MỤC X. Về Chúa Giêsu Kitô.

I.Khoảng cách vô tận giữa thân xác và tinh thần là hình bóng của khoảng cách vô cùng vô tận giữa các tinh thần và đức bác ái; bởi vì đức ái là siêu nhiên.

Tất cả vẻ sáng lạn của các sự vĩ đại không hề sáng láng đối với những người đang tìm kiếm tinh thần. Sự vĩ đại của những người tinh thần đều vô hình đối với những người giàu, đối với những vua chúa, những kẻ chinh phục và đối với tất cả những kẻ vĩ đại xác thịt. Sự vĩ đại của khôn ngoan, vốn phát xuất từ Thiên Chúa, vô hình đối với những người xác thịt và những người tinh thần. Đó là ba thứ bậc thuộc các loại khác nhau. Những thiên tài vĩ đại có thế lực của họ, sự sáng chói, sự vĩ đại của họ, các chiến thắng của họ, và không hề cần đến các sự vĩ đại xác thịt, những thứ không liên quan gì đến những thứ họ tìm kiếm. Họ được nhìn bởi các tinh thần, không phải bởi các con mắt; nhưng thế là đủ. Các thánh có thế lực của họ, sự huy hoàng của họ, sự vĩ đại của họ, các chiến thắng của họ, và không hề cần đến các sự vĩ đại xác thịt hoặc tinh thần, những thứ không thuộc thứ bậc của họ, và không thêm cũng như không bớt sự vĩ đại mà họ mong muốn. Họ được nhìn bởi Thiên Chúa và các thiên thần, chứ không phải bởi các thân xác hay tinh thần tò mò: Thiên Chúa đã đủ cho họ.



Archimède, không có bất cứ sáng láng nào lúc sinh ra, vẫn đã được tôn kính như vậy. Ông không điều khiển trận chiến nào; nhưng ông đã để lại cho toàn vũ trụ những phát minh đáng ngưỡng mộ. Ôi ông vĩ đại và sáng ngời xiết bao đối với con mắt tinh thần! Chúa Giêsu Kitô, không của cải và không tạo ra khoa học nào ở bên ngoài, nhưng thuộc thứ bậc thánh thiện của Người. Người không tạo ra phát minh nào, Người không trị vì; nhưng Người khiêm nhường, nhẫn nại, thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, đáng sợ đối với ma quỷ, không chút tội lỗi. Ôi, Người đến một cách long trọng tuyệt vời và uy nghi kỳ diệu xiết bao trong các con mắt trái tim, những con mắt nhìn thấy sự khôn ngoan!

Archimède sẽ vô ích nếu làm hoàng tử trong các sách hình học, cho dù ông là một ông hoàng. Sẽ vô ích đối với Chúa Giêsu Kitô của chúng ta nếu xuống thế gian như một vị vua, để sáng láng trong vương quốc thánh thiện của Người: nhưng Người đã đến với sự huy hoàng của thứ bậc Người!

Thật là nực cười khi vấp ngã vì sự hạ mình của Chúa Giêsu Kitô, như thể sự hạ mình này cùng thứ bậc với sự vĩ đại mà Người đến để làm nó xuất hiện. Ước chi người ta xem xét sự vĩ đại này trong cuộc đời của Người, trong cuộc khổ nạn của Người, trong bóng tối của Người, trong cái chết của Người, trong việc chọn các môn đệ của Người, trong việc họ trốn chạy, trong sự sống lại bí nhiệm của Người, và trong nhiều việc khác; người ta sẽ thấy nó quá vĩ đại, đến nỗi người ta sẽ không có lý do gì để vấp ngã vì không hề có sự hèn hạ ở đó. Nhưng có một số người chỉ có thể ngưỡng mộ các sự vĩ đại xác thịt, như thể không có các sự vĩ đại tinh thần; và có nhiều người khác chỉ ngưỡng mộ các sự vĩ đại tinh thần, như thể không có các sự vĩ đại vô cùng cao cả hơn trong đức khôn ngoan. Mọi thân xác, bầu trời, các vì sao, trái đất và các vương quốc cũng không có giá trị bằng một tinh thần nhỏ nhoi nhất; vì tinh thần này biết tất cả những thứ ấy, và chính mình; còn thân xác, không biết gì. Và mọi thân xác, và mọi tinh thần với nhau, và tất cả các sản phẩm của chúng, cũng không giá trị bằng một cử động bác ái nhỏ nhoi nhất; vì đức bác ái thuộc một thứ bậc vô cùng cao hơn. Từ mọi thân xác với nhau, người ta không thể rút ra được dù một suy nghĩ nhỏ nhất: điều này bất khả, và thuộc một thứ bậc khác. Mọi thân xác và tinh thần gọp lại với nhau cũng không thể tạo ra một cử động bác ái đích thực: điều đó bất khả hữu, và thuộc một thứ bậc khác, hoàn toàn siêu nhiên.

II. CHÚA GIÊSU từng sống trong bóng tối (theo điều mà thế gian gọi là bóng tối) đến nỗi các sử gia, những người chỉ viết những điều quan trọng, hầu như không nhận ra Người.

III. Con người nào đã từng sáng chói hơn Chúa Giêsu Kitô! Toàn thể dân tộc Do Thái đã tiên đoán về Người trước khi Người đến. Dân ngoại tôn thờ Người sau khi Người đã đến. Cả dân ngoại lẫn dân Do Thái đều coi Người là trung tâm của họ. Tuy nhiên, có người nào ít hưởng được sự huy hoàng này chưa? Trong ba mươi ba năm, Người đã sống ba mươi năm không xuất hiện công khai. Trong ba năm còn lại, Người bị coi như một kẻ bịp bợm; các tư tế và các thủ lĩnh của nước Người bác bỏ Người; bạn bè và người thân của Người hiểu lầm Người. Cuối cùng Người chết với một cái chết nhục nhã, bị một người trong các môn đệ phản bội, bị môn đệ kia chối bỏ và bị tất cả các môn đệ khác bỏ rơi. Thử hỏi, Người đóng vai trò nào trong sự sáng chói này? Chưa bao giờ người ta được sáng chói như vậy; chưa bao giờ có người chịu nhục nhã hơn. Tất cả sự sáng chói này chỉ phục vụ chúng ta, để chúng ta làm cho Người dễ nhận biết; chứ không hề phục vụ Người.

IV: Chúa Giêsu Kitô nói đến các điều vĩ đại nhất một cách đơn giản đến mức dường như Người không nghĩ đến chúng; và tuy nhiên một cách rõ ràng đến nỗi người ta có thể thấy rõ điều Người nghĩ về nó. Sự rõ ràng này, kết hợp với sự đơn giản kia, thật đáng khâm phục. Ai đã dạy các nhà chép tin mừng các phẩm tính của một linh hồn thực sự anh hùng, để vẽ nên điều đó một cách hoàn hảo như thế trong Chúa Giêsu Kitô? Tại sao họ lại làm Người ra yếu đuối trong cơn hấp hối? Há họ không biết mô tả một cái chết liên tục hay sao? Có, chắc chắn như thế; vì cùng một Thánh Luca đã mô tả cái chết của Thánh Stephanô mạnh mẽ hơn cái chết của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, họ mô tả Người có khả năng sợ hãi trước khi việc cần phải chết xuất hiện, và sau đó hết sức mạnh mẽ. Nhưng khi họ mô tả Người bối rối, đó là lúc Người bối rối thực sự; và khi con người làm Người bối rối, Người lại rất mạnh mẽ.

Giáo Hội thấy mình buộc phải chứng tỏ rằng Chúa Giêsu Kitô là một con người, chống lại những người đã bác bỏ điều ấy, cũng như chứng tỏ rằng Người là Thiên Chúa; và các xác suất đều lớn như nhau. Chúa Giêsu Kitô là vị Thiên Chúa mà người ta đến gần mà không kiêu căng, và sống dưới quyền Người mà không tuyệt vọng.

V. Việc trở lại của người ngoại giáo được qui cho ơn thánh của Đấng Mêxia. Người Do Thái, hoặc không cố gắng, hoặc không thành công về phương diện này: tất cả những điều Salômôn và các tiên tri nói về nó đều vô ích. Các nhà thông thái, như Platông và Socrate, không thể thuyết phục người ta chỉ thờ phượng Thiên Chúa đích thực.

Tin Mừng chỉ nói đến sự đồng trinh của Đức Trinh Nữ cho đến khi Chúa Giêsu Kitô ra đời, mọi sự đều liên quan đến Chúa Giêsu Kitô.

Hai Giao Ước coi Chúa Giêsu Kitô cũ như sự mong đợi Người, mới như hình mẫu Người; cả hai coi Người như trung tâm của chúng.

Các tiên tri đã báo trước, nhưng chính họ không được báo trước. Các vị thánh sau đó được báo trước, nhưng không phải là những người báo trước. Chúa Giêsu Kitô được báo trước và là Đấng báo trước.

Chúa Giêsu Kitô dành cho mọi người, Môsê dành cho một dân tộc.

Người Do Thái được chúc phúc trong Ápraham: Ta sẽ chúc phúc cho kẻ chúc phúc ngươi (St 12: 3). Nhưng mọi quốc gia đều được chúc phúc trong dòng dõi ông (Đã dẫn 18:18).

Lumen ad revelationem gentium [ánh sáng soi đường cho dân ngoại] (Lc 2:32).

Đavít nói khi đề cập tới lề luật “Non fecit taliter omni nationi [Chúa không đối xử với dân nào như vậy] (Ps. 147, 20 ). Nhưng khi đề cập đến Chúa Giêsu Kitô, ông phải nói: Fecit taliter omni nationi [Chúa đối xử như thế với mọi dân tộc].

Chúa Giêsu Kitô cũng có tính phổ quát. Chính Giáo Hội chỉ dâng hy lễ cho các tín hữu: Chúa Giêsu Kitô thì dâng hy lễ thập giá cho tất cả mọi người.

Kỳ tới: Mục XI: Bằng chứng về Chúa Giêsu Kitô qua các lời tiên tri