MỤC XV: Người ta chỉ biết Thiên Chúa một cách hữu ích qua Chúa Giêsu Kitô.

I. Hầu hết những người dấn thân vào việc chứng minh thần tính cho những kẻ vô đạo thường bắt đầu bằng các công trình của thiên nhiên, và hiếm khi họ thành công. Tôi không công kích sự vững chắc của các bằng chứng này từng được Sách Thánh thánh hiến: chúng phù hợp với lý trí; nhưng thường chúng không phù hợp đủ và không tỷ lệ thuận đủ với thiên hướng tinh thần của những người chúng được hướng tới.

Vì cần lưu ý điều này: người ta không ngỏ lời phát biểu này cho những người có đức tin sống động trong lòng, và là những người thấy ngay lập tức rằng tất cả những gì hiện hữu đều không là gì ngoài là công trình của Thiên Chúa được họ tôn thờ. Đối với họ, toàn bộ thiên nhiên đều nói lên tác giả của nó, và các tầng trời đều công bố vinh quang Thiên Chúa. Nhưng đối với những người mà ánh sáng này đã bị giập tắt và nơi họ, người ta dự định hồi sinh nó, những người thiếu đức tin và lòng bác ái, những người chỉ thấy bóng tối và tối tăm trong toàn bộ thiên nhiên, xem ra không phải là cách để dẫn họ đến đó nếu chỉ cung cấp cho họ, để làm bằng chứng cho chủ đề lớn lao và quan trọng này, đường đi của mặt trăng hoặc các hành tinh, hoặc các lý luận thông thường và họ liên tục cứng lòng chống lại chúng. Sự chai cứng tinh thần của họ đã khiến họ điếc đối với tiếng nói ấy của thiên nhiên, luôn vang lên bên tai họ; và kinh nghiệm cho thấy rằng dù người ta không thắng được họ bằng phương thế này, nhưng, trái lại, không có gì có khả năng làm họ chán nản và lấy mất niềm hy vọng tìm thấy sự thật, hơn là có tham vọng thuyết phục họ chỉ bằng những kiểu lý luận như thế, và nói với họ rằng họ phải nhìn thấy ở đấy sự thật một cách tỏ tường.



Đây không phải là cách Kinh thánh, kinh biết hay hơn chúng ta những điều thuộc về Thiên Chúa, nói về điều đó. Nó quả có nói với chúng ta rằng vẻ đẹp của các tạo vật làm chúng ta biết tác giả của chúng; nhưng nó không nói với chúng ta rằng chúng tạo hiệu quả ấy nơi tất cả mọi người. Ngược lại, nó cảnh báo chúng ta rằng khi chúng tạo hiệu quả ấy, thì không phải do chúng mà do ánh sáng được Thiên Chúa, cùng một lúc, chiếu rọi trong tâm trí những kẻ được Người tự tỏ mình bằng phương thế đó: Quod notum est Dei, manifestum est in illis; Deus enim illis manifestavit [Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ] (Rm 1:19.) Nó thường nói với bạn rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa giấu ẩn: Verè tu es Deus absconditus [Ngài quả thật là Thiên Chúa giấu ẩn] (Is. 45:15); và kể từ lúc thiên nhiên ra tha hóa, Người đã để con người trong cảnh mù lòa mà họ chỉ có thể thoát ra nhờ Chúa Giêsu Kitô, mà ngoài Người ra, mọi thông đạt với Thiên Chúa đều bị tước mất khỏi chúng ta: Nemo novit patrem nisi filius, et cui voluerit filius revelare [không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho] (Mt 11: 27).

Một lần nữa, đây là điều Kinh thánh đánh dấu cho chúng ta, khi nói cho chúng ta biết ở rất nhiều chỗ rằng những ai tìm kiếm Thiên Chúa sẽ tìm thấy Người; vì người ta không nói như thế về một ánh sáng rõ ràng và hiển nhiên: người ta không tìm kiếm nó; nó tự biểu lộ và tự cho người ta thấy nó.

II. Những bằng chứng siêu hình về Thiên Chúa thật xa vời lý luận của con người và quá bao hàm (impliquées) đến nỗi chúng ít đánh động được ai; và dù điều này có thể hữu ích cho một số người, thì cũng chỉ chốc lát lúc họ mới thấy kiểu chứng minh này; nhưng, một giờ sau, họ đã sợ bị lừa rồi. Quod curiositate cognoverint superbia amiserunt [điều họ biết do tò mò, họ sẽ đánh mất ý nghĩa cao siêu?] (1).

Vả lại, những loại chứng cớ này chỉ có thể dẫn chúng ta tới một nhận thức có tính suy lý về Thiên Chúa mà thôi; và nếu chỉ biết Người theo cách này, thì không phải là biết Người.

Đối với các Kitô hữu, Thiên tính không hệ ở một Thiên Chúa chỉ là tác giả các sự thật hình học và trật tự các yếu tố; đó là cái hiểu của người ngoại giáo.

Nó không chỉ hệ ở một Thiên Chúa, Đấng thực hiện sự quan phòng của Người trên cuộc sống và trên các phước lành của con người, để ban các năm tháng hạnh phúc cho những người tôn thờ Người; đó là niềm hy vọng của người Do Thái. Nhưng Thiên Chúa của Ápraham và Giacóp, Thiên Chúa của các Kitô hữu, là một Thiên Chúa của tình yêu và an ủi: đó là một Thiên Chúa, Đấng tràn đầy linh hồn và trái tim mà Người sở hữu: đó là một Thiên Chúa khiến họ cảm thấy trong nội tâm sự khốn cùng của họ và lòng thương xót vô hạn của Người; Đấng kết hợp với họ trong nội thẳm linh hồn họ; Đấng đổ đầy linh hồn họ đức khiêm tốn, lòng vui vẻ, tự tin, tình yêu; Đấng làm cho họ không có khả năng có bất cứ cùng đích nào ngoài Người ra.

Thiên Chúa của Kitô hữu là một Thiên Chúa làm cho linh hồn cảm thấy rằng Người là sự thiện duy nhất của nó; mọi nghỉ ngơi của nó là ở trong Người, và nó sẽ chỉ có niềm vui là yêu Người; và đồng thời, Người làm cho họ ghê tởm những trở ngại giữ chân họ, và ngăn chặn họ không yêu Người hết sức của họ. Tự ái và tư dục, những thứ giam hãm họ, Người không thể chịu đựng được. Vị Thiên Chúa này làm cho họ cảm thấy rằng tận đáy linh hồn họ là tự ái, và chỉ có Người mới có thể chữa trị được.

Đối với Kitô hữu, biết Thiên Chúa là như thế. Tuy nhiên, để biết Người cách này, cần phải đồng thời biết sự khốn cùng của họ, sự không xứng đáng của họ, và nhu cầu phải có một người trung gian để đến gần Thiên Chúa và hợp nhất với Người. Không được tách biệt các nhận thức này, vì khi bị tách biệt, không những chúng vô dụng, mà còn có hại nữa. Sự hiểu biết về Thiên Chúa mà không có sự hiểu biết về sự khốn cùng của chúng ta tạo ra kiêu ngạo. Sự hiểu biết về sự khốn cùng của chúng ta mà không có sự hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô tạo ra sự tuyệt vọng. Nhưng sự hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô làm chúng ta thóat khỏi cả sự kiêu ngạo lẫn sự tuyệt vọng, vì ở đó chúng ta thấy Thiên Chúa, sự khốn cùng của chúng ta, và cách duy nhất để sửa chữa nó.

Chúng ta có thể biết Thiên Chúa mà không biết các khốn cùng của chúng ta, hoặc các khốn cùng của chúng ta mà không biết Thiên Chúa; hoặc thậm chí biết Thiên Chúa và các khốn cùng của chúng ta, mà không biết cách để giải thoát chúng ta khỏi các khốn cùng vốn đè bẹp chúng ta. Nhưng chúng ta không thể biết Chúa Giêsu Kitô mà lại không biết mọi sự và Thiên Chúa, và các khốn cùng của chúng ta, và phương thuốc chữa các khốn cùng của chúng ta; vì Chúa Giêsu Kitô không chỉ là Thiên Chúa, mà Người là một vị Thiên Chúa sửa chữa các khốn cùng của chúng ta.

Vì vậy, tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa mà không tìm Chúa Giêsu Kitô sẽ không tìm thấy ánh sáng nào có thể thỏa mãn họ, hoặc thực sự hữu ích cho họ. Vì hoặc họ không tiến đến chỗ nhận biết có một vị Thiên Chúa, hoặc, nếu họ có tiến tới chỗ đó đi nữa, thì cũng vô ích cho họ, vì họ tự tạo một phương thế thông đạt mà không có người trung gian với vị Thiên Chúa mà họ biết nhưng không có người trung gian: đến nỗi họ rơi hoặc vào thuyết vô thần hoặc vào thuyết duy thần (deism), hai điều bị Kitô giáo ghê tởm hầu như như nhau.

Do đó, cần phải cố gắng chỉ để biết Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ nhờ một mình Người mà chúng ta mới có thể cho rằng mình biết Thiên Chúa một cách hữu ích cho chúng ta.

Chính Người là Thiên Chúa thật của loài người, nghĩa là những con người khốn cùng và tội lỗi. Người là trung tâm của mọi sự và là đối tượng của mọi sự: và ai không biết Người thì không biết gì cả trong trật tự thế giới, cũng như trong chính bản thân họ. Vì không những chúng ta chỉ biết Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, nhưng chúng ta cũng chỉ biết chính mình nhờ Chúa Giêsu Kitô mà thôi.

Không có Chúa Giêsu Kitô, con người phải ở trong thói hư và khốn cùng; với Chúa Giêsu Kitô, con người thoát khỏi thói hư và khốn cùng. Nơi Người là tất cả hạnh phúc của chúng ta, nhân đức của chúng ta, sự sống của chúng ta, ánh sáng của chúng ta, hy vọng của chúng ta; và bên ngoài Người chỉ có thói hư, sự khốn cùng, bóng tối, tuyệt vọng, và chúng ta chỉ thấy tối tăm và bối rối trong bản tính Thiên Chúa và trong bản tính của chính chúng ta.

Kỳ tới: Mục XVI. Các suy nghĩ về phép lạ