Hiệp Sĩ Tối Cao (Grand Master) của Dòng Hiệp Sĩ Malta đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định lòng trung thành của mình với ngài.

Trong một bức thư đề ngày 01 tháng Giêng gởi cho Đức Thánh Cha, Hiệp Sĩ Tối Cao Fra’ Matthew Festing ca ngợi thông điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của Đức Thánh Cha về chủ đề bất bạo động. Ông khẳng định rằng đường lối bất bạo động của Đức Thánh Cha “là một điều quý hiếm và rất có giá trị” trong tình hình thế giới hiện nay.

Vị Hiệp Sĩ Tối Cao cũng nhân dịp này bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha.

Thư của vị Hiệp Sĩ Tối Cao được đưa ra trong khi dòng Hiệp sĩ Malta đang có những mâu thuẫn với Vatican qua việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt để điều tra việc sa thải vị Chưởng Ấn của dòng đáng kính này.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Jerusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Ngày 22 tháng 12 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất hòa trong Dòng Hiệp Sĩ Malta sau khi vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội đáng kính này ra quyết định sa thải vị Chưởng Ấn (Chancellor).

Albrecht von Boeselager, là người bị cách chức, đã dính líu vào một chương trình phân phối bao cao su tránh thai để ngăn chặn việc lây lan bệnh liệt kháng (HIV). Tuy nhiên, ông nói rằng vị Hiệp Sĩ Tối Cao của hội Hiệp Sĩ Malta, là Fra Matthew Festing, đã hành động vi phạm hiến pháp của hội khi ra lệnh buộc ông từ chức vì quan điểm ‘liberal’ của mình. Albrecht von Boeselager cũng nói với các ký giả là Đức Hồng Y Raymon Burke, là nhà lãnh đạo tinh thần của dòng, đã tác động trực tiếp vào quyết định buộc ông ta phải bị cách chức.

Trong khi đó, vị Hiệp Sĩ Tối Cao Fra Matthew Festing nói rằng ông không có lựa chọn nào khác hơn là loại bỏ Boeselager vì một “tình huống vô cùng nghiêm trọng và không thể chấp nhận được.”

Theo điều lệ của Dòng Hiệp Sĩ Malta, vị Chưởng Ấn (Chancellor) có thẩm quyền như một vị bộ trưởng ngoại giao.

Uỷ ban điều tra của Vatican sẽ có năm thành viên là Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, nguyên đặc sứ của Vatican tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva; Cha Gianfranco Ghirlanda, một luật sư dòng Tên chuyên về giáo luật; và ba thành viên của các Hiệp sĩ Malta.

Một ngày sau đó, hôm 23 tháng 12, Dòng Hiệp Sĩ Malta ra thông cáo báo chí cho rằng kế hoạch của Đức Thánh Cha là “không thể chấp nhận được”

Thông cáo nói rằng việc lật đổ Albrecht von Boeselager là một “hành động hành chính nội bộ thuộc chủ quyền nhà nước của Dòng Hiệp Sĩ Malta và do đó hoàn toàn thuộc phạm vi thẩm quyền của Dòng.” Thông cáo cho rằng quyết định thành lập ủy ban điều tra của Đức Giáo Hoàng đã dựa trên một “sự hiểu lầm” của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Vị Hiệp Sĩ Tối Cao dù bày tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Cha vẫn bác bỏ khả năng Vatican can thiệp vào “chủ quyền nhà nước” của Dòng này.