Nhân hai ngày hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Đại Học Regina Apostolorum ở Rôma, với chủ đề “Một Nền Tân Hộ Giáo Cho Một Thiên Niên Kỷ Mới”, Đức Hồng Y William Levada, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã đọc một bài diễn văn tựa là “Sự Cấp Bách Của Một Nền Tân Hộ Giáo cho Giáo Hội Thế Kỷ 21”.

Theo Đức Hồng Y, việc đề xuất một nền tân hộ giáo có liên hệ mật thiết với lời kêu gọi tân phúc âm hóa mà Tôi Tớ Chúa là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt ra cho Giáo Hội như là trách vụ chính cho sứ mệnh của mình ở đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô Giáo.

Đức Hồng Y nhớ rất rõ đặc ân được tháp tùng Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc vào năm 2008. Ở Hoa Thịnh Đốn, sau khi nói truyện với các vị giám mục Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha đã mời gọi các vị đối thoại với ngài. Có vị yêu cầu ngài “lượng giá về thách thức ngày càng gia tăng của chủ nghĩa duy tục trong đời sống công và chủ nghĩa tương đối trong sinh hoạt trí thức cũng như lời khuyên của ngài về việc làm thế nào để đương đầu với các thách thức đó về phương diện mục vụ và phúc âm hóa cách hữu hiệu hơn”. Để trả lời, Đức Thánh Cha đã nói rằng: “Trong một xã hội biết trân trọng đúng đắn tự do bản thân, Giáo Hội cần phải dùng mọi bình diện thuộc giáo huấn của mình, trong giáo lý, trong giảng thuyết, trong việc dạy dỗ tại các chủng viện và đại học, để cổ vũ một nền hộ giáo nhằm mục đích khẳng định chân lý của mạc khải Kitô Giáo, sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí, và một cái hiểu lành mạnh về tự do, được quan niệm bằng những ngôn từ tích cực như giải phóng con người khỏi các giới hạn của tội lỗi và được hưởng một cuộc sống chân chính và thoả đáng”.

Một vài xem sét khởi đầu

Theo Đức Hồng Y, ở đây, ta có thể suy diễn các nhận xét vắn tắt của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khi ngài cho rằng hộ giáo có chỗ đứng kép trong thần học: nó có chỗ đứng trong thần học căn bản, trong đó có phần đóng góp của các tiền đề đức tin (praeambula fidei) vào nền tảng của cuộc tìm tòi thần học, và có chỗ đứng trong thần học mục vụ, trong đó, thần học được “bản vị hóa” (inculturated) (một hạn từ khá phổ thông từ sau Công Đồng) trong giảng thuyết, trong giáo lý và trong việc phúc âm hóa.

Trong cả hai phạm vi đó, hộ giáo gần như đã mất dạng, nhưng nhu cầu về nó là điều lúc nào cũng cần có, như lịch sử tư duy Kitô Giáo đã chứng minh. Do đó, theo ý kiến Đức Hồng Y, một nền “tân” hộ giáo không những đúng lúc mà còn cấp bách nữa do cả quan điểm khoa học lẫn quan điểm mục vụ.

Trong Tân Ước, Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô (3:15) cho ta một khởi điểm cổ điển cho hộ giáo: “Luôn sẵn sàng giải thích (hay bênh vực) cho bất cứ ai chất vấn anh em về lý do hy vọng của anh em. Nhưng hãy làm việc đó cách lịch hiệp và kính trọng”. Hạn từ Hy Lạp “Apologia” có nghĩa là bênh vực; nhưng một số bản dịch tiếng Anh gần đây dịch là “giải thích”. Nếu hộ giáo bị chỉ trích và phần lớn bị bỏ rơi sau Công Đồng Vatican II vì đã quá phòng thủ hay quá hiếu chiến, thì có lẽ vì lời khuyên “một cách lịch thiệp và kính trọng” kia đã bị làm ngơ quá nhiều. Nhưng mục tiêu bênh vực đức tin của ta, hay giải thích lý do tại sao ta tin, thì vẫn là trường cửu.

Trong lời dẫn nhập cuốn “A History of Apologetics (1971)” (Lịch Sử Hộ Giáo) của mình, Cha Avery Dulles, S.J. (sau là hồng y), nói rằng ngài không có ý định viết “một hộ giáo cho Kitô Giáo, càng không phải là một hộ giáo cho hộ giáo học” (xvi). Trong cuốn sách này, Cha Dulles khảo sát gia tài do các nhà hộ giáo Kitô Giáo để lại trong nhiều thế kỷ qua: những vị như “Đấng Hộ Giáo” Giustinô thế kỷ thứ 2, “Clêmentê và Ôrigien, Eusêbiô và Augustinô, Aquinô và Ficinô, Pascal và Butler, Newman và Blondel” (xv). Trong lời nói đầu, Cha Dulles viết: “Mục đích và phương pháp của khoa hộ giáo thường hay thay đổi. Những nhà hộ giáo tiên khởi chủ yếu quan tâm tới việc chiếm được lòng khoan dung của nhà cầm quyền dân sự đối với cộng đồng Kitô Giáo. Các ngài muốn chứng tỏ rằng các Kitô Hữu không phải là người xấu đáng phải tử hình. Dần dần, qua các thế kỷ về sau, các cuộc bênh vực Kitô Giáo mới trở nên ít thủ thế hơn. Các nhà hộ giáo lúc này có được một chiến thuật nặng phần phản công hơn, nhờ thế họ bắt đầu đặt mục tiêu tranh thủ các tân tòng từ các nhóm khác. Nhiều vị lên tiếng nói với lương dân, nhiều vị khác lên tiếng nói với người Do Thái. Sau đó, họ hướng về người Hồi Giáo, rồi người vô thần, người bất khả tri, và người dửng dưng đối với tôn giáo. Sau cùng, các nhà hộ giáo nhận ra điều này: mọi Kitô hữu đều chứa chấp trong chính mình một tên vô đạo bí mật. Chính ở thời điểm ấy, khoa hộ giáo đã trở thành một cuộc đối thoại giữa người tin và người không tin ngay trong trái tim của chính người Kitô hữu. Nhờ lên tiếng nói với cái bản ngã không chịu tái sinh kia, nhà hộ giáo rất chính xác khi hy vọng rằng ông sẽ có khả năng vươn tới người khác trong cùng một hoàn cảnh” (xvi).

Một trong những bậc thầy cổ điển của khoa hộ giáo tại Anh Quốc tiền bán thế kỷ 20, Đức Ông Ronald Knox, một tân tòng từ Anh Giáo, cũng đã theo đuổi mục tiêu kép ấy trong các trước tác về hộ giáo của mình: “Các trước tác này không những chỉ bao gồm các sách trình bày lý lẽ của niềm tin Công Giáo cho những ai không tin theo nó, mà còn bao gồm nhiều bài phát biểu trong các hội nghị và bài giảng trước người Công Giáo nữa, trong đó ngài tìm cách giúp họ hiểu đức tin của họ cách tốt hơn” (M. Walsh, Ronald Knox as Apologist, các trang 12-13). Trong cuốn sách gần đây của mình, tựa là The Difference God Makes, Đức Hồng Y Francis George cũng có quan điểm như sau: “Khoa hộ giáo quan trọng trước nhất ngay trong lòng Giáo Hội. Ta cần đưa ra lý do của lòng tin không những để soi sáng những ai không chia sẻ lòng tin ấy mà còn để củng cố những ai đã có mặt trong gia hộ lòng tin rồi” (trang 65).

Khoa hộ giáo cổ điển và “các tiền đề đức tin”

Để khởi đầu phần này, Đức Hồng Y Levada dựa vào bậc thầy hộ giáo là Đức Ông Knox, người đã phác thảo 5 vấn đề căn bản cho khoa hộ giáo của thời mình như sau: “Sự hiện hữu của Thiên Chúa, Cựu Ước như lời tiên tri, Con Người Chúa Giêsu, Tân Ước như một ghi chép đáng tin cậy, và Giáo Hội như thày dạy có thế giá” (Walsh, sđd, tr.111).

Ta dễ thấy những vấn đề căn bản ấy giả thiết và lệ thuộc các tiền đề đức tin ra sao. Các tiền đề này vốn cung cấp một dẫn nhập và một nền tảng cần thiết cho thần học ít nhất từ thời Thánh Tôma Aquinô, người đã bàn tới chúng một cách sâu rộng trong cuốn Summa contra gentiles. Các kết luận có tính triết học của sách này, về khả năng con người có thể biết được chân lý khách quan, về sự hiện hữu và bản chất thiêng liêng của linh hồn, về sự hiện hữu của một Thiên Chúa có ngôi vị, và về sự cần thiết của tôn giáo, đều là một chuẩn bị cần thiết cho cả khoa thần học và khoa hộ giáo thực tiễn.

Đức Hồng Y cho hay ngay giảng khóa “De Revelatione” (Về Mạc Khải) của Cha Sebastian Tromp, Dòng Tên, mà ngài học thời tiền Công Đồng Vatican II, tức năm 1958, cũng bắt đầu với phần dẫn nhập “về thần học hộ giáo căn bản”, sau đó, mới theo các đường hướng cổ điển để thảo luận về khả thể và sự kiện mạc khải cũng như chứng tá của Chúa Kitô: các phép lạ của Người và sự nên trọn các lời tiên tri của Cựu Ước, vốn đặt cơ sở cho khả tín tính của mạc khải Kitô Giáo. Đức Hồng Y Levada thụ phong linh mục năm 1961 và trở về Los Angeles để làm việc tại một giáo xứ và dạy môn tôn giáo cho các học sinh cuối ban trung học, trong đó có hộ giáo. Sau Công Đồng, lúc trở lại dọn tiến sĩ, Đức Hồng Y theo học một lớp về mạc khải với người kế vị Cha Tromp, là Cha René Latourelle, cũng Dòng Tên. Trong khoảng thời gian ít năm đó (trước và sau Vatican II), khuôn khổ thần học về mạc khải tại Giáo Hoàng Đại Học Grêgôriana đã thay đổi đáng kể, đến nỗi Đức Hồng Y nghĩ ngài có quyền nói rằng khoa hộ giáo đã mất dạng hẳn khỏi giáo trình thần học. Dĩ nhiên, các chỉ thị trong việc đào tạo linh mục quả vẫn còn nhấn mạnh đến việc coi triết học là một đòi hỏi đối với các ứng viên linh mục, và các tiền đề đức tin, nhất là những tiền đề được nhấn mạnh trong hiến chế tín lý Dei Filius (Con Thiên Chúa) của Vatican I, vẫn còn được trình bày như thường lệ.

Suốt thời kỳ trước Công Đồng Vatican II, sự biến đổi khoa hộ giáo thành khoa thần học căn bản được đem ra thảo luận sôi nổi. Cuốn “Praeambula Fidei” của cố giáo sư Ralph McInerny cho thấy rõ việc triển khai đáng chú ý của sự biến đổi này nơi con cái thiêng liêng và trí thức của Thánh Tôma tại các phân khoa thần học của Dòng Đa Minh. Mặt khác, tại Đại Học Grêgôriana, Cha Latourelle thích nói nhiều hơn tới “hình ảnh mới” của thần học căn bản, vì các vấn đề căn bản của mạc khải và khả tín tính vẫn còn là thành phần của khoa này. Trong một bài báo năm 1980, ngài liệt kê các triển khai sau đây trong thần học từng góp phần làm thay đổi vị thế của khoa hộ giáo: “việc canh tân ngành nghiên cứu thánh kinh và giáo phụ đã tạo ra một thực tại phong phú hơn nhiều trong mạc khải và đức tin”, và “thúc đẩy đại kết vừa được đổi mới đã thay đổi hẳn thái độ thường hiếu chiến và tranh biện của khoa hộ giáo cổ thành một cởi mở đối thoại” (xem R. Latourelle, "Nuova Immagine della Fondamentale," trong: Problemi e prospettive di teologia fondamentale, Latourelle - O'Collins, eds. Queriniana, Brescia, 1980).

“Thực tại phong phú hơn” chứa đựng trong giáo huấn của Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, tức Hiến Chế “Dei Verbum” (Ngôi Lời, chương 1) của Công Đồng Vatican II, đã được nhiều người soi sáng khi đem so sánh bản văn này với các chương có trước của hiến chế Dei Filius do Vatican I công bố gần 100 năm về trước. Đối với mục đích ở đây, Đức Hồng Y Levada xin đơn cử một thí dụ từng được soi sáng nhờ một trích đoạn từ lời bình luận của Giáo Sư Joseph Ratzinger thời ấy về hiến chế Dei Verbum, viết không sau Công Đồng bao lâu (xem bộ 5 cuốn tựa là Commentary on the Documents of Vatican II, do A. Grillmeier chủ biên và công bố năm 1969).

Số 6 của Dei Verbum minh nhiên trích dẫn Dei Filius, dù dưới hình thức rút gọn, liên quan tới khả năng nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí nhân bản: “Thánh Công Đồng tuyên xưng rằng: Có thể nhận biết Thiên Chúa, nguyên lý đệ nhất và cùng đích muôn loài, một cách chắc chắn qua thế giới tạo vật, bằng ánh sáng tự nhiên của lý trí nhân bản (xem thư Rôma 1:20)”. Các nhận định của Giáo Sư Ratzinger có liên hệ tới vấn đề nhích ra xa khỏi khoa hộ giáo “cổ điển”: “Vào năm 1870, người ta đã khởi đầu với việc nhận thức tự nhiên về Thiên Chúa và từ nhận thức ấy người ta tiến tới mạc khải ‘siêu nhiên’. Vatican II không những tránh thuật ngữ supernaturalis (siêu nhiên)… mà còn đi theo một diễn trình ngược lại. Công đồng này khai triển mạc khải từ tâm điểm qui Kitô của nó, để rồi trình bày trách nhiệm không thể tránh né của lý trí con người như một chiều kích của toàn bộ. Điều này cho thấy tương quan nhân bản với Thiên Chúa không hệ ở hai phần ít nhiều độc lập với nhau, nhưng chỉ là một đơn nhất không thể phân chia; không có những chuyện như một tôn giáo tự nhiên ngay trong nó, nhưng mỗi tôn giáo đều ‘tích cực’ dù vì chính tính tích cực, nó không loại bỏ được trách nhiệm của tư duy, nhưng bao gồm nó. Vatican II không có lý do gì để dẹp bỏ ý niệm căn bản đã được Vatican I cẩn thận khai triển này; trái lại, để đương đầu với sự công phá của chủ nghĩa vô thần, nó sẽ có tầm quan trọng mỗi ngày một gia tăng” (Vol.3, các tr. 179-180).

Lời lẽ trên có tính tiên tri biết bao khi ta chứng kiến những người như Richard Dawkins và các đồng chí của ông ta trong cái tự gọi là chủ nghĩa vô thần “mới” đang nói truyện với hàng ngàn sinh viên trong các trường cao đẳng, với những cuốn sách nhằm biếm họa các học thuyết và nền triết lý của truyền thống Kitô Giáo trên danh sách bán chạy nhất. Quả là đúng lúc xiết bao khi đưa ra một nền hộ giáo mới!

Cách nay một thập niên, lúc còn làm Tổng Giám Mục San Francisco, Đức HY Levada được mời đọc diễn văn tại Đại Học Dòng Tên ở San Francisco. Ngài chọn chủ đề “Hướng Về Một Khoa Hộ Giáo Mới”. Để chuẩn bị cho bài nói truyện, ngài gọi cho Đức HY Avery Dulles để hỏi xem ngài đã thực hiện được ý muốn theo dõi cuốn sách của ngài về lịch sử khoa hộ giáo, với lý thuyết đính kèm về hộ giáo có thể trình bày được nhiệm vụ, phương pháp và viễn tượng của khoa hộ giáo dưới ánh sáng nhu cầu của giáo hội hiện đại hay chưa. Đức HY Dulles lấy làm tiếc mà nói rằng ngài chưa thực hiện được. Giờ đây được gọi về nhà Chúa, ngài để dự án ấy lại cho người khác. Sự hữu dụng của một dự án như thế cho một khoa hộ giáo đổi mới hẳn là điều không thể chối cãi.

Hình dáng một khoa hộ giáo mới

Hình dáng một khoa hộ giáo mới sẽ như thế nào? Như trên đã trình bày, dĩ nhiên khoa hộ giáo mới này phải có căn bản khoa học trong một thần học căn bản đổi mới, trong đó, đức tin và lý trí, khả tín tính và chân lý, sẽ được thăm dò như các nền móng cần thiết của đức tin Công Giáo. Nhưng đức tin phải luôn được tư duy thông suốt một cách mới mẻ khi nó phải giáp mặt với những hoàn cảnh mới, những thế hệ mới, những nền văn hóa mới. Sau đây là một số gợi ý có thể dùng làm điểm suy tư về một khoa hộ giáo mới hiện đang rất cần cho thời đại ta.

Tháng 10 năm 1999, Đức GH Gioan Phaolô II đã nói truyện với các anh em giám mục của ngài từ phía tây Canada, đến viếng ad limina. Ngài mời gọi các vị đối thoại với con người thời nay với bốn đức tính cần thiết sau đây: trong sáng, tình người, tự tin và khôn ngoan. Ngài gợi ý rằng những đức tính đó có thể lên khuôn cho một “khoa hộ giáo mới”. Đức GH Bênêđíctô, trong cuộc gặp mặt hàng giáo sĩ của giáo phận Bolzano-Bressanone, đã nói rằng đối với ngài “nghệ thuật và các thánh là khoa hộ giáo vĩ đại nhất cho đức tin của ta”. Ngài gọi các thánh là “đường mòn rực sáng trên đó Thiên Chúa bước qua lịch sử”. Về nghệ thuật và âm nhạc Kitô Giáo, ngài cho rằng “một cách nào đó, chúng minh chứng cho chân lý Kitô Giáo: trái tim và lý trí gặp nhau, cái đẹp và chân lý hội tụ…”.

Cùng với những nhận định thông sáng trên về một nền hộ giáo mới của các Đức GH Gioan Phaolô và Bênêđíctô, tưởng cũng nên nhắc đến các nhà tiên phong Hoa Kỳ của nền hộ giáo mới này như Scott Hahn và Frank Keating. Thiết nghĩ cũng nên đề cập tới quan tâm lâu năm của Đức HY Francis George qua các đóng góp của ngài về chủ đề này. Trong The Difference God Makes, ngài từng viết: “Trong Thượng Hội Đồng về Mỹ Châu [1997], tôi gợi ý rằng một phần chủ yếu của việc tân phúc âm hóa phải là một nền hộ giáo mới, một trả lời đầy yêu thương và không thủ thế nhưng phải trong sáng đối với các biện luận chống lại đức tin Công Giáo. Những biện luận này bao gồm một đàng các luận chứng được nêu lên bởi những người trình bày sai lạc Lời Thiên Chúa bằng cách coi Thánh Kinh như một bộ luật, và đàng khác các chủ trương từ những người cho rằng mọi tôn giáo, nhất là Công Giáo, chỉ là ảo tưởng sẽ phá hủy hạnh phúc bản thân và cái hiểu khoa học có phê phán” (tr.65). Ngài nhận định tiếp: “Đương đầu với một lý trí nhân bản hãnh tiến vào cuối thế kỷ 19, Công Đồng Vatican I dạy rằng đức tin không phi lý. Và nghịch thường là cuối thế kỷ 20, Giáo Hội dạy rằng đức tin phải cứu lý trí khỏi vết thương hoài nghi mà chính nó đã tạo cho mình (xem thông điệp Fides et Ratio của Đức GH Gioan Phaolô II)… Một nền hộ giáo mới, do đó, phải đặt cơ sở trên một thứ triết lý biết dành cho khoa học sự độc lập chính đáng của nó, nhưng không phải là bá quyền. Nền hộ giáo mới ấy phải sử dụng một thứ triết lý biết cởi mở chào đón các quan niệm hiện đại, nhất là những quan niệm cổ vũ việc trân quí tính chủ quan nhân bản và tính trung tâm của tự do nhân bản trong kinh nghiệm của ta. Trong một nền hộ giáo hữu hiệu, lý trí thấy mình được tăng cường nhờ đối thoại với đức tin, và ngược lại” (tr.71).

Cùng với các điểm trên, Đức HY Levada muốn trình bày thêm các suy nghĩ riêng của ngài vì biết rằng nhiệm vụ hiện nay đòi hỏi một sự gắn bó lớn hơn bao giờ hết giữa đức tin và cuộc sống của người muốn “giải thích hay bênh vực” niềm tin và niềm hy vọng của mình nơi Chúa Kitô.

Nền hộ giáo mới cho thiên niên kỷ mới phải tập chú vào vẻ đẹp nơi tạo vật của Thiên Chúa. Để nền hộ giáo này đáng tin, ta phải chú ý nhiều hơn tới mầu nhiệm và vẻ đẹp trong việc thờ phượng của Công Giáo, trong cái nhìn có tính bí tích đối với thế giới, một cái nhìn vốn giúp ta nhận ra và trân qúi cái đẹp của sáng thế như báo trước những trời mới đất mới đã được dự kiến trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô và Sách Khải Huyền. Ta không nên do dự cúi đầu sát đất để tỏ lòng tôn kính và tháo giầy ra khi đứng nơi đất thánh.

Chứng tá cuộc sống ta như tín hữu, nghĩa là những người đem đức tin ra thực hành bằng công việc công lý và bác ái trong tư cách môn đệ, mô phỏng Thầy Chí Thánh Giêsu, là một chiều kích của tính khả tín nơi ta, những đối tác đối thoại vào thời tân hộ giáo. Tình liên đới của ta với anh chị em đồng bào, những người có khi chỉ ý thức nửa vời về trách nhiệm của họ, nhưng là một ý thức thực sự, được phát biểu qua các chính nghĩa như môi trường, người nghèo, công bằng kinh tế, là điều rất quan trọng. Đồng thời, khả năng của ta trong việc nói rõ cái nhìn đầy đủ của mình về chân lý, công lý và bác ái phải là điều chủ yếu thì mới bảo đảm được rằng các chứng tá và hành động kia không phải chỉ là một giai đoạn tạm bợ, nhưng sẽ tạo ra một đóng góp lâu bền vào việc tạo lập nên một nền văn minh tình yêu.

Trong nền văn hóa ngày nay, cuộc đối thoại về ý nghĩa và mục đích của tự do nhân bản là điều chủ yếu. Nếu tự do được điều hướng vào việc tăng cường chủ nghĩa cá nhân của nền văn hóa “tôi trước nhất”, nó sẽ không bao giờ thể hiện được tiềm năng đã được hiến tặng từ Đấng vốn tạo dựng ta theo hình ảnh và họa ảnh của Người nghĩa là được tự do đáp trả hồng phúc yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa.

Ta cần phải theo đuổi cuộc đối thoại với khoa học và kỹ thuật. Nhiều khoa học gia nói tới niềm tin bản thân của họ; nhưng bộ mặt công của khoa học thì dứt khoát là bất khả tri. Đây chính là thửa đất mầu mỡ và cần thiết cho đối thoại. Teilhard de Chardin đã thử làm một hộ giáo đầy óc tưởng tượng đối với thế giới khoa học, mặc dù, không thành công hoàn toàn. Chắc chắn thiên niên kỷ mới sẽ mang lại nhiều cơ hội mới để mở rộng chiều kích đối thoại chủ yếu giữa đức tin và lý trí này. Và trong số các vấn đề cần chú ý nhất ngày nay, ta thấy có vấn đề biến hóa liên quan tới học lý tạo dựng.

Nền hộ giáo mới cũng học hỏi từ các nền hộ giáo “cũ”. Đức HY Levada cho hay ngài mới đọc lại tác phẩm “Mere Christianity” của C.S.Lewi, một sách gối đầu giường của các sinh viên đại học thời ngài còn ngồi trên ghế nhà trường. Cuốn hộ giáo cổ điển này khởi đầu chỉ là một loạt các bài nói truyện truyền thanh phát đi trong Thế Chiến II. Ngài tự hỏi tại sao BBC lại chọn phát tuyến loạt bài đó, khi chúng không nhắc gì tới chiến tranh. Câu trả lời của ngài, một câu trả lời mà ngài không biết có đúng hay không, là: con người trong những năm tháng tuyệt vọng ấy khao khát mang lại cho bom đạn gây chết chóc, cho thiếu thốn và hy sinh một ý nghĩa. Họ cần một cái gì đi ngược lại “tuyệt vọng”. Họ cần hy vọng!

Đức Hồng Y nhận thấy chủ đề chính trong luận điểm của Lewis về Thiên Chúa và Kitô Giáo là điều thích thú: ông lấy cảm thức bẩm sinh về đúng sai, về tốt xấu để chứng minh Thiên Chúa là tác giả. Và một lần nữa, ta thấy ở đây một chủ đề chủ yếu cho nền hộ giáo mới: niềm khát khao sự thiện, và các thể tài có liên quan tới luật luân lý tự nhiên và tính giá trị của lý trí con người chung cho toàn bộ nhân loại. Đối với Lewis, cũng như đối với nền hộ giáo ngày nay, một thể tài phụ (sub-theme) có tính quan trọng nữa là việc hiểu đúng đắn về tính dục con người

Sau cùng, nền hộ giáo mới phải để ý tới ngữ cảnh đại kết và liên tôn trong bất cứ cuộc đối thoại nào về niềm tin tôn giáo trong thế giới thế tục. Đức Hồng Y không nhất trí với những ai cho rằng thời của nền hộ giáo chuyên biệt Công Giáo đã qua rồi. Tuy nhiên, các vấn đề về tinh thần và đức tin phải huy động được mọi truyền thống tôn giáo lớn và phải được đề cập với một sự cởi mở sẵn sàng đối thoại liên tôn. Cũng thế, tiến bộ về đại kết của ta cho ta thấy nhiều hồng ân ta có chung với anh em Kitô Giáo:

C.S. Lewis chỉ là một thí dụ, dù rất có thể là thí dụ ưu hạng. Nền hộ giáo của ta chỉ có thể được tăng cường nhờ chứng tá chung của ta với anh em Kitô hữu khác, một chứng tá cho thấy mục tiêu của mạc khải Thiên Chúa nơi Đức Kitô dành cho cuộc sống ta và cho thế giới ta đang sống.

Trong phần kết luận, Đức Hồng Y Levada lại một lần nữa trưng dẫn Đức Hồng Y Dulles. Khi chuẩn bị tái bản cuốn Testimony to Grace, tức câu truyện ngài trở lại Đạo Công Giáo, Đức HY Dulles soạn lời bạt mới tựa là “Các suy nghĩ về cuộc hành trình thần học”. Một phần trong các suy nghĩ này có liên quan đặc biệt ở đây. Ngài viết: “Nhiều thần học gia Công Giáo, vì không hiểu rõ tầm quan trọng của việc đức tin xuất hiện nhờ nghe, nên đã do dự không dám đáp lại lời mời gọi đi công bố Phúc Âm. Các nhóm thệ phản bảo thủ, dù có một quan niệm về Phúc Âm được tôi coi là không thỏa đáng, nhưng đã dấn thân nhiều hơn vào nhiệm vụ phúc âm hóa. Sau khi lãng quên việc dấn thân truyền giáo của cha ông, người Công Giáo hiện nay mới chỉ bắt đầu theo kịp phái Ngũ Tuần và Người Thệ Phản Duy Thánh Kinh Học. Thế nhưng, Giáo Hội Công Giáo, với gia tài trí thức và văn hóa phong phú, vốn có tài nguyên để phúc âm hóa mà các nhóm khác không có sẵn. Ta cần một giáo hội dễ gần gũi, năng động, ít bị xao lãng hơn vì tranh cãi nội bộ, nhiều tập chú hơn vào tư cách Chúa (lordship) của Chúa Giêsu Kitô, dễ đáp lại Chúa Thánh Thần hơn và có khả năng hành động hợp nhất hơn” (tr.139).

Ước chi cùng với Đức Hồng Y Dulles, ta có thể hy vọng và cầu nguyện để trong khi mô phỏng lòng nhiệt của một số anh chị em cực đoan (fundamentalist) trong việc công bố Chúa Kitô, ta vẫn có khả năng chia sẻ với họ gia tài phong phú của truyền thống đức tin Công Giáo và phổ quát nơi Chúa Giêsu Kitô. Điều này xem ra hết sức quan trọng giúp người Công Giáo cưỡng lại được những lôi cuốn đôi lúc quá đơn thuần hóa của các giáo phái.

Theo Đức Hồng Y Levada, lời mời gọi phải tạo ra một nền tân hộ giáo cho thế kỷ 21 không phải là một “sứ mệnh không thể thực hiện được” ("mission impossible"). Tinh thần của xã hội hiện đại là hoài nghi chân lý, hoài nghi các chủ trương cho rằng có thể nhận biết chân lý, ngay cả chân lý mạc khải của Thiên Chúa. Việc tương đối hóa chân lý không phải là một điều kiện nhất thiết phải có trước cho một cuộc đối thoại thực sự; ý muốn biết người khác trong cái viên mãn của nhân tính nơi họ mới là điều kiện tiên quyết. Bởi thế, điều trước nhất cần làm là tìm ra chân lý của đầu óc và trái tim trong một cuộc đối thoại trong đó có sự xuất hiện của điều mà các Kitô Hữu đã được học biết là đầu óc, là sức mạnh, là trái tim và linh hồn của Phúc Âm được mạc khải trong Chúa Kitô: tức Thiên Chúa là tình yêu, việc chúng ta được tạo nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa làm toàn thể nhân loại đều có khả năng yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người lân cận như chính ta. Bởi vì đây mới là thách thức được trao cho các nhà hộ giáo suốt trong lịch sử Giáo Hội: để người ta biết rõ lý do niềm tin và niềm hy vọng Kitô Giáo của ta nhờ sự lịch hiệp và lòng tôn kính” (xem 1Pr 3:15).