Với những tiến bộ vượt bực hiện nay của khoa học và kỹ thuật, người ta có khuynh hướng coi tôn giáo như không còn liên quan đến cuộc sống con người nữa. Thậm chí, một số người còn coi tôn giáo như một thứ phản động, không hề yêu thương như vẫn rêu rao mà toàn một thứ ngôn từ kỳ thị, ghét bỏ, cần bị loại trừ khỏi quảng trường công cộng.

Họ đâu có ngờ một trong các cha đẻ của kỹ thuật tân thời mang đến cho họ những phát kiến tân kỳ làm cho họ có cảm tưởng như họ mới là chủ nhân thực sự của vũ trụ này chứ không phải một Thượng Đế xa xôi nào khác, cùng một lúc, là người hết lòng ca ngợi vị Thượng Đế xa xôi này và dùng hết trí thông minh thiên phú của Ông để chứng minh về Người. Đó chính là Blaise Pascal, người đầu tiên sáng chế ra máy tính, đặt để những bước đầu tiên cho máy vi tính sau này.



Vài nét tiểu sử

Về tiểu sử của Blaise Pascal, bạn đọc hẳn đã quen thuộc, nhất là phần nói về thiên tài toán học, hình học, vật lý và các sáng chế của ông liên quan đến máy tính, qua nhiều bài viết bằng tiếng Việt, nhất là mục viết về ông trên Từ điển mở Wikipedia tiếng Việt. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bầy một số nét liên quan tới tư duy tôn giáo của thiên tài này.

Có thể nói, ông đã dùng thiên tài khoa học và toán học của mình để nói về “Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp, chứ không phải của các triết gia”. Bà Périer tức Gilberte Pascal, chị ruột ông kể rằng sau nghiên cứu về chân không, lúc chưa tới 24 tuổi, Chúa quan phòng tạo cơ hội buộc ông phải đọc các trước tác đạo đức, nhờ thế ông hoàn toàn hiểu rằng Kitô giáo buộc ta chỉ sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Và chân lý này hiển nhiên, cần thiết và hữu ích đối với ông đến nỗi đã kết thúc mọi nghiên cứu khác của ông.

Nhưng, theo Bà Périer, dù cương quyết không nghiên cứu gì khác ngoài tôn giáo, ông không bao giờ quan tâm đến “những vấn đề thần học kỳ dị” mà chỉ dùng hết tâm trí vào việc biết và thực hành sự toàn thiện của luân lý Kitô giáo, chuyên chăm suy niệm lề luật Thiên Chúa ngày đêm. Tuy nhiên, ông không làm ngơ trước những lạc giáo do những đầu óc tinh tế tạo ra để phỉnh lừa thiên hạ. Đó là trường hợp tại Rouen, nơi cha ông làm việc, có người giảng dậy “một thứ triết lý mới” lôi cuốn nhiều người hiếu kỳ. Đến nỗi chính ông cùng hai người bạn đến nghe. Ngỡ ngàng trước việc người này diễn dịch từ các nguyên lý triết học của mình nhiều hệ luận về đức tin mâu thuẫn với các phán quyết của Giáo Hội. Ông này cho rằng thân xác Chúa Giêsu không được kết thành bởi máu của Đức Trinh Nữ mà bởi một chất thể tạo dựng khác hẳn. Ông và hai người bạn trình việc cho Tổng Giám Mục Rouen và vị này đã ra lệnh bác bỏ các sai lạc của người này.

Từ đó, Blaise Pascal tiếp tục tìm cách làm vui lòng Thiên Chúa và tình yêu của ông trong việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo nung đốt tâm hồn ông đến nỗi mọi người trong nhà cũng chịu ảnh hưởng. Gilberte cho rằng đến cha của bà cũng không “xấu hổ thụ huấn con trai, tiếp nhận một lối sống chính xác hơn qua việc liên tục thực hành các nhân đức cho đến chết... Và em gái bà, Jacqueline, “xúc động về các ngôn từ của em trai tôi đến nỗi đã từ bỏ mọi lợi thế cho đến lúc đó, những lợi thế em rất yêu mến, để hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa”.

Gilberte sau đó nói đến tình trạng thường xuyên đau yếu của em trai đến nỗi không nuốt được chất lỏng nếu không nóng và uống từng giọt; mắc chứng đau đầu chịu không thấu, ruột nóng bừng bừng và nhiều chứng khác. Quả là một cực hình, khiến ai cũng ái ngại, nhưng ông không bao giờ than thở. Dù thuốc men có làm ông đỡ phần nào, nhưng sức khỏe ông không bao giờ hoàn toàn hồi phục, khiến các bác sĩ khuyên ông nên bỏ mọi sinh hoạt tâm trí, và nên tìm cách giải khuây.

Thoạt đầu, ông không chịu nghe lời khuyên ấy vì nó hàm chứa nguy hiểm. Nhưng cuối cùng, ông đã nghe theo và “bước vào thế gian”. Tuy nhiên, thế gian này, nhờ ơn Chúa, được “miễn trừ các thói hư”, một phần nhờ em gái Jacqueline, người mà trước đây vốn nhờ tác phong của anh trai mà đã hiến mình cho Thiên Chúa. Nay bà dùng sức mạnh và sự dịu dàng thuyết phục anh tuyệt đối “từ bỏ thế gian”, coi ơn cứu rỗi đáng yêu mến hơn bất cứ điều gì khác.

Lúc đó, 30 tuổi, Ông quyết định đổi chỗ ở và về sống ở nhà quê và đặt phương châm cho cuộc sống trên hai điều: từ bỏ mọi lạc thú và mọi tính phù phiếm. Chính để thực thi hai điều đó, ông đã không còn dựa vào việc phục dịch của người nào, mà tự làm lấy mọi việc; dọn giường lấy, dọn bữa ăn tại nhà bếp và tự đem về phòng... Mọi thì giờ khác được ông dành cho việc cầu nguyện và đọc sách thánh: ông lấy thế làm một điều vui thích khôn tả. Ông cho rằng Sách Thánh không phải là một khoa học của trí khôn, mà là một khoa học của cõi lòng, và chỉ có thể hiểu được bởi một tâm hồn ngay thẳng, trong khi tối tăm đối với những tâm hồn khác.

Ông chăm chỉ đọc Sách Thánh đến thuộc lòng. Người nào trích dẫn sai, ông sửa ngay và cho biết chỗ nào trong Sách Thánh. Ông cũng đọc các chú giải rất cẩn trọng. Vì, theo Gilberte, lòng tôn kính đối với đạo trong đó, ông vốn được dưỡng dục từ tấm bé, nay đã biến thành một tình yêu nồng nàn và mẫn cảm đối với mọi chân lý đức tin.

Chính tình yêu ấy đã thúc đẩy ông làm việc không ngừng nhằm triệt hạ tất cả những gì mâu thuẫn với các chân lý ấy. Đến đây, Gilberte thuật lại nguyên do dẫn đến tác phẩm để đời của ông là cuốn sau này người ta đặt tên cho là Pensées (Các Suy Tưởng).

Bà cho rằng Blaise Pascal có một tài hùng biện rất tự nhiên đem lại cho ông một khả năng tuyệt diệu nói lên những điều ông muốn; nhưng ông còn biết thêm vào đó những quy luật chưa ai nghĩ ra và được ông sử dụng một cách đầy lợi thế đến nỗi làm chủ được văn phong của mình, không những nói mọi điều ông muốn mà còn nói theo cách ông muốn nữa và ngôn từ của ông thực hiện được hiệu quả ông muốn. Và lối viết tự nhiên, ngây thơ, và cùng một lúc mạnh mẽ, rất của riêng và hết sức đặc thù, đến nỗi ngay khi thấy xuất hiện Các Lá Thư Gửi Người ở Tỉnh (Lettres au Provincial), người ta biết ngay là của ông, dù chính ông dấu tên, dấu luôn cả với người thân.

Cũng vào lúc ấy, Chúa đã chữa lành con gái của Gilberte khỏi chứng chẩy mủ mắt (fistule lacrymale), không những qua mắt mà còn qua cả mũi và miệng, nặng đến nỗi “các nhà giải phẫu cừ khôi nhất của Paris” đều coi là bất trị. Nhưng chỉ nhờ đụng đến “gai thánh” ở Tu Viện Port Royal mà được khỏi. Phép lạ này được chứng thực bởi các y sĩ nổi tiếng nhất và bởi các nhà phẫu thuật tài năng nhất của Pháp cũng như được long trọng nhìn nhận bởi thẩm quyền Giáo Hội.

Blaise Pascal xúc động trước ơn thánh này, ơn thánh mà ông coi chính ông được hưởng, vì không những đây là đứa cháu gái duy nhất của ông mà còn là con đỡ đầu của ông lúc chịu Phép Rửa. Vả lại sự an ủi của ông lên đến cực điểm khi thấy Thiên Chúa tỏ hiện quá rõ ràng trong một thời “đức tin xem ra đã tắt ngúm trong tâm hồn phần đông người ta. Niềm vui trước biến cố này lớn đến tràn ngập con người ông”.

Chính trong bối cảnh ấy “Thiên Chúa đã linh hứng cho ông vô vàn tư tưởng kỳ diệu về phép lạ. Các tư tưởng này, trong khi đem lại cho ông nhiều ánh sáng mới về tôn giáo, đã tăng bội tình yêu và lòng tôn trọng em vốn có đối với tôn giáo. Và chính dịp này đã làm xuất hiện ý nguyện ‘cực kỳ’ làm việc để bác bỏ các điều chủ yếu và các lý lẽ sai lầm nhất của những người vô thần. Em đã nghiên cứu họ rất kỹ, và đã dùng hết trí khôn để tìm tòi mọi phương thế thuyết phục họ. Em dành hết mình cho ý nguyện này. Năm cuối cùng công việc của mình, em dành tất cả để thu thập các tư tưởng đa dạng thuộc chủ đề này: nhưng Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng kế sách này và mọi tư tưởng của em, đã không dẫn em đến chỗ hoàn thành, vì những lý do ta không được biết”.

Chính vì thế mà Gilberte Pascal đã không nhắc đến chính tựa đề của tác phẩm. Theo chú thích của bản in năm 1858 của Librairie De Firmin Didot Frères, Fils Et Cie, Imprimeurs De L'institut De France, thì đây chính là nguyên lai của cuốn sách mà các nhà xuất bản sẽ đặt tựa là Pensées. Chúng được viết không thứ tự trên những tờ giấy rời. Các thành viên của Tu Viện Port Royal đã thu thập chúng thành ấn bản đầu tiên không đầy đủ vào năm 1670. Sau đó, Cha Desmolets thuộc dòng Oratoire, đã thu thập thành một cuốn phụ gồm các tư tưởng bị bỏ sót. Cuối cùng, một ấn bản đầy đủ đã được công bố tại Paris năm 1687 với tiểu sử Pascal do người chị ruột là Bà Périer, nhũ danh Gilberte Pascal, viết. Nhưng chính tu viện trưởng Charles Bussut đã cho xuất bản vào năm 1779 cuốn Pensées đầy đủ như ta có ngày nay.

Gilberte tiếp tục cho hay: Tất cả những nhà trí thức hồi đó, bất luận có đức tin hay không, đều đánh giá cao các tư tưởng ông vừa phát kiến hoặc tìm tòi được. Điều này khiến Pascal lo âu, sợ rơi vào tính phù phiếm, nên ông đã hãm mình ép xác nghiêm ngặt hơn bằng cách làm dây lưng bằng sắt có gai nhọn cột ngay vào da thịt mình, cho đến lúc qua đời, dù sức khỏe ông ngày càng tệ đi.

Gilberte cho hay: ông hoạt động như trên trong 5 năm từ lúc 30 tuổi tới lúc 35 tuổi. Bốn năm sau đó là “một suy kiệt liên tục”, không hẳn một chứng bệnh mới cho bằng một sự nhân đôi thể tạng vẫn có từ hồi còn trẻ. Và đến lúc này, nó tấn công ông một cách vũ bão đến nỗi ông qụy luôn, không còn phút nào dành cho “tác phẩm lớn mà em tôi đã khởi đầu cho tôn giáo”. Không còn cho người đến thỉnh ý bất cứ ý kiến nào dù bằng miệng hay bằng chữ viết.

Ông đau răng đến mất ngủ. Chính trong lúc mất ngủ ấy ông bỗng khám phá ra các ý nghĩ về trò chơi roulette (cò quay). Nhưng vì ông đã nguyện không bàn đến những chuyện bị ông coi là phù phiếm nữa, nên ông không muốn viết ra. Tuy nhiên, theo lời khuyên của một người “đáng kính”, cuối cùng ông đã viết ra và công trình này đã được công bố.

Các chứng bệnh tiếp tục hành hạ ông. Nhưng ông chịu đựng chúng “một cách hết sức thanh thản và kiên nhẫn”, tin rằng Thiên Chúa muốn chuẩn bị cho ông như thế để xuất hiện trước nhan Người. Và ông tiếp tục sống nhiệm nhặt đến độ từ chối mọi khoái cảm kể cả trong lúc ăn uống. Câu ông vẫn thường nói là ăn vì dạ dầy đòi chứ không phải vì khoái khẩu.

Theo Gilberte, trong các nhân đức được ông thực hành, đức khó nghèo được ông lưu ý nhất, tin rằng đức khó nghèo là phương thế lớn lao để được ơn cứu rỗi. Ông bảo, thuê người làm nên thuê những người nghèo nhất, chứ không phải thuê những người khéo tay nhất. Ông năng làm việc bố thí, dù tài sản ông không là bao và các chi phí y tế của ông rất cao. Ông khuyên cả người chị tận hiến cho người nghèo, trong chừng mực không làm hại đến việc phục vụ gia đình. Vì đây là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, theo đó, Chúa Giêsu sẽ phán xét ta.

Phương châm ông là “cách được lòng Thiên Chúa hơn cả là phục vụ người nghèo một cách nghèo” (servir les pauvres pauvrement) nghĩa là mỗi người tùy khả năng của mình.

Gilberte nhắc đến “bức tranh em tôi vẽ về chính mình trên một tờ giấy tự tay viết như sau: 'tôi yêu đức khó nghèo, vì Chúa Giêsu Kitô đã từng yêu nó. Tôi yêu những của cải vì chúng mang lại phương thế để trợ giúp người nghèo. Tôi giữ lòng thủy chung với mọi người. Tôi không lấy điều xấu báo oán những người hại tôi, nhưng mong họ được điều kiện như tôi, trong đó, họ không nhận điều xấu hay điều tốt từ phần lớn người ta. Tôi cố gắng luôn chân thật, thành thật, và trung thành với mọi người, và tôi có một sự âu yếm trong lòng đối với những người kết hợp với tôi cách chặt chẽ, và bất kể ở một mình hay trước mặt người ta, trong mọi hành động của tôi, tôi đều thấy Thiên Chúa, Đấng sẽ phán xét chúng và là Đấng tôi đã tận hiến hoàn toàn. Đó là các tâm tư của tôi, và suốt đời tôi, tôi chúc tụng Đấng Cứu Chuộc đã đặt chúng trong tôi, và là Đấng từ một con người đầy rẫy yếu đuối, nghèo hèn, tư dục, kiêu căng, và tham vọng, đã biến thành một con người không bị vướng các nết xấu nhờ sức mạnh của ơn thánh mà mọi điều đều tùy thuộc, trong khi tôi chỉ có khốn cùng và kinh tởm'”.

Gilberte cho hay ông có lòng mộ mến Kinh Thần Vụ, nhất là các giờ nhỏ, vì chúng có thánh vịnh 118, trong đó, ông tìm thấy những điều kỳ diệu, khiến ông đọc lên thấy sung sướng. Khi đàm đạo với bạn bè về vẻ đẹp của thánh vịnh này, ông như người xuất thần.

Ông không bỏ qua các hình thức sùng kính bình dân. Gilberte cho hay mấy năm cuối đời, vì không còn làm việc được nữa, nên giải khuây duy nhất của ông là đi viếng các nhà thờ có trưng bầy các thánh tích hay có các cử hành trọng thể. Ông có cả cuốn sổ ghi ngày tháng và nơi chốn có các sùng kính đặc thù này.

Nhận định của Gilberte là “em làm những điều trên một cách rất sùng kính và rất đơn thành đến nỗi những người trông thấy đều phải ngạc nhiên: điều này đã khiến người ta có những nhận xét tốt đẹp như sau về một con người rất nhân đức và rất thông thái: ơn thánh của Thiên Chúa đã được tỏ lộ nơi các đầu óc vĩ đại qua các điều nhỏ mọn và nơi các đầu óc tầm thường qua các điều vĩ đại”.

Blaise Pascal yêu quí người nghèo đến độ ông muốn được chết ở nơi người nghèo. Chính vì thế, lúc sắp chết, ông muốn được chở tới Viện Incurables (những người không thể chữa trị được). Dĩ nhiên, các y sĩ không cho phép điều này.

Sau đây là mô tả của Gilberte về giờ phút cuối cùng cuộc đời thánh thiện của em trai mình: “Khoảng nửa đêm, em bị chứng co giật mạnh đến nỗi, khi nó qua đi, chúng tôi tưởng em đã chết, và chúng tôi có nỗi buồn cực kỳ này, cùng với bạn hữu của em, là thấy em chết mà không được chịu Bí Tích Cực Thánh, sau khi đã khẩn khoản rất nhiều lần. Nhưng Thiên Chúa, Đấng muốn tưởng thưởng một ước nguyện sốt sắng và chính đáng dường ấy, đã, như một phép lạ, ngưng cơn co giật kia, và trả lại hoàn toàn phán đoán của em, như lúc em còn sức khỏe hoàn hảo; đến nỗi, khi bước vào phòng em với Bí Tích Cực Thánh, cha xứ hô lên: Đây là Đấng con hằng khao khát. Những lời này đánh thức em dậy; và khi cha xứ đến gần để cho em Rước lễ, em đã nỗ lực, và một mình chỗi dậy, để đón nhận Mình Thánh với nhiều tôn kính hơn; và cha xứ, theo thông lệ, đã hỏi em về các mầu nhiệm chính của đức tin, em trả lời rõ ràng: Vâng, thưa cha, con hết lòng tin tất cả những điều đó. Sau đó, em đã tiếp nhận của ăn đàng thánh thiện và xức dầu sau cùng với những tâm tình âu yếm đến rơi nước mắt. Em trả lời tất cả mọi điều, cảm ơn cha xứ; và khi ngài ban phúc lành cho em bằng bình đựng Mình Thánh, em nói: xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con! Đó giống như những lời cuối cùng của em; vì, sau khi tạ ơn, một lúc sau các cơn co giật của em lại tiếp tục, và không bao giờ rời em nữa, và không để lại cho em một giây phút tự do tâm trí nào: chúng kéo dài cho đến khi em qua đời, tức là hai mươi bốn giờ sau, ngày mười chín tháng tám một nghìn sáu trăm sáu mươi hai, lúc một giờ sáng, hưởng dương ba mươi chín năm hai tháng”.

Kỳ sau: Đêm lửa, trải nghiệm huyền nhiệm