm trọng, thì người ta thấy đấy là những hành động ngang ngược, trắng trợn, báng bổ tôn giáo, những hành động mà nhà cầm quyền không dám thực hiện trong nhiều thập niên trước đó. Chẳng hạn việc đập phá thánh giá và các biểu tượng thánh. Ở Hà Nội, trước đây họ không dám phá Tu viện Cát Minh với cây thánh giá trên đỉnh; ở Sài Gòn tại gần đầu cầu Bình Triệu, nhà cầm quyền không dám phá ngọn tháp và ảnh tượng thánh giá ở mặt tiền ngôi nhà thờ thì họ dùng hộp gỗ che lại. Thế nhưng thời điểm này nhà cầm quyền đã ngang ngược phá tất, xóa sạch dấu tích tôn giáo chứng nhận chủ quyền của các tổ chức tôn giáo liên quan.

Những hiện tượng bách hại tôn giáo trên đây đang diễn ra bằng các hình thức khác nhau, không chỉ riêng Công giáo mà mọi tôn giáo ở VN đều đang phải hứng chịu. Từ thực trạng đó, chúng tôi xác quyết rằng nhà cầm quyền CSVN đang vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng. Vì thế, nếu ai khẳng định “Việt Nam có tự do tôn giáo” thì chúng tôi tin rằng người đấy có thể (1) hoặc là nói dối, (2) hoặc là nhận thức có vấn đề- nhận thức quá đơn giản và phiến diện về tự do tôn giáo (3) hoặc là cuộc sống có vấn đề gì đó khiến cán bộ, công an nắm được khiến người đó phải nói theo “giọng nhà nước, (4) hoặc là sợ thiệt hại đến bản thân, sợ bị nhà nước trả thù cách này cách khác nên không dám nói thật; (5) hoặc nếu không phải là 4 trường hợp trên, thì người ấy là cán bộ, công an hoặc người làm việc cho nhà nước. Bởi thế, theo chúng tôi, con đường tìm kiếm tự do tôn giáo cho Việt Nam còn là con đường dài trước mặt và sẽ là lừa dối chính mình, lừa dối mọi người, đồng thời tô vẽ một bộ mặt đẹp cho tà quyền CSVN khi nói VN hiện nay có tự do tôn giáo./.