Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài : Phêrô Giuse Nguyễn Hữu Bài Từ Trần

Hình ảnh cụ già nông dân quen thuộc với dân chúng Quảng Trị ấy, tiếc thay chỉ còn lại một thời gian quá ngắn ngủi. Ngày 10-7-1935, nhân dịp linh mục Hồ Ngọc Cẩn được tấn phong Giám Mục, Quận Công Nguyễn Hữu Bài đặt tiệc mừng tại tư dinh. Ngày hôm sau cụ nhuốm cảm nặng phải đưa vào bệnh viện Huế. Bệnh mỗi ngày một nặng, hai giờ 30 sáng ngày 28-7-1935, Phêrô-Giuse Nguyễn Hữu Bài từ trần tại tư đệ ở Phủ Cam, hưởng thọ 73 tuổi.

Lễ phát tang cử hành tại Huế ngày 30-7-1935 và liền hôm sau linh cữu được đưa ra Quảng Trị chôn cất ở quê nhà, trên một ngọn đồi thông reo bốn mùa vi vu gió lộng:

“Trông lên ngó xuống một gò cao,

Một nấm xanh um khí thế hào” (J.M. Nguyễn Văn Thích)

Thành gia thất với bà Nguyễn Thị Diệm (quê quán Sơn Tây), Phước Môn Quận Công Nguyễn Hữu Bài có 3 trai, 3 gái. Trưởng nam, Nguyễn Hữu Giải, tốt nghiệp Tiến Sĩ Luật khoa tại Pháp, không may mất sớm. Ngoài hai ái nữ đã lập gia đình, cô gái út là nữ tu sĩ Dòng Kín, Soeur Aimée de Marie (20).

Mến tiếc một vị đại thần tài đức quá cố, Vua Bảo Đại truy tặng Phước Môn Quận Công phẩm hàm lớn nhất triều đình: Cần Chánh điện Đại Học Sĩ (Première Colonne de l’Empire).

Tin Quận Công Nguyễn Hữu Bài tạ thế được lan truyền, khắp nơi tỏ lời phân ưu buồn tiếc. Bạn bè thân hữu, cả đến dân chúng bên ngoài, người người xúc động bùi ngùi khi hay tin “Cụ Bài” mất. Họ mến tiếc một vị tài đức mà cả cuộc đời và sự nghiệp là tấm gương hy sinh đến tận cùng tận lực vì công ích công lợi.

Đời công, đời tư trọn vẹn cả hai. Đời công sáng chói như vậy; đời tư còn đẹp đẽ sáng lạn hơn. Với bản thân, ông có một lối sống giản dị, khắc kỷ đáng kính. Lối sống giản dị và thái độ khắc kỷ ấy đã định hướng mọi hành động, cử chỉ trong suốt cuộc đời khiến ông luôn luôn giữ vững được cốt cách người quân tử. Danh lợi không mê, của cải tiền bạc không quý, còn ai chê trách ông được điều gì!

Tăng lương không nhận, dành dụm được bao nhiêu tiền, ông dùng cả vào công việc khai khẩn đất hoang, đem ruộng đất về cho dân nghèo. Ngôi nhà riêng của ông tầm thường như bao nhiêu ngôi nhà tầm thường khác ở Huế, gọi “dinh Cụ Bài”, là một bằng chứng cho đức liêm khiết trong sạch hiếm có.

Lấy đạo đức cải hóa các bạn đồng liêu, chính ông đã nêu gương đạo đức trước thảy mọi người, khiến mọi người khi nhắc đến ông chỉ còn biết cúi đầu kính phục

(Còn tiếp