Cách Thức Hoạch Định Tài Sản theo Tinh Thần Công Giáo (Phần II)

E. Các Công Cụ Hoạch Định Tài Sản (Estate Planning Tools)

1. Di Chúc (Will):

Rồi Mai Mình Sẽ Trở Về Bụi Tro...
(a) Di Chúc là gì và tại sao bạn cần phải có một Di Chúc?

Thưa, một Di Chúc chính là hành động cuối cùng của bạn về tình thần “stewardship” Kitô Giáo. Những hành động của bạn trong suốt trọn cuộc sống của bạn sẽ trở nên một bản tuyên bố (statement) về đức tin của bạn. Như là một hành động cuối cùng của bạn, Di Chúc của bạn sẽ phục vụ như là một lời chứng thực cuối cùng về cuộc hành trình đức tin của bạn nơi trần thế. Bạn thực thi một đặc ân về mặt tâm linh khi bạn hoạch định và viết ra Di Chúc của bạn.

Hay nói cách khác Di Chúc đó chính là một sự phản ánh cá nhân về việc bạn là ai và đâu là các giá trị sống của bạn, và tái khẳng định tín ngưỡng và niềm tin của bạn vào sứ vụ của Giáo Hội. Di Chúc của bạn sẽ khuyến khích những người khác xem xét bằng cách nào mà họ có thể giúp đỡ một cách tích cực hơn nữa vào việc thi hành sứ vụ của Giáo Hội nơi trần thế này.

Một Di Chúc được viết ra một cách đúng đắn chính là một trong những tờ giấy quan trọng nhất mà bạn sẽ từng ký vào. Đó chính là một văn kiện pháp lý sẽ nói về tâm trí của bạn và bảo đảm rằng những ước nguyện của bạn về gia đình, những người thân yêu và tài sản của bạn sẽ được đem ra thực thi.

Như đã nói trên, theo ước tính, cứ 10 người Mỹ, thì đã có tới 7 người có một Di Chúc lỗi thời, không được cập nhật thích hợp hay chết đi mà không có để lại một Di Chúc nào cả.

(b) Điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn chết mà không có một Di Chúc?

Thì tiểu bang mà bạn đang cư ngụ, sẽ quyết định thay cho bạn. Những rắc rối ra sao, như đã được đề cập ở phần trên. Suy cho cùng, việc chết đi mà không để lại một Di Chúc nào, chính là cách cho thấy bạn đã mất đi cơ hội để hiện thể và chứng tỏ tình yêu thương của bạn cho những người mà bạn yêu thương và quý mến.

(c) Thủ tục chứng thực một Di Chúc (probate) là gì?

Đó là một tiến trình hòng xem xét là liệu bản Di Chúc đó có đúng thực là bản Di Chúc không và việc phân chia tài sản theo những gì đã được chỉ định cụ thể trong bản Di Chúc.

Đó là một tiến trình cần có của tòa án hòng đạt được các mục tiêu sau:

Nhận dạng ra các tài sản, tức các tài sản được thu thập lại và được kiểm kê để quyết định xem là tài sản nào là do người quá cố sở hữu.

Quyết định xem ai là người được thừa kế các tài sản đó. Trong thủ tục chứng thực Di Chúc, tất cả những người thừa kế (heirs), và những người được hưởng hoa lợi (beneficiaries) được nhận dạng ra trong một tiến trình có tổ chức để quyết định xem các tài sản sẽ được phân chia như thế nào.

Thỏa mãn tất cả những yêu sách, đòi hỏi (claims) và những chi phí thích hợp. Tòa án chứng thực Di Chúc sẽ tạo cơ hội cho tất cả những người chủ tín dụng (creditors) và những người buôn bán (vendors) xuất hiện trước tòa để chứng tỏ hay đòi lại những khoản nợ nào đó mà người quá cố còn nợ lại.

Chuyển nhượng danh nghĩa (title), vì người quá cố không còn có thể thực hiện chứng thư (deed) hay nói cách khác không thể chuyển nhượng tài sản một cách pháp lý được nữa, thì hệ thống của tòa án chứng thực sẽ cung cấp các văn kiện pháp lý cần thiết để cho thấy có một sự chuyển nhượng danh nghĩa từ người quá cố xuống cho người được chuyển nhượng (transferee).

Thủ tục chứng thực tốn khoảng bao nhiêu và kéo dài trong bao lâu?

Theo một quy luật chung, chi phí thường chiếm khoảng 3-5% về tổng giá trị hiện có trên thị trường của tất cả những loại tài sản của người quá cố được tòa chứng thực Di Chúc tạm thời quản lý. Thông thường, mất khoảng từ 9-12 tháng để hoàn thành xong tiến trình này, đôi lúc, còn kéo dài hơn thế nữa.

(d) Cách thức lựa chọn một luật sư?

Bạn nên chọn luật sư nào chuyên về việc hoạch định tài sản và hiểu biết các luật lệ về thuế khóa. Chi phí cũng chẳng khác gì so với một luật sư bình thường, nhưng bù lại, kiến thức, kinh nghiệm và tính hiệu quả của họ thường cho phép họ biết cách lập ra một kế hoạch đầy đủ hơn.

Cách tốt nhất là bạn nên tiếp xúc với Bộ Phận đặc trách về Stewardship tại Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận của bạn, để tìm ra vị luật sư chuyên nghiệp đó, vì đó là cách an toàn nhất.

(e) Đâu là những chi tiết của một Di Chúc?

Một Di Chúc đầy đủ, gồm có việc:

(e1) Nêu rõ đích danh người thực hiện Di Chúc (hay người đại diện cá nhân). Lưu ý: Nếu bạn chỉ định ngân hàng hay luật sư là người thực hiện Di Chúc, thì họ sẽ thu một khoản phí từ 3-6% hay cao hơn trong tổng trị giá của tất cả các tài sản để lại của bạn theo giá thị trường.

Do đó, nên chọn ra một người thân, tín cẩn, trung thực, hay chỉ định vị Linh Mục chánh xứ hay vị đại diện Giáo Phận của bạn, làm chuyện đó thay thế bạn.

(e2) Quyết định xem ai là những người giám hộ các con còn nhỏ tuổi của bạn.

(e3) Đưa ra những chỉ dẩn cụ thể có liên quan đến việc các con còn nhỏ của mình sẽ được nuôi nấng như thế nào.

(e4) Quyết định dùng sự tích lũy từ các tài sản hiện có (accumulated wealth)

(e5) Bày tỏ lòng biết ơn chân thành của bạn về những ơn huệ mà bạn đã được lãnh nhận trong suốt cuộc đời dương thế bằng việc nhớ đến Giáo Hội, Giáo Xứ, Giáo Phận, vân vân của bạn.

2. Chúc Thư (Bequests):

Chúc Thư chính là một món quà để lại bằng tài sản cá nhân qua Di Chúc, hay nói khác đi, bất cứ món quà nào để lại qua Di Chúc. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ khuyến khích những loại Chúc Thư theo kiểu này, bằng cách giảm thuế tối đa đối với những Chúc Thư để lại vì mục đích từ thiện, bác ái.

Có sáu (6) loại Chúc Thư như sau:

(a) Chúc Thư Cụ Thể (Specific Bequest) chính là loại Chúc Thư mà bạn nêu rõ danh tánh của Giáo Xứ, Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân… sẽ nhận được một khoản tiền cụ thể nào đó, một khoản tài sản cụ thể nào đó, hay một tỉ lệ phần trăm cụ thể nào đó của các tài sản. Đây chính là một trong những dạng phổ biến nhất trong số các loại Chúc Thư.

(b) Chúc Thư Thặng Dư (Residual Bequest) chính là loại Chúc Thư mà bạn nêu rõ danh tánh của Giáo Xứ, Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân… sẽ nhận được tất cả hay một tỉ lệ phần trăm nào đó của các tài sản sau khi đã phân phát hết những gì được đề cập trong (a) và việc thanh toán hết cả các món nợ nần, thuế má, và các khoản chi tiêu khác.

(c) Chúc Thư Bất Ngờ (Contingent Bequest) chính là loại Chúc Thư mà bạn nêu rõ danh tánh của Giáo Xứ, Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân… sẽ nhận được một phần hay tất cả các tài sản, trong một số trường hợp cụ thể nào đó được nêu ra.

(d) Ủy Thác được thành lập dưới dạng một Di Chúc (Trust established under a will), tức một Ủy Thác có được nhằm cung cấp cho cả người thừa kế chính (là Giáo Xứ, hay Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân), và tất cả những người được thừa hưởng khác.

(e) Người được thừa hưởng về Các Quỹ Hưu Bổng, IRA và 401K (Beneficiary of Retirement Plans, IRA’s and 401K Plans): Hãy nhớ đến Giáo Xứ hay Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân….của bạn khi bạn liệt kê tên của người được thừa hưởng sau người thân của các bạn.

(f) Khoản Bổ Sung vào Tờ Di Chúc (Codicil): đây chính là Phần Thêm Vào trong Di Chúc của bạn, và bạn nêu ra một số những thay đổi so với tờ Di Chúc nguyên thủy của bạn. Nếu trước kia, bạn đã có một tờ Di Chúc, mà chưa nghĩ đến việc chuyển giao cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân một khoản nào đó trong tổng số tài sản của bạn, thì bạn cần phải thêm vào một Chúc Thư cho tên của Giáo Xứ, hay Giáo Phận, Tòa Thánh, bằng cách hoàn thành một Khoản Bổ Sung vào Tờ Di Chúc. Luật sư của bạn có thể giúp bạn làm điều này.

Những Lưu Ý Chung về Chúc Thư:

Mức thuế tài sản liên bang (federal estate tax) hiện tại là khoảng từ 45% đến 48%. Các tài sản của bạn sẽ bị đánh thuế nếu tổng giá trị của các tài sản đó vượt quá 1.5 triệu Mỹ kim trong năm 2005, và 2 triệu Mỹ kim trong năm 2006. Để tìm hiểu rõ hơn về loại mức thuế này, bạn nên tham khảo với luật sư chuyên về ngành Hoạch Định Tài Sản (Estate Planning), và bạn có thể biết được các luật sư này qua việc tham khảo với các Giáo Xứ, hay Giáo Phận của bạn, hơn là chọn loại Luật Sư theo thị trường trần tục.

Một Chúc Thư Từ Thiện (Charitable Bequest) được giảm hay khỏi phải đóng thuế tài sản liên bang. Hầu hết các tiểu bang nới lõng việc đánh thuế đối với những Chúc Thư nào dành cho Giáo Xứ, Giáo Phận, Tòa Thánh, hay các tổ chức từ thiện, vân vân.

Trơ Trọi Cùng Cát Bụi
3. Quỹ Ủy Thác (Trusts):

Quỹ Ủy Thác được lập ra nhằm giải quyết nhiều loại tác vụ khác nhau như: làm giảm gánh nặng về thuế tài sản (estate tax) trong tương lai, tránh việc phải ra tòa chứng thực Di Chúc (probate court) và việc cung cấp cho các con còn trẻ chưa đến tuổi vị thành niên.

Nếu bạn có rất nhiều tài sản lớn (large estate), bạn có thể dùng Quỹ Ủy Thác Từ Thiện Chính (Charitable Lead Trust) để cho Giáo Xứ, Giáo Phận hay Tòa Thánh, cùng các tổ chức từ thiện, vân vân, và chuyển giao chúng cho các thành viên của gia đình mà bạn không bị phạt thuế.

Cách hoạt động của Quỹ Ủy Thác Từ Thiện Chính là: bạn chuyển giao tất cả các tài sản (assets) của bạn vào một Quỹ Ủy Thác (trust) nhằm cung cấp các khoản tiền sinh lợi cho Giáo Xứ, Giáo Phận hay Tòa Thánh vân vân, trong một khoản thời gian nhất định nào đó, chẳng hạn như: 10 năm, 20 năm, vân vân. Rồi sau đó món tiền chính của Quỹ Ủy Thác (trust principal) sẽ được chuyển giao lại cho các con của bạn, các cháu chắt của bạn, ở một mức độ được giảm thiểu thuế tài sản một cách tối đa.

Xin Lưu Ý rằng:

Loại thuế GST tức Generation Skipping Tax, tạm dịch là “Thuế Chuyển Giao Thế Hệ” sẽ được áp đặt lên cho những chuyển nhượng quá lớn (large transfers) cho các cháu chắt của bạn, và tất cả những ai, trẻ hơn bạn cả một thế hệ.

Quỹ Ủy Thác Từ Thiện Còn Lại (Charitable Remainder Trust): chẳng hạn bạn có những Quỹ Hưu Bổng như: 401K, IRA, Roth IRA hay Keogh. Thì qua nhiều năm, những tài sản (assets) này phát triển sinh lợi lên mà không bị đánh thuế. Một khi người làm chủ bắt đầu nhận tiền chi trả hằng tháng từ những Quỹ Hưu Bổng này, thì các phần phân phát (distributions) sẽ bị đánh thuế.

Để biến các Quỹ Hưu Bổng này trở thành Quỹ Ủy Thác Từ Thiện Còn Lại như là một cách đóng góp Quỹ Hưu Bổng của bạn cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, vân vân, thì bạn phải tạo ra một Quỹ Ủy Thác Từ Thiện Còn Lại thông qua Di Chúc của bạn.

Bạn sẽ không bị đánh thuế một xu nào cả, vì bản chất của Quỹ Ủy Thác Từ Thiện Còn Lại là được miễn thuế hoàn toàn. Nó sẽ cung cấp thu nhập suốt cả đời cho người hưởng lợi (chẳng hạn như các con của bạn) cùng với món quà về trọn tài sản (asset) cuối cùng cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, vân vân, của bạn.

Người hưởng lợi (beneficiary) sẽ phải trả thuế thu nhập từ những phần sinh lợi được phân phát ra từ Quỹ Ủy Thác. Tài sản (estate) của bạn sẽ nhận được khoản khấu trừ về thuế tài sản vì trị giá từ thiện của trọn tài sản (asset) cuối cùng của Quỹ Ủy Thác mà bạn trao cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, vân vân, của bạn.

4. Giấy Ủy Quyền Luật Sư (Powers of Attorney):

Tức là loại giấy mô tả về những mong ước của các bạn về việc chăm sóc sức khỏe và tài sản, trong trường hợp bạn không thể truyền đạt được những mong ước đó của bạn.

5. Việc Miễn Trừ Thuế Tài Sản (Estate-Tax Exemptions):

Có thể thay đổi tùy thuộc vào kích cở của những tài sản mà bạn có và sở hữu; và liệu bạn có biết để tiền của lại cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, Tòa Thánh, hay các tổ chức từ thiện, các Dòng Tu, vân vân hay không; và liệu bạn có để lại gì đó cho việc kinh doanh của gia đình bạn hay không.

6. Bảo Hiểm Nhân Thọ (Life Insurance):

Bảo Hiểm Nhân Thọ có thể bao gồm khoản tiền để lại nếu bạn chết đi để giúp những người thừa kế của bạn trả thuế và các khoản chi phí khác.

Để cụ thể hóa việc trao tặng Món Quà Bảo Hiểm Nhân Thọ (Gift of Life Insurance) của bạn cho Giáo Xứ, Giáo Phận hay Tòa Thánh, vân vân.. thì các bạn có thể làm như sau:

(a) Hiến trọn hợp đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ hiện tại đã được chi trả hết (Donating an existing paid-up Life Insurance policy): bằng cách nêu tên Giáo Xứ, Giáo Phận, hay Tòa Thánh, vân vân, như là người sở hữu và thừa kế vĩnh viễn của hợp đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ đó. Bạn có thể khấu trừ cụm từ ngữ “terminal interest reserve” (mà theo ngôn ngữ của Sở Thuế Liên Bang IRS chính là ‘trị giá chuyển nhượng tương đương’ hay ‘approximately the case surrender value’) như là một việc đóng góp từ thiện cho các mục đích có liên quan về thuế thu nhập (income tax).

(b) Mua một hợp đồng mới (Purchase a new policy): Theo cách này thì Giáo Xứ, Giáo Phận, hay Tòa Thánh, vân vân, chính là đương đơn (applicant), là người chủ (owner) và cũng là người thừa kế (beneficiary) của hợp đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ mới này. Bạn đóng góp tiền hằng năm cho Giáo Xứ, Giáo Phận hay Tòa Thánh, vân vân, của bạn, tương đương với mức tiền đóng hằng năm cho công ty bảo hiểm. Thì những đóng góp hằng năm của bạn cũng chính là những đóng góp từ thiện, mà bạn có thể dùng trong mục đích khai thuế thu nhập.

(c) Bạn nêu tên Giáo Xứ, Giáo Phận, hay Tòa Thánh, vân vân, của bạn như là người thừa hưởng, và giữ lại những quyền sở hữu khác (Name your Parish, Diocese, etc. as beneficiary, retain the other rights of ownership): Thì trong trường hợp này, bạn sẽ không nhận được lợi ích gì cả về thuế thu nhập, thế nhưng Giáo Xứ, Giáo Phận hay Tòa Thánh, vân vân, của bạn sẽ nhận được khoản tiền của hợp đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ khi bạn chết đi (death benefit). Thêm vào đó, những lợi ích bảo hiểm cũng sẽ được đính kèm luôn trong tài sản của bạn, và tài sản của bạn cũng sẽ nhận được một khoản khấu trừ về thuế tài sản cho khoản tiền từ thiện đó, tức khoản tiền death benefit mà Giáo Xứ, Giáo Phận hay các tổ chức từ thiện nào đó, lãnh nhận được.

(d) Bạn nêu tên Giáo Xứ, Giáo Phận, hay Tòa Thánh, vân vân, của bạn như là người thừa hưởng phụ (Name your Parish, Diocese, etc. as contingent beneficiary): Thì trong trường hợp này, Giáo Xứ, Giáo Phận hay Tòa Thánh, vân vân, của bạn sẽ nhận được khoản tiền của hợp đồng Bảo Hiểm Nhân Thọ, nếu như người thừa hưởng chính của bạn chết trước.

7. Bất Động Sản (Real Estate):

Việc đóng góp các Bất Động Sản của bạn như: chổ cư ngụ cá nhân (personal residence), đất ruộng của gia đình (family farm), nhà nghĩ hè (vacation home), căn hộ (condominium), chung cư (apartment), các bất động sản thương mại, hay các diện tích đất, vân vân… cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, Tòa Thánh, vân vân, chẳng hạn, cũng chính là những cách mà bạn giúp Giáo Xứ, hay Giáo Phận, vân vân… của bạn tiếp tục sứ vụ truyền giáo của Chúa Kitô nơi trần thế này. Thì sự đóng góp từ thiện như vậy, bạn có thể dùng để khấu trừ đi thuế thu nhập của bạn, và bạn có thể tránh hoàn toàn thuế lợi tức thu nhập (capital gain tax) trên các bất động sản (mà bạn sở hữu từ 1 năm trở lên) được định giá theo thị trường đương thời, và thuế tài sản (estate tax) của gia đình bạn, cũng sẽ được giảm đi một cách đáng kể.

Lấy ví dụ như, bạn có thể hiến nơi cư ngụ hiện tại của bạn hay mãnh đất vườn của bạn cho Giáo Xứ, hay Giáo Phận, vân vân, và vẫn còn giữ quyền sử dụng, mãi cho đến lúc bạn chết đi. Bạn nên tham khảo với luật sư của Giáo Xứ hay Giáo Phận, chuyên về lãnh vực Hoạch Định Tài Sản này.

(Còn Tiếp ….)