Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài 1863-1935

Từ viên Thừa Phái đến chức Thượng Thơ


Theo tôn phả Nguyễn triều, thủy tổ của Nguyễn Quận Công Phước Môn là vị đệ nhất công thần đời Lê, Nhị Khê Hầu Nguyễn Trãi (1380-1442) quê quán tại Quý Hương (Thanh Hóa), một dòng họ sau này đã khai sinh nhiều danh nhân lịch sử trong các triều đại Lê, Nguyễn. Từ văn quan như Nguyễn Đức Trung (tước Trinh Quốc Công), Nguyễn Hữu Vinh (tước Hằng Quốc Công), Nguyễn Hữu Đạt (tước Tùng Dương Hầu) đến võ tướng như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Quỳnh (2).

Mấy mươi đời sau, dời về Quảng Bình và đến thế hệ cụ thân sinh là Nguyễn Hữu Các, lui về lập nghiệp ở Quảng Trị. Tấm bia đặt tại phần mộ ở xứ Kim Sen do Nguyễn Hữu Bài soạn bằng chử Hán có đoạn ghi như sau:

“Tổ húy (Nguyễn Hữu Đài) nhánh thứ hai họ ta; ngày xưa cao-tổ-khảo ta ở thôn Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh ba trai. Trưởng là tằng tổ bá (húy Doãn), út là tằng tổ thúc (húy Ba) di cư vào xứ Kim Long, tổng Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên, sanh hạ hai trai, tổ ta là con trưởng.

Sau tổ ta phối với tổ mẫu, người làng Di Luân tỉnh Quảng Trị, sinh được một trai là ông thân ta. Nghiệp nhà làm thuốc, tổ ta lúc tuổi trẻ sẳn có chí du lịch giang hồ xứ Kinh, xứ Nam, xứ Trung và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đi chơi gần khắp. Đến đâu cũng lấy nghề thuốc thang làm kế sanh nhai, thêm làm ruộng nên giàu có của đến dư vạn. Nhưng ở chỗ nào làm ra tiền bạc bao nhiêu thời cho họ hàng chỗ ấy quản nhiệm, chẳng để dành cho con cháu chút gì cả.

Đến ngày mỏi chân, về làng lo sự dưỡng lão. Khi qua đời, thân sinh ta còn nhỏ. Tổ ta nghĩ rằng xứ Kim Sen mình đã lập ra ấp hiệu nên táng tại chỗ ấy” (3).

Nguyễn Hữu Bài sinh ngày rằm tháng 8 năm Quý Mão (28-9-1863) tại làng Cao Xá, tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mồ côi cha từ nhỏ, năm 10 tuổi cậu bé Nguyễn Hữu Bài vào học tại chủng viện An Ninh. Học giỏi và thông minh, mấy năm trời dưới mái trường chủng viện Nguyễn Hữu Bài được ban giáo sư để ý, hy vọng sau này sẽ thành tài đạt đức. Đức cha Gaspar vì thế gởi cậu chủng sinh đầy tương lai ấy sang học đại chủng viện Pénang. Cũng như ở quê nhà, chủng sinh Nguyễn Hữu Bài càng học hỏi nhiều càng tỏ ra xuất sắc hơn người. Gần mười năm ở Pénang đã đào tạo cho cậu Bài một căn bản học vấn và đạo đức vững chắc. Nhưng không được ơn thiên triệu, hết thời hạn đèn sách, cậu trở về nước.

Biến chuyển chính trị trong những năm cuối cùng đời vua Tự Đức, giặc giã loạn ly đã làm đảo lộn bao nhiêu dự tính, trong đó có cuộc đời người trai trẻ Nguyễn Hữu Bài vừa chân ướt chân ráo trở về quê hương.

Mới 20 tuổi (năm Tự Đức thứ 36) Nguyễn Hữu Bài được triều đình tuyển bổ làm Thừa Phái nha Thương Bạc, cơ quan vừa thành lập đặc trách công việc giao thiệp với Pháp. Còn bỡ ngỡ trong trường đời, nhưng nhờ bản chất thông minh, lại có khiếu năng quan sát nhận xét thâm trầm, ăn nói nhã nhặn và đứng đắn trong công việc ngoại giao hàng ngày, viên Thừa Phái Nguyễn Hữu Bài đã rút tỉa được ở đây nhiều kinh nghiệm cần thiết sau này.

Tình hình đất nước mỗi ngày một rối ren, vua Tự Đức băng hà, vua Hàm Nghi lên ngôi chưa được bao lâu rồi thất thủ kinh đô, nhà vua xuất bôn và chiến tranh loạn lạc tan tác... Mọi công việc hành chánh, ngoại giao đình chỉ, viên Thừa Phái trẻ tuổi thôi việc trở về nhà như một số đông quan chức khác. Ngày 19-9-1885 vua Đồng Khánh lên ngôi, các công sở lần hồi mở cửa hoạt động lại. Nguyễn Hữu Bài trở về với nhiệm sở cũ, lần này lãnh chức Ký Lục kiêm Thông Sự (4).

Càng đảm đương việc lớn càng tỏ ra đại dụng, người viên chức của nha Thương Bạc năm sau (1886) vì thế được cử đi thương nghị cùng phái bộ quân sự Pháp về vấn đề phân định biên giới Bắc Kỳ tiếp giáp với Trung Hoa (5).

Sau gần 10 năm công vụ tại miền Bắc, trở về Huế chưa được bao lâu thì đầu năm 1896 Nguyễn Hữu Bài được vinh thăng Hồng Lộ Tự Thiếu Khanh và tháng 2 năm 1897 thăng Hồng Lộ Tự Khanh. Tháng 11 cùng năm ấy thăng Ngự Tiền Thông Sự, Nguyễn Hữu Bài hộ giá vua Thành Thái trong chuyến tuần du miền Nam.

Làm Bố Chánh Thanh Hóa chưa được một năm thì tháng 6 năm 1899, Nguyễn Hữu Bài được thuyên chuyển về Kinh lãnh chức Thị Lang bộ Lại, kiêm Tham Tá viện Cơ Mật. Tài ba năng lực càng ngày càng tỏ rõ trong công vụ, tháng 7 năm 1901 ông được gia hàm Tham Tri (inscrit au tableau Tham-Tri) và đến tháng 10 năm ấy lên thực thụ Tham Tri (Vice ministre) bộ Hình kiêm Tổng Lý (Secrétaire Général) viện Cơ Mật.

Tháng 2 năm 1902, Tham Tri bộ Hình Nguyễn Hữu Bài được cử đi Pháp công cán. Trở về nước mấy tháng sau, ông trở lại chức Tham Tri và Tổng Lý viện Cơ Mật như cũ.

Tháng 6 năm 1906 ông Nguyễn Hữu Bài chính thức nhậm chức Thượng Thơ bộ Công sung Cơ Mật Viện đại thần và năm sau kiêm nhiệm “Binh bộ sự vụ”.

Nhớ lại hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Mới 8 tuổi, vua Duy Tân lên ngôi ngày 28 tháng 7 năm Đinh Mùi (20-9-1907). Một Hội Đồng Phụ Chánh do người Pháp sắp đặt và lựa chọn được thành lập để “trông coi việc nước”. Ngoài vị chủ tịch là Phụ Chánh thân thần An Thành Vương Miên Lịch, các hội viên gồm có Phụ Chánh đại thần kiêm Cơ Mật Viện Trưởng Lại bộ Thượng Thơ Trương Như Cương; Lễ bộ Thượng Thơ, Lê Trinh; Hộ bộ Thượng Thơ, Huỳnh Cổn; Binh bộ Thượng Thơ, Vương Duy Trinh; Hình bộ Thượng Thơ, Tôn Thất Hân; và Nguyễn Hữu Bài, Công bộ Thượng Thơ. (Một thời gian sau triều đình Huế có thêm bộ Học, Thượng Thơ Cao Xuân Dục).

Hội Đồng Phụ Chánh tuy buổi đầu tiên do người Pháp lựa chọn và sắp đặt, nhưng vẫn còn đôi chút quyền uy và chính thống. Lần hồi dưới áp lực của người Pháp, Viện Phụ Chánh chỉ còn là cơ quan thừa hành quyết định của viên Khâm Sứ, theo thứ tự thời gian kể từ Khâm Sứ Lévecque, Groleau, Sestier, Charles, Mahé, và Charles (nhiệm kỳ hai, 1913-1914).. .

Bị lấn áp và tước đoạt gần hết thực chất thực quyền, đình thần một số ngã theo người Pháp “triều đình núp bóng cờ ba sắc” như trường hợp Trương Như Cương. Một số khác qua kinh nghiệm vua Thành Thái trở nên lửng lơ thụ động, cuối cùng buông xuôi theo thời cuộc.

Làm sao quên được biến cố ngày 2-9-1907 khi vua Thành Thái bắt buộc phải thoái vị!

Cả triều đình im lặng tuân theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau và Khâm Sứ Ferdinand Lévecque. Duy nhất và độc nhất một người, với sĩ khí nho phong hiếm hoi của thời đại còn lại, Thị Vệ đại thần Ngô Đình Khả đứng lên phản đối. Kết thúc sau cùng là nhận lãnh hậu quả phải xảy đến: cụ Ngô Đình Khả bị người Pháp quy tội đủ điều, kể cả tội “không xứng đáng với chức vụ”. Vị triều thần trọng nghĩa khí, coi thường công danh là Ngô Đình Khả bị giáng cấp xuống hàng Án Sát, cho về hưu trí tại nguyên quán Quảng Bình mà không được cấp hưu bổng.

Hoàn cảnh tâm lý chính trường như vậy, còn mấy ai thiết tha đến công việc triều đình, đến vận nước nguy nan để tận tâm tận lực với vị ấu quân hy vọng đổi thay thời cuộc !

Những năm đầu tiên triều đại Duy Tân chưa có gì gọi là biến cố. Chỉ về sau, thời Khâm Sứ Mahé (1912-1913) và Charles (1913-1914) mới xảy ra nhiều việc, đáng kể nhất việc tìm vàng bạc châu báu từ chốn hoàng cung lên đến tận lăng tẩm núi rừng xa xôi.

Nước loạn mới biết tôi trung. Trong nghịch cảnh của thời thế, tên tuổi Nguyễn Hữu Bài nổi bật từ đây.

Trong buổi họp Hội Đồng Thượng Thơ cuối năm 1912, Khâm Sứ Mahé cho biết ý định đào lăng vua Tự Đức lấy vàng bạc châu báu, viện lý do có thêm phương tiện tài chánh cho ngân sách Nam triều. Cả triều đình nín lặng, không ai nói năng gì. Duy chỉ có Thượng Thơ bộ Công dõng dạc đứng lên phản đối đề nghị này viện lẽ theo truyền thống phong tục Việt Nam, kính trọng người chết là một nghĩa vụ và bổn phận của người sống. Đào mã tức là xâm phạm đến vong linh người chết sẽ gây náo động nhân tâm, thương tổn đến lễ nghi và thể thống triều đình. Cử chỉ hào hùng, lời lẽ khiêm tốn nhưng vững vàng cương trực của Thượng Thơ Nguyễn Hữu Bài đã làm Khâm Sứ Mahé bực mình. Tuy kết cục vẫn không ngăn cản được hành động tham tàn của đối phương, nhưng tư cách, thái độ ấy đã để lại tiếng thơm muôn đời: “lăng Tự Đức còn bia thiên vạn cổ”, lời cụ Phan Bội Châu ghi lại sau này (6).

Dân chúng vốn sẳn cảm tình với cụ “Thượng Bài”, từ đó càng thêm ngưỡng mộ kính mến. Càng lâu họ càng thấy rõ vị trung thần lương đống ấy, lên đến tột đỉnh danh vọng không phải vì a dua nịnh bợ tầm thường như một số quan lại đương thời mà chính vì tài đức, năng lực tinh thần thật sự.

Việc “đào mã” xảy ra làm dân chúng miền Trung nhớ lại một sự việc khác trước đây, khi vị đại thần Ngô Đình Khả một mình trước Hội Đồng Cơ Mật đứng lên phản kháng người Pháp, không chịu truất phế vua Thành Thái, từ đó ghép hai sự kiện lịch sử thành câu tục ngạn:

Đày vua không Khả

Đào mả không Bài

tỏ lòng biết ơn những người đã không sợ cường quyền bạo lực, nhất quyết một lòng bảo vệ thể thống quốc gia.

Đất nước rằng không người phẩm cách

Non sông dễ thiếu khách tài hoa. (N.H.B.)

(Còn tiếp)