Dưới bầu trời nắng ấm, lúc 10h 15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh 12/4/2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã cử hành Lễ Phục Sinh trước tiền đình đền thờ Thánh Phêrô với sự hiện diện của đông đảo khách hành hương đứng chật quảng trường.

Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Cùng với những người hành hương, hàng trăm triệu người trên thế giới cũng gián tiếp tham dự biến cố này qua màn ảnh của 102 hệ thống truyền hình.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến,

Từ thẳm sâu tâm hồn, tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Mùa Phục Sinh đầy ơn phúc với những lời sau mượn của Thánh Augustinô: “sự phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng một trong những câu hỏi gây ra khắc khoải nhất cho con người là điều gì sẽ diễn ra sau khi chết? Trước mầu nhiệm này, đại lễ hôm nay cho phép chúng ta đáp trả rằng sự chết không có tiếng nói chung cuộc, bởi vì cuối cùng Sự Sống mới là người chiến thắng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự phục sinh không phải là một lý thuyết nhưng là một thực tại lịch sử. Đó chẳng phải là một huyền thoại hay một ước mơ, cũng chẳng phải là một thị kiến hay một hoài bão, chẳng phải chuyện thần thoại, mà là một biến cố độc nhất vô nhị: Đức Giêsu Nazareth, con của bà Maria, Đấng đã được hạ xác xuống khỏi Thập Giá vào buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu, và được an táng trong mồ, Đấng ấy đã vinh quang rời bỏ ngôi mộ.

Theo Đức Thánh Cha, việc công bố biến cố Phục Sinh chiếu soi những vùng tối tăm trên thế giới mà chúng ta đang sống. Cách riêng ngài muốn nói đến thuyết duy vật và thuyết hư vô, đến tầm nhìn không vươn lên cao hơn nổi những điều mà khoa học có thể kiểm chứng.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng sự chết không còn quyền hành trên nhân loại và thế giới nữa, nhưng vẫn còn nhiều, thậm chí rất nhiều dấu vết sự thống trị của nó trước đây. Dẫu cho qua biến cố Phục Sinh, Chúa Kitô đã hủy diệt gốc rễ của sự dữ, nhưng Người vẫn còn cần đến những trợ giúp của những con người nam nữ thuộc mọi thời đại và nơi chốn, những người giúp khẳng định chiến thắng của Người với những khí cụ của chính Người là công lý, chân lý, lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu.

Đức Thánh Cha đã gởi lời chào Phục sinh đến anh chị em tín hữu hành hương lần lượt bằng tiếng Ý, Nga, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hindi, Tamil, Bengali, Miến Điện, Trung Hoa, Nhật, Hàn quốc, Việt Nam, Sinhalese, Thái, Nam Dương, Cam Bốt, Phi Luật Tân và các thứ tiếng khác tổng cộng đến 63 thứ tiếng, kể cả tiếng Ả rập, Hêbrơ và quốc tế ngữ Ét Bê Ran Tô.

Sau đó, vị Hồng Y bên cạnh Ðức Thánh Cha đã loan báo cho mọi người biết Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá cho mọi người hiện diện cũng như cho tất cả những ai theo dõi Sứ Ðiệp Phục Sinh qua truyền thanh và truyền hình. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha được nhiều sức khoẻ, cho Giáo Hội được sống trong an bình. Ðức Thánh Cha đã đọc lời "xin vì công nghiệp của các Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô, của Ðức Mẹ và các Thánh, xin Thiên Chúa thương tha thứ mọi tội lỗi..." Rồi Ðức Thánh Cha đọc lời ban ơn Xá Giải... Và công thức ban phép lành.