NHẬT KÝ BA NGÀY TẾT GIÁP NGỌ 2014

Ngày mồng Một tết.

Theo truyền thống của giáo xứ, bởi vì ngày 30 tết, người Hoa gọi là “tết nhỏ” nhà nhà đều lo việc nhà, nhất là gia đình ăn cơm tối ngày 30 tết rất là quan trọng, gọi là bữa ăn sum họp gia đình (團圓), và đón giao thừa, cho nên không có thánh lễ tất niên, mà chỉ có thánh lễ Tân Niên sáng mồng một tết bắt đầu lúc 10.00h sáng.

Vì là giáo xứ ở thủ đô Taipei, nên giáo dân đa phần phải trở về quê nhà ăn tết, người về miền trung, kẻ về miền nam, có người thì về tận miền đông xa xôi để sum họp với gia đình trong những ngày tết, lại có những gia đình đã chuẩn bị đi nghỉ trong dịp tết, cho nên mình nghĩ thánh lễ Tân Niên chắc sẽ rất ít giáo dân tham dự. Nhưng không ngờ, giáo dân đi lễ đông như ngày Chúa Nhật, ai ai cũng mặc áo mới, phần nhiều là màu đỏ là màu may mắn và là truyền thống của họ, nét vui vẻ trên khuôn mặt của mỗi người, vào cửa nhà thờ là ai ai cũng chào nhau bằng câu: “chúc mừng năm mới”, hoặc “vạn sự như ý” hoặc “ân sủng tràn đầy”.v.v...mọi người đều chúc mình “năm mới chúc cha vui vẻ”, hoặc là “năm mơi chúc cha mạnh khỏe”, lại có những giáo dân lớn tuổi lì xì cho cha sở gọi là lộc đầu năm.

Trong thánh lễ ngoài việc chia sẻ nội dung của bài Tin Mừng “đừng lo âu về ngay mai, vì ngày mai có việc của ngày mai, nhưng trước hết phải tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của nó...” của thánh lễ tân niên, mình nhắc nhở cộng đoàn trong những ngày vui tết đừng uống rượu đến say không biết đường lái xe về nhà (giáo dân cười vui vẻ), đừng đánh bạc ăn thua đủ và cố gắng đi chúc tết bà con bạn bè. Trước khi ban phép lành trọng thể đầu năm mới, mình đề nghị giáo dân ba điểm:

- Một là khi vui tết thì đừng quên Thiên Chúa.

- Hai là khi vui tết thì đừng quên những người nghèo khó.

- Ba là khi vui tết thì đừng quên giữ gìn sức khỏe.

Ở Taiwan có truyền thống là sau thánh lễ tân niên thì có nghi thức kính nhớ tổ tiên, tức là kính nhớ ông bà cha mẹ và những người đã qua đời, giáo dân rất coi trọng việc kính nhớ này, bàn thờ tổ tiên được thiết kế bên đài thánh Giu-se, trước khi đọc bài sách Huấn Ca thì đốt pháo, tiếng pháo nổ vang rền làm mình càng nhớ nhà thêm, tiếng pháo vừa dứt thì nghi thức kính tổ tiên bắt đầu, với một bài đọc sách Huấn ca, đọc ba kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng danh, sau đó là phần lời nguyện cầu cho ông bà tổ tiên, kết thúc bằng việc niệm hương, dâng hoa, dâng rượu và dâng quả.

Nghi thức kính bái tổ tiên xong thì mọi người sắp hai hàng lên hái lộc xuân, lộc xuân là các bao màu đỏ bên trong là một câu Lời Chúa với đồng bạc bằng kẹo sô cô la bọc giấy vàng rất đẹp, mọi người ai cũng vui vẻ lên hái lộc của Chúa và họ rất trang trọng với câu Lời Chúa mà họ hái được.

Thánh lễ kết thúc, mọi người ai nấy ra về vui tết với gia đình, có giáo dân hỏi tết này cha có đi chơi đâu không, mình cười cười nói không đi đâu cả, bởi vì là linh mục truyền giáo, giáo xứ là nhà của mình, thấy giáo dân vui tết với gia đình là mình vui rồi.

Một này tết qua đi trong tiếng pháo đì đùng, ngoài đường xe cộ vắng tanh, bởi vì những người ở Taipei đều về quê ăn tết với gia đình hoặc đi chơi xa. Nhưng đến chiều thì quảng đường từ nhà thờ qua sở thú thì kẹt xe, xe đâu mà nhiều thế, chắc là những người ở quê lên đi chơi sở thú, rồi đi dạo ở hai phố cổ cách nhà thờ khoảng vài phút lái xe hơi, đúng là “dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”...

Mồng Hai Tết

Sáng mồng hai tết thì thánh lễ như ngày thường, nghĩa là cử hành vào lúc 7 giờ sáng, giáo dân khoảng ba bốn chục người, đây là những người thích tham dự thánh lễ ngày thường buổi sáng. Ở Việt Nam, ngày mồng hai tết là ngày lễ cầu cho ông bà tổ tiên, một truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội Việt Nam để nói lên tình yêu của con cháu đối với những bậc sinh thành là ông bà tổ tiên cha mẹ.

Ngày mồng hai tết mình cũng không đi đâu, lễ xong là ngồi trước máy vi tính viết bài, đọc sách, đó là việc “thường ngày” của mình và cũng là niềm vui của đời linh mục.

Đến 10.30 giờ sáng thì tự nhiên mình nổi hứng muốn vào sở thú chụp hình chơi, vì trong sở thú có rất nhiều hoa đẹp. Thế là mang ba lô với hai cái máy chụp hình, sở thú gần nhà thờ, đi bộ thì khoảng nửa giờ, nhưng mang ba lô với hai cái máy thì hơi nặng, hơn nữa trời qua nóng, nắng chang chang, thế là mình quyết định lái xe jeep đi sở thú, đến nơi bảng điện tử bãi đậu xe báo là chỉ còn 12 chỗ trống, nhưng tìm được chỗ trống đó cũng mệt phờ người vì bãi đậu xe quá rộng có thể đậu gần cả ngàn chiếc xe hơi (chính xác là 978 chiếc), trước cổng sở thú là cả một sân rất rộng, nhưng toàn người là người, người đi sở thú, người sắp hàng rồng rắn dài hơn cả cây số chờ mua vé ngồi “xe treo” lên Maokong đi dạo và thưởng thức hoa đào hoặc nhâm nhi trà ô long nổi tiếng của xứ Đài.

Vì trời nắng chang chang, người đông như kiến nên khi vào trong sở thú rồi mà không chụp được tấm hình nào là hoa cả, ở đây người ta cũng xếp hàng dài để đợi vào coi gấu trúc, chỉ thấy người với người, do đó mà mình lại trở về nhà, dù chỉ mới vào được năm mười phút.

Về nhà định bụng là viết những bài viết đang dở dang, dịch những câu chuyện hay từ tiếng Hoa qua tiếng Việt, và đọc báo. Ngày tết mà làm như thế thì hơi phí cuộc đời, tết mà không đi đâu cả thì tết làm gì, nhưng cái mình thích nhất là trong mấy ngày tết là nhà thờ vắng người, yên tĩnh và một mình ta với ta.

Đang viết bài thì điện thoại reo, có nhóm các thầy và các anh chị em công nhân ở Fuda (gọi là Fuda, vì những anh chị em này thường đến viện thần học trường đại học Phụ Nhân để dự lễ bằng tiếng Việt vào chiều Chúa Nhật, do các cha Việt nam của dòng Tên phụ trách, và có các thầy dòng Tên, dòng Đa Minh và dòng Phan-xi-cô người Việt Nam giúp phụ trách giáo lý, tập hát...) đến chúc tết mình. Đúng 1.30h chiều thì các thầy và các công nhân và các cô dâu đến, như năm ngoái các thầy và các anh chị em vào thẳng nhà thờ hái lộc, chụp hình kỷ niệm và cầu nguyện, sau đó mới lên phòng khách của mình.

Rút kinh nghiệm năm ngoái đến giáo xứ mình thì chỉ có ăn mì gói (vì không ai nhóm chợ, các tiệm ăn cũng không mở, bởi vì mình ăn tết một mình nên không chuẩn bị gì cả, (dù giáo dân nói sẽ đem thức ăn đến để mình ăn trong mấy ngày tết nhưng mình không bằng lòng, bởi vì ăn uống ít và không điều độ, đói mới ăn, nên có khí cả hai ngày mà không ăn gì cả, chỉ ăn trái cây và uống nước, đó là “phép” dưỡng sinh của mình), nên các thầy và anh chị em công nhân và cô dâu (17 người) đem theo đồ ăn đến để nấu ăn, bởi vì mọi người đều biết mình không biết nấu ăn, chỉ ăn mì gói, trái cây và uống cà phê...

Vì có nhóm Fuda đến nên phòng khách và nhà bếp của mình náo nhiệt hẳn lên, vui vẻ và ấm cúng, mấy cô thì nấu bếp, các anh thì chơi cờ domino hoặc phụ bếp với các cô, mình thì ra quán mua bia và rượu để đãi nhóm, mỗi người một công việc rất vui vẻ...Ai cũng ăn tết xa nhà nên mọi người đều rất hòa đồng vui vẻ, hai thầy dòng Đa Minh thì qua học thần học và triết học tại viện thần học Fuda, các anh chị công nhân thì qua Taiwan làm việc, tết được nghỉ nên cũng nhớ nhà, các cô dâu thì dù lấy chồng người Đài, nhưng lòng đạo của họ đáng phục, có lẽ vì sự giáo dục đức tin ở quê nhà làm cho họ sống đức tin ở nơi quê người cách đáng nể.

“Tết” là một chữ ngắn gọn nhưng hàm rất nhiều ý nghĩa thân thương làm cho những người Việt Nam xa nhà gợi nhớ quê hương, tết làm ấm lại những tâm hồn nơi những người xa quê, tết làm cho tình yêu đơm hoa kết trái, tết làm chạnh lòng những người ta phương cầu thực. Bất kỳ bạn là ai và dù bạn ở đâu trên trái đất này, thì tết vẫn là một chữ thân thương gợi nhớ hồi tưởng những ngày tết trên quê hương của mình, làm cho mình bồi hồi nhớ nhà, nhớ những ngày trước tết đi chợ hoa, cùng bạn bè vui trong những chén rượu xuân nồng, cùng với những lời chúc tết quen thuộc nhưng trang trọng. Vì ngày mồng hai tết nhằm ngày thứ bảy nên buổi tối có thánh lễ ngày Chúa Nhật, thế là mọi người dọn dẹp rửa chén rồi chia tay, trả lại sự im lặng ngày thường cho phòng khách và nhà bếp của mình.

Mồng hai tết được kết thúc bởi thánh lễ tối, giáo dân đi lễ ít hơn, thánh lễ xong thì mọi người ra về, mình lại lên phòng tiếp tục làm việc cho trọn vẹn ngày mồng hai tết.

Mồng Ba Tết

Mồng Ba Tết nhằm ngày Chúa Nhật, không khí tết vẫn còn bay lượn trong không gian, ngoài đường xe cộ ồn ào, đây đó có những tiếng pháo nổ dòn của những người khai trương cửa hàng đầu năm mới, thỉnh thoảng lại nghe tiếng hú dồn dập của xe cứu thương chạy qua. Giáo dân vẫn đến nhà thờ dâng lễ như các ngày Chúa Nhật khác, nhà thờ vẫn có hai thánh lễ như mọi ngày Chúa Nhật, nhà thờ vẫn chật kín và ai cũng vui vẻ phấn khởi khi tiến vào nhà Chúa để tán tụng ca ngợi Ngài.

Trong bài giảng mình đã chia sẻ với giáo dân rằng: mồng ba tết là ngày thánh hóa công việc làm ăn của Giáo Hội Việt Nam, các cửa tiệm khia trương đều có đốt pháo để cầu may mắn, người ki-tô hữu chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa và thực hành lời dạy của Ngài là phải làm cho vũ trụ ngày càng đẹp thêm. Trong ngày đầu năm mới, chúng ta đem công việc làm ăn của mình dâng lên Chúa để xin Ngài thánh hóa và chúc lành, đó chính là một thái độ không những biết ơn, mà còn là một cử chỉ đầy sự phó thác cho Thiên Chúa quan phòng, bởi vì chúng ta đổ mồ hôi lao nhọc để làm việc, nhưng thành quả chính là bởi Thiên Chúa ban cho...

Sau thánh lễ mọi người lại chúc nhau năm mới an khang –mình ngạc nhiên là giáo dân ít chúc nhau “năm mới phát tài” như những người khác hoặc như ở Việt Nam chúng ta thường chúc nhau năm mới phát tài, còn ở đây giáo dân chúc nhau năm mới an khang, mạnh khỏe hoặc là ân sủng Chúa tràn đầy. Có giáo dân nói với mình là ngày mồng Ba têt thánh hóa công việc làm ăn thật có ý nghĩa, lần đầu tiên họ mới nghe nói đến (thực ra năm nào mình cũng nhắc nhở và lưu ý giáo dân ngày mồng ba tết là thánh lễ thánh hóa công việc làm ăn), có lẽ họ không nhớ hoặc là giáo dân mới đến giáo xứ mà thôi.

Hôm nay lớp giáo lý dự tòng liên hoan mừng năm mới, đó là những nét sinh hoạt mà những người phụ trách đã đề ra, để cho các dự tòng và những người giúp họ tìm hiểu về giáo lý của Giáo Hội được thân mật liên kết với nhau hơn. Chương trình học giáo lý là một năm, ngoài việc học giáo lý căn bản ra, thì các giáo lý viên còn co những buổi để cho các dự tòng chia sẻ tâm linh của mình tại sao đến với đạo Công Giáo, hoặc là tại sao họ lại có thiện cảm với Giáo Hội.v.v... cùng với nhiều chương trình khác mà người phụ trách và các giáo lý viên lên chương trình để những người dự tòng cảm thấy thoải mái khi đến với Chúa.

Mồng Ba tết cũng như mọi ngày Chúa Nhật khác, lễ xong thì mọi người rộn ràng tay bắt mặt mừng, khoảng một giờ sau thì trả lại sự yên tĩnh cho nhà thờ.

Ngoài đường xe cộ đông hơn mọi năm, vì tết năm nay thời tiết rất đẹp, phải nói là đặc biệt hiếm có, trời nắng ấm, có khi chói chang như mùa hè, dù đang là mùa đông, cho nên mọi người đều đổ ra đường đi du xuân, nhất là những điểm vui chơi tham quan: nào là sở thú, các phố cổ, vườn hoa và các chùa chiền đều đông nghẹt người là người. Trên truyền hình, chính phủ cũng yêu cầu dân chúng ra khỏi nhà đi vui tết cho giản gân cốt, lưu ý cha mẹ nên dẫn con cái đi chơi, đừng để chúng nó cắm cúi vào vi tính hoặc ipad, hoặc những trò chơi điện tử nhiều...

Tết đến hoặc tết đi, thì công việc của một linh mục truyền giáo như mình thì vẫn như mọi ngày: lễ xong lên phòng làm việc, suy tư, viết lách, thỉnh thoảng đi lui đi tới trong phòng để thư giản và tìm ý. Thiên Chúa đã đặt mình ở đây hoặc bất kỳ ở đâu là để mình thực hiện thánh ý của Ngài, như lời trong thánh vịnh nói: “Lạy Thiên Chúa của con, xin hãy nhìn, này con đã đến để thi hành ý Chúa cách vui tươi” (Tv 39). Thi hành ý Chúa chính là chu toàn bổn phận của mình cách vui vẻ; thi hành ý của Chúa chính là ý thức bổn phận của mình trong cuộc sống, và nhất là ý thức mình là một đầy tớ vô dụng được Chúa sai đi để làm công việc của Ngài.

Rồi ba ngày tết cũng qua đi, đường phố lại ồn ào vì tiếng xe cộ, người ta lại ùn ùn trở về thành phố chuẩn bị cho công việc làm ăn, đâu đó cũng còn vài tiếng pháp nổ và truyền hình thì nhạc xuân vẫn vang lên vui nhộn...

Người linh mục truyền giáo thì một ngày vẫn như mọi ngày ở trong nhà Chúa, ăn cơm nhà Chúa và làm việc cho Chúa như một đầy tớ vô dụng: làm hết sức mình và phó thác cho Chúa...

-------------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai