Tiểu sử Quận Công Phước Môn Nguyễn Hữu Bài :Thời Gian Hưu Trí

Nhưng tuổi già ngày một chồng chất, gần nửa thế kỷ phục vụ liên tiếp bảy triều vua, theo lời thỉnh cầu của ông, ngày 2-5-1933 vua Bảo Đại xuống Chỉ cho ông được về hưu trí (17).

Một đạo Dụ khác cùng ngày, Dụ số 30 ngày mồng 8 tháng tư năm Bảo Đại thứ 8 -ngày 2-5-1933- tôn phong Nguyễn Hữu Bài Cố Vấn Nguyên Lão (Vénérable Conseiller de l’Empire):

“Quan Võ Hiển Quận Công Nguyễn Hữu Bài, nguyên Cơ Mật Viện Trưởng, được phép về hưu theo Dụ số 29, là một vị công thần của nhà nước ta.

Ta đã từng nhiều lần tỏ lòng cám ơn những công nghiệp của quan Võ Hiển Nguyễn Hữu Bài cùng quan Cần Chánh Tôn Thất Hân đã giúp cho quốc gia cùng bản triều.

Ngày mồng 4 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 7 (1er Novembre 1932) đã có Dụ thăng thưởng quan Tôn Thất Hân lên Cần Chánh và quan Nguyễn Hữu Bài tước Quận Công.

Nay lại muốn tỏ lòng kính mến hai bậc lão thần đó, nên có Dụ này tặng cả hai vị chức “Cố Vấn Nguyên Lão”.

Hai vị đã về hưu, ta muốn thời thường được vào chầu ta, mà đem cái tài lịch duyệt, cái trí khôn ngoan để giúp ta trong lúc thanh niên sơ chánh.

Những khi có lễ nghi gì trong Triều hay trong Nội, mà hai vị được triệu mời, thời được đứng ngồi trên hết thảy các quan đại thần khác trong Triều mặc dù chức vị thế nào cũng phải đứng dưới cả.”

Khâm Thử

Đạo Dụ số 30 ngày 2-5-1933 nói trên nguyên văn bằng tiếng Pháp do Khâm Sứ Trung Kỳ tuyên đọc xong, Thương Tá viện Cơ Mật Trần Thanh Đạt đọc bản dịch nghĩa Việt văn (18).

Sau tiếp phần diễn văn của Toàn Quyền Pasquier là lời kết thúc cám ơn của Cơ Mật Viện Trưởng Nguyễn Hữu Bài:

“...Về phần riêng tôi, đã già đời phò Vua giúp nước, nay được về nghĩ hưu thật lấy làm vui mừng. Tôi cầu chúc Hội Đồng Thượng Thơ mới làm tròn nghĩa vụ để khỏi phụ ơn Vua tri ngộ. Phần chúng tôi là người cũ, bấy lâu chỉ chăm về việc nội trị, chưa từng nghĩ đến việc cải cách. Đó là phần việc các ngài sau này. Chúng tôi bấy lâu cũng đã có thương thuyết yêu cầu với Bảo hộ một vài điều, mong rằng những điều đó quý vị Thượng Thơ sau này sẽ cố gắng thỉnh cầu cho được.”

Giã từ triều đình Huế, ông trở về Phước Môn. Nhưng đến đây cũng chưa hẳn là lúc an hưởng tuổi già. Vốn có tài kinh tế, muốn giúp dân chúng khai khẩn đất hoang, mở mang cải tiến nông nghiệp, tại quê nhà ông đem tất cả thì giờ, tâm lực còn lại vào công tác hữu ích nói trên.

Số là 24 năm trước, năm 1909, nhận thấy hai làng Như Lệ và Tích Tường thuộc phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đất đai bỏ hoang trong khi dân chúng không công ăn việc làm, Hiệp Tá Nguyễn Hữu Bài hướng dẫn dân chúng làm đơn xin khai khẩn. Nhờ đó hai năm sau (năm 1911) làng Phước Môn diện tích gần 1.000 mẫu tây được thành lập.

Là nhà chính trị có tinh thần thực dụng thường lo nghĩ đến việc cải tiến dân sinh, cùng nhau cộng đồng đồng tiến, năm 1919 khai khẩn đất hoang và lập làng lập xã ở phủ Hải Lăng xong, ông hướng dẫn dân chúng khai khẩn thêm ruộng đất các làng Phước Sơn, Phước Nguyên thuộc phủ Vĩnh Linh, làng Phước Sa ở huyện Do Linh và Phước Tuyền ở huyện Cam Lộ. Công nghiệp khai canh lập ấp từ lúc còn tại chức, ngày nay về hưu trí ông lại tiếp tục khuyến khích dân chúng mở mang, phát triển thêm.

Vùng đất gọi là Ngũ Phước với Phước Môn, Phước Sa, Phước Sơn, Phước Nguyên và Phước Tuyền nói trên, dân chúng địa phương nhiều thế hệ qua còn nhắc lại, là kỷ niệm đẹp của cụ Thượng Bài đối với đồng hương Quảng Trị.

Không phải chỉ trong những ngày ruộng nương được mùa no ấm, mà cả trong thời buổi kinh tế khó khăn, mất mùa đói kém như nạn đói năm 1916.

Cụ Thượng Mại, lúc bấy giờ Tuần Vũ Quảng Trị, sau này trong Lô Giang Tiểu Sử còn nhắc nhở:

“Lại may có ông Phước Môn, Hiệp Tá bộ Công, xuất của riêng cho người vào Nam, mua gạo đem về cứu đói, bán rẻ cho dân được nhờ” (19).

Đi sâu hơn vào vấn đề nhân bản-dân sinh, năm 1924, tiên phong tại quê nhà, Nguyễn Hữu Bài thành lập nhà Dục Anh mục đích nuôi nấng dạy dỗ con em mồ côi bất hạnh. Với tấm lòng nhân hậu và với phương tiện riêng, ông kêu gọi những tâm hồn đạo đức cùng nhau chung sức chung lòng giải quyết một vấn đề xã hội gai góc, nỗi âu lo ngày đêm những người có thiện chí vì nhân quần, vì xã hội sẵn sàng dấn thân:

Con thiên hạ một bầy còn đó

Của thế gian hàng vạn sá chi.

(Câu đối trước cổng nhà Dục Anh)

Vui vầy bên đám dân chúng lam lũ cần cù, ngày ngày ông chống gậy đi thăm nơi này nơi nọ, hỏi han công việc đồng áng của nông dân trong vùng. Bạn bè cùng cảnh trí thiên nhiên, tâm hồn siêu thoát thanh cao, sống cuộc đời giản dị không bận bịu, không vương vấn lợi danh, danh lợi. Tình cờ gặp ông bên cánh đồng hay dưới gốc cây đang phe phẩy chiếc quạt giấy, không ai ngờ rằng đó là vị quan đầu triều danh vọng tột đỉnh ngày nay đang an hưởng tuổi già bên cạnh đồng bào, đồng hương lâu nay ông vẫn một lòng mến yêu và đem hết đời mình để phụng sự.