Một nền hộ giáo về sự hiện diện (tiếp theo)

Đào tạo

Thế kỷ 19, Giáo Hội Anh và Wales đã làm một quyết định can đảm. Là dồn hết năng lực và tài nguyên vào việc giáo dục giáo dân của mình. Giáo hội ấy hiểu rõ rằng giáo dục là điều chủ yếu, không những đối với chính đời sống của Giáo Hội, mà còn đối với khả năng của Cộng đồng Công giáo trong việc đảm nhận vai trò có ý nghĩa và và mang lại nhiều hoa trái trong sinh hoạt quốc gia. Chúng ta đã thấy sự khôn ngoan của chính sách ấy và các ơn ích nó đem lại cho rất nhiều thế hệ người Công Giáo và gia đình họ. Ngày nay, ta có được một hệ thống giáo dục sống động, chuyên nghiệp và đầy cam kết trên khắp nước Anh và Wales. Tôi nghĩ các trường học của chúng ta đã công khai chứng tỏ giá trị của mình. Họ đã chứng tỏ được rằng cái mà người ta thường gọi là ‘trường tín ngưỡng’ không nuôi dưỡng thiên kiến hay chia rẽ; mà thực sự chúng là những cơ sở đầy óc sáng tạo và canh tân trong việc đương đầu với các vấn đề ấy. Nhưng ngày nay, ta cần phải đặc biệt chú ý và cẩn trọng trong mọi chương trình đào tạo cuộc sống đức tin của ta. Giáo Hội rất cần các giáo dân cũng như các giáo sĩ biết tự tin, được huấn luyện đầy đủ về thần học và linh đạo, nếu muốn đáp ứng được các thách đố của thế giới thế tục. Người của ta cần phải biết truyền thống mình đang theo; do phép rửa, họ có quyền được nuôi dưỡng bằng sự khôn ngoan và vẻ đẹp của truyền thống ấy. Trên hết, như Thượng Hội Đồng Thế Giới về Lời Chúa mới đây đã đề nghị, chúng ta cần phải tự nuôi dưỡng mình và đức tin của mình bằng Phúc Âm. Chính nhờ Phúc Âm ấy mà ta biết được Chúa Kitô, nghe được lời Người, và bước vào được hồng ân và mầu nhiệm Nước Trời.

Đã 40 năm nay kể từ ngày kết thúc Công Đồng Vatican II, nhưng ta vẫn còn ở trong diễn trình biến các lối nhìn trong sáng của Công Đồng thành của riêng mình. Ta cần phải quay về với Công Đồng, đọc nó dưới ánh sáng các kinh nghiệm trong tư cách Giáo Hội của ta và tình thế mới của thế giới ta đang sống. Ta nên cố gắng đặc biệt chú tâm tới giáo huấn xã hội của Giáo Hội vì giáo huấn này đầy tính phong phú, tính khôn ngoan và nhân bản.

Canh tân cộng đoàn giáo xứ

Tuy nhiên, đối với hầu hết người Công Giáo, cuộc sống của họ, cả về xã hội lẫn tâm linh, đều diễn ra trong giáo xứ của họ. Nói tới nói lui, điều cần là ta phải cố gắng biến các giáo xứ thành những cộng đoàn sống động, chứ không phải các khu vực địa dư hay các thực thể theo giáo luật. Giáo xứ là điểm tiếp xúc đầu tiên khi người ta dọn đến sống tại một khu vực mới. Không những nó là nơi người ta tụ tập vào các ngày Chúa Nhật, nó còn là không gian diễn ra sự sống và lịch sử.

Các truyện tích của chúng ta được kể lại, các mệt mỏi chán nản của chúng ta được chịu đựng, các đau đớn của chúng ta được đụng đến và các tan nát của chúng ta được hàn gắn, tất cả đều xẩy ra theo nhịp độ của năm phụng vụ. Trong cuộc gặp gỡ với những người khác cùng một đức tin ấy, ta được thấy những lời lẽ quen thuộc của Thánh Lễ, nến đèn, lời kinh, tiếng hát, nhân cách quen thuộc của các thánh và các vị tử đạo, các âu lo xao xuyến của ta, các thất bại và thành công của mình; tất cả những điều đó được đem vào hoà nhịp với sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Gần như không hay biết, ta được đánh động bởi ơn thánh của tình yêu vĩnh cửu, Đấng gặp gỡ ta trong chính thời điểm của ta. Cũng ở đây, hòa lẫn với cuộc sống ta là cuộc sống của tất cả những ai từng có mặt ở đây trước đây và những người sẽ đến đây sau này. Ta biết ta không hoàn hảo, giáo xứ ta cũng không hoàn hảo, nhưng thỉnh thoảng ta thoáng nhận thức ra mọi thế hệ đức tin từng sống cuộc sống như chúng ta bây giờ và thế là ta cố gắng bám chắc lấy đức tin từng được họ sống cách tốt đẹp. Cuộc sống ta được đánh động bởi Sự Hiện Diện đang đón đợi ta.

Bởi thế, tôi không tin các giáo xứ của ta đã chết hay đang chết. Dù cho ta có thể phải rút bớt con số các giáo xứ, nhưng ta phải dành ưu tiên mà khám phá lại việc giáo xứ là sinh tử xiết bao trong việc nuôi dưỡng đức tin của ta bằng nhiều cách hết sức khác nhau. Thánh Thể đương nhiên là ‘nguồn suối và đỉnh cao’ của đời sống Giáo Hội. Cùng với việc được cử hành một cách cung kính và đầy cầu nguyện, Thánh Thể cần phải giáo hóa bằng việc cử hành Lời Chúa. Thánh Kinh phải được mở rộng cho giáo dân để họ có thể đọc và suy niệm, và để cho Thánh Kinh ấy nuôi sống và lên khuôn đời họ. Bài giảng là giây phút qúy giá dành cho việc hướng dẫn tâm linh, một hướng dẫn cần có cầu nguyện, suy niệm và học hỏi. Nhưng trên hết, giáo dân cần phải được nhìn thấy các linh mục của họ sống Phúc Âm ra sao, một Phúc Âm mà họ có nhiệm vụ rao giảng, và thấy được việc Phúc Âm ấy đã soi sáng và hướng dẫn cuộc sống của ngài như thế nào. Nếu Lời Chúa không sinh động trong ta, làm sao ta có thể hiến mạng sống ta cho người khác?

Nếu giáo xứ là nơi ta được biết đến và được chào đón, nhất là lúc ta là người mới tới hay người đến thăm, thì tôi nghĩ ai cũng được hưởng ơn ích. Đó là cách xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và chứng tỏ rằng tin là thuộc về.

Cầu nguyện

Ở trung tâm mọi điều ta nói và làm là ơn phúc cầu nguyện. Tôi đã nói tới các thách đố thế tục của thế gian, nhưng bất cứ ở đâu, tôi cũng thấy người ta khao khát tâm linh, một khát mong điều gì đó có thể đem lại ý nghĩa, hy vọng và bình an. Và nếu có điều gì đem lại sức mạnh cho ta thì đó chính là việc cầu nguyện. Chính nhờ nó mà ta sống; không có nó, lời ta nói chỉ là trống rỗng và việc ta làm hoàn toàn vô hiệu.

Cầu nguyện không phức tạp, nó không cần sách vở, giảng khóa hay giáo sư. Ta chỉ cần có đức tin, ước muốn và nhu cầu. Với những thứ ấy, mỗi ngày ta đều được lôi kéo tới Đấng vốn là sự sống, niềm vui và niềm hy vọng của ta. Nhu cầu, ước muốn cầu nguyện của ta có thể đem ta tới nhà thờ, một nơi thánh hay một đền thánh, nhưng thực ra, ta có thể cầu nguyện tại bất cứ nơi nào ta đang hiện diện, trong bất cứ trạng thái nào. Bí quyết của cầu nguyện là cần có hai người: tôi và Chúa. Hiểu được điều đó, việc cầu nguyện của ta sẽ trở nên đơn giản và dễ làm vì ta biết rằng Chúa đã hiến mình Người một cách hoàn toàn và trọn vẹn cho ta, đến nỗi ta biết chắc Người luôn có mặt ở đó chờ ta. Chúa không cần tìm thấy ta, vì Người có bao giờ lìa xa ta đâu. Nhưng đôi khi ta tự ý lìa xa Người. Ấy thế nhưng, bất kỳ ta xa Người bao lâu và ta im tiếng với Người sâu xa cách nào, Người vẫn không bao giờ bỏ rơi ta. Trên mọi con đường, mọi lối đi, trong mọi hoàn cảnh, Người luôn ở đó chờ ta lên tiếng, kêu tới danh Người, trở về nhà.

Đôi khi Chúa muốn thanh tẩy đức tin và lòng tín thác của ta. Có lúc ta cố vươn lên tới Người, nhưng chỉ cảm thấy Người xa vắng; sự xa vắng im lặng ấy có thể rất hãi hùng và ta cảm thấy như bị bỏ rơi. Những giây phút ấy quả không thoải mái chút nào. Nhưng Chúa đâu có đùa dỡn với ta. Vì cả trong những giây phút khô khan và đau đớn ấy, giống như dân Do Thái trong sa mạc hay Chúa Kitô lúc bị cám dỗ, ta đang được Người chuẩn bị để bước sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô và chia sẻ sứ mệnh của Người. Có khi, cũng trong những giây phút như thế, ta khám phá ra vẻ đẹp của Giáo Hội và nhu cầu ta cần vẻ đẹp ấy. Trong những khoảnh khắc cầu nguyện và tham dự bí tích hàng ngày, trong cuộc sống không ai thấy của các tín hữu Giáo Hội, ta được bế bồng và đức tin của ta, bất kể yếu ớt hay mệt mỏi bao nhiêu, bất chấp bị thương tích hay bầm dập bao nhiêu, vẫn được tiếp nhận và làm cho hoàn hảo. Như các lời đơn giản mà sâu sắc của Thánh Lễ ‘xin đừng chấp tội lỗi chúng con nhưng xin nhìn đến đức tin của Giáo Hội Chúa’.

Khi một người cầu nguyện, dù chỉ một lát, hai điều sau đây sẽ xẩy ra. Điều thứ nhất, ta bắt đầu thấy sự nghèo nàn của mình. Như lời Thánh Augustinô thường nói: “Khi cầu nguyện, ta đều là kẻ ăn mày của Chúa”. Điều thứ hai, ta bắt đầu yêu thương, có thể là lần đầu, một cách khác hẳn. Nếu Chúa mời ta vào sự sống của Người, làm thế nào ta lại không biết mình nghèo cho được? Nhưng cái nghèo này không phải là một thiếu thốn cho bằng cảm nhận được mình đã nhận được bao nhiêu. Từ đó phát sinh ra một lối yêu mới. Lối yêu này làm đầy lòng ta; nó là ơn phúc của Chúa Thánh Thần, Đấng dạy dỗ ta và mở mắt, mở tâm hồn ta biết cách yêu của Chúa. Một trong những hồng ân tôi từng được ban cho trong suốt cuộc sống khá dài của tôi là gặp gỡ và cảm nghiệm được nhiều cuộc sống của những con người thánh thiện đạo đức, lòng đầy tình yêu Chúa và hiến mình phục vụ người khác một cách đủ để nói lên trọn vẹn sự tốt lành của Chúa. Đó chính là chìa khóa dẫn vào việc phúc âm hóa: sống cuộc sống ta ra sao để có thể làm người khác tin theo.

Mọi lời cầu nguyện của ta đều phát sinh từ và quay trở về với lời cầu nguyện vĩ đại của Phép Thánh Thể trong đó Chúa Kitô chỉ cho ta thấy trung tâm của cầu nguyện chính là hành động của Người. Và như thế, trái tim ta được nâng lên không nhờ cố gắng riêng của mình mà là nhờ Người, đồng thời ta khám phá ra rằng ngay trong hy sinh vẫn có vinh quang và hân hoan. Nếu mỗi ngày đời ta được đổi mới trong lời cầu nguyện này, thì ta không cần phải lo lắng chi về tương lai và bất cứ những gì nó có thể mang đến. Chính vì thế, tôi nghĩ ta không nên đọc lá thư của (ĐHY) Wiseman viết từ Cửa Flaminian và bài giảng của (ĐHY) Newman về Mùa Xuân Thứ Hai như những mưu toan tái lập chủ nghĩa hãnh tiến (triumphalism). Mỗi tài liệu đó theo cách riêng quả đang lên khuôn một cách hữu hiệu cho bài ca ‘Magnificat’ của cộng đồng ta.

Kết luận

Trong bài nói truyện này, tôi đã nhìn lại 160 năm qua và nhận ra các thách đố mà Giáo Hội phải đương đầu dưới ánh sáng Phúc Âm nơi các vị tiền nhiệm của tôi, trong tư cách tổng giám mục Westminster. Ta đã thấy Giáo Hội Công Giáo trong các thời điểm ấy đã lớn mạnh và phát triển ra sao, nhưng cũng đã thay đổi ra sao trong thái độ và phương thức vì nền văn hóa của đất nước đã thay đổi cũng như cộng đồng Công Giáo của chúng ta cũng đã thay đổi nhiều. Chúng ta bắt đầu hiểu rõ bản sắc và tầm nhìn của mình một cách mới mẻ trong cái xã hội thế tục và đa văn hóa của mình này. Tầm nhìn ấy không đưa ta ra khỏi thế giới, nhưng thúc đẩy ta trở nên chính chúng ta trong thế giới ấy, biết tìm ra những cách thế mới để nhận ra chỗ đứng của mình trong cái đồi Areopagus của đất nước này và với sự hợp tác của người khác, tìm được quyền không những để hiện hữu mà còn để phát biểu được điều chúng ta tin chắc là quan yếu đối với ích chung. Ở tâm điểm tất cả những điều ấy là việc đi tìm Thiên Chúa, một việc vốn nằm ở tận trái tim của mọi con người nhân bản. Ta không tìm cách áp đặt quan điểm của ta lên người khác nhưng đề nghị các quan điểm ấy như một phương thức giúp cho đời sống thăng hoa, một phương thức mà chúng ta tin là phương thức duy nhất.

Theo một nghĩa nào đó, tôi đang nói tới ba nhân đức đối thần vĩ đại là Tin, Cậy và Mến từng đánh dấu cuộc sống Kitô hữu của ta. Nhưng cũng có các nhân đức “Hồng Y” (chơi chữ ‘cardinal’, cũng có nghĩa là nhân đức cột trụ) nữa, nếu các bạn hiểu ý tôi muốn nói. Đó là các nhân đức quả đã tạo nên đặc điểm cho các vị tiền nhiệm của tôi và cộng đồng đức tin được các ngài lãnh đạo. Trong các nhân đức khôn ngoan, công bình, can đảm và điều độ, tôi nghĩ nhân đức can đảm (can trường) là nhân đức hiển nhiên nhất của Giáo Hội Công Giáo Anh và Wales trong suốt hơn 150 năm qua. Tôi cầu xin cho nhân đức này cũng là nhân đức sẽ phân biệt được chúng ta hơn cả trong thời gian này. Can đảm không phải là một nhân đức khắc khổ hay ảm đạm. Nó là một nhân đức có sức mạnh tự chủ nhưng hân hoan; trong nó, người tín hữu tìm thấy sự thanh thản và sức mạnh bền bỉ, do nó đem lại, được đặt căn bản trên sự nhận biết Chúa Kitô là Chúa mọi thời mọi lúc. Chính đức can đảm biến ta thành chứng nhân đáng tin cậy, luôn trung thành với hồng phúc cứu rỗi hết sức qúy giá mà chúng ta đã nhận được cho toàn thể nhân loại. Như lời trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô đã nói, nhân đức này chính là sự sẵn sàng, vì bất cứ lý do nào, để “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” của chúng ta (1Pr 3:15).

Mùa Chay là thời gian để ta suy tư các điều trên, với một niềm hy vọng và một cuộc sống canh tân. Trong Kinh Tiền Tụng hôm nay, chúng ta đọc rằng: “Mỗi năm Chúa ban cho chúng con mùa hân hoan này để chúng con chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Vượt Qua với một trí khôn và một tâm hồn đổi mới. Chúa ban cho chúng con một tinh thần tôn kính yêu thương đối với Chúa là Cha của chúng con và một lòng sẵn sàng phục vụ đối với người lân cận của mình. Khi chúng con tưởng nhớ các biến cố vĩ đại từng đem đến cho chúng con sự sống mới trong Chúa Kitô, Chúa đã mang hình ảnh Con Chúa tới chỗ hoàn hảo trong chúng con”. Lời cầu nguyện hôm nay cũng nói lên điều ấy: “Lạy Chúa, chớ chi mọi sự chúng con làm đều khởi sự với ơn linh hứng của Chúa, tiếp tục với ơn trợ giúp của Chúa và đạt tới hoàn hảo với ơn hướng dẫn của Chúa. Amen”.

Phụ lục

Tập san Công Giáo The Tablet tuần này (3/3/09) có bài xã luận tựa là “Rút tỉa ý nghĩa và hy vọng” đề cập tới bài nói truyện trên của Đức Hồng Y Murphy-O’Connor. Theo tập san này, năm nay, con số người xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại Anh và Wales trong mùa Phục Sinh này đã gia tăng đáng kể. Giáo Phận Westminster, là giáo phận lớn nhất, dẫn đầu con số gia nhập với 850 người đang hoàn tất Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo dành cho Người Lớn (RCIA). Người lớn đây bao gồm các dự tòng (những người chưa bao giờ rửa tội) và các ứng viên (những người đã rửa tội trong các giáo hội Kitô khác, nay được tiếp nhận sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã). So với năm ngoái, con số gia tăng năm nay lên đến gần 200 người. Tuy nhiên, chiều hướng gia tăng này không phải chỉ xẩy ra tại Westminster, mà là khắp nước, hiện được ước tính vào khoảng 20% hay hơn. Năm ngoái con số gia tăng cũng đã rất đáng kể rồi. Trước đây, có lúc các tân tòng đã đóng góp rõ rệt vào con số người Công Giáo, và những năm tháng ấy xem ra đang trở lại sau một thời gian ngưng trệ, lúc mà đến cả danh hiệu “tân tòng” hay “người trở lại” cũng không được ai ưa thích, dù rất chính xác để miêu tả kinh nghiệm này. Tầm ý nghĩa trong năng lực và việc dấn thân mà người tân tòng đem vào sinh hoạt Giáo Hội là điều không ai có thể đánh giá thấp được. Mà người tân tòng cũng không nhất thiết là “công giáo hơn chính Đức Giáo Hoàng” (bảo hoàng hơn vua).

Dường như các nhà truyền giảng phúc âm chính trong niềm tin Công Giáo là các giáo dân Công Giáo rất tầm thường, những người âm thầm lôi cuốn người khác đến chỗ phải tìm hiểu lý do tại sao người Công Giáo tin, như lời Thư của Thánh Phêrô. Quả thực, tính hợp lý trong đức tin Công Giáo có thể rất ăn khách, khi những người duy tục và vô thần cứ nằng nặc cho rằng tôn giáo chẳng là gì khác hơn vô lý. Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor, trong bài nói truyện Mùa Chay vào tuần trước, đã đoán định xem vai trò phúc âm hiện nay của Giáo Hội Công Giáo sẽ phải như thế nào trong lúc thuật ngữ cổ truyền “làm cho nước Anh trở lại” dường như đã không còn ý nghĩa như trước tiếp theo Công Đồng Vatican II và phong trào đại kết. Ngài nói rằng việc trở lại của nước Anh nay có nghĩa là “vươn tay ra với một nền văn hóa hiện đang bị thế tục hóa một cách sâu sắc trong khi vẫn khát mong nghe được tiếng nói có ý nghĩa và đầy hy vọng”. Nói cách khác, hàng giám mục Anh không có hoài bão chiếm lãnh thổ đất đai, mà chỉ đề nghị được hùn hạp hợp tác.

Đức Hồng Y nhắm tới một hàng ngũ giáo dân biết tự tin, được huấn luyện đầy đủ về thần học và linh đạo, những người sẵn sàng tiếp cận thế giới thế tục nhưng nắm vững Thánh Kinh, Công Đồng Vatican II và giáo huấn xã hội Công Giáo, đầy “tính phong phú, khôn ngoan và nhân bản”. Họ không tìm cách đối chất mà là “thực tâm gặp gỡ một cách sáng tạo với nền văn hóa”, một cuộc trao đổi giả thiết phải có hai chiều. Ngài đặt tựa cho một phần của bài nói truyện là “Hướng tới một nền hộ giáo mới về sự hiện diện”, trong đó, ngài phác họa Giáo Hội và các cá nhân người Công Giáo phải “khích lệ và khẳng định điều tốt nơi mọi con người, hơn là chỉ biết liệt kê điều xấu”. Nhờ thế, Giáo Hội sẽ có vai trò để đảm nhiệm, một vai trò sẽ thỏa mãn được các nhu cầu rộng lớn của xã hội, bằng cách thăm dò các chiều kích luân lý và đạo đức của đời sống và nhất là tầm quan trọng của trách nhiệm bản thân nơi mỗi người. Và chính nhờ hiện diện trong xã hội, mà Giáo Hội có khả năng làm việc trên.

Người ta có thể gọi triết lý của Đức Hồng Y là chủ nghĩa nhân bản Công Giáo. Vì nó đề cao mọi điều có tính nhân bản thực sự và chống đối bất cứ điều gì đe dọa nhân loại, trong khi vẫn kính trọng một cách sâu xa mọi điều tốt lành vốn có sẵn trong bản nhiên con người.