Chủ nghĩa duy tục

Chủ đề buổi thuyết giảng thứ hai của Cha Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và Giáo Triều nhân Mùa Vọng năm 2010 là “Chúng tôi công bố cho anh em Sự Sống Đời Đời (1 Ga 1:2): Đáp ứng của Kitô Giáo đối với chủ nghĩa duy tục”.

Tục hóa và chủ nghĩa duy tục

Tục hóa là một hiện tượng phức tạp và hàm hồ. Nó có thể chỉ tính độc lập của các thực tại trần gian và sự tách biệt giữa Nước Thiên Chúa và nước Xêda. Theo nghĩa này, nước Xêda không những không nhất thiết đi ngược lại Phúc Âm, mà nó còn bén rễ sâu trong Phúc Âm là đàng khác. Nó cũng có thể chỉ toàn bộ các thái độ trái ngược với tôn giáo và đức tin; do đó, người ta ưa dùng chữ “chủ nghĩa duy tục” để chỉ hiện tượng này. Chủ nghĩa thế tục đối với sự tục hóa cũng giống như chủ nghĩa duy khoa học đối với bản chất khoa học và chủ nghĩa duy lý đối với lý tính vậy.

Ở đây, ta bàn tới nghĩa tiêu cực của hiện tượng tục hóa. Dù vậy, hiện tượng tục hóa này vẫn mang nhiều bộ mặt khác nhau tùy theo lãnh vực trong đó nó xuất hiện: thần học, khoa học, đạo đức học, giải thích Thánh Kinh, văn hóa nói chung, hay đời sống hàng ngày. Theo cha Cantalamessa, tục hóa hay chủ nghĩa duy tục do chữ “saeculum” mà ra. Trong ngôn ngữ bình thường, chữ này cuối cùng có nghĩa thời hiện tại trái với tương lai vĩnh cửu. Theo nghĩa này, duy tục đồng nghĩa với tạm thời (temporality), rút gọn thực tại vào chiều kích trần gian. Đối với cuộc sống Kitô Giáo, việc cởi bỏ chân trời vĩnh cửu hay sự sống vĩnh cửu có tác dụng như nắm cát ném vào lửa: nắm cát này sẽ làm lửa ngột ngạt rồi tắt ngúm. Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu là một trong những điều kiện tạo ra khả thể phúc âm hóa. Thánh Phaolô từng cho biết: “Nếu tin vào Chúa Kitô chỉ vì đời này mà thôi, ta là người đáng thương nhất” (1 Cor 15:19).

Sự thăng trầm của ý niệm vĩnh cửu

Vắn tắt nói về lịch sử niềm tin vào sự sống đời sau sẽ giúp ta hiểu sự mới mẻ do Tin Mừng đem tới cho lãnh vực này. Trong tôn giáo Hípri của Cựu Ước, niềm tin này xuất hiện rất chậm. Chỉ sau thời lưu đày, khi các hoài mong thế tục không thành, ý niệm phục sinh thân xác và phần thưởng không có tính thế trần cho người công chính mới nhận được đất phát triển, và cả lúc đó, không phải ai ai cũng nhìn nhận ý niệm ấy. Nhóm Xa-đốc chẳng hạn đâu có cùng niềm tin này.

Điều trên đã hùng hồn bác bỏ luận đề của những người như Feuerbach, Marx, và Freud, những người giải thích niềm tin vào Thiên Chúa với ước mong được phần thưởng đời đời như một phóng chiếu quá bên kia các hoài mong có tính thế trần không thành tựu. Israel tin vào Thiên Chúa, trước khi tin vào phần thưởng đời đời ở cõi bên kia cả hàng bao thế kỷ! Bởi thế, không phải lòng ước mong phần thưởng đời đời đã sản sinh ra niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng chính niềm tin vào Chúa đã sản sinh ra niềm tin vào phần thưởng quá bên kia trần gian.

Trong thế giới Thánh Kinh, việc mặc khải trọn vẹn sự sống đời đời chỉ có với sự xuống thế của Chúa Kitô. Chúa Giêsu không đặt tính chắc chắn của sự sống đời đời trên bản tính con người, tức tính bất tử của linh hồn, mà là trên “quyền năng Thiên Chúa” Đấng vốn “không là Thiên Chúa người chết, mà là Thiên Chúa người sống” (Lc 20:27-38). Sau Phục Sinh, các Tông Đồ thêm căn bản Kitô học vào nền tảng thần học kia: đó là sự phục sinh của Chúa Kitô từ cõi chết. Trên sự phục sinh ấy, các Tông Đồ đã đặt căn bản cho niềm tin vào việc xác sẽ sống lại và vào sự sống đời đời: Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Chúa Kitô đã từ cõi chết sống lại, thì sao một số người trong anh em lại có thể nói rằng kẻ chết không sống lại? […] Nhưng nay Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết, (Người là) hoa trái đầu mùa của những người đã an giấc” (1 Cor 15:12, 20).

Trong thế giới Hy Lạp và La Mã, cũng có sự biến hóa trong ý niệm về thế giới bên kia. Ý niệm cổ xưa nhất coi sự sống chấm dứt khi ta chết; sau khi chết, chỉ có hình thức giống như sống, trong thế giới bóng tối. Với sự xuất hiện của tôn giáo Orphic-Pythagorean, ta thấy có sự mới mẻ, theo đó, cái “tôi” thực sự của con người là linh hồn sau khi được giải thoát khỏi nhà tù (sema) thân xác (soma) mới có thể sống sự sống chân thực của nó. Platông đem lại cho khám phá mới đó sự đáng kính của triết học, đặt căn bản cho nó trên bản tính thiêng liêng, tức tính bất tử của linh hồn (1).

Tuy nhiên, niềm tin này vẫn chỉ là niềm tin của một thiểu số, dành cho những người đã được dẫn khởi vào huyền nhiệm hay là môn đồ các trường phái triết học đặc thù nào đó. Còn nơi quảng đại quần chúng, người ta vẫn duy trì xác tín xưa cho rằng sự sống quả đã chấm dứt cùng với cái chết. Câu nói của Hoàng Đế Hadrian nói với ông ta trước khi qua đời quả đáng lưu ý:

“Linh hồn nhỏ bé dịu hiền lạc lõng

Bạn đường và khách mời của thân xác,

Nay ngươi đang vội vã thăng thẳng về

chốn chán ngắt, gay go và trần trụi,

nơi không còn vui chơi như thường lệ.

Chỉ giây lát ta sẽ nhìn bến cũ,

những sự vật chẳng bao giờ thấy nữa” (2).

Với một hậu cảnh như thế, ta hiểu được tác động của việc Kitô Giáo công bố về sự sống đời sau, một sự sống trọn vẹn và hân hoan hơn sự sống trên trần đời; ta cũng hiểu được lý do tại sao ý niệm và biểu tượng của sự sống vĩnh cửu lại thường gặp đến thế nơi các phần mộ trong các hang toại đạo.

Nhưng điều gì đã xẩy ra cho ý niệm sự sống vĩnh cửu của Kitô Giáo dành cho linh hồn và thân xác, sau khi nó chiến thắng ý niệm ngoại giáo về “bóng tối bên kia sự chết” và sau khi nó đã thấm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống suốt thời Trung Cổ? Ngược với giây phút hiện tại trong đó người vô thần bác bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Dựng, trong thế kỷ 19 người ta mới chỉ bác bỏ cõi bên kia mà thôi.

Hegel chẳng hạn cho rằng “Trên thiên đàng, người Kitô hữu phí phạm các năng lực dành cho trái đất”. Feuerbach và nhất là Marx chống lại niềm tin vào sự sống đời sau vì niềm tin này làm ta ra xa lạ với các cam kết trần thế. Thay thế cho ý niệm trường tồn của bản thân nơi Thiên Chúa là ý niệm trường tồn nơi nòi giống và nơi xã hội tương lai. Dần dần, hoài nghi, quên khuấy và im lặng trùm phủ mất ý niệm đời đời. Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu thụ giáng thêm đòn nữa vào xã hội sung túc, khiến nó thật ngượng ngịu khi phải nói về đời đời với những người có học. Tất cả những điều này có một vang dội hết sức rõ ràng trên đức tin của tín hữu, những người đến lúc này tỏ ra hết sức nhút nhát và co dãn. Lần chót ta được nghe một bài giảng nói về sự sống đời đời là khi nào vậy? Ai còn dám nhắc tới sự sống đời đời trước sự đau đớn của một đứa trẻ vô tội?

Ta vẫn tiếp tục đọc Kinh Tin Kính: "Et expecto resurrectionem mortuorum et vitam venturi saeculi": Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại; tôi tin hằng sống vậy! Nhưng đâu có dành cho chúng một kí lô nào. Kierkegaard rất đúng khi viết: “Cõi bên kia đã trở thành một trò đùa, một nhu cầu chẳng có chi chắc chắn đến nỗi không những người ta không kính trọng nó mà họ còn không thèm mong đợi nó nữa, đến nỗi ta phải buồn cười khi nghĩ đã có lúc ý niệm này biến đổi trọn bộ cuộc hiện sinh” (3).

Đâu là hậu quả thực tế của việc xóa mờ ý niệm đời đời này? Thánh Phaolô ám chỉ những người không tin vào sự phục sinh từ cõi chết: “Nào ta hãy ăn uống cho thỏa thích vì ngày mai ta sẽ chết” (1 Cor 15:32). Cái ý muốn được sống mãi, khi bị bóp méo, đã trở thành ý muốn hay cái điên loạn được sống bừa bãi miễn sao mang lại khoái cảm dù là gây thiệt hại tới người khác, nếu cần. Toàn bộ trần gian trở nên điều được Dante mô tả về nước Ý thời ông: “cái vườn hoa làm chúng ta ra tàn bạo”. Chân trời vĩnh cửu một khi đã xụp đổ, thì đau khổ của con người sẽ phi lý gấp đôi và hết thuốc cứu chữa.

Vĩnh cửu: một hy vọng và một hiện diện

Đối với chủ nghĩa duy khoa học cũng như chủ nghĩa duy tục, câu trả lời hữu hiệu nhất không hệ ở việc chống lại sai lầm cho bằng làm sáng lên trước con người việc chắc chắn có sự sống đời đời, cho họ thấy sức mạnh nội tại của chân lý qua chính chứng tá đời sống. Một Giáo Phụ xưa đã viết: “Một ý niệm luôn có thể bị một ý niệm khác chống đối và một ý kiến cũng luôn có thể bị một ý kiến khác chống đối; nhưng làm thế nào người ta có thể chống đối một cuộc đời?”

Về điểm này, cha Cantalamessa trưng trường hợp Miguel de Unamuno, tuy không phải là một nhà hộ giáo, nhưng trong một bức thư đã trả lời cho một người bạn trách cứ ông, coi ước vọng đời đời của ông gần như chỉ là một kiêu hãnh hay cao ngạo như sau: “Tôi không cho rằng ta đáng được một thế giới bên kia, hay luận lý học có thể chứng minh được nó; tôi chỉ cho rằng ta cần có nó, dù ta đáng được nó hay không, và chỉ có thế. Tôi cho rằng những gì đang diễn ra không thỏa mãn được tôi, tôi thèm khát vĩnh cửu, và nếu không có vĩnh cửu thì mọi sự đối với tôi chỉ là dửng dưng. Tôi cần có vĩnh cửu, vâng tôi rất cần nó! Không có nó, không còn niềm vui nào trong cuộc sống và niềm vui sống chẳng còn gì hiến tặng tôi nữa. Quả là quá dễ dàng khi nói rằng: ‘cần phải sống, ta phải bằng lòng với cuộc sống’. Nhưng còn những ai không bằng lòng với cuộc sống thì sao?” (4).

Cũng nhân dịp này, ông nói thêm: không phải những người thèm khát vĩnh cửu là những người khinh ghét thế giới và cuộc sống trần gian; trái lại, chính những người không thèm khát vĩnh cửu mới làm thế: “Tôi yêu cuộc sống đến độ nếu mất nó thì quả là tai họa tồi tệ nhất. Những người thực sự không yêu cuộc sống chính là những người chỉ vui hưởng nó ngày qua ngày mà không hề quan tâm tìm biết xem liệu mình có mất nó hay không”. Thánh Augustinô cũng nói cùng một điều như thế: “Cui non datur semper vivere, quid prodest bene vivere?" (Sống có ích gì nếu không được sống mãi mãi?) (5). Một thi sĩ Ý cũng từng ngâm ngợi “Trừ vĩnh cửu, mọi sự đều là phù vân đối với thế giới” (6).

Với những ai thời nay vốn thấy cần vĩnh cửu một cách sâu xa, nhưng không có can đảm nhìn nhận điều đó trước mặt người khác, và ngay cả với chính mình, ta có thể nhắc lại câu nói của Thánh Phaolô ngỏ với người dân thành Nhã Điển “tôi xin công bố với các ông điều mà chính các ông không biết nhưng vẫn tôn thờ” (Cv 17:23).

Giải đáp của Kitô Giáo đối với chủ nghĩa duy tục hiểu như chỉ có lúc này và ở đây, không đặt căn bản trên ý niệm triết học, như Platông, tức tính bất tử của linh hồn, mà trên một biến cố. Phong trào Ánh Sáng đã đặt câu hỏi thời danh về việc làm thế nào đạt được vĩnh cửu khi ta hiện hữu trong thời gian và làm thế nào có thể có một khởi điểm lịch sử cho ý thức vĩnh cửu (7). Nói cách khác, làm thế nào ta có thể biện minh được chủ thuyết của niềm tin Kitô Giáo trong việc hứa hẹn một sự sống vĩnh cửu đồng thời đe dọa sẽ có một trừng phạt vĩnh cửu chỉ vì những hành vi thực hiện trong thời gian.

Chỉ có một câu trả lời có giá trị cho câu hỏi trên là câu trả lời dựa trên niềm tin vào sự nhập thể của Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô, vĩnh cửu đã bước vào thời gian, nó tự tỏ mình ra trong xác phàm; trước mặt Người, ta có thể thực hiện được các quyết định đối với vĩnh cửu. Điều đó đúng đến nỗi thánh sử Gioan nói về sự sống vĩnh cửu như sau: “Chúng tôi […] công bố cho anh em sự sống vĩnh cửu vốn hiện hữu với Chúa Cha và đã trở nên hữu hình với chúng ta” (1 Ga 1:2).

Như đã thấy, đối với tín hữu, vĩnh cửu không phải chỉ là một hy vọng, nó còn là một hiện diện nữa. Ta có được cảm nghiệm đó mỗi lần ta thực hiện một hành vi đức tin thực sự vào Chúa Kitô, vì “anh em sẽ có sự sống vĩnh cửu nếu anh em tin vào danh Con Thiên Chúa” (xem 1 Ga 5:13); mỗi lần ta rước Lễ, trong đó “ta nhận được sự bảo đảm sẽ được vinh quang trong tương lai” ("futurae gloriae nobis pignus datur"); mỗi lần ta nghe lời Tin Mừng vốn là “lời ban sự sống vĩnh cửu” (xem Ga 6:68). Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng “ơn thánh là khởi đầu của vinh quang” (8). Sự hiện diện của vĩnh cửu trong thời gian này có tên là Chúa Thánh Thần. Người được mô tả là “phần đầu hết trong phần gia nghiệp của ta” (Eph 1:14; xem thêm 2 Cor 5:5), và Người được ban cho ta để, sau khi đã tiếp nhận những hoa trái đầu tiên, ta sẽ chờ mong các hoa trái viên mãn. Thánh Augustinô viết rằng: “Chúa Kitô đã ban cho ta sự bảo đảm của Chúa Thánh Thần qua đó Người, Đấng không thể nào đánh lừa ta, nhất định sẽ làm ta tin chắc vào sự nên trọn của lời Người hứa. Người hứa điều gì? Người hứa sự sống vĩnh cửu mà Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho ta, là chính bảo chứng” (9).

Ta là ai, từ đâu tới và đang đi đâu?

Giữa niềm tin vào thời gian và sự sống vĩnh cửu, có một liên hệ tương tự như mối liên hệ giữa sự sống của bào thai trong bụng mẹ và sự sống của bé thơ khi đã sinh ra đời. Cabasilas viết như sau: “Trong thai nghén, thế giới mang con người nội tâm, con người mới, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để sau khi được lên khuôn và làm cho hoàn hảo ở đây, thì được sinh ra nơi thế giới hoàn hảo kia, thế giới không bao giờ già nua nữa. Giống bào thai mà thiên nhiên đang chuẩn bị, trong điều kiện tối tăm và đầy nước nôi, để một ngày kia sống trong ánh sáng thế nào, thì các thánh cũng thế […]. Tuy nhiên, đối với bào thai, sự sống tương lai tuyệt đối thuộc tương lai; không một tia sáng nào tới với em, không có gì thuộc sự sống này. Đối với chúng ta có khác, kể từ lúc thế giới tương lai như tràn đổ và hoà lẫn vào thế giới hiện tại […] Chính vì thế, các thánh được ơn không những quy hướng và chuẩn bị cho sự sống ấy mà còn đã sống và hành động trong sự sống ấy nữa” (10).

Cha Cantalamessa kể câu truyện vui để làm sáng tỏ điều trên. Có hai đứa trẻ sinh đôi, một trai một gái, rất thông minh và sớm phát triển đến độ dù còn trong bụng mẹ đã có thể chuyện trò với nhau. Bé gái nói với anh trai: “theo anh, liệu có sự sống sau khi mình sinh ra đời không?” Thằng anh trả lời: “Đừng nói chuyện tức cười. Điều gì khiến em nghĩ ngoài cái chốn chật chội và tối tăm này ra lại còn có chỗ nào khác cho mình nữa?” Bé gái thêm can đảm cãi lại: “Có lẽ có một người mẹ, một người nào đó từng đặt mình ở đây, và người ấy sẽ chăm sóc mình”. Thằng anh bảo: “Em có thấy một bà mẹ ở đâu chưa? Điều em thấy chỉ là chỗ này”. Bé gái đáp lại: “nhưng há có lúc anh chẳng cảm thấy một sức ép đụng vào ngực và gia tăng mỗi ngày đẩy chúng ta về phía trước đó không?” Thằng anh đành thú nhận: “Nói cho ngay, đúng như vậy, anh thấy sức ép đó mọi lúc”. “Thấy không”, em gái nó hô lên chiến thắng, “cái đau này đâu có thể nào vô cớ được. Em nghĩ nó đang chuẩn bị anh em mình cho một cái gì lớn hơn cái chốn chật hẹp này”.

Ta có thể dùng câu truyện vui nho nhỏ trên khi phải công bố sự sống vĩnh cửu cho những người đã mất đức tin, nhưng vẫn duy trì được lòng hoài nhớ và có thể đang chờ mong Giáo Hội đến giúp họ tin vào thực tại ấy, như bé gái trong bụng mẹ.

Có những câu hỏi được con người không ngừng tự hỏi mình từ ngày tạo thiên lập địa và con người ngày nay cũng thế: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Ta Đang đi về đâu?” Trong cuốn “Lịch Sử Giáo Hội của Người Anh”, Đấng Đáng Kính Bede kể lại việc đức tin Kitô Giáo đã đến miền Bắc Nước Anh ra sao. Khi các nhà truyền giáo từ Rôma tới vùng Northumberland, vua Edwin triệu tập hội đồng chức sắc để quyết định xem có nên cho phép các nhà truyền giáo này truyền bá sứ điệp mới hay không. Một trong các vị chức sắc tâu trình: “Thưa bệ hạ, cuộc đời hiện tại của con người, theo hạ thần, nếu đem so sánh với thời gian ta chưa biết cũng giống như đường vụt bay của con chim sẻ qua căn phòng bệ hạ ngự dùng bữa ăn tối vào mùa đông, với các vị thượng thư bộ trưởng, và một đống lửa ấm áp bên cạnh, trong khi bên ngoài trời đầy sấm sét cùng mưa lũ bão tuyết; con chim sẻ bay vào cửa này rồi lại tức khắc bay ra cửa khác, khi nó còn trong phòng, nó được yên ổn khỏi gió bão mùa đông; nhưng sau một khoảng thời tiết ấm áp, nó lập tức mất hút khỏi tầm nhìn của bệ hạ và bay vào mùa đông đen tối mà từ đó nó đã xuất hiện. Cuộc đời này của con người cũng chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc, nhưng ta hoàn toàn không biết chuyện gì xẩy ra trước đó hay điều gì xẩy ra sau đó. Bởi thế, nếu học thuyết mới này chứa đựng một điều gì đó chắc chắn hơn, thì theo hạ thần nó đáng được người ta tin theo” (11).

Có lẽ đức tin Kitô Giáo sẽ trở lại Nước Anh và lục địa Âu Châu với cùng một lý do như lúc nó du nhập vào đó: như đức tin duy nhất có câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi vĩ đại về sự sống trần gian. Lúc thuận tiện nhất để đưa ra sứ điệp này là dịp tang lễ. Vì trong tang lễ, người ta bớt chia trí hơn là trong các bí tích khác như Rửa Tội hay Hôn Phối, nhờ thế họ sẽ thắc mắc nhiều hơn về số phận của mình. Khi người ta khóc thương người thân yêu quá vãng, họ cũng khóc thương cho chính mình.

Có lần Cha Cantalamessa nghe được một chương trình hay của Đài BBC nói về “tang lễ phần đời” ghi trực tiếp từ diễn biến của một đám tang như thế. Người ta nghe được vị chủ sự nói với những người hiện diện: “Ta không nên buồn. Sống một cuộc sống tốt, thoả mãn, trong 78 năm (tuổi của người đàn bà quá vãng) là điều ta cần biết ơn.”. Nhưng mà biết ơn ai? Cha thắc mắc. Đám tang ấy chỉ làm hiển nhiên hơn toàn bộ thái độ của con người trước cái chết.

Các nhà xã hội học và các nhà làm văn hóa, khi được yêu cầu giải thích hiện tượng các đám tang phần đời hay các đám tang “nhân bản”, đã tìm ra nguyên nhân của việc phổ biến tập quá này tại một số quốc gia Bắc Âu là do sự kiện họ cho rằng các đám tang phần đạo mặc nhiên ngụ ý nơi những người hiện diện có một đức tin mà chính họ không cảm thấy họ có. Bởi thế, họ muốn đề nghị: trong tang lễ, Giáo Hội nên tránh đừng nhắc gì tới Thiên Chúa, tới sự sống vĩnh cửu, tới Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, và chỉ nên giới hạn vai trò của mình vào vai trò của “một người tổ chức tự nhiên và có kinh nghiệm nghi thức sang bên kia thế giới!”. Nói cách khác, phải chấp nhận sự tục hóa cả cái chết!

Ta hãy về nhà Chúa!

Một niềm tin đổi mới vào vĩnh cửu không phải chỉ phục vụ việc phúc âm hóa, nghĩa là việc công bố cho người khác; mà trước đó, nó còn phục vụ việc đem tới một thúc đẩy mới cho hành trình nên thánh của ta. Việc suy yếu trong ý niệm vĩnh cửu cũng đã tác động trên các tín hữu, làm giảm nơi họ khả năng can đảm đương đầu với đau khổ và các thử thách ở đời. Khi giáp mặt với một tình thế khó khăn, ta không còn thói quen nhắc lại điều mà Thánh Bernard và Thánh Ignatius thành Loyola quen nói: “Quid hoc ad aeternitatem?" (Đâu có nghĩa lý gì so với đời đời?).

Giống như cái cân, nếu quả cân không đủ đúng, thì đĩa cân đựng đồ cân sẽ nghiêng về phía đất. Cán cân vĩnh cửu của ta cũng thế, những sự việc trần đời cũng như các đau khổ rất dễ kéo linh hồn ta xuống phía dưới. Mọi sự xem ra quá nặng nề, quá sức chịu đựng. Chúa Giêsu nói với ta: “và nếu bàn tay bạn hay bàn chân bạn làm cớ cho bạn phạm tội, thì hãy cắt nó đi và vất nó đi khỏi bạn; thà được vào sự sống mà cụt chân cụt tay còn hơn có đủ hai tay hai chân mà phải bị liệng vào lửa đời đời” (xem Mt 18:8-9). Nhưng, khi đã không còn thấy vĩnh cửu, ta hẳn sẽ thấy là quá sức chịu đựng khi được yêu cầu phải nhắm mắt trước cảnh tượng vô luân. Thánh Phaolô đã viết thế này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hửu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cor 4:17-18). Quả cân gian truân nhẹ nhàng chính vì nó chỉ có tính tạm thời, quả cân vinh quang vô lượng vì nó vĩnh cửu. Chính vì thế, Thánh Phaolô dạy: “tôi coi những đau khổ của đời này chẳng là chi so với vinh quang được mạc khải cho ta” (Romans 8:18).

Đức Hồng Y Newman, người mà chúng ta chọn làm thầy dạy đặc biệt trong Mùa Vọng này, buộc ta phải thêm một sự thật hiện còn thiếu trong các suy niệm hiện nay về vĩnh cửu. Sự thật đó được ngài viết trong bài thơ “The Dream of Gerontius” được nhà soạn nhạc nổi tiếng của Anh là Edgar Elgar phổ nhạc. Đây quả là một tác phẩm bậc thầy thực sự vì các tư tưởng sâu sắc, vì thi hứng và vì kịch tính hợp ca.

Ngài mô tả giấc mộng của một ông già (đây là ý nghĩa của tên Gerontius), một người thấy mình đã gần tới lúc ra đi và ta biết người đó chính là Newman. Phụ họa cho các ý tưởng của ông về cuộc đời, về cái chết, về vực thẳm hư vô mà ông đang lao tới, là những nhận định của kẻ qua đường, lời cầu kinh của Giáo Hội “Hỡi linh hồn Kitô hữu, hãy ra khỏi đời này” ("proficiscere, anima christiana"), những tiếng nói mâu thuẫn nhau của thiên thần cùng quỉ dữ trong việc cân đo và đòi lãnh linh hồn ông. Đẹp và sâu sắc nhất là lời mô tả lúc vượt qua và lúc tỉnh thức thấy mình ở một thế giới khác:

“Tôi thiếp ngủ; và giờ đây tỉnh táo.

Một tỉnh táo lạ thường: vì cảm thấy trong tôi

một sáng láng khôn tả, và một cảm thức

tự do, mà bản thân tôi được no thoả,

như chưa từng được no thỏa bao giờ. Yên tĩnh làm sao!

Tôi không còn nghe tiếng đập bận rộn của thời gian,

Không, và cũng không cả hơi thở xốn xang và nhịp tim khó khăn của mình;

Mà phút này phút nọ cũng chẳng còn khác nhau” (12).

Những vần thơ sau cùng là những vần thơ ngài viết về Luyện Ngục:

“Ở đấy, con sẽ ca lên với Chúa và Tình Yêu xa vắng của con:

Hãy mang con đi,

Để con chóng bay lên, lên chốn cao,

Và được thấy Người trong chân lý trường cửu” (13)

Đối với hoàng đế Hadrian, chết là từ thực tại bước qua bóng tối, đối với Kitô hữu John Newman nó là từ bóng tối bước vào thực tại, “ex umbris et imaginibus in veritatem" (từ bóng tối và hình ảnh bước vào sự thật), câu mà ngài muốn viết trên phần mộ.

Như thế, sự thật nào chưa được nói tới mà Newman buộc ta không được câm lặng? Đó là sự thật này: đường từ thời gian bước vào vĩnh cửu không phải là đường phẳng phiu và đồng đều cho mọi người. Ta phải đương đầu với sự phán xét và sự phán xét này có thể đem lại hai hệ quả khác nhau: thiên đàng hay hỏa ngục. Linh đạo của Newman là linh đạo khắc khổ, đôi khi còn nhiệm nhặt nữa, giống như linh đạo của “Dies irae” (ngày thịnh nộ) nhưng lành mạnh biết bao vào một thời kỳ người ta có khuynh hướng xem thường mọi sự, coi chúng như một trò đùa, như lời Kierkegaard, liên quan tới vĩnh cửu.

Thành thử, ta hãy mạnh mẽ hướng tư tưởng ta vào vĩnh cửu, bằng cách nhắc lại lời của nhà thi sĩ: ngoại trừ vĩnh cửu, mọi sự chỉ là phù vân đối với thế giới”. Trong Sách Thánh Vịnh Hípri có một nhóm thánh vịnh gọi là “Các Thánh Vịnh lên đền” hay “ca khúc Xion”. Đây là các thánh vịnh được khách hành hương Do Thái hát trên đường tới thành thánh Giêrusalem. Một trong các thánh vịnh này bắt đầu như sau: “Tôi vui mừng khi người ta bảo tôi, ‘chúng ta hãy về nhà Chúa!’”. Các thánh vịnh lên đền này sau đó đã trở thành các thánh vịnh của những người trong Giáo Hội đang lên đường hướng về Giêrusalem trên trời; chúng là các thánh vịnh của ta. Chú giải những lời khơi mào của thánh vịnh, Thánh Augustinô nói với các tín hữu: “Ta hãy rảo bước vì ta sẽ về nhà Chúa; ta hãy rảo bước vì đường này không làm ta hao kiệt; vì cuối cùng ta sẽ tới nơi không còn hao kiệt. Ta hãy rảo bước về nhà Chúa và linh hồn ta hân hoan với những người từng nhắc lại các lời này. Họ đã thấy quê hương trước ta, các Tông Đồ đã thấy quê hương ấy và từng nói với ta: ‘Chạy mau lên, hãy rảo bước nhanh lên, hãy theo chân chúng tôi! Chúng tôi đang đi về nhà Chúa’” (14)

Ghi chú

(1) Xem M. Pohlenz, "L'uomo greco," Florence, 1967, p. 173ss.

(2) "Animula vagula, blandula."

(3) S. Kierkegaard, "Postilla conclusiva," 4, in "Opere," do C. Fabro biên tập, Florence, 1972, p. 458.

(4) Miguel de Unamuno, "Cartas inéditas de Miguel de Unamuno y Pedro Jiménez Ilundain," Hernán Benítez biên tập, Journal of the University of Buenos Aires, Vol. 3, No. 9 (January-March 1949), pp. 135-150.

(5) Thánh Augustinô, "Các Bài Giảng về Thánh Gioan" 45, 2 (PL, 35, 1720).

(6) Antonio Fogazzaro, "A Sera," trong "Le poesie," Milan, Mondadori, 1935, pp. 194-197.

(7) G.E. Lessing, "Über den Beweis des Geistes und der Kraft," Lachmann biên tập, X, p.36.

(8) Thánh Tôma Aquinô, "Summa theological", II-IIae, q. 24, art.3, ad 2.

(9) Thánh Augustinô, "Các Bài Giảng" 378,1 (PL, 39, 1673).

(10) N. Cabasilas, "Vita in Cristo," I,1-2, U. Neri biên tập, Turin, UTET, 1971, pp.65-67.

(11) Venerable Bede, "The Ecclesiastical History of the English People," II, 13.

(12) "The Dream of Gerontius," John Henry Newman, 1865.

(13) Ibid.

(14) S. Agostino, Enarrationes in Psalmos 121,2 (CCL, 40, p. 1802).