VATICAN (CNS) -- Một chánh án của Vatican nói: Paolo Gabriele, quản gia của Đức Thánh Cha đã bị lên án ăn trộm có tội nặng, một tội phạm theo luật Vatican có thể bị kết án tù từ 1 đến 6 năm.

Chánh án Paolo Papanti-Pelletier nói: theo các điều khoản của hiệp ước năm 1929 ký kết với nước Ý, nếu một người bị kết án bởi một tòa án Vatican thì phải bị giam giữ trong một khám đường của nước Ý.

Ông chánh án cũng nói là trong khi Gabriele bị giam trong một phòng mỗi chiều 4 thước tại trạm cảnh sát Vatican, anh ta đã được tham dự thánh lễ ngày 3 tháng 6 tại một nhà thờ Vatican. Hai cảnh binh đã dẫn đưa Gabriele tới nhà thờ và anh ta không bì còng tay.

Ông chánh án đã trình bầy với giới báo chí ngày 5 tháng 6 về hệ thống pháp lý hình sự của Vatican, đặc biệt về cuộc điều tra đang diễn tiến về vụ Gabriele dính líu đến việc đánh cắp hàng trăm lá thư và giấy tờ liên lạc giữa Đức Thánh Cha Benedict XVI và các giới chức cao cấp của Vatican.

Ông nói: Đời sống bên trong Vatican được điều hành bởi Bộ Giáo Luật, nhưng cũng bởi một bộ hình luật và các thể thức được hội nhập từ bộ luật Ý và đã sửa đổi một phần cho phù hợp với các hoàn cảnh của Vatican.

Ông Papanti-Pelletier nói: sau khi cảnh binh Vatican điều tra sơ khởi và bắt giữ anh Gabriele ngày 23 tháng 5, người quản gia này đã bị một chánh án Vatican tra khảo và đã chính thức bị kết án ăn trộm có tội nặng. Một cuộc điều tra khác chính thức hơn sẽ được chánh án điều tra Piero Antonio Bonnet, khởi sự từ ngày 5 tháng 6.

Ông Papanti-Pelletier nói có nhiều yếu tố khiến cho một vụ trộm cắp được coi là "tội nặng" dưới luật pháp Vatican. Thứ nhất, tội nhân đã ăn trộm của một người thân tín. Thứ hai người này có thể là tòng phạm của một tên trộm khác.

Ông nói: nếu có hai hay nhiều yếu tố nguy hại khác thì hình phạt có thể từ 2 đến 8 năm tù. Các tội phạm khác - như ăn cắp tài sản hay tiết lộ các bí mật của Tòa Thánh - thì hình phạt có thể gia tăng khi cuộc điều tra chính thức diễn tiến. Các giai đoạn sơ khởi của việc điều tra được thực hiện trong phòng kín để bảo vệ danh dự và bí mật cho bị cáo và để "đảm bảo quyền lợi của những người khác có liên lụy."

Tuy nhiên, ông nói: nếu trường hợp này được đưa ra Tòa Án Vatican, ở phiá sau Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô thì công chúng và giới truyền thông sẽ được chứng kiến. Nhưng tòa án này không to lắm, cho nên chỉ có một số người giới hạn được vào. Phiên tòa cộng cộng sẽ có ba chánh án, y như các phiên tòa Ý khác. Không có bồi thẩm đoàn.

Trong khi tất cả các nhân chứng sẽ thề nói sự thật trong phiên tòa, ông Papanti-Pelletier cho hay theo luật Vatican một bị cáo không cần phải thề nói sự thật và có thể từ chối trả lời các câu hỏi nếu câu trả lời khiến cho mình có tội.

Ông Papanti-Pelletier nói là trong khi Vatican không có nhà tù, nhưng vẫn có 4 "sà lim an toàn" mỗi chiều 4 thước, bên trong có giường ngủ, bàn viết và phòng vệ sinh. Có thập giá treo trên tường, nhưng không có máy truyền hình. Nhưng người bị giam giữ được ăn cùng các bữa ăn nấu cho các cảnh binh túc trực.

Ông nói: theo luật Vatican, một người bị cáo có thể bị giam giữ 50 ngày trước khi chính thức được xét xử và thời kỳ giam giữ có thể gia tăng thêm 50 ngày nữa nếu cuộc điều tra cho thấy khá phức tạp. Trong khi luật Vatican không đặc biệt nói đến việc giam giữ tại gia (house arrest), nhưng có nói là bị cáo có thể bị giam giữ tại bất cứ nơi nào trong khuôn viên Vatican, do đó nếu có thể, thì bị cáo Gabriele 46 tuổi có thể trở về gia đình với vợ và 3 con.

Ông Papanti-Pelletier nói: Đức Thánh Cha Benedict XVI có thể can thiệp bất cứ lúc nào để làm ngưng thể thức và tha bổng hay dung thứ bị cáo, mặc dầu hiếm có trường hợp một Giáo Hoàng can thiệp trước khi giai đoạn điều tra hoàn tất.

Ông chánh án nói là giai đoạn điều tra kéo dài vì số lượng tài liệu bị tiết lộ khá lớn và vì các nhân viên điều tra còn đang xác nhận xem tất cả các tài liệu này có xác thực hay không.

Ông Papanti-Pelletier nói luật Vatican đối xử đồng đều giữa các giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, trừ khi đó là một hồng y, vì các "ông hoàng của giáo hội chỉ bị xét xử bởi những người cùng địa vị", và đây là tòa án tối cao Vatican. Chủ tịch của tòa án với ba chánh án là Hồng Y Raymond L. Burke và hai vị kia là Hồng Y người Pháp Jean-Louis Tauran và Hồng Y người Ý Paolo Sardi.

Ngày 4 tháng 6, Hồng Y Bertone nói với đài truyền hình quốc gia Ý là các vụ tiết lộ này được coi như "những vụ tấn công", được ngài mô tả là "có chủ đích rất cẩn thận" và "hết sức dữ tợn, tàn phá và có tổ chức."

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, phát ngôn viên Vatican nói với các phóng viên ngày 5 tháng 6: "Với con số to lớn các tài liệu đã được tiết lộ, chúng ta không ngạc nhiên nếu còn nhiều tài liệu khác đang được phổ biến và được dùng để duy trì sự căng thẳng và chú ý của quần chúng đến vấn đề này."