BẮC NINH - Ngày 24.9.2009. Đúng ngày này 3 năm về trước, đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã giã từ trần thế về Nhà Cha trên trời. Trong tình yêu thì “gần là thương, xa là nhớ”. Thế nên, thời gian xa cách đã hơn 1000 ngày trôi qua, nhưng hình ảnh và tình cảm của đức cố Giám mục trong tâm trí bao người vẫn còn tươi mới như ngày hôm qua.

Hình ảnh lễ giỗ ĐC Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến

Trong tâm tình hiếu kính và biết ơn, tòa giám mục Bắc Ninh đã tổ chức Nghi thức tưởng niệm đức cố Giám mục và Thánh lễ cầu nguyện cho đức cố Giám mục nhân dịp lễ giỗ mãn tang của Ngài tại nhà thờ chính tòa Bắc Ninh. Đã có hàng ngàn người thuộc mọi thành phần dân Chúa tham dự.

Trong nghi thức tưởng niệm vào tối ngày 23.9, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, quý cha và toàn thể cộng đoàn cùng nhau xem lại thoáng qua những nét đẹp của những vị chủ chăn Bắc Ninh, đặc biệt là của đức cố giám mục Giuse Maria - vị cha hiền của gia đình giáo phận Bắc Ninh. Những kỉ niệm thân thương qua những hình ảnh, giọng nói của đức cố Giám mục hiện lên làm xúc động đến nao lòng, nhiều người đã không cầm được dòng nước mắt. Sau đó, đức cha, quý cha và toàn thể cộng đoàn lần lượt lên thắp những nén nhang tưởng nhớ trước trước mộ đức cố Giám mục.

Thánh lễ giỗ mãn tang đức cố Giám mục diễn ra vào sáng ngày 24.9.2009. Đúng 9 giờ, trong tiếng kèn đồng trầm hùng, đoàn đồng tế từ tòa giám mục tiến ra nhà thờ chính tòa. Tất cả quý cha tiến lên dâng những đóa hồng đỏ thắm như tấm lòng con thảo trước di ảnh đức cố Giám mục nơi cung thánh; quý đức cha thì tiến đến xá nhang trước mộ đức cố Giám mục ngay trong lòng nhà thờ chính tòa.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, đức cha chủ nhà Cosma Hoàng Văn Đạt đã giới thiệu đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh, chủ tế thánh lễ, và quý đức cha đồng tế: đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Hưng Hóa, đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng, đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Lạng Sơn, đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, giám mục giáo phận Thái Bình, đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, và quý cha Tổng đại diện, quý cha Bề trên dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Có hơn 60 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng đồng tế. Cộng đoàn tham dự ước tính gần 2000 người thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa. Mọi người đều được tặng cuốn sách “Yêu Thương Hiến Mình” gồm nhiều lời chứng về đời sống của đức cố giám mục Giuse Maria do linh mục Phêrô Chu Quang Minh, S.J. thâu thập.

Trong bài giảng, đức cha Antôn Vũ Huy Chương nhấn mạnh lễ giỗ là một nét văn hóa tâm linh thật đẹp trong thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Ngài đã chia sẻ như sau:

"1. Ngày “chết” là ngày “sinh”: Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm viếng phần mộ, còn cúng giỗ, ăn giỗ. Đây cũng là dịp những người thân trong gia đình, dòng họ họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Trong một bài viết về phong tục tập quán Việt Nam, Ông Đặng Văn Phùng đại ý bàn luận rằng: lễ giỗ được xếp vào loại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Mừng ngày sinh là phong tục Âu Tây có ý nghĩa hay. Ở nước ta, nhà nào tổ chức kỷ niệm ngày sinh càng hay, nhưng chưa có nhà nào bỏ được lễ giỗ.

Ý tưởng này làm tôi suy nghĩ thêm về quan niệm của người Công giáo khi gọi “chết” là “sinh thì” (lúc sinh), “sắp chết” là “rình sinh thì”, ví dụ Đàng Thánh giá, nơi thứ 12: “Đức Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá”. Như thế, đối với người công giáo, khi làm lễ giỗ, (lễ kỷ niệm “ngày chết”) lại mang ý nghĩa kỷ niệm “ngày sinh” vào cõi vĩnh hằng, nên vẫn gọi là ngày “về nhà Cha”, ngày “được Chúa gọi về” để sống hạnh phúc với Chúa sau khi đã hoàn tất tốt đẹp cuộc sống ở trần gian này.

2. Ngày giỗ là dịp họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong: Chúng ta họp mặt nhau đây để tưởng nhớ người đã khuất là Đức Cha Giuse. Tuy không cần nhắc lại công ơn của Người kể từ thập niên 80 trong sứ vụ mục tử với bao gian khó, khi mà có lúc giáo phận Bắc Ninh chỉ có một linh mục rưỡi, nhưng cũng nên bàn việc người sống giữ gìn gia phong.

Thiết tưởng, gia phong mà Đức Cha Giuse mong muốn cũng chính là gia phong mà Đức Giêsu đã mong muốn: “Xin cho chúng hiệp nhất” (Ga 12, 21). Tâm nguyện của Đức Cha Giuse từ đầu đời giám mục cũng là điều mà Đức Cha đã nhắc đi nhắc lại cho mọi thành phần dân Chúa trong bản văn tâm sự như lời “di chúc” của Người:

Với giáo dân, Người ngỏ ý: “Anh chị em đừng để cho những tham vọng hay những tính toán trần gian làm cho đoàn chiên bị chia năm xẻ bảy”;
Với Ban Hành giáo, Người lưu ý: “Xin cố gắng gìn giữ tinh thần hiệp nhất trong các xứ họ, đừng để tinh thần thế gian, óc bè phái, tính ham danh làm cho đoàn chiên Chúa phải thiệt thòi”;
Với các chủng sinh và dự tu, Người nhắc lại những điều Người “vẫn canh cánh bên lòng”: “Chính lòng yêu mến Chúa giúp chúng ta yêu mến nhau như anh chị em một nhà, biết hiệp nhất với nhau chung quanh người thay mặt Chúa, như một cây có nhiều cành”;
Với những người sống đời thánh hiến, cách riêng với Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, Người viết: “Cha xin chúng con đã dâng mình cho Chúa thì dâng cho trót. Chúa rất cần và rất quý những hy sinh âm thầm của chúng con. Chúng con phải lấy hiệp nhất làm phương châm sống. Muốn tu được, chúng con phải bỏ mình, ai có cái tôi to quá thì không tu được đâu. Có thể chúng con không nổi nang về học vấn, về công to việc lớn, nhưng chúng con phải nổi nang về tình thương yêu, về đức bác ái”;
Với các linh mục, Người tâm sự rằng: “Điều tôi tha thiết nhất là xin anh em đoàn kết với nhau. Giáo phận chúng ta trải rộng trên nhiều tỉnh, anh em đến từ nhiều nơi rồi lại đi phục vụ ở nhiều nơi, nhưng chỉ có một Chúa Kitô, một Hội thánh, và chúng ta có chung một người mẹ là giáo phận… Anh em cần giữ vững tinh thần hiệp nhất trong các xứ họ, đừng để những chia rẽ làm đoàn chiên suy yếu hay tan rã. Muốn được vậy, anh em hãy siêng năng cầu nguyện và hãy sống nghèo khó, khiêm nhường”.

Đúc kết những lời tâm sự như lời di chúc, Đức Cha Giuse đã viết những vần thơ như sau:

“Tôi nguyện làm viên gạch duới tầng sâu,
Làm chất đốt cho cuộc đời ấm lửa,
Làm phân bón cho cây đời tươi nhựa,
Trĩu quả vàng bát ngát những mùa sau”.


Cuối thánh lễ, cha Giuse Trần Quang Vinh, linh mục Tổng đại diện Bắc Ninh, thay lời cho giáo phận bày tỏ lòng tiếc thương đức cố giám mục Giuse Maria. Đồng thời, cảm ơn tình hiệp thông nâng đỡ của các Đấng bậc và mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kì.

Sau thánh lễ, nhiều người đã đến quây quần xung quanh mộ đức cố Giám mục để cầu nguyện cho Ngài, và cũng là để có ít phút cảm nghiệm những liên hệ tình cảm của từng người với đức cố Giám mục khả kính.

Đức cố giám mục Giuse Maria ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng mọi thành phần dân Chúa thuộc giáo phận Bắc Ninh. Trong tâm tình thảo hiếu mến yêu, có lẽ ai cũng muốn thưa với Ngài bằng tâm tình của lời ca Quan họ: “Người ơi, Người ở đừng về!” Đức cố giám mục đã mang lấy thân phận của giáo phận Bắc Ninh. Giáo phận là gia đình của ngài. Mọi giáo dân là người nhà của ngài. Vui buồn của giáo phận là vui buồn của Ngài. Sức sống của giáo phận là sức sống của ngài. Ngài đã hi sinh cuộc đời vì giáo phận.

Tưởng nhớ Đức cha cố Giuse Maria kính yêu, xin hãy noi gương Ngài, luôn trung thành yêu mến Chúa dù gặp nhiều gian nan khốn khó; xin hãy cùng nhau thực thi ước nguyện của Ngài mong cho mọi người hiệp nhất nên một; xin hãy cùng cầu nguyện cho Ngài để Ngài luôn ở với giáo phận và tiếp tục bầu cử cho giáo phận Bắc Ninh thân yêu.

Đức cố giám mục Giuse Maria như hạt giống gieo vào lòng đất, dần mục nát đi để sinh nhiều hoa trái. Chúng ta tin rằng: nhờ ơn Chúa, qua lời cầu bầu của đức cố Giám mục, sự hướng dẫn của đức Giám mục đương nhiệm và sự chung sức chung lòng của toàn thể những người con giáo phận Bắc Ninh, những hạt giống tin tưởng, yêu thương, dựng xây, hiệp nhất sẽ nảy mầm lớn lên, làm cho khu vườn giáo phận Bắc Ninh trổ sinh nhiều hoa trái đức tin, ngát thơm hương nhân đức và rực rỡ sắc màu của những hi sinh chan chứa yêu thương.