Một nền hộ giáo về sự hiện diện (tiếp theo)

Tiến tới một nền tân hộ giáo về sự hiện diện

Điều này có nghĩa gì đối với chúng ta? Chắc chắn ta biết điều này: luôn có một chiều hướng theo đó cuộc sống Kitô giáo lúc nào cũng phải lội ngược dòng. Quả vậy, chính cái lối nhìn khác kia, chính cái lối hiện hữu khác kia vốn là quà phúc mà đức tin đã đem lại cho mọi nền văn hóa. Thiển nghĩ sự khác biệt đó chính là cuộc gặp gỡ sáng tạo thực sự đối với văn hóa; nó không phải là phó sản bất hạnh của việc không có thiện cảm đối với các khuynh hướng hiện đại. Đường lối dị biệt làm người Kitô hữu chắc chắn đã được đặt cơ sở trên phương thức qua đó Giáo Hội hiểu phẩm giá và số phận của mọi người trước nhan Thiên Chúa và giá trị vô hạn của họ dưới con mắt của Người. Và chính cái hiểu sâu sắc ấy, mà ta có thể gọi là cái yêu thương ấy, cũng đã hòa hợp được niềm mong mỏi và thèm khát đối với bất cứ những gì thực sự tốt đẹp và trao ban sự sống nơi mọi con người, bất luận họ có cùng chung đức tin với ta hay không, bất luận họ có nói rõ ra hay không.

Đó là lý do tại sao lời nói đầu tiên của Giáo Hội không bao giờ được phép là “không”. Nó luôn phải là “có” đối với ơn gọi nền tảng và phẩm giá sự sống... Điều chắc chắn là nền văn hóa của ta và các giá trị của nền văn hóa ấy hiện đang có điều làm ta bối rối sâu xa. Nhưng thực ra, đơn giản liệt kê các điều sai lầm là một việc khá quyến rũ và chắc chắn gây được nhiều chú ý. Thí dụ, ta rất dễ nói rằng mình hiện đang sống không phải trong một xã hội tự do mà là trong một xã hội buông thả, trong đó, mọi biên giới luân lý và đạo đức xem ra đã bị ném qua cửa sổ cả. Nói như thế là quá vội vàng và đã quên khuấy sự kiện này là hiện có rất nhiều người đang cố gắng hết sức, đang hết sức quan tâm tới tương lai, và đang hết sức tỉnh táo đối với sức mạnh hủy hoại về phương diện nhân bản của không biết bao nhiêu lực lượng đang tác yêu tác quái. Làm người quả ai cũng muốn chứng tỏ mình là người tốt. Và điều cần là một nhậy cảm mới đối với các chiều kích luân lý và đạo đức trong lối sống mà đại đa số đều muốn thấy chúng được tiếp nhận và nói tới, nhất là tầm quan trọng của trách nhiệm bản thân nơi mỗi người, một trách nhiệm vốn thuộc tự do chín chắn. Ta cần phải khích lệ và khẳng định điều tốt nơi từng con người, hơn là chỉ kể ra các cái xấu. Chỉ khi nào mọi niềm vui và hy vọng của nhân loại được chia sẻ trước đã, thì may ra mới có được sự thay đổi thực sự và có tính bền bỉ.

Hai tuần trước đây, tôi có dành cho tờ The Times một cuộc phỏng vấn. Hai nữ ký giả phỏng vấn tôi, không nhất thiết là Kitô hữu, xem ra nhất trí một cách rõ rệt đối với các giá trị được Giáo Hội nói tới. Họ đều làm mẹ và hết sức quan tâm tới các giá trị mà họ muốn đem lại cho con cái, tất cả đều là những ánh sáng căn bản ta cần đến để hướng dẫn ta sống qua các phức tạp và thay đổi của đời người. Họ muốn đem lại cho con cái họ các giá trị bền bỉ, những giá trị người ta có thể đem ra sống và xây dựng cuộc sống mình trên đó. Các phụ nữ đó đều là những bậc cha mẹ tốt và tôi tin họ đã từ tận đáy lòng nói lên một quan tâm mà phần đông các bậc cha mẹ đều có, liên quan tới cái trống rỗng và mau qua của rất nhiều những điều từng được coi là tiêu chuẩn và giá trị trong xã hội chúng ta. Họ đang tìm kiếm và họ cần được nâng đỡ để tin chắc rằng điều họ trực giác quả là những điều chân thực. Thật là thích thú biết bao khi đài BBC, trong một phúc trình thăm dò vào tuần này, cho biết: gần hai phần ba những người được hỏi nói rằng luật pháp “nên tôn trọng và tiếp nhận ảnh hưởng nơi các giá trị tôn giáo của Vương Quốc Thống Nhất [UK]”. Cũng một tỷ lệ tương tự đã nhất trí rằng “tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong đời sống công cộng”.

Nhiều luận điểm của chủ nghĩa duy tục đang tìm cách đưa ra một chủ nghĩa nhân bản mới, giải phóng và tự chủ. Ấy thế, nhưng theo tôi, kết cục các luận điểm ấy chỉ giết chết tinh thần con người, bởi vì từ căn bản, chúng chỉ có tính duy giản lược (reductionist). Chúng có cái hiểu hết sức nghèo nàn về ý niệm nhân bản. Điều này có nghĩa là kết cục, chúng sẽ không đủ lý lẽ để chống lại việc biến con người thành dụng cụ. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô phát biểu điều ấy rất rõ khi ngài nói: “Cần phải nhắc cho con người ngày nay nhớ tới mục đích tối hậu của đời họ. Họ cần nhìn nhận rằng trong họ vốn đã trồng sẵn niềm khát mong Thiên Chúa cách sâu xa. Họ cần có cơ hội được uống no thoả từ giếng tình yêu vô tận của Người. Quả là dễ dàng bị mê hoặc bởi các khả thể hầu như bất tận mà khoa học và kỹ thuật đang bày ra trước mắt chúng ta; quả là dễ dàng mắc lầm lỗi khi nghĩ rằng chỉ nhờ các cố gắng của mình, ta có thể thoả mãn mọi nhu cầu khát vọng dù sâu xa nhất của ta. Đó chỉ là ảo tưởng. Không có Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể ban cho ta điều tự ta không thể vươn tới, đời ta chỉ là trống rỗng”.

Giáo Hội của những vị như Wiseman, Manning, Hinsley, Heenan và Hume được đánh dấu bằng đáp ứng của mình đối với các thách đố đang gặp. Xét theo nhiều cách, đó là một Giáo Hội nghèo, ít tài nguyên, nhưng nếu Giáo Hội thiếu thốn về vật chất thì trái lại lại rất giầu về năng lực và lòng tự tin. Điều ấy không do việc Giáo Hội được công nhận như một định chế. Bởi vì, có lúc Giáo Hội được thế quyền kính nể, có lúc nó lại bị thế lực ấy chế riễu chỉ trích. Chúng ta không tìm kiếm sự bề thế đáng kính, chúng ta tìm kiếm lòng tín trung tín nghĩa, tín trung với thực tại Chúa Kitô, Đấng vốn là ánh sáng cho thời đại này và cho mọi thời đại, và tín trung với Giáo Hội, một Giáo Hội vốn tiếp nhận chân lý từ nơi Người và các ơn phúc từ Thánh Thần của Người. Song song với lòng tín trung với Chúa Kitô và với Giáo Hội ấy là lòng tín trung với bất cứ điều gì là nhân bản, là xây đắp được một xã hội trong đó, mọi người đều có khả năng triển nở, bất kể họ thuộc nòi giống, tuổi tác, tín ngưỡng, địa vị và năng khiếu nào. Bài ai ca đối với thời dĩ vãng, đôi lúc là hoàng kim thời đại, vốn không phải là bài ca Kitô giáo. Đó không phải là bài ca của đức tin mà là bài ca của thất vọng, bởi vì đức tin luôn mang lại cho ta một tầm nhìn không phải về quá khứ mà là về tương lai, bất chấp mọi khó khăn và đau thương có thể phải chịu đựng, ta vẫn không đầu hàng hay mất tin tưởng vào tương lai, mà Thiên Chúa đã đảm bảo cho ta. Chính vì thế, Giáo Hội luôn luôn phải là một nhân tố tích cực trong việc tạo ra và bồi đắp một nền văn hóa thực sự nhân ái. Xin cho phép tôi được đưa ra một vài gợi ý thực tiễn giúp xã hội thế tục của ta hiểu được Giáo Hội và tiến tới chỗ biết coi Giáo Hội là người hùn hạp (partner) tạo ra ích chung, chứ không phải là địch thủ.

Trước nhất, Nhà Nước cần phải có được một sự hiểu biết tốt hơn về các đóng góp và vị trí của đức tin trong xã hội Anh Quốc. Luật lệ về kỳ thị, phần lớn tự nó tốt, nhưng hiện đang bị sử dụng để hạn chế tự do tôn giáo một cách không thể nào chấp nhận được. Sự chống đối đáng buồn và hoàn toàn không cần thiết đối với các cơ quan nhận con nuôi của Công Giáo là một điển hình. Nhưng nó còn là triệu chứng cho một thiên kiến rộng lớn hơn, coi niềm tin tôn giáo như một vấn đề cần được kềm giữ chứ không phải là một thiện ích xã hội cần phải trân qúi và tôn trọng, mà niềm tin ấy đúng lý và nhất thiết phải có cả chiều kích công lẫn tư của nó.

Thứ hai, các đóng góp rộng lớn của các cơ quan bác ái Kitô giáo tại Vương Quốc Thống Nhất (UK) phần lớn đã và đang bị các nhà cầm quyền đánh giá không đúng mức. Chính phủ phải khôn ngoan cung cấp một vai trò lớn hơn và tự trị hơn cho khu vực thiện nguyện trong việc đảm nhiệm các dịch vụ công cộng có tính chủ yếu. Nhiều cơ quan bác ái này không những chỉ phục vụ các cộng đồng tôn giáo riêng của mình, mà còn phục vụ toàn thể xã hội, bất chấp có thuộc hệ thống tôn giáo nào hay không. Tôi cũng nghĩ đến các công trình xã hội thiện nguyện tuyệt diệu đang được thực hiện tại mọi giáo xứ trên đất nước này và dù không được đền trả chi, vẫn đóng góp một cách tuyệt hảo cho ích chung và cho sự gắn bó xã hội.

Đó là hai khía cạnh thực tiễn bé nhỏ của điều được tôi gọi là một nền tân hộ giáo về sự hiện diện. Đó là một cách mở rộng không gian cho những gì là thiện hảo và thực sự nhân bản, vì cuộc sống Kitô giáo khi được sống trong cái đẹp, trong sự đại lượng và tính sâu sắc của nó, sẽ là một cuộc sống tốt; một cuộc sống nhân bản đầy đủ.

Hướng về tương lai: Đời sống Giáo Hội hướng vào bên trong (Ad intra)

Bây giờ, ta hãy quay trở lại đời sống của Giáo Hội với những ơn phúc mà Giáo Hội vốn có để tin tưởng và trông cậy mà đương đầu với tương lai. Giống như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, tôi không phải là một tiên tri tiên đoán điềm gở. Như một nhà văn kia từng viết: “Ta nên nhớ rằng: đức tin và lịch sử đều có nhịp điệu. Sự sống của Thánh Thần thường triển nở một cách bí nhiệm khi mọi dấu chỉ đều nói ngược lại. Thời buổi này, chúng ta đang không chết hay thoái hóa, chúng ta đang được chuẩn bị sẵn sàng và học tập lại để biết mình là ai và mình được kêu gọi thực hiện điều gì. Thế gian có lẽ đang cố mô tả chúng ta, nhưng nó không thể phán đoán được sự sống của Thánh Thần hay công việc mà Thiên Chúa đang thực hiện giữa dân của Người”.

Tôi nói điều này vì tôi nghĩ rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với chúng ta hiện nay là tự để cho mình tin điều mà nền văn hóa thế tục muốn ta tin về chính chúng ta, nghĩa là, mỗi ngày ta càng trở nên ít gây được ảnh hưởng hơn và đang trên đà suy thoái. Hiển nhiên là đang có nhiều thách đố và đang còn nhiều việc cần chúng ta phải làm. Nhưng ngược lại, tôi vẫn tin rằng Giáo Hội đang có cuộc sống rất cường tráng, và một vai trò chủ chốt phải đóng trong xã hội chúng ta, một vai trò quan trọng hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử gần đây.

Lúc này đây, trong Giáo Hội, đang có nhiều giọng nói khác nhau tìm cách giải thích các nan đề của chúng ta và điều chúng ta cần làm để điều chỉnh các nan đề ấy. Ta phải chú ý và biết biện phân nhưng ta đừng bao giờ để các năng lực của mình bị lôi cuốn vào cuộc cãi vã kiểu Côrintô “tôi thuộc Phaolô, tôi thuộc Apôlô” (1Cor 1:12). Chúng ta thuộc Chúa Kitô và chúng ta được liên kết trong hợp nhất nhờ thừa tác vụ của Phêrô và Hiệp Đoàn Tông Đồ.

Mọi giám mục và mọi hội đồng giám mục có trách nhiệm phải biệt nhận ra phương thức nào là phương thức hay nhất để một giáo hội địa phương có thể sống và đáp ứng được hoàn cảnh mình đang sống. Họ có bổn phận phải trung thành với chân lý đức tin và với huấn quyền của Giáo Hội. Điều đó không phải là gánh nặng mà là nguồn sống. Dù cho là như thế, song mỗi giáo hội địa phương phải biết đem kinh nghiệm và nhu cầu riêng của mình mà chu toàn bổn phận kia. Nó cũng phải biết phán đoán xem cách nào tốt nhất để chu toàn sứ mệnh của mình trong việc biến cuộc sống Phúc Âm thành hiện thực trong chính nền văn hóa riêng của mình. Điều ấy có nghĩa: vẫn có những dị biệt hợp pháp trong phong thái, trong lối nhấn mạnh và trong cách tiếp cận. Đó không phải là một nan đề hay một mối đe dọa hoặc một dấu chỉ của mục rữa hay đồng hóa, mà đúng hơn chính là dấu chỉ của sức sống, của sinh lực. Hợp nhất tính không phải là độc dạng tính. Đó cũng là dấu chỉ của lòng tự tin và trên hết nó là dấu chỉ cho thấy Giáo Hội không sợ xông xáo ra ngoài và gặp gỡ văn hóa và sắp xếp đời sống mình để phục vụ Phúc Âm. Tôi cũng như các bạn, nếu có kinh nghiệm viếng thăm Giáo Hội tại các miền khác nhau trên thế giới, hẳn không thể nào không thấy điều ấy và hân hoan trước sức sống của Thánh Thần mà sự hợp nhất kia biểu lộ ra. Và đồng thời, các bạn cũng sẽ hiểu ra rằng các bạn đang hiện diện trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Nét thiên bẩm trong đạo Công Giáo là nó thực sự phổ quát và đáp ứng được mọi nền văn hóa mà vẫn không ngừng là chính bản thân mình.

Cho nên, đối với tôi, xem ra đây là lúc để chuẩn bị chứ không phải là lúc suy thoái. Tôi từng đề cập tới tính sáng tạo của sự dị biệt Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đang chuẩn bị chúng ta để đem một điều gì ‘khác’, một điều gì ‘khác’ cho nền văn hóa của chúng ta, một điều gì đó mà nền văn hóa của chúng ta không thể tự đem đến cho chính mình. Điều ‘khác’ ấy chẳng là gì khác hơn là chân lý và sự hiện diện đem lại sự sống của Thiên Chúa.

Ở đầu bài nói truyện này, tôi đã tóm tắt phương thức trong đó cộng đồng công giáo suy tư về sứ mệnh của mình từ lúc lập lại Hàng Giáo Phẩm là ‘gìn giữ đức tin và làm cho Nước Anh trở lại”. Sứ mệnh ấy có thay đổi gì nhiều chăng? Công việc từ Công Đồng Vatican II cho đến nay là thâm hậu hóa đức tin của ta và tiến tới việc biết lượng giá tính năng động của nó, nhất là trong nền thần học đổi mới về giáo dân và ơn gọi mọi người nên thánh. Có lẽ hơn bao giờ hết, lúc này ta mới thấy rõ “làm cho Nước Anh trở lại” có nghĩa là vươn tay ra nắm lấy nền văn hóa hiện đang bị thế tục hóa một cách sâu xa trong khi vẫn khát mong nghe được tiếng nói có ý nghĩa và đầy hy vọng.

Vậy phải bắt đầu từ đâu? Tôi muốn đơn cử ba khía cạnh trong đời sống Giáo Hội ngày nay mà đối với tôi hết sức chủ yếu: đào tạo, canh tân giáo xứ và cầu nguyện.

(còn một kỳ)