Tình hình Việt Nam trong thời gian vừa qua có nhiều sự kiện khiến nhà cầm quyền phải đau đầu, chật vật tìm cách đối phó. Chưa bao giờ lòng tin của nhân dân với nhà nước lại xuống cấp trầm trọng như bây giờ. Đại đa số bộ phận dân chúng được hỏi ý kiến đều lắc đầu chán nản khi nhắc tới hai chữ “chính quyền”. Từ vụ bắt bớ và xét xử hai nhà báo thuộc tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, cùng với thiếu tướng công an, người từng được dân chúng coi là vị anh hùng chống tham nhũng, người dân đã chứng kiến những sự lật lọng, biến đổi 180 độ trong cách xử lý vụ việc này, họ càng hoài nghi về sự khách quan của bộ máy chính quyền trên cơ sở thực tế mà họ chứng kiến. Cộng với chứng khoán sụt giảm, các ngân hàng huy động lãi suất gửi cao khủng khiếp khiến lãi suất của người đi vay cũng phải chịu mức quá lớn so với việc kinh doanh lương thiện. Nhiều hoạt động kinh doanh trở nên ngưng trệ, nạn thất nghiệp gia tăng rất nhanh. Một số lớn công nhân ở các khu công nghiệp bị cắt giảm biên chế, cắt giảm lương tiền phải lao ra đường phố tìm kiếm những việc khác để mưu sinh, họ không thể trở về quê vì đồng ruộng đã bị nhà nước trưng thu dùng cho khu công nghiệp, với giá đền bù rẻ mạt. Những đồng tiền đền bù cầm chưa nóng tay đã bị lạm phát, vật giá đắt đỏ khiến chúng giảm nhiều giá trị.

Cán cân thương mại với nước láng giềng Trung Quốc thâm hụt nghiêm trong tới hàng tỷ đô la một năm. Chính sách thương mại giữa hai nhà nước Việt Nam - Trung Hoa đẩy các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dung trong nước vào thế bị chèn ép, không cạnh tranh nổi. Về hàng nông nghiệp nuôi trồng hiện nay, hàng Trung Quốc còn xuất ngược vào Việt Nam từ hoa quả đến gia súc. Việt Nam chỉ bán sang Trung Quốc những mặt hàng thuộc diện đặc sản tự nhiên.

Vụ tham nhũng, hối lộ PCI khiến người Nhật tức giận cắt mất nguồn vốn viện trợ ODA, một trong những nguồn vốn quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế đất nước. Trong vụ việc này lỗi hoàn toàn do quan chức Việt Nam gây nên. Người Việt Nam một lần nữa chả thiết bày tỏ sự chán nản nữa, giờ đây họ hầu như coi việc nhà nuớc làm những gì sai trái là việc dĩ nhiên.

Nổi bật và nhức nhối nhất là chuyện đất đai, sở hữu và chủ quyền. Từ đối ngoại biên giới hải đảo bị người anh cả Trung Quốc thôn tính trắng trợn đến việc thu hồi đất nông nghiệp đền bù. Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình ở địa phương do nông dân phản đối chính sách đền bù, giải toả của chính quyền, cá biệt có nơi do bức xúc căng thẳng đã xông vào trụ sở chính quyền địa phương dành loa, đài để phát biểu ý kiến như Thái Bình hay Tiên Sơn, Bắc Ninh. Sự bắt bớ, giam giữ không khiến người nông dân sợ hãi mà càng khiến họ trở nên chán ghét và phẫn uất với chế độ hiện hành. Trong vấn đề chủ quyền đất nước biên giới và biển đảo những hành động đối ngoại ươn hèn của chính quyền khiến dư luận cực kỳ phẫn nộ, đỉnh cao là những cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên tại Hà Nội xảy ra liên tiếp khiên chính quyền phải huy động các loại cảnh sát để ngăn chặn, bắt bớ.

Sự kiện lớn nhất phản đối chính sách đất đai lại xảy ra tại trung tâm thủ đô, khi mà hang ngàn người Công Giáo vốn hiền hoà bỗng công khai sát cánh phản đối chính quyền Hà Nội manh tâm chiếm đoạt đất đai của họ để làm biệt thự, nhà hàng, nơi kinh doanh ăn chơi trác tang. Căng thẳng đến cực độ khi hàng ngàn người công giáo và hang trăm cảnh sát trang bị dùi cui, bình hơi cay, xe phun nước trong phạm vi chật hẹp… quyết định xây vườn hoa trên khu đất của người Công Giáo tạm thời làm lắng xuống những buổi cầu nguyện thắp nến đòi công lý sự thật của họ. Người dân trong nước thở phào nhẹ nhõm sau khi nín thở cả năm trời theo dõi quan sát cuộc đấu tranh đòi Công lý - Sự thật của người Công Giáo và những đối phó đầy tính hăm doạ, phô trương bạo lực của chính quyền.

Nhưng đất nước vẫn chưa yên khi nhà cầm quyền Việt Nam đồng ý cho hàng vạn người Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác quặng nhôm. Một lần nữa những người yêu nước lại sục sôi lòng căm phẫn khi nhìn thấy kẻ thù truyền kiếp ngang nhiên đổ vào nước Việt Nam. Để đối phó với tinh thần yêu nước ấy, chính quyền đã tổ chức hội thảo một cách bịp bợm trong vòng một ngày tại khách sạn Melia để bàn đến chuyện trọng đại, nhiều ý kiến phản đối có cơ sơ khoa học đã không được trình bày đầy đủ. Ngay khi hội thảo xong chính quyền ra thông cáo báo chí bắt dư luận, báo chí phải nhắc đến Tây Nguyên theo chủ trương của họ. Những người trí thức Việt Nam đã ký tên vào bản kháng nghị, ý tưởng biểu tình mới manh nha sẽ tổ chức ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng vào hôm 23-4 vừa qua được cảnh sát theo dõi chặt chẽ, tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng mỗi mét vuông là một cảnh sát, công an đứng chiếm chỗ.

Chỉ với những vài hình ảnh phác qua, đã thấy tình hình an ninh, trật tự Việt Nam đang đứng trên thế cực kỳ chênh vênh, khi mà động đến bất cứ vấn đề gì như y tế, giáo dục, điện lực, giao thông, cứu trợ, ngoại giao, kinh tế,… đều chứa những tiêu cực khiến nhân dân bất mãn.

Thế nhưng dường như nhà cầm quyền không bận tậm đến sự bất mãn, không đồng tình của quần chúng nhân dân đối với những hành xử của họ.

Chính quyền Hà Nội một lần nữa khiêu khích người Công Giáo khi tiến hành xây dựng trên khu đất thuộc sở hữu của giáo xứ Thái Hà - có tên là Ba Giang, ngay khi dư âm về vụ xử án hôm 27-3 còn đang khiến họ thấy bộ mặt chính quyền thiếu thiện chí. Họ còn đang nung nấu ý chí đòi bằng được công lý mà phiên toà hắc ám mượn danh toà án nhân dân tước đi của họ. Dường như chính quyền Hà Nội hành động vội vã vào thời điểm này là cố ý muốn có sự phản đối gay gắt từ phía người Công Giáo. Vậy họ làm thế để làm gì?

Chúng ta hãy nhìn lại chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành uỷ Hà Nội. Và chúng ta nên nhớ một điều, bất kỳ một vị lãnh đạo nào khi bị áp lực từ phía phạm vi họ phụ trách đều tìm cách sang Trung Quốc. Ông Nông Đức Mạnh lung lay vì vụ PMU18 sau khi đi Trung Quốc về, vụ việc này đã quay ngoắt lại, Nguyễn Việt Tiến được tha bổng, còn người đấu tranh lại bị ra toà. Ông Nguyễn Tấn Dũng kém thế trong thời gian qua, khi bị tước mất số quyền hạn chỉ đạo kinh tế. Đi thăm Trung Quốc về ông đã mạnh mẽ nói trắng trợn rằng – Khai thác quặng ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng.

Phải chăng 20 năm nội chiến Nam Bắc, cuộc thử nghiệm cho các thế lực cường quốc mà Việt Nam là bàn cờ chưa đủ. Mà giờ các nhà lãnh đạo Việt Nam tự nguyện đồng ý làm các cuộc thử nghiệm về đối nội mà người Trung Quốc đứng ra làm tổng công trình sư chỉ đạo? Ông Nghị học gì từ Hồ Cẩm Đào trong kinh nghiệm đàn áp tôn giáo ở Tây Tạng hồi ông Đào làm bí thư nơi đó?

Trong lúc đất nước bề bộn như đã nói trên, chắc chắn ông Phạm Quang Nghị phải có những kế hoạch và sự ủng hộ của một thế lực to lớn như Trung Quốc, thì ông mới dám khơi lại vết thương đang nhức nhối của người Công Giáo. Đem kế sách, mưu toan, thủ đoạn thâm độc của nước ngoài về để áp dụng với nhân dân Việt nam. Phải chăng đây là đòn bẩy để ông thực hiện tham vọng chính trị của mình ở kỳ đại hội sắp tới. Nếu vậy ông Nghị quả là tay bạc dám đánh canh lớn, mà ông đánh canh bạc này cũng vì uy tín đã mất sau lời phát biểu vụ lũ lụt tại Hà Nội. Ông Nghị muốn chứng tỏ rằng ông sẽ là người lãnh đạo kiên quyết, triệt để, cứng rắn để trấn áp những bất mãn, bất đồng trong nhân dân hơn hẳn những người khác.

Trong lúc mọi việc mà người khác phụ trách đang loay hoay đối phó với sức mạnh phản đối quần chúng, Ba Giang sẽ là thí điểm để ông Nghị chứng tỏ mình là người cầm lái trong tương lai, người lãnh đạo có khả năng trấn áp quần chúng nhân dân. Ông Nghị sẽ là lựa chọn số một khi mà sự bất an trong các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam về sự tồn vong của đảng đang lan tràn. Cũng như người thầy Đỗ Mười của mình đã thực hiện những biện pháp hà khắc, cứng rắn trong những thời kỳ biến động, ông Nghị có thể sẽ là lựa chọn thay thế chức vụ cao nhất trong Đảng nếu ông thành công khi đè bẹp ý chí của 8,6 triệu người Công Giáo ở Việt Nam.

Thật đáng buồn là sự kiện Ba Giang và tâm tư hàng triệu người Công Giáo Việt Nam lại là nấc thang chính trị của một người tham vọng như ông Phạm Quang Nghị.