CON NGƯỜI CÓ LÝ TRÍ VÀ TỰ DO (2)

2. Trường hợp Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn.

Lúc 8 giờ ngày 04.04.2011, nhiều đồng bào đã tới khu vực Tòa án nhân dân Hà nội, 43, Hai Bà Trưng, Quận Hoàn kiếm, Hà nội, để theo dõi ‘Phiên tòa công khai’ xét xử ông Cù Huy Hà Vũ, đã bị công an, cảnh sát cơ động… trang bị công cụ, dùi cui điện tấn công , đánh đập, bắt giữ người vô cớ, trái pháp luật. Công an đối phó với những người bị bắt như sau :

- Đa số bị cảnh sát dùng những biện pháp bạo lực chở bằng xe bus đến vùng xa xôi đổ xuống, phải tìm phương tiện riêng về nhà ;

- Những người bị bắt giữ trái pháp luật được biết tên là : Luật sư Giuse Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Paulus Lê Sơn và các sinh viên Vinh tại Hà Nội vào đồn công an. Những người này bị thu giữ, cướp tài sản công khai, nhưng, khi bị bắt vào đồn công an, đã từ chối lăn tay, chụp hình ảnh… những công đoạn chỉ được làm sau khi khởi tố vụ án ;

- Từ giữa đêm khuya, lần lượt nhiều người được thả, ngoại trừ Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn đã được ưu tiên đưa ngay về Công an Quận Hoàn Kiếm, đồng thời một lệnh khám nhà ngay lập tức được thực hiện trong đêm, bất chấp sự vắng mặt các chủ nhà. Tại sao các vị này bị Bộ Công an ‘chiếu cố’ ?

a/ Bác sĩ Phạm Hồng Sơn từng bị bắt ngày 06.03.2002, sau khi dịch tài liệu ‘Thế nào là dân chủ’ để ‘Xin kính tặng tất cả những người khao khát Tự do, Hòa bình và mưu cầu một Cuộc sống đầy đủ trên đất nước Việt Nam’ từ một bài viết đăng trên trang mạng của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam và kèm với bài ‘Những Tín Hiệu Đáng Mừng Cho Dân Chủ Tại VN’ tới ông Nông Đức Mạnh,, Tổng bí thư Đảng Cộng sản và các cơ quan truyền thông. Ngày 27.03.2002, ông bị công an bắt giữ. Oâng không được phép gặp mặt vợ con trong 15 tháng giam chờ ra tòa. Bị xử kín ngày 18.06.2003, ông bị tuyên án 13 năm tù vì tội gián điệp. Trong phiên phúc thẩm, mức án được giảm còn 5 năm tù, 3 năm quản chế. Cuối tháng 08.2006, ông được đặc xá để về nhà dưỡng bệnh và bị quản thúc tại gia 3 năm.

b/ Luật sư Lê Quốc Quân được Nhà nước đồng ý cho sang Hoa kỳ theo chương trình nghiên cứu sinh của Tổ chức Hỗ trợ Dân chủ tại Washington. Trở về Hà Nội ngày 06.03.2007 sau khi hoàn tất việc nghiên cứu, ông đã bị nhà cầm quyền bắt giữ từ hôm 08.03.2007 và giam tại trại của bộ Công an vì vi phạm điều 79 bộ luật hình sự, là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Họ nghi ngờ như thế vì ông đã nói ông muốn làm luật sư cho người nghèo, rồi anh cũng bảo anh muốn bảo vệ lợi ích của các công nhân. Nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, ông được trở về nhà ngày 13.07.2007. Ngày 25.01.2008, ông cũng đã bị hành hung khi công an tấn công giáo dân trong buổi cầu nguyện tập thể với sự tham dự của khoảng 100 linh mục và nhiều ngàn tín hữu Công giáo tại Toà Khâm sứ ở Hà nội hôm 25.01.2008 để yêu cầu nhà nứơc trả lại đất đai chiếm dụng của Giáo hội. Hiện nay, Luật sư Quân là Trưởng ban liên lạc Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công giáo và là Ủy viên Ban Công lý-Hòa bình Giáo phận Vinh.

Do đó, tối ngày 04.04.2011, Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội ra Tuyên cáo phản đối nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm nhân phẩm, quyền tự do cá nhân, đánh đập, bắt giữ người và thu giữ tài sản trái pháp luật. Đồng thời, Cộng đoàn yêu cầu họ trả tự do lập tức cho những người bị giam trái pháp luật và trả lại các tài sản bị thu giữ bởi công an. Ngoài ra, 20 giờ tối hôm đó, tại đền Thánh Giêrado Giáo xứ Thái Hà, hơn 200 thành viên của Cộng đoàn Vinh đã hiệp thông cầu nguyện cho Công lý và Bình an cho các thành viên.

Ngày 12.04.2011, Cộng đoàn này đã ra Tuyên cáo số 2 về việc ‘Nhà cầm quyền bắt giữ trái phép luật sư Lê Quốc Quân’ để yêu cầu trả tự do ngay luật sư và ngăn chặn những hành động tùy tiện, đánh đập, bắt giữ người trái pháp luật của công an. Tuyên cáo được ký bởi anh Gioan Baotixita Cao Xuân Linh và Linh mục Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR, linh hướng.

Cùng ngày, Cộng đoàn Doanh nhân-Trí thức Công giáo Việt Nam cũng ra Tuyên cáo về việc Nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ trái pháp luật Ls Lê Quốc Quân về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ vì nhiều nhân chứng cùng đứng tại chỗ ông bị bắt đã khẳng định ông không hề có hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc bất cứ hành vi nào khác ngoài thái độ ôn hòa, xử sự đúng với quyền hạn của một công dân theo quy định của pháp luật. Tuyên cáo này được ký bởi bà Maria Trần Thị Hường, đại diện, và Linh mục Giuse Nguyễn văn Phượng, CSsR, linh hướng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội ngày 04.04.2011, lúc 19 giờ 30 ngày 05.04.2011, khi anh chị em Cộng đoàn Vinh tại Hà nội dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Luật sư Quân, một thành viên cộng đoàn, đang bị giam cầm trái luật, thì, trong tâm tình hiệp thông mạnh mẽ với Cộng đoàn, cách đó trên 300 cây số, tại Thành phố Vinh quê hương, cộng đoàn sinh viên nơi đây cũng đã thắp nến cầu nguyện tại nhà thờ Cầu Rầm với đông đảo bạn trẻ là sính viên và giáo dân tham dự. Mọi người cầu nguyện cho các chứng nhân của Công Lý-Sự thật và cho các gia đình Tiến sĩ Cù huy hà Vũ, Luật sư Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn cùng cho chị Thủy, một giáo dân Tam Tòa đã bị bách hại quá lâu qua biến cố Tam Tòa và hiện đang bị giam giữ tại Trại giam Nghi Kim, Nghệ An. Trong buổi cầu nguyện, một lần nữa những hình ảnh sống động, trung thực trong phiên Tòa và những gì diễn ra bên ngoài phiên Tòa cũng như những tình tiết chính xác liên quan tới việc bắt Luật sư Quân khi anh ấy đang khoanh tay, ôn hòa trên vỉa hè ngoài khu vực xét xử… đã được phát chiếu lên màn hình lớn cho giáo dân và sinh viên tường tận những gì đã xảy ra.

Trong những ngày sau đó, nhiều Thánh lễ, thắp nến với hàng ngàn người tham dự được cử hành cầu bình yên cho những người vô tội bị giam giữ, tù tội bởi những phiên tòa vi luật từ Giáo xứ Thái hà được hiệp thông tổ chức rộng khắp đến các giáo xứ khác như Bến đến, Lập thạch, Yên đại và Đồng tháp (Giáo phận Vinh), Thanh minh (Thái bình) và Hà nội.

Nhờ thế, người chưa là Kitô hữu có dịp đến để cùng cầu nguyện, tìm hiểu Đức Kitô, chia sẻ những nổi buồn, niềm hy vọng… Bởi thế, chị Vũ thúy Hà, hiền thê Bs Phạm Hồng Sơn, đã nói với nữ phóng viên Khánh An (đài Á châu Tự do, RFA) ngày 12.04.2011 :

« Trước hết, tôi phải nói là tôi có được đến dự một buổi cầu nguyện vào tối hôm thứ Sáu ngày 8/4 vừa qua, tôi cảm thấy rất ấm lòng với tình cảm, sự chia sẻ rất nhiệt tình của đồng bào Công giáo ở Thái Hà và các cha ở đó. Tôi rất lấy làm cảm ơn về những tấm lòng đó. Tôi nghĩ là mỗi người một tiếng nói, mỗi người một lời cầu nguyện thì những người nhà của chúng tôi là anh Phạm Hồng Sơn và anh Lê Quốc Quân, dù ở trong tù chắc cũng cảm nhận được sự đùm bọc, sự lên tiếng, yêu thương của đồng bào đối với các anh.

Tôi nghĩ rằng mỗi người một tiếng nói, một tấm lòng thì sẽ giúp được cho việc đòi công lý sớm cho chúng tôi. »

Tối ngày 13.04.2011, Ls. Lê Quốc Quân và Bs. Phạm Hồng Sơn đã rời trại giam Hỏa Lò và đến Giáo xứ Thái hà để chào cộng đoàn đang tham dự tĩnh tâm mùa Chay. Cha Bề trên Mátthêu Vũ khởi Phụng, quý Cha, quý Thầy và giáo dân đã đón tiếp hai anh trong vui mừng và xúc động. Hai người vợ yêu quý của hai anh cũng đến chia sẻ niềm vui lớn lao này.

Luật sư Quân chia sẻ rằng khi bị đưa về trại giam chung với các tù hình sự, nhưng trong phòng anh có một biểu tượng hình Thánh Giá và anh lấy làm hạnh phúc. Khi các cán bộ quét vôi lại toàn bộ tường phòng giam, anh đã nhất quyết không cho xóa đi hình ảnh này. Hàng ngày, anh siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng, trưa, chiều tối để Đức Tin trợ giúp anh chiến thắng.

Bác sĩ Sơn, tuy chưa phải là người theo đạo, nhưng có một niềm tin mãnh liệt nơi Thượng Đế, tin sự thật và công bằng đã giúp anh chiến thắng trong những ngày anh bị giam cầm. Anh tin vào lẽ phải, sự thật, và vững vàng trên con đường mình đã chọn. Anh tri ân và cảm động trước những tình cảm của cộng đồng giáo dân dành cho anh. Anh hy vọng mọi người luôn nghĩ tới và cầu nguyện cho các anh nhiều hơn nữa trong công cuộc tìm kiếm Công Lý-Sự Thật-Hòa Bình, và một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam.

Trong niềm vui mừng, hoa nến và nước mắt, mọi người hiện diện tri ơn

Thiên Chúa đồng hành, yêu thương và chở che cùng cầu nguyện cho Công Lý-Sự Thật sớm ngự trị trên Đất Việt tốt đẹp và an bình.

Theo nguyệt san ‘Dân Chúa Âu châu’ số 343 tháng 05.2011, chính thái độ cương quyết của Đức cha Nguyễn thái Hợp, Giám mục Vinh kiêm Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam: ‘Nhà nước phải thả người, chấm dứt bắt giữ. Nếu điều này không được thực hiện, thì ngay cả chúng tôi cũng không thể kiểm soát hoặc ngăn chận việc cầu nguyện của giáo dân, vốn đúng Giáo lý, Giáo luật và Pháp luật, chẳng ai có quyền cấm cản’. Sau đó, chính Ngài ký tên vào kiến nghị đòi thả TS. Cù Huy Hà Vũ…

Tín hữu Công giáo, ngoài Tin Mừng Cứu độ hướng dẫn cuộc Sống đạo noi gương Đức Kitô, còn có Học thuyết xã hội Giáo hội giúp chúng ta hành động đối với tha nhân, đồng bào.

B. Mục đích Học thuyết xã hội.

Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô, Đấng chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6), tiếp tục ngỏ lời với mọi dân tộc và mọi Quốc gia, vì ơn cứu độ chỉ được ban cho con người nhân danh Đức Kitô. Sự cứu độ, mà Chúa Giêsu đã phải trả ‘bằng một giá đắt’ (1 Cr 6,20; x. 1 Pr 1,18-19). Sự cứu độ ấy cũng đang thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại của kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng Quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc. ‘Đức Giêsu đến để mang ơn cứu độ toàn diện mỗi con người và toàn thể nhân loại, đồng thời mở ra một triển vọng rất kỳ diệu, là mọi người được nhận làm con Thiên Chúa’ (số 1). Tình yêu hướng đến một phạm vi hoạt động rộng lớn và Giáo Hội hăng hái đóng góp vào đấy qua học thuyết xã hội của mình, một học thuyết quan tâm đến con người toàn diện và được gửi tới cho hết mọi người (số 5).

Kitô hữu có thể tìm thấy trong Học thuyết xã hội của Giáo hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới. Bởi thế, việc phổ biến cho mọi người biết học thuyết này là một công tác mục vụ ưu tiên, nhờ đó mọi người sẽ được học thuyết này soi sáng, hầu có thể giải thích các thực trạng hiện nay và tìm ra những hướng hành động thích hợp: ‘Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội’ (số 7). Tài liệu này là công cụ giúp chúng ta phân định về mặt luân lý và mục vụ các biến cố phức tạp xảy ra trong thời đại hôm nay (số 10).

Học thuyết Xã hội Công giáo xây dựng trên trên nền móng điều răn Yêu Thương của Chúa Giêsu: kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như bản thân. Điều răn này cũng là nền tảng luân lý Kitô Giáo. Chúa Giêsu dạy kính Chúa yêu người không những là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất, nhưng còn là một bản tóm lược toàn bộ luật lệ của Thiên Chúa và sứ điệp của các Tiên tri.

1. Nguyên tắc: Bổ trợ.

Các quyết định của xã hội phải đưa ra ở mức thấp nhất có thể, nghĩa là ở mức gần nhất đối với những ai chịu ảnh hưởng của quyết định. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả (số 185).

Bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của ‘triết học xã hội’. ‘Thật sai lầm khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của họ để trao cho cộng đồng; cũng thật là bất công và tai hại, làm xáo trộn trật tự đúng đắn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ’. Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải giúp đỡ – tức hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn (số 186).

Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Nguyên tắc này chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của nhà nước trong guồng máy công cộng (số 187).

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ‘nhấn mạnh các giới hạn cần thiết đối với việc can thiệp của nhà nước và nhấn mạnh bản chất công cụ của nhà nước, vì cá nhân, gia đình và xã hội đã có trước nhà nước, và vì nhà nước tồn tại là để bảo vệ các quyền của họ chứ không phải để áp bức họ’ (Centesimus Annus số 11).

2. Nguyên tắc: Liên đới.

Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn (số 192). Đây là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý (số 193). Sự liên đới có những mối tương quan mật thiết với công ích, với mục tiêu phổ quát của của cải, với bình đẳng giữa con người và với hoà bình (số 194).

Ngoài ra, dù khi bị bách hại, Kitô hữu được thánh Phaolô khuyên cầu nguyện cho các nhà cầm quyền để gián tiếp cho thấy đâu là điều mà chính quyền phải lo bảo đảm: đó chính là một đời sống thanh bình và yên ổn nhờ sống có đạo đức và phẩm cách (x. 1 Tm 2,1-2). Tín hữu Đức Kitô hãy ‘sẵn sàng làm mọi việc tốt’ (Tt 3,1), cần tỏ ra ‘lịch thiệp hoàn hảo với hết mọi người’ (Tt 3,2), không quên rằng mình được cứu rỗi không phải do những công nghiệp của chính mình, mà do lòng thương xót của Chúa (số 381).

Ghi chú : các số trong bài là những con số trích trong ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.