Vatican (CNS) – Nạn nghèo đói, đặc biệt là khoảng cách càng ngày càng lớn giữa kẻ giầu và người nghèo trên thế giới, là một trong những tình huống bi thảm nhất hiện nay thế giới phải đương đầu, và cần đến sự đáp ứng của người Kitô hữu, cũng như của các nhà cầm quyền. Đó là phát biểu của Đức hồng y Renato Martino, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.

Ngài tuyên bố rằng văn phòng của ngài đang soạn thảo một văn kiện về “nạn nghèo đói trong thời đại toàn cầu hóa.”

Đài phát thanh Vatican hôm 2 tháng 9 tường trình lời tuyên bố của Đức hồng y khi ngài thăm viếng Tazania ở châu Phi hồi cuối tháng 8 vừa qua. Tại đây ngài chủ trì buổi trình bầy cho cả châu lục Bản Toát yếu về Học thuyết Xã hội của Giáo hội.

Ngài nói: “Lời cam kết tổ chức và cấu trúc xã hội theo đường hướng bảo đảm cho người láng diềng sống lân cận không phải thấy mình trong cảnh nghèo đói, là một hành động bác ái tuyệt đối cần thiết.”

Nghĩa vụ phải hoạt động để xóa nạn nghèo đói là điều đặc biệt đòi hỏi “khi có không biết bao nhiêu người – có khi cả một dân tộc” đang lún sâu vào cảnh đói nghèo trong lúc những người giàu có trên thế giới càng ngày càng giàu hơn.

Ngài nói rằng tình huống đó đã đi đến “mức trở thành một vấn nạn xã hội thực tế cho cả toàn cầu.”

“Nạn nghèo đói – đặc biệt là sự bất quân bình giữa các vùng, giữa những châu lục, giữa những quốc gia, và ngay trong phạm vi một quốc gia – đã tạo thành vấn đề bi thảm nhất mà thế giới đang phải đương đầu.”

Đức hồng y Martino nói rằng Tin Mừng kêu gọi người Kitô hữu bắt chước gương Đức Giêsu và “dành ưu tiên cho người nghèo, dùng năng lực và tài nguyên của chúng ta để phục vụ người nghèo, và xem xét đến việc canh tân xã hội bắt đầu từ nhu cầu của người nghèo.”

Tuy ngài không xác định khi nào văn kiện mới này sẽ hoàn tất nhưng nói rằng văn kiện đó sẽ “trình bày công tác chống nghèo đói dựa theo Tin Mừng” và nâng cao ý thức của người Công giáo về vấn đề nghèo đói, nhất là sự kiện phụ nữ và trẻ em đang chiếm thành phần lớn lao nhất trong số những người cực kỳ nghèo đói trên thế giới.