Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài 1863-1935
Thăng Hiệp Tá Đại Học Sĩ

Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài sau đó được tấn phong Phước Môn Tử (Vicomte de Phước Môn).Tám tháng sau ngày vua Khải Định lên ngôi (tháng 9 năm 1916) ông được phong Phước Môn Bá (Comte de Phước Môn). Không đầy một năm sau, tháng 3 năm 1917, tưởng thưởng công lao vị lão thần đầy công lao với các bậc tiên đế, vua Khải Định sắc phong Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài tước vị Thái Tử Thiếu Bảo.

Tháng 5 năm 1917, Thượng Thơ bộ Lại Trương Như Cương và Hình bộ Thượng Thơ Huỳnh Cổn đáo hạn tuổi cùng về hưu. Triều đình Huế được tổ chức lại, lần này do Hình bộ Thượng Thơ Tôn Thất Hân, Cơ Mật Viện Trưởng đứng đầu. Các vị triều thần khác gồm có Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thơ bộ Lại kiêm bộ Hộ; Đoàn Đình Duyệt, Thượng Thơ bộ Công kiêm bộ Binh và Hồ Đắc Trung, Thượng Thơ bộ Lễ kiêm bộ Học.

Một triều đình thu hẹp với chức quyền hạn hẹp.

Đông Các điện Đại Học Sĩ Nguyễn Hữu Bài lúc này một mình phụng chức hai bộ, Thượng Thơ bộ Lại kiêm bộ Hộ, một nhân vật trở thành quan trọng trong Hội Đồng Cơ Mật. Năm 1922 (ngày 24 tháng 4 âm lịch) Nguyễn Hữu Bài được cử làm Hộ Giá đại thần sang Pháp, lần này đi theo vua Khải Định có cả Đông Cung Hoàng Thái Tử.

Trong chuyến công du này, ông được phó thác một công vụ quan trọng, phụ tá Việt Nam Hoàng Đế điều đình với chính phủ Pháp giao trả Bắc Kỳ lại cho triều đình Huế theo đúng tinh thần Hiệp Ước 1884. Cuộc điều đình với Pháp không thành công, nhưng bù lại ông Nguyễn Hữu Bài đã mang về cho triều đình Huế một thắng lợi ngoại giao: sang tận La Mã điều đình việc thiết lập bang giao với Tòa Thánh Vatican.

Nhân danh triều đình Huế, vị Khâm Mạng đại thần thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng thiết lập chức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam. Lời thỉnh cầu này phản ảnh tinh thần tự chủ của triều đình mà ông là đại diện, đồng thời bày tỏ nguyện vọng của gần hai triệu giáo dân Việt Nam. Một nguyện vọng phù hợp với chủ trương của Tòa Thánh muốn bang giao với các nước Đông Dương qua hệ thống Tông Tòa. Sở dĩ trong mấy trăm năm trước, việc này chưa thực hiện được vì tình trạng bách hại tôn giáo liên tiếp xảy ra và gần đây vì chính quyền Bảo hộ muốn làm cản trở chậm trể.

Công việc chuẩn bị, kể cả việc điều đình khó khăn với người Pháp kéo dài gần 3 năm. Ngày 20-5-1925, Đức Giáo Hoàng Pie XI ký sắc chỉ thành lập văn phòng Khâm Sứ Tòa Thánh tại miền Đông Dương và Thái Lan (7).

Một mẫu người yêu nước.

Trở về nước, tháng 2 năm 1923 ông được thăng Tể Tướng Thái Phó, Vỏ Hiển điện Đại Học Sĩ, Cơ Mật Viện Trưởng đại thần.

Trong sắc dụ tấn phong, có đoạn tuyên dương công trạng như sau tỏ rõ sự kính trọng của triều đình đối với ông đến bực nào:

Phiên âm:

Thái Tử Thiếu Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ quản lãnh Lại bộ Thượng Thơ kiêm chưởng Hộ bộ sự vụ, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản văn thần Phò Mã, Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài (có 2 chữ tiếp theo bị nhòe vì con dấu đóng lên không đọc được, xem phóng ảnh kèm theo) nhiêu sung tư cách, tính năng thẩm thận, nhi thả đạt thức thời cơ.

Trẫm tằng quy Dụ phả giác tuân tuần, khả vị văn niên tiến đức. Trứ chuẩn gia Thái Tử Thiếu Phó đình kiêm Hộ bộ nhưng lĩnh Lại bộ Thượng Thơ sung Cơ Mật viện Viện Trưởng, đại thần Phò Mã khanh ký tận tâm nải chức dĩ bật Trẫm cung kỳ thứ sự hàm hi dĩ ủy Trẫm nhỉ lai chi tri ngộ.

Dịch nghĩa:

“Phước Môn Bá Nguyễn Hữu Bài, Thái Tử Thiếu Bảo, Đông Các Đại Học Sĩ, quản lãnh Lại bộ Thượng Thơ kiêm bộ Hộ, sung Cơ Mật Viện đại thần kiêm quản văn thần Phò Mã, tước Phước Môn Bá, chính trị đã đủ tư cách, tính tình lại thẩm thận, suốt biết thời cơ.

Trẫm từng ban chỉ Dụ dặn dò và biết noi theo, đáng là bậc tuổi già mà đức tiến. Nay chuẩn thăng Thái Tử Thiếu Phó thôi kiêm chức Hộ bộ, vẫn giữ chức Lại bộ Thượng Thơ sung Viện Trưởng Cơ Mật, kiêm quản chức văn thần Phò Mã. Khanh nên hết lòng với chức vụ, giúp đỡ Trẫm thế nào cho mọi việc đều nên tốt đẹp để thỏa lòng tri ngộ của Trẫm gần đây.”

Nhiệm vụ khó khăn tế nhị lần nữa đặt trên vai vị đại thần triều Nguyễn. Vừa ôn hòa nhưng quả quyết và cương trực khi phải đối phó với người Pháp, mỗi lần thấy họ có ý muốn xâm lấn vào nội bộ Nam triều. Vừa khôn khéo để làm sao giữ được hòa khí trong giới quan lại nhiều người không cùng chí hướng với mình. Bằng đạo đức, bằng tấm lòng nhiệt thành, ông đã giữ vững được thể thống và giềng mối quốc gia trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn do thời cuộc tạo nên.

Năm 1925, nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải đưa về nước. Trước làn sóng ủng hộ cuồng nhiệt của quần chúng, người Pháp phải ra lệnh ân xá để làm êm dịu tình hình. Toàn Quyền Varenne vào Huế họp Hội Đồng Cơ Mật với thâm ý muốn mượn tay Nam Triều giam giữ chí sĩ Phan Bội Châu:

Dân chúng trong Nam và ngoài Bắc vận động xin ân xá cho ông Phan Bội Châu, vậy ý kiến Nam Triều thế nào và nếu đem ông Phan về Huế, Nam Triều sẽ đối xử ra sao?

Biết rõ mưu sâu của Toàn Quyền Varenne, ông Nguyễn Hữu Bài điềm nhiên trả lời:

Chính phủ Pháp muốn ân xá, Nam Triều chúng tôi rất tán thành ý kiến đó. Còn ông Phan Bội Châu nguyên trước đây là một vị Cử Nhân, nay về nước sẽ giữ địa vị cũ. Ông Phan Bội Châu sẽ được triều đình chúng tôi đối xử như các vị cử nhân khác ở Trung, Bắc Kỳ.

Như một gáo nước lạnh đổ vào người Toàn Quyền Varenne, câu trả lời khiêm tốn nhưng khôn khéo của vị đại thần họ Nguyễn đã làm hỏng mưu định của người Pháp. Toàn Quyền Varenne tuy bực tức nhưng bên trong không khỏi thầm kính phục thái độ cương trực, quả cảm của người đối thoại.

Từ tháng 10 năm 1925, sau ngày vua Khải Định băng hà và Đông Cung Thái Tử còn du học ở Pháp, một mình ông giữ trọng trách Cơ Mật Viện Trưởng cùng với ông Tôn Thất Hân (về hưu từ năm 1923) được chọn làm Phụ Chánh thân thần.

Triều đình Huế lúc này ngoài Phụ Chánh Tôn Thất Hân, các đình thần khác gồm có Hồ Đắc Trung, Thượng Thơ bộ Học kiêm bộ Lễ; Phạm văn Thụ, Thượng Thơ bộ Hộ kiêm bộ Binh; Võ Liêm, Thượng Thơ bộ Công và Trần Đình Bách, Thượng Thơ bộ Hình.

Một nội các quá khiêm nhường trong một giai đoạn tế nhị chờ đợi nhiều chuyển biến khó khăn. Người Pháp muốn nhân cơ hội này xen lấn nhiều hơn nội bộ Nam Triều, nhưng họ đã gặp một đối thủ khó lung lạc là Tổng Lý Nội Các Nguyễn Hữu Bài.

Không đấu tranh chống Pháp bằng võ lực như một số các lãnh tụ cách mạng hay đảng phái chủ trương; nhưng với lý tưởng quốc gia và tinh thần dân tộc cao cả, bằng ngôn hành tâm lực và trí lực, Nguyễn Hữu Bài trực diện đương đầu với người Pháp trong những biến cố lịch sử nguy nan, ảnh hưởng tinh thần còn truyền lại đến ngày nay.

Gọi đây là phương pháp ôn hòa, là chủ trương thỏa hiệp hay bằng thuật ngữ chính trị nào đi nữa, điều mọi người đều nhìn nhận là với đường lối ấy, muốn đạt được chủ đích phải có một niềm tin vững vàng nơi chính nghĩa mình đeo đuổi, một tâm hồn cương trực và lòng quả cảm nhiệt thành cao độ.

Trở lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Phong trào Cần Vương cuối cùng tan rã sau cái chết của Phan Đình Phùng. Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân không thành. Ách đô hộ Pháp càng ngày càng siết chặt gọng kềm cai trị và kiểm soát.

Bắt buộc phải sống chung vì không còn đường lối nào khác hơn. Nhưng sống chung mà “đồng sàng dị mộng”, Việt Nam và nước Pháp mỗi bên một đường hướng, một lập trường riêng biệt. Gọi là thỏa hiệp, cũng được! Vì đây là giải pháp phải tạm thời chấp nhận để khai mở dân trí, cải cách duy tân, chờ đợi vận hội mới nước nhà tự do, tự chủ trong tương lai. Đây cũng là sinh lộ các nhà cách mạng đương thời như Phan Châu Trinh, như Huỳnh Thúc Kháng đang chọn lựa sau nhiều kinh nghiệm đấu tranh và thất bại.

Kiện tướng sôi nổi nhất của chủ trương chống Pháp bằng bạo lực là tiền bối Phan Bội Châu, sau này tại Bến Ngự (1926-1940) cũng đành thúc thủ nhìn thời cuộc. Chỉ còn “Mình Với Bóng” (8) ngày ngày với chiếc đò bên cây sung trước mặt nhà, chí sĩ Phan Sào Nam trở lại với hồn thơ “Nằm chung không nằm” cảm hứng từ câu hát dân gian:

Ăn sung ngồi gốc cây sung
Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm...

Tâm sự chát chua ai mua mà bán; rao khắp chợ đời không thấy dạng người mua (9)!
Tình cảnh, tâm sự chát chua cô thiếu nữ phải nhận làm chồng, phải sống chung với một người không hề quen biết, nếu không nói là thù nghịch!
Cùng nghịch cảnh trớ trêu như người thiếu nữ trong câu ca dao, tâm sự nhà cách mạng chống Pháp lúc này tại Bến Ngự!

Cùng chung tâm sự, nhưng hệ lụy chát chua hơn trong chính trường đang tàn tạ, cụ Thượng Bài ngày ngày qua lại trên dòng sông Bến Ngự có con đò, có gốc cây sung nơi nhà cụ Phan.

Khác nhau về hoàn cảnh nhưng cùng chung tâm sự, hai người quá hiểu biết nhau như lời cụ Phan sau này ái điếu cụ Bài “vào triều ra quận ruột đau đòi, khôn phơi sạch để ai xem...”

Tâm sự “nằm gốc cây sung”, trở thành nội dung bài thơ do cụ sáng tác:

Thời thế xui nên giả vợ chồng
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung.
Ừ, chơi với nó toi đồng bạc
Thật chẳng cho ai nếm má hồng!
Cười gượng lắm khi che nửa mặt
Khóc thầm một nỗi khác hai lòng!
Bao giờ duyên cũ thay duyên mới
Thỏa thuận cùng nhau tát biển đông (10).

Ngoài tâm sự “nằm chung không nằm” của cụ Phan Bội Châu và cụ Nguyễn Hữu Bài, bài thơ trên làm nhớ lại hoàn cảnh triều đình Huế trong khoảng thời gian này.

Vua Khải Định vừa mới mất (6-11-1925), Khâm Sứ Pasquier áp lực Hội Đồng Phụ Chánh ký Thỏa Ước 6-11-1925, chuyển giao tất cả quyền lực chính trị, hành chánh và tư pháp qua tay người Pháp. (Còn tiếp)