Chủ nghĩa duy lý

Chủ đề bài giảng thứ ba của Cha Cantalamessa vào ngày 17 tháng 12 trước Đức Thánh Cha và Giáo Triều có tựa đề là: “Luôn sẵn sàng cung cấp câu trả lời cho những ai hỏi bạn lý do tại sao bạn hy vọng (1 Pr 3:15): Câu trả lời của Kitô Giáo đối với chủ nghĩa duy lý”

Tiếm đoạt lý trí

Trở ngại thứ ba khiến phần lớn nền văn hóa hiện đại “khúc xạ” đối với Tin Mừng, chính là chủ nghĩa duy lý. Chân Phúc John Newman để lại cho chúng ta một diễn văn đáng ghi nhớ được ngài trình bày tại Đại Học Oxford ngày 11 tháng 12 năm 1831, tựa là “Việc tiếm đoạt lý trí”. Ngay trong cái tựa ấy ta đã thấy ra câu định nghĩa cho chủ nghĩa duy lý (1). Trong một ghi chú để nhận định về bài diễn văn này, viết cho lời nói đầu của lần tái bản thứ ba vào năm 1871, tác giả giải thích điều ngài muốn nói qua kiểu nói trên. Theo ngài, tiếm đoạt lý trí “là một lạm dụng phổ thông đối với khả năng này như lúc nó lạm bàn về tôn giáo, mà không hề quen thuộc chi với chủ đề này hay không sử dụng các nguyên tắc đầu hết vốn đặc trưng đối với tôn giáo. Cái tự gọi là Lý Trí như thế được Thánh Kinh gọi là ‘sự khôn ngoan của thế gian’; tức sự suy luận về tôn giáo dựa theo các phương châm thế tục, vốn tự chúng xa lạ đối với tôn giáo” (2)

Trong một bài giảng khác tại đại học tựa là “Đức Tin và Lý Trí trong thế đối đầu”, Newman giải thích rõ tại sao lý trí không thể là quan án cuối cùng trong phạm vi tôn giáo hay đức tin, tương tự như lương tâm: “Không ai nói rằng lương tâm chống lại lý trí, hay các lệnh truyền của lương tâm không thể khuôn định thành một hình thức luận chứng; bởi thế ai dám chủ trương rằng nó không phải là một nguyên tắc độc đáo trái lại trước khi hành động nó phải dựa vào một số diễn trình có trước của lý trí? Lý trí phân tích các cơ sở và nguyên động lực của hành động: lý lẽ là phân tích, nhưng không phải là chính nguyên động lực. Do đó, lương tâm tuy là yếu tố đơn giản trong bản tính ta nhưng hành động của nó chịu để cho lý trí xem sét và lục lọi thế nào; thì đức tin cũng có thể được lý trí nhận thức và biện minh cho các hành động của nó mà không vì thế tùy thuộc lý trí. […] Khi ta nói Tin Mừng cần một đức tin thuận lý, thì điều này chỉ có nghĩa không hơn không kém rằng đức tin phù hợp với lý trí đúng đắn hiểu theo nghĩa trừu tượng, chứ nó không hề có nghĩa đức tin từ lý trí mà ra theo nghĩa cụ thể” (3).

Thí dụ thứ hai liên quan tới nghệ thuật. Ngài cho rằng: “khoa phê bình nghệ thuật đã đánh giá điều chính nó không có khả năng sáng tạo; cũng thế, lý trí có thể chấp thuận hành vi đức tin, nhưng không phải là nguồn phát sinh ra đức tin” (4)

Sự phân tích của chân phúc Newman có những nét mới mẻ và độc đáo; ngài đem ra ánh sáng điều có thể gọi là khuynh hướng đế quốc muốn đặt mọi khía cạnh của thực tại tùy thuộc các nguyên tắc riêng của lý trí. Tuy nhiên, người ta cũng có thể xem sét chủ nghĩa duy lý từ một quan điểm khác, có liên hệ mật thiết với quan điểm vừa kể. Tiếp tục lối ẩn dụ chính trị quen thuộc của Đức Hồng Y Newman, ta có thể mô tả quan điểm này như thái độ duy cô lập, lý trí tự đóng kín vào chính mình. Thái độ này không hẳn hệ ở việc không xâm phạm lãnh vực của người khác cho bằng không thừa nhận sự hiện hữu của bất cứ lãnh vực nào khác ngoài chính lãnh vực của mình. Nói cách khác, từ khước việc chân lý có thể hiện hữu ở bên ngoài điều phải kinh qua lý trí nhân bản.

Chủ nghĩa duy lý không sinh ra đời dưới giả dạng phong trào Ánh Sáng, mặc dù nó làm gia tốc phong trào này với những hậu quả ngày nay còn thấy rõ. Nó là khuynh hướng mà đức tin luôn phải tranh đấu với. Không phải chỉ đức tin Kitô Giáo mà cả đức tin Do Thái Giáo và Hồi Giáo, ít nhất trong thời Trung Cổ, đều phải đương đầu với thách đố này.

Mọi thời đại đều có những tiếng nói dóng lên chống lại cái chủ nghĩa tuyệt đối về lý trí này, không phải chỉ từ những người có đức tin mà còn từ những nhà tranh đấu, cả triết gia lẫn khoa học gia, trong phạm vi lý trí. Pascal từng viết rằng “Hành vi tối cao của lý trí hệ ở việc nhìn nhận rằng có vô lượng sự vật vượt quá nó” (5). Ngay chính lúc lý trí nhận ra giới hạn của mình, nó đều phá tung và vượt quá giới hạn ấy. Chính việc làm của lý trí đã sản sinh ra việc nhìn nhận này; do đó, đây là một hành vi hoàn toàn thuận lý. Theo cả nghĩa đen, đó quả là “một dốt nát bác học” (6), một nhận thức rằng mình không biết.

Bởi thế, cần phải nói rằng ai đặt giới hạn cho lý trí và nhục mạ nó đúng ra là người không biết thừa nhận khả năng nó có thể tự siêu việt chính mình. Kierkegaard từng viết: “Cho đến nay, người ta luôn luôn bảo: ‘nói điều này hay điều nọ không thể hiểu được là không thỏa mãn khoa học vì khoa học muốn hiểu’. Điều đó sai. Thực vậy, đúng ra phải nói ngược lại: Nếu khoa học của con người không chịu nhìn nhận rằng có những điều nó không thể hiểu được, hay chính xác hơn, có những điều nó hiểu rõ là mình không thể hiểu được, thì mọi sự sẽ rơi vào hỗn độn. Bởi thế, nhận thức của con người có nhiệm vụ phải hiểu rằng có những điều nó không thể hiểu được” (7).

Đức tin và cảm thức về Thánh Thiêng

Người ta tin chắc rằng loại tranh luận qua lại giữa đức tin và lý trí sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Điều không thể tránh được là mỗi thời đại lại có cuộc tranh luận riêng của nó, nhưng người duy lý sẽ không thể cải đạo được người tin bằng lý luận mà người tin cũng không thể cải đạo được người duy lý. Nên cần phải kiếm cách để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này và giải thoát đức tin ra khỏi thế bế tắc đó. Trong cuộc tranh luận về lý trí và đức tin này, có thể nói chính lý trí áp đặt các lựa chọn của nó và bức bách đức tin, buộc đức tin phải ra khỏi nhà mình và ở thế chống đỡ.

Đức Hồng Y Newman hiểu rõ vấn đề ấy. Trong một bài diễn văn đại học khác, ngài cảnh báo nguy cơ bóp méo đức tin với ý muốn chạy sau lưng lý trí. Ngài nói ngài hiểu, nhưng ngài không thể chấp nhận được, các lý do của những người mưu toan loại bỏ hoàn toàn đức tin khỏi các nghiên cứu thuận lý, khi “các tranh chấp và chia rẽ được thúc đẩy bởi luận chứng và tranh cãi, niềm tự tin đầy kiêu hãnh được cổ vũ bằng sức mạnh của khả năng suy luận, sự lỏng lẻo ý kiến thường đi đôi với việc xem sét chứng cớ, sự lạnh lùng, tính hình thức cũng như tinh thần thế tục và xác thịt vốn đi đôi với việc cứng ngắc bám vào những công thức có tính giáo điều; và mặt khác, khi họ nhớ rằng Thánh Kinh nói tới tôn giáo như sự sống thần linh, bám rễ trong cảm giới và biểu lộ qua các ơn thánh thiêng liêng” (8)

Nhìn vào toàn bộ các đóng góp của Đức Hồng Y Newman về mối tương quan giữa lý trí và đức tin, vốn được người thời nay tranh luận hơn bao giờ hết, ta thấy có lời cảnh cáo sau đây: Không thể chống lại chủ nghĩa duy lý bằng một chủ nghĩa duy lý khác, dù chủ nghĩa thứ hai này có trái ngược bao nhiêu đi nữa. Do đó, ta phải tìm lối khác, một lối không tham vọng thay thế việc dùng lý trí bênh vực đức tin, nhưng đi đôi với việc ấy, cũng vì những người tiếp nhận việc công bố của Kitô Giáo không những chỉ là những nhà trí thức, có khả năng tham dự vào loại tranh luận này, mà còn là những người tầm thường vốn dửng dưng với cuộc tranh luận này nhưng lại mẫn cảm hơn với các luận chứng khác.

Pascal đưa ra con đường trái tim: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết” (9); các nhà lãng mạn (như Schleiermacher chẳng hạn) đề nghị con đường xúc cảm. Theo Cha Cantalamessa, vẫn còn một con đường khác: con đường của cảm nghiệm và chứng tá. Cha không có ý nói tới cảm nghiệm đức tin có tính bản thân, chủ quan, nhưng là thứ cảm nghiệm phổ quát và khách quan mà ta có thể sử dụng để giáp mặt với những người còn xa lạ với đức tin. Con đường này không dẫn tới đức tin cứu rỗi trọn vẹn, tức đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu chết và đã sống lại, nhưng có thể giúp ta tạo nên tiền đề cho đức tin ấy, tức việc mở lòng ra với mầu nhiệm, để nhận thức về một điều gì đó vượt quá thế giới và lý trí.

Đóng góp đáng kể nhất mà hiện tượng luận hiện đại về tôn giáo đã mang tới cho đức tin, nhất là theo cách được trình bày trong công trình cổ điển của Rudolph Otto tựa là "The Sacred"[10], đã chứng tỏ rằng khẳng định có tính truyền thống cho rằng có một điều gì đó không thể giải thích bằng lý trí, thực ra không phải là một định đề lý thuyết hay định đề đức tin, mà là một sự kiện hàng đầu của cảm nghiệm.

Có một xúc cảm từng đồng hành với nhân loại từ lúc ban đầu và ngày nay vẫn còn hiện diện trong tất cả các tôn giáo và nền văn hóa. Tác giả gọi nó là xúc cảm về thể đáng kính sợ (the numinous). Đây là một sự kiện nguyên sơ, không thể giản lược vào bất cứ xúc cảm nào khác trong kinh nghiệm nhân bản; nó khiến con người rùng mình mỗi lần, vì một hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại nào đó, họ thấy mình đứng trước sự tỏ hiện của một mầu nhiệm “khủng khiếp nhưng hấp dẫn” của thể siêu nhiên.

Otto mô tả đối tượng của cảm nghiệm này bằng tĩnh từ “phi lý” (irrational) (phụ đề của tác phẩm này là: “Thể Phi Lý trong Ý Niệm Thần Linh và Tương Quan của Nó với Thể Hữu Lý”); nhưng toàn bộ tác phẩm muốn chứng minh rằng cảm thức ông gán cho hạn từ “phi lý” không “trái với lý trí” nhưng “nằm ngoài lý trí”, không thể phiên dịch bằng những hạn từ hữu lý. Thể đáng kính sợ tự tỏ mình ra ở nhiều mức độ tinh ròng khác nhau: từ trạng thái thô sơ nhất tức cảm xúc rờn rợn do các câu truyện ma quỉ tạo ra, cho tới trạng thái tinh ròng nhất qua việc tỏ lộ sự thánh thiện của Thiên Chúa, mà Thánh Kinh gọi là Qadosh, như trong đoạn mô tả ơn gọi của Isaia (Is 6:1 và tiếp theo).

Nếu thế, thì việc tái phúc âm hóa thế giới đã bị thế tục hóa cũng phải kinh qua việc phục hồi cảm thức thánh thiêng này. Địa hình của nền văn hóa duy lý, tức nguyên nhân và hậu quả của nó, đã làm mất đi cảm thức thánh thiêng này; vì thế, điều cần thiết là Giáo Hội phải giúp con người leo dốc trở lại và tái khám phá ra sự hiện diện và vẻ đẹp của thể thánh thiêng trong thế giới. Charles Peguy nói rằng: “Thiếu Thể Thánh Thiêng một cách cùng cực chính là dấu ấn sâu xa nhất của thế giới hiện đại”. Người ta thấy điều đó trong mọi khía cạnh của đời sống, nhưng đặc biệt trong nghệ thuật, văn chương và ngôn ngữ hàng ngày. Đối với nhiều tác giả, bị mô tả là “phạm thánh” (desecrating) không còn là một xúc phạm nữa, mà là một lời khen.

Có lúc, Thánh Kinh đã bị tố cáo là “phạm thánh” đối với thế giới vì đã xua đuổi các thần nam nữ khỏi núi non, biển cả và rừng sâu và biến chúng thành những tạo vật bình thường có nhiệm vụ phục vụ con người. Điều ấy đúng, nhưng chính khi tước khỏi chúng những lý chứng giả từng biến chúng thành thần minh, Thánh Kinh đã phục hồi chúng trở về với bản tính chân thực của chúng làm “dấu chỉ” cho thể thần linh. Thánh Kinh đả phá việc biến tạo vật thành ngẫu thần, chứ đâu có đả phá tính thánh thiêng của chúng.

Bởi đó, tạo vật “bị thế tục hóa” vẫn còn sức mạnh để tạo ra cảm nghiệm về thể đáng kính sợ và thể thần linh. Theo Cha Cantalamessa, điều mang đến cho ta một cảm nghiệm như thế chính là câu nói thời danh của Kant, đại biểu sáng chói nhất của chủ nghĩa duy lý triết học: “có hai điều làm tâm trí tôi mỗi ngày một đầy thán phục và tôn kính hơn, khi tôi càng ngắm những phản ảnh sâu sắc và lâu dài liên quan tới chúng: bầu trời đầy sao trên tôi và luật lệ luân lý trong tôi. […]Điều thứ nhất bắt đầu từ vị trí tôi chiếm giữ trong thế giới khả niệm ngoại giới, và sự nối kết mở rộng nơi đó tôi thấy mình trong sự cao cả bất tận, với hằng hà sa số ngôn từ, và hằng hà sa số hệ thống; và rồi một lần nữa, thời gian vô tận trong chuyển dịch định kỳ của chúng, trong sự bắt đầu và kéo dài của chúng” (11).

Trong cuốn sách tựa là "The Language of God,", nhà khoa học hiện còn sống, Francis Collins, vừa được đề cử vào hàn lâm việc giáo hoàng, đã mô tả lúc ông trở lại với đức tin như sau: “Vào một ngày mùa thu tươi đẹp, lúc tôi đang leo dẫy núi Cascade trong chuyến du hành lần đầu tới vùng phía tây Sông Mississippi, vẻ uy nghi và nét đẹp trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã tràn ngập sức đề kháng của tôi. Lúc ấy tôi biết cuộc tìm kiếm của mình đã kết thúc. Buổi sáng hôm sau, tôi quỳ trên cỏ còn đọng sương lúc mặt trời mọc và hoàn toàn hàng phục Chúa Giêsu Kitô” (12).

Cùng những khám phá kỳ diệu như thế của khoa học và kỹ thuật, thay vì khiến người ta vỡ mộng, cũng có thể trở nên dịp giúp người ta thán phục và cảm nghiệm được thể thần linh. Giây phút cuối cùng khám phá ra hệ di truyền (genome) của con người đã được Francis Collins, người đứng đầu nhóm khám phá, mô tả như sau: “(quả là) một cảm nghiệm đầy phấn khích về khoa học đồng thời là cảm nghiệm thờ lạy về tôn giáo”. Trong những điều kỳ diệu của công trình sáng tạo, không gì kỳ diệu hơn con người và, trong con người, là tri khôn của họ do Thiên Chúa tạo nên.

Khoa học hiện nay hết hy vọng chạm tới những giới hạn sau cùng của việc thăm dò thể vô cùng lớn là vũ trụ cũng như thể vô cùng nhỏ là hạ phân tử (subatomic particles). Một số người đã biến những thể quá cách nhau này thành luận điểm chứng minh việc không có Đấng Hóa Công và sự vô nghĩa của con người. Đối với tín hữu, những thể đó chính là dấu chỉ tuyệt hảo không những cho thấy sự hiện hữu mà còn cả các phẩm tính của Thiên Chúa nữa: sự mênh mông của vũ trụ chính là dấu chỉ sự cao cả và siêu việt vô biên của Người, sự nhỏ nhoi của nguyên tử chính là dấu chỉ tính nội tại và đức khiêm hạ của việc Người nhập thể, từng làm Người trở nên một hài nhi trong bụng mẹ và một mảnh bánh tí hon trong bàn tay linh mục.

Trong đời sống hàng ngày của con người, cũng không thiếu dịp để người ta cảm nghiệm được một chiều kích “khác”: si tình, việc ra đời của đứa con đầu tiên, một niềm vui lớn lao. Cần giúp người ta biết mở mắt ra và tái khám phá khả năng thán phục của họ. “Người biết thán phục là người sẽ cai trị” đó là câu nói bên ngoài Tin Mừng được gán cho Chúa Giêsu (13). Trong cuốn tiểu thuyết “Anh Em Nhà Karamasov”, Dostoyevsky nhắc lại lời của Starez Zosima, lúc ấy còn là một sĩ quan lục quân, ngỏ với những người hiện diện, lúc ông được ơn thánh linh hứng, đã từ khước không đấu kiếm với địch thủ: “Thưa qúy ông, xin qúy ông dõi nhìn các hồng phúc của Thiên Chúa: bầu trời trong xanh kia, không khí trong lành này, làn cỏ mướt kia, những con chim nhỏ bé này: thiên nhiên đẹp đẽ và trong trắng xiết bao, trong khi chúng ta, chỉ chúng ta thôi, xa cách Thiên Chúa và ngu si, không hiểu rằng đời là một thiên đàng, và chỉ cần ta hiểu nó, nó sẽ lập tức xuất hiện trong hết cái vẻ đẹp của nó, lúc ấy ta sẽ ôm lấy nhau mà bật khóc” (14). Đó chính là cảm thức chân thực về sự thánh thiêng của thế giới và của đời người!

Cần các chứng nhân

Cảm nghiệm về thể thánh thiêng và thể thần linh khi đến với ta một cách tự phát và bất ngờ từ thế giới bên ngoài và được ta tiếp nhận và vun sới, nó sẽ trở thành một cảm nghiệm chủ quan sống động. Từ đó, phát sinh ra những “chứng nhân” của Thiên Chúa, tức các vị thánh và trong số các vị thánh đó, có một loại đặc biệt gọi là các nhà huyền nhiệm.

Theo một định nghĩa thời danh của Dionysius thành Areopagite, nhà huyền nhiệm là người từng “chịu đựng Thiên Chúa” (15) nghĩa là người từng cảm nghiệm được và sống thể thần linh. Đối với người khác, các nhà huyền nhiệm là những nhà thám hiểm từng đầu tiên lẩn lút đi vào Đất Hứa và lúc trở về kể cho bà con nghe mình đã được nhìn thấy “mảnh đất chẩy sữa và mật ong” để khích lệ họ vượt qua sông Giođăng (xem Ds 14:6-9). Chính qua các ngài, những tia sáng đầu tiên của sự sống đời đời chiếu tới chúng ta trên dương gian này.

Đọc các trước tác của các ngài, ta sẽ thấy những luận chứng dù tinh tế nhất của các nhà vô thần và duy lý cũng xa vắng và ngây ngô xiết bao! Khi chạm trán với họ, trong ta bỗng nẩy sinh một cảm thức lạ lùng và cả thương hại nữa như lúc ta đứng trước một người nói về những việc mà rõ ràng ông ta không biết gì. Là tín hữu, ta dễ dàng nhận ra những lỗi văn phạm nơi người đối thoại, dù không biết rằng người đó đang nói một ngôn ngữ khác mà họ không biết. Tuy nhiên chẳng cần lên tiếng bài bác họ, vì những lời bênh vực Thiên Chúa lúc ấy xem ra trống rỗng và sai chỗ.

Các nhà huyền nhiệm là những người hàng đầu khám phá ra Thiên Chúa “hiện hữu”; thực thế, chỉ có Người thực sự hiện hữu và chỉ có Người là vô cùng hiện thực hơn tất cả những gì ta quen gọi là thực tại. Chính nhờ một trong những cuộc gặp gỡ như thế mà một môn sinh của triết gia Husserl, một người con gái Do Thái và là một nhà vô thần đầy xác tín, một đêm kia đã khám phá ra Thiên Chúa hằng sống. Đó chính là Edith Stein, nay là Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá. Cô là khách của những người bạn Kitô Giáo và một tối kia, khi tất cả đã ra ngoài, cô ở lại nhà một mình và chả biết làm chi, bèn cầm lấy một cuốn sách lấy từ thư viện và bắt đầu đọc. Cuốn sách đó nói về tiểu sử Thánh Teresa thành Avila. Suốt đêm hôm đó, cô ngấu nghiến hết cuốn sách. Đến câu cuối, cô kêu lên: “Đây mới là chân lý!”. Sáng sớm hôm sau, cô vào thành phố mua cuốn giáo lý và sách lễ Công Giáo, và sau khi nghiên cứu chúng, cô tới một nhà thờ lân cận và xin một linh mục rửa tội cho cô.

Cha Cantalamessa cũng có một kinh nghiệm nhỏ về sức mạnh của các nhà huyền nhiệm trong việc giúp ta với tay tới cõi siêu nhiên. Đó là năm người ta thảo luận nhiều về cuốn sách của một thần học gia tựa là "Does God Exist?" (Existiert Gott?"). Nhưng đọc đến chữ cuối, rất ít người chịu đổi dấu hỏi của tựa sách thành dấu than. Đi tham dự một hội nghị, cha mang theo cuốn sách nói về các trước tác của Chân Phúc Angela thành Foligno mà cha chưa bao giờ biết. Cha thực sự bị choáng mắt; vừa tham dự hội nghị, thỉnh thoảng cha lại mở sách ra đọc từng chập, và tới cuối sách, cha phải thầm nhủ: “Thiên Chúa có hiện hữu không? Không những Người hiện hữu, Người còn là ngọn lửa thiêu đốt thực sự!”.

Tuy nhiên, một mốt văn chương mới đang thành công trong việc vô hiệu hóa ngay cả các “chứng tá” sống động của Thiên Chúa hiện hữu là các nhà huyền nhiệm. Nó thực hiện được điều đó nhờ một phương pháp độc đáo: bằng cách không tìm cách giảm thiểu con số của họ mà gia tăng con số ấy lên, không hạn chế hiện tượng ấy mà mở rộng nó hết cỡ. Cha muốn nói tới những người được các bài giới thiệu về huyền nhiệm, các hợp tuyển về trước tác huyền nhiệm hay các cuốn lịch sử về huyền nhiệm, đặt cạn nhau, như thể tất cả đều thuộc về cùng một hiện tượng: Thánh Gioan Thánh Giá được đặt cạnh Nostradamus, các thánh được đặt cạnh những người lệch tâm (eccentrics), huyền nhiệm Kitô Giáo đặt cạnh phong trào Kabala Trung Cổ (của người Do Thái), phong trào ẩn tu bên cạnh thông linh học (theosophism), các hình thức phiếm thần và sau cùng là thuật chế kim (alchemy). Các nhà huyền nhiệm chân thực trở thành một điều khác hẳn, nên không lạ gì Giáo hội tỏ ra nghiêm nhặt trong phán đoán về các vị ấy.

Thần học gia Karl Rahner xem ra đã tiếp nhận một thuật ngữ của Raymond Pannikar, khi quả quyết rằng: “Kitô hữu của ngày mai sẽ một là nhà huyền nhiệm hai là không”. Ngài muốn nói rằng trong tương lai, muốn giữ cho đức tin sống động thì cần có chứng tá của những con người từng cảm nghiệm Thiên Chúa một cách sâu sắc, hơn là tìm cách lý luận hòng thuyết phục người ta. Xét trong yếu tính, Đức Phaooô VI cũng nói cùng một điều như thế khi người quả quyết trong "Evangelii Nuntiandi" (No. 4): “Con người hiện đại sẵn sàng muốn lắng nghe các nhân chứng hơn là các thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy, thì chính vì các thầy dạy này đều là nhân chứng”

Theo ngữ cảnh, khi Thánh Tông Đồ Phêrô khuyên Kitô hữu sẵn sàng “nêu… lý do khiến anh em hy vọng” (1 Pr 3:15), chắc chắn ngài không có ý nói tới các lý do suy lý và biện chứng, nhưng là các lý do thực tiễn, tức cảm nghiệm của họ về Chúa Kitô, trong hợp nhất với chứng tá tông đồ vốn là thứ bảo đảm cho nó. Trong bài chú giải bản văn này, Đức Hồng Y Newman nói tới “các lý do mặc nhiên”, những lý do có tính thuyết phục sâu xa đối với tín hữu hơn là các lý do minh nhiên và có tính lý luận (16).

Bước nhẩy vọt của đức tin vào dịp Giáng Sinh

Không phải chỉ có người vô tín ngưỡng mới cần những bộc phát bất ngờ của thể siêu nhiên mà cả chúng ta, những người có đức tin, chúng ta cũng cần phải làm sống lại đức tin của mình. Nguy hiểm lớn lao nhất của những người theo tôn giáo là giản lược đức tin vào một loạt các nghi lễ và công thức, cứ thế lặp đi lặp lại dù cẩn trọng nhưng một cách khá máy móc, không đặt hết con người mình vào đó. Thiên Chúa từng phán trong sách Isaia rằng: “Dân này chỉ đến gần ta bằng lời và tôn kính Ta bằng miệng, mà lòng trí thì ở xa Ta. Chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm” (Is 29:13).

Giáng Sinh là dịp thuận lợi để ta nhẩy vọt trong đức tin. Đây là dịp “thần hiện” tuyệt diệu của Thiên Chúa, là “biểu hiện cao cả nhất của Đấng Thánh Thiêng”. Bất hạnh thay, chủ nghĩa duy tục đang tước mất khỏi lễ này đặc tính “mầu nhiệm” tuyệt vời của nó, một mầu nhiệm dẫn ta tới cảm thức kính sợ và thờ lạy đầy thánh thiêng, giản lược nó chỉ còn là một biến cố phấn khích, một phấn khích chỉ theo nghĩa tự nhiên, không hề có nghĩa siêu nhiên: một ngày lễ mùa đông (mùa hè ở Nam Bán Cầu), với cây lá, nai hươu và Ông Già Noel. Ngày nay, tại một số quốc gia, người ta còn đang mưu toan thay cả tên “Christmas” (Lễ Chúa Kitô) thành “lễ ánh sáng”.

Đối với Cha Cantalamessa, tính “đáng kính sợ” trong Lễ Giáng Sinh có liên hệ tới một ký ức. Cách đây ít năm, Cha có tham dự Thánh Lễ Nửa Đêm do Đức Gioan Phaolô II chủ tế tại Nhà Thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh Lễ này, có phần hát bài Kalenda, tức bài long trọng công bố việc Chúa Kitô sinh ra đời, vốn có trong hạnh tử đạo ngày xưa và sau Công Đồng Vatican II, đã được tái lập trong phụng vụ ngày Lễ Giáng Sinh:

“Vào năm 5,199 từ lúc tạo dựng thế giới, […]

Vào năm 1,510 từ lúc xuất hành khỏi Ai Cập, […]

Vào thế vận hội thứ 194 năm 732 sau khi xây Thành Rôma,

Vào năm thứ 42 triều Octavian Augustus, […]

Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa hằng hữu và Con Chúa Cha hằng hữu, đã muốn thánh hóa thế giới bằng việc xuống trần đầy phúc lộc của mình.

Người đã được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và nay sau 9 tháng

Người đã được Trinh Nữ Maria hạ sinh làm người tại Bêlem thuộc chi tộc Giuđa”

Nghe tới những chữ cuối cùng, Cha bỗng cảm nghiệm được điều vốn gọi là “phép xức dầu của đức tin”: một thông sáng nội tâm rất bất ngờ khiến ngài thốt lên: “đúng! Tất cả những điều vừa hát rất đúng! Không những chỉ là lời mà thôi. Cõi vĩnh hằng đã bước vào thời gian. Biến cố cuối cùng đã chia cắt chuỗi biến cố; nó đã tạo nên một “cái trước” và một “cái sau” không thể nào đảo ngược được; cách tính thời gian khởi đầu có liên hệ với các biến cố khác nhau (như Thế Vận Hội, vương quốc này, vương quốc nọ), nhưng nay chỉ còn liên hệ với một biến cố duy nhất”. Một xúc cảm mạnh mẽ dâng lên trong toàn bộ con người Cha, Cha chỉ còn biết thưa: “Lạy Ba Ngôi Chí Thánh, xin đội ơn Ngài, và lạy Mẹ Thánh Thiên Chúa, xin đội ơn Mẹ”.

Sẽ rất có ích nếu ta biết biến Lễ Giáng Sinh thành một dịp nhẩy vọt về đức tin bằng cách tìm giờ để im lặng. Chính phụng vụ cũng bao quanh việc Chúa ra đời bằng im lặng: "Dum medium silentium tenerent omnia" (khi mọi sự chung quanh đều im lặng). Rồi "Stille Nacht" (Đêm Thinh Lặng, Silent Night). Toàn là những tựa đề phổ thông trong các bài ca Kitô Giáo dịp Giáng Sinh. Vào dịp Giáng Sinh, ta nên cảm nhận như thể lời mời gọi của Thánh Vịnh được đích thân gửi đến cho ta: “Hãy ở lặng thinh và tuyên xưng Ta là Thiên Chúa” (Tv 46:11).

Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực khó vượt qua của sự im lặng Giáng Sinh này: “Bà Maria giữ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Sự im lặng của Đức Mẹ trong Lễ Giáng Sinh không phải chỉ là một sự im lặng đơn giản; nó là sự ngưỡng mộ, và là sự thờ lạy; nó là “sự im lặng tôn giáo”, một sự bị choáng ngợp bởi thực tại. Giải thích đúng nhất đối với sự im lặng của Đức Mẹ chính là lời giải thích trong bức ảnh xưa của nghệ thuật Byzanine trong đó Mẹ Thiên Chúa mở thật rộng đôi mắt mình, đôi mắt không nhấp nháy, nhưng hết sức chăm chú, như thể đang thấy những điều không thể mô tả bằng lời. Đức Mẹ là người đầu tiên đã dâng lên Thiên Chúa điều được Thánh Grêgôriô thành Nazianzen gọi là “ca khúc im lặng” (17).

Người thực sự tham dự Lễ Giáng Sinh là người ngày hôm nay, tức nhiều thế kỷ sau, có thể làm lại điều có thể họ đã làm nếu họ hiện diện vào ngày hôm đó. Đó là người làm được điều Đức Mẹ vốn dạy ta làm, là qùy gối, thờ lạy, giữ im lặng!

Ghi chú

[1] J.H. Newman, Oxford University Sermons, London, 1900, pp. 54-74.

[2] Ib.p., XV.

[3] Ib., p. 183.

[4] Ibidem.

[5] B. Pascal, "Pensées," 267 Br.

[6] St. Augustine, Letters 130, 28 (PL 33, 505).

[7] S. Kierkegaard, "Journal," VIII A 11.

[8] Newman, op. cit., p. 262.

[9] B. Pascal, "Pensées," No. 146 (ed. Br. N. 277).

[10] R. Otto, Das Heilige. "Uber das Irrationale in der Idee des Göttlichen und seine Verhältnis zum Rationalem," 1917.

[11] I. Kant, “Kritik der praktischen Vernunft”, Beschluß (II 205).

[12] F. Collins, "The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief," Free Press, 2006, pp. 219 and 255.

[13] In Clemens Alexandrinus, "Stromata," 2, 9.

[14] F. Dostoyevsky, "The Brothers Karamazov," Part II, VI.

[15] Dionysius the Areopagite, "Divine Names II," 9 (PG 3, 648) ("pati divina").

[16] Cf. Newman, "Implicit and Explicit Reason," in University Sermons, XIII, quot., pp. 251-277.

[17] St. Gregory Nazianzen, "Carmina," XXIX (PG 37, 507).