Những người vô thần như Richard Dawkins coi Thiên Chúa Thánh Kinh như một quái vật luân lý. Dawkins bảo: Thiên Chúa của Thánh Kinh là người ghen tương, nhỏ mọn, bất công và ưa trả thù. Người bạn vô thần của ông ta là Christopher Hitchens cho rằng Thánh Kinh đã biện minh cho nạn buôn người, nạn nô lệ và các vụ tàn sát. Trong khi đó, Daniel Dennet mô tả Thiên Chúa như người thèm khát ca ngợi; ông cho rằng tạo dựng con người giống hình ảnh mình cho thấy Thiên Chúa là người hư danh.

Gần đây, để trả lời các luận điệu ấy, giáo sư Paul Copal đã cho xuất bản cuốn “Thiên Chúa Có Phải Là Một Quái Vật Luân Lý Hay Không?: Làm Thiên Chúa Của Cựu Ước Thành Có Nghĩa” (Is God a Moral Monster?: Making Sense of the Old Testament God) do Baker Books xuất bản.

Copal cho rằng khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa thực sự biểu lộ lòng tốt của Người và giúp ta liên hệ với Người, biết suy nghĩ hợp lý và có óc sáng tạo. “Đó là một đặc ân chứ không phải ách nô lệ”.

Thay vì là một biểu hiện của lòng ích kỷ, việc Thiên Chúa muốn chúng ta thờ phượng Người chỉ phản ảnh ý của Người muốn chúng ta không tách rời thực tại tối hậu. Việc thờ phượng của ta nói lên ý thức của ta về chỗ đứng thích đáng của mình giữa lòng tạo vật.

Việc ta ca ngợi Thiên Chúa tự nhiên phát sinh từ tình yêu ta dành cho Thiên Chúa. Chúng ta vui khoái trước sự hiện diện của Người và nhận ra điều có giá trị tối cao đối với cuộc sống ta. Copal cũng chỉ rõ: ta thấy sự khiêm nhường của Thiên Chúa qua việc nhập thể của Chúa Kitô, Đấng đã mặc lấy bản tính con người của ta và hơn nữa, đã chết trên thánh giá vì ta.

Quái dị

Nhiều chương trong Thánh Kinh khảo sát điều các nhà tân vô thần coi là quái dị khi đề cập đến các luật về thực phẩm, nô lệ, đối xử với phụ nữ và nhiều vấn đề khác. Copal trích Tin Mừng Mátthêu 19:8, tức đoạn Chúa Giêsu giải thích việc Môsê cho phép ly dị là vì sự cứng lòng của dân. Xã hội tổ phụ, nạn nô lệ, quyền trưởng nam và các phong tục khác vốn là qui phạm của thời ấy. Luật Môsê chỉ là luật tạm thời và tuy nó có vẻ kỳ cục hay hà khắc nhưng nó đã cải thiện nhiều phong tục và cấu trúc xã hội ở Cận Đông thời đó. Thí dụ, Cựu Ước đã hạn chế hình phạt dành cho nô lệ, chứ không như tại các nước chung quanh lúc bấy giờ, nơi nô lệ hoàn toàn thuộc quyền sinh sát của các chủ nhân. Mặt khác, các nô lệ ngoại quốc trốn chủ đã tìm được nơi nương thân tại Israel.

Các bộ luật như luật Hammurabi ít có lòng kính trọng sự sống con người so với luật Môsê. Đàng khác, nhiều luật lệ còn bị giới hạn bởi những luật phụ. Thí dụ, Cựu Ước qui định án tử hình cho 16 tội phạm nhưng trong 15 trường hợp này, chánh án đều có thể tuyên những hình phạt nhẹ hơn. Thành thử, xét chung, luật Môsê ít khắc nghiệt hơn các bộ luật khác tại Cận Đông. Một điểm khác nhau nữa là giá trị của sự sống chưa sinh. Nhiều đoạn trong Cựu Ước khẳng định giá trị nội tại của đứa trẻ chưa sinh.

Bạo lực

Một số nhà tân vô thần cho rằng tôn giáo tự bản chất vốn có tính bạo động, nên người ta cần có nhiều giá trị từ Phong Trào Ánh Sáng hơn là tôn giáo. Nhưng theo Copal, ta cần tôn giáo nhiều hơn chứ không phải ít đi. Vì đức tin Thánh Kinh thực sự cổ vũ khoan dung. Thực vậy, dù có nhiều bất đồng, chúng ta vẫn khẳng định rằng mọi con người nhân bản đều đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi thế, Thánh Phaolô tuyên bố rằng Chúa Kitô đã phá bỏ mọi phân cách về chủng tộc, giai cấp và phái tính (Gl 3:28; Eph. 2:11-12) và mọi người chúng ta đều được mời gọi chiến thắng sự dữ bằng sự thiện (Rm 12:21).

Tuy nhiên, Copal viết thêm rằng ta cần nhớ: không phải mọi tôn giáo đều giống như nhau. Người Kitô hữu từng bị những người đa thần Rôma tôn thờ hoàng đế bách hại vì đã từ khước không chịu thờ phượng các thần minh khác. Còn về những bạo động do các nước Kitô Giáo gây ra, Copan cho rằng quả là quá đơn sơ khi giản lược các nguyên nhân vào lý do hoàn toàn có tính tôn giáo. Cần phải xét tới các ảnh hưởng xã hội và chính trị cũng như chiêu bài chính trị lợi dụng tôn giáo. Dù người ta có thể nhân danh tôn giáo mà gây chiến, nhưng đôi khi đó chỉ là chiêu bài giản tiện để biện minh cho các nguyên nhân sâu xa khác.

Chắc chắn trong thời Cựu Ước, ta bắt gặp khá nhiều thực hành đi ngược hẳn lại các lý tưởng được trình bày trong 2 chương đầu Sách Sáng Thế, là những chương khẳng định nguyên tắc bình đẳng và phẩm giá con người. Ta không buộc phải bênh vực các thực hành ấy. Nhưng có thể trưng dẫnTân Ước, nơi có những chứng tá trái ngược hẳn.

Vả lại, Thiên Chúa không áp đặt những luật lệ mà dân Do Thái chưa sẵn sàng tuân theo. Thay vào đó, Người đánh động lòng họ một cách tiệm tiến, một cách từ từ để họ dần dần đi theo con đường cải thiện luân lý. Bởi thế, khi đọc các trình thuật về việc dân Do Thái tàn sát các kẻ thù của mình, ta đâu có buộc phải biện minh các hành động đó. Các hành động này xẩy ra trong hoàn cảnh của một nền văn hóa không tiến bộ về luân lý. Hơn nữa, chúng cho thấy Thiên Chúa vẫn có thể tiến hành công trình cứu chuộc của Người giữa những bất toàn ấy.

Cựu và Tân

Giáo Hội Công Giáo đề cập tới điều vốn được gọi là những đoạn “đen tối” của Thánh Kinh trong “Verbum Domini”, tức tông huấn hậu Thượng Hội Đồng về “Lời Chúa Trong Đời Sống Và Sứ Mệnh Của Giáo Hội” công bố ngày 30 tháng 9 năm ngoái (số 41-42). Trong tông huấn này, Đức Bênêđíctô XVI giải thích rằng: Tân Ước vốn nhìn nhận Cựu Ước là Lời Chúa, và thường xuyên trích dẫn Cựu Ước cũng như dùng nó làm chứng cớ cho các luận điểm của mình. Tông huấn cũng quả quyết rằng cội rễ của Tân Ước bắt nguồn từ Cựu Ước, nơi ta nhận được của nuôi dưỡng thường xuyên. Đàng khác, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng: giáo huấn Kitô Giáo luôn luôn cưỡng lại mưu toan đặt Cựu Ước đối đầu với Tân Ước.

Tuy nhiên, chính trong đời sống và giáo huấn của Chúa Kitô mà Sách Thánh của dân Do Thái tìm được sự ứng nghiệm, sự nên trọn của nó. Tông huấn nhấn mạnh rằng ý niệm nên trọn này là một ý niệm phức tạp với 3 chiều kích sau đây: Thứ nhất, ta có khía cạnh liên tục, rồi khía cạnh gián đoạn và sau cùng là khía cạnh siêu việt. Đức Thánh Cha viết: “Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô hoàn toàn phù hợp với các lời tiên tri và tiên báo của Sách Thánh, dù là phù hợp một cách không như dự ứng; ấy thế nhưng nó cũng trình bày nhiều khía cạnh gián đoạn một cách rõ rệt liên quan tới các định chế của Cựu Ước”. Trích dẫn Thánh Augustinô, Đức Bênêđíctô thêm rằng: “Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước, Cựu Ước tỏ hiện trong Tân Ước”.

Từng giai đoạn

Đối với những đoạn Cựu Ước tỏ ra khó hiểu do cách nó mô tả bạo lực hay vô luân, tông huấn nhắc ta nhớ rằng: mạc khải bắt rễ trong lịch sử. Lời tông huấn: “Kế hoạch của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách tiệm tiến và được thực hiện từ từ, theo từng giai đoạn kế tiếp nhau và bất chấp sự đề kháng của con người”. Bởi thế, Thiên Chúa tự mạc khải Người trong một môi trường văn hóa và luân lý đặc thù, nơi có những sự kiện và phong tục đặc thù thịnh hành thời đó. Đó là lý do tại sao thế giới ngày nay đôi khi sững sờ trước những sự việc “đen tối” được mô tả trong Cựu Ước.

Dù thế, tông huấn vẫn nhấn mạnh rằng các tiên tri trong Cựu Ước nhất quán thách thức mọi loại bất công và đó là đường lối Thiên Chúa chuẩn bị để dân của Người tiếp nhận Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng kết luận: “Tôi khuyến khích các học giả và mục tử giúp đỡ mọi tín hữu tiếp cận các đoạn văn này bằng một giải thích giúp họ tìm ra ý nghĩa đích thực dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Kitô”. Đó là điều cần nhớ khi ta nghe nói tới đợt tấn công hời hợt của các nhà tân vô thần.

Tân vô thần và nền đạo đức Cựu Ước

Trước đó, Copal từng viết nhiều tiểu luận về đề tài trên, như bài “Giavê Có Phải Là Một Quái Vật Luân Lý Hay Không?: Các Nhà Tân Vô Thần Và Nền Đạo Đức Học Cựu Ước” đăng trên tập san Philosophia Christi, số 10/11 năm 2008.

Trong bài này, ta thấy Richard Dawkins tâm sự: ông khá thất vọng khi thấy nhiều người ngày nay vẫn xây dựng đời mình trên khuôn mẫu Giavê khủng khiếp mà còn tìm cách áp đặt khuôn mẫu đó lên người khác nữa. Lệnh của vị Chúa này buộc Ápraham sát tế con trai quả là một hành động xấu xa, rõ ràng là “ngược đãi và bắt nạt trẻ em”. Việc Người nổi trận lôi đình mỗi khi dân riêng đi thờ thần ngoại giáo chỉ là một thứ ghen tuông tính dục tồi tệ nhất. Việc Giôsuê triệt hạ Giêricô không khác gì việc Hitler xâm lăng Ba Lan hay Saddam Hussein tàn sát dân Kurds…

Ông cũng cho những truyện như ông Lót say rượu bị con gái dụ làm tình và ngủ với (St 19:31-36) quả là quái gở. Truyện Jephthah thề hứa vớ vẩn khiến con gái trở thành vật hy sinh vô nghĩa (Tl 11) cũng thế… Nhà vô thần mới xuất hiện, là Sam Harris, trong "The End of Faith", cho rằng người ta có thể tốt mà không cần có Thiên Chúa. Họ không cần Thiên Chúa hay Thánh Kinh bảo họ điều đúng điều sai. Họ biết sự thật luân lý khách quan mà không cần tới một Thiên Chúa ban hành luật lệ và họ có thể phán đoán Hitler xấu xa về luân lý mà không cần dựa vào Thánh Kinh…

Copal cho rằng lối đọc Thánh Kinh của những người tân vô thần quá giản lược. Muốn đọc đúng đắn, người ta phải kiên tâm, phải chú ý tới bản văn Cựu Ước, ngữ cảnh Cận Đông và qui điển Thánh Kinh nói chung, chứ không như lối của các nhà tân vô thần. Các kết luận của họ đều bị đa số Kitô hữu bác bỏ. Và dù tội lỗi và sự cứng lòng của con người nhan nhản trong Thánh Kinh, nhưng các soạn giả Sách Thánh luôn hướng ta về một lý tưởng luân lý cao đẹp. Nền luân lý hay đạo đức học này không phải là con đường đơn giản như nhận định của John Barton (1), cũng không phải là “tấm chăn vá víu” như nhận định của Bruce Birch (2). Chỉ có cách tiếp cận tế vi và thận trọng mới tìm ra, chứ không phải cách tiếp cận nông cạn của các nhà tân vô thần.

Trước lối tiếp cận nông cạn ấy, Copal cố gắng biện phân tâm điểm nền đạo đức học của Cựu Ước, một tâm điểm rất khác với bức biếm họa của phái tân vô thần. Thực vậy, một số các viễn tượng luân lý trong Luật Môsê (như luật liên quan đến bồi thường và mót lúa để giúp người nghèo) có thể soi sáng cho con người hiện đại chúng ta. Copal trình bày các điểm lớn sau đây:

A. Khuôn khổ trình thuật

Luật Môsê gắn chặt vào lối siêu kể truyện (metanarrative) vốn có trong Thánh Kinh mục đích để soi sáng cho các lý tưởng đạo đức mà việc giữ luật mà thôi không làm được. Thực thế, luật lệ phát sinh từ Xinai đã được lồng vào câu truyện rộng lớn hơn của Ngũ Kinh. Robin Parry, trong cuốn "Old Testament Story and Christian Ethics", cho thấy sự lầm lẫn của việc coi Luật Môsê chỉ như một bộ luật mà hoàn toàn quên mất các bản văn trình thuật không có tính luật lệ bao quanh bộ luật này. Các bộ luật thuộc ngữ cảnh Cận Đông khác như bộ luật Hammurabi rõ ràng thiếu loại trình thuật này. Giao ước Môsê (Xh 20 – Ds 10) đã được lồng vào trình thuật rộng lớn hơn của Ngũ Kinh, một trình thuật nói tới các “giao dịch” giữa Thiên Chúa và các tổ phụ và sau đó với dân Israel. Hơn nữa, nếu Chúa Kitô là cùng đích của Lề Luật, thì ta còn một ngữ cảnh qui điển rộng rãi hơn nữa để lượng định nền đạo đức học của Cựu Ước.

Ta không nên lầm lẫn cho rằng trình thuật Thánh Kinh chấm dứt tại Xinai. Luật Môsê đã được gắn liền với một khuôn khổ trình thuật rộng lớn hơn, vẫn tiếp diễn sau khi dân Israel ra khỏi Xinai. Điều đó giúp soi sáng cho cái nhìn của ta đối với luật luân lý trong Ngũ Kinh. Nói cách khác, Thiên Chúa giáo huấn dân Israel không phải bằng cách đặt để ra luật lệ hay nguyên tắc, mà là kể truyện về những người có thật và cách họ liên hệ với Đấng Dựng Nên họ và là Đấng Tạo Ra Giao Ước.

Ngoài ra, không giống các bộ luật thuộc ngữ cảnh Cận Đông khác, trong luật Môsê, ta thấy có những câu mô tả nguyên động lực (motive clauses) cho thấy lệnh truyền của Thiên Chúa đặt cơ sở trên hoạt động lịch sử của Người. Thí dụ, điều răn thứ nhất có kèm theo một lời hứa chính là điều răn này: “Hãy kính trọng cha mẹ ngươi để ngươi được sống lâu…” (Xh 20:12). Thực vậy, tự ngôn của Mười Điều Răn khẳng định hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa trong lịch sử: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đem ngươi ra khỏi đất Ai Cập, ra khỏi nhà nô lệ. Ngươi sẽ không có chúa nào khác ngoài Ta” (Xh 20:2-3). Hay, “Hãy nhớ ngày Sabát mà giữ cho nó thánh thiện… vì trong 6 ngày, Thiên Chúa đã tạo nên trời đất… nhưng Người đã nghỉ ngơi vào ngày Sabát” (Xh 20:8-11). Những câu diễn tả nguyên động lực đó đã được đặt vào bối cảnh cứu chuộc và thuật truyện của Israel.

Dân Israel được truyền lệnh phải mô phỏng Giavê, Đấng vốn hành động trong lịch sử và nhờ hành động như thế, đã tạo mẫu mực cho họ. Ngược lại, những bộ luật như bộ luật Hammurabi không bao giờ được động lực hóa bằng các biến cố lịch sử. Chúng được ban hành bởi các ông vua phàm trần dù được thần minh chứng giám. Không giống như vương quyền trong ngữ cảnh Cận Đông, việc Thiên Chúa cai trị không đòi phải có sự đại diện của người phàm. Nghĩa là, theo lối thuật truyện của Thánh Kinh, luật được chính Thiên Chúa của Israel đích thân mạc khải. Có một điểm hiển nhiên ở đây: hành động trong lịch sử của Thiên Chúa, nhất là việc Người giải phóng Israel khỏi ách nô lệ của Ai Cập, đã phát sinh ra nguyên động lực cho việc Israel đối xử với nô lệ, ngoại kiều và những người kém may mắn trong lãnh thổ của họ. Không có ngữ cảnh lịch sử ấy, khó mà giải thích được sự nhấn mạnh này.

Một điểm khác được Copal nhấn mạnh là những thông sáng và gương sáng của nền luân lý trình thuật này có tính nền tảng hơn là chính luật lệ pháp lý. Richard Hay viết về Tân Ước như sau: “Các trình thuật có tính nền tảng hơn bất cứ diễn trình trừu tượng hóa nào nhằm tinh lọc ý nghĩa đạo đức học của chúng” (3). Nghĩa là, ta hiểu rõ các lệnh truyền hay hướng dẫn có tính trừu tượng hơn trong Tân Ước nhờ quan sát những gì xẩy ra trong các trình thuật lịch sử. Các trình thuật này giúp minh họa các tư liệu của phần giáo huấn.

Cũng thế, các trình thuật lịch sử trong Cựu Ước thường trình bày các khuôn thước gương mẫu đang hành động. Các khuôn mẫu này khiến các phán đoán luân lý trở thành thông sáng, cho thấy rõ sự biện phân, cũng như trình bày cho ta cả sự chính trực lẫn lòng say mê đối với Thiên Chúa. Theo John Barton, khuôn mẫu đạo đức Cựu Ước nhấn mạnh tới việc mô phỏng Thiên Chúa (imitatio Dei), tới luật tự nhiên, và vâng theo ý muốn do chính Thiên Chúa nói ra (4). Và ta thấy rõ: trình thuật nằm dưới và thẩm thấu mọi chủ đề trên.

Copal nhấn mạnh: không như các nhà tân vô thần, ta không nên tiếp cận Luật Môsê như một bộ luật luân lý tách rời khỏi ngữ cảnh kể truyện và qui điển của nó, như thể bộ luật này mang tới một nền đạo đức học tối hậu mà ta không còn gì khác để xem sét. Và mặc dù vẫn có những gương mù về luân lý như các nhà tân vô thần chỉ ra, nhưng không thiếu những tấm gương tích cực như sự quên mình và lòng đại lượng của Ápraham đối với Lót (St 13), sự vẹn toàn luân lý và trong sạch tính dục của Giuse cũng như lòng nhân từ đáng ngạc nhiên của ông đối với những người anh em mưu hại mình (St 39, 45, 50)… Về vấn đề chủng tộc, đành là người Do Thái có phân biệt nô lệ Do Thái với nô lệ không phải là Do Thái, tha nợ cho người Do Thái chứ không tha cho ngoại kiều (Đnl 15:3)… Nếu chỉ dừng ở những trường hợp này là bỏ qua các trình thuật khác của Ngũ Kinh cho thấy Thiên Chúa quan tâm tới việc đem phúc lành lại cho toàn thể nhân loại (St 12:1-3), việc Người dựng nên mọi người theo hình ảnh Người để cùng với Người cai quản tạo vật (St 1:26-27; Tv 8), không như não trạng Cận Đông, chỉ coi vua là người giống Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa ấy thiết lập ra sự bình đẳng nền tảng cho mọi con người, bất chấp chủ nghĩa quy chủng tộc (enthocentrism) cũng như tục lệ nô lệ tại Israel. Ngoài ra, trình thuật ở Dân Số 12 cho thấy rõ viễn ảnh thần học về chủng tộc: Môsê cưới một phụ nữ da đen người Cush/Ethiopia, phía nam và dưới quyền kiểm soát của Ai Cập. Aaron và Miriam phản đối việc đó. Nhưng Thiên Chúa lại chấp nhận việc đó bằng cách phạt Miriam mắc bệnh cùi, da trắng như tuyết (tương phản trắng đen!).

Vượt quá Ngũ Kinh, các chủ đề trên vẫn tiếp diễn: ba bày tôi của Đavít tỏ lòng trung thành và hy sinh quên mình, bất chấp nguy hiểm đến mạng sống, quyết đem nước cho nhà vua từ Bêlem (2 Sm 23); Đavít từ khước không chặt đầu Vua Saun khi có dịp (1Sm 24); Nathan dám chạm trán với Đavít về tội giết người và gian dâm (2 Sm 12); Êlia thách thức Ahab về tội giết Naboth (1 V 21)… Nhất là lịch sử Israel cho thấy một Thiên Chúa luôn biết cúi xuống và đoái thương, luôn trung thành chu toàn lời hứa của mình bất chấp lòng bất trung của dân: truyện con bò vàng là một bằng chứng (Xh 32) không như luận chứng ghen tuông của Dennett. Người luôn nhớ giao ước và lời mình hứa.

Theo Copal, đọc Cựu Ước, ta khám phá ra một ethos (một môi trường luân lý) như Eckart Otto quả quyết, chứ không phải một Ethik (chỉ là những huấn lệnh luân lý) (5). Những câu truyện và mẫu sống trong qui điển Cựu Ước nhắc ta nhớ rằng các bộ luật và việc chấp hành qui luật mà thôi không đủ. Đúng hơn, ta thấy trong đó một tinh thần hướng dẫn Israel tới những cơ sở luân lý và tâm linh cao hơn.

Copal cũng đề cập đến cái nguy hiểm của việc lẫn lộn giữa “là” với “phải là” (from “is” to “ought”). Một điểm cần chú ý là các soạn giả Cựu Ước không muốn đưa ra phê phán luân lý trong các câu truyện của họ. Đavít chẳng hạn không được mô tả như gương sáng (exemplum) mà như một pha trộn xấu tốt, giống các thảm kịch Hy Lạp, trong đó, người anh hùng nào cũng có những thiếu sót hết sức lớn lao của họ. Gideon và Salomon cũng thế, từng được các soạn giả vạch hết những phẩm tính đáng nghi ngại về lãnh đạo và thỏa hiệp tâm linh của họ. Rõ ràng các nhà tân vô thần đã sai lầm trong nhận định của họ, cho rằng nếu các sai lầm đó có trong Thánh Kinh thì rõ ràng là soạn giả Thánh Kinh chấp nhận chúng. Những cái “là” trong Thánh Kinh không tạo ra những cái “phải là” trong đó. Các mô tả trong Cựu Ước không nhất thiết có tính qui phạm. Hơn nữa, tư cách anh hùng dành cho Ápraham, Môsê và Đavít không hẳn vì sự hoàn hảo luân lý của họ mà chỉ vì quyết tâm không khoan nhượng của họ đối với chính nghĩa của Giavê và lòng tín thác của họ vào lời Thiên Chúa hứa, hơn là rơi vào ngẫu thần của biết bao người cùng thời với họ.

B. Khung cảnh Cận Đông

Phải đặt cuộc tranh luận về đạo đức học trong ngữ cảnh Cận Đông, chứ không phải ngữ cảnh hậu Ánh Sáng. Mà khung cảnh Cận Đông là một khung cảnh khắc nghiệt, tàn bạo. Khung cảnh đó hoàn toàn xa lạ, hoàn oàn không giống khung cảnh xã hội của ta hiện nay. Thế giới Cận Đông là thế giới của nô lệ, đa thê, chiến tranh, cơ cấu tổ phụ, quyền vua, chủ nghĩa quy chủng tộc… Muốn phê phán đạo đức học Cựu Ước, phải nhìn nhận các trở ngại do sự kiện các bản văn này bắt rễ từ một ngữ cảnh văn hóa hoàn toàn khác với ngữ cảnh của chúng ta, với những giả định và phạm trù luân lý xa lạ và đôi khi ghê tởm đối với cảm quan ta hiện nay.

Các nhà tân vô thần cũng sai lầm khi coi các phạm trù Cận Đông bên trong Luật Môsê như những đỉnh cao về luân lý của Thánh Kinh. Thực ra, chúng chỉ là những bàn nhún (springboard) hướng tới những khai triển mới hơn hay đúng hơn nhẩy trở lui các lý tưởng luân lý cao đẹp hơn của Sáng Thế 1 và 2 và ngay cả 12. Các lý tưởng này khẳng định hình ảnh Thiên Chúa trong mỗi con người, hôn nhân đơn hôn suốt đời, và Thiên Chúa quan tâm tới mọi dân tộc. Hệ luận của những đoạn văn nền tảng ấy thật vô cùng lớn lao.

Điểm thứ hai, từng bước nhân bản hóa chứ không hoàn toàn từ bỏ các dữ kiện văn hóa Cận Đông. Thực thế, thay vì biện minh về luân lý cho mọi khía cạnh của luật Xinai, chúng ta chỉ quả quyết rằng Thiên Chúa đã khởi sự với một dân tộc cổ xưa lúc ấy đang thấm nhiễm nhiều phong tục và cấu trúc xã hội bất nhân của ngữ cảnh Cận Đông. Người muốn từ từ lôi cuốn họ vào và chỉ cho họ thấy một con đường tốt đẹp hơn: Nếu phải đối xử với những con người nhân bản như những con người nhân bản, nghĩa là những chủ thể có khả năng lựa chọn, thì “con đường tốt đẹp hơn” hẳn phải tới từ từ. Nếu không, họ sẽ dùng tự do lựa chọn của họ mà quay lưng đối với những gì họ không hiểu.

Vứt bỏ hoàn toàn các thái độ Cận Đông đã đâm rễ, thay thế chúng bằng các lý tưởng của thời hậu Ánh Sáng, một thứ đạo đức không tưởng sẽ quá ư tràn ngập khiến họ khó lòng nắm được. Hãy nghĩ tới những áp lực dân chủ do Tây Phương áp đặt lên các nước mà cấu trúc bộ lạc, xã hội và tôn giáo chưa cho phép họ sẵn sàng tiếp nhận. Ngay như những chính sách bình đẳng chủng tộc ở Mỹ cũng chưa hẳn đã hoàn toàn được chấp nhận. Bằng chứng là vẫn còn những nhóm Ku Klux Klan. Alden Thompson rất đúng khi nói rằng Thiên Chúa tiệm tiến nhân bản hóa các cấu trúc Cận Đông bên trong Israel để giảm thiểu sự tàn bạo và nâng cao địa vị nô lệ và phụ nữ, dù các phong tục ấy không hoàn toàn bị loại trừ (6). Bởi thế, khi Giôsuê giết 5 vị vua của Canaan và bêu xác của họ lên cây suốt ngày (Gs 10:22-27), thì ta đâu có cần phải bào chữa hay biện minh cho hành động ấy. Đúng hơn, nó phản ảnh một tình trạng dã man về luân lý. Tuy thế, các bản văn này vẫn nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa vẫn dùng những anh hùng như Giôsuê ngay trong ngữ cảnh của họ để thực hiện các mục tiêu cứu vớt của Người bất chấp các thiếu sót của họ… Suốt trong Cựu Ước, ta thấy một Thiên Chúa hết sức nhẫn nại tìm cách kêu mời và gây ảnh hưởng đối với một dân tộc ương ngạnh và ưa thờ ngẫu thần. Vả lại, không nên quên nhiều khía cạnh tích cực trong Cựu Ước.

Copal sau đó tương phản các cải thiện luân lý của Luật Môsê với các bộ luật thuộc ngữ cảnh Cận Đông, nhất là bộ luật nổi tiếng Hammurabi (1750 trước công nguyên) và luật Hittite (1650-1200 trước công nguyên). Hiển nhiên có những chủ đề song hành và chùm phủ lên nhau giữa Luật Môsê và các bộ luật này như luật về bội thề hay làm chứng gian (xem Đnl 19:16-21), án tử cho tội giết người (Xh 21:12)… Sách Châm Ngôn sử dụng và thích ứng nhiều câu nói và châm ngôn của cuốn "Instruction of Amenemope" của Ai Cập. Hình thức ký giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người cũng chịu ảnh hưởng nặng của của ngữ cảnh Cận Đông (Hittite).

Nhưng những khác biệt thì khá lớn giữa luật của ngữ cảnh Cận Đông và luật của Thánh Kinh: a) một bên là luật thế tục ngược với bên kia là luật thờ phượng tôn giáo; b) luật bởi vua chúa ngược với luật do Thiên Chúa ban hành qua trung gian Môsê; (c) luật để tôn vinh vua chúa ngược với luật để tôn vinh Thiên Chúa và để giáo huấn dân và lên khuôn đặc điểm quốc gia; (d) luật phản ảnh thẩm quyền vô giới hạn của vua chúa ngược với luật nhằm giới hạn thẩm quyền của vua chúa (Đnl 17:14-20)… Cũng nên thêm rằng: luật DoThái liên quan tới sự thánh thiện của đời sống hơn hẳn luật Lưỡng Hà.

Nhưng đâu là các cải thiện có tính đặc trưng? Về nạn nô lệ, ta thấy ở Israel, nô lệ được dành nhiều nhân quyền và pháp quyền hơn tại các xã hội kia. Ai bắt cóc một người để bán làm nô lệ sẽ bị tử hình (Xh 21:16). Luật Hammurabi lên án tử hình cho những ai giúp nô lệ trốn thoát trong khi người Do Thái dành nơi trú ẩn an toàn cho nô lệ ngoại quốc trốn thoát (Đnl 23:15-16). Nô lệ Do Thái được trả tự do vào năm thứ 7 (Lv 29:35-43) hơn hẳn bất cứ luật nào thuộc ngữ cảnh Cận Đông. Nguyên động lực của nó là sự kiện “các ngươi vốn là nô lệ tại đất Ai Cập, và Chúa là Thiên Chúa ngươi đã chuộc lại ngươi” (Đnl 15: 12-18). Gióp coi mình và các nô lệ đều có chung một Đấng Hóa Công và cùng từ lòng mẹ sinh ra (G 31:15). Thật trái với nhận định của những người như Sam Harris lầm lẫn tố cáo Cựu Ước chủ trương buôn người và đối xử với nô lệ như dụng cụ làm vườn.

Về nền luân lý tính dục, luật thuộc ngữ cảnh Cận Đông cho phép người ta có liên hệ ngoại tình với nô lệ và đĩ điếm. Luật Hittite cho phép hành dâm với thú vật. Về hình phạt thể chất, luật thuộc ngữ cảnh Cận Đông rất hà khắc: đối với một số tội phạm, luật Hammurabi cho phép cắt lưỡi, ngực, tay và tai, hay bị trâu bò kéo lê quanh cánh đồng. Luật Ai Cập cho phép đánh phạm nhân tới 200 đòn, trong khi Đệ Nhị Luật 25:1-3 chỉ cho phép đánh tới 40 đòn, lý do “để người anh em khỏi bị hạ nhục trước mắt ngươi”. Nhưng còn luật mắt đền mắt, răng đền răng thì sao? Nhiều người cho là tàn ác qua hình thức hủy hoại thân xác người phạm tội. Nhưng thực ra, nghiên cứu kỹ những đoạn này (Xh 21: 23-25; Lv 24:17-22; Đnl 19:16-21), ngoại trừ trường hợp mạng đền mạng, các trường hợp khác không được hiểu theo nghĩa đen, mà theo nghĩa bồi thường bằng hiện kim.

Luật Môsê sở dĩ phức tạp và nghiêm ngặt là vì nó được đưa ra để đối phó với sự bất tuân của Israel. Giống một đứa bé ưa nổi loạn cần có những qui định nghiêm ngặt cho tới lúc nó chịu thay đổi tác phong thế nào, thì Israel, một dân tộc hay nổi loạn, phá vỡ giao ước, vốn thấm nhiễm não trạng văn hóa kém phát triển của khu vực Cận Đông, cũng cần phải có thật nhiều các luật lệ nghiêm khắc như vậy.

Thực ra, John Sailhamer (7) cho rằng Thiên Chúa vốn không muốn dùng giai cấp tư tế làm trung gian, mà Người muốn toàn dân Israel trực tiếp tiếp cận Người như là vua tư tế (priest-kings) (Xh 19:6), trực tiếp lên núi gặp Người. Nhưng chính dân cưỡng lại điều đó, khẩn khoản yêu cầu Môsê lên núi thay họ. Do đó, luật lệ đầu tiên của Thiên Chúa trên núi Xinai là một đạo luật không kềnh càng dành cho dân (Xh 21-23) và một đạo luật đơn giản khác dành cho tư tế (Xh 25-31:8). Thế rồi, vì sự thiếu sót của thượng tế Aaron trong biến cố bò vàng (Xh 32) và của dân trong việc thờ ngẫu thần dê (Lv 17:1-9), Thiên Chúa đã lần lượt đưa ra nhiều ngăn cấm, giới hạn hết sức nghiêm ngặt và phức tạp cho hàng tư tế (Xh 35-Lv 16) và cho toàn thể dân Israel (Lv 17:10 – 26:46), những giới hạn mà Thánh Phêrô gọi rất đúng là “ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta không mang nổi” (Cv 15:10). Chúng không phải là lý tưởng của Chúa. Chính Israel đã muốn có những cái ách ấy.

Giêrêmia 7:2 nói rất rõ: “Ngày Ta mang chúng ra khỏi đất Ai Cập, Ta đâu có nói với cha ông các ngươi hay truyền lệnh cho họ về lễ toàn thiêu hay hy lễ. Nhưng ta chỉ cho chúng mệnh lệnh này: ‘Hãy vâng theo tiếng nói của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của Ta’. Thư Galát 3:19 cũng nói như thế: “Như thế tại sao cần có Luật? Luật được thêm vào vì sự vi phạm của dân”. Luật, như thế, là một nét tạm thời cho tới khi có giao ước mới với Chúa Kitô (Gl 3:22).

Vả lại, mỗi giai đoạn trong lịch sử Israel đòi hỏi một nền đạo đức khác, dù Cựu Ước vẫn cung cấp cho ta những thông sáng luân lý trường cửu. John Goldingay, trong cuốn "Theological Diversity and the Authority of the Old Testament" (8) cho thấy Israel đã trải qua các giai đọan lịch sử sau đây: từ một dòng tộc du mục (mishpachah [St 10:31-2]), họ tiến qua một dân tộc thần trị (am [Xh 1:9; 3:7] hay goy [St 12:2; Tl 2:20]), rồi một thể chế quân chủ, một nhà nước định chế, hay một vương quốc (mamlakah [1 Sm 24:20; 1 Sb 28:5]), rồi một thiểu số sống sót tang thương (sheerith [Gr 42:4; Edk 5:10]), và sau cùng một cộng đồng hậu lưu đày hay một cộng đồng của lời hứa (qahal [Er 2:64; Nkm 13:1]). Thời du mục, Ápraham và các tổ phụ ít can dự việc chính trị, dù thế, Ông vẫn phải chiến đấu để cứu Lót (St 14), từ khước bổng lộc của các ân nhân chính trị. Nhờ giao ước, Giavê là Đấng che chở và là nhà cung ứng cho các tổ phụ.

Tiếp đến là hơn 400 năm chờ đợi và chịu ách nô lệ tại Ai Cập. Giavê giải phóng họ, giúp họ sống thành quốc gia và ban cho họ một thứ thần trị, tức một môi trường vừa có tính tôn giáo vừa có tính xã hội và chính trị. Một quốc gia dĩ nhiên cần một lãnh thổ, thế là có chiến tranh. Về cuộc chiến tranh này, Copal nhận định: Israel không có cách chi biện minh cho cuộc tấn công chống người Canaan nếu không có Thiên Chúa đích thân truyền cho họ làm việc ấy. Lý do khiến Thiên Chúa ra lệnh như vậy hoàn toàn có tính luân lý: a) sự xấu xa không tài chữa nổi của nền văn hóa Canaan; b) đến nỗi không được liên minh chính trị hay kết hôn với họ (triệt hạ tôn giáo Canaan quan trọng hơn triệt hạ người Canaan); c) ngôn từ triệt hạ trong Giôsuê: “ông không để ai sống sót” và “hoàn toàn tiêu diệt bất cứ sinh vật nào có hơi thở” (10:40) chỉ là những ngoa ngữ, vì ở những chỗ khác vẫn ngầm cho thấy nhiều người Canaan còn sống sót, như lời cảnh báo sau đây: “Nhưng nếu anh em phản bội Chúa và gắn bó với những dân còn sót lại đang ở với anh em đó… thì hãy biết chắc: Thiên Chúa của anh em sẽ không tiếp tục trục xuất chúng, chúng sẽ thành dò lưới và cạm bẫy hại anh em…” (23:12-13). Cho nên, Giôsuê 9-12 cũng chỉ sử dụng lối hành văn ước lệ của Cận Đông khi nói về chiến tranh.

C. Sắc thái luân lý và tâm linh cũng như một tinh thần cứu chuộc hơn là luật pháp

Cựu Ước cho thấy một sắc thái luân lý và tâm linh ấm áp cũng như một tinh thần cứu chuộc, thúc đẩy Israel hướng tới một lý tưởng cao đẹp hơn là luật pháp. Luật Môsê, dù tốt hơn so với luật của ngữ cảnh Cận Đông, nhưng cũng không phải là một lý tưởng. Nó chỉ nói lên lòng khoan nhượng của nhà làm luật. Đơn cử trường hợp đa hôn. Tại sao Thiên Chúa không thẳng thừng ngăn cấm đa hôn? Wenham cho rằng đa hôn được làm ngơ có lẽ vì đơn hôn khó có thể được chấp pháp (9). Hơn nữa, các soạn giả Thánh Kinh thường có tác phong “hy vọng ở một tác phong tốt hơn” như Ngũ Kinh nhấn mạnh ngay từ đầu (St 2:24), khi nói tới “người vợ” hay “cha và mẹ” số ít. Ta cũng thấy Thánh Kinh thường mô tả đa hôn như một thực hành không tốt: “Vua ấy cũng không được có nhiều vợ, kẻo tâm hồn bị lầm lạc” (Đnl 17:17). Salômôn là ông vua không vâng nghe lời này và do đó “lòng vua ra hư hỏng” (1V 11:3). Lý tưởng vì thế vẫn là đơn hôn như thuở ban đầu (St 2:24), được Hôsê, Giêrêmia 3:18 và Malaki 2:16 nhắc lại. Các soạn giả Thánh Kinh mong dân Chúa nhận ra điều ấy và sống theo lý tưởng này.

Vả lại, muốn hiểu rõ luật lệ Môsê, ta không nên quên nguyên tắc “cứng lòng” và nguyên tắc “chịu đựng”. Chúa Giêsu, trong Mt 19, đã đề cập rõ nguyên tắc “cứng lòng” này khi bình luận về ly thư mà Môsê truyền cho người chồng viết để ly dị vợ: chỉ vì các ông cứng lòng, mà Môsê đã cho phép điều đó. Nhưng từ khởi thủy vốn không như thế! Nguyên tắc này dĩ nhiên áp dụng cho nhiều vấn đề khác: tinh thần tổ phụ, đa hôn, nô lệ, quyền trưởng nam và cả chiến tranh là những thực hành hết sức quen thuộc trong ngữ cảnh Cận Đông. Cách tiếp cận của Chúa Giêsu cho ta thấy có một đạo đức học đa bình diện (a multilevel ethic) với yếu tố cứu chuộc trong đó. Nói cho ngay, ly thư cũng là biện pháp bảo vệ người vợ, giúp nàng cơ hội tái hôn hợp pháp để tránh cảnh túng quẫn và xỉ nhục. Luật này có quan tâm tới phúc lợi của người vợ, tuy nhất định không phải là một lý tưởng đạo đức.

Nguyên tắc “chịu đựng” là về phía Thiên Chúa. Thư Rôma (3:25) cho hay: “Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm”. Nói với dân thành Nhã Điển, Thánh Phaolô cũng cho họ hay: “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người” (Cv 17:30). Hai nguyên tắc này luôn đi đôi với nhau trong diễn trình dẫn Israel tới một lý tưởng cao hơn.

Nét “kìm hãm” hơn là “lý tưởng” trong luật Môsê chính là một phần trong chiều hướng cứu chuộc và thúc đẩy luân lý đầy ấm áp của Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh một cách nghiêm túc, ta sẽ thấy một nền luân lý bất toàn đang tiến bước ở bề mặt trong khi các dòng luân lý lý tưởng vẫn tiếp tục chẩy ở phía dưới: hình ảnh Thiên Chúa nơi mọi con người, hôn nhân đơn hôn suốt đời, và Giavê quan tâm tới mọi dân tộc. Giavê luôn tái điều hướng dân của Người về phương diện luân lý, thần học và tâm linh để họ thoát ra ngoài não trạng văn hóa bao quanh. Một đàng, Người không hoàn toàn phá bỏ những thực hành đáng nghi vấn của nền văn hóa Cận Đông, nhưng đàng khác luật lệ Israel cho thấy có sự cải thiện đáng kể nhằm nhân bản hóa các thực hành ấy. Luật về nô lệ chẳng hạn, như trên đã nói, có nhiều cải tiến dựa trên nguyên động lực: các ngươi vốn cũng là nô lệ! Hành động Thiên Chúa cứu vớt Israel khỏi nô lệ hiển nhiên là khuôn thước cho tác phong Israel đối với nô lệ của họ.

Người cũng sẵn sàng thích ứng các cấu trúc của ngữ cảnh Cận Đông khi con người tìm cách thay đổi nó dưới ánh sáng của lý tưởng luân lý. Như Dân Số 27:1-11, khi nói về gia tài cho con gái, đã chứng tỏ. Các con gái của Zelophehad, vì các hoàn cảnh đặc biệt của nữ giới, đã khiếu nại với Môsê về luật thừa kế quá thiên về nam giới. Môsê trình Giavê vấn đề này, và khiếu nại của họ được giải quyết. Trước đó, luật về quyền trưởng nam cũng từng được “thích ứng”: Abel được ưa hơn Cain, Ixaác hơn Ismael, Giacóp hơn Êsau, Giuse/Giuđa hơn Reuben. Nhờ thế mà ta có một nền đạo đức cách mạng và dân chủ hơn, dù chưa lý tưởng nhưng hơn hẳn các luật lệ Cận Đông lúc ấy. Chúa Giêsu sau này cũng đề cập tới tinh thần cứu chuộc ẩn chứa trong Cựu Ước: Người dùng việc Đavít lấy bánh hiến của tư tế để biện hộ cho việc môn đệ của Người ngắt lúa vào ngày Sabát vì đói (Mc 2:24-27).

Tóm lại, luật Môsê chứa mầm mống phát triển luân lý và là những đốm sáng dẫn con người tới một ngả đường luân lý trong sáng hơn. Nó cho thấy Thiên Chúa vô cùng nhẫn nại với con người. Sự nhẫn nại ấy thật khác xa với lời kết tội của các nhà tân vô thần coi Người như thiếu kiên nhẫn, hay ghen tuông, dễ bị khiêu khích. Người chính là lý tưởng của con người: “hãy thánh thiện vì Ta, Chúa và Thiên Chúa ngươi, là Đấng Thánh Thiện” (Lv 19:2). Hành động cứu vớt của Người là tấm gương cho họ noi theo: Người là “Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải thương yêu ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập (Đnl 10:18-19).

Mẫu mực tính tình và hành động cứu vớt của Giavê bàng bạc trong luật lệ Israel. Điều ấy được Christopher Wright (10) gọi là sắc thái cảm thương trong Luật, sắc thái này không thể giản lược vào một bộ luật, nhưng bao hàm một điều gì đó sâu sắc hơn, điều mà Mignon Jacobs gọi là “nền thần học quan tâm đối với người kém may mắn” (11). Tính tình và hoạt động của Thiên Chúa mang lại cho dân Chúa và toàn thể nhân loại một tầm nhìn luân lý rõ ràng. Các nhà tân vô thần đã không khám phá ra khía cạnh này.

Sau cùng, không nên quên điều này: luật Môsê dẫn đến sự hoàn thành, nên trọn trong Chúa Kitô. Nó không phải là lời sau cùng. Một giao ước mới sẽ tới, trong đó, Luật sẽ được viết trong trái tim. Nếu chỉ dừng lại ở Cựu Ước mà thôi, thì cái đọc của ta sẽ hết sức nghèo nàn

Ghi Chú

(1). John Barton, Ethics and the Old Testament (Harrisburg, PA: Trinity Press International, 1998), 7. Xem Brevard S. Childs, Biblical Theology in Crisis (Philadelphia: Westminster, 1970), 125, trong đó ông nhận định rằng nền đạo đức học Thánh Kinh không có những câu trả lời rõ ràng (clear-cut).

(2). Bruce C. Birch, Let Justice Roll Down: The Old Testament, Ethics, and Christian Life (Louisville, KY: Westminster John Knox Press, 1991), 36.

(3). Richard B. Hays, The Moral Vision of the New Testament (San Francisco: Harper SF, 1996), 295;

(4). John Barton, Understanding Old Testament Ethics: Approaches and Explorations (Louisville, KY: Westminster John Knox, 2003).

(5). Eckart Otto, Theologische Ethik des Alten Testaments (Stuttgart: Kohlhammer, 1994).

(6). Alden Thompson, Who's Afraid of the Old Testament God? (Grand Rapids, MI: Zondervan, 1988), 32.

(7). Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 46-59; xem thêm Sailhamer, Introduction to Theology, 272-89.

(8) Xem Goldingay, Theological Diversity and the Authority of the Old Testament, chương 3.

(9). Wenham, Story as Torah, 86.

(10). Wright, Old Testament Ethics, 300.

(11). Mignon R. Jacobs, "Toward an Old Testament Theology Concern for the Underprivileged," trong Reading the Hebrew Bible for the New Millennium: Form, Concept, and Theological Perspective, vol. 1, Theological and Hermeneutical Studies, Studies in Antiquity and Christianity, Wonil Kim và nhiều người khác chủ biên (Harrisburg, PA: Trinity Press International, 2000), 205-29.