Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta



Cha Raniero Cantalamessa
Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức Tưởng Niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá tại đền thờ Thánh Phêrô trước sự hiện diện của hơn 10,000 anh chị em tín hữu.

Sau bài Thương Khó, cha Raniero Cantalamessa, thuộc dòng Capucinô, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã thuyết giảng về đề tài "Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta". Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ bài thuyết giảng của ngài.

1. Kitô hữu, hãy cẩn trọng trong hành động!

"Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường". (2 Tim 4:3-4).

Lời Thánh Kinh này – và cách riêng là sự ám chỉ đến chuyện ngứa tai muốn nghe bất cứ điều gì mới lạ - đang được thể hiện trong một cách thế mới lạ và đầy ấn tượng trong thời đại chúng ta. Khi chúng ta đang cử hành nơi đây việc tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Cứu Thế, hàng triệu người đang bị quyến rũ bởi những dã sử tài tình để tin rằng Chúa Giêsu Nagiarét chưa từng bị đóng đinh bao giờ. Tại Hoa Kỳ, một cuốn sách bán chạy nhất hiện nay là cuốn Phúc Âm của Thánh Tôma, được trình bày như một cuốn Phúc Âm "đoạn tuyệt chúng ta khỏi chuyện đóng đinh, coi chuyện phục sinh là không cần thiết, và không trình bày với chúng ta một Thiên Chúa tên là Giêsu"[1].

Mấy năm trước đây, Raymond Brown, một học giả Thánh Kinh chuyên về Cuộc Thương Khó viết: "Một nhận thức đáng xấu hổ trong bản chất thâm sâu của con người là hễ càng ly kỳ bao nhiêu thì càng lôi cuốn và càng hốt bạc bấy nhiêu. Những ai không bao giờ bận tâm chịu đọc những lý giải có trách nhiệm về truyền thống đề cập đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh thế nào, chết ra sao, mai táng và sống lại từ trong kẻ chết cách nào, lại tỏ ra hào hứng trước báo cáo về những 'khám phá mới' trong đó Ngài không hề chịu đóng đinh, hay không hề chết, đặc biệt là nếu khám phá ấy còn dẫn đến chuyện Ngài bỏ trốn cùng Maria Mađalêna sang Ấn Độ.., Những giả thuyết này chứng tỏ rằng liên quan đến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, bất chấp những tin tưởng phổ biến, trí tưởng tượng của con người đi quá xa với sự thật, và thường khi vô tình hay hữu ý tỏ ra có lợi lộc hơn"[2]

Người ta nói nhiều về sự bội phản của Giuđa mà không nhận thức rằng họ đang lặp lại chuyện ấy. Chúa Kitô lại bị bán lần nữa, không phải cho các thủ lĩnh Sanhedrin lấy ba mươi đồng bạc nhưng cho các chủ bút và các chủ tiệm sách để lấy hàng tỉ bạc. Không ai có thể ngăn chặn nổi làn sóng suy đoán này, chẳng những thế còn dẫn đến việc phát hành ngay lập tức một bộ phim nào đó; nhưng sau nhiều năm ưu tư với lịch sử của Kitô Giáo Tiên Khởi, tôi cảm thấy có nghĩa vụ kêu gọi mọi người chú ý đến một sự hiểu nhầm to lớn là nền tảng của tất cả những văn chương dã sử này.

Những ngụy thư mà họ dựa vào là những văn bản đã luôn luôn được biết đến, toàn bộ hay từng phần, nhưng ngay cả các sử gia gay gắt hay thù hận với Kitô Giáo nhất cũng chưa từng dám nghĩ lịch sử đã diễn ra như thế. Cũng tuồng như là trong vòng hai thế kỷ tới đây người ta viết lại lịch sử của ngày hôm nay dựa trên một cuốn tiểu thuyết xuất bản trong thời chúng ta.

Cái sai lầm to lớn là người ta đang dùng những văn bản này để buộc chúng phải nói ngược lại với những gì chúng muốn diễn tả. Những văn bản này là một phần của văn chương ngộ đạo [Phái Ngộ Đạo Gnosticism là lạc giáo chủ trương gần với Phật Giáo cho rằng thế gian này chỉ là ảo ảnh và người ta có thể đạt đến ơn cứu độ chỉ bằng sự hiểu biết - chú thích của người dịch] trong thế kỷ thứ hai và thứ ba. Viễn kiến của phái ngộ đạo – một thứ tổng hợp của thuyết nhị nguyên Platon và các học thuyết Đông Phương, được khoác vỏ bên ngoài bằng những tư tưởng Thánh Kinh – chủ trương rằng thế giới vật chất chỉ là một ảo ảnh, và là tác phẩm của một Thượng Đế thời Cựu Ước, một thần dữ, hay chí ít cũng là một thần không quan trọng; và rằng Chúa Kitô không hề chết trên thánh giá, vì ngài không hề mặc lấy thân xác loài người, trừ ra vẻ bên ngoài, vì thân xác con người không xứng đáng với Thiên Chúa (Docetism) [Docetism: lạc giáo chủ trương Chúa Giêsu không mặc lấy thân xác loài người, hình dáng con người của Ngài đứng trước các môn đệ và những người cùng thời chỉ là ảo ảnh].

Theo Phúc Âm của Giuđa, được nói nhiều đến trong những ngày gần đây, chính Chúa Giêsu đã truyền cho môn đệ này hãy phản bội Ngài ngõ hầu qua cái chết thần khí bên trong Ngài có thể được giải thoát khỏi vỏ bọc thể xác và tái thăng hoa về trời. Nói kiểu đó sẽ dẫn đến việc tránh không nên có hôn nhân hướng đến sinh sản. Vì người phụ nữ chỉ có thể được giải thoát nếu "nguyên lý nữ tính - feminine principle (thelus)" hoá thân bởi bà được chuyển hóa thành nguyên lý nam tính, nghĩa là, nếu bà ngưng không là phụ nữ nữa.[3]

Điều khôi hài là nhiều người ngày nay tin rằng họ thấy trong những bản văn này sự suy tôn nguyên lý nữ tính, suy tôn tính dục, suy tôn sự hưởng lạc đầy đủ và phóng túng của thế giới vật chất, trái với huấn quyền chính thức của Hội Thánh thường tỏ ra ngăn trở tất cả những điều này! Một sai lầm tương tự cũng được ghi nhận ở đây liên quan đến thuyết đầu thai. Thuyết này được các tôn giáo Đông Phương trình bày như một thứ hình phạt vì những tội lỗi trước đây đã phạm và người ta phải cố hết sức mình chấm dứt cái vòng luân hồi này. Thuyết này lại được chấp nhận tại Phương Tây với sự hớn hở vui mừng vì triển vọng kỳ diệu là được sống và hưởng thụ cái thế giới này mãi mãi.

Trên đây là những vấn nạn lẽ ra không nên đề cập đến nơi đây và trong ngày này, nhưng chúng ta không thể cho phép sự im lặng của các tín hữu được hiểu như là sự xấu hổ và niềm tin (hay sự ngu xuẩn?) của hàng triệu con người bị lèo lái điên dại bởi các phương tiện truyền thông, mà không kêu gào lên một tiếng phản đối, không chỉ nhân danh đức tin nhưng còn vì lý lẽ thông thường và một lý trí lành mạnh. Giờ phút này, tôi tin rằng, thật thích hợp để nghe lại lời cảnh cáo của Dante Alighieri:

Kitô hữu, cẩn trọng trong hành động:

Đừng như một cọng lông chim trước gió,

Cũng đừng nghĩ rằng nước nào cũng thanh tẩy được mình.

Anh chị em có Tân và Cựu Ước

Và các Mục Tử của Hội Thánh hướng dẫn;

Hãy coi đó là tất cả điều cần cho ơn cứu độ...

Hãy là những con người, chứ đừng là cừu non ngơ ngác.[4]

2. Thương Khó có trước Nhập Thể!

Nhưng chúng ta hãy dẹp những chuyện ly kỳ đó sang một bên. Chúng có cùng một lời giải thích chung: Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông và các phương tiện truyền thông hứng thú với tiểu thuyết nhiều hơn là sự thật. Chúng ta hãy chú tâm vào mầu nhiệm đang được cử hành. Cách tốt nhất để suy niệm trong năm nay về mầu nhiệm ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là đọc lại toàn bộ phần đầu thông điệp của Đức Thánh Cha "Thiên Chúa là Tình Yêu". Không thể thực hiện điều đó nơi đây, tôi xin tối thiểu được bình luận về một vài đoạn có liên quan trực tiếp hơn với mầu nhiệm ngày hôm nay. Chúng ta đọc thấy trong thông điệp:

"Khi chiêm niệm cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu của Chúa Kitô chúng ta có thể hiểu được điểm khởi hành của Thông Điệp này 'Thiên Chúa là tình yêu'. Chính đó là điểm để chiêm niệm chân lý này. Định nghĩa tình yêu của chúng ta cần phải bắt đầu từ đó. Trong chiêm niệm này, người Kitô hữu khám phá ra con đường theo đó cuộc sống và tình yêu của mình phải dõi bước theo." [5]

Chính thế, Thiên Chúa là tình yêu! Người ta nói rằng nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản còn lại; và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang còn lại, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được: và nếu dòng đó từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan trong đó viết "Thiên Chúa là tình yêu!" thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó.

Tôi sống thuở thiếu thời trong một túp nhà tranh chỉ cách đường dây điện cao thế có vài mét, nhưng chúng tôi sống trong bóng đêm, hay dưới ánh sáng của những ngọn đèn cầy. Giữa chúng tôi và đường giây điện là một đường ray xe lửa, và trong khi chiến tranh đang tiếp diễn, không ai buồn nghĩ đến chuyện khắc phục trở ngại này. Điều này cũng xảy đến với tình yêu của Thiên Chúa: tình yêu của Ngài ở đó, trong tầm với của chúng ta, có thể chiếu sáng và sưởi ấm mọi thứ trong đời ta, nhưng chúng ta cứ sống trong bóng đêm và lạnh lẽo. Đó là lý do chân thật duy nhất cho sự đau buồn trong cuộc đời.

Thiên Chúa là tình yêu, và thập giá của Chúa Kitô là minh chứng, là dẫn chứng lịch sử tối thượng. Nicholas Cabasilas, một tác giả Đông Phương, cho rằng có hai cách thể hiện tình yêu với người khác. Cách thứ nhất bao gồm làm điều tốt cho người mình yêu, tặng quà cho họ; cách thứ hai đòi hỏi hy sinh hơn nhiều, bao gồm sự đau khổ vì người mình yêu. Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng cách thứ nhất, với một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên ta, Chúa tuôn đổ trên ta những hồng ân bên trong và bên ngoài chúng ta; Ngài cũng đã yêu chúng ta với một tình yêu khổ đau khi cứu chuộc ta, khi Ngài nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau khổ vì ta trong cách thế đau đớn nhất, để minh chứng cho ta thấy tình yêu của Ngài.[6] Do đó, chính nơi thập giá ta phải chiêm ngắm sự thật rằng "Thiên Chúa là tình yêu".

Chữ "passion" (thương khó) có hai nghĩa: Nó chỉ định một tình yêu tha thiết, "passionate", hay một đau thương. Có sự giao lưu giữa hai điều này và kinh nghiệm hàng ngày cho thấy chúng qua lại với nhau dễ dàng thế nào. Cũng thế, và trên hết, nơi Thiên Chúa, có một tình yêu tha thiết mà Origen đã viết rằng tình yêu này xảy ra trước việc nhập thể. Chính Thiên Chúa luôn dưỡng nuôi trong lòng một "tình yêu tha thiết" đối với nhân loại mà đến thời viên mãn, Ngài đã xuống thế làm người và chịu đau khổ vì chúng ta.[7]

3. Ba thứ bậc của sự cao trọng

Thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" chỉ ra một cách thức mới trong việc bảo vệ đức tin Công Giáo, có lẽ là cách thức khả thi duy nhất ngày nay và chắc chắn là hiệu quả nhất. Nó không đối chọi những giá trị siêu nhiên với những giá trị tự nhiên, tình yêu Chúa với tình yêu nhân loại, bác ái và tình ái, nhưng chỉ ra sự hài hòa nguyên tuyền cần phải liên tục được khám phá và hàn gắn vì tội lỗi và sự yếu đuối nhân loại. Thánh Kinh không chỉ trùng hợp với những lý tưởng của nhân loại, mà trong nghĩa nhìn nhận chúng, Thánh Kinh tái lập, thăng hoa và bảo vệ chúng. Thánh Kinh không loại trừ tình ái khỏi cuộc sống nhưng trái lại, Thánh Kinh loại trừ nọc độc vị kỷ trong tình ái.

Trong tác phẩm nổi tiếng "Pensées."[8], Pascal cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng. Thứ nhất là thứ bậc liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ lực sĩ hay dung nhan xinh đẹp. Đó là một giá trị không nên xem thường nhưng đó chỉ là thứ hạng thấp nhất. Trên đó là thứ bậc của tài năng ưu việt và trí thông minh mà những triết gia, những nhà phát minh, những khoa học gia, những nghệ sĩ và nhà thơ trở nên nổi bật. Đây là một bậc với một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm vào hay trừ ra điều gì từ những thiên tài. Những dị dạng thể lý trên những con người này không lấy đi điều gì từ vẻ đẹp của những suy tư của Socrates, hay những vần thơ của Leopardi.

Giá trị của tài năng chắc chắn là cao hơn cái trước, nhưng đó cũng chưa phải là cao nhất. Trên nó còn một thứ bậc cao hơn, và đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt (Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng). Gounod cho rằng một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng. Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm gì hay bớt đi điều gì khỏi một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác.

Đức tin Kitô thuộc về bậc thứ ba này. Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Tông Đồ Phêrô khi ngài mới đến Rôma: Nhã Điển đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, tôn giáo của ông đem lại điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu! Tình yêu là thứ mong manh nhất trên trần đời; nó hình tượng, và nó giống như trẻ nhỏ. Nó có thể bị giết dễ dàng như chúng ta đã thấy trong bàng hoàng việc giết chết một trẻ nhỏ dễ đến mức nào trong thời đại hôm nay. Nhưng quyền lực và khôn ngoan, nghĩa là sức mạnh và tài năng, trở thành cái gì nếu không có tình yêu và lòng tốt? Chúng trở thành Auschwitz, Hiroshima và Nagasaki và tất cả những thứ khác mà chúng ta biết rất rõ.

(...còn tiếp)