Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài: Chống âm mưu của Pháp

Từ lâu, thấy rõ sự quan trọng vùng Cao-nguyên Trung Kỳ, người Pháp muốn biến vùng đất này thành khu tự trị nhượng địa Pháp, tách khỏi lãnh thổ Việt Nam. Với thâm ý ấy, Khâm Sứ Trung Kỳ yêu cầu Nam Triều nhượng hẳn đất đai Cao-nguyên cho người Pháp, lấy cớ rằng biên giới Việt Nam ngày trước chỉ có từ bên này dãy núi Trường Sơn mà thôi.

Biết rõ âm mưu ấy, Phụ Chánh Nguyễn Hữu Bài xin khất hẹn ba ngày sau sẽ trả lời.

Gặp lại viên Khâm Sứ lần sau, ông khôn khéo trả lời:

“Cao-nguyên vốn là đất đai của triều đình, nay người Pháp muốn lấy cũng được. Song có điều khó khăn bất tiện bởi lẽ lâu nay sách báo, tài liệu lịch sử-địa dư đều ghi rằng Cao-nguyên là phần đất Việt Nam, thảy mọi người đều biết.

Nay muốn vậy, xin nhà cầm quyền Pháp một thời gian đễ sửa đổi lại sách báo tài liệu nói trên, lâu ngày quen dần, không còn ai nói Cao-nguyên là của Việt Nam nữa, lúc đó người Pháp muốn lấy cũng không muộn...”

Vì sao sáng giữa đêm tàn

Tình hình chính trị trong những năm 1930-1931 càng ngày càng rối ren bất lợi cho chính quyền thuộc địa. Các phong trào vận động độc lập bộc phát mạnh. Vụ khởi nghĩa Yên Bái tuy đàn áp được nhất thời nhưng âm vang còn chưa hết trong các tầng lớp quần chúng. Tiếp đến các vụ bạo động Thanh-Nghệ, Quảng Nam, Quảng Ngãi... rồi thì phản ứng đòi sát nhập Bắc Kỳ với Trung Kỳ dưới quyền cai trị của Nam Triều. Tổng Trưởng Thuộc Địa Pháp là Paul Reynaud vào cuối năm 1931 được phái sang điều tra tình hình Đông Dương.

Tháng 11 năm 1931 tiếp kiến ông P. Reynaud tại Huế, Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài không ngần ngại tỏ bày tất cả sự thật là dân chúng Việt Nam muốn tự do, tự chủ. Với nguyện vọng đó, Nguyễn đại thần nhắc lại lời yêu cầu chính phủ Pháp giao trả Bắc Kỳ lại cho Nam Triều, đặt chức Kinh Lược ở Hà Nội như trước. Ông cũng nhân dịp này đưa ra nhiều đề nghị cải cách lâu nay bị người Pháp vịn cớ này cớ khác thoái thác hoặc làm chậm trễ.

Do ảnh hưởng tình hình tại chính quốc cùng với áp lực biến chuyển chính trị tại thuộc địa, sau lần gặp gỡ Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài và Toàn Quyền P. Pasquier, về đến Paris Tổng Trưởng P. Reynaud ra lệnh trả tự do cho một số tù chính trị tại ba miền Nam-Trung-Bắc:

“Dân chúng Việt Nam chờ đợi một cuộc cải cách khả dĩ chấm dứt cơn khủng hoảng tinh thần họ đang đau khổ chịu đựng, họ chờ đợi một công cuộc cải cách bảo đảm cho toàn cõi Đông Dương, sự quân bình về các phương diện tinh thần, chính trị và kinh tế.”

“Les Vietnamiens attendent une réforme susceptible de mettre fin à la crise morale dont ils souffrent actuellement et d’assurer à l’Indochine son équilibre moral, politique et économique.” (Ref: Nam Phong-Supplément en Francais, No 167, Nov-Decembre 1931. P 325-330).

Lời tuyên bố trên của Tổng Trưởng Paul Reynaud mục đích xoa dịu phần nào cơn sốt chính trị tại Đông Dương, đồng thời làm nổi bật một nhân vật chính trị Việt Nam, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài từ đây được chính giới Pháp chú trọng theo dõi. Thiện cảm có và bực bội đối nghịch cũng nhiều.

Thiện cảm về phía các đảng phái chính trị cấp tiến; khó chịu bực mình đối với các phần tử thực dân luôn luôn muốn kìm hãm các dân tộc bị trị.

Nhà báo Henri Le Grauclaude, từ Pháp sang Việt Nam sau khi đã có dịp nghe ngóng, tìm hiểu nhiều về tình hình trong nước, đã vào tận trụ sở bộ Lại phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Bài.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 6-9-1932, đáp câu hỏi về vấn đề Lập Hiến, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài lạnh lùng trả lời:

Với chế độ Lập Hiến, Vua chia quyền với dân. Nhưng ở đây, Vua nước Nam có quyền gì mà chia?

Nói về nguyện vọng dân chúng sau khi vua Bảo Đại hồi loan, ông nhấn mạnh thêm:

Dân nước tôi cũng như các nước khác trên hoàn cầu lúc nào cũng mong muốn được tự chủ và được quyền bảo vệ quyền công dân của họ. Vua nước Nam cũng như các vị Quốc Trưởng khác phải lo cho quyền lợi ấy được bảo đảm chừng nào hay chừng ấy. Mà phải làm như vậy mới thỏa mãn được nguyện vọng dân chúng!

Cũng nhân dịp này ông muốn tỏ bày cho người Pháp biết triển vọng tương lai của dân tộc Việt Nam:

“... Việt Nam là một dân tộc rất bình dị và yêu chuộng hòa bình, muốn yên ổn làm ăn. Người nông dân đến mùa gặt lúa có gạo cơm đầy đủ nuôi con. Người dân nước tôi đông con lắm. Và vì đông con, thì nước nhiều dân và sau này sẽ trở thành một dân tộc lớn và hùng mạnh hơn. Cái tin tưởng và hy vọng ấy đã thâm nhiễm vào trí não các tầng lớp dân chúng trong nước và làm họ thêm yêu chuộng quá khứ và phong tục nước nhà để hướng về tương lai đẹp đẽ hơn”.

Về vấn đề nội trị, Nguyễn Hữu Bài một lần nữa xác nhận lập trường:

“... Về nội trị, người nước chúng tôi đang ao ước quyền nội trị, tự đảm đương thu xếp công việc bên trong. Có người cho rằng người dân chúng tôi không có lòng ái quốc; đó là một sự lầm lẫn lớn. Có lẽ người nước chúng tôi không yêu nước theo kiểu cách người Âu Châu, nhưng lòng trung quân ái quốc của họ ai cũng có, ai cũng một lòng một chí được thấy quyền tự chủ của nước nhà...”

Khi Henri Le Grauclaude hỏi về dư luận báo chí gần đây về việc thi hành Hòa Ước 1884 và sự quan tâm của dân chúng đến vấn đề, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài đáp:

“Tôi tưởng báo chí trong tình thế hiện tại dù sao vẫn chưa bày tỏ được hoàn toàn tiếng nói của dân chúng. Hiện giờ khắp nơi đều muốn Bắc Kỳ trở về với Trung Kỳ, trong nông thôn đều muốn như vậy và tất mọi xóm làng đều hiệp chung một ý ấy. Đi xa hơn, họ còn mong mỏi nhiều việc khác tốt đẹp hơn mà chúng tôi không thể không biết tới.”

Nhắc lại vấn đề an ninh ở hai tỉnh Thanh-Nghệ, Tể Tướng Bài nói:

“Không cần phải đổ máu nhiều cũng có thể an ninh được! Rất may là người Pháp đã thay đổi chính sách, một chính sách sai lầm mà chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ ý kiến. Cũng rất may là ông Robin Xử Lý Thường Vụ Toàn Quyền đồng ý với chúng tôi. Ông Robin là một người can đảm khi biết con đường mình đi sai thì bỏ ngay mà chấp nhận ý kiến người khác...”

Cuối cùng kết thúc cuộc nói chuyện, Tể Tướng Nguyễn Hữu Bài kín đáo nhắc nhở:

“Chúng tôi vẫn tin rằng nước Pháp sẽ chú ý nhiều hon đến nguyện vọng dân chúng nước tôi và không quên lời hứa hẹn nhiều lần trước đây.”

Sau lần tiếp kiến này, Henri Le Grauclaude viết về Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài như sau:

“...Trong khi vua Bảo Đại chưa về chấp chánh, bao nhiêu quyền hành bên Nam Triều thật ra ở trong tay Thượng Thơ bộ Lại kiêm Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài.

Vị đại quan này đường đường là một vị danh thần lương tướng, một người đại thông minh trí tuệ và tánh khí can trường trung trực. Những người về phe đảng khác, những người chống đối ông bên Pháp cũng đều công nhận như vậy. Một đôi câu ông nói ra, tuy vắn tắt, nhưng hàm súc nhiều ý nghĩ, đủ tỏ ra con người ông thật là từ giãn ý hùng.

Dư luận bên ngoài thường cho rằng ông Khâm Sứ nào ông không thích, năng xen vào công việc ông làm thì phải lo dự bị sẳn rương hòm khăn gói mà tính chuyện về nước cho sớm” (11).

Những lời đồn đãi ấy đúng hay không ở một nước thuộc miền nhiệt đới, nơi con người trí não nóng nảy hay mơ tưởng những sự hão huyền. Nhưng có một điều đích xác là ông Thủ Tướng người đạo Thiên Chúa, bên Công-giáo kính yêu đã đành, mà bên lương cũng một lòng ái mộ.

Nhìn hình vóc gầy ốm của ông, tôi nhớ câu “vì lưỡi gươm quá bén nhọn nên vỏ gươm phải mòn mỏi”. Võ Hiển điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài là cái quốc gia thạch trụ, ai hiểu rõ trí não tinh anh của ông, ai thấy cái vóc dáng mảnh khảnh của ông thì thấy câu nói trên ý nghĩa chừng nào.

Song thân hình ốm yếu mà trí não minh mẫn lạ thường! Xem đôi mắt sáng và lối mỉm cười của ông thì đủ biết. Cái mỉm cười có hơi ngạo vì tự tin, tự trọng ấy là cái cười của con người đầy trí tuệ thông minh, biết trước người đối thoại mình sẽ đưa câu chuyện đi đường hướng nào và sẽ hỏi mình những câu hỏi nào.

Tôi nghe người ta đồn rằng sau khi vua Bảo Đại hồi loan Thủ Tướng Bài sẽ xin từ chức. Chắc đó cũng là một hình thức lịch sự vì tôn trọng vị vua mới mà làm như vậy; sự thế tất đã vậy. Vì hẳn ra nhà vua sẽ lưu ông với chức vụ cũ, vì sau này chắc sẽ cần đến ý kiến ông nhiều hơn...”

Cũng nhà báo Henri Le Grauclaude này trong một dịp khác đã viết về Nguyễn Hữu Bài nhân dịp tháp tùng vua Bảo Đại trong cuộc tuần du ở Nghệ An vào tháng 11 năm 1932:

Về các vị quan Nam Triều, trong dân gian tôi nghe người ta xét đoán và bình phẩm như sau:

“Ở Trung Kỳ chỉ có hai vị quan xứng đáng nhất: Thủ Tướng Nguyễn Hũu Bài và ông Tuần Vũ Bình Thuận Ngô Đình Diệm.” Câu xét đoán này làm những người nhát gan phải rùng mình.

Riêng Quận Công Nguyễn Hữu Bài là vị lão thần danh tiếng bậc nhất rất dõng mãnh can trường, cũng đủ là một gương quý cho nhà vua. Trong khi Ngài còn đang du học, Thủ Tướng đứng đầu triều nước Nam, niên kỷ bảy mươi mà thường đi công cán năm nọ qua tháng kia, ai ai cũng biết, cũng phục. Ông lấy thuốc mệt mà trị bệnh mệt mỏi cũng như các lương y lấy độc mà giải độc vậy. Khi nước nhà gặp phải rắc rối nhiễu loạn hoặc khi phải thiên tai thủy ách, dân tình cật cứ, dân trí hoang mang, thấy bóng ông cũng như vủ-ủy, bớt lo, bớt sợ mà bền lòng vững chí nhiều hơn. Non một năm trời, ông trèo non lặn suối, ngót 110 ngày. Bởi thế trong nhân dân cho đến các phe đảng khác thấy công phu lao nhọc hy sinh vì nước, thấy lòng đại độ khoan hồng, cái cách xử trí thanh bạch, thảy đều ca tụng yêu vì.

Các nhà văn học ở đất Nghệ An này, mặc dù với truyền thống chống đối, bản tính thích bạo động hung hãn cũng rất hiểu rõ cái mãnh lực thiêng liêng của cách xử trí và đối đãi của ông mà đem lòng tin tưởng mến yêu. Phải nhìn nét mặt các bậc kỳ lão thân hào xem như ở trên bức tranh cổ hiện xuống, khi nghe Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài hiểu dụ và họ chú ý làm sao, rồi đoán khi ấy trong trí óc họ thay đổi tư tưởng như thế nào, mới thấy rõ lòng kỳ vọng và sự tôn kính họ đặt nơi ông Nguyễn Hữu Bài là chừng nào.

Nghệ An là nơi dân chúng hay chống đối, bình phẩm, nơi Hán học thịnh hành; chữ Nho là thứ chữ rất rộng nghĩa, khó giải thích cho hết, thì không biết các bô lão Nghệ An đã đàm luận thế nào về cuộc tuần du và Thủ Tướng Nguyễn Hữu Bài” (12).