Từ chiều anh chị em đã tề tựu tại hí trường Côlôsêô
Giờ khai mạc
Đức Thánh Cha đọc lời nguyện khai mạc
Đức Thánh Cha vác thánh giá
Đức Thánh Cha vác thánh giá
Tối thứ Sáu Tuần Thánh, tại hí trường Côlôsêô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể với sự hiện diện của gần 100,000 anh chị em tín hữu. Các phương tiện truyền thông đặc biệt chú ý đến biến cố này vì đây là lần đầu tiên, Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức truyền thống Via Crucis (Đàng Thánh Giá) trong triều đại ngài; và thông thường các bài suy niệm trong các chặng Đàng Thánh Giá cho thấy nhận định chung của Giáo Hội về tình trạng luân lý trong thế giới hiện nay.

Đức Thánh Cha đã mặc một chiếc áo đỏ, phẩm phục thường thấy trong Tuần Thánh, bên ngoài chiếc áo trắng Giáo Hoàng của ngài. Các bài suy niệm do Đức Tổng Giám Mục Angelo Comastri, tổng đại diện của Đức Thánh Cha tại Thành Vatican, biên soạn và được các nghệ sĩ đọc lớn trên loa phóng thanh.

Mở đầu Đức Thánh Cha, sau khi làm dấu Thánh Giá, đã đọc một lời nguyện:

"Lạy Chúa Giêsu, cuộc Thương Khó của Chúa là trọn lịch sử nhân loại, một lịch sử trong đó những người lành bị sỉ nhục, những người hiền bị tấn công, những kẻ liêm khiết bị chà đạp, những tâm hồn trong sạch bị khinh dể nhạo cười."

Lời nguyện của Đức Thánh Cha tiếp nối với câu hỏi:

"Ai sẽ là người thắng thế đây? Ai sẽ là người có tiếng nói quyết định cuối cùng".

Trong chặng thứ nhất, Chúa Giêsu bị kết án, bài suy niệm đặt ra câu hỏi:

"Chúng ta đã thấy cảnh kết án này quá thường. Chúng ta thấy xảy ra hàng ngày. Nhưng một câu hỏi từ tâm hồn hoang mang của chúng ta đặt ra là tại sao Chúa để cho chính mình bị kết án? Tại sao Chúa là Đấng Toàn Năng lại mặc lấy sự yếu đuối? Sao Chúa lại để cho Ngài bị tấn công bởi lòng kiêu căng, sự tàn nhẫn và tính ngạo mạn của con người? Tại sao Chúa giữ im lặng?".

"Sự im lặng của Chúa làm đau lòng chúng ta. Đó là thử thách của chúng ta. Đó cũng là cách thế thanh tẩy những xét đoán vội vàng của chúng ta và chữa lành lòng khao khát trả thù trả oán của chúng ta."

"Sự im lặng của Chúa là mảnh đất chôn vùi sự kiêu căng của chúng ta và làm nẩy sinh đức tin chân thật, một đức tin khiêm tốn không dám thách thức Thiên Chúa nhưng tùng phục Ngài với sự tín thác của trẻ thơ".

Trong chặng thứ hai, Chúa vác cây Thánh Giá, bài suy niệm nhận định:

"Trong cuộc Thương Khó Chúa, hận thù tuôn ra, thù hận của chính chúng ta, thù hận của toàn bộ nhân loại. Trong cuộc Thương Khó Chúa, sự ác trong ta thắng thế trước điều thiện, sự kiêu căng của chúng ta nổ tung ra với lòng oán hờn đứng trước sự khiêm nhường, sự hư hỏng chúng ta trở nên hiển nhiên trước sự trong sáng tỏ tường của Chúa"

"Và vì thế chúng ta trở nên thánh giá cho Chúa".

"Chúng ta, với sự nổi loạn ngu dại của mình, với tội lỗi ngu xuẩn của mình đã tạo nên một thánh giá với nỗi bất an của mình, với sự bất hạnh của mình: chúng ta đã sáng chế ra sự trừng phạt cho chính mình".

"Nhưng Chúa gánh lấy thánh giá ấy, một mầu nhiệm vô biên của sự lành, một mầu nhiệm của sự khiêm hạ làm xấu hổ sự kiêu căng không uốn lại được của chúng ta".

Chặng thứ ba, Chúa ngã xuống đất lần thứ nhất, bài suy niệm trình bày cách nghĩ thông thường của con người về Thiên Chúa.

"Đối với cách nghĩ con người của chúng ta, Thiên Chúa làm sao mà té ngã được. Thế mà Chúa đã ngã thật. Tại sao? Đó không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối nhưng là chỉ dấu của tình yêu: cái té ngã của Ngài là một thông điệp tình yêu dành cho chúng ta".

"Khi té ngã trước sức nặng của cây thánh giá, Chúa Giêsu nhắc chúng ta rằng tội lỗi là một gánh nặng rất nặng nề. Tội lỗi hạ thấp chúng ta và hủy diệt chúng ta. Tội lỗi trừng phạt chúng ta và đem lại điều dữ. Tóm lại, tội lỗi là xấu xa".

Trong chặng thứ Tư, bài suy niệm đặc biệt đề cao tình mẫu tử mà gương mẫu là Đức Maria để chống lại trào lưu ích kỷ khuyến khích những người mẹ giết con trong chính cung lòng mình bằng những viên thuốc phá thai.

"Đức Maria là Mẹ! Trong bà, phụ nữ tính thật thuần khiết và tình yêu không bị đầu độc bởi những làn sóng ích kỷ giới hạn và xói mòn con tim nhân loại".

Chặng thứ Năm, ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa là bài tụng ca vinh danh những người làm việc thiện, những người "vác đỡ thánh giá để nó không đè bẹp nạn nhân".

Theo bài suy niệm, hình ảnh ông Simon "khôi phục lại phẩm giá con người của chúng ta khi nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta trở nên chính mình chỉ khi nào chúng ta thôi không chỉ lo toan cho chính mình".

Ông Simon nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô đang chờ đợi chúng ta "nơi đường phố, làng quê, bệnh viện, nhà tù, nơi các khu ngoại ô của các thành phố lớn".

Chặng thứ sáu, bà Thánh Vêrônica lau mặt Chúa, nhắc nhở chúng ta về thân phận của những con người "không có gương mặt", những người bị "loại ra ngoài lề xã hội, những người bị lưu đầy, những người bị bỏ quên". Chúng ta hãy "lau mặt" cho những người ấy "Ngay hôm nay, vì ngày mai thì quá trễ".

Chặng thứ bẩy, Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai, nhấn mạnh thêm đến gánh nặng của tội lỗi.

"Sự ngạo mạn của chúng ta, bạo lực của chúng ta, sự bất công của chúng ta, tất cả đè nặng trên thân thể Chúa. Chúng đè nặng lên Ngài.. .và Ngài té ngã lần thứ hai để chỉ cho ta thấy tội lỗi nặng nề là ngần nào."

Bài suy niệm nêu ra câu hỏi: "nhưng tội lỗi nào ngày nay đánh mạnh vào thân thể thánh thiện của Chúa Kitô nhất".

Thưa, đó là những tấn công vào gia đình. Ngày nay chúng ta đang phải chứng kiến những trào lưu "nghịch-lại-sách-sáng-thế, nghịch-dự-án kitô, một thứ kiêu ngạo quỷ ma muốn phá tan gia đình".

"Xin cho cái té ngã của Chúa mở mắt chúng ta để ta thấy được lần nữa khuôn mặt tuyệt đẹp, khuôn mặt chân thật, khuôn mặt thánh thiện của gia đình. Một khuôn mặt của gia đình mà tất cả chúng ta đều cần đến".

Chặng thứ tám, Đức Giêsu an ủi những phụ nữ thành Giêrusalem than khóc Người. Bài suy niệm hướng đến những nỗi khổ của những người mẹ trên thế giới hiện nay.

"Những giọt nước mắt của những bà mẹ thành Giêrusalem chỉ là những giọt nhỏ trong đại dương bao la của những dòng lệ những người mẹ của những người con bị đóng đinh, những người mẹ có con bị giết, những người mẹ có con lao vào con đường nghiện ngập, những người mẹ của những tên khủng bố, những người mẹ của những kẻ hiếp dâm, những người mẹ có con bệnh tâm thần".

Tuy nhiên, khóc thương thôi thì không đủ "Những dòng lệ phải tuôn đổ vào tình yêu nuôi dưỡng sức mạnh đem lại hướng đi, sự cứng rắn để sửa sai, sự đối thoại để xây dựng".

Chặng thứ chín, Chúa Giêsu té ngã lần thứ ba. Bài suy niệm nhắc lại suy nghĩ sâu xa của nhà Toán Học và Triết Gia Pascal:

"Chúa Giêsu sẽ đau khổ đến ngày tận thế và chúng ta không thể ngủ yên trong thời này".

Chúa chịu đau khổ trong thời này vì "Thế giới được chia ra làm hai vòng đai: một vòng đai trong đó người ta sống phung phí, và một vòng đai khác nơi người ta đang chết đói".

Bài suy niệm lên án bất công hiển nhiên trong thế giới ngày nay bằng những lời mạnh mẽ và trực tiếp này:

"Thế giới gồm hai phòng: một phòng con người phung phí của cải, một phòng con người bị phung phí. Một phòng con người chết vì quá sung túc dư thừa, còn bên kia con người chết vì nghèo đói túng thiếu; một bên người ta lo sợ mập phì, và bên kia thì người ta van xin tình thương bác ái.".

Bài suy niệm trong chặng thứ mười, Đức Giêsu bị lột áo, là bản cáo trạng tình trạng chà đạp phẩm giá con người, mua bán con người.

"Thân thể bị hạ nhục của Chúa Kitô là lời tố cáo tất cả mọi sự xúc phạm đến thân thể con người đã được Thiên Chúa tạo dựng, như là hình ảnh của linh hồn và là ngôn ngữ để nói lên tình yêu thương. Thân thể con người ngày nay bị xúc phạm, bị biến thành món hàng để mua và bán trên các đường phố, trên các truyền hình, trong các căn nhà đã bị biến thành đường phố"

Bài suy niệm chặng thứ mười một là bài tụng ca tình yêu của Thiên Chúa với những lời sau:

"Đôi tay ban phép lành cho mọi người giờ đây bị đóng đi vào thập giá. Đôi chân rảo trên các nẻo đường mang đến tình yêu và hy vọng giờ đây bị cột lại".

"Lạy Chúa, tại sao? Vì Yêu. Cuộc thương khó vì sao? Vì Yêu. Thánh giá Chúa vì sao? Vì Yêu".

Chặng thứ mười hai, Chúa Giêsu chết trên thánh giá. Bài suy niệm tấn công vào não trạng phổ biến trong thế giới hiện nay "Thượng Đế đã chết".

"Con người ngày nay nghĩ ngu dại rằng Thiên Chúa đã chết

Nhưng nếu Chúa chết, ai sẽ là người mang lại sự sống cho chúng ta đây?

Nếu Thiên Chúa đã chết, sự sống chính nó còn ý nghĩa gì?

Tình Yêu là Sự Sống!

Vì thế thánh giá không phải là cái chết của Chúa,

nhưng là lúc thân xác mỏng dòn nhân loại mà Chúa mặc lấy

được xé ra

và cơn lũ tình yêu tuôn trào

để canh tân tất cả nhân loại".

Chặng thứ mười ba, hạ xác Chúa xuống khỏi thập giá, bài suy niệm nhắc chúng ta nhớ đến thực tại bi đát của lịch sử.

"Mọi sự đã hoàn tất. Chúng ta đã giết Chúa Giêsu!".

Pietà, hình ảnh Mẹ ôm xác con, đem đến trong chúng ta nỗi đau và sự nhụt chí ngay cả với những kẻ thích gây đau thương cho kẻ khác.

Nhìn hình ảnh Mẹ ôm xác con chúng ta thấy thương cảm cho Chúa nhưng "Chính Chúa đang thương cảm cho chúng ta".

Thật vậy, "chúng ta không cảm thấy tuyệt vọng nữa và sẽ không bao giờ tuyệt vọng nữa vì Thiên Chúa đã đến để cùng chịu đau khổ với chúng ta".

Bài suy niệm trong chặng thứ mười bốn, táng xác Chúa Giêsu trong huyệt đá mới là một lời mời gọi chúng ta hãy tin tưởng trong những lúc "sự ác đang dường như thắng thế, kẻ dữ xem ra quyền uy hơn người lành".

"Đức tin chúng ta cho phép chúng ta nhìn xa hơn, cho chúng ta nhìn trước được một ngày mới đang ló dạng. Mặt khác, đức tin hứa hẹn với chúng ta rằng tiếng nói quyết định sau cùng thuộc về Thiên Chúa: chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi".

Toàn bộ bài suy niệm của Ðức Tổng Giám Mục Angelo Comastri làm nổi bật hai xác tín căn bản : xác tín về quyền lực tàn phá của tội lỗi, và xác tín về quyền năng chữa lành của Tình Yêu Thiên Chúa. Con người ngày nay đang ngu dại ngấm ngầm phổ biến trong xã hội ngày nay một thứ biện hộ cho điều xấu, thờ lạy ma quỷ, ước vọng điên cuồng phạm tội, một thứ tự do vô ý thức và dối trá nhắm đề cao tật xấu và sự ích kỷ, và trình bày những xấu xa này như là những thành đạt của văn minh. Tiện nghi vật chất làm cho con người bị mất đi nhân tính, và những thú vui giải trí đã trở thành sự vong thân. Tuy nhiên, sự ác không đến lượt nó có tiếng nói quyết định sau cùng. Tiếng nói đó thuộc về Thiên Chúa và chỉ thuộc về một mình Ngài.