Thiên Chúa vừa ở gần vừa không thể tiếp xúc được.
VATICAN 27/11/2002 (Zenit. org). - Đây là bản dịch bài phát biểu của Đức Gioan Phaolô II trong buổi triều yết chung hôm nay, dành cho việc suy tư về Thánh vịnh 98(99). * * *


1. "Chúa là vua. "Sự tung hô này, đặt đầu Thánh vịnh 98(99) chúng ta vừa nghe, mạc khải chủ đề cơ bản và loại văn chương đặc sắc của Thánh vịnh. Đó là một bài ca cao quí dân Chúa dâng lên Đức Chúa, Đấng cai trị thế giới và lịch sử như một ông vua siêu đẳng và tối cao. Thánh vịnh này nhắc chúng ta nhớ những thánh thi tương tự--những Thánh vịnh 95-97, đã là chủ đề suy tư của chúng ta--mà phụng vụ kinh sáng đưa vào như một kinh mai lý tưởng.

Thật vậy, khi người tín hữu này bắt đầu ngày của mình, người ấy biết mình không bị phó mặc cho sự may rủi đui mù và đen tối, cũng không bị giao cho sự bất trắc của tự do mình, cũng không tùy thuộc vào những quyết định của những kẻ khác, cũng không bị chi phối bởi những biến cố lịch sử. Người tín hữu biết rằng Đấng Sáng tạo và Cứu độ, trong sự cao cả, thánh thiện và thương xót của Người, ở trên tất cả thực tại trần thế

2. Có nhiều giả thuyết do các học giả đưa ra về việc sử dụng Thánh vịnh này trong phụng vụ Đền thờ Zion. Trong bầt cứ trường hợp nào, Thánh vịnh có đặc tính một lời ca ngợi chiêm ngưỡng bay lên tới Chúa, ngự trong vinh quang thiên đường trước tất cả các dân tộc và địa cầu (x. c. 1). Và còn, Thiên Chúa tự hiện diện trong một lãnh vực và ở giữa một cộng đồng, tức là Jerusalem (x. c. 2), chứng tỏ Người là"Thiên Chúa ở cùng chúng ta. "

Tác giả Thánh vịnh gán cho Chúa bảy tước hiệu trọng thể trong những câu đầu. Người là vua, vĩ đại, hiển trị, khả úy, thánh thiện, uy dũng, công minh (x. cc. 1-4). Trên hết, sự thánh thiện Chúa được nhấn mạnh: Thật vậy, ba lần Thánh vịnh lập lại--hầu như trong hình thức một điệp ca--Ngài là "Đấng Thánh" (cc. 3, 5, 9). Trong ngôn ngữ kinh thánh, từ ngữ chỉ, hơn hết, tính siêu việt của Chúa. Chúa cao trổi hơn chúng ta, và tự đặt mình đến đổi vô cùng trên tất cả mọi loài thụ tạo của Người. Tính siêu việt này, dầu sao, không biến Người thành ông vua vô cảm và xa lạ. Khi được cầu khẩn, Chúa đáp lời (x. c 6). Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu độ, Đấng duy nhất có thể giải cứu nhân loại khỏi tội và sự chết. Thật vậy, Người [là một] vì "vua yêu chuộng công bình" và " ấn định đường ngay lẽ phải trong nhà Giacob" (c. 4)

3. Các Giáo phụ đã suy nghĩ nhiều về chủ đề sư thánh thiện của Chúa, ca tụng sự không thể đến gần của Thiên Chúa. Dầu vậy, Thiên Chúa siêu việt và thánh thiện này đã tới gần con người. Điều hơn nữa, như thánh Irenaeus nói, Cựu Ước đã nói Người đã trở thành "quen thuộc" với con người, bằng cách tỏ mình qua những lần hiện ra và nói qua các ngôn sứ, đang khi con người trở thành "quen thuộc " với Chúa, bằng cách theo và vâng phục Người. Điều hơn nữa, trong một thánh thi của ngài, thánh Ephrem nhấn mạnh rằng qua mầu nhiệm Nhập hể " đấng thánh đã làm nơi trú ngụ cho mình trong lòng (Đức Maria) bằng cách mặc lấy xác, bây giờ Người làm nơi cư trú cho Người trong tâm trí cách thiêng liêng" (" Inni sulla Nativitate" [Những thánh thi trong ngày Giáng sinh], 4, 130). Hơn nữa, qua ân huệ Thánh Thể, tương tự với sự Nhập thể, "Đấng Phân phát sự Sống từ nơi cao xuống ở trong những kẻ xứng đáng. Sau khi Chúa vào, Chúa làm nhà ở với chúng ta, nhờ vậy chính chúng ta được thánh hoá trong Ngưới" ("Inni conservati in armeno" [Những Thánh thi giữ trong Aemenian], 47, 27. 30).

4. Sự liên kết sâu xa giữa "sự thánh thiện" và sự gần gũi của Chúa cũng được phát triển trong Thánh vịnh 98(99). Trên thực tế, sau khi đã chiêm ngưỡng sự trọn lành tuyệt đối của Chúa, Tác giả thánh vịnh nhắc nhớ Thiên Chúa luôn tiếp xúc với dân mình qua Moise và Aaron, những kẻ trung gian của Người, cũng như Samuel, ngôn sứ của Người. Người nói và được nghe, người phạt các lỗi phạm nhưng cũng tha thứ.

Dấu chỉ sự hiện diện của Người ở giữa dân là "bệ chân của người, " nghĩa là, ngai hòm bia đền thờ Zion (x. cc 5-8). Do đó, Chúa chí thánh và vô hình, đưa mình tới với dân Người qua ông Mose người lập luật, Aaron thầy tư tế và Samuel vị ngôn sứ. Người mạc khải mình trong những lời nói và việc làm cứu độ và xét xử, và hiện diện tại Zion qua sự thờ phượng cử hành trong đền thờ.

5. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thánh vịnh 98(99) đã được hiện thực ngày nay trong Giáo hội, ngai tòa sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh và siêu việt. Chúa không rút lui vào trong vùng không thể tới của mầu nhiệm Người, dững dưng với lịch sử chúng ta và với những chờ đợi của chúng ta. Người "đến để quản trị trái đất, quản trị thế giới theo đường công chính và xét xử muôn dân theo lẽ công bình" (Tv 97[98]:9).

Thiên Chúa đến giữa chúng ta hơn hết trong Con của Người, tự hiến mình thành một người trong chúng ta để truyền sự sống và sự thánh thiện của Nguời trong chúng ta. Do điều này, bây giờ chúng ta tới gần Chúa với lòng tin tưởng, chớ không phải sợ. Thật vậy, trong Chúa Kitô chúng ta có vị linh mục chí hánh cao cả, vô tội, vô tì ố. Người "luôn luôn có khả năng cứu chuộc những ai tới gần Chúa qua Người, bởi vì Người sống mãi để phù hộ họ" (Dt 7: 25). Bấy giờ, bài ca của chúng ta tràn đầy sự thanh thản và niềm vui: Bài ca tán dương Chúa là vua, ở giữa chúng ta, sẽ lau sạch nước mắt chúng ta (x. Kh 21:3-4).

Đức thánh Cha sau đó nói tóm tắt bằng tiếng Anh
Anh chị em thân mến,

Thánh vịnh 98 ca ngợi sự thánh thiện của Chúa và diễn tả lòng dân tin tưởng rằng Chúa đấng cao cả, thương xót và thánh thiện đứng trên mọi thực tại trần thế. Khi Thánh vịnh công nhận tính siêu việt của Chúa, cũng thừa nhận với lòng biết ơn sự săn sàng của Chúa đáp ứng những nhu cầu của con người. Mose, Aaron, và Samuel tất cả đều "kêu xin Chúa và Chúa đã nhận lời. "Sự liên kết giữa "sự thánh thiện" và "sự gần gũi" của Chúa được biểu lộ ngày nay trong Giáo hội. Thiên Chúa chí thánh và siêu việt hành động qua Giáo hội vì Giáo hội nhận làm sứ vụ cứu độ của mình trong thế giới. Với Chúa Kitô ở giữa chúng ta, chúng ta cũng quay về với Chúa Cha, không phải sợ nhưng với lòng tin tưởng. Trong lời cảm tạ chúng ta " biểu dương Đức Chúa Chúa chúng ta và sấp mình trước núi thánh của người. "

Tôi gởi một lời chào cách riêng đến những người hành hương nói tiếng Anh hiện diện hôm nay, đặc biệt các nhóm đến từ Huê kỳ. Tôi cám ơn Ca đoàn Freedom High School đã nâng cao tâm hồn chúng ta lên tới Chúa với những bài hát ngợi khen của họ. Tôi cầu xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta xuống trên tất cả anh chị em.